GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 22/12/2005

Trước Giáng Sinh

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 21/12/2005 về Biểu Hiệu Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh

   ĐTC Biển Đức XVI với Công Đồng Chung Vaticanô II – Giọt Độc Dược Nguyên Tội  

?  Trào Lưu Duy Nhân Bản: Giáo Hội ngăn chặn việc gieo cỏ lùng trong ruộng lúa

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 21/12/2005 về Biểu Hiệu Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh.

 

Buổi triều kiến chung hôm nay diễn ra trong một bầu không khí vui tươi và hết sức mong chờ lễ Giáng Sinh giờ đây đã gần tới. Chúa Giêsu đang đến! Chúng ta sống những ngày này trong nguyện cầu, dọn lòng để cảm nghiệm được niềm vui của việc Đấng Cứu Chuộc hạ sinh. Đặc biệt là trong tuần lễ cuối cùng của Mùa Vọng này, phụng vụ hỗ trợ và nâng đỡ cuộc hành trình nội tâm của chúng ta bằng những lời mời gọi lập đi lập lại là hãy tiếp nhận Đấng Cứu Thế, bằng việc nhìn nhận Người nơi Con Trẻ khiêm hèn nằm trong máng cỏ.

 

Đó là mầu nhiệm Giáng Sinh, một mầu nhiệm chúng ta có thể hiểu hơn nữa qua rất nhiều biểu hiệu. Trong những biểu hiệu này là biểu hiệu ánh sáng, một biểu hiệu có một ý nghĩa thiêng liêng phong phú nhất và là biểu hiệu tôi muốn chia sẻ chút xíu.

 

Lễ Giáng Sinh, ở bán cầu của chúng ta đây, trùng hợp với thời gian trong năm xẩy ra hiện tượng mặt trời chấm dứt đường biểu diễn đi xuống của nó, để bắt đầu giai đoạn của thời gian ánh sáng ban ngày dần dần tăng lên, theo tiến trình liên tục của các mùa thời tiết. Điều này giúp chúng ta hiểu hơn vấn đề về ánh sáng là những gì thắng vượt bóng tối. Nó là một biểu hiệu gợi lên một thực tại ảnh hưởng tới nội tâm của con người: Tôi đang muốn nói tới ánh sáng của sự thiện thắng vượt sự sữ, của yêu thương thắng vượt hận thù, của sự sống chiến thắng sự chết.

 

Giáng Sinh làm cho chúng ta nghĩ về thứ ánh sáng nội tâm này, về thứ ánh sáng thần linh lại cho chúng ta thấy việc loan báo chiến thắng cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết. Đó là lý do, trong tuần cửu nhật Lễ Giáng Sinh thánh chúng ta hiện đang sống đây có nhiều ám chỉ quan trọng về ánh sáng.

 

Chúng ta cũng được nhắc nhở về nó qua bài tụng ca ở đầu cuộc gặp gỡ của chúng ta đây. Chúa Cứu Thế vị các quốc gia trông đợi được chào như Mặt Trời Lên, như vị tinh tú soi chiếu đường đi nước bước và hướng dẫn con người, những kẻ lữ hành bước đi giữa tăm tối và hiểm nguy trên thế giới hướng về ơn cứu độ được Thiên Chúa hứa ban và được hiện thực nơi Đức Giêsu Kitô.

 

Để sửa soạn mừng Chúa Cứu Thế hạ sinh bằng niềm vui trong gia đình và trong cộng đồng giáo hội – trong lúc có một số văn hóa tân tiến và hưởng thụ đang cố gắng để làm cho những biểu hiệu của Kitô Giáo của việc cử hành Giáng Sinh biến mất – chúng ta hãy quyết tâm hiểu biết giá trị của những truyền thống Giáng Sinh, những truyền thống là phần gia sản của đức tin và văn hóa của chúng ta, để truyền đạt chúng lại cho các thế hệ mới.

