GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 15/7/2005

 

1) Bản Tuyên Ngôn Hội Nghị Do Thái và Công Giáo ở Giêrusalem về Quyền Tự Do Tôn Giáo

2) ĐTC GPII - “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”: lý do và ý nghĩa

3) Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui (tiếp)

 

 

Bản Tuyên Ngôn Hội Nghị Do Thái và Công Giáo ở Giêrusalem về Quyền Tự Do Tôn Giáo


Sau đây là bản tuyên ngôn của Cuộc Họp Ủy Ban Song Phương diễn ra vào thời khoảng 26-28/6/2005 giữa phái đoàn Đại Biểu Của Ủy Ban Tòa Thánh Đặc Trách Liên Hệ Tôn Giáo Với Người Do Thái và phái đoàn Đại Biểu Của Chánh Văn Phòng Tôn Sư Do Thái D8ạc Trách Liên Hệ Với Giáo Hội Công Giáo:


I. Buổi tối khai mạc hân hạnh có sự hiện diện của Tôn Sư Shlomo Moshe Amar, Tôn Sư Trưởng của Do Thái, vị đã tỏ ra sốt sắng ủng hộ việc đối thoại chú trọng tới những giá trị chung sâu xa của hai Truyền Thống, mà vẫn không bỏ qua những đặc điểm riêng biệt làm cho chúng ta là những cộng đồng đức tin khác nhau. Trước hết, mục đích của cuộc đối thoại này là để cổ võ những nguyên tắc về tính cách linh thánh và phẩm vị của tất cả mọi con người, cũng như để gia tăng việc hợp tác của chúng ta cho những mục đích ấy.


Trong lời chào mừng của mình, hai vị lãnh đạo hai phái đoàn đại biểu liên hệ, Tôn Sư Trưởng Shear Yashuv Cohen và ĐHY Jorge Mejía đã lấy làm hết sức hài lòng trước tình trạng sâu xa hiểu biết và tình thân hữu được phát triển qua các buội gặp gỡ của ủy ban song phương này.


II. Để mở đầu những trao đổi – vì đây là cuộc họp đầu tiên từ ngày qua đời của ĐGH GPII đáng nhớ – các vị chủ tịch đã đặc biệt nhắc nhở đến việc đóng góp lịch sử cho vấn đề hòa giải Công Giáo và Do Thái, cũng như cho sự kiện là ủy ban song phương đây được phát xuất từ sáng kiến của ngài. ĐHY Mejía nhận định thêm về cho tiết quan trọng liên quan tới Vị nguyên Tôn Sư Trưởng Rôma trong di chúc thư của ĐGH GPII. Việc vị thừa kế ngài là Giáo Hoàng Biển Đức XVI quyết tâm tiếp tục phát động mối liên hệ song phương này cũng được cảm nhận.


III. Đề tài của cuộc họp thứ năm này là “Mối Liên Hệ giữa Thẩm Quyền Về Tôn Giáo và Dân Sự nơi Truyền Thống Do Thái và Kitô Giáo”. Căn cứ vào nhãn quan của Thánh Kinh về các vai trò khác biệt giữa Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả, cũng như về mối liên hệ của các vai trò này với dân Chúa, cuộc họp đã đi đến những vấn đề chính yếu sau đây:


1. Các giá trị về tôn giáo là những gì quan trọng cho phúc hạnh của cá nhân cũng như của xã hội.


2. Mục đích của thẩm quyền dân sự là để phục vụ và mang lại phúc hạnh cho dân chúng bằng việc tôn trọng sự sống và phẩm vị của mọi cá nhân.


3. Dù đề cao tầm quan trọng của tính cách dân chủ về vấn đề này, cũng cần phải bảo vệ xã hội về phương diện pháp lý cho khỏi chủ nghĩa cá nhân cực đoan, cho khỏi tình trạng khai thác của các nhóm đầu tư lợi lộc và bất chấp những giá trị về văn hóa và luân lý của truyền thống tôn giáo.


4. Các thẩm quyền tôn giáo và dân sự cần phải bảo toàn quyền tự do tôn giáo cho cả cá nhân cũng như cộng đồng.


5. Mối liên hệ giữa tôn giáo và Quốc Gia cần phải đặt trên căn bản hỗ tương, tương kính và hợp tác.


6. Việc lập pháp để cổ võ các giá trị về tôn giáo riêng là những gì hợp lệ khi được thực hiện theo những nguyên tắc nhân quyền.


7. Theo luân thường đạo lý chúng ta có nhiệm vụ chứng tỏ trách nhiệm về tôn giáo của mình đối với các vấn đề ấy, nhất là trong việc giáo dục các thế hệ tương lai, bằng việc liên hệ với thành phần truyền thông tư tưởng cũng như bằng những đường lối giáo dục phổ thông.


