GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 8/4/2006

 TUẦN V MÙA CHAY

 

?  Đức Thánh Cha và Giới Trẻ Giáo Phận Rôma Sứa Soạn Hướng Về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI

?  Thành Phần Lãnh Đạo Giới Trẻ họp mặt sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXIII

?  THỜI ĐIỂM GIOAN PHAOLÔ II (tiếp)

 

 

?  Đức Thánh Cha và Giới Trẻ Giáo Phận Rôma Sứa Soạn Hướng Về Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI

 

Trước hết, theo nhận định riêng của người dịch bản tin này thì thường lệ từ thời Đức Gioan Phaolô II, Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, nếu không được tổ chức chung toàn cầu ở một quốc gia nào đó, như nước Đức năm ngoái, thì sẽ được tổ chức tại mỗi giáo phận địa phương, nhất là ở tại giáo đô Vatican vào Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ, theo ý của vị Giáo Hoàng khởi xướng lên ngày này, trước hết, về thời gian, là thời điểm Mùa Xuân, hợp với tuổi trẻ, và nhất là, về ý nghĩa, kỷ niệm dịp giới trẻ ở Giêrusalem xưa nghênh đón Chúa Kitô vào Thành Giêrusalem, một biến cố rất thích hợp với mục đích của ngày giời trẻ là cơ hội để giới trẻ gặp gỡ Chúa Kitô.

 

Thế nhưng, để sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm ở chính Thánh Đô Vatican vào chính Chúa Nhật Lễ Lá, bao giờ cũng có một cuộc gặp gỡ riêng giữa Đức Thánh Cha và giới trẻ thuộc giáo phận Rôma. Đó là lý do, theo tin tức của VIS, Vatican Information Service, hôm Thứ Sáu 7/4/2005 thì tối Thứ Năm 6/4/2006, trước khi Đức Thánh Cha tới thì giới trẻ tụ tập ở Quảng Trường Thánh Phêrô chờ đón Đức Thánh Cha đã nghe hòa tấu và hòa ca, cùng nhẩy múa, trong số các ca sĩ Ý có Ron và Guiseppe Povia.

 

Đức Thánh Cha đã đến vào lúc 6 giờ chiều, chào hỏi giới trẻ, rồi cùng với họ nghênh đón Cây Thập Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, được một nhóm giới trẻ Đức mang từ Cologne là nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX năm 2005 tới. Tiếp theo là Maddalena Santoro, em của Cha Andrea Santoro, vị đã bị ám sát chết ở Trabzon, Thổ Nhĩ Kỳ vào Tháng 2 năm nay, liên quan đến bộ biếm họa Tây Phương phạm đến giáo tổ Hồi Giáo, đã đọc ít lời về đời sống và chứng từ của vị linh mục anh mình thuộc giáo phận Rôma ấy.

 

Nghe xong những lời của cô em vị linh mục bị sát hại, Đức Thánh Cha đã đứng lên ôm lấy cô và cám ơn về sự tham dự của cô vào biến cố này. Sau đó ngài đã trả lời cho 5 người liên quan tới những đề tài về Thánh Kinh, yêu thương, tông đồ, ơn gọi và mối liên hệ giữa khoa học với đức tin, (những vấn đề theo người dịch có liên quan tới chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, đã được Đức Thánh Cha viết gửi cho giới trẻ năm nay, đó là sứ điệp có nhan đề: ‘Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước’ - Ps 119 [118]:105).

 

Trả lời cho vấn nạn thứ nhất của một sinh viên ngành kỹ sư, người muốn biết rằng phải chăng Thánh Kinh bao giờ cũng là Lời Chúa, ĐTC giải đáp như sau: “không thể đọc Thánh Kinh như là một cuốn sách về lịch sử… Không thể đọc Lời Chúa như một việc học hành, nhưng bằng việc nguyện cầu và xin cùng Chúa rằng: ‘Xin giúp con hiểu được Lời Chúa’”. Đồng thời ĐTC cũng đề nghị đọc Thánh Kinh theo sát gương của “những bậc thày của việc ‘Lectio Divina’, … hợp với cộng đồng Dân Chúa, và trong mối hiệp thông với Giáo Hội là nơi trền đạt Lời Chúa qua các thế kỷ”.

