GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 29/12/2007

BÁT NHẬT GIÁNG SINH

 

?  Thiên Chúa không để cho Ngài bị đóng khung lại. Ngài tìm kiếm một nơi chốn, cho dù là tiến qua một hang lừa (tiếp)

?  Bí Mật Maria (68-69) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
?  Thánh Gioan Tông Đồ: ‘Vị Thụ Khải ở Patmô’

 

 

 

 

?    

Thiên Chúa không để cho Ngài bị đóng khung lại. Ngài tìm kiếm một nơi chốn, cho dù là tiến vào qua một hang lừa

  

ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Đêm Giáng Sinh

 

(tiếp 28 Thứ Sáu)

 

Ở một số cảnh Giáng Sinh thuộc thời hậu Trung Cổ và tiền tân tiến thì hang lừa được vẽ như là một cung điện đổ nát. Vẫn còn có thể thấy được cái vinh sang trước kia của nó, thế nhưng giờ đây nó đã trở thành một thứ tàn rụi, thành những bức tường đã đổ xuống – thật vậy, nó đã trở thành một hang lừa. Cho dù không có cơ sở về lịch sử, việc dẫn giải bóng gió này dù sao cũng diễn tả một cái gì đó chân thực được tàng ẩn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngai tòa Đavit, một ngai tòa đã được hứa hẹn là muôn đời tồn tại, đã trở thành rỗng không. Những kẻ khác đang cai trị Thánh Địa. Thánh Giuse, dòng dõi Đavít, chỉ là một con người nhà quê tầm thường; cung điện ấy thực sự đã trở thành một túp lều. Chính Đavít đã bắt đầu cuộc đời như một mục đồng. Khi Samuel tìm thấy ngài để xức dầu cho ngài thì quả thực là không thể và đần độn khi nghĩ rằng một thằng con trai chăn chiên như thế lại có thể trở nên một con người chất chứa lời hứa hẹn của Yến Duyên. Nơi hang lừa Bêlem là thành phố mà tất cả mọi sự đã được bắt đầu, vương quốc Đavít đã được tái diễn  cách mới mẻ – nơi Con Trẻ được bọc trong khăn nằm trong máng cỏ. Ngai tòa mới mà Đavít ấy đã lôi kéo thế giới với Ngài đó là Thập Giá. Ngai tòa mới này – tức Thập Giá – tương xứng với một khởi điểm mới nơi hang lừa. Thế nhưng nó thực sự cho thấy cách thức làm thế nào để thiết lập một cung điện Đavít, một vương quốc đích thật. Cái cung điện mới này rất khác với n hững gì con người tưởng tưởng về cung điện và vương quyền cần phải có. Nó là một cộng đồng của những ai để cho mình cuốn hút theo tình yêu Chúa Kitô nhờ đó trở nên một thân thể với Ngài, thành một tân nhân loại. Quyền năng xuất phát từ Thập Giá, quyền năng của sự thiện hiến  thân – đó là vương quốc thực sự ấy vậy. Hang lừa trở thành một cung điện – và bắt đầu từ khởi điểm này, Chúa Giêsu đã thiết lập một đại cộng đồng mới là cộng đồng được lời của các vị thiên thần hát lên khi Ngài sinh ra là: “Vinh danh Thiên Chúa trên  trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” – những người đặt ý muốn của mình nơi Ngài, nhờ đó trở thành những con người của Thiên Chúa, những con người mới, một thế giới mới.

 

