GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 29/3/2006

 TUẦN IV MÙA CHAY

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trao Đổi với Hàng Giáo Sĩ ở Rôma 2/3/2006 liên quan tới "phúc âm sự sống" của ĐTC GPII

?  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Chúc thư ngày 6/3/1979 (và những thêm thắt sau đó)

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trao Đổi với Hàng Giáo Sĩ ở Rôma 2/3/2006 liên quan tới "phúc âm sự sống" của ĐTC GPII

 

Hôm 2/3/2006, tại Hall of Blessings, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ cho hàng giáo sĩ ở Rôma. Sau khi ĐHY Camillo Ruini, đại diện Giáo Phần Rôma, Đức Giáo Hoàng đã trả lời những câu hỏi và những phát biểu của 10 vị linh mục, rồi sau đó ngài cũng giải đáp cả những chia sẻ nhận định của 5 vị linh mục khác nữa. Sau đây là 15 câu vấn đáp giữa Đức Thánh Cha và hàng giáo sĩ ở Rôma.

 

“Tôi sẽ vào đề ngay, kẻo chờ cho đến khi kết thúc tất cả mọi chia sẻ nhận định thì phần độc tấu của tôi sẽ quá dài đi.

 

“Trước hết, quí linh mục giáo phận Rôma thân mến, tôi muốn bày tỏ niềm hân hoan được ở cùng anh em nơi đây. Đây là niềm vui thực sự khi thấy được rất nhiều vị mục tử phục vụ ‘Vị Mục Tử Nhân Lành’ ở nơi đây, ở Giáo Phận đầu tiên của Kitô Giáo, ở một Giáo Hội ‘chủ sự trong đức ái’ và phải trở thành một mô phạm cho các Giáo Hội địa phương khác. Cám ơn việc phục vụ của anh em!

 

“Chúng ta có được một gương sáng của Cha Andrea, vị đã cho chúng ta thấy ý nghĩa ‘là’ linh mục như thế nào cho đến cùng, đó là chết đi cho Chúa Kitô trong giây phút nguyện cầu, nhờ đó, một đàng cho thấy cái nội tâm của đời sống ngài với Chúa Kitô, đàng khác, cho dân chúng thấy chứng từ của ngài ở vào thời điểm thực sự là ‘panpherical’ trên thế giới này, một thế giới đầy những hận thù và cuồng tín của kẻ khác. Đó là một chứng từ tác động mọi người theo Chúa Kitô, trong việc hiến mạng sống mình cho người khác, nhờ đó được Sự Sống”.

 

(Nhân dịp kỷ niệm đầy năm băng hà của Đức Gioan Phaolô II, và nhân Mùa Chay, ở đây chỉ chuyển dịch trao đổi đầu tiên giữa vị linh mục thứ nhất với Đức Thánh Cha có liên quan tới hai khía cạnh này mà thôi)

 

Lm 1Tâu Đức Thánh Cha, chúng con lần đầu tiên được triều kiến Đức Thánh Cha vào dịp gặp gỡ Mùa Chay này. Con xin tưởng nhớ tới Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II thân yêu. Qua những lời Đức Thánh Cha nói ở lễ an táng của ngài, con thấy được một dấu hiệu liên tục giữa Đức Thánh Cha và Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của Đức Thánh Cha: ‘Chúng ta có thể tin rằng Vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay đây đang đứng ở cửa sổ Nhà Cha, ngài trông thấy chúng ta và ban phép lành cho chúng ta’. Ý nghĩ ấy đã gợi hứng cho con viết thành bài thơ thập tứ cú theo thổ âm Rôma để kính dâng Đức Thánh Cha, đó là bài: ‘Một cửa sổ trên Trời cao’.

