GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 10/7/2005

TUẦN XV QUANH NĂM

 

1) Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI về Thánh Thể: Ngắn Hơn, Cởi Mở và Đại Kết

2) ĐTC GPII: Người Gieo Giống Tốt Tha Nợ Quốc Tế vào Mảnh Đất Thế Giới Tân Tiến

3) Cử Hành Thánh Thể: Phụng Vụ Thánh Thể - Phần Hiến Tế (tiếp)

 

Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI về Thánh Thể: Ngắn Hơn, Cởi Mở và Đại Kết

Thứ Năm 7/7/2005, trong một cuộc họp báo, ĐTGM Nikola Eterovic, tổng thư ký của thượng nghị này đã cho biết về việc thay đổi phương pháp và đường lối tổ chức của thượng nghị, những thay đổi đã được sự đồng ý của ĐTC. Ở chỗ, chia giờ cho tham dự viên được tự nhiên bày tỏ, và sẽ có gấp đôi số đại diện thuộc các giáo phái Kitô hữu khác. Chủ đề vẫn về Thánh Thể: “Thánh Thể là Mạch Nguồn và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”.

Thượng nghị này ngắn hơn các lần trước, chỉ kéo dài 3 tuần (2-23/10) thay vì 4 tuần như được ĐTC GPII dự định trước đây (2-29/10).

Vì ngắn ngày hơn nên mỗi tham dự viên được 6 phút thay vì 8 phút như trước đây để bày tỏ. “Lý do chính trong việc giảm bớt này là vì mỗi ngày, từ 6 đến 7 giờ chiều, vào lúc kết thúc của mỗi phiên họp chung, các tham dự viên được tự do phát biểu rồi”.

Phương pháp này sẽ “cho các phần tử có thể yêu cầu để hiểu hơn những gì đã được các vị nghị phụ đã lên tiếng trong cuộc họp”.

Những cuộc bàn luận công khai sẽ được điều hợp bởi các vị chủ tịch đại diện cho cuộc thượng hội này đó là ĐHY Francis Arinze của Thánh Bộ Thờ Phượng và Bí Tích; ĐHY Juan Sandoval Iniguez, TGM Guadalajara Mễ Tây Cơ; và ĐHY Telesphorre Toppo TGP Ranchi Ấn Độ. Những cuộc bàn luận này sẽ được trao đổi bằng 5 ngôn ngữ chính là Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Trong quá khứ có một số vị còn nói tiếng Latinh nữa.

Có tất cả là 12 nhóm hoạt động là các nhóm sẽ viết các bản dự thảo được đệ trình ĐTC, và căn cứ vào đó, ngài sẽ viết một Tông Huấn hậu thượng nghị.

ĐTGM Eterovic cho biết: “Hy vọng là các bản dự thảo này sẽ không lập lại tín lý truyền thống của Giáo Hội mà hướng đến chỗ cổ võ một sự canh tân về việc áp dụng mục vụ cùng việc cử hành phụng vụ của bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội hoàn vũ”.

Như các cuộc thượng nghị giám mục thế giới trước đây, con số tham dự viên ở vào khoảng 250 vị. Chỉ có một thay đổi liên quan đến con số tham dự này là việc gia tăng đáng kể nơi “thành phần đại biểu huynh đệ” thuộc các giáo phái Kitô hữu khác mà thôi.

Thật vậy, ĐTGM Eterovic cho biết: “Trong các cuộc thượng nghị giám mục đã qua chỉ có 6 giáo hội và cộng đồng Kitô hữu tham dự, nhưng cuộc thượng nghị tới đây con số tăng lên tới 12 thuộc các Giáo Hội Chính Thống, các giáo hội cổ Đông Phương, và các cộng đồng thuộc phong trào Cải cách. Điều này có thể cho thấy đó là một trong những cử chỉ cụ thể về đại kết được ĐTC BĐXVI phát động ngay từ khi mở màn cho giáo triều của ngài”.

Ngoài ra, vị TGM này còn cho biết đến cả vấn đề kỹ thuật tối tân được sử dụng trong cuộc thượng nghị tới đây nữa, như “viễn chiếu ảnh (tele-video) và bỏ phiếu bằng điện tử (electronic voting) đối với những vấn đề không quan trọng lắm”: “Những thay đổi này là để nhắm đến việc làm cho cuộc đối thoại được dễ dàng hơn và lợi ích hơn nơi các nghị phụ khi thi hành đoàn tính cho có hiệu quả và tác dụng giữa các vị với nhau cũng như với ĐTC là thủ lãnh hữu hình của hàng giáo phẩm”.

