GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 30/1/2006

 Tuần 4 Thường Niên

 

?   MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA (tiếp) - 3.- MÙA XUÂN MARIA

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ (9-10)

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Thường Niên 29/1/2006 về Thành Phần Nhân Chứng của Tình Yêu

 

 

 

?  MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA - 3.- MÙA XUÂN MARIA
 

(Tiếp 28 Thứ Bảy 29 Chúa Nhật)

 

 

M

aria": "Người nữ" mà Thiên Chúa đề cập đến trong Lời Hứa với con người ngay trong Bản Án Nguyên Tội chính là mầm hy vọng vươn lên ngay "từ ban đầu" và "bắt đầu" lịch sử của con người sa đoạ. Chính mầm hy vọng làm cho con người sống "vui vẻ" trong lầm than này đã biến "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" trở thành Mùa Hy Vọng cho con người và của con người. "Người nữ" của "Lời Hứa" trở thành niềm hy vọng cho con người và của con người này, theo Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo, chính là: "Trinh Nữ Maria, Đấng đã mang đến cho thế gian bình minh của niềm hy vọng và của ơn cứu rỗi" (Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria: Lời Nguyện Sau Hiệp Lễ).

"Maria": "Người nữ" của "Lời Hứa" vươn lên ngay "từ ban đầu" trong lịch sử của con người sa đoạ như một mầm hy vọng ấy chẳng những hội đủ ngay nơi mình ba yếu tố chính làm nên Mùa Xuân đích thực, Mùa Xuân Nguyên Thủy, "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", mà còn chính là Mùa Xuân Viên Mãn, Mùa Xuân Muôn Thuở, cho chung mọi tạo vật, cũng như cho riêng thế giới ngày nay đang ở vào mùa đông của lịch sử nhân gian.

"Mùa Xuân Maria": "Mới Mẻ". "Mới mẻ" là bản chất nội tại làm nên Mùa Xuân. "Mới mẻ" của Mùa Xuân nói lên thời gian khởi đầu trong thiên nhiên. "Ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (STK 1:1) mang tính chất "mới mẻ" của thời gian khi trời đất còn tinh nguyên. Do đó, lúc ngay "ban đầu" của đất trời, của mọi tạo vật đây chính là Mùa Xuân Nguyên Thủy.

Tiếc thay, Mùa Xuân Nguyên Thủy này đã bị "tên sát nhân từ ban đầu" (Gioan 8:44), cùng với sự cộng tác của hai nguyên tổ "muốn nên bằng Thiên Chúa" (STK3:5), làm cho tàn úa thảm thương. Thế nhưng, theo "dự án mà (Thiên Chúa) có ý ấn định trong Đức Kitô, được thực hiện khi thời gian nên trọn, đó là, đem mọi sự trên trời dưới đất đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô" (Eph 1:9-10), lịch sử nhân loại đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ ngay "từ ban đầu".

Tuy nhiên, trong Lịch Sử Cứu Độ này, theo thời gian, cả trước khi và ngay khi "thời gian nên trọn", Mẹ Maria cũng là nhân vật có trước nhất. Trước khi "thời gian nên trọn", qua hình ảnh "người nữ", Mẹ được Thiên Chúa nhắc đến "trước nhất", trước cả Chúa Giêsu là "giòng dõi người nữ". Ngay khi "thời gian nên trọn", Mẹ cũng là nhân vật mà Tân Ước chân nhận: "Khi thời gian ấn định đến, Thiên Chúa sai Con mình sinh bởi người nữ" (Gal 4:4), trở thành "giòng dõi người nữ", Đấng "tỏ mình ra là để phá hủy công việc của ma qủi" (1Gioan 3:8).

Giáo Hội mừng lễ Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngay ngày 1-1, ngày đầu năm dương lịch hằng năm, từ năm 1969, cũng không ngoài ý nghĩa này. ĐTC Phaolô VI như đã xác nhận như thế trong tông huấn "Marialis Cultus": "Việc cử hành này, được đặt vào ngày 1-1 hợp với sự ấn định cũ của phụng vụ Thành Rôma, là để tưởng nhớ đến vai trò Mẹ Maria đã thực hiện trong mầu nhiệm cứu chuộc này" (đoạn số 5).

