GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 24/8/2006

 TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 

?  Yếu Tố mầu nhiệm nơi Chất Thể của Thánh Thể ở phần Dâng Lễ

?  “Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời này? ‘Con là Đá, trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18)”

?   Những Mưu Mẹo Để Phát Động Vấn Đề Triệt Sinh An Tử

 

 

? Yếu Tố mầu nhiệm nơi Chất Thể của Thánh Thể ở phần Dâng Lễ

 

(tiếp Thứ Năm 17 Thứ Năm tuần trước bài giảng của Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Thánh Thể cho Lễ Mình Máu Chúa 15/6/2006)

 

Ý nghĩa bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về Thánh Thể liên quan tới khía cạnh thiên nhiên tạo vật được thần linh hóa và biến đổi từ tấm bánh là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người đã được người dịch cảm nghiệm và chia sẻ trong cuốn “Nguồn Sống Thần Linh” (Cao-Bùi, 5/2005, Năm Thánh Thể, trang 69-73, và trang 137-144, như sau:)

 

Phần Phụng Vụ Thánh Thể được bắt đầu bằng việc dâng của lễ. Ở đây, chúng ta có thể đặt vấn đề về ý nghĩa của bánh và rượu, về lý do tại sao lại là bánh miến và rượu nho mà không phải là những lễ vật khác, cũng như về mối liên hệ giữa của lễ dâng trên bàn thờ bấy giờ với “hoa mầu ruộng đất (hay) sản phẩm của cây nho và lao công của con người”.

 

Mỗi bí tích đều phải có đủ hai yếu tố mới hiệu thành, đó là chất thể và mô thể. Chẳng hạn nơi bí tích Thánh Thể, chất thể là bánh với rượu và mô thể là lời truyền phép. Mô thể của bí tích Thánh Thể là chính lời Chúa Giêsu phán trên bánh và chén rượu trong Bữa Tiệc Ly, lời được chính các vị chủ tế lập lại khi truyền phép Thánh Thể. Còn chất thể của bí tích Thánh Thể là bánh và rượu, hai chất thể cũng được Chúa Giêsu sử dụng ở Bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Cực Trọng này. Thế nhưng, các Phúc Âm nhất lãm trình thuật về biến cố thiết lập Bí Tích Thánh Thể này nói riêng và Bữa Tiệc Ly nói chung chỉ đề cập đến chất thể của rượu là rượu nho (x Lk 22:18), chứ không hề đề cập đến chi tiết rõ ràng về chất liệu bánh của bí tích Thánh Thể, chẳng hạn bánh không men, bánh được làm bằng bột mì hay bột nếp v.v.

 

Về chất thể bánh của bí tích Thánh Thể, có một chi tiết được mặc nhiên hiểu đó là bánh “không men”, vì Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt Qua theo lệ của người Do Thái là tục lệ cần phải ăn “bánh không men” (x Ex 12:18,20), một qui lệ được chính Cha Người đặt ra cho dân Do Thái ngay từ khi họ sửa soạn cuộc Vượt Qua của họ từ miền đất nô lệ ở Ai Cập mà về Đất Hứa.

 

Tính chất không men của chất thể bánh làm nên Thánh Thể Chúa Kitô còn là những gì nhắc nhở thành phần muốn nhận lãnh Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, hay muốn hiệp thông với Người một cách xứng đáng và trọn vẹn, cần phải có một tâm hồn tinh khiết. Bởi vì, men thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, liên quan đến gương mù gương xấu, như “men của những người Pharisiêu và Saducê” (Mt 16:6), hay men hư hỏng và gian ác, một thứ men cần phải tránh để trở thành một thứ bánh không men thành tâm và chân thực, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ kêu gọi trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô: “Anh em hãy loại trừ đi thứ men cũ để làm cho anh em trở thành bột mới, thành những tấm bánh không men, vì Chúa Kitô là Cuộc Vượt Qua của chúng ta đã được hy tế. Chúng ta hãy mừng lễ không phải bằng men cũ, men hư hoại và gian ác, mà là bằng tấm bánh không men của lòng thành và chân thực” (x 1Cor 5:7-8).