Cũng trong buổi họp báo tại văn phòng báo chí của Tòa Thánh này, văn kiện “Instrumentum laboris” là văn kiện gợi ý để các nghị phụ bàn luận trong cuộc thượng nghị tới đây. Vị TGM bí thư của cuộc thượng nghị này cho biết chính ĐTC BĐXVI đã rút ngắn thời gian của cuộc thượng nghị này lại ít hơn 1 tuần. Ngoài ra, ĐTC cũng đồng ý giành một trong những cuộc họp cho việc tưởng niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II. Tổng cộng, từ Công Đồng Chung này, sau 40 năm, có tất cả 21 Thượng Hội Giám Mục Thế Giới: 11 cuộc thường lệ, 2 cuộc ngoại lệ và 8 cuộc đặc biệt (theo châu lục).

 Tâm Phương, theo Zenit ngày 7/7/2005

 

TOP


ĐTC GPII: Người Gieo Giống Tốt Tha Nợ Quốc Tế vào Mảnh Đất Thế Giới Tân Tiến

 

Qua dụ ngôn gieo giống vào 4 môi trường khác nhau này, chúng ta thấy hiện lên tiến trình tu đức của Kitô giáo. Thứ nhất là trình độ tu đức “vệ đường”, cho thấy linh hồn chủ quan cố chấp không thể hay chưa thể chấp nhận chân lý, như trường hợp thành phần Pharisiêu hay luật sĩ Do Thái ngày xưa; thứ hai là trình độ tu đức “sỏi đá”, cho thấy linh hồn ở giai đoạn khởi sinh sống theo tình cảm và lý trí tự nhiên, như trường hợp một số môn đệ sau khi nghe bài giảng về Bánh Hằng Sống đã bỏ đi vì chói tai; thứ ba là trình độ tu đức “bụi gai”, cho thấy linh hồn sống ở giai đoạn tiến sinh, như một Matta bị các lo toan chi phối đời sống nội tâm; thứ bốn là trình độ tu đức “đất tốt”, cho thấy linh hồn tiến đến giai đoạn hiệp sinh, như trường hợp Maria chỉ chuyên tâm đến Chúa, nghe và giữ Lời Chúa vậy.

Vị Trưởng Ngân Khố Hiệp Vương Quốc là Gordon Brown đã tuyên bố hôm Thứ Bảy 11/6/2005 là Thượng Nghị G8 (gồm các đệ nhất quốc gia bát cường về kinh tế trên thế giới là Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Ý, Nga và Gia Nã Đại) đã đồng ý hủy nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới hiện nay hoàn toàn ở Phi Châu (và hầu hết thuộc vùng hạ mạc Sahara, một vùng có tổng số nợ quốc tế 68 tỉ) là Benin, Bolivia, Burkina Faso, Ethiopia, Ghana, Guyana, Honduras, Madagascar, Mali, Mauritania, Mazambique, Nicaragua, Niger, Rwanda, Senegal, Tanzania, Uganda và Zambia.

 

Số nợ 40 tỉ mà 18 quốc gia nghèo nhất thế giới này là những gì họ cần phải trả cho Ngân Hàng Thế Giới, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu. Hôm Chúa Nhật 12/6/2005, tờ nhật báo bán chính thức của Tòa Thánh Vatican là L’Osservatore Romano cũng đã có lời khen ngợi quyết định này của Thượng Nghị G8 họp ở Luân Đôn, một thượng nghị đã nhắc lại rằng ĐGH GPII đã nêu lên “đoạn đường” này cho “cộng đồng quốc tế” tiến bước “như là một mục tiêu của nền văn minh”. Hôm Thứ Sáu 8/7/2005, đại diện các vị thủ lãnh thuộc đệ nhất bát cường G8, qua Thủ Tướng Tony Blair của Hiệp Vương Quốc (United Kingdoms of Britain), nước chủ hội cho thượng nghị G8 năm 2005, đã tuyên bố 50 tỉ Mỹ kim sẽ được việc trợ cho Phi Châu.

