GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 14/5/2006

 TUẦN V PHỤC SINH

 

?  “Ngày của Chúa” là “chúa của mọi ngày” (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa - DIES DOMINI)

?  MẸ (Riêng tặng các bà mẹ nhân ngày Hiền Mẫu 14/5/2006)

?  Hiện Tượng Hồi Giáo Nổi Loạn: Nguyên Nhân và Nội Dung của Vấn Đề – Làm sao để phòng chống (tiếp)

 

 

?  “Ngày của Chúa” là “chúa của mọi ngày” (ĐTC GPII: Tông Thư Ngày Của Chúa - DIES DOMINI)

Chư Huynh quí mến trong hàng Giáo Phẩm và hàng Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến!

1.     Ngày của Chúa – được gọi là Chúa Nhật từ thời các Tông Đồ (1) – hằng được đặc biệt chú trọng tới trong lịch sử của Giáo Hội vì mối liên hệ chặt chẽ của ngày này với chính cốt lõi của mầu nhiệm Kitô giáo. Thật vậy, trong việc tính toán theo thời gian hằng tuần thì Chúa Nhật nhắc nhở đến ngày Phục Sinh của Chúa Kitô. Đó là Ngày Lễ Phục Sinh hằng tuần tái diễn, cử hành việc Chúa Kitô chiến thắng tội lỗi và sự chết, hoàn tất nơi Người việc tạo dựng tiên khởi và rạng đông của “cuộc tân tạo” (x 2Cor 5:17). Đó là ngày nhắc nhở bằng việc tôn thờ tri ân cảm tạ ngày đầu tiên của thế giới và hướng về trong niềm hy vọng tích cực “ngày cuối cùng”, lúc Chúa Kitô đến trong vinh quang (cf. Acts 1:11; 1 Th 4:13-17) cũng là lúc tất cả mọi sự được đổi mới (x Rev 21:5).

Bởi vậy, thật là xác đáng áp dụng tiếng kêu của Thánh Vịnh Gia vào Chúa Nhật: “Đây là ngày Chúa đã làm nên: chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ trong ngày ấy” (Ps 118:24). Lời mời gọi hãy hân hoan mừng rỡ này, một lời mời gọi phụng vụ Lễ Phục Sinh sử dụng, phản ảnh cái ngỡ ngàng bàng hoàng xẩy ra cho những người phụ nữ, sau khi chứng kiến cuộc tử giá của Chúa Kitô, thấy ngôi mộ trống lúc họ ra đó vào “tảng sáng của ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” (Mk 16:2). Đó là một lời mời gọi hãy tái diêãn một cách nào đó cảm nghiệm của hai người môn đệ về làng Emmau, những vị cảm thấy lòng mình “bừng lên” khi Đấng Phục Sinh bước đi với họ trên đường, dẫn giải Thánh Kinh và tỏ mình ra ở việc “bẻ bánh” (x Lk 24:32,35). Lời mời gọi ấy cũng vang vọng niềm vui, thoạt tiên ngờ ngợ rồi sau đó hớn hở, mà các Vị Tông Đồ cảm thấy vào buổi tối cùng ngày hôm đó, khi các vị được Chúa Giêsu Phục Sinh viếng thăm và lãnh nhận tặng ân bình an cùng Thần Linh của Người (cf. Jn 20:19-23).

2.     Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu là biến cố nền tảng cho đức tin Kitô giáo (x 1Cor 15:14). Biến cố này là một thực tại kinh hoàng, một thực tại chỉ được thấu triệt trong ánh sáng đức tin, tuy nhiên cũng là một thực tại được chứng thực theo lịch sử, bởi những người được diễm hạnh thấy Chúa Phục Sinh. Cuộc phục sinh này là một biến cố kỳ diệu chẳng những hoàn toàn độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người, mà còn ở ngay chính tâm điểm của mầu nhiệm thời gian. Thật vậy, “tất cả thời gian đều thuộc về (Chúa Kitô) và tất cả mọi thế hệ”, như phụng vụ gợi lên trong Lễ Vọng Phục Sinh nhắc nhở để bắt đầu thắp Cây Nến Phục Sinh. Vì thế, trong việc tưởng niệm ngày Phục Sinh của Chúa Kitô chẳng những mỗi năm một lần mà còn vào mỗi Chúa Nhật, Giáo Hội muốn nói với hết mọi thế hệ về cái điểm tựa thực sự của lịch sử mà mầu nhiệm về nguồn gốc của thế giới cũng như về định mệnh cuối cùng của nó qui về.

