GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 23/7/2005

NGÀY THÁNH MẪU

 

1) Làm sao để lần hạt Mân Côi sốt sắng?

2) Lễ Latinh cũ sẽ được cử hành trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX

3) Một Nhà Thờ Công Giáo ở Sri Lanka bị cướp phá và thiêu rụi

4) Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời (tiếp) Những Hoạch Định Tổng Quát

   

   

  

   

Làm sao để lần hạt Mân Côi sốt sắng?

 

Vào lúc 12 giờ 42 phút chiều ngày Thứ Năm 21/7/2005, tôi bất ngờ nhận được một điện thư của một người gọi tôi bằng chú và xưng mình là con, hỏi tôi về một câu hỏi liên quan tới việc lần hạt Mân Côi. Tôi đã trả lời cho người này vào lúc 10 giờ 57 phút sáng ngày 22/7/2005. Sau đây là nguyên văn cuộc trao đổi điện thư của chúng tôi.

 

Chào chú,

 

Con có thói quen hay lần chuỗi ,nhưng hồi còn nhỏ con chỉ biết lần chuỗi là đọc 150 kinh Kính Mừng .Gần đây con được biết là còn phải chiêm niệm thêm 3,4 mầu nhiệm nữa .Lúc đó con chỉ có vừa đọc kinh vừa nghĩ về các mầu nhiệm ,nhưng vì không hiểu rõ kinh Mân Côi nên con nghĩ về các mầu nhiệm một cách vắn tắt khiến dần dần trở nên chán và hay lo ra .Cho đến hôm qua con đọc báo biết rằng cần phải chiêm niệm nữa ,thế là con lên Internet để tìm hiểu thêm . Đọc qua một số trang ,con thấy các trang nói rằng chiêm niệm bằng cách nghĩ về Chuá Giêsu qua cặp mắt và trái tim cuả Mẹ ,con đã cố thử nhưng vẫn cảm thấy nó máy móc như thế nào đấy ,ngoài ra ở một số trang web lại cho thêm cách :vừa nghĩ về một đoạn kinh thánh rồi sau đó đọc một kinh kính mừng .Thế là bây giờ con vẫn còn bối rối ,chia trí nhất là mỗi khi ngắm mầu nhiệm truyền tin vì lúc ấy Chúa Giêsu vẫn chưa ra đời thì làm sao nghĩ vè Ngài như nhiều trang web vẫn nói là chiêm ngắm Chúa Giêsu qua mắt Mẹ Ngài .Xin chú giúp con để con biết cách đọc kinh Mân Côi cho đúng.

 

Cám ơn chú 

 

 

Xin chào Mr. Paul Quách Việt,

Rất tiếc tôi không biết tuổi tác và trình độ thân quen thế nào, nên xin tạm xưng hô như thế.

Về vấn đề được đặt ra ở đây, đó là vấn đề làm sao để Cầu Kinh Mân Côi sốt sắng và đừng bị chia trí. 

Trước hết, xin đồng ý và công nhận một tình trạng rất thực tế ở đây là không thể nào không chia trí khi đọc kinh, nhất là Kinh Mân Côi là kinh nguyện về hình thức "có vẻ" đơn điệu (cứ lập đi lập lại 1 kinh chính nhiều lần), và về nội dung có vẻ mâu thuẫn (ở chỗ miệng thì đọc Kính Mừng Maria mà trí lại suy về Chúa Giêsu).  

Sau nữa, xin lưu ý là chỉ có khi nào chúng ta lên đến trình độ cầu nguyện chiêm niệm cao siêu may ra chúng ta mới bớt hay không còn chia trí khi đọc kinh nữa. Vì, nếu chia lòng” rồi mới “chia trí”, đúng như thành ngữ Việt Nam vẫn nói râấ t chí  lý  là  “chia lòng chi trí” (chứ không phải “chia trí chia lòng”), thì tới lúc ấy, lúc chúng ta cầu nguyện chiêm niệm, tức cầu nguyện bằng lòng (hơn là bằng trí), chúng ta chỉ còn tha thiết một mình Chúa, khao khát một mình Chúa, gắn bó với một mình Chúa mà thôi. Thật vậy, nếu lời Chúa Giêsu phán rất hợp với tâm lý tự nhiên đó là: "Của các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó" (Mathêu 6:21), thì khi Thiên Chúa trở thành tất cả mọi sự của chúng ta, chúng ta lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Chúa thôi bằng tất cả tấm lòng khát khao của mình. Khi đến trình độ này thì chúng ta có thể cầu nguyện ở mọi nơi và trong mọi lúc, kể cả khi đang làm việc chân tay hay trí óc. Vì cầu nguyện là hướng lòng về Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa, là giao tiếp với Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Tuy nhiên, để tới được trình độ cầu nguyện liên lỉ và chiêm niệm cao siêu không chia trí này, chính Thiên Chúa cần phải nhúng tay vào, bằng cách thanh tẩy chúng ta cho khỏi tất cả mọi dính bén và quyến luyến trần gian, nhờ đó chúng ta không còn ham thích gì khác ngoài chính Ngài và ý muốn của Ngài.  