 

ĐTC:  Về chia sẻ nhận định đầu tiên này, trước hết tôi xin hết lòng ‘cám ơn’ về bài thơ tuyệt vời này! Giáo Hội ở Rôma cũng có những nhà thơ và nghệ sĩ nơi hàng giáo sĩ  Rôma, và tôi sẽ có cơ hội để suy tư và ngẫm nghĩ những lời lẽ mỹ lệ ấy,  ý thức rằng ‘cửa sổ’ này bao giờ cũng ‘mở’. Có lẽ đây là cơ hội để nhớ lại di sản quan trọng của vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để càng ngày càng tiếp tục thấm nhuần di sản ấy.

 

Hôm qua chúng ta bắt đầu Mùa Chay. Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta một tư tưởng sâu xa về ý nghĩa chính yếu của Mùa Chay: Đó là bản chỉ nam cho đời sống của chúng ta.

 

Bởi thế, đối với tôi - tôi nói liên quan tới Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - đó là chúng ta cần phải nhấn mạnh một chút xíu tới Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay. Bài giảng trọng đại của Moisen, trước ngưỡng của Thánh Địa sau cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, là những gì tóm gọn toàn bộ Ngũ Kinh, toàn bộ Lề Luật. Ở đây chúng ta thấy được cái thiết yếu chẳng những đối với dân Do Thái mà còn đối với cả chúng ta nữa. Cái thiết yếu ấy chính là Lời Chúa: ‘Ta đặt trước các người sự sống và sự chết, phúc lành và nguyền rủa; bởi thế hãy chọn sự sống’ (Deut 30:19).

 

Những lời sâu xa của Mùa Chay này cũng là những lời sâu xa nơi di sản của vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta, đó là ‘hãy chọn sự sống’. Ơn gọi linh mục của chúng ta đó là chính mình chọn sự sống và giúp người khác chọn sự sống. Nó là vấn đề có thể nói là canh tân trong Mùa Chay ‘việc chọn lựa trọng yếu’ của riêng chúng ta, việc chọn lựa sự sống. 

 

(còn tiếp) 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/3/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Chúc thư ngày 6/3/1979 (và những thêm thắt sau này)

 

  “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ -  Totus Tuus ego sum"

 

Nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Amen.

 

“Bởi vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết được giờ nào Chúa đến” (x Mt 24:42) – những lời này nhắc tôi về tiếng gọi sau hết, tiếng gọi sẽ xẩy ra vào bất cứ lúc nào Chúa muốn. Tôi muốn theo Người, và tôi muốn rằng hết mọi sự làm nên cuộc sống trần gian của tôi phải là những gì sửa soạn cho tôi về giây phút ấy. Tôi không biết bao giờ xẩy ra giây phút ấy, thế nhưng, như bất cứ những gì khác, tôi cũng xin đặt nó vào bàn tay Người Mẹ của Chủ Nhân tôi: Tất cả của con là của Mẹ Totus Tuus. Cũng trong cùng Đôi Tay từ mẫu này tôi xin trao phó hết mọi sự và hết mọi người liên quan tới đời sống và ơn gọi của tôi. Trong Đôi Tay này, trước hết, tôi xin trao phó Giáo Hội, cũng như Tổ Quốc của tôi cùng toàn thể nhân loại. Tôi cám ơn hết mọi người. Tôi xin mọi người hãy thứ tha cho tôi. Tôi cũng xin mọi người hãy nguyện cầu cho tôi để Tình Thương của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời hơn là nỗi yếu hèn và thân phận bất xứng của tôi.

 

Trong những ngày tĩnh tâm tôi đã đọc lại chúc thư của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Những gì tôi đọc ấy đã thúc đẩy tôi viết bản di chúc này.

 

Tôi không có sản vật gì lưu lại cần phải bỏ đi cả. Đối với những đồ nhật dụng tôi đã sử dụng, tôi xin hãy tùy nghi phân phát chúng đi. Xin đốt các thứ ghi chú tư riêng của tôi đi. Việc làm này tôi xin được thực hiện bởi cha Stanislaw là người tôi gửi lời cám ơn đã cộng sự và giúp đỡ tôi qua bao năm trường và quán xuyến. Về tất cả những niềm tri ân cảm tạ khác, tôi xin lưu giữ trong tâm khảm của mình như chính Thiên Chúa biết, vì khó lòng bày tỏ chúng lắm.