Thế nên, thật là chính đáng khi cho rằng, theo những lời của một bài giảng ở thế kỷ thứ 4, “Ngày của Chúa” là “chúa của mọi ngày” (2). Những ai đã được ơn tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh không thể không thấu triệt được tính cách quan trọng của ngày này trong tuần, bằng cùng một cảm xúc thấm thía đã khiến Thánh Giêrônimô phải nói rằng: “Chúa Nhật là ngày Phục Sinh, đó là ngày của Kitô hữu, đó là ngày của chúng ta” (3). Đối với Kitô hữu, Chúa Nhật là “ngày lễ chính yếu” (4), được thiết lập chẳng những để đánh dấu việc liên tục của thời gian mà còn để cho thấy ý nghĩa sâu xa hơn nữa của thời gian.

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  MẸ (Riêng tặng các bà mẹ nhân ngày Hiền Mẫu 14/5/2006)

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Trong những áng văn chương, những vần thơ, những nhạc bản, những bức vẽ tuyệt tác nhất của nhân loại, có lẽ là những tác phẩm, thi phẩm, nhạc phẩm, họa phẩm dưới đề tài tình yêu. Tiếp tới là đề tài về mẹ. Vì qua người mẹ nẩy sinh tình yêu và sự hy sinh. Có thể nói, mẹ là một thụ tạo tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban cho nhân loại.

 

Gần đây, trong chiều hướng suy tư mới và với đà tiến bộ của  khoa học, của xã hội, người ta bắt đầu đặt lại vai trò, thế đứng và vị thế của phụ nữ. Phụ nữ, theo đó cần được nhiều quyền hơn, cần được đối xử ngang hàng với nam giới, và cũng cần phải dấn thân hơn. Kết quả là ngày nay đã có nhiều nữ bác sĩ, nữ luật sĩ, nữ khoa học gia, nữ giảng sư đại học, nữ giáo sư và giáo viên. Về mặt xã hội và chính trị, có những nữ dân biểu, nữ nghị sĩ, nữ tướng lãnh, nữ thủ tướng, nữ bộ trưởng, và nữ tổng thống như tại Phi Luật Tân, hoặc Nam Dương, hay như nữ hoàng Anh chẳng hạn.

 

Vai trò nữ giới cũng được nhắc tới trong những sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo, một giáo hội vốn bị mang tiếng là bảo thủ, và không mấy đề cao vị trí người phụ nữ. Thí dụ, không cho nữ giới làm linh mục như Giáo Hội Anh Giáo.

   

Nhưng dù là ở ngoài xã hội hay trong sinh hoạt tôn giáo, người phụ nữ có nắm giữ vai trò gì đi nữa, và dù người phụ nữ có được vinh thăng chức vụ gì đi nữa, thì cũng không bằng và không thể vượt qua được hai chức vụ mà Thượng Đế đã ban tặng cho nữ giới, đó là chức làm vợ và làm mẹ. Nhân dịp mừng ngày Hiền Mẫu, tôi đặc biệt nhấn mạnh về vai trò làm mẹ của phụ nữ.

 

Tôi nhớ lại trong thời gian còn là sinh viên, một hôm trong buổi thảo luận về vai trò của phụ nữ trong khóa Tâm Lý Phụ Nữ, vị giáo sư và cũng là một nữ tâm lý gia đã không úp mở phát biểu rằng: “Gì gì đi nữa, nữ giới cũng chỉ rành rẽ hơn nam giới ở cái xúc cơm và thay tã lót cho con”. Thật vậy, Thượng Đế đã dành để cho phụ nữ vai trò làm mẹ rất đặc biệt. Ngài đã trang điểm và sáng tạo nên người phụ nữ với những đặc biệt mà không ai trong nam giới có thể so sánh được.

 

Về phương diện thể lý, Ngài đã chuẩn bị cho nữ giới một bộ nhũ hoa không những đẹp, hấp dẫn đối với nam giới, mà còn là một bầu sữa thơm ngon đem lại sức sống cho con. Người con khi uống say sưa những dòng sữa mẹ chảy ra không những được hạnh phúc vì thấy mình no thỏa, mà còn được hạnh phúc vì sự yêu thương, săn sóc mà mẹ dành cho mình. Có thể nói, mỗi giọt sữa là một giọt ân tình và hy sinh của mẹ dành cho con.