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi được Chúa thanh tẩy và kéo chúng ta vào lòng của Ngài để được thần hiệp hay kết hợp sâu xa với Ngài như thế, chúng ta cần phải tỏ ra khao khát Ngài, bằng việc đọc kinh cầu nguyện. Đối với trình độ cầu nguyện còn thấp kém thì việc đọc kinh cầu nguyện là phương tiện hay cách thức để chúng ta tiến đến với Chúa, nhưng khi đã lên đến bậc cầu nguyện chiêm niệm thì việc đọc kinh cầu nguyện là những gì bộc phát hay diễn tả tấm lòng chúng ta mến yêu chúc tụng Thiên Chúa, như Mẹ Maria đã làm qua Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat của Mẹ vậy. Chính vì không ai tin yêu Chúa bằng Mẹ mà chúng ta cần phải nhờ Mẹ đến với Chúa khi đọc kinh cầu nguyện, nhất là khi lần hạt Mân Côi. Kinh Mân Côi chính là một kinh nguyện cho chúng ta thấy Mẹ Maria tin yêu Chúa như thế nào, một lòng tin yêu chúng ta cần phải bắt chước và hiệp nguyện mới đẹp lòng Chúa.  

Khi lần hạt Mân Côi chúng ta chẳng những chiêm ngắm Chúa Giêsu nơi 20 Mầu Nhiệm Mân Côi, mà còn chiêm ngắm Mẹ Maria qua 20 Mầu Nhiệm Mân Côi này nữa. Nếu Chúa Giêsu là tất cả Mạc Khải Thần Linh được Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết về chính Ngài thì Mẹ Maria là tất cả đức tin tuân phục đáp ứng Mạc Khải Thần Linh này của Thiên Chúa. Đó là lý do Kinh Mân Côi có hai phần, hình thức là Kinh Kính Mừng Maria và nội dung là Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Khi lần hạt Mân Côi, đúng hơn khi Cầu Kinh Mân Côi, chúng ta cần phải có tâm tình của Mẹ Maria đối với Mạc Khải Thần Linh là Chúa Giêsu Kitô nơi các Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Mỗi một Kinh Kính Mừng chúng ta đọc là chúng ta cùng với Mẹ Maria tuyên xưng Chúa Giêsu "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), dù ở Mầu Nhiệm Truyền Tin (thứ 1 Mùa Vui) hay các Mầu Nhiệm Thương Khó, nhất là Mầu Nhiệm Tử Giá (thứ 5 Mùa Thương). Đó là lý do khi chúng ta chúc tụng Mẹ Maria "đầy ơn phúc" là chúng ta chẳng những chúc tụng Mẹ chẳng được "Thiên Chúa ở cùng Bà" bằng Ơn Sủng, bằng chính việc Nhập Thể của Ngôi Lời, mà còn (theo Bà Thánh Isave) chúc tụng Mẹ "có phúc vì đã tin" nữa (Luca 1:45).  

Tóm lại, khi Cầu Kinh Mân Côi, để bớt hay đỡ (chứ không hết được), chúng ta hãy ý thức rằng chúng ta đang cùng với Mẹ Maria cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cùng với Mẹ tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, cùng với Mẹ xướng lên bài Ca Vịnh Ngợi Khen là bài ca vịnh Mẹ tỏ ra "hân hoan trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi". Nếu Cầu Kinh Mân Côi là cùng Mẹ Maria chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô, như ĐTC GPII đã cảm nhận và bày tỏ trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của ngài, thì Cầu Kinh Mân Côi hay nhất là cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô với tâm tình Ngợi Khen của Mẹ Maria và với Mẹ Maria: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa". Với Tâm Tình Thánh Mẫu đầy tri ân cảm tạ và chúc tụng ngợi khen này tràn ngập tâm hồn của mình, hy vọng chúng ta sẽ Cầu Kinh Mân Côi một cách sốt sắng hơn và nhờ đó mỗi ngày chúng ta càng gần Chúa hơn, cho đến thời điểm nào đó, chính Ngài sẽ lôi kéo chúng ta vào cuộc Hiệp Thông Thần Linh diễm phúc với Ngài. Amen.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.

Thế rồi, vào cùng ngày 22, lúc 12 giờ 55 chiều, tôi lại nhận được một điện thư nữa của người này, tiếp tục đặt vấn đề với tôi về việc suy niệm qua ánh mắt của Mẹ Maria và việc mến yêu Đức Mẹ. Phần trao đổi phần hai này xin được để đến Thứ Bảy tuần tới.

