GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 20/4/2006

 BÁT NHẬT PHỤC SINH

 

?  Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Những Chính Sách Dân Số Tập Trung Vào Con Người

?  Sứ Điệp đầu tiên của tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi Hồng Y Đoàn ngày 20/4/2005: Một Giáo Triều Ba Chủ Hướng

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II (tiếp)

 

 

 

?  Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Những Chính Sách Dân Số Tập Trung Vào Con Người

 

Sau đây là nguyên văn bài diễn từ của Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực kiêm lãnh sự của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc trình bày hôm Thứ Tư 5/4/2006 trong khóa họp thứ 39 của Ủy Ban Về Dân Số Và Phát Triển Thuộc Hội Đồng Kinh tế Và Xã Hội.

 

Thưa Ông Trưởng Ủy Ban,

 

Trước hết đại biểu tôi xin lên tiếng chúc cho cơ quan này được tốt đẹp nhân dịp khóa họp thứ 39 của Ủy Ban Về Dân Số Và Phát Triển.

 

Có lẽ cũng nên nhắc lại sứ vụ của ủy ban này đã phát triển ra sao qua giòng thời gian. Trong những năm tháng qua, những dự đoán khốc liệt đối với việc kiến tạo tương lai và tính cách khả thủ của dân số toàn cầu được dự phóng về con người là những gì đã dẫn tới những chính sách về dân số có tính cách cực đoan, những chính sách phải chịu trách nhiệm về những vấn đề nan giải trầm trọng khác nhau song tương đương nhau, như những vấn đề hệ trọng gây ra bởi việc thụt giảm số sinh, cũng như việc tạo nên tình trạng bất quân bình giữa nam nữ về dân số, kèm theo những hậu quả về xã hội của nó. Nếu việc phát triển dân số trên thế giới vừa là những gì khả thủ và lành mạnh, thì những chính sách bất hảo ấy cần phải được thay thế bằng những chính sách thực sự tập trung vào con người.

 

Ngày nay, hoạt động của ủy ban này bao gồm việc xem xét những chiều hướng và những ảnh hưởng trên dân số và trên sự phát triển như vi khuẩn liệt kháng chưa từng biết đến 60 năm trước đây, và việc di dân của các dân tộc với những hậu quả tương hợp của họ. Trong lúc dân chúng nói chung trở nên già tuổi hơn ở thế giới phát triển thì hiện tượng di dân lại đang được xem xét ở một chiều hướng khác.

 

Mặc dù nó là một hiện tượng có tính cách lịch sử và xẩy ra khắp nơi khắp chốn, nhưng các nỗ lực giải quyết nó và kiểm soát nó bằng phương tiện chính trị và pháp lý không phải lúc nào cũng mang lại thành quả tốt đẹp. Vì lý do ấy, đại biểu tôi đây hoan hô việc soạn thảo những tín liệu và con số thiết thực cho các quốc gia hội viên sử dụng, nhờ đó họ có thể phán đoán một cách khôn ngoan và nhân đạo hơn trong việc giải quyết bất cứ vấn đề thực sự nào xuất phát từ vấn đề di dân.

 

Vì việc cấu trúc hiện nay của các quốc gia mà hiện tượng di dân bất khả tránh – thậm chí chúng ta có thể nói bất khả dừng – thường được coi như là một vấn đề cần phải giải quyết. Đôi khi nó còn được tưởng tượng như là một mối đe dọa và bị mạo dụng cho lợi lộc ngắn hạn về chính trị, với giá phải trả là các quyền lợi bẩm sinh nhất của tất cả con người – quyền được sống, quyền công dân, quyền làm việc và quyền phát triển. Đó là lý do, Cuộc Đối Thoại Cao Cấp tới đây về chủ đề này là những gì hết sức hay ho; thật thế, nó là một cuộc bàn luận đã quá hạn lâu rồi về vấn đề xã hội kéo dài cùng với những hậu quả xẩy ra cho con người vượt quá 191 triệu người hay hơn đang được coi là thành phần di dân.

 

Đối với những quốc gia tiếp nhận di dân thì ảnh hưởng chung cuộc về kinh tế của việc di dân quốc tế xét  chung được nói là tích cực. Mặc dù sự hiện diện của thành phần di dân quốc tế có thể gây ra một ảnh hưởng nghịch đảo nho nhỏ về vấn đề lương lậu của thành phần không di dân, hay có thể gây ra vấn đề thất nghiệp khi lương lậu vẫn y nguyên không thay đổi, thì những ảnh hưởng ấy thường là nhỏ ở tầm cấp quốc gia. Trài qua khoảng thời gian trung hạn và dài hạn, việc di dân thậm chí còn có thể làm phát sinh ra công ăn việc làm và mang lại lợi nhuận tổng kết về tài chính nữa. Những cuộc nghiên cứu về tình trạng luống tuổi của dân số một cách nhanh chóng cho thấy rằng thành phần di dân có thế góp phần một cách chính yếu cho tình trạng giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các thế hệ mai sau.

