GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 2/10/2006

 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

?  Bí Mật Fatima phần 3 về Vị Giáo Hoàng bị ám sát chết…. và chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

?   Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi và Truyền Giáo

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(tiếp 30 Thứ Bảy1 Chúa Nhật)

 

Phân tích sứ điệp:

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha trên đây là sứ điệp liên quan trực tiếp tới văn hóa Tây Phương, bao gồm 4 nhận định và 4 huấn dụ chính yếu, có thể được tóm gọn như sau:

 

1.      Nhận định thứ nhất: So với văn hóa của phần thế giới còn lại, vốn được gọi là thế giới thứ ba, hầu như được tập trung ở Á Châu và Phi Châu, với nhiều quốc gia đang cố gắng phát triển về kinh tế, thì văn hóa Tây phương có một nền văn minh tân tiến “về khoa học và kỹ thuật”, nhưng lại là một nền văn minh vô thần, vì nó “loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhân sinh quan” của con người.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục khả năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người”.

 

2.      Nhận định thứ hai: Nguyên nhân Thiên Chúa bị loại trừ ra khỏi nhân sinh quan của con người đó là vì con người Tây phương văn minh vật chất theo chủ nghĩa duy lý, tức chủ nghĩa cho tất cả những gì mình nghĩ là đúng, là chân thiện mỹ, và tất cả những gì con người đã chủ quan cho rằng chân thiện mỹ thì đều được làm theo chiều hướng duy thực dụng, tức chiều hướng duy lợi, ở chỗ, bất cứ điều gì có lợi là tốt, mà đã tốt thì đều được làm và cần phải làm, dù chúng là những gì phản luân thường đạo lý và phi nhân bản, như phá thai triệt sản, hôn nhân đồng tính, tạo sinh ngoại nhiên, tạo sinh sao bản (cloning), triệt sinh an tử, triệt sinh trợ tử v.v. Ở đây, ĐTC có ý nói tới cái được ngài, trong bài giảng cho mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng ngày Thứ Hai 18/4/2005, gọi là “cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối”, một chủ nghĩa được ngài đích thân dẫn giải cái tính chất “độc đoán” của nó ngay sau đó trong cùng đoạn bài giảng như sau: “một chủ nghĩa tương đối độc đoán cho rằng không có gì là tuyệt đối cả, và là một chủ nghĩa chỉ biết căn cứ vào cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà thôi”.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể hình thức đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa”.

 

3.      Nhận định thứ ba: Đức Thánh Cha phân biệt đức tin Kitô Giáo với văn hóa Tây phương và tách biệt đức tin Kitô Giáo ra khỏi văn hóa Tây phương. Bởi vì, văn hóa Tây phương đang sống theo những gì hoàn toàn phản lại đức tin Kitô Giáo, một đức tin chủ trương và nắm giữ lề luật tự nhiên nói chung và bản thập điều nói riêng; và vì phản lại đức tin Kitô Giáo, văn hóa Tây phương văn minh ngày nay đã tỏ ra “khinh thường Thiên Chúa”, tỏ ra “ngạo mạn… chế diễu sự linh thánh” cho mình có quyền tự do làm thế, một quyền tự do lấy lợi lộc thực tế trước mặt là “qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học, điển hình nhất là việc nghiên cứu thân bào từ tế bào phôi thai của con người. Đó mới là những gì đe dọa đến căn tính của các nền văn hóa khác, nhất là các nền văn hóa không được văn minh tân tiến về vật chất, dễ bị ảnh hưởng và áp đảo bởi áp lực kinh tế của những nền văn hóa tân tiến, như thực tế vẫn hiển nhiên chứng thực.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “Họ (dân chúng ở Á Châu và Phi Châu) không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học”.

 

4.      Nhận định thứ bốn: Cho dù tự bản chất của chủ nghĩa tương đối có tính cách độc đoán như thế, nhưng đối với nhân sinh quan vô thần của con người Tây phương văn minh vật chất thì đó lại là “một thứ nhân nhượng”, và “có tính cách cởi mở về văn hóa”. “Nhân nhượng” và “cởi mở về văn hóa” đây, theo nền văn hóa Tây phương, là ở chỗ, luôn làm sao để có thể biết thích ứng với hoàn cảnh hiện sinh của con người, thông cảm với con người, qua những đạo luật cho phép triệt sinh an tử hay triệt sinh trợ tự, giúp con người được giải thoát khỏi tình trạng đớn đau, và qua những đạo luật cho phép nữ giới được sử dụng những loại thuốc hậu sự làm tình after morning pills để khỏi phải mang thai ngoài ý muốn, khỏi phải nặng gánh sau các cuộc truy hoan khoái lạc về dục tính v.v.

