GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 15/10/2006

 TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xin Tổng Thống Bush phủ quyết Dự Luật Hàng Rào Bảo An

?  Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI 

?   Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Con Người / Dies Hominis: Tầm mức trọn vẹn của Ngày Hưu Lễ

 

 

 

? Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xin Tổng Thống Bush phủ quyết Dự Luật Hàng Rào Bảo An

 

Đức Giám Mục William Skylstad, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, đã viết thư gửi Tổng Thống Bush liên quan đến Dự Luật Hàng Rào Bảo An 2006 (Security Fence Act of 2006), một dự luật dự tính cho phép xây dựng một hàng rào dài 700 dặm dọc theo biên giới phía nam của Hoa Kỳ với Mễ Tây Cơ.

 

“Hiển nhiên là các vị giám mục Công Giáo Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực áp dụng luật di dân và bảo toàn biên giới của chúng ta, miễn là đường lối và sách lược được thực hiện vì mục đích ấy bảo vệ phẩm giá con người và bảo vệ sự sống con người.

 

“Tuy nhiên, chúng tôi chống lại dự luật này vì chúng tôi tin rằng nó có thể dẫn tới những chỗ gây tử vong cho thành phần di dân cố gắng lọt vào Hiệp Chủng Quốc cũng như dẫn tới tình trạng bạo động gia tăng liên quan tới vấn đề buôn lậu dọc biên giới của chúng ta. Chúng tôi cũng tin nó tỏ ra một dấu hiệu sai lầm đối với nước láng giềng phía nam của chúng ta là Mễ Tây Cơ, cũng như với cộng đồng quốc tế”.

 

Vị giám mục chủ tịch 72 tuổi này đã nhận định là theo một cuộc nghiên cứu mới đây thì Văn Phòng Trọng Trách Chính Quyền đã khám phá thấy thành phần di dân chết tăng gấp đôi từ năm 1995, trong thời khoảng chính quyền bắt đầu một loạt những hoạt động áp dụng việc thi hành luật pháp ở vùng biên giới được đề ra để ngăn chận việc nhập cư bất hợp pháp ở các cửa ngõ và những con đường vượt biên quen thuộc. Từ đó, có khoảng 3 ngàn người di dân đã bỏ mạng ở những phần đất xa xôi thuộc vùng tây nam Hoa Kỳ.

 

“Theo ước tính của chúng tôi thì việc xây dựng một hàng rào biên giới này là những gì buộc thành phần di dân, trong tình trạng tuyệt vọng tìm kiếm công ăn việc làm để nâng đỡ gia đình mình, tìm kiếm những đường lối khác nguy hiểm hơn để đột nhập vào quốc gia này, góp phần vào tình trạng gia tăng chết chóc, bao gồm cả nữ giới và trẻ em…

 

“Chúng tôi mãnh liệt cảm thấy rằng việc phát triển của những chính sách kinh tế và mậu dịch chính đáng toàn cầu được phác họa ra để giúp kiến tạo nên những việc làm kiếm sống ở bản quốc là những gì giúp cho con người ở lại quê quán của họ để nâng đỡ chính họ và gia đình họ”. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/10/2006

 

  

TOP

 

 

 ? Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Hướng về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với  2 chuyến tông du lịch sử - Đức Quốc và  Thổ Nhĩ Kỳ

(tiếp 13 Thứ Sáu 14 Thứ Bảy)

 

