GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 16/6/2006

 TUẦN CHÚA BA NGÔI

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần 14/6/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 11: “Thánh Anrê, Vị được gọi đầu tiên”

?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc Về Việc Chiến Đấu Chống Hội Chứng Liệt Kháng

?  Phim ‘Cuộc Thương Khó Của Chúa Kytô’, một cuốn phim đã bị hãng phim thực hiện cuốn The Da Vinci Code từ chối thực hiện nhưng lại là một cuốn phim 'hót' hơn The Da Vinci Code! (tiếp)

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 14/6/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 11: “Thánh Anrê, Vị được gọi đầu tiên”

 

(tiếp 15 Thứ Năm)

 

Trong bối cảnh ấy những lời này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu muốn nói rằng: Phải, cuộc gặp gỡ của Thày với những người Hy Lạp sẽ xẩy ra, thế nhưng cuộc gặp gỡ của Thày sẽ không phải là một cuộc nói chuyện giản dị và ngắn ngủi với một số người nào đó được tác động trước hết bởi tính tò mò vậy thôi. Bằng cái chết của mình, có thể được so sánh với việc hạt lúa miến rơi xuống đất, thời điểm hiển vinh của Thày sẽ đến. Nhờ cái chết trên cây thập tự giá mới phát sinh nhiều hoa trái. ‘Hạt lúa miến chết đi’ – tiêu biểu cho việc Thày bị đóng đanh – sẽ trở thành, nhờ Cuộc Phục Sinh, bánh sự sống cho thế gian: Nó sẽ là ánh sáng coi chiếu cho các dân tộc và các nền văn hóa.

 

Phải, cuộc gặp gỡ với cái hồn Hy Lạp, với thế giới Hy Lạp, sẽ xẩy ra ở cái ý nghĩa sâu sắc được hạt lúa miến ám chỉ như thế, một biến cố thu hút các quyền lực của cả trái đất lẫn trời cao và trở thành bánh sự sống. Nói cách khác, Chúa Giêsu nói tiên tri về Giáo Hội của người Hy Lạp, Giáo Hội của dân ngoại, Giáo Hội của thế giới là hoa trái của Cuộc Người Vượt Qua.

 

Các truyền thống rất cổ tin rằng Anrê, vị đã chuyển đạt những lời ấy cho các người Hy Lạp, chẳng những là thông dịch viên của một số người Hy Lạp trong cuộc họ gặp gỡ Chúa Giêsu như chúng ta vừa nhớ lại, mà ngài còn được coi là vị Tông Đồ của người Hy Lạp vào những năm sau Biến Cố Hiện Xuống nữa; những truyền thống ấy cho chúng ta biết rằng cả cuộc đời còn lại của mình, ngài là người rao giảng tin mừng và là thông dịch viên về Chúa Giêsu cho thế giới Hy Lạp.

 

Phêrô, người anh em của ngài, đã từ Giêrusalem đến Rôma, đi ngang qua Antiôkia, để thi hành sứ vụ hoàn vũ của mình; Anrê, trái lại, là vị Tông Đồ của thế giới Hy Lạp. Bởi thế, cả khi sống lẫn lúc chất, các vị đều là những người anh em chân thực, một tình huynh đệ được diễn tả một cách tượng trưng nơi mối liên hệ đặc biệt của các giáo hội Rôma và Constantinople, hai Giáo Hội là chị em với nhau thực sự.

 

Một truyền thống sau đó, như tôi đã nói, thuật lại cái chết của Thánh Anrê ở Patras, nơi ngài cũng bị hành quyết đóng đinh vào thập giá. Tuy nhiên, vào chính giây phút cuối cùng ấy, như người anh em Phêrô của mình, ngài đã xin được đóng đanh khác với cách của Chúa Giêsu. Nơi trường hợp của ngài thì cây thập tự giá theo kiểu chữ X, tức là có hai thanh gỗ bắt chéo nhau, nên mới được gọi là ‘cây thập giá của Thánh Anrê’.