 

Đặc biệt là khi thấy đường phố và các khuôn viên thành phố của chúng ta được trưng bày với những thứ ánh sáng lấp lánh, chúng ta hãy nhớ rằng những thứ ánh sáng này gợi lên cho thấy một thứ ánh sáng khác, mắt chúng ta bất khả thấy, những lòng chúng ta lại thấy. Chiêm ngưỡng chúng, khi châm những ngọn nến trong các nhà thờ hay Hang Đá và các bóng đèn ở cây Giáng Sinh tại nhà, chớ gì tinh thần của chúng ta hướng về ánh sáng thiêng liêng chân thật được mang đến cho tất cả mọi người nam nữ thiện tâm. Thiên Chúa ở với chúng ta, sinh ra tại Bêlem, bởi Trinh Nữ Maria, là Ngôi Sao cho đời sống của chúng ta!

 

“Hỡi Mặt Trời Lên, rạng ngời ánh sáng đời đời, là mặt trời công chính, xin hãy đến, hãy chiếu soi những ai còn nằm trong tăm tối cũng như trong bóng tối sự chết”. Khi xướng lên lời nguyện cầu này của phụng vụ hôm nay, chúng ta hãy cầu cùng Chúa hãy mau mắn đến trong vinh quang giữa chúng ta, giữa tất cả những ai đang khổ đau, như thể chỉ có ở nơi Người họ mới tìm thấy câu giải đáp cho những mong chờ thực sự của trái tim nhân loại.

 

Xin Ngôi Sao ánh sáng này không bao giờ lặn này, hãy truyền đạt cho chúng con sức mạnh để chúng con luôn  đi theo con người chân lý, công chính và yêu thương! Chúng ta hãy sống thiết tha những ngày trước Giáng Sinh cùng với Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ thầm lặng và tuân thủ. Xin Mẹ, Vị hoàn toàn được vây bủa bởi ánh sáng Thánh Linh, xin giúp chúng con hiểu biết và sống trọn vẹn nầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Kitô.

 

Với những cảm thức ấy, xin anh chị em hãy làm sống động niềm suy tưởng nội tâm này bằng niềm thiết tha mong đợi việc cử hành giờ đây đã gần đến ngày Chúa hạ sinh, và trong hân hoan tôi chúc tất cả anh chị em nơi đây, gia đình của anh chị em, cộng đồng của anh chị em, và các người thân yêu của anh chị em một Giáng Sinh thánh đức và hạnh phúc.

 

Chúc tất cả anh chị em một Giáng Sinh vui tươi!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/12/2005

 

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI với Công Đồng Chung Vaticanô II – Giọt Độc Dược Nguyên Tội

 

Bài Giảng Kỷ Niệm 40 Năm Bế Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: tại Đền Thờ Thánh Phêrô 8/12/2005

 

(tiếp 20 Thứ Ba 21 Thứ Tư)

 

Anh chị em thân mến, nếu chúng ta thành tâm suy nghĩ về mình và về lịch sử của chúng ta, chúng ta phải nói rằng trình thuật này đã cho thấy chẳng những lịch sử thời nguyên thủy mà còn lịch sử của mọi thời đại nữa, và tất cả chúng ta mang trong bản thân mình một giọt độc dược của cách thức suy tư được thấy rõ nơi các hình ảnh của Sách Khởi Nguyên này.

 

Chúng ta gọi giọt độc dược này là “nguyên tội”. Chính trong ngày lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội này mà chúng ta thấy được mối ngầm ngờ vực là một con người không phạm tội thực sự phải nói rằng họ là một con người buồn tẻ, và đời sống của họ thiếu vắng một cái gì đó: đó là chiều kích bi thảm của việc sống tự động, đó là quyền tự do chối từ, quyền tự do đi sâu vào những vùng tăm tối của tội lỗi và tự do làm những gì mình muốn; đó là chỉ tới bấy giờ chúng ta mới có thể thực hiện tối đa tất cả những gì là to tát và sâu xa của hữu thể nam nữ chúng ta, của việc thực sự là mình; đó là chúng ta cần phải thử cái tự do của mình, cho dù có phản nghịch lại Thiên Chúa, để thực sự hoàn toàn trở thành chính bản thân mình.