"Mùa Xuân Maria": "Tươi Trẻ". "Tươi trẻ" là hình thức, là bóng dáng, là hiện thân của Mùa Xuân, làm cho Mùa Xuân sống động trong thiên nhiên. Thế gian bị "tội lỗi cùng với chết chóc đột nhập" (Rm 5:12), càng ngày càng trở nên tàn tạ xấu xa, cả về tinh thần "tội lỗi" lẫn thể chất "chết chóc". Đến nỗi, Thiên Chúa hối tiếc vì đã dựng nên con người trên mặt đất" (STK 6:6) và đã "thanh trừng khỏi mặt đất" (STK 6:7) hầu hết cả con người lẫn con vật bằng trận Đại Hồng Thủy.

Trong khi ấy, nơi Mẹ Maria lại "đầy ơn phúc" (Lc 1:28), cả trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác của Mẹ. Tâm hồn Mẹ Maria tuyệt đối "tươi trẻ", ở chỗ, "Vô Nhiễm Nguyên Tội", như chính Mẹ đã tỏ mình ra tại Lộ Đức ngày 25-3-1858, tức "khỏi mọi tì vết của nguyên tội", như Đức Thánh Cha Piô IX định tín trong trọng sắc Ineffabilis Deus.

Thân xác Mẹ Maria hoàn toàn "tươi trẻ", ở chỗ, trọn đời đồng trinh, "không hề biết đến nam nhân" (Lc 1:34). Nhan sắc tự nhiên của Mẹ Maria tuyệt vời "tươi trẻ", ở chỗ, không già, tầm vóc và hình dung luôn ở mức độ hoàn hảo nhất, như Mẹ đã tỏ cho nữ Đáng Kính Maria D'Agreda vào thế kỷ 17: "Điều kiện và vóc dáng tự nhiên nơi thân xác đồng trinh thánh hảo của Mẹ vẫn như hồi Mẹ 33 tuổi" (Thiên Đô cuốn 4, số 736), cho dù Mẹ sống trên thế gian thiếu 26 ngày là đủ 70 tuổi (cùng sách, số 742).

Hữu thể của Mẹ đời đời "tươi trẻ", ở chỗ, cả "linh hồn vô nhiễm và thân xác trinh trong của Mẹ" (Tông Huấn Marialis Cultus số 6), như tông hiến Munificentissimus Deus của Đức Thánh Cha Piô XII định tín, được Thiên Chúa đem về trời vinh hiển.

"Mùa Xuân Maria": "Vui Vẻ". "Vui vẻ" là tác dụng của Mùa Xuân trên mọi sinh vật nói chung và nhân gian nói riêng, làm nên ý nghĩa của Mùa Xuân. Thế mà, "Sau Nguyên Tội", "tất cả mọi tạo vật quằn quại và rên xiết" (Rm 8:22), trừ duy nhất tạo vật "đầy ơn phúc" (Lc 1:28) là Trinh Nữ Maria.

Nơi "Maria đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội", như hàng chữ trong thị kiến của chị thánh Catarina Labuarê ngày 27-11-1830, niềm "vui vẻ" là "được tự do" (STK 2:16) như hai nguyên tổ trong Vườn Địa Đường "trước Nguyên Tội" vẫn còn đó. Niềm "vui vẻ" này của Mẹ đạt đến mức độ tuyệt đỉnh khi "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) ngay trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ. Đến nỗi, niềm "vui vẻ" này đã tuôn tràn ra ngoài, qua ca vịnh "Ngợi Khen" (Magnificat), "bài ca của thời cứu tinh, hòa trộn niềm vui vẻ của cả cựu lẫn tân Yến-Duyên" (Marialis Cultus số 18): "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hân hoan (mừng rỡ, hoan lạc, 'vui vẻ') trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi" (Lc 1:46-47).

Niềm "vui vẻ" của Mẹ Maria được thể hiện, trước hết, qua tác động nhận biết của Mẹ: "Ngài đã đoái trông đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài (và) đã làm cho tôi những sự trọng đại, danh Ngài là thánh" (Lc 1:48-49). Niềm "vui vẻ" của Mẹ, đồng thời, cũng được bộc lộ qua tác động chúc tụng của Mẹ: "Lòng thương xót Ngài trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những người kính sợ Ngài... như Ngài đã phán hứa... đến muôn đời" (Lc 1:49-50,55).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL  

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU  (tiếp)

 

PHẦN NHẤT

 

MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

 

 

Cái Mới Mẻ của Đức Tin Thánh Kinh

 