 

Đó là những gì, theo một trình thuật cổ (vào đầu thế kỷ thứ sáu), với nhan đề ‘Cuộc Khổ Nạn của Thánh Anrê’: vào lúc ấy ngài đã nói rằng: ‘Kính mừng, Ôi cây thập giá, được thân thể Chúa Kitô khai mạc, một thập tự giá đã trở thành đồ trang điểm cho các phần tử của Người, như thể họ là những viên ngọc quí. Trước khi Chúa Kitô cưỡi lên ngươi thì ngươi gây kinh hoàng cho trần thế. Tuy nhiên, giờ đây, được tình yêu thiên quốc ban tặng, ngươi đã trở thành một tặng ân. Thành phần tín hữu cảm thấy niềm vui biết bao nơi ngươi, bao nhiêu là tặng ân do người cống hiến. Bởi thế, hãy tin tưởng và tràn đầy niềm vui, ta đến đây để ngươi cũng sẽ nhận lấy ta hân hoan như người môn đệ của Đấng đã bị treo lên trên ngươi… Hỡi cây thập tự giá diễm phúc…, cây thập tự giá đã lãnh nhận cái uy nghi và kiều diễm của những chi thể Chúa Kitô…, xin hãy nhận lấy ta và hãy dẫn ta xa khỏi con người và trao ta cho Vị Sư Phụ của ta, để nhờ ngươi, Người sẽ lãnh nhận ta, Đấng nhờ người đã cứu chuộc ta. Kính mừng, Ôi cây thập tự giá, phải, xin thực lòng kính chào ngươi!’.

 

Như chúng ta có thể thấy, chúng ta đang đứng trước một linh đạo Kitô Giáo hết sức sâu xa, một linh đạo thấy nơi cây thập tự giá, vượt ra ngoài tính cách một dụng cụ hành hình, như một phương tiện khôn sánh cho việc hoàn toàn nên giống với Đấng Cứu Chuộc, nên giống hạt lúa miến rơi xuống đất. Chúng ta cần phải học được bài học rất quan trọng này, đó là, những thập tự giá của chúng ta có một giá trị nếu chúng được coi và đón nhận như yếu tố của thập giá Chúa Kitô, nếu chúng được chạm tới bằng việc phản ảnh ánh sáng của Người. Chỉ nhờ những cây thập tự giá như thế, các nỗi đau thương của chúng ta cũng mới cao quí và đạt được ý nghĩa đích thực của chúng.

 

Chớ gì Tông Đồ Anrê dạy cho chúng ta biết theo Chúa Giêsu một cách mau mắn (x Mt 4:20; Mk 1:18), nói một cách nhiệt tình về Người với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, trước hết là để vun trồng một mối liên hệ thân tình thực sự với Người, với ý thức là chỉ ở nơi Người chúng ta mới có thể tìm thấy ý nghĩa tối hậu nơi cuộc sống cũng như nơi cái chết của chúng ta mà thôi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/6/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc Về Việc Chiến Đấu Chống Hội Chứng Liệt Kháng

 

Hôm Thứ Sáu 2/6/2006, ĐHY Janier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, đại diện Tòa Thánh đã trình bày với Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về chính sách chống khủng bố nguyên văn như sau:

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Tôi hân hạnh chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đến tất cả những ai đang dấn thân vào cuộc chiến đấu chống nạn dịch Hội Chứng và Vi Khuẩn Liệt Kháng trên khắp thế giới. Vị Giáo Hoàng này hết sức quan tâm về tình trạng lan tràn của thứ bệnh ấy cũng như về những an toàn cho cả việc tiếp tục cùng gia tăng hoạt động được Giáo Hội Công Giáo thực hiện để ngăn chặn cái tai họa ấy. 

 

Từ ban đầu, Giáo Hội Công Giáo đã cống hiến việc đóng góp của mình vào việc chiến đấu chống Vi Khuẩn Liệt Kháng cũng như những đau thương gây ra bởi Hội Chứng Liệt Kháng về lãnh vực ý khoa, xã hội và tâm linh. Thật vậy, 26.7% các trung tâm phục vụ thành phần nhiễm Vi Khuẩn Liệt Kháng và bị Hội Chứng Liệt Kháng trên thế giới là của Công Giáo. Hoạt động của chúng tôi chú trọng tới việc huấn luyện cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, cũng như việc ngăn ngừa, chữa trị, chăm sóc và trợ giúp. Ở tất cả những giai đoạn này, chúng tôi doing hành với thành phần bệnh nhân  cũng như gia đình của họ.

