GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 7/9/2006

 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  30/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 17: Tông Đồ Mathêu

?   Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo”

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội 

 

(tiếp 5 Thứ Ba6 Thứ Tư)

 

Vấn:    Vấn đề gia đình. Một tháng trước đây ĐTC ở Valencia cho Cuộc Họp Thế Giới Các  Gia Đình. Bất cứ ai can thận lắng nghe, như chúng con đã cố gắng làm như thế qua Đài Phát Thanh Vatican, đều nhận thấy ĐTC không bao giờ đề cập đến những chữ ‘hôn nhân đồng tính’, không bao giờ nói về vấn đề phá thai, hay về vấn đề ngừa thai. Thành phần thận trọng theo dõi nghĩ đó là những gì rất lý thú. Rõ ràng là ĐTC có ý đi khắp thế giới để rao giảng đức tin hơn là với tư cách là một ‘vị tông đồ về luân lý’. ĐTC nhận thấy thế nào?

 

Đáp:   Hiển nhiên đúng là như vậy. Thật ra tôi phải nói rằng tôi chỉ có hai cơ hội để nói trong vòng 20 phút. Và khi anh chị em có ít giờ thì anh chị em không thể nói hết mọi sự quí vị muốn nói về vấn đề ‘tiêu cực không’.

 

Trước hết, anh chị em phải biết những gì chúng ta thực sự muốn nói, đúng không? Kitô Giáo, Công Giáo, không phải là một tổng hợp những thứ cấm đoán: nó là một chọn lựa tích cực. Thật là quan trọng khi chúng ta nhìn vào nó một lần nữa vì ý nghĩ này hầu như đã hoàn toàn biến mất ngày nay.

 

Chúng ta đã nghe rất nhiều về những gì không được phép làm rồi để giờ đây tới lúc cần phải nói rằng: Chúng ta có một ý nghĩ tích cực xin cống hiến, đó là con người nam nữ được dựng nên cho nhau, đó là mức độ tính dục, tình ái, từ ái, là những gì cho thấy mức độ của yêu thương và bởi thế nó là những gì đời sống hôn nhân phát triển, trước hết như là một cuộc gặp gỡ hân hoan và đầy phúc đức giữa một người nam và một người nữ, và do đó, gia đình bảo đảm tính cách liên tục giữa các thế hệ, nhờ vậy, các thế hệ được hòa giải với nhau, thậm chí các nền văn hóa gặp gỡ nhau. Bởi vậy, trước tiên chúng ta cần phải nhấn mạnh đến những gì chúng ta muốn.

 

Thứ hai, chúng ta cũng có thể thấy tại sao chúng ta không muốn một cái gì đó. Tôi tin rằng chúng ta cần thấy và cần suy nghĩ về sự kiện là không phải Công Giáo sáng chế ra việc con người nam nữ được dựng nên cho nhau, nhờ đó nhân loại mới có thể tiếp tục sống, song tất cả mọi nền văn hóa đều biết như vậy.

 

Về vấn đề phá thai, đó là những gì thuộc về giới răn thứ Năm, chứ không phải thứ Sáu: ‘Các ngươi không được sát hại!’ Chúng ta cần phải biết đây là điều hiển nhiên và luôn phải nhấn mạnh rằng con người được bắt đầu từ trong bụng mẹ và vẫn là người cho tới hơi thở cuối cùng của mình. Con người bao giờ cũng cần phải được tôn trọng như là một con người. Thế nhưng tất cả mọi điều này sẽ trở nên sáng tỏ hơn nếu anh chị em nói đến chúng trước tiên một cách tích cực.


Vấn:    Tâu Đức Thánh Cha, câu hỏi của con liên quan tới Cha Von Gemmingen. Khắp thế giới, thành phần tín ngưỡng đều mong đợi Giáo Hội Công Giáo đáp ứng những vấn đề toàn cầu khẩn trương nhất, như hội chứng Liệt Kháng và nạn tăng bội dân số. Tại sao Giáo Hội Công Giáo chú trọng quá nhiều tới các vấn đề luân lý hơn là đưa ra những giải quyết cụ thể cho những vấn đề rất ư là hệ trọng đối với nhân loại, ở Phi Châu chẳng hạn?