 

Ngoài ra, việc di dân của thành phần nhân viên tài khéo có thể trở thành những gì bất lợi cho viễn tượng phát triển của các quốc gia chính gốc, nhất là các quốc gia nhỏ đang phát triển bị mất đi những tỉ lệ cao về thành phần công dân tài khéo. Tuy nhiên, những người di dân tài khéo, thành phần vẫn gắn bó với quốc gia chính gốc của mình có thể kích thích việc chuyển giao về kỹ thuật và vốn liếng.

 

Vì vấn đề thai nghén thấp, việc tổng kết di dân tính 3 phần 4 việc phát triển dân số ở các quốc gia phát triển, và vào năm 2030, việc di dân có thể coi là tất cả việc phát triển về dân số ở các quốc gia ấy. Bởi thế, việc di dân không còn là một vấn đề về kinh tế nữa hay một vấn đề cần phải xem xét chỉ theo quan điểm hậu quả của nó đối với các quốc gia gửi tới. Cái trục trặc khác của vấn đề ở đây là ảnh hưởng về xã hội của việc di dân đối với các quốc gia đón nhận đang bị giảm sút mức độ sinh sản, giờ đây cũng cần phải được hiểu rõ ràng hơn nữa.

 

Những biến chuyển về nhân khẩu học nơi dân chúng ở một mức độ như thế chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả cực đoan đối với toàn cấu trúc của các quốc gia, bởi vậy mà một mặt cần phải có một sự cân bằng về lợi ích hiển nhiên về vấn đề di dân, mặt khác phải quan tâm tới ảnh hưởng xã hội của con số đông đảo di dân nơi các quốc gia nhận lãnh, nhất là khi họ chưa hội nhập.

 

Ngoài ra, dường như đang có một nhận thức mỗi ngày một hơn là vấn đề di dân không thể nào lại là giải quyết duy nhất cho các vấn đề về nhân khẩu học và lao động của các quốc gia nhận lãnh. 

 

Bản văn kiện Đức Kết Thượng Nghị Thế Giới có lý để công nhận mối quan hệ giữa vấn đề di dân quốc tế với việc phát triển cùng nhu cầu cần phải đương đầu với những thách đố và cơ hội gây ra bởi việc di dân cho các xứ sở chính gốc, các quốc gia tới đến và các quốc gia chuyển tiếp. Hy vọng rằng việc giải quyết được thể hiện bởi tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới trong việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm vấn đề tôn trọng và bảo vệ các nhân quyền của thành phần di dân, thành phần lao động di dân cùng các phần tử thuộc gia đình họ sẽ được thực hiện cho lợi ích của tất cả mơi dân tộc bất kể là dân tộc nào.

 

Xin cám ơn Trưởng Ủy Ban

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Sứ Điệp đầu tiên của tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi Hồng Y Đoàn ngày 20/4/2005 : Một Giáo Triều Ba Chủ Hướng

Sau đây là nguyên văn sứ điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênedict XVI bằng tiếng Latinh ngỏ cùng Hồng Y Đoàn vào cuối Thánh Lễ Thứ Tư 20/4/2005 tại Nguyện Đường Sistine. Đầu đề của bản tin được VIS (Vatican Information Service) phổ biến sứ điệp này là “Đức Benedict XVI, Vị Giáo Hoàng của Chúa Kitô, của Hiệp Thông và của Đoàn Tính”.

“Nguyện chúc tràn đầy ân sủng và bình an tràn cho tất cả quí huynh! Vào những giờ khắc này đây, tâm hồjn tôi cảm thấy có hai cảm giác xung khắc nhau. Một đàng là cảm giác của một thứ rối loạn về cái bất toàn và phàm nhân của mình đối với trách nhiệm được ký thác cho tôi hôm qua với vai trò Thừa Kế Thánh Phêrô ở Hội Thánh Rôma để trông coi Giáo Hội Hoàn Vũ này. Đàng khác, tôi lại cảm thấy trong tôi một niềm tri ân sâu xa đối với Thiên Chúa là Đấng, như phụng vụ khiến chúng ta xướng lên, không bỏ rơi đàn chiên của Ngài, nhưng đưa đàn chiên này qua giòng thời gian, theo sự hướng dẫn của những ai được Ngài chọn làm thành phần thay mặt Con Ngài và làm các vị mục tử.