Đến đây chúng ta thấy hiện lên bộ mặt thật của cuộc chiến toàn cầu giữa hai thế giới văn hóa, văn hóa theo thế giới Ả Rập Hồi Giáo và văn hóa của thế giới văn minh Tây phương. Có thể nói, tất cả những gì đang xẩy ra hiện nay giữa thế giới Ả Rập Hồi Giáo và thế giới văn minh Tây phương đều xuất phát từ hai nền văn hóa hoàn toàn xung khắc nhau của họ. Kinh nghiệm cho thấy, trong khi văn hóa Tây phương là văn hóa trọng tự do, bởi đó có tính cách tương đối nhân nhượng, thì văn hóa Hồi Giáo là văn hóa nặng quyền lực, bởi đó có tính cách tuyệt đối bất nhân nhượng (như chỉ có một đạo Hồi Giáo duy nhất và trên hết, tuyệt đối không được theo bất cứ một đạo nào khác, tuyệt đối không được giải thích Kinh Koran, tuyệt đối không được chấp nhận văn hóa Tây phương v.v.). Tuy nhiên, xét cho cùng thì tính cách tuyệt đối và tương đối nơi hai nền văn hóa Hồi Giáo và Tây phương này, trên thực tế, lại hoàn toàn ngược lại nhau: tuyệt đối nơi văn hóa Hồi Giáo trở thành tương đối và tương đối nơi văn hóa Tây phương trở thành tuyệt đối. Đúng thế, tính cách tuyệt đối nơi văn hóa Hồi Giáo trở thành tương đối ở chỗ, họ không có một cơ cấu tổ chức nào tuyệt đối tối thượng cả, như bên Giáo Hôi Công Giáo chẳng hạn, bởi đó, họ có thể sống theo Kinh Koran tùy theo ý họ nghĩ và ý họ muốn, hầu như lệ thuộc vào các vị đạo trưởng địa phương, đến nỗi có những lúc họ đã trở thành kình địch với đồng đạo của mình, ra tay chống chọi với nhau và sát hại lẫn nhau, điển hình nhất là ở Iraq từ sau vụ bộ biếm họa Tây phương đến nay. Tính cách tương đối của thế giới Tây phương cũng thế, thực tế đã trở thành tuyệt đối, bởi vì họ đã tuyệt đối hóa tự do của họ, tuyệt đối hóa quyền hạn của họ, đến độ, họ biến ý dân của thành ý trời, ở chỗ, tất cả đều lệ thuộc vào quyết định có tính cách duy thực dụng của họ, tức bất cứ những gì họ nghĩ đều là chân lý và những cái họ muốn đều là sự thiện. Nếu cuộc đại chiến toàn cầu giữa thế giới văn minh Tây phương và thế giới Ả Rập Hồi Giáo chỉ là một cuộc chiến tranh về văn hóa và xuất phát từ hai nền văn hóa hoàn toàn đối chọi và xung khắc nhau như thế, thì quả thực vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một dấu chỉ thời đại được sai đến để giải đáp vấn nạn “Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn?”

 

Thật vậy, từ khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vị Giáo Hoàng tương lai Biển Đức XVI của chúng ta hiện nay đã cảm nhận được cuộc tranh hùng giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo trên bàn cờ lịch sử thế giới, một cuộc tranh hùng giờ đây phần thắng đang nghiêng hẳn về bên thế giới Ả Rập Hồi Giáo. Ngài đã bày tỏ cảm nhận này của mình khi trả lời cho câu hỏi “Việc Hồi Giáo liên kết toàn cầu có nghĩa là gì  đối với Kitô Giáo?” trong cuốn “Salt of The Earth” (Muối Đất), ấn bản Anh ngữ do Ignatius xuất bản năm 1997, trang 245-246, trong chương “Priorities of the Church’s Development – Những điều ưu tiên trong Việc Phát Triển của Giáo Hội”, như sau:

 

“Việc liên kết này là một hiện tượng muôn mặt. Về một phương diện thì các yếu tố tài chính góp phần vào việc này. Quyền lực về tài chính có được nơi các quốc gia Ả Rập là một quyền lực giúp cho họ có thể xây dựng các đền thờ lớn lao khắp nơi, để bảo đảm về sự hiện diện của các cơ cấu văn hóa Hồi Giáo cùng với những điều khác đại loại như thế. Thế nhưng, chắc chắn đó không phải là một yếu tố duy nhất. Yếu tố khác nữa đó là một căn tính được gia tăng, một tâm thức mới về mình.