 

Về vấn nạn thứ 2, liên quan tới vấn đề yêu thương, ĐTC đã nhắc lại lý do tại sao những trang đầu tiên của Thánh Kinh đã viết rằng vì yêu thương, “con người bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với người nữ và cả hai trở thành một xác thịt, một đời sống. Bởi thế, từ ban đầu, chúng ta đã có lời tiên tri về bản chất của hôn nhân, đã có một nhãn quan vẫn còn nguyên vẹn trong Tân Ước…. Nó là một Bí Tích của Đấng Tạo Thành Vũ Trụ được in ấn nơi chính con người…. Thế nên, nó không phải là một sáng chế của Giáo Hội”.

 

Đối với vấn nạn thứ ba về vai trò làm việc tông đồ, ĐTC nói rằng vai trò này hệ tại trước hết là “việc mang Chúa vào xã hội và đời sống của chúng ta…. Thiên Chúa, Đấng tỏ cho chúng ta thấy dung nhan của Ngài nơi Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương chúng ta cho tới chết, và là Đấng đã chế ngự bạo lực”.

 

Trả lời cho vấn nạn thứ bốn của một người trẻ hỏi ngài về ơn gọi, ĐTC cho biết ý định ngài muốn trở thành linh mục như sau: “Tôi đã lớn lên trong một thế giới rất khác với thế giới của chúng ta đây, một đàng là ‘tình hình Kitô Giáo’ và việc đi nhà thờ là việc bình thường, đàng khác, chúng tôi sống dưới chế độ Nazi muốn biến thế giới này nơi không còn linh mục. Đối diện với thứ văn hóa tàn bạo dã man phi nhân bản này, tôi đã hiểu được rằng Phúc Âm và đức tin là những gì cho chúng ta thấy được đường ngay nẻo chính để theo”.

 

Ngài nói tiếp về những yếu tố khác khiến ngài khám phá ra ơn gọi linh mục của mình, như thần học và ‘vẻ đẹp của phụng vụ… Dĩ nhiên là không thiếu những khó khăn và tôi đã tự hỏi mình rằng tôi có muốn sống trọn đời độc thân hay chăng, vì thần học không đủ để trở thành một vị linh mục tốt lành…. Cũng cần phải có cả lòng can đảm và khiêm tốn nữa, cũng như cần phải tin tưởng và cởi mở tự hỏi mình những gì Chúa mong muốn. Nó là một cuộc đại phiêu lưu mạo hiểm, thế nhưng sự sống chỉ có thể sống nếu chúng ta có can đảm dám làm và nếu chúng ta tin rằng Chúa sẽ bỏ rơi chúng ta”.

 

Sau hết, ĐTC đã nói về đề tài khoa học và đức tin, giải thích cho giới trẻ biết rằng trong khi toán học là những gì do óc con người tạo ra để cắt nghĩa về các luật thiên nhiên, “có một khối óc có trước cả toán học và các luật lệ thiên nhiên nữa, đó là trí óc của Thiên Chúa, nói cách khác, là ‘một dự án khôn ngoan’ đã tạo dựng nên cả thiên nhiên lẫn luật lệ của nó cùng trí khôn của con người.

 

“Có hai khả thể ở đây, Thiên Chúa hiện hữu hay Ngài không hiện hữu. Nói cách khác, chúng ta nhìn nhận cái tiền tại của một trí ouch sáng tạo … hay chúng ta chấp nhận cái tiền hữu của những gì vô tri. Tóm lại, chúng ta không thể nói về ‘việc chứng minh’ một dự án này hay dự án kia, thế nhưng việc chọn lựa cao cả của Kitô Giáo là việc chọn lựa giải pháp hữu trí, giải pháp tiền hữu của lý trí”.

 

Kết thúc cuộc gặp gỡ này, ĐTC đã trao cuốn Thánh Kinh một cách tượng trưng cho một số giới trẻ, khẳng định với họ rằng Thánh Kinh là ‘đèn soi bước con đi’, đồng thời ngài cũng nói tới Đức Gioan Phaolô II là ‘một đại chứng nhân cho Lời Chúa’. Sau đó, cùng với một số giới trẻ, ngài đã đi xuống hầm mộ Vatican để cầu nguyện trước mộ của vị tiền nhiệm đáng kính này của ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 7/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Thành Phần Lãnh Đạo Giới Trẻ họp mặt sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXIII

Theo thông báo được phổ biến hôm Thứ Năm 6/4/2006, thì cuộc họp này được tổ chức bởi Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân vào cuối tuần lễ 8-9/6/2006 ở gần Rôma, với thành phần đại biểu đến từ 85 quốc gia và từ 45 cộng đồng, hiệp hội và phong trào giới trẻ.

