GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 16/11/2006

 TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

 

?  ĐTC Gioan Phaolô II về Thánh Thể Và Vấn Ðề Hiệp Thông Xã Hội

?  “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: Vấn Đề Giáo dục và Chứng tá của lòng bác ái

?   Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ lên tiếng về Việc Thành Phố Mễ Tây Cơ chuẩn nhận Các Cuộc Hôn Nhân Đồng Tính

 

 

? ĐTC Gioan Phaolô II về Thánh Thể Và Vấn Ðề Hiệp Thông Xã Hội

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

34.       Thượng Hội Giám Mục Thế Giới 1985 đã nhín thấy được nơi ý niệm về một “khoa giáo hội học của mối hiệp thông” ý tưởng chính yếu và nồng cốt của tất cả các văn kiện của Công Ðồng Chung Vaticanô II (67). Giáo Hội, trong cuộc lữ hành trần thế của mình, được kêu gọi bảo trì và phát triển mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mối hiệp thông nơi thành phần tín hữu. Bởi thế Giáo Hội mới có được lời Chúa và các phép bí tích, nhất là Thánh Thể, để có thể “liên lỉ sống động và tăng trưởng” (68), và thể hiện chính bản chất của mình. Không phải là ngẫu nhiên từ ngữ hiệp thông đã trở thành một trong những tên gọi được gán ghép cho bí tích cao trọng này.

Như thế, Thánh Thể trở nên tuyệt đỉnh của tất cả mọi bí tích trong việc hoàn hảo mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng việc đồng hóa với Người Con duy nhất của Ngài, nhờ hoạt động của Thánh Linh. Ý thức được đức tin, một cây viết nổi tiếng của truyền thống Bazantine đã nói lên sự thật này: đó là nơi Thánh Thể “không giống như bất cứ một bí tích nào khác, mầu nhiệm (của mối hiệp thông) hoàn hảo đến nỗi nó làm cho chúng ta đạt đến tuyệt đỉnh của tất cả mọi sự thiện hảo, nơi là đích điểm tối hậu của hết mọi ước muốn con người, vì đó là nơi chúng ta đạt tới Thiên Chúa, một Thiên Chúa liên kết bản thân mình với chúng ta bằng mối hiệp nhất hoàn hảo nhất” (69). Chính vì lý do này mà việc vun trồng trong tâm hồn chúng ta một liên lỉ ước muốn bí tích Thánh Thể là điều thiện ích. Ðó là khởi đầu của việc tập “hiệp thông thiêng liêng”, một mối hiệp thông thiêng liêng đã được diễm phúc thiết lập trong Giáo Hội qua nhiều thế kỷ, và được khuyến dụ bởi những vị thánh là thày dạy đời sống thiêg liêng. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi chị em không hiệp lễ và không dự lễ, chị em vẫn có thể thực hiện việc hiệp thông thiêng liêng là một việc làm hết sức ích lợi; nhờ việc hiệp thông thiêng liêng này tình yêu Thiên Chúa sẽ sâu xa rất nhiều nơi chị em” (70).

35.       Tuy nhiên, việc cử hành Thánh Thể không thể là khởi điểm cho mối hiệp thông; Thánh Thể vốn phải được hiểu là đã có mối hiệp thông này, một mối hiệp thông cần phải được củng cố và đạt đến mức độ trọn hảo. Bí tích Thánh Thể là việc diễn đạt mối liên kết hiệp thông này, cả nơi chiều kích vô hình của bí tích này, một chiều kích liên kết chúng ta với Chúa Cha cũng như với nhau trong Chúa Kitô và nhờ hoạt động của Thánh Thần, lẫn chiều kích hữu hình, một chiều kích bao gồm việc hiệp thông theo giáo huấn của các Tông Ðồ, nơi các bí tích và theo phẩm trật Giáo Hội. Vấn đề liên hệ sâu xa giữa những yếu tố vô hình và hữu hình nơi mối hiệp thông giáo hội này là những gì làm cho Giáo Hội trở thành như một bí tích cứu độ (71). Chỉ có như thế thì việc cử hành Thánh Thể mới ý nghĩa và mới thực sự tỏ ra tham dự vào việc cử hành này. Tóm lại, Thánh Thể thật sự cần phải được cử hành trong tình hiệp thông, nhất là việc bảo tồn trọn vẹn những mối liên hệ khác nhau của tình hiệp thông này.

36.       Mối hiệp thông vô hình, mặc dù tự bản chất của nó, luôn tăng tiến, cần phải có sự sống ân sủng là những gì làm cho chúng ta trở thành “những người thông dự vào bản tính thần linh” (2Pet 1:4), cũng như cần phải thực hành các nhân đức tin, cậy và mến. Chỉ có thế chúng ta mới thực sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Ðức tin cũng không đủ; chúng ta cần phải kiên trì sống ơn thánh hóa và yêu thương, bằng việc ở trong Giáo Hội “một cách thể lý” cũng như “bằng tâm hồn của chúng ta” (72); theo lời Thánh Phaolô, điều cần phải có đó là “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gal 5:6).