 

Đặc biệt là các Hội Bác Ái Quốc Tế đang dấn thân trong công cuộc quan trọng này ở 102 quốc gia. Tòa Thánh đã tung ra các hoạt động trên khắp thế giới. Chúng tôi nhận thấy mình hiện diện và hoạt động chống lại nạn dịch này ở 62 quốc gia: 28 nước ở Phi Châu, 9 ở Mỹ Châu, 6 ở Á Châu, 16 ở Âu Châu và 3 ở Đại Dương Châu.

 

Ngoài nhân viên địa phương, bao gồm cả tu si74 lẫn giáo dân, có một vài dòng tu và hiệp hội quốc tế hoạt động ở lãnh vực này: đó là các tu sĩ dòng Vinh Sơn Phaolô, Hội Bác Ái, Cộng Đồng Sant’Egidio, các tu sĩ Dòng Carmêlô, Tu Sĩ Bệnh Viện Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa (…), dòng Chúa Giêsu, các Nữ Tu dòng Mẹ têrêsa, bệnh viện Bambio Gesù và các nhà thuốc Công Giáo, mới chỉ đề cập đến một ít thôi.

 

Hoạt động này của Tòa Thánh cũng như của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này không phải là những gì thuộc nội quan hơn là các mục đích của nó là mạnh mẽ cổ võ và kiên cường cảm quan cần thiết về tính cách sở hữu và trách nhiệm mà mỗi quốc gia cần phải phát triển nơi mỗi một giai đoạn của vấn đề đáp ứng với nạn dịch này.

 

Các chương trình huấn luyện chính của chúng tôi được gửi đến cho thành phần chuyên viên chăm sóc sức khỏe, các vị linh mục, tu sĩ, giới trẻ, các gia đình, cũng như chính người bệnh. Trong việc ngăn ngừa, chúng tôi chú trọng tới việc đào luyện và giáo dục nhắm tới hành vi thích đáng để tránh lây bệnh. Chúng tôi thấy rằng trong lãnh vực giáo dục và đào luyện ấy thì những góp phần của gia đình là những gì chứng thực cho thấy rất ư là hữu ích và công hiệu.

 

Chúng tôi làm điều này qua những sách vở báo chí, những cuộc hội nghị và việc chia sẻ kinh nghiệm và khả năng liên cá vị. Đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe và trợ giúp bệnh nhân, chúng tôi, ngoài các vấn đề khác, nhấn mạnh tới việc đào luyện những vị y sĩ và cứu thương viên, các vị tuyên úy và tình nguyện viên. Chúng tôi chiến đấu dấu hiệu mace bệnh, thử nghiệm, cố vấn và hòa giải. Chúng tôi cấp phát những anti-retrovirals và thuốc men để ngăn chặn việc truyền lan theo chiều dọc – từ mẹ sang con – cũng như phát động những biện pháp ngăn chặn tình trạng lây lan qua đường máu huyết.

 

Trong lãnh vực chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân, chúng tôi nhấn mạnh đến việc tránh lây lan, chăm sóc thành phần mồ côi, thành phần góa bụa cũng như thành phần bị Hội Chứng Liệt Kháng ở trong tù. Chúng tôi đang giúp cho thành phần bị Vi Khuẩn Liệt Kháng hội nhập lại vào xã hội, và hợp tác với các chính phủ cũng như với các tổ chức khác cả ở cấp độ dân sự lẫn đại kết.

 

Đối với các khía cạnh về kinh tế, Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Hội Người Samaritanô Nhân Lành, để nâng đỡ thành phần túng thiếu nhất, đặc biệt những ai bị Hội Chứng Liệt Kháng. Cho đến nay, chúng tôi đã dễ dàng hóa việc giành được những anti-retrovirals cho các trung tâm ở 18 quốc gia: 13 ở Phi Châu, 3 ở Mỹ Châu và 2 ở Á Châu. Các ngân quoi tài trợ cho những trung tâm này xuất phát từ những đóng góp của người Công Giáo thuộc 19 quốc gia, từ Mỹ Châu, Á Châu, Âu Châu và một số ở chính Phi Châu.