 

Trong lòng người phụ nữ, Thượng Đế đã dọn sẵn một cái nôi êm ái, một thửa đất mầu mỡ để ươm mầm sự sống, và để cho cái mầm ấy phát triển và lớn lên. Chín tháng trong bụng mẹ, người con đã được sự che chở của mẹ, được tiếp nhận từng sức sống và từng hơi thở của mẹ. Chính bà đã ban cho con bà những tháng năm đầu đời ấy sự sống và truyền vào con tất cả tình yêu và lòng thương cảm của bà.

 

Theo tâm lý học, Thượng Đế còn ban cho phụ nữ một bản năng rất bén nhậy về những nhu cầu và ước muốn của con bà. Bà không bị đánh động bởi những tiếng ồn ào bên ngoài, nhưng chỉ một tiếng ho, tiếng cựa mình của con, bà cũng cảm được và thức tỉnh ngay dù bà đang ngủ say. Điều này đã được ghi nhận và giải thích bằng tâm lý học.

 

Mỗi lần một đứa con ra đời, là nhan sắc mẹ tàn phai đi một tí. Những nét đẹp dịu dàng của bà. Những đường cong hấp dẫn của bà bị xoi mòn vì những năm tháng thai nghén, sinh nở. Bài xấu đi, già đi, và kém phần gợi cảm đi vì những đứa con của bà.

 

Đến đây tôi chợt nhớ lại một hình ảnh mà tôi không thể nào quên được, đó là hình ảnh một bà mẹ trẻ ôm đứa con chậm phát triển về cả tâm lý lẫn thể lý hôm đó. Lúc đầu tôi không nhìn rõ đứa trẻ trong lòng bà mà chỉ nghe những tiếng rên rỉ của em, vì em đã bị biến dạng bởi bệnh tật. Người mẹ trẻ này mỗi lần nghe tiếng rên rỉ của con, bà ghì sâu con vào lòng, rồi rất nhẫn nại, rất tha thiết nhỏ từng giọt nước cho con bà uống. Vì em đã không ăn uống được một cách bình thường như các trẻ em khác. Không những thế, em còn không nói được, hoặc diễn tả nhu cầu của em. Nhưng lạ lùng, tình thương của một người mẹ đã làm cho bà hiểu và biết rõ nhu cầu con bà. Tôi đã thao thức suốt đêm hôm đó về hình ảnh này. Tôi thực sự không hiểu nổi mà chỉ còn cảm phục tình thương và sự hy sinh có thể nói là vô bờ bến của người mẹ trẻ mà tôi gặp hôm ấy tại văn phòng.

 

Hình ảnh của người mẹ trẻ hôm đó cũng như nhiều nhiều lắm hình ảnh những bà mẹ mà phải làm mẹ những đứa con tật nguyền. Những em này mang những hội chứng Down Syndrome, Autism, ADHD, Cerebral Palsy và Mental Retardation. Hoặc những em mang những hội chứng về tâm bệnh mà tôi vẫn thường ngày gặp gỡ. Thỉnh thoảng tôi cũng đã gặp một vài bà mẹ không những có 1 mà còn 2 hoặc 3 con ở vào những trường hợp như thế.

 

Đã có lần tôi thăm một gia đình 3 người con với những triệu chứng Autism và ADHD, tôi thấy người mẹ này nguyên một việc chịu đựng 3 đứa trẻ đó cũng đủ điểm mà lên Thiên Đàng rồi, chứ chưa nói đến việc bà còn chịu đựng một ông chồng mà suốt ngày không làm gì cả, chỉ nhậu nhẹt và say sưa. Bằng vào kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi, tôi không nói ra nhưng cũng hiểu ngay nạn nhân trong gia đình đó là ai và ai là nguyên nhân gây ra những đau khổ kia. Cũng có những trường hợp tôi đã nêu lên ý kiến chữa trị, nhưng một vài ông chồng rất ngang bướng và cố chấp. Đại khái đã có lần tôi được nghe phản ứng của một thanh niên với 6 người con lóc nhóc mà người mẹ không biết phải làm gì hơn là nhiều lúc ngồi khóc. Khi đưa ra những gợi ý tìm một phương pháp trị liệu, phòng ngừa thai nghén, anh đã tỉnh bơ trả lời: “Chúa ban cho em bao nhiêu, em nhận hết. Bố mẹ em đẻ 10 đứa, em mới có 6 đứa đâu nhằm nhò gì”.

 

 Oâi! Thượng Đế thật cao cả và đáng yêu khi dựng nên những tấm lòng của người mẹ.