 

Tóm lại, chúng ta nghĩ rằng sự dữ căn bản là tốt, chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần đến nó, ít là một chút, để cảm nghiệm được cái trọn vẹn của hữu thể. Chúng ta nghĩ rằng Mephistopheles – tên cám dỗ – đúng khi hắn nói rằng hắn là một quyền lực “luôn muốn sự dữ và luôn làm sự lành” (J.W. von Goethe, “Fault” I,3). Chúng ta nghĩ rằng một chút mặc cả với sự dữ, khi giữ cho mình một chút tự do phạm đến Thiên Chúa, căn bản là một điều tốt, thậm chí là một điều cần thiết.

 

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào thế giới bao quanh chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng nó lại không phải là như thế; nói cách khác, sự dữ bao giờ cũng độc hại, không thăng hóa con người mà hạ giá và đầy đọa họ. Nó không làm cho họ cao cả hơn tí nào, tinh tuyền hơn hay sang giầu hơn, mà là tác hại họ và thu hẹp họ lại.

 

Đó là những gì chúng ta thực sự cần phải học hỏi trong ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm: Con Người hoàn toàn phó mình vào bàn tay Thiên Chúa không trở thành người nộm của Thiên Chúa, một “con người xin vâng” tẻ nhạt; họ không mất quyền tự do của mình. Chỉ có con người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa mới được tự do thực sự, một thứ tự do hành thiện cao cả đầy sáng tạo.

 

Con người hướng về Thiên Chúa không trở thành nhỏ bé hơn mà là cao cả hơn, vì nhờ Thiên Chúa và với Thiên Chúa, họ trở nên cao cả, họ trở thành thần linh, họ thực sự trở thành chính mình. Con người đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa không tách mình khỏi người khác, khi thu mình vào việc cứu độ tư riêng; trái lại, chỉ tới lúc ấy lòng họ mới thực sự bừng tỉnh và họ trở thành một con người nhậy cảm nhờ đó nhân hậu và cởi mở.

 

Một người càng gần Thiên Chúa họ càng gần với con người. Chúng ta thấy điều này nơi Mẹ Maria. Sự kiện Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa là lý do tại sao Mẹ rất gần gũi với con người. Vì thế mà Mẹ có thể là Mẹ của mọi niềm ủi an và mọi sự trợ giúp, một Người Mẹ mà bất cứ ai cũng có thể nói đến bất cứ loại nhu cầu nào về yếu đuối và tội lỗi, vì Mẹ hiểu biết mọi sự và, đối với mọi người, Mẹ là thứ quyền năng cởi mở của sự thiện hảo sáng tạo.

 

Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã in ấn hình ảnh của Ngài, hình ảnh của Đấng theo con chiên lạc của mình cho tới tận các đồi núi và giữa các bụi gai tội lỗi trên thế giới này, để mình bị xâu xé bởi mạo gai những tội lỗi ấy hầu vác chiên trên vai mang về nhà.

 

Là một người mẹ xót thương, Mẹ Maria là hình ảnh tiền thân và là bức chân dung vĩnh viễn của Người Con. Như thế, chúng ta thấy rằng hình ảnh của Người Trinh Nữ Sầu Thương, của Người Mẹ, vị chia sẻ khổ đau của mình và tình yêu của mình, cũng là hình ảnh thực sự của Mẹ Vô Nhiễm. Trái tim của Mẹ đã được nới rộng bằng việc Mẹ cùng với Thiên Chúa hiện hữu và cảm nhận. Nơi Nẹ, sự thiện hảo của Thiên Chúa trở nên rất gần gũi với chúng ta.

 

Vậy Mẹ Maria đứng trước chúng ta như một dấu hiệu của niềm ủi an, phấn chấn và hy vọng. Mẹ hướng về chúng ta mà nói: “Hãy can đảm thách thức Thiên Chúa! Hãy thử làm như thế! Đừng sợ Ngài! Hãy can đảm liều mình sống đức tin! Hãy can đảm liều mình sống thiện hảo!  Hãy can đảm liều mình sống bằng một con tim tinh tuyền! Hãy dấn thân cho Thiên Chúa thì các con sẽ thấy rằng chính nhờ làm thế mà cuộc sống của các con mới trở nên nẩy nở và nhẹ nhàng, không tẻ nhạt mà tràn đầy vô vàn những hào hứng phấn khởi, vì sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa không bao giờ hao mòn!”