 

Ngoài tính chất “bánh không men” của chất thể bánh làm nên Thánh Thể Chúa Kitô như thế, Giáo Hội Công Giáo, trong khoản Giáo Luật 924.2, còn ấn định dứt khoát chất thể bánh này là “bột mì”, chứ không phải một thứ bột nào khác, như bột nếp hay bột năng.

 

Bởi vì, bột mì được làm nên bởi lúa miến, mà lúa miến là chất thể được Chúa Giêsu sử dụng để ám chỉ về chính bản thân của Người là Vị Thiên Chúa Nhập Thể, Tử Giá và Phục Sinh, khi Người tiên báo về cuộc Vượt Qua của mình như sau: “Đã đến giờ Con Người được vinh hiển. Thày nói thật với các con rằng nếu hạt lúa miến rơi xuống đất không mục nát đi thì nó vẫn còn là một hạt lúa miến. Thế nhưng, nếu nó có mục nát đi nó mới sinh nhiều hoa trái” (Jn 12:23-24). Hạt lúa miến rơi xuống đất đây là biểu hiệu cho biến cố Nhập Thể của Chúa Kitô; hạt lúa miến này bị mục nát đi là hình ảnh ám chỉ cuộc Tử Giá của Người, và việc nó sinh nhiều hoa trái đây ám chỉ Quyền Năng Phục Sinh của Người.

 

Rượu nho cũng là một biểu hiệu liên quan đến cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô nữa (x Is 63:2), vì rượu nho được làm bởi “máy ép nho” (x Is 5:2; Mt 21:33).

 

Như thế, vì cả bánh miến lẫn rượu nho là hai chất thể, theo ý nghĩa mạc khải, đều liên quan đến Hiến Tế Thập Giá của Chúa Kitô là tất cả những gì nói lên ý nghĩa và bản chất chính yếu của Bí Tích Thánh Thể, mà Giáo Hội Chúa Kitô đã ấn định chọn dùng cho Phụng Vụ Thánh Thể.

 

Tuy nhiên, bánh và rượu là hai chất thể được biến thành Mình và Máu của Chúa Kitô trên bàn thờ sau lời truyền phép của vị chủ tế ấy không phải tự động mà có, song phải được sản xuất bởi bàn tay của con người nữa. Bởi thế, trong phần truyền phép, việc biến thể từ chất thể bánh “là hoa mầu ruộng đất” và chất thể rượu “là sản phẩm của cây nho” sẽ không thể nào xẩy ra được, nếu thiếu yếu tố “lao công của con người”. Đó là lý do trong phần dâng của lễ, yếu tố chất thể (bánh và rượu) từ thiên nhiên và tiêu biểu cho thế giới tự nhiên, cùng với yếu tố nhân bản (“lao công của con người”) tiêu biểu cho những gì thuộc về thế giới tâm linh, đều được dâng lên “Chúa là Chúa tể càn khôn”, “để trở nên bánh nuôi sống (hay) của uống thiêng liêng cho” con người chúng ta.

 

Trong phần dâng lễ vật, tuy bề ngoài là chất thể bánh và rượu được dâng lên, nhưng thật ra là “lao công của con người” được dâng lên. Bởi vì, chất thể đó là của Thiên Chúa Hóa Công “đã rộng ban” cho con người để trước hết nuôi sống phần xác con người. Thế nhưng, vì “con người không nguyên sống bởi bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa” (Mt 4:4; Deut 8:3), tức “sống cho Thiên Chúa” (Lk 20:38), mà những gì con người hiến dâng cho Vị Thiên Chúa Hóa Công của mình, đặc biệt trong phần dâng lễ đây, chính là tác động họ long trọng chẳng những trả về cho Ngài tất cả những gì sở hữu từ thế giới thiên nhiên được gọi là vốn liếng con người nhận lãnh từ Ngài, mà còn cả số lời từ số vốn liếng ấy nữa, đó là tất cả tấm lòng họ tri ân cảm tạ Ngài, được thể hiện qua những “lao công” họ đã thiện chí nỗ lực để canh tân và biến chế những gì thuộc về họ theo đúng như dự án của Ngài.