 

Chính vì thế khi vừa lọt lòng mẹ, hơi thở của mẹ, tiếng nói của mẹ là những gì người con cảm được, nghe được và tiếp nhận được đầu tiên. Người con lúc đó chưa nhìn rõ mặt mẹ, chưa biết mẹ mình như thế nào, nhưng lại hiểu và nghe được tiếng nói, cảm được hơi thở của mẹ. Tâm lý học gọi đây là những giao cảm đầu tiên theo bản năng nối kết giữa người con và người mẹ. Tâm lý này cũng thấy xuất hiện ngay cả trong thế giới loài vật nữa. Thí dụ, con gà hay con vịt vừa chui ra khỏi vỏ trứng là tự nhiên chúng chạy tìm và đi theo vịt mẹ hay gà mẹ ngay. Lạ lùng hơn nữa là chúng không hề đi theo con gà hay con vịt nào không phải là mẹ của chúng.

 

Rồi khi đã nhìn thấy mẹ, đã quen với tiếng mẹ, và cảm được tình mẹ, thì gối mẹ lại trở thành một học đường hết sức quan trọng cho con vỡ lòng và học được những kinh nghiệm đầu đời. Hình ảnh người con ngồi trên gối mẹ, trong lòng mẹ để nghe mẹ kể truyện hoặc vuốt tóc vào mỗi buổi chiều hay những phút trước khi đi ngủ là hình ảnh của một lớp học đầu đời trong đó mẹ dậy con tất cả về nghĩa yêu thương. Khi ôn lại tuổi thơ của mình, Thánh Anphongsô, vị Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế đã nói: “Tất cả những gì tôi có đều do mẹ tôi ban cho”.

 

Ngay trong những bệnh viện tâm thần, các bệnh nhân khi tỉnh táo cũng gọi mẹ, nhắc đến mẹ, Trong nhiều trường hợp chỉ cần nghe nhắc đến chữ mẹ là tự nhiên các bệnh nhân ấy bớt căng thẳng, và trở thành dễ dãi ngay. Điều này giải thích thêm rằng tình thương của người mẹ đã đem lại cho con bà sự sống thể lý mà còn cả về tâm lý nữa.

 

Theo tôi, Y Vân là người đã được cái cảm nhận xuất thần khi ông khai triển đề tài mẹ qua nhạc phẩm bất hủ “Lòng Mẹ”: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào” Và Nhất Hạnh cũng rất thổn thức khi viết: “mẹ là dòng suối dịu hiền”. Thiếu dòng suối ấy, thiếu đại dương tình thương ấy, người con không thể nào hạnh phúc. Chính vì vậy, người con dù sau này như thế nào đi nữa cũng không quên được mẹ, và vẫn không muốn rời xa vòng tay mẹ. Tôi cảm nghiệm được phần nào cái nức nở, cái thổn thức của Y Vân và Nhất Hạnh trong lần về thăm mẹ gần đây. Mẹ tôi như đứng ngây ra, không biết làm gì khi gặp mặt tôi mà chỉ để một vài dòng nước mắt lăn dài trên gò má. Tôi dù đã trên 50 tuổi đời, nhưng cũng đã không cầm được xúc động và khi ồm ghì mẹ tôi trong vòng tay, thì những giọt nước mắt đã mặn đắng bờ môi. Tôi không còn biết nói gì hơn, mà chỉ còn để cho những giây phút yêu thương ấy chạy khắp thân mình tôi, và những giọt lệ thân ái làm mờ đôi mắt. Các con tôi chúng đứng nhìn bố khóc mà không hiểu tại sao bố khóc. Nhưng theo tôi, đến một tuổi nào đó, các chúng cũng cảm thấy những nụ hôn, những cái vuốt trán, những lời nói mà chúng nghe quen lúc này trở thành nhớ nhung và thật sự cần thiết đối với chúng. Cũng có thể là lúc đó tôi không còn hiện diện trên con đời này nữa. Đến đây tôi mới thấm thía được thế nào là tình mẹ thương con, và thế nào là cái ảnh hưởng chi phối đời sống tâm lý và tình cảm của người con phát xuất từ tình thương của người mẹ.