 

Nguyên văn sứ điệp về văn hóa Tây phương của ĐTC như sau: “Cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và có tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều muốn!

 

Thế nhưng, từ ban đầu, đức tin Kitô giáo là một trong những yếu tố chính yếu, cùng với yếu tố Hy-La, đã hình thành văn hóa Tây phương, đến nỗi, có thể nói văn hóa Tây phương là văn hóa Kitô Giáo, một thứ văn hóa nhân bản Kitô Giáo, một thứ văn hóa tôn trọng, cổ võ và bảo vệ phẩm vị lẫn sự sống của con người, một thứ văn hóa phục vụ không hưởng thụ, một thứ văn hóa hiệp thông toàn cầu hóa tình đoàn kết huynh đệ, giúp cho mọi dân tộc có thể chung sống với nhau như một đại gia đình, trong công lý và hòa bình.

 

Bởi thế, chẳng những để cứu vãn mà còn sử dụng như phương tiện truyền bá phúc âm hóa thứ văn hóa Tây phương đã lạc xa đức tin Kitô giáo, và chính vì tách khỏi gốc gác thần linh của mình được thể hiện nơi đức tin Kitô giáo hồn sống ấy, mà văn hóa Tây phương đã trở thành lạc loài, băng hoại, đến độ trở thành một thứ văn hóa được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa sự chết”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nêu lên 4 lời huấn dụ thực tế nguyên văn như sau:

 

5.      Huấn dụ thứ nhất: “Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải tái học biết việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta”.

 

6.      Huấn dụ thứ hai: “Chúng ta không áp đặt niềm tin này trên bất cứ một ai. Việc dụ giáo như thế là những gì nghịch lại với Kitô Giáo. Đức tin chỉ có thể phát triển trong tự do. Thế nhưng chúng ta muốn kêu gọi quyền tự do của con người nam nữ hãy hướng về Thiên Chúa, hãy tìm kiếm Ngài, hãy nghe tiếng của Ngài”.

 

7.      Huấn dụ thứ ba: “Thế giới cần đến Thiên Chúa. Chúng ta cần đến Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa như thế nào?” Theo ngài, đó là vị Thiên Chúa mà “‘việc báo oán’ của Người là thập tự giá: một tiếng ‘không’ đối với bạo lực và là ‘một tình yêu thương cho đến cùng’. Đó là vị Thiên Chúa chúng ta cần”.

 

8.      Huấn dụ thứ bốn: “Chúng ta không thôi tỏ lòng tôn trọng đối với những tôn giáo và văn hóa khác, việc sâu xa tôn trọng niềm tin của họ, khi chúng ta minh nhiên và dứt khoát loan truyền vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng nỗi đớn đau của Người; Đấng trước quyền lực sự dữ tỏ ra tình thương của Người, để kìm hãm và chế ngự sự dữ”.

 

Căn cứ vào 4 điều huấn dụ này của ngài, chúng ta thấy quả đúng như lời ngài đã trả lời cho một ký giả Đức trong cuộc phỏng vấn ngày 5/8/2006, tại dinh nghỉ hè của giáo hoàng ở Castel Gandolfo, liên quan tới mục đích và sứ điệp của chuyến tông du thứ bốn của ngài. Ngài nói:

 

“Đúng thế. Mục đích của chuyến viếng thăm này chính là vì tôi muốn nhìn lại những nơi tôi đã sinh trưởng, những người đã liên hệ và hình thành cuộc sống của tôi. Tôi muốn cám ơn những người này. Dĩ nhiên tôi cũng muốn nói lên những gì vượt ra ngoài xứ sở của mình, theo thừa tác vụ của tôi.

 

“Tôi chỉ căn cứ vào phụng vụ để lấy ra những đề tài. Đề tài căn bản đó là chúng ta cần phải tái nhận thức Thiên Chúa, không phải bất cứ vị Thiên Chúa nào, mà là vị Thiên Chúa có một bộ mặt con người, vì khi chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô là chúng ta thấy Thiên Chúa. Khởi đi từ đó chúng ta cần phải tìm cách gặp gỡ nhau trong gia đình, giữa các thế hệ, rồi giữa các nền văn hóa và dân tộc nữa. Chúng ta cần phải tìm cách hòa giải và chung sống thuận hòa trên thế giới này, những đường lối dẫn tới tương lai. Chúng ta sẽ không thấy được những con đường dẫn đến tương lai ấy nếu chúng ta không lãnh nhận ánh sáng từ trên cao”. 