 

“Trong bối cảnh về văn hóa của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cho đến thập niên 1960, cái trổi vượt của các quốc gia Kitô Giáo về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự quá lớn mạnh đến nỗi thực sự đẩy Hồi Giáo vào hạng thứ yếu, và Kitô Giáo, có thể nói, các nền văn minh theo căn gốc Kitô Giáo có thể tỏ ra mình như là một quyền lực chiến thắng trong lịch sử thế giới. Thế nhưng, vào lúc ấy lại xẩy ra một cuộc khủng hoảng đại thể về luân lý nơi thế giới Tây phương, một thế giới mang tính cách là một thế giới Kitô Giáo. Trước những tương phản sâu xa về luân lý nơi Tây phương cùng với sự bất lực nội tại của nó – một nỗi bất lực đột nhiên nghịch lại với một quyền lực mới về kinh tế của các quốc gia Ả Rập – hồn sống của Hồi Giáo đã bừng lên. Chúng tôi cũng là một nhân vật nào đó nữa chứ; chúng tôi biết được mình là ai mà; tôn giáo của chúng tôi đang vững mạnh đây; các người không còn thứ tôn giáo như thế nữa. 

 

“Đó thực sự là cái cảm thức hôm nay nơi thế giới Hồi Giáo: ở chỗ, các quốc gia Tây phương không còn khả năng giảng dạy một sứ điệp về luân lý nữa, mà chỉ có một thứ kiến thức về kỹ thuật để cống hiến cho thế giới mà thôi. Kitô Giáo đã bị lịm tắt mất rồi; nó thực sự không còn hiện hữu như là một tôn giáo nữa; thành phần Kitô hữu không còn luân lý hay đức tin nữa; tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi; chúng tôi có một thứ tôn giáo vững vàng chắc chắn.

 

“Bởi vậy thành phần tín đồ Hồi Giáo giờ đây đã ý thức rằng thực sự Hồi Giáo cuối cùng trở thành một tôn giáo cường tráng hơn, và họ có một cái gì đó để nói với thế giới, thực sự họ là một lực lượng về tôn giáo chính yếu cho tương lai. Trước đây, sharia (luật Hồi Giáo - chú thích của người dịch) và tất cả những thứ ấy đã biến mất trên hiện trường ở một nghĩa nào đó; giờ đây trở thành một niềm hãnh diện mới. Thế là một nhiệt tình mới, một cường độ mới về nhu cầu sống Hồi Giáo đã bừng lên. Đó là một quyền lực mạnh mẽ nơi Hồi Giáo: Chúng tôi có một sứ điệp về luân lý đã từng hiện hữu mà không bị lũng đoạn từ hồi các vị tiên tri, và chúng tôi sẽ nói cho thế giới biết cách sống sứ điệp này, trong khi Kitô Giáo chắc chắc không thể nào làm nổi. Dĩ  nhiên là cờ đã đến tay chúng tôi nhờ ở quyền lực nội tại này của Hồi Giáo, một thứ quyền lực thậm chí thu hút cả những lãnh vực về hàn lâm nữa”.

 

(còn tiếp) 

 

TOP

 

 

?  Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Con Người / Dies Hominis: Tầm mức trọn vẹn của Ngày Hưu Lễ

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006) 

 

59.           Khía cạnh ấy của Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cho thấy một cách đặc biệt là nó đã làm trọn Ngày Hưu Lễ của Cựu Ước như thế nào. Vào Ngày Của Chúa, ngày – như chúng ta đã nói – được Cựu Ước liên kết với việc tạo dựng (x Gen 2:1-3; Ex 20:8-11) và việc Xuất Hành (x Deut 5:12-15), Kitô hữu được kêu gọi để loan truyền việc tân tạo và tân giao ước mang lại từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chẳng những không bị loại bỏ, việc mừng công cuộc tạo dựng còn trở nên sâu xa hơn nữa theo quan điểm qui về Chúa Kitô, một quan điểm theo chiều hướng dự định của Thiên Chúa là “hiệp nhất mọi sự trong Chúa Kitô, những sự trên trời cùng những sự dưới thế” (Eph 1:10). Việc tưởng nhớ đến cuộc giải phóng của Cuộc Xuất Hành cũng có được tất cả ý nghĩa của nó khi nó trở thành việc tưởng nhớ đến ơn cứu chuộc phổ quát được Chúa Kitô hoàn thành bằng Cái Chết và Phục Sinh của Người. Bởi thế, thay vì “thay thế” cho Ngày Hưu Lễ, Chúa Nhật lại làm cho ngày này được nên trọn, và ở một nghĩa nào đó, là việc kéo dài và thể hiện trọn vẹn khi lịch sử cứu độ được từ từ giãi bày, một lịch sử cứu độ đạt đến tột đỉnh của mình nơi Chúa Kitô.