“Quí Huynh thân mến, việc nhận thức sâu xa về tặng ân của tình thương Chúa đã chiếm đoạt tâm hồn tôi bất chấp tất cả mọi sự. Tôi coi đây là ân huệ mà vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã chiếm được cho tôi. Tôi dường như có thể cảm thấy là bàn tay mạnh mẻ của ngài đang xoắn chặt lấy tay tôi; tôi dường như thấy được ánh mắt tươi vui và nghe được tiếng của ngài ngỏ cùng tôi nhất là vào lúc này rằng: ‘Đừng sợ!’

“Cái chết của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và những ngày sau đó, đối với Giáo Hội cũng như toàn thế giới là một thời điểm đặc biệt ân sủng. Nỗi đớn đau cả thể về cái chết của ngài cùng cái trống không lưu lại nơi tất cả chúng ta đã được tôi luyện bởi tác động của Chúa Kitô Phục Sinh, một tác động, trong những ngày dài này, được tỏ hiện nơi một triều sóng tin tưởng, yêu thương và đoàn kết thiêng liêng, những gì đã lên đến tuyệt đỉnh vào lễ an táng trọng thể của ngài.

“Chúng ta có thể nói rằng, lễ an táng của Đức Gioan Phaolô II thực sự là một cảm nghiệm phi thường về những gì tỏ ra cho thấy một cách nào đó quyền năng của Thiên Chúa là Đấng, qua Giáo Hội của Ngài, muốn hình thành một đại gia đình bao gồm tất cả mọi dân tộc, bằng quyền lực liên kết của Sự Thật và Yêu Thương. Trong giờ lâm chung, giống như Sư Phụ và Chúa của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tôn vinh giáo triều lâu dài và thành công của mình, bằng việc củng cố dân Kitô giáo trong đức tin, qui tụ họ lại bên ngài và làm cho cả nhân loại cảm thấy liên kết với nhau hơn.

“Làm sao người ta không cảm thấy được vững mạnh trước chứng từ ấy? Làm sao người ta không cảm thấy phấn khởi bắt nguồn từ biến cố ân sủng này?

“Thật là ngỡ ngàng đối với những gì tôi dự tưởng, Đấng Quan Phòng Thần Linh, qua ý muốn của các Nghị Phụ Hồng Y khả kính, đã gọi tôi tiếp tục vị đại Giáo Hoàng này. Vào những giờ khắc này, tôi vẫn đang nghĩ đến những gì đã xẩy ra ở vùng Cesarea Phillippi hai ngàn năm về trước: Tôi dường như nghe thấy những lời của Thánh Phêrô rằng: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’, và lời long trọng khẳng định của Chúa Kitô rằng: ‘Con là Phêrô, và trên đá này Thày sẽ dựng xây Giáo Hội của Thày…. Thày sẽ trao cho con chìa khóa nước trời’.

“Thày là Đức Kitô! Con là Phêrô! Tôi dường như đang sống lại chính cái cảnh Phúc Âm ấy; Tôi, vị Thừa Kế Thánh Phêrô, xin rung cảm lập lại những lời thiết tha của tay đánh cá Galilê và tôi cảm thấu nghe lại lời hứa tái bảo đảm của Vị Thày thần linh này. Nếu gánh nặng của trách nhiệm giờ đây đè lên đôi vai yếu hèn của tôi là một gánh nặng khổng lồ thì quyền năng thần linh mà tôi tin tưởng chắc chắn sẽ là những gì khôn lường vô hạn: ‘Con là Phêrô và trên đá này Thày sẽ xây dựng Giáo Hội của Thày’. Khi chọn tôi làm Giám Mục Rôma, Chúa Kitô đã muốn tôi làm đại diện cho Người, Người muốn tôi là ‘đá’ cho mọi người tin tưởng nương tựa. Tôi xin Người biến cái nghèo hèn của tôi thành sức mạnh cho tôi, để tôi có thể trở thành một mục tử can trường và trung thành chăn dắt đàn chiên của Người, luôn dễ dạy với những tác động của Thần Linh Người.

“Tôi xin lãnh nhận thừa tác vụ đặc biệt này, thừa tác vụ ‘kế thừa Thánh Phêrô’ để phục vụ Giáo Hội Hoàn Vũ, khiêm tốn phó mình vào bàn tay Quan Phòng của Thiên Chúa. Và tôi xin lập lại lòng gắn bó trọn vẹn và chân tình của tôi với Chúa Kitô: ‘In Te, Domine, speravi; non confundar in aeternum!’