Đức Hồng Y Joachim Meisner TGP Cologne nói về ngày giới trẻ năm vừa rồi tại TGP của ngài, phân tích về thành quả của ngày này đối với giáo phận của ngài cũng như tới việc mục vụ giới trẻ khắp nước Đức, cũng như về những thách đố khó khăn trong việc tổ chức.

ĐHY George Pell, TGM Sydney, nơi sẽ tổ chức Ngày Giới Trẻ XXIII năm 2008 nói về các thách đố và mong đợi của Giáo Hội ở Úc Đại Lợi về ngày giới trẻ sẽ được tổ chức tại địa phương của ngài. Vào cuối Thánh Lễ cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI mùng 9/4/2006, nhóm giới trẻ Đức trao Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho nhóm giới trẻ Úc Đại Lợi, cây Thánh Giá được Đức Gioan Phaolô II trao cho giới trẻ vào Lễ Lá năm 1984 ở Rôma.

Trước khi tiến tới Úc Đại Lợi, cây Thánh Giá này sẽ trải qua một cuộc hành trình dài, bắt đầu từ Thứ Hai, 10/4/2006, từ Rôma tới Dakar, nước Senegal, nơi cây Thánh Giá này sẽ lưu lại qua Phục Sinh. Lần đến Senegal này đánh dấu lần đầu tiên Thập Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới ghé tới Phi Châu. Thật vậy, sau đó, cây Thập Giá sẽ đi qua các nước khác ở Phi Châu thứ tự như sau: Guinea-Bissau, Gambia, Ghana, Togo, Burkina Faso, Niger, Cameroon, Gabon, Congo-Braoãaville, Burundi, Rwanda, Kenya, Malawi, Zambia, Madagascar, Botswana, Swaziland và South Africa.

Theo Đức Ông Kohn thuộc Hội Đồng Giáo Dân đặc trách Ngày Giới Trẻ Thế Giới thì cây Thánh Giá này tới đâu thì ở đó sẽ có ‘nhiều cuộc gặp gỡ giới trẻ kèm theo các hoa trái phi thường cho việc hoán cải và hòa giải. Cây Thập Giá này như một ngọn đuốc – như ngọn đuốc Thế Vận Hội – ngọn đuốc Chúa Kitô”.

Vào Tháng 2 năm tới, cây Thập Giá sẽ bắt đầu một cuộc hành trình khác đến nhiều hải đảo Thái Bình Dương, trước khi đến Sydney cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXIII.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/4/2006

 

TOP

 

 

?   THỜI ĐIỂM GIOAN PHAOLÔ II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

(tiếp 5 Thứ Tư, 6 Thứ Năm, 7 Thứ Sáu)

 

Từ Đông Âu Sp Đổ ...

 

Thật ra, về phương diện tiến trình lịch sử, đặc biệt liên quan tới chính trị, đã có ba điều lạ lùng xẩy ra, đúng hơn, ba yếu tố định đoạt trong biến cố qua đời của chế độ cộng sản ở Âu Châu này. Thứ nhất, năm 1978, vị Giáo Hoàng Rôma (Gioan-Phaolô II) được bầu lên xuất thân từ một nước cộng sản. Thứ hai, năm 1980, tổ chức Công Đoàn Balan (Solidarity) được Lech Walesa hình thành ở Ba Lan. Thứ ba, năm 1985, chính sách Cởi Mở (Glasnost) và Cải Tổ (Perestroika) được tân lãnh tụ Mikhail Gorbachev phát động ở Nga Sô.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô là yếu tố thứ nhất trong ba yếu tố định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

 

Biến cố này bắt đầu từ khi Ngài về thăm quê hương của Ngài vào ngày 2-10/6/1979. Việc Ngài được phép chính quyền cộng sản Ba- Lan cho về thăm quê hương cũng không phải là chuyện thường. Đầu tiên chính quyền Ba Lan từ chối lời xin phép của Ngài. Sau đó, chính quyền đã tự nhượng bộ vào ngày 7/5/1979, ngày kết thúc bảy ngày và bảy đêm liên tục lần chuỗi trước Mình Thánh Chúa được tổ chức ở Đền Đức Mẹ Czestochowa để cầu nguyện cho việc được phép về thăm quê hương của Đức Giáo Hoàng. Để rồi, với ảnh hưởng của Ngài, Công Đoàn Liên Đới đã được hình thành.