9.         Trước hết, thế giới của Thánh Kinh trình bày cho chúng ta thấy một hình ảnh mới mẻ về Thiên Chúa. Theo các nền văn hóa chung quanh thì hình ảnh về Thiên Chúa và về các thần linh hoàn toàn không rõ ràng và tương khắc. Tuy nhiên, trong tiến trình của đức tin Thánh Kinh thì nội dung của lời nguyện cầu nền tảng đối với dân Do Thái là Shema là những gì càng trở thành rõ ràng và không còn mập mờ nữa: “Ôi Yến Duyên, hãy nghe đây, Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất” (Deut 6:4). Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Thành trời đất, Đấng bởi thế là Thiên Chúa của tất cả. Câu này bao gồm hei yếu tố quan trọng: tất cả mọi thần linh khác không phải là Thiên Chúa, và vũ trụ chúng ta đang sống đây được bắt nguồn từ Thiên Chúa và được tạo dựng bởi Ngài. Chắc chắn là quan niệm về việc tạo dựng cũng được thấy ở những nơi khác, nhưng chỉ có ở nơi đây nó mới hoàn toàn sáng tỏ, ở chỗ không phải là một vị thần linh trong số nhiều vị khác, mà là chính vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này là nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu; toàn thể vũ trụ hiện hữu là do quyền năng Lời sáng tạo của Ngài. Do đó, việc Ngài sáng tạo là những gì thân thương đối với Ngài, vì nó do ý muốn của Ngài và được “thực hiện” bởi Ngài. Đến đây xuất hiện yếu tố quan trọng thứ hai, đó là Vị Thiên Chúa này yêu thương con người. Quyền năng thần linh được Aristote ở vào tột đỉnh triết lý Hy Lạp tìm cách để nắm bắt qua suy tư, thật sự là một đối tượng đáng ước ao và yêu mến đối với mọi hữu thể – và là đối tượng của mến yêu mà thần tính này tác động thế giới (Cf. Metaphysics, XII, 7) – nhưng tự mình đối tượng này không thiếu gì và chẳng mến yêu: nó chỉ là một đối tượng để mến yêu mà thôi. Vị Thiên Chúa duy nhất được dân Yến Duyên tin tưởng, trái lại, biết yêu thương bằng một tình yêu cá vị. Hơn thế nữa, tình yêu của Ngài là một tình yêu kén chọn, ở chỗ, trong số tất cả mọi quốc gia Ngài đã chọn Yến Duyên và yêu thương Yến Duyên – thế nhưng Ngài làm thế chính là vì để chữa lành toàn thể nhân loại. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và tình yêu của Ngài thật sự được gọi là eros – tình ái, nhưng nó cũng hoàn toàn là agape – từ ái (Cf. Ps.-Dionysius the Areopagite, who in his treatise The Divine Names, IV, 12-14: PG 3, 709-713 calls God both eros and agape).

 

Các vị tiên tri, nhất là tiên tri Hosea và Ezekiel, đã diễn tả việc Thiên Chúa say yêu dân của Ngài bằng những hình ảnh eros – tình ái nóng bỏng. Mối liên hệ của Thiên Chúa với Yến Duyên được diễn tả bằng những từ ngữ bóng bẩy đính hôn và kết hôn; bởi thế mà việc tôn thờ ngẫu tượng là những gì ngoại tình và làm điếm. Ở đây chúng ta thấy được một ám chỉ đặc biệt – như chúng ta đã từng thấy – về những thứ sùng bái sinh sôi nẩy nở cùng với việc lạm dụng eros – tình ái của những thứ sùng bái này, thế nhưng chúng ta cũng thấy được hình ảnh về mối liên hệ thủy chung giữa Yến Duyên và Thiên Chúa của dân này. Lịch sử của mối liên hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và Yến Duyên là ở tại, thuộc mức độ sâu xa nhất, sự kiện là Ngài đã ban cho Yến Duyên Bộ Ngũ Kinh, nhờ đó mở mắt Yến Duyên cho họ thấy được bản tính đích thực của con người và tỏ cho họ thấy con đường dẫn họ tới chiều kích nhân bản chân chính. Nó ở tại sự kiện là con người, nhờ cuộc sống trung thành với Vị Thiên Chúa duy nhất này, mới cảm nghiệm được bản thân mình được Thiên Chúa yêu thương, và mới khám phá thấy niềm vui trong chân lý và chính trực – một niềm vui trong Thiên Chúa là Đấng trở nên hạnh phúc chính yếu của họ: “Còn ai con có ở trên trời ngoài Chúa đây? Và còn gì trên trái đất này con ước mong ngoài Chúa… thật là phúc đức cho con được ở gần Thiên Chúa” (Ps 73[72]:25,28). 