 

Đáp:   Vậy vấn đề ở đây là: Phải chăng chúng ta thực sự chú trọng quá nhiều tới những vấn đề về luân lý? Tôi nghĩ – và sau những cuộc nói chuyện với các vị giám mục Phi Châu tôi càng ngày càng tin rằng –nếu chúng ta muốn tiến tới về lãnh vực này, thì vấn đề cốt yếu đó là vấn đề về việc giáo dục, về việc huấn luyện.

 

Sự tiến bộ được gọi là tiến bộ thực sự chỉ khi nào nó phục vụ con người và chỉ khi nào con người phát triển: chẳng những ở quyền lực về kỹ thuật của họ mà còn về ý thức luân lý của họ nữa.

 

Tôi tin rằng cái vấn đề thực sự của thời điểm lịch sử chúng ta đây là ở tình trạng bất quân bình giữa tình trạng tăng trưởng mau chóng không thể tưởng tượng về năng lực kỹ thuật với năng lực về luân lý của chúng ta, một năng lực không tăng trưởng một cách tương xứng. Đó là lý do tại sao việc đào luyện con người thực sự là một mẹo mực, tôi có thể nói, là một điều chủ chốt cho tất cả vấn đề ấy, và đó là những gì Giáo Hội nhắm tới.

 

Nói một cách vắn tắt, việc đào luyện này có một chiều kích lưỡng diện: Dĩ nhiên chúng ta cần phải học hiểu, cần phải có được sự hiểu biết, có khả năng, như người ta nói là biết cách làm. Theo ý nghĩa này, Âu Châu, và trong những thập niên vừa rồi ở Mỹ Châu, đã thực hiện rất nhiều về vấn đề ấy và đó là điều hệ trọng.

 

Thế nhưng, nếu chỉ dạy cho biết cách thức làm mà thôi, nếu chúng ta chỉ dạy cho biết cách thiệt kế và sử dụng các thứ máy móc, và biết cách sử dụng việc ngừa thai, thì chúng ta không nên lấy làm lạ khi chứng kiến thấy chiến tranh và các thứ dịch tệ Liệt Kháng. Bởi vì chúng ta cần đến cả 2 chiều kích, ở chỗ, cùng một lúc chúng ta cần đến việc đào luyện con tim, tôi có thể nói như thế, là những gì con người có được những cứ điểm để đối chiếu và học biết cách sử dụng kỹ thuật một cách xác đáng. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện.

 

Khắp Phi Châu và ở nhiều xứ sở Á Châu, chúng tôi có một cơ cấu rộng lớn cho mọi trình độ học đường là nơi dân chúng có thể học hiểu, có thể hình thành một lương tâm chân thực và có được một khả năng chuyên nghiệp giúp cho họ sống tự lập và tự do. Thế nhưng, nơi những học đường ấy, chúng tôi đang cố gắng thông đạt những gì còn hơn là cách thức sử dụng nữa, ở chỗ huấn luyện con người có khả năng hòa giải, cần phải xây dựng chứ không hủy hoại, cần phải có những điểm tựa cần thiết để có thể chung sống với nhau. Tại nhiều nơi ở Phi Châu, mối liên hệ giữa Kitô hữu và người Hồi giáo là những kiểu mẫu tốt đẹp.

 

Các vị giám mục đã thành lập những ủy ban chung với thành phần tín đồ Hồi giáo để nỗ lực kiến tạo hòa bình trong những trường hợp xung khắc. Hệ thống các học đường dấn thân phục vụ con người và việc đạo luyện ấy là những gì rất quan trọng. Nó được hoàn tất bởi một hệ thống bao gồm các bệnh viện và những trung tâm hỗ trợ phục vụ cả ở những làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất.

 

Nơi nhiều vùng, sau cuộc hủy hoại bởi chiến tranh, Giáo Hội là cơ cấu duy nhất vẫn không bị hề hấn gì. Đó là một sự thật! Chúng tôi cung cấp việc chữa trị, cả việc chữa trị cho các nạn nhân Liệt Kháng nữa, và chúng tôi cung cấp việc giáo dục, giúp vào vấn đề thiết lập những mối liên hệ tốt đẹp với các người khác.