 

Như thế, trong phần dâng lễ vật, Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa Hóa Công của mình cả những gì mình có (như được Ngài ban cho từ thế giới thiên nhiên) lẫn những gì mình làm (“lao công” phát xuất từ tấm lòng tri ân cảm tạ), để chúng trở nên những gì mình là theo Thánh Ý của Vị Thiên Chúa là Cha của con người, đó là sự kiện tất cả những gì họ dâng lên đó được Thánh Thần biến đổi, đúng hơn, chính bản thân của họ được Thánh Thần biến đổi nên giống Chúa Kitô, như chất thể bánh và chất thể rượu được Thánh Thần, qua lời truyền phép của vị chủ tế, được biến thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô vậy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (“Nguồn Sống Thần Linh”, Cao-Bùi, 5/2005,  trang 69-73)

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)

 

 

TOP

 

 

 ? “Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì với Phêrô nơi những lời này? ‘Con là Đá, trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày’ (Mt 16:18)”

 

(Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài giảng Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 29/6/2006)

 

(tiếp 22 Thứ Ba 23 Thứ Tư)

 

Chi tiết thứ ba liên quan tới Quyền Bính này được thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan (21:15-19). Chúa Kitô đã sống lại, và là Đấng Phục Sinh, Người đã ủy thác đàn chiên của mình cho Phêrô. Cả ở đây nữa, thập giá và Phục Sinh đan kết với nhau. Chúa Giêsu tiên báo cho Phêrô biết rằng ngài phải đi đàng thánh giá.

 

Nơi Đền Thờ được xây trên ngôi mộ của Thánh Phêrô này – một ngôi mộ của người nghèo – chúng ta thấy rằng nơi chính cách thức ấy Chúa Kitô, bằng thập giá, bao giờ cũng là Vị chiến thắng. Quyền lực của ngài không phải là một thứ quyền lực hợp với những đường lối của thế gian. Nó là một quyền lực của sự thiện hảo: của sự thật và của yêu thương, một thứ yêu thương mạnh hơn cả sự chết.

 

Phải, lời Người hứa hẹn là những gì chân thực, ở chỗ, các quyền lực của sự chết, các cửa của hỏa ngục, sẽ không thể nào làm chủ được Giáo Hội được Người xây dựng trên Phêrô (x Mt 16:18) và là Giáo Hội, qua chính đường lối ấy, tiếp tục đích thân xây dựng.

 

Vào ngày Lễ Trọng Kính Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô này, tôi đặc biệt ngỏ lời cùng quí huynh, thưa quí tổng giám mục, những vị đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để lãnh nhận giây tông phẩm từ Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Tôi xin gửi đến quí huynh lời chào thân ái, cùng với tất cả những ai đi theo với quí huynh.

 

Tôi cũng đặc biệt vui mừng chào phái đoàn đại biểu của Tòa Thượng Phụ Toàn Cầu, được dẫn đầu bởi Đức Zizioulas, Tổng Giám Mục Pergamon và là Chủ Tịch của Ủy Ban Hỗn Hợp Quốc Tế Về Đối Thoại Thần Học giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo.

 

Tôi xin cám ơn Đức Thượng Phụ Bartholomew I cũng như Holy Synod về dấu hiệu huynh đệ chứng tỏ lòng mong muốn và quyết tâm tiến mau chóng hơn nữa trên con đường trọn vẹn hiệp nhất nên một được Chúa Kitô cầu xin cho tất cả thành phần môn đệ của Người.

 

Chúng ta cảm thấy cùng có một lòng thiết tha mong ước, đã có lần được Đức Thượng Phụ Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tỏ bày, trong việc cùng nhau uống cùng một Chén và cùng ăn Bánh là chính Chúa. Chúng ta hãy van xin một lần nữa vào dịp này để tặng ân này sớm được ban cho chúng ta.

 

Chúng ta hãy cám ơn Chúa là chúng ta liên kết trong niềm tin được Thánh Phêrô tuyên xưng thay cho tất cả mọi môn đệ ở Caesarea Philippi: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Chúng ta hãy cùng nhau mang lời tuyên xưng này đến cho thế giới hiện đại.