 

Về vấn đề an táng, tôi xin lập lại những điều ấn định như đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI nêu lên. (Đây là một ghi chú bên lề: chôn táng dưới đất, chứ không phải trong thạch mộ, 13.3.92).

 

“apud Dominum misericordia

et copiosa apud Eum redemption”.

 

Gioan Phaolô II

 

Rôma ngày 6 tháng 3 năm 1979

Sau khi tôi chết, xin hãy dâng Lễ và cầu nguyện cho tôi.

Ngày 5 tháng 3 năm 1990

 

(Một tờ giấy không đề ngày tháng)

 

Tôi xin bày tỏ lòng tin tưởng sâu xa của tôi là, bất chấp tất cả mọi yếu hèn của tôi, Chúa sẽ ban cho tôi tất cả những ơn cần thiết để đương đầu theo ý muốn của Ngài bất cứ công việc nào, thử thách hay khổ đau nào Ngài muốn nơi người tôi tớ của Ngài trong cuộc đời của tôi. Tôi cũng tin tưởng rằng Ngài sẽ không bao giờ để cho tôi, qua hành vi cử chỉ nào đó của tôi: lời nói, việc làm hay bỏ làm, phản lại những trách nhiệm tôi cần phải thi hành nơi Ngai Tòa Thánh Phêrô này.

 

Ngày 24 tháng 2 – 1 tháng 3 năm 1980

 

Cũng trong những ngày tĩnh tâm này, tôi đã suy nghĩ về sự thật nơi Chức Linh Mục của Chúa Kitô trước viễn ảnh của cuộc Chuyển Tiếp mà đối với mỗi một người chúng ta là giây phút từ trần của mình. Đối với chúng ta thì Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô là một dấu hiệu hùng hồn (chữ “hùng hồn” này được thêm vào xen kẽ bên trên hàng chữ đang viết) về cuộc ra khỏi cõi đời này – để được sinh vào đời sau, sinh vào một lai thế.

 

Bởi vậy, tôi đã đọc bản chúc thư năm ngoái của mình, bản chúc thư cũng được viết trong những ngày tĩnh tâm – tôi đã đối chiếu nó với chúc thư của vị đại tiền nhiệm Phaolô VI cũng là Người Cha của tôi, với chứng từ cao cả trước sự chết của một Kitô hữu và của một vị Giáo Hoàng – và tôi đã lập lại trong tôi nhận thức về những vấn đề được bản do tôi viết ra vào ngày 6 tháng 3 năm 1979 nói đến (một cách tạm thời).

 

Hôm nay tôi chỉ muốn thêm điều này: đó là mỗi một người trong chúng ta cần phải nhớ đến viễn ảnh chết chóc. Và cần phải sẵn sàng ra trước nhan Chúa và là Vị Thẩm Phán – Đấng vừa là Vị Cứu Chuộc vừa là Người Cha. Tôi luôn để ý đến điều này, khi ký thác giây phút quyết liệt ấy cho Người Mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội – cho Người Mẹ là niềm hy vọng của tôi.

 

Thời điểm chúng ta đang sống đây là những lúc khốn khó và hỗn loạn khôn xiết kể. Con đường của Giáo Hội đã trở nên khó đi và gay go, đã trở thành một cuộc thử thách đặc biệt trong những lúc này đây, cả đối với Tín Hữu lẫn Chủ Chăn. Ở một số Xứ Sở (chẳng hạn như ở những xứ sở tôi đọc thấy trong ngững ngày tĩnh tâm của mình), Giáo Hội đang trải qua một giai đoạn bị bách hại không kém gì những cuộc bách hại ở những thế kỷ đầu, thật ra còn hơn thế nữa về mức độ tàn bạo và hận thù. “Sanguis martyrum – semen christianorum” máu tử đạo là hạt giống Kitô hữu. Ngoài ý nghĩa này ra, nhiều người chết một cách vô tội ngay ở trong Xứ Sở chúng ta đang sống đây.