 

Bởi vậy tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải điều chỉnh lại hình ảnh nhìn thấy Giáo Hội như là nơi tung ra những cái ‘cấm đoán’ gắt gao. Chúng tôi đang làm việc rất nhiều ở Phi Châu để những chiều kích khác nhau về vấn đề huấn luyện có thể được hội nhập và để nó có thể chế ngự tình trạng bạo lực cùng các thứ dịch nạn, bao gồm cả bệnh sốt rét và lao phổi nữa.


Vấn:    Tâu Đức Thánh Cha, Kitô Giáo đã được lan truyền khắp thế giới từ Âu Châu. Giờ đây, nhiều người nghĩ rằng tương lai của Giáo Hội ở trong tay các châu lục khác. Có đúng là như thế không? Hay, nói cách khác, đâu là tương lai của Kitô Giáo ở Âu Châu, nơi nó dường như bị biến thành một thứ gì riêng tư của một nhóm thiểu số vậy thôi?

 

Đáp:   Tôi muốn đề cập đến một ít điều đại khái sau đây. Thật vậy, như chúng ta biết, Kitô Giáo được bắt đầu ở vùng Cận Đông. Và qua một thời gian dài, nó tiếp tục phát triển ở đó. Đoạn lan sang Á Châu, nhiều hơn là những gì ngày nay chúng ta nghĩ sau những đổi thay gây ra bởi Hồi Giáo. Chính vì lý do này mà cái trục của nó đã đặc biệt tiến về phía Tây phương và Âu Châu. Âu Châu – chúng ta đã hãnh diện và sung sướng nói như thế – đã phát triển Kitô Giáo hơn nữa về các chiều kích trí thức và văn hóa một cách rộng rãi.

 

Thế nhưng tôi nghĩ cần phải nhắc nhở chúng ta về thành phần Kitô hữu Đông phương, vì đang xẩy ra một tình trạng nguy hiểm từ việc họ di dân, những người Kitô hữu này bao giờ cũng là một thành phần thiểu số quan trọng sống trong một mối liên hệ tốt đẹp với môi trường thực tế. Thật là nguy hiểm nếu những nơi chốn là nguồn gốc của Kitô Giáo ấy không còn Kitô hữu nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải giúp họ nhiều để họ có thể lưu lại đó.

 

Tuy nhiên, trở về với câu hỏi của anh chị em, đó là Âu Châu cuối cùng đã trở thành trung tâm Kitô Giáo và là một phong trào truyền giáo cho Kitô Giáo. Ngày nay, các châu lục khác và các nền văn hóa khác đang đóng một vai trò quan trọng tương đương trong cuộc hòa tấu lịch sử thế giới. Như thế, số lượng tiếng nói của Giáo Hội tăng lên, và đó là một điều tốt đẹp.

 

Thật là tốt đẹp khi có các tính khí khác nhau có thể thể hiện mình ra – những tặng ân đặc biệt ở Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu, đặc biệt Mỹ Châu Latinh. Dĩ nhiên, tất cả những sự ấy không những được giao chạm bởi sứ điệp của Kitô Giáo, mà còn bởi sứ điệp trần tục của thế giới này nữa là những gì mang tới cho các châu lục khác những thứ năng lực lũng đoạn như chúng ta đã từng cảm nghiệm thấy.

 

Tất cả mọi vị giám mục ở các phần đất trên thế giới nói rằng: Chúng tôi cần đến Âu Châu, cho dù Âu Châu chỉ là một phần của cái tổng thể. Chúng tôi vẫn cần đến trách nhiệm xuất phát từ những kinh nghiệm của chúng ta, từ khoa học và kỹ thuật đã được phát triển ở đấy, từ cảm nghiệm về phụng vụ của chúng ta, đến những truyền thống của chúng ta, những kinh nghiệm đại kết chúng ta đã tích lũy được: Tất cả những điều ấy là những gì rất ư là hệ trọng đối với các châu lục khác nữa. 