 

Chớ gì Chúa Kitô giúp chúng ta vào chính lúc này đây của lịch sử chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực của những khổ đau Chúa Kitô cũng như trở nên thành phần tham dự vào vinh quang sẽ được tỏ hiện (x 1Pt 5:1). Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/7/2006

 

 

TOP

 

 

?   Những Mưu Mẹo Để Phát Động Vấn Đề Triệt Sinh An Tử

 

Bác sĩ Margaret Somerville, vị giám đốc sáng lập Trung Tâm Y Khoa, Đạo Lý và Luật Lệ ở Đại Học McGill Montreal Gia Nã Đại đã lên tiếng ở cuộc hội luận hằng năm về vấn đề đạo lý sinh học được bảo trợ bởi Tổ Chức Công Giáo Phò Sự Sống và Gia Đình, một cuộc hội luận về vấn đề tiệt sinh an tử và các vấn đề kết liễu sự sống. Theo vị luật sư đạo học dược sĩ này thì trong trận chiến đấu cho vấn đề hợp pháp hóa việc triệt sinh an tử, có hai mưu mẹo được thành phần đề xướng sử dụng, đó là việc tái định nghĩa và gây mập mờ.  Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, bà nói về các vấn đề đạo lý và những áp dụng bao rộng trong lãnh vực văn hóa xã hội.

 

Vấn:    Tại sao lại có một áp lực cần tái định nghĩa vấn đề triệt sinh an tử, và việc định nghĩa mới này sẽ bao gồm những gì?

 

Đáp:   Việc tái định nghĩa là một phương sách đặc biệt để phát động vấn đề triệt sinh an tử. Nó gây lẫn lộn vấn đề triệt sinh an tử với các vấn đề can thiệp khả chấp khác của y khoa, chẳng hạn như việc đồng ý thôi không cần đến việc trợ sinh trị liệu (life support treatment).

 

Thành phần biện hộ cho vấn đề phò triệt sinh an tử (pro-euthanasia) đang sử dụng từ ngữ ‘cái chết được y sĩ trợ giúp’ (physician-assisted death, có thể dịch tắt là triệt sinh trợ tử) – tất cả chúng ta đều đồng ý là chúng ta cần các vị y sĩ chăm sóc cho chúng ta khi chúng ta đang hấp hối chết – và đang cho rằng việc tự vẫn được y sĩ trợ giúp và việc triệt sinh an tử chỉ là những kiểu khác nhau nơi tất cả những loại chữa trị này. Câu nói ‘có tính cách trung lập’ chung nghe thấy lành mạnh đó là việc triệt sinh an tử chỉ là ‘tác động cuối cùng của vấn đề chăm sóc giảm đau tốt đẹp’, và nhiều người đang cho nó như là một giải pháp có thể thực hiện.

 

Thật vậy, những ai biện hộ cho vấn đề triệt sinh an tử đang phác họa để thực hiện tiếp tục tất cả những gì ra tay kết liễu sự sống, và đang lập luận rằng những việc ra tay này tất cả cũng đều là một thứ, chỉ khác nhau về cấp độ mà thôi. Bởi thế, để nhất trí, chúng ta cần phải, một là chấp nhận tất cả những việc ra tay này, hai là bác bỏ tất cả những việc ra tay ấy. Không ai muốn thực hiện việc bãi bỏ tất cả – có thể hiểu là không còn cách nào để giảm đau cần thiết – bởi vậy chỉ còn một giải pháp duy nhất cần phải chọn lựa đó là chấp nhận tất cả mọi sự.

 

Thành phần đứng về phíc bên kia của cuộc tranh cãi nói rằng vấn đề triệt sinh an tử và vấn đề tự vẫn được y sĩ trợ giúp là những gì khác nhau về thứ loại chứ không phải về cấp độ, không giồng những biện pháp khác trong việc kết liễu sự sống.

 

Đối với những lý do tại sao lại có những áp lực này, ở một lãnh vực thì nó là niềm tin riêng tư nơi quyền lợi tự quyết, là nhu cầu kiểm soát, là một phản ứng sau khi chứng kiến cái chết kinh hoàng, là nỗi lo sợ nhiều điều xẩy ra, là việc quản trị ghê sợ v.v.