“Cùng chư huynh Hồng Y, với lòng biết ơn về niềm tin tưởng quí huynh đối với tôi, tôi xin quí huynh hãy nâng đỡ tôi bằng lời nguyện cầu cũng như bằng việc hợp tác một cách liên lỉ, chủ động và khôn ngoan. Tôi cũng xin anh em của tôi trong hàng giáo phẩm hãy gần gũi với tôi bằng lời cầu nguyện và an ủi để tôi thực sự là ‘Servus servorum Dei’ (Tôi tớ của mọi tôi tớ Chúa). Như Thánh Phêrô và các vị Tông Đồ khác, theo ý muốn của Chúa Kitô, là một tông đồ đoàn, cũng thế, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô và các V ị Giám Mục thừa kế các Tông Đồ – những gì đã được Công Đồng Chung Vaticanô II hết sức nhấn mạnh – cần phải chặt chẽ liên kết với nhau. Mối hiệp thông đoàn tính này, cho dù có khác nhau về vai trò và phận vụ giữa Vị Giáo Hoàng Tối Cao và các vị giám mục, là mối hiệp thông phục vụ Giáo Hội và hiệp nhất đức tin, mối hiệp thông chi phối một cách đáng kể đến mức hữu hiệu của hoạt động truyền bá phúc âm hóa trong thế giới hiện đại. Con đường đã được các vị tiền nhiệm của tôi tiến bước, tôi cũng muốn đi theo nữa, chỉ vì để loan truyền cho thế giới biết sự hiện diện sống động của Chúa Kitô.

“Đặc biệt trước mặt của tôi là chứng từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài để lại cho chúng ta một Giáo Hội cường tráng hơn, tư do hơn và trẻ trung hơn. Một Giáo Hội mà, theo giáo huấn và gương mẫu của ngài, bình tâm nhìn lại quá khứ và không sợ hướng đến tương lai. Qua Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội đã được dẫn vào ngàn năm mới, nắm trong tay Phúc Âm, Phúc Âm được áp dụng cho thế giới qua việc đọc lại một cách tường tận Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lý để nhấn mạnh rằng Công Đồng này như là một ‘la bàn’ được sử dụng để chúng ta lèo lái trên đại dương bao la của ngàn năm thứ ba. Trong di chúc thư thiêng liêng của mình, ngài còn nhận định là: ‘Tôi tin rằng, cho đến một thời gian rất dài, các thế hệ mới sẽ kín múc lấy từ kho tàng được công đồng của thế kỷ 20 ấy để cống hiến cho chúng ta’.

“Cả tôi nữa, để bắt đầu việc phục vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, cũng muốn mạnh mẽ xác định ý muốn cương quyết của tôi trong việc theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II, theo các vị tiền nhiệm của tôi và trung thành tiếp nối truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội. Năm nay chính là năm kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng này (8/12/1965). Qua giòng thời gian, các văn kiện của công đồng đã không mất đi tính cách hợp thời của mình; giáo huấn của các văn kiện ấy vẫn cho thấy đặc biệt thích hợp với các nhu cầu cấp bách mới của Giáo Hội cũng như với xã hội đang được toàn cầu hóa hiện nay.

“Giáo triều của tôi, một cách hết sức ý nghĩa, được mở màn vào lúc Giáo Hội đang sống một năm đặc biệt giành cho Thánh Thể. Làm sao tôi lại không thấy được cái trùng hợp được quan phòng này một yếu tố cần phải đánh dấu thừa tác vụ tôi đã được kêu gọi thi hành đây? Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô hữu và là nguồn mạch của sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, chắc chắn bao giờ cũng phải là tâm điểm và là nguồn mạch cho sứ vụ thừa kế Thánh Phêrô đã được trao phó cho tôi.

“Thánh Thể làm cho Chúa Kitô Phục Sinh liên lỉ hiện diện, một Chúa Kitô là Đấng tiếp tục hiến Mình cho chúng ta, kêu gọi chúng ta hãy tham dự vào bàn tiệc Mình Máu của Người. Từ mối hiệp thông trọn vẹn này với Người mới xuất phát ra hết mọi yếu tố khác của đời sống Giáo Hội, trước hết là mối hiệp thông giữa tín hữu, việc dấn thân loan truyền và làm chứng cho Phúc Âm, nhiệt tình bác ái đối với tất cả mọi người, nhất là với thành phần nghèo khổ và hèn mọn nhất.

