GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 17/7/2006

 TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI (ở Les Combes, Introd): Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XV Thường Niên 16/7/2006 về Đức Mẹ Carmêlô

?   Cuộc Xung Đột giữa Do Thái và Lebanon

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 13 - “Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI (ở Les Combes, Introd): Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XV Thường Niên 16/7/2006 về Đức Mẹ Carmêlô

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang nghĩ hè 17 ngày ở khu nghỉ mát Les Combes thuộc miền Valle d’Aosta Ý quốc, từ ngày 11-28/7/2006. Trong thời gian này, ngài sẽ tạm ngưng các cuộc triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, (cho tới ngày 2/8), song vẫn ban huấn từ Truyền Tin vào Chúa Nhật 16 và 23. Sau thời gian ngắn ở đây, ngài sẽ về nhà nghỉ hè của giáo hoàng ở Castelgandolfo 30 cây số cách Rôma về phía nam, nơi ngài sẽ ở cho tới hết tháng 9/2006. Trong thời gian ở nhà nghỉ hè này, ngài sẽ thực hiện chuyến tông du thứ hai (cũng là chuyến tông du thứ 2 trong giáo triều 1 năm rưỡi của ngài) về Đức từ ngày 9-14/9/2006. Sau đây là nguyện văn bài huấn từ Truyền Tin Chúa Nhật XV Thường Niên về Mẹ Carmêlô.

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Năm nay tôi cũng vui mừng dùng một thời gian nghỉ ngơi ở nơi đây, trong Aosta Valley, nơi ngôi nhà nhiều lần đã tiếp đón Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Tôi cảm thấy tràn ngập ngay cái phong cảnh tuyệt vời của dẫy núi Alpine làm cho cá thân xác và tinh thần lấy lại sức sống này, và hôm nay tôi vui mừng được sống cuộc gặp gỡ gia đình này – tôi thân ái chào mỗi người trong anh chị em, những cư dân và những người phục vụ các cuộc nghỉ ngơi.

 

Trước hết tôi gửi lời chào và cám ơn vị mục tử Giáo Hội sống ở thung lũng này, đức giám mục ở Aosta là Giuseppe Anfossi cũng như các vị linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân thuộc cộng đồng giáo phận này. Tôi hứa sẽ nhớ cầu nguyện cho mỗi người trong anh chị em, nhất là cho thành phần bệnh nhân và những ai đang khổ đau. Ngoài ra, tôi xin cám ơn các tu sĩ dòng Salêsiêng đã để cho Vị Giáo Hoàng này sử dụng ngôi nhà của mình. Tôi trân trọng gửi lời chào tới các vị thẩm quyền tiểu bang và địa phương, tới vị quản trị thành phố Introd, tới các lực lượng an ninh và tới tất cả những ai hợp tác một cách khác nhau vào việc cư trú an toàn của tôi. Xin Chúa trả công cho anh chị em!

 

Thật là một trùng hợp, Chúa Nhật này là ngày 16/7, ngày phụng vụ tưởng nhớ Rất Thánh Trinh Nữ Maria Núi Carmêlô. Carmêlô, một mũi đất cao mọc lên ở miền đông duyên hải của Địa Trung Hải, ở mức độ cao trên mặt biển của xứ Galilê, có nhiều hang động thiên nhiên được các vị ẩn sĩ ưa chuộng.

 

Nổi tiếng nhất trong những con người của Thiên Chúa ấy là vị đại tiên tri Êlia, vị vào thế kỷ thứ 9 trước Chúa Kitô, đã can đảm bênh vực tính cách tinh tuyền của đức tin nơi vị Thiên Chúa chân thật duy nhất cho khỏi bị nhiễm lây bởi các thứ sùng bái ngẫu tượng. Được đánh động bởi hình ảnh Elia, hội dòng chiêm niệm Carmêlô đã xuất hiện, một cộng đồng tu sĩ có những vị đại thánh trong số các phần tử của mình, như Thánh Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá, Thêrêsa Hài Đồng Giêsu và Têrêsa Benedicta Thánh Giá (tên tục là Edith Stein).