 

Bởi vậy rất cần thiết là ngày nay chúng ta đừng bỏ cuộc, cảm xót xa với bản thân mình mà rằng: ‘Hãy nhìn chúng mình kìa, chúng mình chỉ là thành phần thiểu số; chúng ta ít là hãy cố gắng và bảo trì lấy con số nhỏ bé của chúng ta vậy!’ Chúng ta cần phải làm cho năng lực của mình tồn tại, cần phải giữ lấy những liên hệ trao đổi cởi mở, nhờ đó và từ đó chúng ta có được một sức mạnh mới.

 

Ngày nay có những linh mục Ấn Độ và Phi Châu đang sống ở Âu Châu, thậm chí ở Canada, nơi nhiều vị linh mục Phi Châu hoạt động một cách rất hào hứng. Đang diễn ra một cuộc trao nhận lẫn nhau. Thế nhưng, nếu chúng ta nhận lãnh hơn nữa, thì trong tương lai, chúng ta cũng cần phải tiếp tục can đảm và càng hăng say ban tặng.

 

(còn tiếp cho tới hết tuần)

 

TOP

 

 

 ? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  30/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 17: Tông Đồ Mathêu

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Để tiếp tục loạt chân dung về 12 Tông Đồ, loạt chân dung được bắt đầu một ít tuần trước đây, hôm nay chúng ta suy niệm về Thánh Mathêu.

 

Phải chân nhận rằng hầu như không thể mô tả trọn vẹn hình ảnh của ngài, vì tín liệu về ngài hiếm có và không đầy đủ. Những gì chúng ta có thể làm đó là mô tả không nhiều lắm về tiểu sử của ngài nhưng những gì được Phúc Âm cống hiến cho chúng ta.

 

Ngài bao giờ cũng có tên trong danh sách 12 vị được Chúa Giêsu tuyển chọn (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13). Tên của ngài, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘tặng ân của Chúa’. Cuốn Phúc Âm đầu tiên trong sổ bộ thánh kinh là cuốn phúc âm mang tên của ngài, cho chúng ta thấy trong danh sách 12 Vị ngài có một tính chất rất đặc biệt, đó là ‘viên thu thế’ (Mt 10:3).

 

Đó là lý do ngài được đồng hóa với con người ngồi ở phòng thuế, kẻ được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người. ‘Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó Người thấy một người tên là Mathêu đang ngồi ở phòng thuế, và Người nói cùng anh rằng: ‘Hãy theo Tôi’. Và ngài đã chỗi dạy theo Người’ (Mt 9:9).

 

Thánh Marcô (x 2:13-17) và Luca (x 5:27-30) trình thuật lời kêu gọi con người ngồi ở phòng thuế, nhưng các vị gọi ngài là ‘Levi’. Việc tưởng tượng ra cảnh được diễn tả trong Phúc Âm Thánh Mathêu 9:9 cũng đủ để nhớ đến bức họa vĩ đại của Carabaggio, được giữ ở Rôma đây, nơi Thánh Đường Thánh Louis của Pháp.

 

Một chi tiết mới về thân thế của ngài được các Phúc Âm nhắc tới, đó là, trong đoạn Phúc Âm, trước trình về về lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài, có nói tới chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capernaum (x Mt 9:1-8; Mk 2:1-12), liên quan tới Hồ Tibêria, gần Biển Galilêa (x. Mk 2:13-14).

 

Người ta có thể suy diễn là Thánh Mathêu đã thực hiện nhiệm vụ của một viên thu thuế ở Capernaum, ở ngay ‘bên biển’ (Mt 4:13), nơi Chúa Giêsu là một vị khách thường xuyên của gia đình Thánh Phêrô.

 

Căn cứ vào những nhận định sơ sài từ Phúc Âm này, chúng ta có thể thực hiện một số chia sẻ như sau. Trước hết là Chúa Giêsu đã đón nhận trong nhóm bạn hữu thân thiết của mình một con người, theo quan niệm ở Do Thái thời ấy, được coi là một tội nhân công khai.

 

Thật ra Mathêu chẳng những là nhân viên quản trị về tiền bạc, một việc được coi là không tinh sạch vì nó xuất phát từ con người xa lạ với thành phần dân Chúa, mà còn hợp tác với thẩm quyền ngoại bang, tham lam bẩn thỉu, có thể ấn định việc cống nộp một cách tùy tiện.