 

Một lần nữa, tôi muốn phó mình hoàn toàn cho ơn Chúa. Chính Ngài sẽ quyết định khi nào và cách nào tôi chấm dứt cuộc sống trần gian của mình cùng thừa tác vụ mục vụ của mình. Dù sống hay chết, Totus Tuus trong Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thậm chí cho tới nay, khi chấp nhận sự chết, tôi hy vọng rằng Chúa Kitô sẽ ban cho tôi được ơn vượt qua sau hết, tức là ơn Phục Sinh (của tôi). Tôi cũng hy vọng rằng Người làm cho (cái chết ấy) trở thành ích lợi cho những gì quan trọng hơn đang được tôi tìm cách phục vụ, đó là phần rỗi của con người nam nữ, là sự an toàn của gia đình nhân loại, trong đó có sự an toàn của tất cả mọi quốc gia và tất cả mọi dân tộc (trong đó tôi đặc biệt nói đến Quê Hương trần gian của tôi), cũng như trở thành lợi ích cho dân được Người đặc biệt trao phó cho tôi, cho vấn đề của Giáo Hội, cho vinh hiển của chính Thiên Chúa.

 

Tôi không muốn thêm bất cứ những gì vào điều tôi đã viết một năm trước đây, mà chỉ muốn bày tỏ việc sẵn sàng này mà thôi, với cả lòng tin tưởng phó thác này nữa, một lòng tin tưởng tôi lại có được trong những ngày cấm phòng này đây. 

 

Gioan Phaolô II

 

Con hoàn toàn thuộc về Mẹ - Totus Tuus ego sum

 

Ngày 5 tháng 3 năm 1982

 

Trong thời gian những ngày tĩnh tâm này tôi đã đọc (một số lần) bản văn chúc thư của ngày 6 tháng 3 năm 1979. Mặc dù tôi vẫn coi bản văn này là tạm thời (chứ chưa dứt khoát), song tôi vẫn để nguyên như cũ. Tôi không thay đổi gì (bấy giờ), và tôi cũng không thêm gì cả, liên quan tới những điều đã được đề cập đến trong ấy.

 

Việc  cố sát mạng sống của tôi vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, một cách nào đó, đã xác nhận tính cách chính xác của những lời được viết trong thời gian của những ngày tĩnh tâm năm 1980 (24 tháng 2 – 1 tháng 3).

 

Giờ đây tôi lại càng cảm thấy thấm thía hơn việc tôi hoàn toàn ở trong Bàn Tay Thiên Chúa, và tôi vẫn tiếp tục ở trong tay Chúa tôi, phó mình cho Người trong Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người (Totus Tuus).

 

Gioan Phaolô II

 

Ngày 5 tháng 3 năm 1982

 

Đối với câu cuối cùng nơi bản chúc thư của mình ngày 6 tháng 3 năm 1979 (“liên quan tới địa điểm / tức là tới chỗ an táng / tùy Hồng Y Đoàn và Đồng Hương quyết định”) – tôi xin nói rõ là tôi có ý nói tới vị tổng giám mục Krakow hay Tổng Hội Đồng của Hàng Giáo Phẩm Balan – Trong lúc này đây, tôi xin Hồng Y Đoàn hãy đáp ứng, bao nhiêu có thể, bất kỳ điều yêu cầu nào được đề cập tới trên đây.