 

Để biết thêm tín liệu về hoạt động và việc dấn thân của chúng tôi, chúng tôi cống hiến một tờ phổ biến cho hội nghị này, một tờ phổ biến có thể thấy ở những nơi giành cho mục đích này tại sảnh đường đây.

 

Xin cám ơn Ông Chủ Tịch.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/6/2006 

 

 

TOP

 

 

?   Phim ‘Cuộc Thương Khó Của Chúa Kytô’, một cuốn phim đã bị hãng phim thực hiện cuốn The Da Vinci Code từ chối thực hiện nhưng lại là một cuốn phim 'hót' hơn The Da Vinci Code!

 

 

(tiếp bài Cuốn The Da Vinci Code)

 

LM Anphong Trần Đức Phương

 

            "Vào ngày 19 tháng 5, năm 2006, phim Da Vinci Code  đã được chiếu tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới; mà đầu tiên lại ở Trung quốc, một quốc gia còn trong chế độ Cộng sản vô thần. Cũng vì tính tò mò nên nhiều người đi xem. Tuy nhiên, khi đem chiếu khai mạc tại Đại hội điện ảnh lần thứ 59 tại Cannes (Pháp) vào ngày 18 tháng 5 năm 2006, phim này đã bị các nhà phê bình điện ảnh đánh giá thấp về nhiều phương diện và chỉ được xếp vào hạng C+". (trích bài Cuốn The Da Vinci Code)

 

            "Nhận thấy có thể kiếm được 'lợi nhuận lớn' nếu quay thành phim, nên giới điện ảnh doanh thương Holly Wood đã mau mắn xin đóng thành phim với cốt truyện phim do Akiva Goldsman viết thành kịch bản, và Ron Howard đạo diển cùng với nhiều minh tinh màn bạc nổi tiếng của Holly Wood. Nơi đây xin mở một dấu ngoặc là: trước đây chừng ba năm, Mel Gibson muốn thực hiện cuốn phim 'THE PASSION OF THE CHRIST', ông đã nhờ Holly Wood yểm trợ, nhưng không được, nên Mel Gibson đã tự xuất vốn và đi vay mượn để thực hiện cuốn phim này. Cuốn phim đạo đức này đã thành công rực rở (chúng tôi có gửi kèm bài viết về cuốn phim này để quý vị xem thêm)". (trích bài Cuốn The Da Vinci Code)

 

            (TĐM: Sau đây là bài viết của cùng tác giả viết 2 năm trước về cuốn Phim Cuộc Khổ Nạn Chúa Giêsu xin được tái phổ biến để so sánh giá trị nội dung cùng nghệ thuật và kỹ thuật giữa một cuốn phim phò đạo trước đây và một cuốn phim phá đạo hiện nay)

 

(tiếp 14 Thứ Tư 15 Thứ Năm)

            

            Sau đó, tất nhiên họ tháo xác các người bị đóng đinh và đem xác đi chôn cất, thập giá cũng được hạ xuống. Mọi sự được dọn sạch sẻ để chuẩn bị cho ngày ‘Đại Lễ’. Riêng xác Chúa Giêsu thì do hai ông Giuse người Arimathê và ông Nicôđêmô lo an táng. Hai ông này cũng là người Do Thái và cũng là những thành viên trong Thượng Hội Đồng Do Thái. Ông Giuse Arimathê người ngay thẳng, công chính, ông rất mến phục Chúa Giêsu và đã là môn đệ của Chúa, nhưng âm thầm vì sợ những người Do Thái khác. Ông không tán thành quyết định giết Chúa Giêsu của Thượng Hội Đồng (PÂ Luca 23:50). Còn ông Nicôđêmô thì cũng là ‘người theo Chúa cách kín đáo và đã có lần đến gặp Chúa Giêsu ban đêm để bàn luận về ‘Nước Trời’ (PÂ Gioan 3:9…) và có lần ông đã công khai phản đối nhóm ‘Pharasiêu’ lên án Chúa Giêsu một cách bất công, vô bằng chứng (PÂ Gioan 8:50…). Ông Giuse Arimathê, tự mình đến xin Philatô cho tháo xác Chúa xuống để đưa đi an táng. Philatô sửng sốt nghe tin Chúa Giêsu đã chết và cho phép tháo xác xuống và đem đi an táng.