 

Các tu sĩ Dòng Carmêlô đã truyền bá nơi dân Kitô Giáo lòng tôn sùng Rất Thánh Trinh Nữ Núi Carmêlô, hướng về Mẹ như mẫu gương của đời cầu nguyện, chiêm niệm và hiến thân cho Thiên Chúa. Thật vậy, Mẹ Maria, một con người đã tin tưởng và cảm thấy trước tiên một cách bất khả trổi vượt rằng Chúa Giêsu, Lời nhập thể, là tột độ, là tuyệt đỉnh của việc con người gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Hoàn toàn chấp nhận Lời Chúa, ‘Mẹ hạnh phúc tiến tới núi thánh’ (Lời Nguyện của Lễ Nhớ Chung), và vĩnh viễn sống với Chúa nơi linh hồn và thân xác của mình. Hôm nay tôi xin phó dâng cho Vị Nữ Vương của Núi Carmêlô tất cả mọi cộng đồng sống chiêm niệm trên khắp thế giới, nhất là những ai thuộc Hội Dòng Carmêlô, trong số đó tôi nhớ đến tu viện Quart, không xa đây lắm. Xin Mẹ Maria giúp cho hết mọi Kitô hữu được gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.

 

(Sau khi Nguyện Kinh Truyền Tin, ngài nói tiếp như sau:)

 

Trong những ngày gần đây, tin tức ở Thánh Địa khiến cho tất cả chúng ta cảm thấy có những quan tâm mới và quan trọng, đặc biệt vì tình trạng lan tràn những hành động chiến tranh xẩy ra cũng ở Lebanon, và vì có nhiều nạn nhân thường dân trong dân chúng. Trọng tâm của những cuộc đối chọi dữ dội này, thảm thay, là những trường hợp khách quan vi phạm đến luật lệ và công lý. Thế nhưng, không một hành động khủng bố lẫn trả đũa nào là chính đáng cả, nhất là khi chúng bao gồm các hậu quả thê thảm gây ra cho thành phần dân sự. Việc sử dụng những đường lối giải quyết như thế, như kinh nghiệm nghiệt ngã cho thấy, chẳng đạt được những thành quả tích cực nào hết.

 

Hôm nay là ngày kính nhớ Đức Bà Carmêlô, một Núi ở Thánh Địa mà, chỉ cách Lebanon có mấy cây số, làm nổi bật thành phố Haifa ở Do Thái, một thành phố cũng mới bị nạn nữa. Chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hòa thuận sâu xa, đưa thành phần lãnh đạo chính trị về lại con đường lý trí, và hướng tới những cơ hội mới của việc đối thoại và hiệp ước. Theo chiều hướng ấy, tôi mời các Giáo Hội địa phương hãy dâng lời nguyện cầu đặc biệt cho hòa bình ở Thánh Địa cũng như cho toàn vùng Trung Đông.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/7/2006

 

(như ĐTC đề cập tới tình hình Thánh Địa và Trung Đông trên đây, xin xem 15 Thứ Bảy, 16 Chúa Nhật và dưới đây)

 

TOP

 

 

 ? Cuộc Xung Đột giữa Do Thái và Lebanon

 

Theo tường thuật của CNN qua bài Israeli warplanes hit Beirut suburb, Israeli ships, planes renew Beirut airport attacks Hezbollah ready for 'war on every level' ngày 14/7, Israel pounds Beirut after Haifa hit by rockets và Israel strikes back after Haifa attacked ngày 16/7, thì diễn tiến của cuộc xung đột xẩy ra giữa Do Thái và Lebanon như sau.

 

Khi cuộc bạo động giữa người Do Thái và Lebanon sát hại mấy chục người Lebanon và 10 người Do Thái bước sang ngày thứ ba thì vào sáng sớm Thứ Sáu 14/7/2006 các chiếc máy bay chiến đấu của Do Thái đã dội bom ở miền nam Beirut là địa điểm của các văn phòng của nhóm Hezbollah cùng các lãnh đạo của nhóm này.

 

Cuộc dội bom này nhắm vào cả hằng trăm địa điểm của Lebanon, trong đó có cả phi trường Beirut, vì theo Do Thái thì phi trường là nơi chuyển giao vũ khí cùng các thứ tiếp vận cho nhóm Hezbollah. Cho dù nhóm này không thuộc thành phần chính phủ Lebanon, nhưng cũng giữ 23 trong số 128 ghế tại Quốc Hội và được Syria và Iran ủng hộ. Do Thái qui trách cho chính phủ Lebanon về biến cố này.

 

Trước đó, Do Thái đã rải truyền đơn thông báo cùng dân chúng hãy tránh xa các văn phòng của nhóm ấy ở vùng sẽ bị dội bom, vì họ cho là tay lãnh đạo của nhóm này là Sheik Hassan Nasrallah đang sống ở đó.