 

 

TOP


Lễ Latinh cũ sẽ được cử hành trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX

 

Armand de Malleray, vị tổng đại diện của hiệp hội Juventutem của nhóm Huynh Đệ Thánh Phêrô đã loan báo cùng mạng điện toán Zenit rằng ít là có khoảng 3 ngàn giới trẻ và 60 linh mục ủng hộ lễ Latinh cũ sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne Đức Quốc năm nay.

 

Nhóm Juventutem đầu tiên được hình thành bởi thành phần theo ĐTGM Marcel Lefebvre, vị đã gặp họ ở Ba Tây. Vì trong 3 năm qua, Juventutem đã trở lại với Giáo Hội Công Giáo nên các phần tử của nhóm này sẽ tham dự Thánh Lễ bế mạc 21/8 của ĐTC BĐXVI. Còn vào những ngày trước đó, nhóm này sẽ tham dự Thánh Lễ Latinh cũ vào lúc 7 giờ 30 sáng trong nhà thờ Thánh Antonius ở Duesseldorf là một trong ba nơi được chọn lựa để đồng cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX.

 

Nhà thờ này đã được Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân chỉ định với sự chuẩn nhận của ĐHY Joachim Meisner TGM Cologne. Sẽ có 3 vị hồng y và 8 vị giám mục chủ sự giờ kinh phụng vụ tối hay các buổi cầu nguyện hoặc suy niệm của nhóm tham dự đặc biệt này. Vị tổng đại diện nhóm này cho biết mục tiêu của nhóm tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này là để “biết nhau, biết rằng chúng ta có cùng một truyền thống trong lòng Mẹ Hội Thánh”.

 

Tâm Phương, theo Zenit ngày 21/7/2005

 TOP

Một Nhà Thờ Công Giáo ở Sri Lanka bị cướp phá và thiêu rụi

Theo tin của cơ quan truyền giáo hải ngoại của Tòa Thánh Fides thì một nhà thờ ở giáo phận Anuradhapura đã bị cướp phá và thiêu rụi giữa thanh thiên bạch nhật.

Những cuộc điều tra sơ khởi của cảnh sát về cuộc tấn công hôm Thứ Bảy 16/7/2005 cho thấy là vụ này gây ra bởi các nhóm Phật Giáo cuồng tín quá khích, thành phần đang bất mãn và gây ra những ác cảm chống Kitô hữu khắp quốc gia hải đảo này.

Vì cảm tình đối với Kitô giáo lan rộng mà Quốc Hội nước này đã vắn tắt bàn đến hai dự luật cấm không cho theo đạo Công giáo bởi thế đã gây ra tình trạng bất ổn về tôn giáo tại đây.

ĐGM Norbert Andradi ở Anuradhapura đã xác nhận là đã xẩy ra cuộc tấn công và việc phá hoại Nhà Thờ Thánh Giá này ở tỉnh Pulasthigama. Hôm Thứ Tư 20/7/2005, vị giám mục này đã cho biết như sau:

“Đây là lần đầu tiên một ngôi nhà thờ thuộc giáo phận của chúng tôi bị tấn công và chúng tôi cảm thấy hết sức bàng hoàng. Dân chúng sợ hãi và nghĩ đến lý do thúc đẩy việc tấn công ấy.

“Cuộc tấn công xẩy ra giữa ban ngày. Chỉ có hai em trai duy nhất đã dừng chân để cầu nguyện trong nhà thờ này vào lúc bấy giờ. Bất thình lình một nhóm người trùm đầu bịt mặt phá cửa nhào vô nhà thờ và bắt đầu đập phá mọi thứ, kể cả bàn thờ và thánh giá. Hai em trai bị đánh tơi bời nhưng cố thoát thân.  

“Khi thành phần gây ra tội ác này làm xong việc phá hoại của mình thì châm lửa đốt nhà thờ. Các gia đình địa phương tuốn đến chữa lửa bằng nước nhưng đã quá trễ. Tất cả những gì còn lại nơi ngôi nhà thờ này là một đống tro tàn.

“Chúng tôi không hiểu được lý do tại sao, ngoại trừ những ác cảm chống Kitô hữu đang lan tràn liên quan tới vấn đề bàn cãi. Ở các nơi khác của xứ sở Sri Lanka này, các nhà thờ Tin Lành cũng đã bị tấn công, nhưng hầu như bao giờ cộng đồng Công giáo chịu tấn công nhiều nhất”.