 

            Cảnh tháo xác rất cảm động. Ông Giuse, Ông Nicôđêmô và một số ngưởi phụ lực tháo xác và đưa xác Chúa xuống. Mẹ Maria đón lấy xác Chúa, đầu còn đội mão gai. Michel-Ange (1475-1564) đã miêu tả tuyệt vời với cảnh Mẹ Maria ẳm Chúa qua pho tượng  rất nổi tiếng ‘Pietà’, nhưng trông không ‘thảm thương’ như trong phim, vì trong phim thân xác Chúa tan nát, rũ rượi, máu me che phủ. Một số người và các bà đạo đức cúi mình xuống sầu thảm ngắm nhìn cảnh tháo xác Chúa.

 

            Sau đó ông Giuse Arimathê cùng với ông Nicôđêmô và đòan người đi theo đưa xác Chúa đến an táng trong mộ còn mới đã đục sẳn vào đồi đá gần nơi Chúa đóng đinh. Ngôi mộ này chính ông Giuse Arimathê đã cho làm sẳn để dành cho ông, nhưng vì lòng kính yêu Chúa Giêsu ông đã an táng Chúa ngay vào ngôi mộ còn mới của mình (PÂ Matthêu 27:60). Cũng do lòng kính trọng Chúa, ông đã dùng tấm vải Gai mới nguyên để liệm xác Chúa. Còn ông Nicôđêmô cũng vì lòng yêu mến và tôn kính Chúa nên đã mang theo chừng một trăm cân (khỏang 33 kílô) mộc dược đã trộn lẫn với trầm hương để xức xác Chúa (PÂ Gioan 20:39…). Sau khi đã tẩn liệm xác Chúa xong thì các ông đặt xác Chúa vào ngôi mộ và lấy tảng đá lớn lấp cửa mộ. Theo thói tục người Do Thái thời đó, thì xác chết sau khi tẩm liệm xong, nghĩa là sau khi khi đã xức thuốc thơm và quấn khăn liệm, thì xác không để vào quan tài, nhưng đặt ngay vào mộ, sau đó lấy tảng đá lớn làm cửa để lắp cửa mộ. Những ngày tiếp theo, thân nhân đến thăm (thường vào lúc sáng sớm) và tiếp tục ‘xức thuốc’ thơm cho xác người quá cố. Biết được như vậy, chúng ta mới hiểu trường hợp ông Lazarô đã chết chôn trong mộ và Chúa Giêsu làm phép lạ cho sống lại (PÂ Gioan 11:32-44) và cũng hiểu được việc các bà đạo đức ‘sáng sớm thứ nhất trong tuần rủ nhau đem dầu thơm đến xức xác Chúa và lo ngại có ai giúp để mở được tảng đá lắp cửa mộ…’ và việc Chúa sống lại rồi chỉ còn ngôi mộ trống cùng với các khăn liệm trong mộ; tảng đá lắp cửa mộ đã được lật ra (xin xem PÂ Luca 24:1…. Và PÂ Gioan 20:6…). Trong khi các ông ‘táng xác Chúa’, thì Đức Mẹ và bà con đứng gần đó tham dự.

 

            Câu chuyện ‘Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô trong 12 giờ đồng hồ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu nơi trần gian’ như một con người, chính ra đến đây chấm dứt, vì đó là chủ điểm của cuốn phim ‘Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô’. Tuy nhiên Chúa Giêsu là ‘Thiên Chúa Nhập Thể’ nơi một con người, Người vừa là Thiên Chúa Thật, vừa là người thật. Ngài đã chịu đau khổ, chịu chết để chuộc tội nhân lọai, nhưng ‘ngày thứ ba Ngài đã sống lại’ (Kinh Tin Kính), nên Mel Gibson vẫn cho chúng ta thấy vào cuối phim lóe lên ‘ánh sáng phục sinh của Chúa’ dù vắn tắt: tảng đá lấp cửa mộ đã lật ra, mộ trống chỉ còn khăn liệm.

 

(còn tiếp 1 kỳ)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