 

Như thế, chính ĐTC GPII là vị gieo giống tốt liên quan đến vấn đề tha nợ hay giảm nợ nần quốc tế này trên thế giới và hạt giống gợi ý của ngài đã bắt đầu trổ bông khi ngài vừa nằm xuống.

Hôm Thứ Ba 14/6/2005, Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã phổ biến một văn thư sau đây để hoan nghênh thông báo của Hội Nghị Đệ Nhất Bát Cường G8 trong việc hủy bỏ 40 tỉ nợ của 18 quốc gia đang phát triển và dự định sẽ thực hiện việc tha nợ này cho thêm 20 quốc gia khác nữa.

“Giáo Hội, qua nhiều năm, đã kêu gọi các quốc gia tân tiến giảm hay hoàn toàn tha nợ cho các quốc gia đang phát triển. Trong nhiều sứ điệp của mình cho Ngày Hòa Bình Thế Giới, ĐGH GPII đã nói về gánh nặng của các món nợ đè nén niềm hy vọng phát triển được những quốc gia đang phát triển tìm kiếm một cách tuyệt vọng… Sau cùng, Hội Nghị Đệ Nhất Bát Cường G8 đã ngả theo chiều hướng ấy… Hội Đồng này có lời khen ngợi Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair về việc ông gợi ý vào ngày sửa soạn cho cuộc Thượng Nghị G8 tới đây, cũng như tất cả mọi vị lãnh đạo thuộc những chính phủ khác đã tỏ ra đồng ý như vậy”.

“Hội Đồng này kêu gọi số tiền giờ đây không phải trả nợ sẽ được sử dụng vào việc thực hiện những cơ hội phát triển thực sự và khả thủ cho nhân dân của các quốc gia ấy. Điều này có thể được hoàn thành bằng việc cung ứng những sản vật cần thiết công cộng, như nước sạch, điều kiện vệ sinh an toàn, vấn đề chăm sóc sức khỏe căn bản cũng như những cơ hội học hành…. Các chính phủ thuộc tất cả mọi quốc gia cần phải tiếp tục trách nhiệm hoạt động để thực hiện những hứa hẹn đã được quyết định trên 30 năm qua. Đó là việc quyết tâm cung cấp .7% Tổng Sản Lượng của các quốc gia tân tiến để Chính Thức Trợ Giúp Phát Triển (ODA: Official Development Assistance) cho các quốc gia đang phát triển. Tuy đã hứa hẹn song mới chỉ có một tỉ lệ nhỏ tiền bạc được đáp ứng mà thôi.

“Hội Đồng Tòa Thánh đây hy vọng rằng quyết định tha 40 tỉ nợ đầu tiên này mới chỉ là bước đầu tiên được tất cả các quốc gia tân tiến thực hiện theo tinh thần đoàn kết thực sự với nhau”.

Sở dĩ nói rằng “chính ĐTC GPII là vị gieo giống tốt liên quan đến vấn đề tha nợ hay giảm nợ nần quốc tế này trên thế giới này và hạt giống gợi ý của ngài đã bắt đầu trổ bông khi ngài vừa nằm xuống”, là vì, ngài là người đầu tiên có ý nghĩ này và đã kêu gọi các đệ nhất cường quốc thực hiện. Thật vậy, theo chiều hướng Thánh Kinh Cựu Ước trong việc mừng các năm thánh của dân Do Thái, ĐTC GPII, để sửa soạn mừng Đại Năm Thánh 2000, cũng đã kêu gọi thế giới thực hiện việc tha nợ cho nhau

Thật vậy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến ban hành ngày 10/11/1994, ở khoản số 51 như sau:

“Theo quan điểm này, nếu chúng ta nhớ lại rằng Chúa Giêsu đến ‘để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó’ (Mt.11:5; Lk.7:22), thì làm sao chúng ta lại có thể bỏ qua không nhấn mạnh hơn về việc Giáo Hội quan tâm đặc biệt đến kẻ nghèo nàn và kẻ vô loài? Thật vậy, cần phải nói rằng, cuộc dấn thân cho công lý và hòa bình trong một thế giới như của chúng ta đây, một thế giới bị ghi dấu bởi quá nhiều giằng co, với những tình trạng thiếu quân bình về xã hội cũng như về kinh tế không thể nào chấp nhận được, là một điều kiện cần thiết cho việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm này. Bởi thế, theo tinh thần của Sách Lêvi (25:8-12), Kitô hữu cần phải lên tiếng thay cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới, lấy cuộc mừng kỷ niệm này như một thời điểm thích thuận, để đưa ra ý tưởng, cùng với các điều khác, về việc giảm bớt thật nhiều, nếu không hoàn toàn hủy bỏ, số nợ quốc tế là cái hằng đe dọa tương lai của nhiều quốc gia một cách trầm trọng”.