 

 

TOP

 

 

 ? Bí Mật Fatima phần 3 về Vị Giáo Hoàng bị ám sát chết…. và chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 Chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ 28/11-1/12/2006 – Liệu có hiện thực hay liều lĩnh chứng nhân? 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL: Hướng về chuyến tông du định mệnh của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

(tiếp 30 Thứ Bảy1 Chúa Nhật)

 

Chuyến Tông Du liên quan tới Bí Mật Fatima: Một Thổ Nhĩ Kỳ – đỉnh núi tử đạo?

 

Tình hình căng thẳng và giận dữ nơi thế giới Hồi Giáo, sau hai lần thanh minh và dẫn giải của chính Đức Thánh Cha, một vào buổi nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17/9 và một vào buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 20/9/2006, đã dường như thực sự lắng đọng, nhưng phải chăng đây cũng có thể là bầu khí thuận lợi cho việc âm thầm mưu toan thực hiện những gì bất lợi cho vị giáo hoàng vào chuyến tông du tới đây của ngài hay chăng?

Bí Mật Fatima phần thứ ba là bí mật đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thánh Lễ phong chân phước cho hai Thiếu Nhi Fatima là Phanxicô và Giaxinta hôm 13/5/2000 tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima, tuyên bố sẽ tiết lộ cho thế giới biết, và sau đó vào ngày 26/6 cùng năm, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã chính thức phổ biến toàn bộ phần Bí Mật Fatima đã từng được Tòa Thánh giữ kín và làm cho thế giới hết sức tò mò và đoán mò đủ thứ này. Nếu cần, xin xem toàn bộ phần bí mật quan trọng ấy trong cuốn “Fatima: Dấu Chỉ Thời Đại” của người viết, được Nhà Xuất Bản Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp in ấn và phát hành vào năm 2000, hay vào ngay mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh là

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html

Thật vậy, phần bí mật này liên quan tới hình ảnh vị giáo hoàng bị sát hại, một vị giáo hoàng được Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho là chính ngài. Đó là lý do ngài đã thực hiện việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984, để đáp ứng lời yêu cầu của Trời Cao như điều kiện để làm cho Nước Nga trở lại, một việc làm đã được chính Đức Gioan Phaolô II  nhắc lại vào hôm Thứ Tư 25/3/2004, kỷ niệm 20 năm biến cố hiến dâng này, một biến cố, theo diễn tiến và chứng từ hùng hồn của lịch sử, quả thực đã dẫn tới Biến Cố Đông Âu năm 1989, bắt đầu từ Balan là quê hương của vị giáo hoàng nạn nhân của vụ ám sát 13/5/1981, rồi sau đó tới biến cố Nước Nga giải thể vào Lễ Giáng Sinh 25/12/1991. (Xin xem cuốn “Đức Gioan Phaolô II: ‘Sống là Chúa Kitô – Chết là Vinh Thắng’”, chương 4, ‘Nguyên Tố Gây Ra Sụp Đổ Đông Âu’, trang 45-60), của cùng người viết), Chưa hết, ngoài việc đáp ứng trên, Đức Gioan Phaolô II còn tiết lộ chính phần còn lại của Bí Mật Fatima được ngài cho là đã nên trọn. Sau đây là nguyên văn câu có liên quan tới việc sát hại vị giáo hoàng Công Giáo trong phần thứ ba của Bí Mật Fatima:

 

·        Rồi chúng con thấy một vị Giám Mục mặc Áo Trắng, ‘mà chúng con có cảm nhận đó là Đức Thánh Cha’, trong một vùng sáng mênh mông là Thiên Chúa, ‘giống như người ta thấy mình đi ngang qua trước một tấm gương soi’. Các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn, được làm bằng những thân cây nứt nẻ như loại thân cây điên điển còn vỏ; trước khi tiến lên tới đỉnh núi, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, một nửa đã bị tàn rụi, còn một nửa kia thì đang run rẩy loạng quạng lê bước với đầy những đớn đau và buồn khổ, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi thể Ngài gặp thấy trên quãng đường đi; tiến tới đỉnh núi rồi thì khi đang quì ở dưới chân cây Thập Giá lớn, Ngài bị đã ám sát chết bởi một nhóm lính bắn tới bằng các viên đạn và mũi tên, cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhau”.