 

Ngày 1 tháng 3 năm 1985 (trong những ngày tĩnh tâm)

 

Trở lại vấn đề “Hồng Y Đoàn và Đồng Hương”: “Hồng Y Đoàn” không buộc phải bàn hỏi với “Đồng Hương” về vấn đề này, tuy nhiên hồng y đoàn vẫn có thể làm điều ấy, nếu vì lý do nào đó hồng y đoàn cảm thấy cần làm như thế.

 

GPII

 

Tuần Phòng Năm Thánh 2000 (12-18 tháng 3)

(về bản chúc thư của tôi)

 

1.             Vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi mật nghị hồng y chọn Gioan Phaolô II, vị giáo chủ Balan, ĐHY Stefan Wyszynski đã nói với tôi rằng: “Nhiệm vụ của vị tân Giáo Hoàng là nhiệm vụ dẫn Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba”. Tôi không biết là tôi có lập lại câu này đúng nguyên như thế hay chăng, nhưng tối thiểu đó là ý nghĩa của những gì tôi đã nghe thấy bấy giờ. Điều ấy được nói lên bởi Con Người đã đi vào lịch sử như là vị giáo chủ của Ngàn Năm này. Một vị giáo chủ cao cả. Tôi đã thấy được việc ngài thi hành sứ vụ của ngài, thấy được việc ngài hoàn toàn phó thác. Thấy được những cuộc chiến đấu của ngài. Thấy được cuộc chiến thắng của ngài. “Chiến thắng, nếu xẩy ra, sẽ là một cuộc chiến thắng nhờ Mẹ Maria” – Vị giáo chủ của Ngàn Năm này thường lập lại những lời ấy của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y August Hlond.

 

Theo chiều hướng ấy, tôi đã sửa soạn một cách nào đó nhiệm vụ đã nêu lên cho tôi vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Khi tôi viết những lời này thì Năm Thánh 2000 đã trở thành hiện thực. Đêm 24/12/1999, cánh Cửa tiêu biểu của Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô đã mở ra, rồi cửa Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, tới Đền Thờ Đức Bà Cả vào Ngày Đầu Năm, và vào ngày 19/1 đến Cửa Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Biến cố cuối cùng này, với đặc tính đại kết của nó, vẫn còn đặc biệt in sâu vào ký ức của tôi.

 

2.             Trong khi Năm Thánh diễn tiến thì, từng ngày, thế kỷ 20 được khép lại phía sau và thế kỷ 21 được mở ra trước mắt. Theo dự án của Đấng Quan Phòng Thần Linh, tôi được sống trong một thế kỷ khốn khó thụt lùi về quá khứ, và giờ đây, trong năm cuộc đời tôi ở vào tuổi 80 (‘octogesima adveniens’), đã đến lúc hỏi mình là đó có phải là lúc cùng với ông Simêon trong thánh kinh lập lại câu ‘nunc dimittis’.

 

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày tấn công vị Giáo Hoàng trong cuộc triều kiến chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đấng Quan Phòng Thần Linh đã cứu tôi khỏi chết một cách nhiệm lạ. Chính Đấng là Chúa Duy Nhất của sự sống và sự chết đã kèo dài sự sống của tôi, một cách nào đó Ngài đã trả nó lại cho tôi. Từ lúc đó sự sống của tôi lại càng thuộc về Ngài hơn nữa. Tôi hy vọng Ngài sẽ giúp tôi nhận ra rằng tôi phải tiếp tục việc phục vụ tôi đã được kêu gọi vào ngày 16 tháng 10 năm 1978 cho đến mức nào. Tôi xin Ngài hay gọi tôi về khi nào như Ngài muốn. ‘Dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa… chúng ta là của Chúa’ (x Rm 14:8). Tôi cũng hy vọng rằng, bao lâu tôi còn được kêu gọi phục vụ Giáo Hội với vai trò thừa kế Thánh Phêrô, Tình Thương của Thiên Chúa sẽ ban cho tôi sức mạnh cần thiết cho việc phục vụ này. 