Ở khoản số 8 của Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình 2005, vị giáo hoàng “vui mừng và hy vọng” cho thế giới tân tiến ngày nay vẫn còn thiết tha nhắc lại điều ngài yêu cầu 10 năm trước, như sau:

“Thảm trạng nghèo khổ vẫn còn liên hệ chặt chẽ với vấn đề nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể ở lãnh vực này, vấn đề ấy vẫn chưa được giải quyết cách đầy đủ. Mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo là những gì có ‘liên hệ chặt chẽ tới một chuỗi những vấn đề khác, như việc đầu tư hải ngoại, việc thi hành xứng hợp của những tổ chức quốc tế chính, giá cả của các thứ vật liệu nguyên sơ v.v.’ (Address to Participants in the Study Week of the Pontifical Academy of Sciences (27 October 1989), 6: Insegnamenti XII/2 (1989), 1050). Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển”.

 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)

 

TOP

 

 Cử Hành Thánh Thể: Phụng Vụ Thánh Thể - Phần Hiệp Lễ

(tiếp Thứ Năm 30 Thứ Năm 7)   

Kinh Lạy Cha là giao điểm giữa hai phần Hiến Tế và Hiệp Lễ, và việc đọc Kinh Lạy Cha là tác động chuyển tiếp giữa việc chúc nguyện Thiên Chúa là Cha (ở phần Hiến Tế) và việc hướng về Chúa Kitô là Đầu của Nhiệm Thể Giáo Hội (ở phần Hiệp Lễ).

Thật vậy, Kinh Lạy Cha có hai phần, phần đầu liên quan đến tác động Hiến Tế, ở chỗ, cộng đoàn tham dự “nhờ Người, với Người và trong Người” là Chúa Kitô chúc nguyện Thiên Chúa là “Cha chúng con ở trên trời”: “Nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; và phần sau liên quan đến tác động Hiệp Lễ, ở chỗ, cộng đoàn tham dự chẳng những xin “cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, “Bánh hằng sống bởi trời xuống… cho thế gian sự sống” (Jn 6:51), mà còn xin cho được sống đẹp lòng Chúa, sống hợp với ý Chúa muốn giao hòa mọi sự trong Chúa Kitô, để xứng đáng làm nơi cho Ngài “là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” (câu này theo bản dịch Sách Lễ Việt Nam năm 1971) ngự trị nữa: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an”, tức là được “luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được yên ổn khỏi mọi biến loạn”, trong thời gian cùng với Giáo Hội lữ hành trần thế “chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng con”.

Lời cộng đoàn tham dự tung hô Thiên Chúa Cha rằng “vì vương quốc, quyền năng và vinh quang đều thuộc về Chúa, bây giờ và muôn đời” (câu này dịch theo theo Sách Lễ tiếng Anh “for the kingdom, the power, and the glory are yours, now and for ever”, cũng là câu được Sách Lễ Việt Ngữ năm 1971, như trên vừa trích dẫn, dịch là “vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời”), một lời thực sự vang vọng những gì đã được đại cộng đoàn thiên quốc dâng lên Thiên Chúa sau khi Thiên Chúa ra tay hoàn toàn triệt hạ thế gian được hiện thân nơi con đại điếm đô Babylon (xem Khải Huyền toàn đoạn 17 và 18), một tác nhân gây ra “sự dữ” và “mọi biến loạn”: “Alleluia! Ơn cứu độ, vinh quang và quyền năng thuộc về Thiên Chúa của chúng tôi…” (Rev 19:1).

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc việc tuyên tụng Chúa Cha, kéo dài từ phần Dâng Lễ và Hiến Lễ sang đầu phần Hiệp Lễ như thế, cộng đồng cùng với chủ tế hướng về Chúa Kitô cho tới khi kết lễ (được kết thúc bằng phép lành nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi), với lời nguyện cầu xin Người ban bình an và hiệp nhất cho Giáo Hội của Người: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng…”. Bởi vì, Giáo Hội cần phải đạt đến tầm vóc viên trọn của mình là trở thành một tân thánh đô Gia Liêm từ trời xuống nghênh đón phu quân của mình là Chúa Kitô để xứng đáng làm nơi cho Thiên Chúa ở giữa loài người (x Rev 21:2-3), đúng như ý nghĩa sâu xa của thực tại biến thể ở phần Hiến Thể.