“Bởi thế, trong năm nay, Lễ Trọng Kính Mình Thánh Chúa Kitô cần phải được cử hành một cách hết sức đặc biệt. Thánh Thể sẽ là trọng tâm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne vào Tháng Tám, và của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ vào Tháng Mười, một thượng nghị sẽ bàn đến đề tài ‘Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tuyệt Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội’. Tôi xin hết mọi người hãy gia tăng vào những tháng tới đây lòng yêu mến và việc sùng kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và thể hiện một cách can đảm tỏ tường sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, trước hết, qua những việc cử hành một cách long trọng và đúng đắn.

“Tôi đặc biệt xin các vị linh mục thực hiện điều ấy, những vị giờ đây tôi đang hết lòng quí mến nghĩ đến vào lúc này đây. Thừa tác vụ linh mục được phát sinh từ Nhà Tiệc Ly, cùng với Thánh Thể, như vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đến. ‘Đời sống linh mục cần phải đặc biệt có một ‘dạng thức Thánh Thể’, ngài đã viết như thế trong Bức Thư cuối cùng của ngài cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc sốt sắng cử hành hằng ngày Thánh Lễ, tâm điểm của đời sống và sứ vụ của hết mọi vị linh mục, là những gì góp phần vào việc đạt được mục đích ấy.

“Được nuôi dưỡng và bảo trì bởi Thánh Thể, người Công giáo chắc chắn cảm thấy được thôi thúc hướng đến mối hiệp nhất như Chúa Kitô mong muốn ở Nhà Tiệc Ly. Vị Thừa Kế Thánh Phêrô biết rằng mình cần phải đặc biệt nhận lấy ước muốn tối hậu này của Vị Thày Thần Linh. Nhiệm vụ kiên cường anh em của mình thật sự đã được trao phó cho ngài.

“Bởi vậy, bằng tất cả ý thức và vào lúc mở đầu cho thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tắm máu, vị Thừa Kế này lãnh nhận, như là quyết tâm chính yếu của mình, quyết tâm không ngừng hoạt động hướng đến việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Đó là tham vọng của ngài, đó là nhiệm vụ bó buộc của ngài. Ngài biết rằng, để làm điều này, những bày tỏ về cảm tình thiện cảm mà thôi chưa đủ. Cần phải có những cử chỉ cụ thể để thấm nhập các tâm hồn và đánh động lương tâm, phấn khích mọi người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều căn bản cho tất cả mọi thứ tiến bộ trên con đường đại kết.

“Những cuộc đối thoại về thần học là những gì cần phải có. Cũng không thể châm chước bỏ qua việc khảo sát kỹ lưỡng những nguyên do lịch sử đã gây ra những việc quyết định trong quá khứ. Thế nhưng, khẩn thiết hơn thế nữa là việc ‘thanh tẩy ký ức’, một việc đã thường được Đức Gioan Phaolô gợi lên, và là một việc duy nhất có thể sửa soạn cho các tâm hồn đón nhận tất cả sự thật của Chúa Kitô. Chính vì trước nhan Người là Vị Thẩm Phán tối cao của tất cả mọi sinh vật, mà mỗi một người trong chúng ta cần phải trả lẽ, với ý thức là một ngày kia chúng ta cần phải cắt nghĩa cho Người về những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta không làm cho thiện ích cao cả là mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi tất cả thành phần môn đệ của Người.

“Vị Thừa Kế Thánh Phêrô đây tự cảm thấy chính mình liên quan đến vấn đề này và sẵn sàng làm tất cả những gì trong khả năng của mình để cổ võ lợi ích chính yếu cho việc đại kết. Theo những vị tiền nhiệm của mình, ngài nhất định quyết tâm nâng đỡ bất cứ sáng kiến nào có vẻ thích hợp với việc đẩy mạnh việc giao tiếp và thỏa hiệp với những vị đại diện thuộc các Giáo Hội khác và các cộng đồng giáo hội khác. Thật thế, nhân cơ hội này đây, ngài xin gửi đến họ lời chàop thân ái nhất của ngài trong Chúa Kitô, Vị Chúa duy nhất của tất cả mọi người.