 

60-           Theo quan niệm này, khoa thần học thánh kinh về “Ngày Hưu Lễ” mới được phục hồi trọn vẹn mà không dung hòa với tính chất Kitô giáo về Ngày Chúa Nhật. Nó là một thứ thần học dẫn chúng ta một cách mới mẻ và thực sự ngỡ ngàng trước mầu nhiệm của thuở ban đầu khi mà Lời hằng hữu của Thiên Chúa, bằng quyết định yêu thương tự do, tạo dựng nên thế giới từ hư không. Công việc tạo dựng được niêm ấn bằng việc chúc lành và việc thánh hiến cái ngày Thiên Chúa thôi “mọi việc Ngài đã thực hiện để tạo dựng” (Gen 2:3). Ngày nghỉ ngơi này của Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho thời gian, một thời gian theo lịch trình các tuần lễ chẳng những có tính cách qui định về ngày tháng mà còn, nói một cách nào đấy, có cả tính cách đặc biệt về thần học nữa. Việc liên tục trở về với ngày “shabbat” là những gì bảo đảm rằng không có nguy cơ về việc thời gian tự mình khép lại, vì, khi đón nhận Thiên Chúa cùng với Kairoi của Ngài, tức là cùng với những giây phút ân sủng Ngài ban và tác động cứu độ Ngài làm – thời gian vẫn hướng về vĩnh cửu.

 

61.           Vì ngày thứ bảy được Thiên Chúa chúc lành và thánh hiến mà ngày “hưu lễ” là ngày kết thúc toàn thể công cuộc tạo dựng, và bởi đó, được liên kết một cách trực tiếp với công việc của ngày thứ sáu là ngày Thiên Chúa dựng nên con người “theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài” (x Gen 1:26). Mối liên hệ chặt chẽ giữa “ngày của Chúa” và “ngày của con người” đã được các vị Giáo Phụ lưu ý tới nơi việc các ngài suy niệm về câu truyện tạo dựng trong thánh kinh. Thánh Ambrôsiô nói về vấn đề này như sau: “Bởi vậy hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã hoàn thành một công việc là nơi Ngài có thể nghỉ ngơi. Ngài đã tạo nên các tầng trời, thế nhưng tôi không đọc thấy rằng Ngài nghỉ ngơi ở đó; Ngài đã tạo nên các vì tinh tú, nên vầng nguyệt, nên thái dương, và tôi cũng không đọc thấy Ngài nghỉ ngơi nơi chúng. Trái lại, tôi đọc thấy rằng Ngài đã dựng nên con người và sau đó Ngài nghỉ ngơi, khi tìm thấy nơi con người là kẻ Ngài có thể ban phát cho họ ơn thứ tha tội lỗi của Ngài” (106). Thế nên sẽ có một mối liên kết vĩnh viễn giữa “ngày của Chúa” với “ngày của con người”. Khi giới luật thần linh dạy rằng: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho ngày này thánh hảo” (Ex 20:8), thì các giới răn còn lại để tôn kính ngày được giành cho Thiên Chúa này không còn là một gánh nặng đè lên con người nữa, trái lại, là một phương trợ giúp cho họ nhận ra việc lệ thuộc ban sự sống và giải thoát của họ vào Đấng Hóa Công, cũng như nhận ra việc họ được kêu gọi cộng tác với công cuộc của Đấng Hóa Công và việc họ lãnh nhận ân sủng của Ngài. Trong việc tôn kính “sự nghỉ ngơi” của Thiên Chúa, con người mới hoàn toàn nhận ra được bản thân mình, nhờ đó, Ngày Của Chúa mang ấn tín sâu xa việc chúc lành của Thiên Chúa (x Gen 2:3), vì thế, chúng ta có thể nói, nó được ban, cùng một cách thức, cho cả thú vật lẫn cho chính con người, một thứ “phong phú” (x Gen 1:22,28). Thứ “phong phú” này trên hết hiển nhiên là việc làm trọn vẹn, và ở một nghĩa nào đó, “làm tăng bội” chính thời gian, khiến cho con người nam nữ sâu xa cảm thấy đượn niềm vui sống động và ước muốn duy trì cùng thông đạt sự sống.