Thế nhưng, vì Giáo Hội là “Gia Đình Thiên Chúa” (x 1Tim 3:15) được làm nên bởi các phần tử trở nên con cái Cha trên trời qua Bí Tích Thánh Tẩy bởi Chúa Thánh Thần và trong Chúa Kitô, và là “Nhiệm Thể” Chúa Kitô (“Mystici Corporis” Thông Điệp của Đức Piô XII ban hành năm 1943) được cấu tạo bởi các chi thể Kitô hữu tùy theo ơn gọi và phần vụ của mình, mà hết mọi phần tử thuộc Gia Đình Thiên Chúa này, thuộc Nhiệm Thể Chúa Kitô ấy, cần phải sống hiệp nhất với nhau bằng cuộc sống chung bằng an như cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem “đồng tâm nhất trí” (Acts 4:32). Đó là lý do cộng đoàn và vị chủ tế cần phải tỏ ra tác động phụng vụ chúc bình an cho nhau trước khi họ được hiệp lễ hay muốn lãnh nhận lấy Thánh Thể Chúa Kitô là nguồn mạch và là tột đỉnh của Sự Sống Hiệp Thông.

Về tác động chúc bình an cho nhau này, Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh” đã dặn dò ở khoản số 71 và 72 thứ tự như sau:

• “Cần phải bào trì việc thực hành Lễ Nghi Rôma bao gồm cả tác động chúc bình an trước phần Hiệp Lễ một chút. Vì theo truyền thống Lễ Nghi Rôma thì việc thực hành này không bao gồm việc hòa giải hay việc xá tội, mà chỉ tiêu biểu cho sự bình an, mối hiệp thông và tình bác ái trước khi lãnh nhận Thánh Thể Cực Linh (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 154). Chính Việc Thống Hối ở đầu Lễ (nhất là nơi hình thức đầu tiên của nó) mới có tính chất hòa giải giữa anh chị em với nhau”.

• “Thích hợp nhất đó là ‘mỗi người chúc bình an một cách nghiêm chỉnh chỉ cho những ai gần mình nhất mà thôi’. ‘Vị Linh Mục có thể chúc bình an cho các thừa tác viên nhưng luôn ở trên cung thánh, nhờ đó mới không gây trở ngại cho việc cử hành thánh lễ. Nếu có lý do chính đáng ngài cũng được tùy nghi chúc bình an cho một số ít tín hữu’. ‘Đối với vấn đề dấu hiệu trao chúc bình an, cách thức của nó cần phải được Hội Đồng Giám Mục ấn định theo những cung cách và thói tục của dân chúng’, và những tác động được các vị ấn định phải được Tòa Thánh châu phê (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 82, 154)”.

Để thực hiện việc hiệp nhất với Giáo Hội và với nhau giữa thành phần Kitô hữu là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô và là phần tử của Gia Đình Thiên Chúa, cá nhân Kitô hữu chẳng những thực hiện cử chỉ chúc bằng an cho nhau, mà còn cần phải hiệp lễ nữa. Bởi vì, Chúa Kitô chẳng những là Đấng thiết lập Giáo Hội và muốn cho Giáo Hội được hiệp nhất như Người hiệp nhất với Chúa Cha (x Jn 17:21,23), mà còn chính là “Đầu của thân mình Người là Giáo Hội” nữa (Eph 5:23). Tất cả chi thể của Người cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa Kitô, chẳng những bằng việc nhận biết Người bằng đức tin khi lãnh nhận bí tích rửa tội (x Mk 16:16), mà còn bằng việc chấp nhận Người bằng lòng mến khi lãnh nhận Mình Máu Thánh của Người trong Bí Tích Thánh Thể nữa, vì nhờ đó họ được “sự sống dồi dào hơn” (Jn 10:10), một Sự Sống Hiệp Thông như Người với Cha của Người (x Jn 6:56-57).