 

Vào hôm Thứ Năm trước đó, nhóm hiếu chiến Hezbollah đã bắn hằng tá pháo đạn vào miền bắc Do Thái, trúng hải cảng vùng bắc thành phố Haifa, một địa điểm xa nhất những pháo đạn của Hezbollah bắn tới. Thật ra cuộc bạo động bắt đầu từ Thứ Tư 12/7, khi lực lượng Hezbollah xâm nhập lãnh thổ Do Thái, giết 3 quân nhân Do Thái và bắt cóc 2 quân nhân khác.

 

Từ cuộc đột kích ấy, có thêm 5 quân nhân Do Thái bị sát hại cùng với 2 thường dân Do Thái, hai quân nhân Lebanon và 45 thường dân Lebanon.

 

Cũng vào hôm Thứ Sáu, Lebanon đã lên tiếng kêu gọi đình chiến khi Do Thái tái diễn cuộc tấn công phi trường quốc tế Beruit và phi đạn của nhóm Hazbollah tấn công vào miền nam Do Thái. Từ cuộc đụng độ hôm Thứ Tư, Do Thái tấn công các vị trí của Hezbollah ở miền nam Lebanon đã giết tối thiểu là 62 người Lebanon, trong đó có hai quân nhân, và gây thương tích cho 166 người khác. Còn cuộc tấn công của Hezbollah vào miền bắc Do Thái cũng đã sát hại 2 quân nhân Do Thái và gây thương tích cho 100 thường dân Do Thái.

 

Thủy quân của Do Thái tiếp tục phong tỏa các hải cảng của Lebanon là Tripoli, Sidon và Tyre. Không quân Do Thái, sau một đêm đã phá hủy các cây cầu và đường xá dẫn đến những văn phòng của nhóm này. Thậm chí các tổng hành dinh của nhóm này cũng bị dội bom. Hai tiền đồn của nhóm cũng vậy, một kho chứa vũ khí cùng 3 trặm xăng ở miền nam Sidon.

 

Nhóm Hezbollah sẵn sàng ‘mở cuộc chiến’ chống lại Do Thái và thành phần cảm tử của họ sẽ nhắm tấn công các hạm đội của Do Thái. Hậu quả là một chiếc tầu của Do Thái ở ngoài bờ biển Lebanon đã bị bắn bởi hai phi đạn, nhưng không gây ra án mạng, chỉ bị cháy và kéo về Do Thái.

 

Ngoài ra, nhóm Hezbollah còn bắn ào ạt các phi đạn vào ít là 6 tỉnh thuộc miền bắc Do Thái là Camiel, Nahariya, Safed, Hatzor, Meron và Pqui’in.

 

Suốt 3 ngày Thứ Sáu đến Chúa Nhật, máy bay chiến đấu của Do Thái dội bom Beirut và các mục tiêu khác quanh Lebanon. Hậu quả là có ít nhất 100 người Lebanon thiệt mạng và 13 người Do Thái tử thương.

 

Thứ Bảy, Do Thái tuyên bố tình trạng nguy kịch ở vùng bắc Galilêa, bằng cách đóng cửa các trường học, các tiệm bán đồ và các nhà hàng là nơi nhóm Hezbollah nhắm bắn phi đạn ngay từ đầu cuộc bạo động. Do Thái thề sẽ giải phóng hai quân nhân bị nhóm Hezbollah bắt cóc.

 

Một phi đạn bắn vào thành phố Haifa sát hại 8 người Do Thái, nên mấy tiếng sau chiến đấu cơ Do Thái đã dội bom ở các vùng ngoại ô Beirut vào Chúa Nhật. Cho tới Chúa Nhật đã có 108 người Lebanon bị chết và 286 bị thương bởi cuộc xung đột này. Phần Do Thái có 12 quân nhân và 12 thường dân bị thiệt mạng từ hôm Thứ Tư 12/7/2006. Kể từ Thứ Tư, nhóm Hezbollah đã bắn trên 450 phi đạn vào Do Thái.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tóm dịch theo CNN 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Giáo Huấn Sống Chân Lý và Đức Tin: Bài 13 - “Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới”. 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Ngỏ Cùng Hội Nghị Giáo Phận Rôma 5/6/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi hân hoan ở cùng anh chị em một lần nữa để chia sẻ những suy tư của tôi với hội nghị giáo phận của chúng ta, một hội nghị nhắm đến một đề tài thật đẹp và có một tấm vóc hết sức quan trọng về mục vụ, đó là đề tài: Niềm vui xuất phát từ đức tin và mối liên hệ của đức tin với việc giáo dục các thế hệ mới.