 

Vì những lý do đó, có vài lần các Phúc Âm đã đề cập chung ‘thành phần thu thuế và tội lỗi’ (Mt 9:10; Lk 15:1), ‘thành phần thu thuế và gái điếm’ (Mt 21:31). Ngoài ra, các Phúc Âm còn thấy nơi thành phần thu thuế một mẫu gương tham lam nữa (x Mt 5:46: họ chỉ yêu thương những ai thương yêu họ) và đã đề cập đến một người trong họ là Gia Kêu, như ‘người trưởng ban thu thuế, và giầu có’ (Lk 18:11).

 

Căn cứ vào những chi tiết ấy vấn đề cần phải chú ý là Chúa Giêsu không loại trừ một ai ra khỏi tình thân hữu của Người. Hơn thế nữa, chính lúc Người ngồi ở bàn ăn trong nhà viên Thu Thuế Mathêu, trả lời những ai cảm thấy ngứa mắt trước sự kiện qui tụ thường xuyên song bất xứng của Người, Người đã tuyên bố điều quan trọng này là ‘Những ai khỏe mạnh thì không cần đến thày thuốc, chỉ có những ai yếu bệnh mới cần; Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân’ (Mk 2:17).

 

Lời loan báo tốt đẹp này của Phúc Âm thực sự là ở chỗ đó, ở chỗ Thiên Chúa cống hiến ân sủng của Ngài cho thành phần tội nhân! Ở một đoàn khác, bằng một dụ ngôn nổi tiếng về người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu thậm chí cho thấy một người thu thuế vô danh nêu gương khiêm nhượng tin tưởng vào tình thương thần linh: Trong khi người Pharisiêu ngạo nghễ về tình trạng trọn lành luân lý của mình, thì ‘người thu thuế, đứng ở đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực mà rằng: Lạy Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’

 

Và Chúa Giêsu nhận định rằng: ‘Thày cho các con biết người này về nhà được công chính chứ không phải người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’ (Lk 18:13-14).

 

Bởi thế, qua hình ảnh Mathêu, các Phúc Âm cho chúng ta thấy một cái ngược đời thực sự, đó là ai có vẻ xa vời nhất với thánh đức lại có thể trở thành một mô phạm trong việc chấp nhận lòng thương xót Chúa, giúp họ có thể thoáng thấy được những hiệu năng của lòng xót thương này nơi cuộc sống của họ.

 

Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostom đã có một nhận định đáng kể. Ngài nhận định rằng nơi trình thuật về ơn gọi thì chỉ có một vài người được kêu gọi là có liên quan tới công việc họ đang hành sự. Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã được kêu gọi khi các vị đang đánh cá; Mathêu được kêu gọi khi anh đang thu thuế.

 

Chúng là những công việc có tầm vóc không quan trọng là bao, Thánh Chrysostom nhận định: ‘không còn gì đáng ghê tởm hơn là viên thu thuế và không gì tầm thường hơn là việc đánh cá’ ("In Matth. Hom": PL 57, 363).

 

Bởi thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu cũng vươn tới cả thành phần ở tầm cấp thấp kém, thành phần làm những việc tầm thường của mình.

 

Một ý tưởng khác cũng xuất phát từ trình thuật Phúc Âm, đó là việc Mathêu tức khắc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ‘Ông đã đứng lên đi theo Người’. Lời vắn gọn của câu này nhấn mạnh đến tính cách tức khắc nơi việc Mathêu đáp lại lời kêu gọi.

 

Đối với ông thì điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi sự, nhất là một nguồn lợi tức vững chắc, mặc dù thường bất chính và bất xứng. Hiển nhiên là Mathêu hiểu rằng mối thân tình với Chúa Giêsu không cho phép anh tiếp tục những hoạt động không đẹp lòng Chúa.

 

Người ta có thể dễ dàng trực giác thấy rằng vấn đề này cũng có thể được áp dụng cho hiện nay nữa, ở chỗ, ngày nay người ta cũng không thể chấp nhận việc gắn bó với những gì bất xứng hợp với việc theo Chúa Giêsu, như những thứ giầu sang gian dối. Có lần Người đã công khai phán rằng: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán những gì mình có mà cho kẻ khó để có được nước trời; rồi hãy đến mà theo Tôi’ (Mt 19:21).