IV- Cuộc bàn luận này chú trọng đến trách nhiệm của Quốc Gia trong việc bảo đảm các quyền lợi của các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt chú trọng tới tình hình và nhu cầu của các cộng đồng Kitô hữu ở Thánh Địa, cũng như tới các nhu cầu của các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới, trong việc dễ dàng hóa hoàn toàn tính cách bình đẳng về xã hội và chính trị mà không làm hư hại tới căn tính riêng.
 

Làm tại Giêrusalem ngày 26 tháng 6 năm 2005 – 21 Sivan 5765
 

Phái Đoàn Đại Biểu Do Thái
Tôn Sư Trưởng

Tôn Sư Trưởng Shear Yashuv Cohen
Tôn Sư Trưởng Rasson Arussi
Tôn Sư Trưởng David Brodman
Tôn Sư Trưởng Yossef Azran
Tôn Sư Trưởng David Rosen
Ông Oded Wiener
Lãnh Sự Shmuel Hadas

Phái Đoàn Đại Biểu Công Giáo
ĐHY Jorge Mejía
ĐHY Georges Cottier, O.P.
ĐGM Giacinto-Boulos Marcuzzo
Tu Viện Trưởng Elias Chacour
Đức Ông Pier Francesco Fumagalli
Cha Norbert Hofmann, SDB
Khâm Sứ Tòa Thánh Pietro Sambi


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 12/7/2005


 

TOP


 

ĐTC GPII - “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”: lý do và ý nghĩa

 

Trước tình hình thế giới của cả một phần tư thế kỷ như thế, từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, từ cuối thiên kỷ thứ 2 sang thiên kỷ thứ 3, với một dung nhan loài người càng ngày càng bị méo mó thảm thương chưa từng thấy, với một lịch sử càng ngày càng nguy vong hơn bao giờ hết, trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của mình được xuất bản vào năm 1994, cũng như trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” được xuất bản vào tháng 2/2005, hai tháng trước ngày ngài qua đời, ngài đã cho biết ý nghĩa của lời kêu gọi “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô” vô sùng quan trọng liên quan đến vận mệnh lịch sử của loài người này, trong Chương mở đầu “’The Pope’: A Scandal And A Mystery” (trang 3-14) cũng như ở Chương áp cuối “Be Not Afraid” (trang 218-224), như sau.

 

·         Đức Kitô đã nhiều lần nói cùng những ai Người gặp lời kêu gọi ‘đừng sợ’ này. Thiên thần nói cùng Đức Maria rằng: ‘Đừng sợ’ (x Lk 1:30). Cũng thế, Thánh Giuse cũng được trấn an: ‘Đừng sợ!’ (x Mt 1:20). Đức Kitô cũng đã nói như thế với các vị tông đồ, cho Thánh Phêrô, ở những trường hợp khác nhau, nhất là sau Cuộc Phục Sinh của Người. Người cứ noí với các vị là: ‘Đừng sợ!’. Thật vậy, Người cảm thấy rằng các vị đang sợ hãi. Các vị không biết chắc chắn rằng đấng mà các vị thấy có phải đúng là Đức Kitô các vị đã biết hay chăng. Các vị đã tỏ ra lo sợ khi Người bị bắt nhốt; các vị thậm chí còn sợ hơn nữa sau khi Người Phục Sinh.

 

“Những lời Chúa Giêsu phán ấy đã được Giáo Hội lập lại. Và với Giáo Hội, những lời ấy đã được đã được vị Giáo hoàng này lập lại. Tôi đã làm như thế từ bài giảng đầu tiên của tôi ở Quảng Trường Thánh Phêrô: ‘Đừng sợ!’ Những lời này không phải là những lời được nói lên một cách rỗng không. Chúng duđợc bắt nguồn sâu xa từ trong Phúc Âm. Chúng thực sự là những lời của chính Đức Kitô.

 

“Chúng ta không nên sợ những gì đây? Chúng ta không nên sợ sự thật về chính bản thân mình. Một ngày kia Thánh Phêrô ý thức được sự thật về mình và vội vã thưa cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy ra con ra, vì con là một con người tội lỗi’ (Lk 5:8).