 

10.       Chúng ta đã thấy rằng cái eros - tình ái của Thiên Chúa cũng hoàn toàn là agape – từ ái. Điều này không phải chỉ vì tình yêu này được hiến ban hoàn toàn nhưng không, không căn cứ vào tiền nghiệp, mà còn bởi nó là một tình yêu thứ tha nữa. Đặc biệt là tiên tri Hosea đã cho chúng ta thấy rằng chiều kích agape – từ ái này của tình yêu Thiên Chúa đối với con người còn vượt lên trên khía cạnh nhưng không nữa. Yên Duyên đã “ngoại tình” và đã vi phạm đến giao ước; Thiên Chúa cần phải đặt lại vấn đề và cắt đứt liên hệ với dân này. Chính ở chỗ này mà Thiên Chúa đã mạc khải Ngài là Thiên Chúa chứ không phải là con người: “Ôi Ephraim, làm sao ta có thể ruồng ray ngươi cho đành! Ôi Yến Duyên, làm sao Ta có thể trao nộp ngươi đi… Lòng Ta cảm thấy bùi ngùi, tình thương của Ta tha thiết và dịu dàng. Ta sẽ không hành sử cơn giận dữ dội của Ta, Ta sẽ không tái hủy diệt Ephraim đâu; vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải là con người, là Đấng Thánh ở giữa các người” (Hos 11:8-9). Tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đối với dân của Ngài – đối với nhân loại – đồng thời cũng là một tình yêu thứ tha. Thật là lạ lùng khi Thiên Chúa quay ra chống lại mình, tình yêu thương của Ngài chống lại đức công chính của Ngài. Ở đây, Kitô hữu mới có thể thấy được một tiền thân mờ mờ về mầu nhiệm Thập Giá: Thiên Chúa đã yêu thương con người cao cả đến nỗi hóa thân làm người để Ngài theo họ cho tới chết, nhờ đó hóa giải công lý và tình yêu.

 

Chiều kích triết lý cần phải được ghi nhận nơi nhãn quan thánh kinh này, và tầm quan trọng của nó theo quan điểm của lịch sử các đạo giáo, thật sự là ở chỗ, một đàng, chúng ta cảm thấy có một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn về siêu hình: Thiên Chúa là nguồn mạch tuyệt đối và tối hậu của tất cả mọi hữu thể; thế nhưng nguyên tắc tạo dựng phổ quát này – đó là Logos, lý trí nguyên khởi – đồng thời cũng là một chủ thể yêu thương với tất cả say mê của một tình yêu chân thực. Eros – tình ái bởi thế được thăng hóa hết cỡ, đồng thời nó cũng được thanh tẩy để hiệp nhất nên một với agape – từ ái. Bởi vậy chúng ta mới thấy được ra sao việc chấp nhận Sách Diễm Tình Ca vào sổ bộ Thánh Kinh sớm được giải thích bởi ý nghĩ là những bài tình ca này trên hết diễn tả mối liên hệ của Thiên Chúa với con người và mối liên hệ của con người với Thiên Chúa. Do đó, Sách Diễm Tình Ca trở nên, cả nơi văn chương Kitô Giáo lẫn Do Thái, một nguồn kiến thức và cảm nghiệm thần bí, một thể hiện yếu tính của đức tin Thánh Kinh, đó là việc con người thực sự có thể hiệp nhất với Thiên Chúa – ước vọng nguyên khôi của họ. Thế nhưng, mối hiệp nhất này không phải chỉ là một thứ thuần hỗn hợp, một thứ chìm đắm trong một đại dương vô loài của Thần Linh; nó là một thứ hiệp nhất tạo nên yêu thương, một thứ hiệp nhất cả Thiên Chúa lẫn con người vẫn là mình nhưng lại hoàn toàn nên một. Thánh Phaolô nói: “Ai liên kết với Chúa thì nên một tinh thần với Người” (1Cor 6:17).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật IV Thường Niên 29/1/2006 về Thành Phần Nhân Chứng của Tình Yêu

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bức thông điệp được ban hành vào ngày Thứ Tư tuần trước, khi tái xác nhận tính cách nồng cốt của đức ái trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội, tôi đã muốn nhắc nhở rằng thành phần chứng nhân đặc biệt của đức ái nồng cốt này là các vị thánh nhân, những vị đã biến cuộc sống của mình thành một bản thánh ca với cả hằng ngàn cung điệu dâng lên Thiên Chúa – Tình Yêu.