Việc giữ trọn vẹn những mối liên hệ vô hình này là một nhiệm vụ đặc biệt về luân lý đối với những Kitô hữu muốn trọn vẹn tham dự vào Thánh Thể bằng việc lãnh nhận mình máu Chúa Kitô. Tông đồ Phaolô đã kêu gọi thực thi điều này khi ngài cảnh giác rằng: “Hãy xét mình đã rồi hãy ăn bánh và uống chén này” (1Cor 11:28). Thánh Gioan Kim Khẩu đã huấn dụ tín hữu một cách hung hồn rằng: “Cả tôi cũng lên tiếng nữa, tôi năn nỉ, van xin và khẩn cầu là đừng có ai tiến đến với bàn tiệc thánh này với một lương tâm bị nhơ bẩn và bại hoại. Thật vậy, một hành động như thế không thể nào có thể được gọi là ‘hiệp thông’ cả, cho dù chúng ta có đụng chạm đến mình Chúa cả ngàn lần, mà chỉ là ‘luận phạt’, ‘cực hình’ và ‘gia tăng hình phạt’” (73).

Cũng thế, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng đã có lý nhấn mạnh rằng “ai ý thức được mình đã phạm trọng tội thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi hiệp lễ” (74). Thế nên, Tôi muốn tái xác nhận là, vẫn còn hiệu lực hiện nay cũng như sau này trong Giáo Hội qui luật đã được Công Ðồng Triđentinô cụ thể bày tỏ theo lời cảnh giác nghiêm trọng của Thánh Phaolô là, để lãnh nhận Thánh Thể một cách xứng đáng, “người ta phải trước hết xưng thú tội lỗi của mình, khi nhận ra mình đang mắc trọng tội” (75).

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần bắt đầu từ ngày 17/8/2006)

 

 

TOP

 

 

?  “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: Vấn Đề Giáo dục và Chứng tá của lòng bác ái

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ cho Công Nghị Toàn Ý Quốc Về  Giáo Hội Lần 4 ở Trung Tâm Triển Lãm Verona 19/10/2006

(Tiếp 12 Chúa Nhật tiểu đoạn 1 "Chúa Kitô Phục Sinh: Tâm điểm của đời sống";

13 Thứ Hai tiểu đoạn 2 "Việc phục vụ của Giáo hội Ý";

14 Thứ Ba tiểu đoạn 3 "Biểu lộ một đức tin ‘tuân phục’";

15 Thứ Tư tiểu đoạn 4 "Con người: Trí khôn, óc thông minh, và tình yêu")

 

Vấn Đề Giáo dục

 

Vấn đề chính yếu ở đây là, để cho kinh nghiệm về đức tin và tình yêu Kitô giáo được đón nhận, thực hành và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì việc giáo dục con người là những gì hệ trọng và quyết liệt. Cần phải quan tâm tới việc đào tạo trí óc của họ, mà vẫn không xao lãng về niềm tự do và khả năng yêu thương của họ. Đây là lý do tại sao cần phải trông cậy vào Ân sủng.

 

Chỉ bằng cách này mới có thể đối phó một cách hiệu quả nổi với cái nguy cơ nơi số mệnh của gia đình nhân loại, một thứ nguy cơ được thể hiện nơi tình trạng mất quân bình giữa việc phát triển về khả năng kỹ thuật rất nhanh chóng với sự tăng trưởng gay go hơn về những phương tiện luân lý của chúng ta.

 

Việc giáo dục đích thực cần phải trở thành những gì làm bừng lên lòng dũng cảm để có thể thực hiện những quyết định dứt khoát, những quyết định mà ngày nay được xem như là một thứ ràng buộc khổ sở đối với quyền tự do của chúng ta. Trên thực tế thì đó là điều không thể thiếu được cho vấn đề thăng tiến và để đạt được một cái gì đó cao cả trong đời sống, đặc biệt, để làm cho tình yêu trưởng thành với tất cả vẻ đẹp của nó: nhờ đó, làm cho chính tự do được nhất quán và có ý nghĩa.

 

Từ mối quan tâm này về con người cùng việc phát triển của họ tiến tới vấn đề chúng ta ‘bác bỏ’ những hình thức yêu thương yếu kém và lệch lạc, cũng như cái giả tạo của quyền tự do được thấy nơi việc biến lý trí thành những gì đo đếm được hay mạo dụng được. Thực vậy, những thứ ‘bác bỏ’ này đúng hơn là những ‘chấp nhận’ đối với tình yêu đích thực, đối với thực tại của con người như họ đã được Thiên Chúa đã tạo dựng nên.

 

Tôi muốn bày tỏ ở đây việc tôi hết lòng cảm nhận về công việc đào tạo và giáo dục tuyệt vời được các Giáo hội địa phương không ngừng thực hiện ở Ý, qua sự quan tâm mục vụ của mình đối với các tân thế hệ và các gia đình; tôi xin cám ơn về sự chú trọng này!