 

“Thánh Phêrô không phải là con người duy nhất nhận thức được sự thật về mình ấy. Hết mọi người đều biết đến nó. Hết mọi vị thừa kế Thánh Phêrô đều biết đến nó. Tôi biết sự thật này rất rõ. Hết mọi người trong chúng ta mắc nợ Thánh Phêrô về những gì ngài nói vào hôm ấy: ‘Lạy Chúa, xin hãy ra con ra, vì con là một con người tội lỗi’. Chúa Giêsu đã đáp lại ngài rằng: ‘Đừng sợ; từ nay trở đi con sẽ trở thành tay đánh cá người’ (Lk 5:10). Đừng sợ con người! Con người. Con người bao giờ cũng vẫn như vậy thôi. Những đường lối được họ tạo nên lúc nào cũng bất toàn, và chúng càng bất toàn họ càng biết rõ về bản thân họ. Việc họ biết mình từ đâu mà có? Nó xuất phát từ tâm can con người. Tâm trí chúng ta tỏ ra lo âu. Hơn ai hết, Đức Kitô biết nỗi khổ sầu của chúng ta: ‘Đức Kitô biết những gì nơi mọi người’ (x Jn 2:25)….” (trang 5-6)

 

“Chúa Kitô là bí tích của Thiên Chúa vô hình – một bí tích là dấu hiệu của sự hiện diện. Thiên Chúa ở với chúng ta. Thiên Chúa, Đấng vô cùng trọn hảo, chẳng những ở với con người, mà chính Ngài còn trở nên một con người nơi Đức Giêsu Kitô nữa. Đừng sợ vị Thiên Chúa làm người! Chính vì thế mà Thánh Phêrô đã nói ở Caesarea Philippi rằng: ‘Thày là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16:16)….

 

“Thánh Phêrô không sợ Vị Thiên Chúa làm người. Trái lại, ngài đã sợ vì Con Thiên Chúa sống như là một con người. Thánh Phêrô không thể chấp nhận nổi Người bị đánh đòn, bị đội mão gai và cuối cùng bị đóng đanh trên thập tự giá. Thánh Phêrô không thể chấp nhận điều ấy. Ngài đã tỏ ra sợ hãi. Và bởi thế Đức Kitô mới nghiêm trọng trách ngài, song Người không loại trừ ngài….” (trang 7)

 

“Đừng sợ mầu nhiệm của Thiên Chúa; đừng sợ tình yêu của Ngài; và đừng sợ nỗi hèn yếu hay sự cao cả của con người! Con người không ngừng cao cả, thậm chí ngay cả nơi nỗi yếu kém của họ. Đừng sợ trở thành những chứng nhân cho phẩm giá của hết mọi con người, từ giây phút đầu thai cho tới khi qua đời”. (trang 12)

 

“Cần phải hiểu lời kêu gọi ‘Đừng sợ!’ ở một nghĩa rất rộng. Ở một nghĩa nào đó, nó là lời kêu gọi được ngỏ cùng tất cả mọi dân tộc, một lời kêu gọi hãy chế ngự sợ hãi trong hoàn cảnh thế giới hiện đại, kể cả ở Đông phương lẫn Tây phương, ở Bắc phương lẫn Nam phương.

 

“Đừng sợ những gì chính mình chế tạo ra, đừng sợ tất cả những gì con người sản xuất được, và là những gì ngày ngày trở nên nguy hiểm cho họ! Tóm lại, đừng sợ bản thân mình!

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


 

TOP

 

Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui

 

(Tiếp Thứ Ba 5, Thứ Tư 6 13 Thứ Tư)

 

Sau khi trở thành một người Công Giáo, tôi đã tiếp tục tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, thế nhưng với một cộng đồng hầm trú không được chính quyền nhìn nhận.

 

Có lần một nữ tu nói với tôi rằng: Tại sao em không theo Chúa Giêsu trọn vẹn hơn để làm linh mục? Tôi đáp ngay là “không”. Không có ai tin tưởng ở trong gia đình tôi cả và việc trở thành linh mục là việc khó khăn.

 

Là người con trai đầu lòng, theo truyền thống Trung Hoa, tôi buộc phải nâng đỡ cha mẹ tôi khi các vị về già. Việc tôi vào chủng việc thì kẻ thù đầu tiên của tôi sẽ là cha mẹ tôi.

 

Sáu tháng sau, khi đang cầu nguyện trong phòng, tôi nghe thấy tiếng gọi: “Hãy theo Ta”. Bấy giờ không có ai trong phòng cả. Tận đáy lòng tôi hiểu rằng chính Chúa Giêsu đã gọi tôi, thế nhưng tôi qua ư là run sợ, bởi vì, việc trở thành linh mục – thuộc Giáo Hội hầm trú – nghĩa là từ bỏ tất cả mọi sự, từ bỏ gia đình, việc làm, lao mình vào nguy hiểm, ôm lấy Thập Giá, chịu khổ ải, bị tù đầy.