 

Phụng vụ giúp chúng ta hát lên bản thánh ca này hằng ngày trong năm. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến những vị chúng ta đang tưởng kính trong những ngày này: Thánh Tông Đồ Phaolô, với hai vị môn đệ là Tomôthêu và Titô, Thánh Angela Merici, Thánh Tôma Aquinas, Thánh Don Boscô. Các vị là những thánh nhân rất ư là khác nhau: Những vị đầu thuộc về thuở Giáo Hội sơ khai; các vị là thành phần thừa sai của cuộc truyền bá phúc âm hóa tiên khởi.

 

Trong Thời Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinas là mô phạm của thần học gia Công Giáo, vị thấy nơi Chúa Kitô cái tổng hợp tối hậu về sự thật và tình yêu. Trong thời Phục Hưng, Thánh Angela Merici cho thấy con đường thánh thiện cho cả những ai sống trong môi trường trần thế nữa. Vào thời tân tiến, Thánh Don Bosco, được nung nấu bởi lòng yêu mến Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, đã chăm sóc cho các em trai bị thiệt thòi nhất và trở thành người cha lẫn người thày của họ.

 

Thật vậy, toàn thể lịch sử Giáo Hội là một lịch sử thánh đức, một lịch sử được sinh động bởi một Tình Yêu duy nhất xuất phát từ Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có đức ái siêu nhiên, một đức ái bao giờ cũng tuôn ra một cách mới mẻ từ trái tim Chúa Giêsu, mới có thể giải thích được cuộc nở hoa diệu kỳ qua các thế kỷ của các hội dòng, các viện tu nam nữ và những hình thức khác của đời tận hiến. Trong số các vị thánh, nổi nhất về đức ái của mình được tôi đề cập tới trong bức thông điệp này là Thánh Gioan Thiên Chúa, Thánh Camillus Lelis, Thánh Vinh Sơn Phaolô, Thánh Louise de Marillac, Thánh Joseph Cottolengo, Thánh Luis Orione và Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta (số 40).

 

Những con người nam nữ này, thành phần được tinh thần của Chúa Kitô khuôn đúc, làm cho các vị thành những mô phạm của việc dấn thân truyền bá phúc âm hóa, dẫn chúng ta tới chỗ chú ý tới tầm quan trọng của một đời sống tận hiến như thể hiện và học đường của đức ái. Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh rằng việc bắt chước Chúa Kitô sống thanh sạch, khó nghèo và tuân phục là những gì hoàn toàn hướng đến việc đạt tới đức ái trọn hảo (x “Perfectae Caritatis”, 1). Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng và giá trị của đời sống tận hiến, Giáo Hội cử hành ngày 2/2 tới đây, Lễ Dâng Chúa Vào Đền Thánh, Ngay Tân Hiến. Vào buổi chiều, như Đức Gioan Phaolô II vẫn làm, tôi sẽ chủ tế Thánh Lễ ở đền thờ Vatican, có các tu sĩ nam nữ ở Rôma được đặc biệt mời tới tham dự.

 

Cùng nhau chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về tặng ân đời tận hiến và nguyện cầu để nó được tiếp tục trở thành một dấu hiệu sống động cho tình yêu nhân hậu của Ngài trên thế giới.

 

Giờ đây chúng ta hướng về Mẹ Maria Rất Thánh, mẫu gương của đức ái: Bằng việc hỗ trợ từ mẫu của mình, xin Mẹ giúp Kitô hữu, đặc biệt là thành phần tận hiến, hoạt bước và hoan bước trên con đường thánh thiện.

(Sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Hôm nay là Ngày Thế Giới Phong Cùi, được Raoul Follereau bắt đầu trên 50 năm nay, và được các hiệp hội theo tinh thần hoạt động nhân đạo của tổ chức này phát động. Tôi gửi lời chào đặc biệt tới tất cả những ai đang chịu khổ vì bệnh tật này, và tôi phấn khích các vị thừa sai, các tác nhân sức khỏe, và thành phần tình nguyện viên dấn thân đi tiên phong trong việc phục vụ con người.

 

Phong cùi là một triệu chứng của một thứ bệnh trầm trọng và lan tràn, là một thứ nghèo khổ khốn nạn. Vì lý do ấy, như các vị tiền nhiệm của tôi đã làm, tôi xin lập lại lời kêu gọi của tôi với các vị lãnh đạo quốc gia trong việc hết sức cố gắng để cùng nhau thắng vượt những bất quân bình trầm trọng vẫn còn đang hành hạ phần đông nhân loại.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
29/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