  

Tóm lại, chỉ một thiên chức làm mẹ cũng đủ để người phụ nữ trở nên cao cả và hết sức quan trọng. Họ chính là những đại ân nhân của nhân loại. Là những người xây dựng và cấu trúc nhân loại bằng chính tình thương, hy sinh, và sự cảm nhận hết sức bén nhậy đối với những đứa con là những thành phần của thế hệ tương lai. Do đó, con cái phải biết ơn mẹ, nhân loại phải biết quí trọng và yêu kính thiên chức làm mẹ của nữ giới. Riêng với các bạn còn có mẹ ở bên, chúng ta hãy cảm ơn Thượng Đế, cảm ơn mẹ về hạnh phúc này. Bầu trời sẽ sụp đổ, và những đêm thanh sẽ mất ánh sao khi mẹ hiền qua đi. Bởi vì sẽ không còn thấy bóng hình và tình thương mẹ quanh mình nữa.

 

Và tôi cũng muốn qua những tâm tư chia sẻ này để thưa với mẹ tôi một câu như Anphongsô đã nói về mẹ Ngài: “Thưa mẹ, con cảm ơn mẹ về tất cả những gì mẹ đã làm và đã hy sinh cho con. Con sẽ không bao giờ được như ngày nay nếu con thiếu tình thương và sự hy sinh của mẹ. Con yêu và mến mẹ”.

 

 

TOP

 

 

?   Hiện Tượng Hồi Giáo Nổi Loạn: Nguyên Nhân và Nội Dung của Vấn Đề – Làm sao để phòng chống

 

(tiếp 10 Thứ Tư, 11 Thứ Năm, 12 Thứ Sáu, 13 Thứ Bảy)

 

Vấn:    Nếu đã xẩy ra việc hợp tác giữa Hồi Hữu và Vatican ở những hội nghị Liên Hiệp Quốc trong thập niên qua – nơi họ đã cùng nhau lên tiếng chống lại phá thai và các chính sách chống gia đình – thì phải chăng Giáo Hội Công Giáo được hưởng những thuận lợi nào đó trong việc giao tiếp với Hồi Giáo?

 

Đáp:   Giáo Hội Công Giáo thực sự có được một số thuận lợi vì chúng ta đã có người Công Giáo và Chính Thống sống ở thế giới Hồi Giáo qua nhiều thế kỷ.

 

Đồng thời cũng có cả một thứ liên hệ thường là hòa hợp với nhau, song đôi khi bùng nổ thành bạo động như một thứ phản ứng chống lại người Công Giáo.

 

Tuy nhiên, thứ hợp tác ở các hội nghị Liên Hiệp Quốc giữa các quốc gia Hồi Giáo và Vatican không được coi như là đường lối để làm hòa với nhau, song để giúp cho nhau đạt được mục tiêu riêng của mình.

 

Về lâu về dài tôi không nghĩ rằng những người Hồi Giáo ở ngoài đường có thể lên tiếng nói rằng: ‘chúng tôi cần phải thân tình hơn với người Công Giáo’.

 

Đó là cái then chốt để có thể hiểu được thế giới của người Hồi Giáo. Họ chia thế giới thành hai phần: nhà của Hồi Giáo, ‘dar al-Islam’; và ‘dar al-harb’, nhà của chiến tranh.

 

Nếu quí vị ở một xứ sở Hồi Giáo, nơi Shariah là luật pháp và Hồi hữu chiếm đa số thì quí vị đang ở trong nhà của Hồi Giáo. Nếu quí vị ở một xứ sở không phải Hồi Giáo, thì quí vị đang ở trong một ngôi nhà của chiến tranh. Việc phân biệt này là một phân biệt rất ư là căn bản.

 

Sẽ có được một sự hợp tác lịch sự và đôi khi là một hợp tác rất tích cực ở những cấp độ khác nhau và là những hợp tác có thể tuyệt vời. Thế nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng cái kinh nghiệm của việc phân biệt thế giới thành nhà của Hồi Giáo và nhà của chiến tranh là những gì rất cổ xưa nơi Hồi Giáo và là những gì rất căn bản, bởi thế tôi không biết có xẩy ra bất cứ một tiến bộ đặc biệt nào trong việc giao tiếp với Hồi Giáo hay chăng.

 

Chẳng hạn, ở Nam Dương, nơi rất ít người Hồi Giáo trở lại Công Giáo, quí vị cũng đặc biệt thấy rằng người Công Giáo bị bách hại và nhiều người Công Giáo bị sát hại ở đó.

 

Và cũng ở một vài nơi mà Hồi hữu trở thành Kitô hữu, theo Chính Thống Giáo hay Công Giáo, họ bị áp đảo khủng khiếp, nếu không nói là bị giết, vì làm như thế. Tôi không nghĩ rằng điều này đã được đổi thay và chúng ta cần phải rất thực tế về cái tâm thức ấy.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2-3/5/2006

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