 

62.           Bởi thế, nhiệm vụ của Kitô hữu là nhớ rằng, mặc dù những thực hành về Ngày Hữu Lễ Do Thái đã qua đi, những thực hành thực sự đã được “nên trọn” nơi Chúa Nhật, thì những lý do chính yếu trong việc giữ “Ngày Của Chúa” thánh hảo – như được ấn định một cách long trọng nơi Thập Giới – vẫn là những gì có công hiệu, mặc dù chúng cần phải được tái giải thích theo chiều hướng thần học và tu đức của Ngày Chúa Nhật: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho thánh hảo, như Chúa là Thiên Chúa của các người truyền dạy các người. Sáu ngày các người cần phải làm việc và làm tất cả những việc làm của các người; thế nhưng, ngày thứ bảy là Ngày Hưu Lễ đối với Chúa là Thiên Chúa của các người. Bởi thế các người không được làm việc gì, các người hay con trai, hoặc con gái, hay đầy tớ nam, hoặc đầy tớ nữ, hay con bò hoặc con lừa, hay bất cứ một con thú nào của các người, hoặc kẻ ngoại bang nào ở trong cổng nhà của các người, hầu cho tôi trai tớ gái của các người cũng được nghỉ ngơi như các người. Các người phải nhớ rằng các người đã làm tôi mọi nơi đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa của các người đã mang các người ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ và bằng cách tay giang thẳng. Bởi thế Chúa là Thiên Chúa của các người đã truyền rằng các người hãy giữ ngày Hưu Lễ” (Deut 5:12-15). Ở đây việc giữ Ngày Hưu Lễ có liên hệ chặt chẽ với việc giải thoát Thiên Chúa đã thực hiện cho dân của Ngài.

 

63.           Chúa Kitô đến để thực hiện một cuộc tân “xuất hành”, để phục hồi tự do cho thành phần bị áp bức. Người đã thi hành nhiều lần chữ alành vào nNgày Hưu Lễ (x Mt 12:9-14 và các đoạn tương tự), chắc chắn không phải để vi phạm đến Ngày của Chúa, mà là để cho thấy trọn vẹn ý nghĩa của ngày này: “Ngày Hưu Lễ được thiết lập cho con người chứ không phải con người cho ngày Hưu Lễ” (Mk 2:27). Chống lại việc giải thích quá duy pháp lý của một số người đồng thời của mình, cũng như để khai triển ý nghĩa thực sự về Ngày Hưu Lễ theo thánh kinh, Chúa Giêsu, với tư cách là “Chúa của Ngày Hưu Lễ” (Mk 2:28), phục hồi cho Ngày Hưu Lễ việc tuân giữ tính chất giải phóng của nó, thận trọng bảo toàn các quyền lợi của Thiên Chúa cũng như các quyền lợi của con người. Đó là lý do tại sao Kitô hữu, thành phần được kêu gọi khi họ phải loan truyền việc giải phóng bởi máu Chúa Kitô, cảm thấy rằng họ có thẩm quyền chuyển ý nghĩa của Ngày Hưu Lễ sang ngày Phục Sinh. Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thực sự đã giải thoát con người khỏi một tình trạng làm nô lệ còn nặng nề trầm trọng hơn bất cứ gánh nặng nào chất trên một thành phần dân chúng bì đè nén – đó là tình trạng nô lệ tội lỗi, một tình trạng nô lệ tội lỗi khiến con người bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, tách biệt khỏi chính mình cũng như khỏi kẻ khác, một tình trạng nô lệ tội lỗi liên lỉ gieo rắc trong lịch sử những mầm mống sự sữ và bạo lực.

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật) 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