Vị giám mục địa phương này cho biết ngài đã viết những bức thư trình cho các vị thẩm quyền dân sự. Ngài nói rằng các vị lãnh đạo Phật giáo địa phương lên án cuộc tấn công này bằng những lời lẽ tỏ tình liên đới đoàn kết.

Giáo phận Anuradhapura có dân số khoảng 1.4 triệu người, hầu hết là Phật tử. Chỉ có khoảng 12.500 Kitô hữu Công giáo thôi.

Có một thời thủ đô của nước Sri Lanka là Anuradhapura theo truyền thống đã từng được coi là nơi Phật Tổ có “ba giác ngộ”, và là một nơi trong những địa điểm quan trọng nhất đối với Phật tử ở Đông Nam Á.

Bá Vũ Ly, theo Zenit ngày 21/7/2005

  

TOP

 

Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời

(Tiếp 19 Thứ Ba, 20 Thứ Tư, 21 Thứ Năm, 22 Thứ Sáu)

Những Hoạch Định Tổng Quát

12.       Hoạt động của Giáo Hội trong việc giải thoát nữ giới bụi đời

Để giải quyết nạn mãi dâm cần phải có biện pháp đa chiều kích. Cần phải bao gồm cả nam nhân lẫn nữ giới trong việc tương biến, và các quyền lợi của con người cần phải là cốt lõi của bất cứ biện pháp nào. Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi tỏ tình đoàn kết với những ai bị dính vào cuộc sống bụi đời. Ở bất cứ trường hợp nào, nam nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đạt đến tình trạng bình đẳng về giống tính liên quan tới tính cách hỗ tương và khác biệt chính đáng. Thành phần khai thác (thường là nam nhân) đóng vai “thân chủ”, thành phần buôn người, thành phần du khách làm tình v.v. cần được giáo dục về cả bậc thang các giá trị nhân bản lẫn về nhân quyền. Họ cũng cần phải được nghe thấy Giáo Hội, nếu quốc gia không làm, rõ ràng lên án hành động xấu xa và bất chính của họ.

13.       Vai trò của các hội đồng giám mục

Các Hội Đồng Giám Mục ở những quốc gia có dính dáng tới nạn mãi dâm là nạn gây ra bởi vấn đề buôn bán con người cần phải thực hiện nhiệm vụ lên án cái tai ương xã hội này. Cũng cần phải phát động việc tôn trọng, hiểu biết, thương cảm và thái độ lên án đối với thành phần nữ giới bị dính dáng tới nạn mãi dâm nghề làm điếm.

Các vị linh mục và thành phần tác nhân mục vụ cũng cần được khuyến khích để đương đầu về mục vụ với tình trạng nô lệ ấy.

14.       Vai trò của các dòng tu

Các dòng tu cần phải mạnh mẽ về niềm tin tưởng và liên kết lực lượng để truyền đạt, giáo dục và hành động. Họ phải nhấn mạnh đến các giá trị của việc tương kính, về các mối liên hệ lành mạnh gia đình và cộng đồng, cùng với nhu cầu cần phải quân bình và hòa hợp trong những mối liên hệ liên cá nhân giữa nam nhân và nữ giới. Các dự án khác nhau do các dòng tu bảo trợ nhắm đến việc giúp nữ giới bị sa cơ lỡ bước vào nghề làm điếm hồi hương và tái hội nhập vào xã hội cần phải được ủng hộ thích hợp về tài chính. Cũng nên có những cuộc gặp gỡ của những hiệp hội dòng tu hoạt động ở những phần khác nhau trên thế giới để hỗ trợ thành phần nữ giới bị sa cơ lỡ bước vào nghề mãi dâm.

Việc tham gia và hỗ trợ của hàng giáo sĩ trong số các hoạt động khác là vấn đề quan trọng, cả về việc huấn luyện cho giới trẻ, nhất là những nam nhân trẻ tuổi, cũng như việc phục hồi “thành phần hưởng thụ” của vấn đề trao đổi tình dục.

15.       Việc hợp tác

Cần phải thực hiện việc hoàn toàn hợp tác nơi các cơ quan công tư nếu muốn hoàn toàn tẩy chay việc khai thác tình dục.

Cũng cần phải hợp tác với các phương tiện truyền thông xã hội đại chúng để bảo đảm việc truyền thông xác thực về vấn đề này.

Giáo Hội cần phải yêu cầu áp dụng luật pháp để bảo vệ nữ giới khỏi tại họa mãi dâm và buôn người. Cũng cần phải vận động các đường lối hiệu nghiệm chống lại việc quảng cáo hình ảnh mất phẩm giá của nữ giới. 

Cộng đồng Kitô hữu cần phải đương đầu với việc hoạt động với các thẩm quyền quốc gia và địa phương trong việc giúp tìm kiếm những đường lối khác để sống cho thành phần nữ giới bụi đời.


(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005

  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