Cử chỉ bẻ bánh của chủ tế khi cộng đoàn tham dự nguyện kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” là biểu hiệu hiệp nhất này, ở chỗ, như Thánh Phaolô Tông Đồ nhận định và xác tín trong Thư Thứ Hai gửi Giáo Đoàn Côrintô (10:16-17): “Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc chia sẻ vào thân mình của Chúa Kitô hay sao? Chúng ta tuy nhiều nhưng vì chỉ có một tấm bánh duy nhất mà chúng ta tất cả chỉ là một thân thể duy nhất, vì tất cả chúng ta cùng tham phần cùng một tấm bánh duy nhất”.

Về tác động bẻ bánh này, Bản Hướng Dẫn “‘Redemptionis Sacramentum’ Về Một Số Vấn Đề Cần Phải Tuân Giữ Hay Tránh Lánh Liên Quan Đến Thánh Thể Cực Linh” đã dặn dò ở khoản số 73 như sau:

• “Trong việc cử hành Thánh Lễ, việc bẻ Bánh Thánh Thể, một việc chỉ được thực hiện bởi vị Linh Mục chủ tế, nếu cần cũng được làm thay bởi vị Phó Tế hay một vị đồng tế, được bắt đầu sau khi trao chúc bình an, trong khi đọc Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Vì cử chỉ bẻ bánh ‘được Chúa Kitô thực hiện trong Bữa Tiệc Ly, tức trong thời các thánh tông đồ, đã cống hiến cho toàn thể tác động thánh thể một danh xưng nói lên cho thấy rằng mặc dù họ tuy nhiều song cũng được làm nên một Thân Thể duy nhất trong mối hiệp thông với Tấm Bánh Sự Sống duy nhất là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của thế giới (x. 1Cor 10:17)” (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 83). Đó là lý do nghi thức này cần phải được thực thi một cách cung kính (Cf. S. Congregation for Divine Worship, Instruction, Liturgicae instaurationes, n. 5: AAS 62 [1970] p. 699). Dầu sao nó cũng ngắn gọn. Cần phải sửa lại ngay lập tức vấn đề lạm dụng xẩy ra ở một số nơi trong việc thi hành nghi thức này một cách dài dòng không cần thiết và nhấn mạnh một cách quá đáng, có cả việc nhúng tay của thành phần giáo dân trái với qui định (Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 83, 240, 321)”.

Sau khi bẻ bánh, chủ tế còn bỏ chút Bánh Thánh vào trong Rượu Thánh nữa, cũng cùng lúc cộng đoàn đọc Kinh Chiên Thiên Chúa. Bởi vì, cử chỉ bẻ bánh được kèm theo cử chỉ bỏ bánh vào trong Rượu Thánh còn là biểu hiệu cho việc Chúa Kitô, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, đúng như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nhận biết và loan báo (x Jn 1:29), “nộp mình vì các con”, tức việc Người “tự thánh hiến để họ được thánh hóa trong chân lý” (Jn 17:19) và được “hiệp nhất nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Jn 17:21).

Bởi thế, khi lên rước lễ, là Kitô hữu rước lấy Đấng được vị chủ tế nâng Mình Máu Thánh lên tuyên xưng và kêu gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Chúa”.

Lời họ thưa “amen” trước khi lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa chẳng những là việc họ tuyên xưng những gì họ lãnh nhận bấy giờ thực sự là Mình Thánh và Máu Thánh Chúa, mà còn là việc họ nhìn nhận rằng Mình Thánh và Máu Thánh ấy là phương tiện Chúa Kitô đã sử dụng, bằng việc “nộp mình” và “đổ ra”, để cứu chuộc họ, và cũng Mình Máu Thánh ấy đã phục sinh vinh hiển tràn đầy Thánh Linh ban sự sống cho họ.

Lời thưa “amen” của Kitô hữu khi lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô bởi thế, chẳng những là việc lập lại lời tuyên xưng của Thánh Tông Đồ Phêrô: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), một Chúa Kitô Tử Giá Vượt Qua (x Mt 16:21-23), mà còn lập lại lời tuyên xưng của Thánh Tông Đồ Tôma sau khi Chúa Kitô Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi. Lạy Thiên Chúa tôi” (Jn 20:28).