 

3.             Trong các ngày tĩnh tâm hằng năm của mình, tôi đều đọc lại chúc thư của ngày 6 tháng 3 năm 1979. Tôi tiếp tục giữ những điều đã được viết trong bản văn này. Những gì bấy giờ, và ngay cả trong các tuần phòng sau đó, đã được thêm vào đều cho thấy tình hình khốn khó và căng thẳng nói chung đánh dấu thập niên 1980. Từ mùa thu năm 1989, tình hình này đã đổi thay. Thập niên cuối cùng của thế kỷ này không có những thứ căng thẳng trước đó; như thế không có nghĩa là nó không kéo theo mình những trục trặc và khó khăn mới. Phải đặc biệt chúc tụng Đấng Quan Phòng Thần Linh về thập niên cuối cùng này, vì giai đoạn được gọi là ‘chiến tranh lạnh’ đã được kết thúc mà không xẩy ra cuộc xung đột vũ lực nguyên tử, một cuộc xung đột nguy hiểm đã từng đè nặng trên thế giới trong giai đoạn trước. 

 

4.             Ở trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba “in medio Ecclesiae”, một lần nữa, tôi muốn bày tỏ niềm tri ân cảm tạ Thánh Linh về đại ân Công Đồng Chung Vaticanô II là những gì, cùng với toàn thể Giáo Hội, nhất là với toàn thể hàng giáo phẩm, tôi cảm thấy nặng nợ. Tôi tin rằng về lâu về dài các tân thế hệ sẽ rút tìm thấy những kho tàng được Công Đồng của thế kỷ 20 này đã cống hiến cho chúng ta. Là vị giám mục đã tham dự vào biến cố công đồng này từ ngày đầu tiên cho đến ngày sau hết, tôi muốn ký thác gia sản lớn lao này cho tất cả những ai đang và những ai sẽ được kêu gọi hiện thực nó trong tương lai. Về phần mình, tôi xin cảm tạ Vị Mục Tử hằng sống, Đấng đã cho tôi được đóng góp vào việc làm rất cao cả này trong suốt thời giáo triều của tôi.

 

“In medio Ecclesiae”… từ những năm đầu tiên của thừa tác vụ làm giám mục của mình, thật sự là nhờ Công Đồng này, tôi đã có thể cảm nghiệm được mối hiệp thông huynh đệ của Hàng Giáo Phẩm. Là một linh mục ở tổng giáo phận Krakow, tôi đã cảm nghiệm được mối hiệp thông huynh đệ này nơi các vị linh mục, và Công Đồng này đã mở ra cho tôi một chiều kích mới cho cảm nghiệm này.

 

5.             Biết bao nhiêu là người tôi cần phải liệt kê ra đây! Có lẽ Chúa là Thiên Chúa đã gọi họ về với Ngài đa số trong họ rồi, còn đối với những ai vẫn còn ở bên này thế giới, chớ gì những lời của bản chúc thư này là những gì hiệu triệu họ, hết mọi người và hết mọi nơi, bất kỳ họ ở đâu đi nữa.

 

Trong hơn 20 năm tôi đang làm trọn thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô “in medio Ecclesiae” tôi đã cảm nghiệm được tấm lòng rộng lượng và thậm chí cả việc hợp tác đắc lực của rất nhiều vị hồng y, tổng giám mục và giám mục, rất nhiều linh mục, nhất nhiều con người tận hiến – nam tu và nữ tu – và sau hết là rất nhiều, rất ư là nhiều giáo dân, trong Giáo Triều, tại giáo phận Rôma, cũng như ở ngoài những môi trường này.

 

Làm sao tôi lại không tri ân nhớ đến tất cả mọi vị giám mục trên thế giới, các vị tôi đã gặp trong những cuộc “viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên” của các vị! Làm sao tôi không nhớ đến rất nhiều người anh em không phải là Kitô hữu Công giáo! Các vị tôn sư Rôma cũng như rất nhiều đại diện tôn giáo không phải Kitô hữu! Rồi biết bao nhiêu là các vị đại diện giới văn hóa, khoa học, chính trị và giới phương tiện truyền thông xã hội!