 

Công Đoàn Liên Đới là yếu tố thứ hai định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

 

Sự lạ thứ nhất là việc chính quyền cộng sản Ba-Lan vào năm 1980 đã công nhận Công Đoàn Liên Đới, một tổ chức bao gồm chừng 50 nghiệp đoàn của người Ba-Lan, do Lech Walesa lãnh đạo.

 

Sự lạ thứ hai là, dù bị chính quyền đàn áp vào năm 1981 và dù bị chính quyền chính thức giải tán vào tháng 10 năm 1982, Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại cho đến ngày được tái công nhận là ngày 17- 4-1989. Vẫn biết, theo dư luận báo chí, Công Đoàn Liên Đới nhận được viện trợ ngầm của Mỹ, có thể nhờ đó mà tồn tại, tuy nhiên, cũng theo dư luận báo chí, sở dĩ cuộc viện trợ của Mỹ đến được tay Công Đoàn Liên Đới là vì chính phủ làm ngơ mà thôi: “dù chúng tôi không hài lòng tí nào về điều này ... Trong một vài trường hợp chúng tôi đã mhắm mắt làm ngơ, vì sợ lộ tẩy chân tướng của các tay trong do chúng tôi gài vào Công Đoàn Liên Đới này” (Nguyệt San 30 Days 3/92, trang 17).

 

Với các tay trong của chính quyền cộng sản như thế mà Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại. Đó mới là sự lạ, và sự lạ là ở chỗ đó.

 

Sự lạ thứ ba là Tadeusz Mazowiecki, cố vấn của Công Đoàn Liên Đới, được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 19-8-1989, là một biến cố chưa từng có trong thế giới cộng sản, làm náo động tận nền móng tất cả chủ nghĩa cộng sản hiện đại, mở màn cho biến động Đông Âu.

 

Sự lạ thứ bốn, cũng là sự lạ chính yếu, đó là sự thành công một cách quá ư tốt đẹp của Công Đoàn Balan, một thành quả gặt hái được, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết trong thông điệp Bách Niên (Centesimus Annus) của Ngài, nhờ “chỉ sử dụng khí giới chân thật và công chính... bởi cuộc tranh đấu bất bạo động của những con người mà, trong khi nhất định không chịu nhượng bộ trước những thế lực, liên lỉ tìm kiếm những đường lối hữu hiệu để minh chứng cho sự thật” (đoạn 23).

Chính Lech Walesa, đương kim tổng thống Ba-Lan, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, ngày 14/10/1991, dịp chia sẻ về chủ đề và những nguyên tắc trong thông điệp Bách Niên (Centesimus Annus) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã phát biểu và diễn thuật về “cuộc tranh đấu bất bạo động”, “cuộc chống đối thuận hòa”, “cuộc chống đối làm sụp đổ chủ nghĩa Mát-Xít” như sau:

 

·         Hãy nhớ rằng tất cả là mười triệu người tích cực tham dự. Sự bất mãn đã bộc phát ở một mức độ ngoài dự liệu. Sau mười tám tháng chống đối chính quyền cộng sản mà không cần sô xát như tấn công ngục Bastilles, không cần dựng nên các đoạn đầu đài, không một mảnh kính bị đập bể, chúng tôi đã chiến thắng” (Nguyệt San Catholic International, Vol III, no. 1 & 2, 1/1992, trang 57).

 

Chính sách Cởi Mở và Cải Tổ của Mikhail Gorbachev là yếu tố thứ ba định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

 

Đối nội, Gorbachev chủ trương hai chính sách: Cởi Mở về tư tưởng và phát biểu và Cải Tổ về chính trị và kinh tế. Với tinh thần và đường lối này, đối ngoại, Gorbachev cũng chủ trương Cải Tổ lại tất cả, như rút quân khỏi Afghanistan, cắt giảm vũ trang nguyên tử và lực lượng quân sự, khuyến khích khối cộng sản Đông Âu cải tổ chính trị cũng như kinh tế và hứa không can thiệp vào nội bộ cải tổ của mỗi địa phương. Kết quả là những cuộc bùng nổ thực sự đã xẩy ra ở các nước cộng sản Đông Âu.

 

(còn tiếp) 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