“Vào lúc này đây, ký ức của tôi nhớ lại cảm nghiệm không thể nào quên được tất cả chúng ta đã trải qua với cái chết và lễ an táng cho Đức Gioan Phaolô II tiếc thương. Quanh thi thể của ngài, nằm trên mặt đất trống, các vị lãnh đạo chư quốc đã qui tụ lại, cùng với dân chúng thuộc tất cả mọi giai cấp xã hội, nhất là giới trẻ, để tỏ lòng mãi mãi gắn bó quí mến và ca ngợi ngài. Toàn thể thế giới đã tin tưởng nhìn vào ngài. Đối với nhiều người thì việc tham dự đông đảo này, một cuộc tham dự được các phương tiện truyền thông phóng đại đến cả những nơi xa xôi của hành tinh này, như thể là việc nhân loại văn minh tân tiến, một nhân loại bị hoang mang sợ hãi và bất ổn, đang tự hỏi mình về tương lai, muốn đồng thanh yêu cầu vị Giáo Hoàng này giúp đỡ.

“Giáo Hội ngày nay cần phải làm sống lại nơi bản thân mình một thứ nhận thức về công việc trình bày cho thế giới một lần nữa bằng tiếng nói của Đấng đã phán: ‘Tôi là ánh sáng thế gian; ai theo Tôi sẽ không bước đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống’. Trong việc đảm nhận thừa tác vụ của mình, vị tân Giáo Hoàng này biết rằng công việc của ngài là làm cho ánh sáng của Chúa Kitô chiếu tỏa trước con người nam nữ ngày nay, không phải là ánh sáng của ngài mà là của Chúa Kitô.

“Ý thức như thế, bản thân tôi xin ngỏ cùng mọi người, kể cả những ai theo các tôn giáo khác hay những ai chỉ muốn tìm kiếm một câu giải đáp cho những câu hỏi căn bản về đời sống mà chưa tìm ra. Tôi xin chân thành cảm mến ngỏ cùng hết mọi người, xin hứa cùng họ rằng Giáo Hội muốn tiếp tục phát triển một cuộc đối thoại cởi mở chân tình với họ, trong việc tìm cầu sự thiện hảo đích thực của nhân loại và của xã hội.

“Tôi kêu cầu Thiên Chúa ban hiệp nhất và bình an cho gia đình nhân loại và xin tuyên bố việc tất cả mọi người Công giáo sẵn lòng cộng tác thực hiện việc phát triển xã hội thực sự, một phát triển tôn trọng phẩm vị của tất cả mọi người.

“Tôi sẽ làm hết sức mình và dấn thân theo đuổi việc đối thoại đầy hứa hẹn được những vị tiền nhiệm của tôi khởi sự với những nền văn minh khác nhau, vì nếu có hiểu biết nhau mới tạo điều kiện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho hết mọi người.

“Tôi đặc biệt nghĩ đến giới trẻ. Tôi xin gửi đến họ, thành phần đối thoại đặc biệt của Đức Gioan Phaolô II, niềm gắn bó mến thương, hy vọng là, nếu Chúa muốn, được gặp gỡ họ ở Cologne vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây. Hỡi giới trẻ thân mến, tôi sẽ tiếp tục bảo trì việc đối thoại với anh chị em, lắng nghe những mong đợi của anh chị em để cố gắng giúp anh chị em gặp được Chúa Kitô hằng sống muôn đời trẻ trung một cách sâu xa hơn.


“’Mane nobiscum, Domine!’ Xin Chúa ở với chúng con! Lời kêu mời này, một lời kêu mời làm nên chủ đề chính của Tông Thư cho Năm Thánh Thể của Đức Gioan Phaolô II, đó là lời cầu nguyện đột phát từ lòng của tôi khi tôi bắt đầu thừa tác vụ được Chúa Kitô kêu gọi tôi thực hiện. Như Thánh Phêrô, tôi cũng lập lại với Người lời hứa trung thành trọn vẹn của tôi. Tôi chỉ muốn phụng sự một mình Người khi tôi hoàn toàn dấn thân phục vụ Giáo Hội của Người.

“Để hỗ trợ cho lời hứa này của mình, tôi kêu xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng tôi xin trao phó hiện tại và tương lai của bản thân tôi và của Giáo Hội trong tay Mẹ, chuyển cầu cho tôi. Chớ gì Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng toàn thế các thánh cũng chuyển cầu cho tôi.