 

6.             Khi đời mình về chiều, tôi nhớ lại thuở ban đầu, nhớ đến cha mẹ của tôi, đến người anh của tôi, đến người chị của tôi (người tôi chưa hề biết đến vị chị đã chết trước khi tôi vào đời), đến giáo xứ ở Wadowice, nơi tôi được rửa tội, đến thành phố tôi qúi mến ấy, đến các bạn bè của tôi, những người bạn từ hồi còn tiểu học, trung học và đại học, cho cả đến thời gian hành nghề, lúc tôi còn là một công nhân, rồi ở giáo xứ Niegowic, qua giáo xứ Thánh Florian ở Krakow, nhớ đến thừa tác vụ mục vụ cho học đường, đến môi trường của… đến tất cả mọi môi trường… đến Krakow và đến Rôma… đến dân được Chúa đặc biệt trao phó cho tôi.

 

Với tất cả mọi người tôi chỉ muốn nói một điều duy nhất, đó là “Xin Chúa thưởng công cho anh chị em”.

 

“In manus tuas, Domine, commendo spiritum meum”.

 

A.D.

Ngày 17 tháng 3 năm 2000

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS của Tòa Thánh qua điện thư ngày 7/4/2005.

 

 

TOP

 

 

?   ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu

 

(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân TrầnVị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')

 

(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật, 27 Thứ Hai, 28 Thứ Ba)

2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực

 

(tiếp tiểu đề 2 này)

Nếu nội dung và chủ đích của Tông Thư “Mở Màn cho Một Tân Thiên Kỷ” được ngài ban hành vào ngày bế mạc Đại Năm Thánh 2000, 6/1/2001, là để kêu gọi Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba Kitô Giáo “Duc in altum – Ra chỗ nước sâu thả lưới đánh cá”, mà chỗ nước sâu đây là gì nếu không phải là việc sâu xa sống đức tin, và còn ai có một đức tin sâu xa như Mẹ, một đức tin đầy ơn phúc (x Lk 1:45; 11:28). Việc sống đức tin sâu xa đây được thể hiện như thế nào, nếu không phải, theo chiều hướng của cùng bức Tông Thư này (phần 2), đó là việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, mà việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô này không thể nào trọn vẹn nếu không với Mẹ Maria, nếu không bằng đức tin đồng công của Mẹ, tuyệt đối tin vào Thiên Chúa, liên lỉ tin vào các mầu nhiệm của Người Con Thiên Chúa Nhập Thể và Vượt Qua, những mầu nhiệm là hồn sống của Kinh Mân Côi. Cầu Kinh Mân Côi là cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, như ngài đã đề cập tới chi tiết này ở ngay đầu đoạn 4 của huấn từ cho buổi triều kiến chung trên đây, hay trong chính Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, ở đoạn 3.

 

Thế nhưng, dầu sao Kinh Mân Côi, đúng hơn Mầu Nhiệm Mân Côi cũng chỉ là những gì nhắc nhở lại những biến cố lịch sử thuộc về quá khứ mà thôi, chứ không phải là những gì hiện thực và sống động, như Hiến Tế Thánh Thể của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” được Giáo Hội cử hành nơi Phụng Vụ. Phải chăng đó là lý do Năm Mân Côi phải được mỡ ra trước Năm Thánh Thể, để “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” giúp chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô từ các Mầu Nhiệm Mân Côi đến chính Mầu Nhiệm Thánh Thể. Đức Gioan Phaolô II đã xác nhận tính cách dạo khúc của Kinh Mân Côi đối với việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể ở đoạn 4.