 

Phân tích kỹ đoạn Bí Mật Fatima trên đây, thì biến cố Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn chưa hoàn toàn xẩy ra đúng hệt như những gì được thị kiến thấy ở đây. Trước hết là việc ngài chết hụt chứ không chết thật như ở đây nói rõ: “Ngài bị đã ám sát chết”. Thứ hai là ngài chỉ bị một tay sát thủ thường dân bắn mà thôi, chứ không phải nhiều người lính như ở đây nói tới: “bởi một nhóm lính”. Thứ ba, ngài bị ám sát bằng đạn thôi, chứ không phải “bằng các viên đạn và mũi tên” như ở đây viết rõ. Và thứ bốn, “cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhau”, nhưng trong biến cố 13/5/1981 thì chỉ có một mình ngài bị sát hại mà thôi.

 

Căn cứ vào những suy diễn trên đây, dựa vào biến cố 13/5/1981, thì lần này, nếu thực sự xẩy ra, vị giáo hoàng đương kim của chúng ta, vị hằng nói tới thập giá chế ngự sự dữ cũng như tới đức tin và thúc giục sống đức tin, nhất là trong chuyến tông du về Đức 6 ngày 9-14/9/2006, một đức tin gay go trong thế giới ngày nay, mà muốn sống trọn thì chẳng khác gì như “đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn”, sẽ bị sát hại chết thực sự, bởi một nhóm dân quân khủng bố nào đó (như nhóm Al Qaeda đã đe dọa, một lời đe dọa liên quan đến việc “bẻ gẫy cây thập giá”, và tay sát thủ Ali Agca cảnh báo trên đây), bằng đủ loại vũ khí có thể, chẳng hạn bằng cả phi đạn tầm xa (giống như của nhóm Herbollah ở Libăng bắn sang phần đất của Do Thái trong Tháng 8/2006, là những gì được bí mật nói tới như “mũi tên”), và vì thế có thể sát hại cả phái đoàn tùy tùng, bao gồm đủ mọi thành phần từ giám mục trở xuống cùng giáo dân tại hiện trường với ngài vào một thời điểm thiên định nào đó trong chuyến tông du thứ năm đầy mạo hiểm này.

 

Hiện thân của một trong thành phần đã cùng tử nạn với ngài, phải chăng dẫn đầu đã có một nữ tu người Ý, dòng Chị Em Thừa Sai Consolata, đó là Sơ người đã được dư luận nói chung và Đức Hồng Y chủ tịch hội đồng Ý nói riêng, cho rằng là nạn nhân của biến cố bài diễn văn Đức Thánh Cha nói gây phẫn nộ tín đồ Hồi Giáo.

 

Thật vậy, vào trưa Chúa Nhật 17/9/2006, nữ tu dòng truyền giáo Consolata là Leonella Sgorbati, người Ý, 65 tuổi, đang băng ngang qua đường giữa Bệnh Viện SOS là nơi nữ tu làm việc và Làng SOS là nơi nữ tu và 4 chị em khác cư trú, thì bị hai tay súng xuất hiện đằng sau gần những chiếc xe taxi và những hàng quán bên đường bắn. Nữ tu này đã vội chạy đến Bệnh Viện SOS và chết sau đó ít lâu. Theo tường thuật của chị em cùng dòng ở tại đó cho cơ quan Tín Vụ Công Giáo Phi Châu (CISA: Catholic Information Service of Africa) ở Nairobi biết vào cùng ngày thì thi thể của người nữ tu này bị những vết thương gây ra bởi 7 viên đạn: “Chị biết rằng chị sắp chết, vì chị cứ nói rằng ‘tôi không thở được’. Những lời cuối cùng của chị là ‘tôi tha thứ, tôi tha thư’”.

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 24/9/2006, liên quan đến nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa về lời Chúa Kitô tiên báo lần hai cuộc Vượt Qua của Người, cũng như về những lời của Thánh Giacôbê rất khít khao với tình trạng xung khắc hiện nay trên thế giới, Đức Thánh Cha đã nhắc đến gương chứng nhân của chị dòng này như sau:

 