“Với lòng cảm mến ấy, tôi ban cho quí huynh hồng y đáng kính, cũng như cho những ai tham dự vào lễ nghi này, và tất cả những ai theo dõi chúng ta qua truyền hình và truyền thanh, phép lành đặc biệt và thân ái”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ điện thư của VIS ngày 20/4
 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 13 Thứ Năm, 14 Thứ Sáu, 15 Thứ Bảy, 16 Chúa Nhật, 17 Thứ Hai, 18 Thứ Ba, 19 Thứ Tư)

 

Nhận Định về Vị Tiền Nhiệm

Về Sự Nghiệp của vị tiền nhiệm

Cuộc Phỏng Vấn Truyền Hình Balan về Vị Tiền Nhiệm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhân ngày kỷ niệm 16/10/2005

Vị Lm hỏi:  Tâu Đức Thánh Cha, theo Đức Thánh Cha nghĩ thì đâu là những lúc quan trọng nhất trong Giáo Triều của Đức Gioan Phaolô II? 

ĐTC đáp:  Chúng ta có thể nhìn Giáo Triều này theo hai quan điểm: quan điểm hướng ngoại “ad extra” – hướng tới thế giới – và quan điểm hướng nội “ad intra” – hướng về Giáo Hội.

Về khía cạnh hướng tới thế giới, đối với tôi, qua những lời lẽ của ngài, qua con người của ngài, qua việc ngài hiện diện, qua khả năng thu hút của ngài, Đức Thánh Cha đây đã tạo nên được một cảm thức mới về các thứ giá trị luân lý, về tầm quan trọng của tôn giáo trên thế giới. Điều này đã mở ra một đường hướng mới, một cảm thức mới về tôn giáo, cũng như về nhu cầu cần đến một chiều kích đạo lý nơi con người. Đặc biệt là tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma đã tăng lên quá sức. Bất chấp những khác biệt và bất kể việc không công nhận vai trò Thừa Kế Thánh Phêrô của mình, tất cả mọi Kitô hữu đều nhìn nhận rằng ngài là một phát ngôn viên của Kitô giáo. Không một ai trên thế giới này, ở tầm mức quốc tế có thể nhân danh Kitô giáo nói năng như con người này, làm cho thực thể Kitô giáo có tiếng vang và quyền lực trên thế giới ngày nay. Ngài là phát ngôn viên cho các thứ giá trị cao cả của nhân loại đối với những người không phải là Kitô hữu cũng như đối với các tôn giáo khác nữa. Ngài có thể kiến tạo một bầu khí đối thoại giữa các đại tôn giáo và một cảm quan đồng trách nhiệm mà tất cả chúng ta cần phải có đối với thế giới. Ngài cũng nhấn mạnh rằng bạo lực và tôn giáo là những gì bất tương hợp, và chúng ta cần phải cùng nhau tìm kiếm đường lối dẫn đến hòa bình, đảm nhận trách nhiệm chung đối với nhân loại.

Về tình hình của Giáo Hội, tôi có thể nói rằng, trước hết, ngài biết cách để làm cho giới trẻ thấm nhập lòng nhiệt tình sống với Chúa Kitô. Đây là điều mới lạ, nếu chúng ta nghĩ đến giới trẻ của cuối thập niên sáu mươi và bảy mươi. Giới trẻ ấy đã trở nên hăng say sống cho Chúa Kitô và cho Giáo Hội cũng như cho những thứ giá trị khó khăn thách đố. Chính tư cách của ngài và cái thu hút nơi vai trò lãnh đạo của ngài đã góp phần vào việc động viên giới trẻ trên thế giới sống cho Thiên Chúa và vì mến yêu Chúa Kitô. Trong Giáo Hội, ngài đã tạo nên được một lòng kính mến mới mẻ đồi với Thánh Thể. Chúng ta vẫn còn sống trong Năm Thánh Thể là năm do ngài đầy lòng mến yêu bí tích này mở ra. Ngài đã khơi dậy một ý thức mới về sự cao cả của Tình Thương Thần Linh; và ngài hết sức tôn sùng Đức Mẹ. Nhờ đó, ngài đã hướng dẫn chúng ta tiến tới việc nội tâm hóa đức tin, đồng thời cũng tiến tới chỗ hiệu năng hóa đức tin hơn nữa. Dĩ nhiên chúng ta cần phải đề cập tới việc ngài góp phần thiết yếu vào những đổi thay cả thể trên thế giới trong năm 1989, qua việc cộng tác vào cuộc sụp đổ của xã hội chủ nghĩa.