 

Vấn:    Đối với xã hội nói chung thì đâu là ý nghĩa của việc dự trù hợp thức hóa vấn đề triệt sinh an tử?

 

Đáp:   Đây là một trận chiến quan trọng ở mức độ xã hội nói chung. Trong những trận chiến tranh về văn hóa  chúng ta đang trải qua này, có một trận chiến về bản chất của cái kiểu mẫu văn hóa xã hội, một trận chiến về một quan điểm thế giới cần phải chi phối chúng ta trong tương lai, một quan điểm có những thứ giá trị mới chúng ta cần phải chấp nhận và có những giá trị cũ chúng ta cần phải tái xác nhận như thuộc về quan điểm ấy.

 

Theo tôi có thể có 3 quan điểm tương phản nhau nơi cái quan điểm thế giới mới này, mỗi một quan điểm có một mối liên hệ khác nhau đối với thứ khoa học mới mẻ.

 

Quan điểm thứ nhất là quan điểm ‘thuần khoa học’, một quan điểm chủ trương rằng khoa học thực sự đang và sẽ có thể giải thích được hết mọi sự, bao gồm cả những tính chất như lòng vị tha và luân lý là những gì làm chúng ta phân biệt khỏi các loài thú và hầu như làm cho chúng ta thấy rõ mình là con người.

 

Quan điểm thứ nhất này tìm kiếm ý nghĩa nơi đời sống con người chính yếu hay chỉ qua khoa học mà thôi, và cũng thế, tìm cách thực hiện việc chế ngự bằng khoa học. Không còn chỗ nào được nhìn nhận cho tinh thần nữa. Nó ủng hộ quan điểm là cái chết của bản thân con người hoàn toàn là một vấn đề cá nhân, chỉ bao gồm những giá trị và việc tùy ý của cá nhân mà thôi.

 

Ngược lại, quan điểm thứ hai, quan điểm ‘thuần bí nhiệm’, thường chỉ trích khoa học hay công khai phản khoa học. Quan điểm này chấp nhận một chủ trương coi sự sống là những gì rất linh thiêng thánh hảo, một chủ trương có thể được so sánh với việc tôn trọng hay tôn kính sự sống, quan trọng nhất là tôn trọng hay tôn kính sự chết.

 

Chẳng hạn, nhiều người chủ trương quan điểm này tin rằng tất cả mọi thừ điều trị về y khoa cần phải được tiếp tục cho đến khi không còn một dấu vết sống sót nào tồn tại. Cũng những người này tỏ ra thái độ khó khăn trong việc cung cấp vấn đề điều trị giảm đau cần thiết có thể rút ngắn sự sống lại.

 

Quan điểm ‘tinh thần khoa học’, quan điểm thứ ba, là quan điểm tìm kiếm một đường lối để chấp nhận cả tinh thần khoa học lẫn tinh thần con người. Đối với một số người thì quan điểm này được thể hiện qua tôn giáo, nhưng nó có thể, và có lẽ đối với hầu hết con người ta, thì nó đang được chủ trương độc lập với tôn giáo, ít là theo một nghĩa truyền thống nào đó.

 

Nó công nhận rằng sự sống của con người bao gồm không phải chỉ có các yếu tố về sinh học của nó mà thôi, dù các yếu tố này có lạ lùng chăng nữa. Quan điểm này bao gồm một cảm quan về một vị thế cho tinh thần của con người cũng như về cái linh thiêng muôn thuở. Quan trọng nhất ở chỗ nó là một cái cầu nối giữa tất cả mọi con người chú trọng tới vấn đề luân thường đạo lý, dù họ có tín ngưỡng hay chăng.

 

Quan điểm này cảm thấy cái khoa học mới mẻ của chúng ta như là những gì gợi lên cái diệu kỳ ở cả những gì chúng ta biết và bởi đó những gì chúng ta giờ đây cho rằng chúng ta không biết. Nó tìm kiếm một ý nghĩa qua một thứ bao gồm cả khoa học lẫn tinh thần, một thứ tổng hợp có thể tạo nên một thực tại khác với hai quan điểm kia.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/5/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