 

Đó chính là những gì Mathêu đã làm: Anh đã chỗi dậy đi theo Người! Nơi việc ‘đứng dậïy’ này người ta có thể thấy được việc ly thoát với tình trạng tội lỗi, đồng thời, thấy được cả việc ý thức gắn bó với một sự sống mới, chính trực, hiệp thông với Chúa Giêsu.

 

Sau hết, chúng ta nhớ lại rằng truyền thống của Giáo Hội sơ khai đồng ý với việc gán tác giả quyền của cuốn Phúc Âm thứ nhất cho Mathêu. Việc này được bắt đầu với Papias, vị giám mục của Gerapolis ở Phrygia, vào khoảng năm 130.

 

Vị giám mục này viết rằng: ‘Mathêu đã viết những lời của Chúa Giêsu bằng tiếng Do Thái, và mỗi người giải thích những lời ấy tuỳ họ có thể’ (in Eusebius of Caesarea, "Hist. eccl.", III, 39, 16). Sử gia Eusebius còn thêm chi tiết là: ‘Mathêu, vị trước đó đã giảng dạy cho người Do Thái, khi quyết định đi đến với cả các dân tộc khác nữa, thì đã viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình Phúc Âm ngài đã loan truyền: Nhờ đó ngài đã thay thế, bằng bản viết của mình, những gì họ, thành phần ngài lìa bỏ, bị mất mát đi bởi việc ra đi của ngài’ (Ibid., III, 24, 6).

 

Chúng ta không còn bản Phúc Âm được Thánh Mathêu viết bằng tiếng Do Thái hay Aramaic, mà là bản Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp là bản được lưu lại cho tới chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục nghe, ở một nghĩa nào đó, tiếng nói thuyết phục của người thu thuế Mathêu, vị mà khi trở thành tông đồ đã tiếp tục loan truyền cho chúng ta tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp này của Thánh Mathêu, chúng ta hãy suy niệm sứ điệp ấy luôn mãi để chúng ta có thể cương quyết dứt khoát chỗi dạy theo Chúa Giêsu.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/8/2006

 

 

TOP

 

 

?  Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo”

 

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo man5g điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

1.         Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể. Chân lý này không chỉ nói lên một thứ cảm nghiệm đức tin thường ngày mà còn nhắc lại trọng tâm của mầu nhiệm Giáo Hội nữa. Bằng những cách thức khác nhau, Giáo Hội hoan hỉ cảm nghiệm thấy việc liên lỉ hoàn tất lời hứa “Này Thày hằng ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20), thế nhưng, nơi Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Chúa, Giáo Hội hoan hưởng nơi sự hiện diện này một cách say sưa chuyên nhất. Ngay từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi mà Giáo Hội, thành phần Dân Tân Ước, bắt đầu cuộc hành trình lữ thữ của mình hướng về quê hương thiên quốc, thì Bí Tích Thần Linh này đã tiếp tục đánh dấu thời gian trôi qua của Giáo Hội, làm cho thời gian này tràn đầy tin tưởng hy vọng.

Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý công bố rằng hy tế Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo” (1). “Vì Bí Tích Thánh Thể tuyệt hảo chất chứa tất cả nguồn phong phú linh thiêng của Giáo Hội đó là chính Chúa Kitô, cuộc vượt qua và là bánh sự sống của chúng ta. Bằng xác thịt của mình, một xác thịt giờ đây được Thánh Linh làm cho sống động và ban sự sống, Người cống hiến sự sống cho con người” (2). Bởi thế, Giáo Hội luôn gắn mắt vào Chúa của mình là Đấng hiện diện nơi Bí Tích trên Bàn Thờ, một bí tích trong đó Giáo Hội nhận ra được tất cả những gì tình yêu vô biên của Người muốn bộc lộ.