 

Vào ngày lễ này đây, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về dấu hiệu cả thể của sự thiện hảo Người đã ban cho chúng ta nơi Mẹ Maria, Mẹ của Người và Mẹ của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin Người hãy đặt Mẹ Maria trên con đường chúng ta đi như một thứ ánh sáng cũng giúp chúng ta trở thành ánh sáng và chiếu  ánh sáng này vào đêm tối lịch sử. Amen.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi_hom_20051208_anniv-vat-council_en.html

 

(những tiểu đề là do người dịch bản Việt ngữ này tự động thêm vào)

 

 

TOP

 

 

? Trào Lưu Duy Nhân Bản: Giáo Hội ngăn chặn việc gieo cỏ lùng trong ruộng lúa

Ngày 19-11-1995, Tổ chức "Wir sind Kirche" (Chúng Ta là Giáo Hội) ở Đức cho biết là họ đã nhận được hai tấn giấy tờ, mang chữ ký của 1 triệu 8 trăm ngàn người, trong đó có gần 1 triệu rưỡi là Công Giáo Rôma ở Đức, kêu gọi thực hiện một giáo hội dân chủ mới mẻ hơn, theo 5 điểm chính yếu sau đây:

1. Một giáo hội anh chị em' (như kiểu Hội Nghị Nữ Tu trang 201-203)
2. Quyền bình đẳng cho giới phụ nữ' (như cho phụ nữ làm linh mục)
3. Độc thân tùy ý' (như cho linh mục được phép lập gia đình)
4. Một thẩm giá tích cực hơn về tình dục' (như đồng tính/nữ luyến ái)
5. Một sứ điệp vui tươi hơn là dọa nạt. (Quyền Giáo Huấn để làm cảnh)

Bản văn có tính cách thuần túy dân chủ hợp thời này và mang tinh thần "bỏ đạo tập thể" (1Thes.2:3) cuối thời như thế còn được thêm 500 ngàn chữ ký ở Áo quốc. Ngoài ra, nó cũng đã được hai nhà thần học vừa nổi tiếng vừa cấp tiến là Hans Kung và Bernard Haring nhiệt liệt ủng hộ.

Ngày 24-11-1995, tức 5 ngày sau khi bản tin trên đây được phổ biến, ĐTC Gioan-Phaolô II đã chia sẻ nhận định và ý định của mình với hội đồng Thánh Bộ Đức Tin như sau:

"Ngày nay chúng ta phải ghi nhận là có một sự hiểu lầm lan rộng về ý nghĩa và vai trò nơi Quyền Giáo Hội Giáo Huấn.

"Đây là căn gốc của những bình phẩm và chống đối trước những công bố của Quyên Giáo Huấn của Giáo Hội, như qúi huynh đã đặc biệt vạch ra liên quan đến các phản ứng đối với không ít những vấn đề thần học và giáo hội cho đến những văn kiện mới nhất của Quyền Giáo Hoàng Giáo Huấn: Thông điệp 'Veritatis Splendor' về những nguyên tắc của tín điều luân lý và sự sống' thông điệp 'Evangelium Vitae' về giá trị bất khả phạm của sự sống con người' Tông thư 'Ordinatio Sacerdotalis" về việc không thể phong chức linh mục cho nữ giới' và Văn Thư của Thánh Bộ phụ trách Tín Điều Đức Tin về việc hiệp lễ đối với tín hữu ly dị rồi tái hôn... (số 4)

"Trong các Thông Điệp 'Veritatis Splendor' và 'Evangelium Vitae' cũng như trong Tông Thư 'Ordinatio Sacerdotalis', Ta muốn nêu lên, một lần nữa, tính cách liên tục của tín điều nơi niềm tin của Giáo Hội, bằng việc xác nhận những chân lý hiển nhiên đối với Thánh Kinh, với Tông Truyền và với giáo huấn đồng nhất của các Vị Chủ Chăn. Bởi vậy, những tuyên ngôn này, bằng quyền bính được truyền ban cho Vị Thừa Kế thánh Phêrô để làm cho anh em mình vững vàng' (Lk.22:32), nói lên tính cách chắc chắn chung hiện diện trong đời sống cũng như giáo huấn của Giáo Hội.