Bài Chia Sẻ sau khi coi trước cuốn phim: ‘Karol: Một Vị Giáo Hoàng Vẫn Là Một Con Người’ ngày 30/3/2006 tại Sảnh Đường Phaolô VI

“Câu truyện về cuộc sống trần gian của vị Giáo Tông thân yêu này được chấm dứt ở phần thứ hai thuộc bộ phim này. Chúng ta đã được nghe lại lời kêu gọi tiên khởi của giáo triều ngài, một lời lêu gọi thường được tái vang vọng qua năm tháng là ‘Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô! Đừng sợ!’. Những hình ảnh trình chiếu cho chúng ta thấy một Vị Giáo Hoàng trầm ngâm trong việc giao tiếp với Thiên Chúa, và chính vì lý do này mà ngài luôn nhậy cảm với những trông đợi của người khác.

“Cuốn phim đã làm cho chúng ta nghĩ lại một cách tuyệt vời những cuộc tông du khắp thế giới của ngài; nó cống hiến cho chúng ta cơ hội để sống lại những cuộc ngài gặp gỡ rất ư là nhiều người, với những kẻ cả trên trái đất này cũng như với thành phần công dân bình thường, với những nhân vật nổi tiếng cũng như với các cá nhân vô danh tiểu tốt. Trong số những con người ấy, đặc biệt phải kể đến việc ngài tha thiết với Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ đã liên kết với Đức Gioan Phaolô II bằng một mối hòa hợp thiêng liêng sâu xa.

“Ở ngay địa điểm như thể chúng ta đã hiện diện vào lúc bấy giờ, chúng ta một lần nữa đã nghe thấy những phát súng muốn lấy mạng của ngài một cách thảm thương ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981. Từ đó tất cả mới hiện lên cho thấy hình ảnh về một vị ngôn sứ của niềm hy vọng và an bình, vị đã không biết mệt mỏi đi khắp các nẻo đường trái đất để thông đạt Phúc Âm cho hết mọi người. Những lời lẽ vang động của ngài trở về với tâm trí của chúng ta, khi ngài lên án các chế độ độc tài, tình trạng bạo động và chiến tranh sát hại; những lời đầy ủi an và hy vọng bày tỏ việc ngài gần gũi với thành phần thân thuộc của các nạn nhân gây ra bởi các cuộc khủng bố tấn công xung đột và thảm thương, chẳng hạn như cuộc khủng bố tấn công tháp đôi ở Nữu Ước; những lời can đảm bài bác một xã hội hưởng thụ và thứ văn hóa khoái lạc nhắm đến việc tạo nên một thứ phúc lợi thuần vật chất không thể thỏa đáng những nhu cầu sâu xa của cõi lòng con người.

“Anh chị em thân mến, đó là những cảm thức tự nhiên xuất phát từ tâm can của tôi tối hôm nay và là những gì tôi muốn chia sẻ với anh chị em, bằng việc kiểm điểm lại qua những hình ảnh của cuốn phim đây các giai đoạn của giáo triều bất khả lãng quên của Đức Gioan Phaolô II. Xin vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta từ trời cao hỗ trợ chúng ta và xin Chúa ban cho chúng ta ơn luôn như ngài trung thành với sứ vụ của chúng ta”.

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 2/4/2006 kỷ niệm đúng một năm băng hà của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II

 

“Một năm sau khi ngài vượt qua trần gian mà về nhà Cha, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: Vị đại Giáo Hoàng này đã để lại cho chúng ta những gì, ai là người đã dẫn Giáo Hội vào ngàn năm thứ ba? Di sản của ngài thì vĩ đại, thế nhưng sứ điệp của giáo triều rất dài của ngài có thể được tóm gọn vào những chữ đã được ngài nói lên ở nơi đây, ở Quảng Trường Thánh Phêrô này, vào ngày 22/10/1978, đó là: ‘Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!’.

 

“Đức Gioan Phaolô II đã hiện thực lời kêu gọi bất khả lãng quên này bằng cả con người của ngài cũng như bằng tất cả sứ vụ làm Vị Thừa Kế Thánh Phêrô của ngài, nhất là bằng chương trình chuyến tông du nổi bật của ngài. Khi viếng thăm các quốc gia trên thế giới, lúc gặp gỡ dân chúng, gặp gỡ các cộng đồng giáo hội, gặp gỡ các vị cầm quyền, các vị lãnh đạo tôn giáo và các thực tại xã hội khác nhau, ngài đều thực hiện một điều gì đó, như một cử chỉ đặc thù và quan trọng, để nhấn mạnh tới những lời mở đầu của ngài.

 

“Ngài luôn luôn loan báo Chúa Kitô, trình bày về Người cho tất cả mọi người, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm, để đáp ứng những niềm mong đợi của con người, những niềm mong đợi được tự do, công lý và bình an. Ngài thích lập lại rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân trần, là Đấng Cừu Độ duy nhất của mỗi người và của toàn thể nhân loại”.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