2.         Trong Đại Năm Thánh 2000, Tôi đã có dịp cử hành Thánh Thể tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, nơi mà, theo truyền thống, là nơi đã được chính Chúa Giêsu cử hành đầu tiên. Căn Thượng Lầu đó đã là nơi thiết lập Bí Tích rất thánh này. Chính ở nơi đó Chúa Kitô đã cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: ‘Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn: này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con” (x Mk 26:26; Lk 22:19; 1Cor 11:24). Đoạn Người cầm lấy chén rượu mà phán với họ: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống: này là chén máu Thày, máu tân ước vĩnh cửu. Máu sẽ đổ ra cho các con cũng như cho tất cả mọi người hầu thứ tha tội lỗi” (x Mk 14:24; Lk 22:20; 1Cor 11:25). Tôi tạ ơn Chúa Giêsu đã cho Tôi được lập lại điều này ở cùng một nơi đó để đáp lại lệnh truyền của Người: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19), những lời Người đã nói hai ngàn năm trước.

Các vị Tông Đồ tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu được ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói hay chăng? Có lẽ không. Những lời ấy chỉ có thể hoàn toàn sáng tỏ ở vào lúc kết thúc Tam Nhật thánh mà thôi, thời điểm từ tối Thứ Năm tới sáng Chúa Nhật. Những ngày này bao hàm mầu nhiệm vượt qua myste-rium paschale; chúng cũng bao hàm cả mầu nhiệm thánh thể mysterium eucharisticum nữa.

3.         Giáo Hội được hạ sinh bởi mầu nhiệm vượt qua. Chính vì lý do ấy, Thánh Thể, bí tích đặc biệt của mầu nhiệm vượt qua, ở ngay tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Điều này hiển nhiên từ những hình ảnh sơ khai của Giáo Hội như Sách Tông Vụ cho thấy: “Họ chuyên chú vào giáo huấn và việc hiệp thông của Các Tông Đồ, vào việc bẻ bánh và cầu nguyện” (2:42). “Việc bẻ bánh” liên quan đến Thánh Thể. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục sống lại hình ảnh nguyên thủy ấy của Giáo Hội. Ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta được sống lại một cách linh thiêng Tam Nhật vượt qua, sống lại các biến cố của tối Thứ Năm Tuần Thánh, của Bữa Tiệc Ly cũng như của những gì xẩy ra sau đó. Việc thiết lập Thánh Thể hướng đến một cách bí tích những biến cố sắp sửa xẩy ra, bắt đầu từ cuộc khổ tâm trong Vườn Gethsemane. Một lần nữa chúng ta Chúa Giêsu như đang rời Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, cùng với các môn đệ đi xuống thung lũng Kidron để tới Vườn Cây Dầu. Thậm chí cho tới ngày nay Ngôi Vườn đó vẫn còn một số chính những cây dầu ngày xưa. Có lẽ chúng đã chứng kiến thấy những gì đã xẩy ra ở dưới bóng của chúng vào buổi tối hôm ấy, khi mà Chúa Kitô nguyện cầu với đầy những buồn đau “và Người đã toát cả mồ hôi như những giọt máu nhỏ xuống đất” (x Lk 22:44). Thứ máu mà trước đó ít lâu Người vừa ban cho Giáo Hội làm của uống cứu độ nơi bí tích Thánh Thể bắt đầu đổ ra; việc đổ máu này sau đó sẽ được hoàn tất trên đồi Gongôta hầu trở nên phương tiện cứu chuộc cho chúng ta: “Chúa Kitô… với tư cách là vị thượng tế của những gì tốt lành sau này…, đã tiến vào Nơi Thánh một lần dứt khoát, không phải bằng máu chiên bò mà bằng chính máu của Người, nhờ đó mang lại ơn cứu chuộc trường sinh” (Heb 9:11-12).