Lời Kitô hữu thưa “amen”, với một ý thức như thế, khi há miệng thè lưỡi ra như một đứa bé trên tay mẹ rước lấy Thánh Thể Chúa Kitô, hay nâng hai bàn tây lên như một người lớn cung kính lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô, còn có nghĩa là “tạ ơn” (thank-you/thanksgiving) Thiên Chúa là Cha trên trời đã ban Con Một Ngài cho chúng ta là tạo vật vô cùng thấp hèn và đầy tội lỗi bất xứng của Ngài (x Jn 3:16), “tạ ơn” Lời Nhập Thể đã chẳng những là Emmanuel ở giữa loài người mà còn đến ở trong mỗi một con người vô danh tiểu tốt lạc loài chúng ta, đến ở ngay trong thân xác tro bụi hèn hạ của chúng ta, và “tạ ơn” Thánh Thần đã biến đổi bánh rượu thành Thần Lương nuôi sống chúng ta, để làm bảo chứng cho việc Ngài liên tục (“cho đến khi Chúa Kitô lại đến”) biến đổi thân xác của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Chúa Kitô (x Rm 8:11; Phil 3:21).

Thánh Thể của Chúa Kitô, một Hiện Diện Thần Linh, chỉ ở với chúng ta, tại trong thân xác của chúng ta, một thân xác chắc chắn sẽ “được sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:40), vì đã là phương tiện bày tỏ niềm tin tưởng của linh hồn Kitô hữu trong việc há miệng rước lấy hoặc ngửa tay lãnh nhận, cho đến khi chất thể Bánh Thánh và chất thể Rượu Thánh hoàn toàn tiêu tan đi trong thân xác của chúng ta. Khi có Chúa Kitô Thực Sự Hiện Diện trong mình, thân xác của chúng ta chẳng những trở nên một Nhà Tạm cho Người ngự ngay lúc bấy giờ, mà còn được thấm nhập Người, hay được Người tràn ngập trong mình nữa. Bởi thế, cho dù sau đó Thánh Thể của Chúa Kitô không còn trong thân xác của chúng ta nữa, Thánh Thần của Người được ban cho chúng ta qua Thánh Thể của Người vẫn còn đó, và càng ngày càng tràn đầy trong chúng ta, cho tới khi chúng ta đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là Đầu (x Eph 4:13,15).

Thế nhưng, để có thể đạt được hiệu quả thần linh trong việc Hiệp Lễ, trong việc rước lấy Thánh Thể Chúa Kitô tràn đầy Thánh Thần như thế, Kitô hữu cần phải hội đủ điều kiện, cả trước lẫn sau tác động Hiệp Lễ của họ, một tác động liên quan mật thiết đến cuộc sống tu đức thường nhật của họ. Đó là, trước khi Hiệp Lễ, họ phải làm sao để tâm hồn của họ cảm thấy hết sức Khao Khát Thần Linh, bằng không, một khi lòng họ đầy những thứ tạo vật tầm thường hèn hạ mau qua, chắc chắn họ sẽ không thể cảm thấy đói khát thiêng liêng, và từ đó sẽ không cảm thấy ngon lành khi ăn Bánh Hằng Sống. Chưa hết, sau khi Hiệp Lễ, họ còn phải làm sao, để tâm hồn họ có thể Cảm Nghiệm Thần Linh, nhờ đó, họ mới có thể làm chứng cho Đấng họ đã tỏ ra thật lòng nhận biết và tạ ơn qua lời thưa “amen” trước khi rước lấy Người vào thân xác của họ.

Việc “Khao Khát Thần Linh” để dọn mình Rước Lễ đây và việc “Cảm Nghiệm Thần Linh” sau khi Hiệp Lễ đây là gì, nếu không phải là bản chất của việc cầu nguyện (khao khát thần linh) và là mức độ của việc chiêm niệm (cảm nghiệm thần linh). Nghĩa là, giây phút chúng ta Hiệp Lễ là giây phút tuyệt đỉnh của đời sống cầu nguyện cũng là đời sống nội tâm của chúng ta. Thánh Thể thực sự là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống chung Giáo Hội cũng như Kitô hữu là thế.

Đến đây, chúng ta mới thấy được rằng, đời sống tu đức của chúng ta được phản ảnh qua việc cử hành Thánh Lễ. Ở chỗ, ba bậc nhân đức trọn lành được thể hiện rõ ràng nơi các phần của việc cử hành Thánh Lễ. Đúng thế, theo tu đức Kitô Giáo, có ba bậc nhân đức trọn lành Kitô hữu cần phải nỗ lực theo đuổi để đáp ứng ơn gọi nên thánh của mình là con cái Thiên Chúa, là chi thể Chúa Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Ba bậc đó là khởi sinh, tiến sinh và hiệp sinh.