"Do đó, thật là khẩn thiét trong việc phải làm sao để phục hồi được quan niệm chuyên chính về quyền bính, không những ở lãnh vực khi được thẩm quyền long trọng công bố, mà còn, sâu xa hơn nữa, ở cả lãnh vực nó được dùng để bảo đảm, an toàn và hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo được liên tục trung thành với Thánh Truyền, nhờ đó, các tín hữu có thể gắn bó với giáo huấn của các Tông Đồ và với nguồn mạch của chính thực tại Kitô giáo này". (số 6) (ITV 1/1996, tr.13)

Từ ngày 8-12-1964, Đức Thánh Cha Piô IX đã lên án, trong Bản Liệt Kê 80 Điều Sai Lầm, những chủ trương duy nhân bản sặc mùi vô thần này, chẳng hạn ngài đã lên án các điều sau đây:

4. "Tất cả những sự thật về tôn giáo phát xuất từ khả năng tự nhiên của lý trí con người' bởi thế, lý trí là luật chính yếu nhờ đó con người có thể chiếm được và phải chiếm được kiến thức về tất cả những chân lý trong đủ mọi phương diện..

5. "Mạc khải thần linh bất toàn, bởi đó, phải trải qua một tiến triển liên tục vô hạn định, xứng hợp với bước tiến của lý trí con người.

6. "Đức tin vào Đức Kitô phản lại với lý trí con người' và mạc khải thần linh chẳng những chẳng có lợi gì mà còn làm hại cả đến tầm mức toàn vẹn của con người nữa.

40. "Tín điều của Giáo Hội Công Giáo phản lại với phúc lợi của xã hội loài người.

42. "Trong trường hợp có những tương phản luật lệ giữa hai thẩm quyền, thì luật dân sự vẫn hơn.

56. "Những luật lệ về luân lý không cần đến tính cách chế tài thần linh, và các luật lệ nhân tạo cũng không cần phải am hợp với luật tự nhiên hay không cần phải nhận được hiệu lực từ Thien Chúa.

80. "Giáo hoàng Rôma có thể và phải tự dung hợp với đà tiến triển, với khuynh hướng giải phóng cũng như với nền văn minh tân tiến.. (RCH trang 992-996)

Chưa hết, ngày 3-7-1907, Thánh Giáo Hoàng Piô X, trong sắc lệnh "Lamentabili Sane", còn lên án 65 chủ trương của Tân Tiến Thuyết, ', chẳng hạn như những sai lầm tiêu biẻu sau đây:

4. "Ngay cả được định tín đi nữa, Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội cũng không thể nào xác định được ý nghĩa chuyên chính của các Sách Thánh.

11. "Linh ứng thần linh không áp dụng cho tất cả mọi Sách Thánh, để làm cho các phần của mình, từng phần cũng như mọi phần, tránh khỏi sai lầm.

20. "Mạc khải chẳng có là gì khác ngoài ý thức con người có được về mạc khải của mình đối với Thiên Chúa.

21. "Mạc khải làm nên đối tượng của Đức Tin Công Giáo chưa hoàn tất nơi các Tông Đồ.

22. "Tín điều mà Giáo Hội nắm giữ như được mạc khải không phải là những sự thật từ trời rơi xuống. Chúng là sự cắt nghĩa về những dữ kiện tôn giáo mà tâm trí loài người có được nhờ nỗ lực.

26. "Tín điều Đức Tin được nắm giữ chỉ theo ý nghĩa cụ thể mà thôi' tức là theo những tiêu chuẩn cảm nhận của việc làm, chứ không theo những tiêu chuẩn tin tưởng.

55. "Simon Phêrô cũng chưa hề đặt vấn đề là Đức Kitô đã trao quyền thủ lãnh cho mình trong Giáo Hội.

56. "Giáo Hội Rôma trở thành thủ lãnh của mọi giáo hội không phải là do ấn lệnh của Sự Quan Phòng Thần Linh, mà chỉ là nhờ những điều kiện chính trị.

57. "Giáo Hội đã tỏ ra thù địch với đà tiến triển của các khoa học tự nhiên cũng như thần học.

58. "Chân lý không còn bất biến hơn chính con người nữa, vì nó xoay vần với, trong và qua con người. (PDG trang 71-77)

(còn tiếp)

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