4.         Đó là giờ khắc cứu chuộc của chúng ta. Mặc dù hết sức khổ tâm, Chúa Giêsu cũng không bỏ chạy trước “giờ khắc” của Người. “Biết nói sao đây? ‘Lạy Cha, xin hãy cứu con khỏi giờ khắc này?’ Thế nhưng, chính vì để làm điều này mà con đã đến với giờ khắc ấy” (Jn 12:27). Người đã muốn các môn đệ của Người ở với Người, song Người vẫn cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi: “Thì ra các con không thể thức với Thày một giờ đồng hồ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện hầu các con khỏi bị sa chước cám dỗ” (Mt 26:40-41). Chỉ có một mình tông đồ Gioan là có mặt dưới chân cây Thập Giá, bên cạnh Mẹ Maria và các người nữ trung thành. Cuộc khổ tâm ở vườn Diệtsimani là mở màn cho cuộc khổ nạn Thập Giá của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là giờ thánh, giờ khắc cứu chuộc thế giới. Bất cứ khi nào Thánh Thể được cử hành tại ngôi mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem đều cho thấy một dấu hiệu rõ ràng nhất trong việc trở lại với “giờ khắc” này của Người, một giờ khắc Thập Giá và vinh quang. Hết mọi vị linh mục cử hành Thánh Lễ, cùng với cộng đồng Kitô hữu tham dự, theo tinh thần, đều trở về với nơi chốn ấy và giờ khắc ấy.

“Người đã bị đóng đanh, Người đã chịu chết và được mai táng; Người đã xuống với kẻ chết; vào ngày thứ ba Người đã sống lại”. Những lời tuyên xưng đức tin làm vang vọng những lời lẽ chiêm niệm và công bố: “Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Đó là lời mời gọi Giáo Hội muốn gửi đến tất cả mọi người vào những giờ phút ban chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Thế rồi Giáo Hội tiếp tục bài ca của mình trong mùa Phục Sinh để công bố rằng: “Chúa đã sống lại từ trong mồ đá, Người đã vì chúng ta mà bị treo lên cây Thập Giá, Alleluia”.

5.         “Mysterium fidei! – Mầu Nhiệm Đức Tin!”. Khi vị linh mục đọc hay hát những lời này, thì tất cả mọi người hiện diện liền hô lên: “Ôi Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”. Bằng những lời này hay những lời tương tự, Giáo Hội, trong khi hướng đến mầu nhiệm khổ nạn của Người đồng thời cũng tỏ ra cho thấy chính mầu nhiệm của mình: Ecclesia de Eucharistia. Nhờ tặng ân Thánh Linh vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội đã được hạ sinh và bắt đầu ra đi trên mọi nẻo đường thế giới, nhưng giây phút quyết liệt nhất trong việc hình thành của mình phải là việc thiết lập Thánh Thể trên Căn Thượng Lầu Tiệc Ly. Nền tảng và nguồn mạch của Giáo Hội là tất cả Tam Nhật vượt qua, thế nhưng tam nhật này đã được vĩnh viễn qui tụ, tiên báo và “tập trung” nơi tặng ân Thánh Thể. Ở tặng ân này, Chúa Giêsu Kitô đã trao phó cho Giáo Hội của Người việc thường trực hiện thực hóa mầu nhiệm vượt qua. Nhờ đó Người làm nên “mối hiệp nhất về thời gian” một cách huyền nhiệm giữa Tam Nhật Thánh với các niên đại thời gian.

Ý nghĩ ấy làm cho chúng ta cảm thấy ngất ngây và cảm mến. Trong biến cố vượt qua và Thánh Thể làm cho biến cố vượt qua hiện thực qua các thế kỷ, có một “khả năng” thực sự lớn lao có thể bao gồm tất cả một thứ lịch sử đóng vai lãnh nhận ân sủng cứu chuộc. Giáo Hội qui tụ lại để cử hành Thánh Thể bao giờ cũng phải cảm thấy tràn đầy nỗi ngất ngây ấy. Vì chính vị được ban cho thẩm quyền nơi bí tích truyền chức linh mục đã làm tác hiệu việc thánh hiến này. Chính vị ấy nói bằng quyền được ban cho mình từ Chúa Kitô trên Căn Thượng Lầu Tiệc Ly: “Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con. Đây là chén máu Thày đổ ra cho các con…”. Vị linh mục nói những lời ấy, hay đúng hơn ngài dùng tiếng nói của mình thay cho Đấng phán những lời ấy ở Căn Thượng Lầu Tiệc Ly và là Đấng muốn các lời ấy phải được lập lại qua mọi thế hệ bởi tất cả những ai thông phần thừa tác vụ chức vị tư tế của Người trong Giáo Hội.

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)
 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