 

Nói đến Biến Cố Fatima là nói đến danh hiệu “Ta là Đức Mẹ Mân Côi” của Mẹ Maria, như Mẹ tự nhận mình vào lần hiện ra cuối cùng với 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/10/1917, và như Mẹ lần nào hiện ra, trong cả 6 lần, đều kêu gọi “hãy cầu kinh Mân Côi hằng ngày”. Không ai có thể chối cãi là bản thân Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện việc “cầu Kinh Mân Côi hằng ngày” này. Ngài chẳng những làm riêng, mà còn, những khi có thể, phát động làm chung nữa, điển hình nhất là ngày 14/8/1983, lần ngài viếng thăm Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức lần đầu tiên. Sau đó, ngài còn tiếp tục thực hiện ít là những lần công khai được ghi nhận sau đây: ngày 7/10/1995 ở Vương Cung Thánh Đường Saint Patrick, Nữu Ước Hoa Kỳ, ngày 4/5/1996 ở Vương Cung Thánh Đường Mẹ Mông Triệu của Giáo Phận Como Ý quốc, ngày 5/10/1996 và 3/5/1997 ở Đền Thờ Thánh Phaolô Rôma, ngày 7/6/1997 ở Đền Thánh Đức Mẹ Ludzmierz Balan, ngày 5/7/1997 và 6/6/1998 ở Khuôn Viên Thánh Damascô Vatican, ngày 2/8/1997 và 6/9/1997 ở khuôn viên tông dinh nghỉ mát Castel Gandolfo. Lần cuối cùng ngài cầu Kinh Mân Côi chung với cộng đồng Dân Chúa là ngày 14/8/2004, lần ngài viếng thăm Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức lần thứ hai cũng là lần sau hết, trong lần này, ngài đã ngỏ lời huấn dụ cùng đoàn tín hữu Hành Hương Thánh Mẫu để kết thúc cuộc Cung Nghinh Thánh Mẫu Cầu Kinh Mân Côi như sau, những lời lẽ như nhắc nhở con cái mình hãy tôn kính Mẹ Maria hiển vinh và nhờ Mẹ đến với Chúa Kitô Phục Sinh:

 

“Năm nay, vị Giáo Hoàng đây cũng tham gia với anh chị em nơi hành động tôn sùng và mến yêu đối với Đức Nữ Trinh Rất Thánh này, người nữ hiển vinh của Sách Khải Huyền, được đội triều thiên 12 ngôi sao (x Rev 12:1). Cầm trong tay cây đuốc sáng, chúng ta nhớ lại và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người toàn thể đời sống của chúng ta được chiếu soi và hy vọng”.

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin cho Chúa Nhật XXIX Thường Niên ngày 16/10/2005, dịp kỷ niệm đúng 27 năm vị hồng y người Balan được bầu làm giáo hoàng 27 năm trước đó, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhận định về vị tiền nhiệm rất đáng kính mến của ngài đối với lòng biệt tôn Thánh Mẫu liên quan tới khẩu hiệu “Totus Tuus” và Kinh Mân Côi như sau:

 

“Chúng ta có thể diễn tả Đức Gioan Phaolô II như là vị Giáo Hoàng hoàn toàn hiến thân cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria, như khẩu hiệu của ngài tỏ tường cho thấy: ‘Totus tuus’. Ngài đã được tuyển chọn vào giữa tháng mân côi, và chuỗi mân côi, thường được ngài cầm trong tay, trở thành một trong những biểu hiệu cho giáo triều của ngài, một giáo triều được Đức Trinh Nữ trông nom săn sóc bằng mối quan tâm từ mẫu. Qua truyền thanh và truyền hình, tín hữu trên thế giới đã có thể liên kết với ngài vào một số dịp cầu loại kinh Thánh Mẫu ấy, và nhờ gương sáng cùng các giáo huấn của ngài, họ tái nhận thức được ý nghĩa đích thực của kinh nguyện này, một ý nghĩa chiêm niệm và Kitô học (xem tông thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”, các khoản 9-17)”.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