 

Tôi đã đáp lại là không. Thế nhưng, vì việc từ chối này mà tôi không còn được bình an nữa khi tôi trở thành một kẻ khắc khoải khôn nguôi và mất đi tất cả mọi niềm vui. Tôi không muốn theo Chúa Giêsu vì tôi có một công ăn việc làm tốt, một đời sống bình lặng. Thế nhưng, tôi đã không thể nào chống cưỡng được tiếng Chúa gọi.

 

Thế là tôi đã cầu xin cho được một việc làm khác ở một thành phố xa xôi. Có thế, tôi mới có thể bỏ việc làm của tôi một cách âm thầm kín đáo hơn và mới có thể nhập chủng viện. Tôi đã làm việc ở thành phố ấy gần 2 năm trời, để kiếm được nhiều bao nhiêu có thể, dành dụm mọi sự để giành tiền cho cha mẹ tôi rồi cuối cùng theo tiếng gọi của Chúa Giêsu.

 

Tôi biết rằng tôi yếu đuối nên tôi đã nguyện cầu rằng: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm con trung thành sống đời môn đệ của Chúa đến muôn đời. Điều này sẽ là một phép lạ rất cả thể”.

 

Tôi đã sống 5 năm ở chủng viện thuộc Giáo Hội hầm trú. Đời sống rất ư là khó khăn và nguy hiểm.

 

Thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Sau buổi suy niệm nửa tiếng, chúng tôi cử hành Thánh Lễ và nguyện kinh thần vụ. Sau điểm tâm, chúng tôi thu dọn và bắt đầu học. Chúng tôi lên giường nghỉ vào lúc 10 giờ đêm.

 

Đời sống ở chủng viện chui là một đời sống khá khó khăn, ở chỗ, chúng tôi sống ở một ngôi nhà miền quê của một tín hữu giành cho chúng tôi.

 

Thế nhưng, khi chúng tôi nghe tin cảnh sát khám phá ra chúng tôi thì chúng tôi buộc phải thoát thân và định cư ở một nơi khác. Trong năm năm, chúng tôi đã đổi chỗ tất cả là 3 lần.

Chủng sinh chúng tôi chẳng nhũng phải lo thu dọn mà còn phải nấu nướng, dọn bữa cho mọi người nữa. Về vấn đề vật chất, cuộc sống thật là khó khăn: lương thực thì ít, rau cũng ít, hiếm khi có thịt ăn; phòng bè chật chội, không có chỗ nào là dư thừa cả.

 

Thế nhưng, lòng tôi lại cảm thấy bằng an, thậm chí hết sức vui vẻ, khác với những gì tôi cảm thấy trước đó. Chủng sinh với nhau rất thân thiện và sống tình huynh đệ với nhau.

 

Một khi mọi người lúc nào cũng tỏ ra yêu thương nhau thì việc thắng vượt khó khăn thật là dễ dàng.

 

Sau 5 năm học hỏi, ngày chịu chức linh mục đã tới. Bấy giờ tình hình căng thẳng xẩy ra trong giáo phận của tôi và chúng tôi liều mình bị cảnh sát tống giam. Bởi thế chúng tôi đã cử hành lễ truyền chức vào lúc 4 giờ sáng. Lúc ấy mọi người ở Trung Hoa đang ngủ, kể cả cảnh sát nữa.

 

Cho dù đời sống là người Công Giáo có khó khăn đức tin của chúng tôi thực sự kiên cường chúng tôi ngày này qua ngày khác. Điều này cũng là nhờ gương sáng của các vị linh mục trong ngục tù.

 

Một thí dụ nhỏ, đó là, ở tỉnh của tôi, vào năm 1983, khi Trung Hoa bắt đầu thực hiện những cải cách cả thể về kinh tế, chỉ có 3 gia đình Công giáo. Giờ đây, sau gần 20 năm, con số đã lên tới trên 4 ngàn. Thật sự là máu tử đạo trở nên hạt giống mọc lên các Kitô hữu mới.

 

Đối với cả tôi nữa, sức mạnh của tôi chính là Chúa Giêsu. Người đã nói rằng “Không phải các con đã chọn Thày, song Thày đã kén chọn các con” (Jn 15:16). Dọc theo con đường này, tôi gặp Thập Giá, nhưng cũng gặp cả niềm vui và an bình nữa. Với ơn Người trợ giúp, tôi mãi mãi theo Người, thắng vượt bất cứ những gì là khó khăn xẩy ra cho tôi.

 

(Nếu muốn xem lại toàn bài xin đọc: Từ Đảng Viên Cộng Sản tới Linh Mục Chui)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 26/6/2005


  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