Bậc khởi sinh trong đời sống tu đức, mức độ con người mới bước vào đường nhân đức cần phải thanh tẩy và xa lánh tội lỗi, được thể hiện nơi phần Thống Hối Đầu Lễ.

Bậc tiến sinh của đời sống tu đức là mức độ linh hồn sống đạo dễ qui hướng về Chúa và tìm kiếm Chúa, được thể hiện bằng những việc hy sinh khổ chế hãm mình, bởi vì, chính trong giai đoạn này, chính Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra cho họ, thu hút họ bằng những soi động âm thầm, khi họ đọc sách thiêng liêng, đọc kinh hay bàn hỏi chuyện tâm hồn, một giai đoạn được thể hiện nơi phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Bậc tu đức hiệp sinh là mức độ linh hồn, sau khi được Lời Chúa thanh tẩy (x Jn 15:3) trong giai đoạn tu đức tiến sinh, hiểu biết Chúa hơn và bắt đầu tỏ ra tin tưởng phó thác bản thân cùng mọi sự của mình cho Ngài, để Ngài muốn làm gì thì làm theo Thánh Ý Tối Thượng và Toàn Thiện của Ngài; phần Thiên Chúa, Ngài chấp nhận của lễ thiện chí của linh hồn, bằng việc cho lửa trời (biểu hiệu cho Thánh Thần) xuống thiêu đốt (biểu hiệu cho Thánh Giá) của lễ của linh hồn, như Ngài sai Thánh Thần xuống trên lễ vật trên bàn thờ trong phần Hiến Tế vậy; để rồi, sau khi linh hồn được "thánh hóa trong chân lý" (Jn 17:19), tức trong Thánh Ý Thiên Chúa và bởi Thánh Thần bằng Thánh Giá như thế, linh hồn tiến tới chỗ thần hiệp, tức được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, sống một cuộc sống như Người, đến độ, không phải là họ sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong họ (x Gal 2:20), một mức độ tu đức thần hiệp được thể hiện nơi phần Hiệp Lễ.

Lời chúc kết lễ (đúng hơn cuối lễ) của vị chủ tế: “Lễ xong, chúc anh chị em về bằng an”, đúng hơn, “chúc anh chị em ra đi bằng an (go in peace)”. Vì chữ “về” đây cùng với chữ “lễ xong” ở đây (riêng chữ “lễ xong” đây không có trong Sách Lễ tiếng Anh) có một nghĩa tiêu cực, chấm dứt việc cử hành Thánh Lễ, chấm dứt một việc Thánh, để sang việc làm những gì thường nhật ở nhà, những việc làm trần gian, nếu không sống tinh thần cầu nguyện liên lỉ, dường như không có dính dáng gì đến việc sống Thánh Lễ cả. Chữ “ra đi” đây, trái lại, có nghĩa mở ra, hướng về tương lai, có nghĩa tiếp tục, chứ không đóng lại như chữ “về” 9cùng với chữ “lễ xong”, có tính cách hồi cố, hạn chế và khép kín. Lời chào chúc cuối cùng rõ ràng và có tính cách “trọn vẹn ý thức và chủ động” trong việc cử hành Thánh Lễ cũng như tiếp tục Sống Thánh Lễ đó là lời: “Chúc anh chị em ra đi bằng an trong việc mến yêu Chúa và phụng sự Chúa (Go in peace to love and serve the Lord)”.

Như thế, khi thưa “tạ ơn Chúa”, đáp lại lời chào chúc cuối lễ của vị chủ tế hay phó tế, mỗi người Kitô hữu đồng thời cũng mặc nhiên hứa quyết với lòng mình trước nhan Thiên Chúa rằng họ sẽ tiếp tục Sống Phụng Vụ Thánh Thể, với tất cả nỗ lực Sống Thánh Chứng Nhân, bằng chính “sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10) họ đã được lãnh nhận ở phần Hiệp Lễ, qua đời sống tu đức vừa phản ảnh vừa tràn đầy Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể của họ vậy!

 

(xin xem lại toàn bài viết Cảm Nghiệm Phụng Vụ Thánh Thể)

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL
 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