 

Trong các hình thức dấn thân đa diện ấy, tôi không thể không nghĩ đặc biệt đến các trường học Công giáo, bởi vì đối với các trường học này, ở một mức độ nào đó, vẫn còn những thành kiến lạc hậu gây nên những trì trệ tai hại, và là những thành kiến không còn khả dĩ biện minh, trong việc nhìn nhận chức năng của chúng cũng như trong việc cho chúng có thể cụ thể hoạt động.

  

Chứng tá của lòng bác ái

 

Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng bất cứ sự gì chúng ta làm cho người anh em bé mọn nhất là chúng ta làm cho chính Ngài (x. Matt. 25,40). Vì thế, tính chất xác thật của việc chúng ta gắn bó với Chúa Kitô được xác nhận một cách đặc biệt ở tình yêu và sự quan tâm cụ thể đến thành phần yếu đuối và nghèo nàn nhất, những người bị đe dọa nhiều nhất và sống hết sức khốn khổ.

 

Giáo Hội Ý quốc có một truyền thống tuyệt vời về việc gần gũi, giúp đỡ, và gắn bó với người nghèo, người bệnh tật, và người bị xua đuổi, một truyền thống được biểu lộ ở mức cao nhất nơi hàng loạt tuyệt vời ‘các vị Thánh bác ái’. Truyền thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, và là một truyền thống đang phải đương đầu với nhiều hình thức nghèo khổ về vật chất và luân lý, qua các tổ chức Caritas, các tổ chức thiện nguyện, qua các công tác thường âm thần của nhiều giáo xứ, các cộng đồng dòng tu, các đoàn thể và nhóm, qua từng cá nhân được thúc đẩy bởi tình yêu mến Đức Kitô và tha nhân.

 

Hơn nữa, Giáo hội tại Ý biểu lộ sự đoàn kết đặc biệt đối với vô số người nghèo trên thế giới. Vì thế, rất cần phải luôn giữ được tính chất cao thượng và trong sáng cho tất cả mọi chứng tá bác ái này, nuôi dưỡng nó bằng sự khiêm nhường và lòng tin cậy vào Thiên Chúa, xa tránh các thứ khuynh hướng có tính cách ý hệ cùng những cảm tình có tính cách bè phái, nhất là hướng cái nhìn của nó theo cái nhìn của Chúa Kitô. Bởi thế, công việc thực tiễn ấy đã là một công việc hệ trọng, nhưng việc chia sẻ riêng tư với người nghèo và với nỗi khổ của tha nhân mình là những gì còn cần thiết hơn thế nữa.

 

Vì thế, anh chị em thân mến, lòng bác ái của Giáo hội là những gì làm hiện lộ tình yêu của Thiên Chúa trên thế giới này, và do đó làm cho đức tin của chúng ta vào vị Thiên Chúa Nhập Thể, Tử Giá và Phục Sinh có sức thu hút.

 

(bài huấn từ dài này còn tiếp 1 ngày nữa)

 

Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/october/documents/hf_ben-xvi_spe_20061019_convegno-verona_en.html

 

 

 

TOP

 

 

?  Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ lên tiếng về Việc Thành Phố Mễ Tây Cơ chuẩn nhận Các Cuộc Hôn Nhân Đồng Tính

 

Thành Phố Mễ Tây Cơ ở nước Mễ Tây Cơ là nơi thứ hai, sau Buenos Aires, Á Căn Đình, chấp nhận các cuộc hôn nhân đồng tính, với số phiếu 43-17 hôm Thứ Năm, 9/11/2006.

 

Ngày hôm trước đó, các vị giám mục ở nước này đã phổ biến một bản tuyên cáo cảnh báo về những nguy hiểm của qui tắc mới này.

 

“Giáo Hội luôn tôn trọng luật tự nhiên, vì nó ở nơi chính bản tính của con người và làm cho họ được nên trọn chứ không phải chỉ ở các thứ luật lệ thực chứng. Thân xác con người tự mình nói lên cái khác nhau sâu xa và bổ khuyến giữa người nam và người nữ…

 

“Khi giá trị của gia đình bị đe dọa bởi những áp lực của xã hội và kinh tế, thì Giáo Hội sẽ phản ứng, bằng cách tái khẳng định hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là những gì cần thiết không phải vì thiện ích tư riêng của mỗi người mà còn vị công ích của toàn thể xã hội, đất nước và quốc gia nữa”.

 

“Một thứ luật như thế chỉ thấy và tìm cách cống hiến những giải quyết què cụt và tạm thời cho một vấn đề còn phức tạp hơn vậy nữa…

 

“Chúng tôi xin đề nghị với các nhà lập pháp rằng xin họ hãy ban hành luật pháp hợp với nhân vị của con người và của gia đình, vì gia đình là chuẩn mực thực sự cho thấy sự cao cả của một đất nước, cũng như nhân vị của con người là chuẩn mực đích thực cho văn minh của con người vậy”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/11/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