 

Bởi vậy, theo chiều hướng trực tiếp liên quan tới giới trẻ, chúng ta đang trở lại với và khai triển thêm về chủ đề được chúng ta đã bắt đầu bàn tới vào năm ngoái nhân dịp hội nghị giáo phận trước đây.

 

Bấy giờ chúng ta đã chú trọng tới vai trò của gia đình cũng như của cộng đồng Kitô hữu trong việc hình thành con người và việc truyền đạt đức tin.

 

Tôi thân ái chào từng người trong anh chị em, các vị giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và giáo dân dấn thân trong việc làm chứng cho đức tin của chúng ta. Tôi đặc biệt chào giới trẻ là thành phần đang có ý định muốn gồm tóm tiến trình đào luyện bản thân của mình với việc lãnh nhận trách nhiệm của giáo hội và truyền giáo đối với thành phần giới trẻ khác cùng thành phần trẻ em.

 

Tôi ân cần cám ơn vị hồng y tổng đại diện về các lời lẽ của ngài đại diện tất cả anh chị em ngỏ cùng tôi.

 

Với cuộc hội nghị này cũng như với năm mục vụ là năm sẽ được tác động bởi nội dung của nó, Giáo Phận Rôma đang thực hiện cuộc hành trình qua một giai đoạn dài đã được bắt đầu 10 năm trước mà hiện nay mang Sứ Vụ Thành Đô như lòng mong ước của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi.

 

Thật ra mục đích của nó vẫn không có gì đổi thay, đó là việc lãnh nhận đức tin trong cộng đồng của chúng ta và tìm cách tái thức tỉnh hay tác động nó nơi tất cả mọi cá nhân và gia đình ở đại đô thị này, nơi đức tin đã được rao giảng và Giáo Hội đã được thiết lập bởi thế hệ Kitô hữu đầu tiên, nhất là Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

 

Trong 3 năm vừa qua, anh chị em đã chú trọng đặc biệt tới gia đình để củng cố thực tại nồng cốt của con người này bằng sự thật của Phúc Âm – một sự thật mà tiếc thay ngày nay đã bị trầm trọng suy yếu và đe dọa – cũng như để giúp gia đình thi hành sứ vụ bất khả châm chước của mình trong Giáo Hội và xã hội.

 

Cái ưu tiên hiện nay chúng ta giành cho việc giáo dục các thế hệ mới sống theo đức tin không có nghĩa là chúng ta đang loại trừ việc chúng ta dấn thân cho gia đình là cơ cấu chính yếu có trách nhiệm trong việc giáo dục.

 

Trái lại, chúng ta đang đáp ứng với mối quan tâm rộng rãi của nhiều gia đình tin tưởng, thành phần, trong môi trường xã hội và văn hóa ngày nay, sợ rằng họ không thành công trong việc truyền đạt cho con cái mình gia sản đức tin quí báu.

 

Thật vậy, việc khám phá ra vẻ đẹp và niềm vui của đức tin là một đường lối mà hết mọi thế hệ mới cần phải thực hiện, vì tất cả những gì chúng ta có thuộc về chúng ta nhất và thân thiết với chúng ta nhất đều liên quan tới đức tin: trái tim của chúng ta, trí khôn của chúng ta, tự do của chúng ta, đều liên quan riêng tư một cách sâu xa với vị Chúa hoạt động trong chúng ta.

 

Tuy nhiên, sâu xa thì đức tin là một tác động và thái độ cộng đồng; nó là việc ‘chúng tôi tin’ của Giáo Hội. 

 

Bởi thế mà niềm vui của đức tin là một niềm vui chung, như Tông Đồ Gioan viết: ‘Những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe (là lời sự sống) thì chúng tôi loan báo cho anh chị em, để anh chị em cũng được hiệp thông với chúng tôi… Và chúng tôi viết điều này là để niềm vui của chúng tôi được trọn vẹn’ (1Jn 1:3-4).

 

Do đó, việc giáo dục các thế hệ mói sống đức tin là một công việc quan trọng và nồng cốt bao gồm toàn thể cộng đồng Kitô hữu.

 

(còn tiếp) 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/6/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