·        Phụng vụ hôm nay cũng đã nhắc nhở trong Thư của Thánh Giacôbê rằng: ‘Ở đâu có ghen tị và vị kỷ, thì ở đó xẩy ra lệch lạc và đủ mọi thứ việc làm xấu xa nhơ nhuốc. Thế nhưng, đức khôn ngoan từ trên cao trước hết là những gì tinh tuyền, rồi an bình, nhân ái, tuân hợp, đầy xót thương và hoa trái tốt lành, không bất nhất hay thiếu chân thành’. Vị tông đồ này kết luận: ‘Hoa trái của đức công chính là những gì được gieo trong an bình cho những ai vun trồng bình an’ (3:16-18). Lời này khiến cho chúng ta nhớ đến chứng từ của rất nhiều Kitô hữu, thành phần, bằng lòng khiêm nhượng và trong âm thầm, đã vì Chúa Giêsu hiến đời mình để phục vụ kẻ khác, hoạt động một cách cụ thể như thành phần tôi tớ của yêu thương và bởi đó là ‘những kiến tạo gia’ hòa bình. Một số đã được kêu gọi để cống hiến chứng từ bằng máu cao cả, như đã xẩy ra mới đây mấy hôm cho một tu sĩ người Ý là Nữ Tu Leonella Sgorbati, người nữ tu đã trở thành nạn nhân của bạo lực. Người nữ tu này, người đã nhiều năm phục vụ thành phần nghèo khổ và trẻ em ở Somalia, đã chết khi thốt lên lời ‘tha thứ’: Đó là chứng từ Kitô Giáo đích thực nhất, một dấu hiệu phản khắc đầy an bình cho thấy cuộc vinh thắng của tình yêu trên hận thù và sự dữ”.

 

Nếu quả thực biến cố sát hại trên đây thành công, đúng như phần thứ ba của Bí Mật Fatima trên đây tiên báo, thì phần thắng không phải về tay thành phần khủng bố Hồi Giáo, mà là đã lọt vào tay Đấng Quan Phòng Thần Linh. Vì Ngài chính là Đấng đã khôn ngoan định liệu trước hết mọi sự theo ý định thần linh vô cùng khôn ngoan của Ngài, và sau đó chẳng những đã tiết lộ cho riêng 3 Thiếu Nhi Fatima là Lucia, Phanxicô và Giaxinta thấy trước từ năm 1917, mà còn tỏ cho chung loài người biết trước từ năm 2000 nữa.

 

Như đã sử dụng biến cố 13/8/1981 của Đức Gioan Phaolô II để thực hiện ý định của mình nơi Biến Cố Cộng Sản Đông Âu năm 1989 thế nào, Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử của loài người cũng có thể, biết đâu, lần này, lại chẳng sử dụng đến chính cái chết của vị giáo hoàng đương kim Biển Đức XVI để làm một việc gì đó theo ý nhiệm của Ngài cho thời đại hiện nay, như làm cho Kitô Giáo hiệp nhất, nhờ đó Âu Châu mới có thể hiệp nhất, tức làm cho Âu Châu trở về với Ngài, để Âu Châu trở thành một lực lượng chẳng những ngăn chặn làn sóng hận thù của thành phần tín đồ Hồi Giáo quá khích và khủng bố, mà còn khiến cho cả Do Thái nhận biết Đấng Thiên Sai nơi Kitô Giáo mà trở về với Ngài nữa thì sao? Thế thì cái chết của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là những gì cần thiết, hết sức xứng đáng và (ở một nghĩa nào đó) rất đáng ước mong. Chúng ta hãy chờ để thấy được những dấu chỉ thời đại và nguyện cầu cho Đức Thánh Cha của chúng ta trong chuyến đi định mệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thời khoảng tuần lễ cuối Năm Phụng Vụ B, 28/11-1/12/2006, thời điểm Giáo Hội cử hành và mầu nhiệm cánh chung với Lễ Chúa Kitô Vua. 

 

Đúng vậy, nếu “Thiên Chúa thực hiện hết mọi sự hòa hợp với nhau để mang lại thiện ích cho những ai được Ngài kêu gọi theo ý định của Ngài” (Rm 8:28), thì mầu nhiệm Vượt Qua là tử giá và phục sinh của Chúa Kitô vẫn là những gì cần phải được liên tục tiếp diễn trong lịch sử loài người, một mầu nhiệm hằng được Giáo Hội lữ hành cử hành mà nhớ đến Người, chẳng những trên bàn thờ trong việc long trọng cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, mà còn nơi các chi thể thuộc Nhiệm Thể Giáo Hội nữa, qua các chứng từ đức tin đẫm máu của họ, nhờ đó, mầu nhiệm sự dữ sẽ được dứt khoát giải quyết và thanh toán bằng quyền lực vô địch của một tình yêu thần linh mạnh hơn sự chết, đúng như những gì được vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đương kim của chúng ta đã thâm tín, ước nguyện và khuyên dạy, trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10/9/2006 tại Neue-Messe ở Munich Đức quốc:

 

·        Thế giới cần đến Thiên Chúa. Chúng ta cần đến Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa như thế nào? Trong bài đọc thứ nhất, vị tiên tri nói với một người đang chịu áp đảo rằng: ‘Ngài sẽ đến báo oán’ (Is 35:4). Chúng ta có thể dễ dàng cho rằng tại sao con người nghĩ đến báo oán. Thế nhưng, chính vị tiên tri này tiếp tục tỏ cho thấy những gì thực sự là, đó là sự thiện hảo chữa lành của Thiên Chúa. Lời giải thích cuối cùng nơi lời của vị tiên tri này được thấy nơi Đấng đã chết trên thập giá: Nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. ‘Việc trả oán’ của Người là thập tự giá: một tiếng ‘không’ đối với bạo lực và là ‘một tình yêu thương cho đến cùng’. Đó là vị Thiên Chúa chúng ta cần. Chúng ta không thôi tỏ lòng tôn trọng đối với những tôn giáo và văn hóa khác, việc sâu xa tôn trọng niềm tin của họ, khi chúng ta minh nhiên và dứt khoát loan truyền vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng nỗi đớn đau của mình; Đấng trước quyền lực sự dữ tỏ ra tình thương của Người, để kìm hãm và chế ngự sự dữ. Giờ đây chúng ta hãy dâng lời nguyện của chúng ta lên Ngài, xin Ngài ở với chúng ta và giúp chúng ta trở thành những nhân chứng cho Người. Amen!”

 

 

 

TOP

 

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên 1/10/2006 về Kinh Mân Côi và Truyền Giáo

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay là ngày đầu Tháng Mười, tôi xin chia sẻ về hai khía cạnh nổi bật trong tháng này nơi cộng đồng giáo hội, đó là khía cạnh cầu kinh mân côi và việc dấn thân cho các vấn đề truyền giáo.

 

Thứ Bảy tới đây, ngày 7/10, chúng ta cử hành lễ Trinh Nữ Mân Côi; nó như thể hằng năm Đức Mẹ mời gọi chúng ta hãy khám phá ra vẻ đẹp của kinh nguyện này, một kinh nguyện rất đơn sơ mà lại sâu xa.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta là một vị đại tông đồ của kinh mân côi: Chúng ta nhớ đến việc ngài quí với chuỗi hạt trong tay, chìm ngập vào việc chiêm ngắm Chúa Kitô, như chính ngài muốn mời gọi chúng ta hãy thực hiện Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”.

 

Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chiêm niệm lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, một kinh nguyện gắn liền với việc suy niệm Thánh Kinh. Nó là kinh nguyện của Kitô hữu đang tiến bước trong cuộc hành trình đức tin theo bước chân của Chúa Giêsu, được Mẹ Maria đi trước dẫn dường mở lối. Anh chị em thân mến, tôi muốn mời anh chị em hãy cầu kinh mân côi chung với gia đình trong tháng này, cũng như trong cộng đồng và trong giáo xứ, theo các ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho việc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho Hòa Bình thế giới.

 

Tháng mười cũng là tháng truyền giáo, và ngày Chúa Nhật 22/10 chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly rằng: “Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21).

 

Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô: đó là sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể. Trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi đã trình bày cho thấy đức ái thực sự là “hồn sống của việc truyền giáo”.

 

Thánh Phaolô, vị tông đồ của thành phần Dân Ngoại, đã viết rằng: “Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cor 5:14). Chớ gì hết mọi Kitô hữu lấy những lời đó làm của mình, hân hoan cảm nghiệm được việc mình là một thừa sai của tình yêu ở những nơi được Đấng Quan Phòng sai đến, bằng tấm lòng khiêm nhượng và can đảm, phục vụ tha nhân một cách bất vụ lợi, và cầu nguyện cho mình được mãnh lực của một đức ái hân hoan và tận tụy (Thiên Chúa là Tình Yêu, 32-39).

 

Vị quan thày thế giới cho việc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một trinh nữ tu Carmêlô và là một tiến sĩ của Giáo Hội, vị chúng ta thực sự tưởng kính vào ngày hôm nay đây. Chớ gì chị, người đã nhận thấy con đường “đơn sơ” nên thánh là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân uy tín của Phúc Âm bác ái. Xin Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ của kinh mân côi và là nữ vương của việc truyền giáo, dẫn tất cả chúng ta tới Chúa Kitô là Đấng cứu độ của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/10/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