Thánh Gregory thành Nyssa, trong các bài giảng về Giáng Sinh của mình, đã khai triển cùng một nhãn quan được bắt đầu từ sứ điệp Giáng Sinh nơi Phúc Âm của Thánh Gioan: “Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta” (Jn 1:14). Thánh Gregory áp dụng câu Phúc Âm này về cái lều thân thể của chúng ta, một cái lều đã trở nên tàn tạ và yếu nhược, đầy những đớn đau và khổ đau. Và ngài cũng áp dụng câu này cho toàn thể vũ trụ nữa, một vũ trụ bị tan hoang và biến dạng bởi tội lỗi. Ngài sẽ nói gì nếu ngài thấy được tình trạng thế giới ngày nay, một thế giới đang bị lạm dụng về năng lượng cùng với việc khai thác vị kỷ và bất cần của nó. Thánh Anselm thành Canterbury, hầu như đã thấy trước, có lần đã diễn tả một viễn ảnh về những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay về một thế giới bị ô nhiễm nguy hiểm đến tương lai: “Hết mọi sự như thể đã chết và mất đi phẩm giá của mình, những gì được dựng nên để phục vụ cho những ai ngợi khen Thiên Chúa. Những yếu tố của thế giới này đã bị áp bức, chúng đã bị mất đi ánh quang của mình bởi việc lạm dụng của những ai bắt chúng làm tôi cho những thứ ngẫu tượng của họ, những thứ ngẫu tượng không phải vì thế mà chúng đã được dựng nên” PL 158, 955f). Bởi vậy, theo nhãn quan của Thánh Gregory thì hang lừa nơi sứ điệp Giáng Sinh là tiêu biểu cho một thế giới bệnh hoạn. Những gì Chúa Kitô tái thiết không phải là một cung điện bình thường. Ngài đã đến  để phục hồi lại vẻ đẹp và phẩm vị cho tạo vật, cho vũ trụ này: đó là những gì đã bắt đầu từ Giáng Sinh và làm cho các vị thiên  thần hân hoan. Trái Đất này được phục hồi lại trật tự tốt đẹp của nó bởi sự kiện là nó được giúp qui hướng về Thiên Chúa, nó chiếm được ánh sáng thực sự cách mới mẻ, và trong tình trạng hòa hợp giữa ý muốn con người và ý muốn thần linh, trong mối hiệp nhất giữa trời cao và vực thẳm, nó lấy lại được vẻ đẹp và phẩm vị của mình. Như thế, Giáng Sinh là một lễ tạo vật được phục hồi. Theo chiều hướng ấy, các vị Giáo Phụ đã dẫn giải bài ca của các thiên thần vào đêm thánh ấy ở chỗ cho nó là một bày tỏ niềm hân hoan về sự kiện trời cao và vực thẳm, Thiên Đình và Trần Gian, một lần nữa được tái hợp; con người lại được hiệp nhất với Thiên Chúa. Theo các vị Giáo Phụ thì, chi tiết về bái ca của các vị thiên  thần đó là vấn đề giờ đây cả thiên thần lẫn loài người có thể cùng nhau ca hát, nhờ đó, vẻ đẹp của vũ trụ này được thể hiện nơi vẻ đẹp của bài ca chúc tụng ngợi khen . Bài ca phụng vụ – cũng vẫn theo các vị Giáo Phụ – chiếm được phẩm chất đặc thù của mình nhờ sự kiện là nó được cùng hát lên bởi những c a đoàn thiên  quốc . Chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là những gì làm cho chúng ta có thể nghe được bài ca ấy của các thiên thần, nhờ đó tạo nên một thứ âm nhạc thật sự sẽ trở thành im hơi lặng tiếng nếu chúng ta không còn có thể chung tiếng hát với nhau và nghe nhau mà hát.

 

Thiên  Đình và Trần Gian đã gặp gỡ nhau nơi hang lừa Bêlem. Thiên Đình đã hạ giáng xuống Trần Gian. Đó là lý do từ hang lừa này một ánh sáng đã chiếu soi qua tất cả mọi thời đại; vì lý do ấy mà niềm vui đã được bừng lên ở đó. Ở vào cuối việc suy niệm về Giáng Sinh của chúng ta đây, tôi muốn trích lại một đoạn độc đáo của Thánh Âu Quốc Tinh. Khi dẫn giải lời nguyện trong Kinh Chúa Dạy: “Lạy Cha chúng con là Đấng ở trên  trời”, ngài đã đặt vấn đề rằng: Trời đây nghĩa là gì? Và Trời ở đâu? Thế rồi câu trả lời ngỡ ngàng đã được nêu lên  như sau: “… Đấng ở trên Trời – tức là ở nơi các thánh nhân và nơi thành phần công chính. Phải, các tầng trời là những cơ thể cao vời nhất trong vũ trụ này, thế nhưng chúng vẫn là những cơ thể, không thể hiện hữu trừ khi được giành chỗ cho. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa ở trên các tầng trời, nghĩa là ở những nơi cao nhất trên thế giới này, thì các con chim may mắn hơn chúng ta, vì chúng được sống gần Thiên Chúa hơn. Thế mà, vấn đề lại không được viết rằng: ‘Chúa gần gũi những ai ở trên những cao vời hay trên các núi non’, mà viết rằng ‘Chúa gần gũi tấm lòng tan nát’ (Ps 34:18 [33:19]), một diễn tả ám chỉ đến lòng khiêm hạ. Như tội nhân được gọi là ‘Đất’ thế nào thì ngược lại kẻ công chính cũng có thể được gọi là ‘Trời’ như vậy” (Sermo in monte II 5, 17). Trời không thuộc về địa dư của không gian mà là địa dư của cõi lòng. Và cõi lòng của Thiên Chúa, trong Đêm Thánh này, đã cúi xuống hang lừa: lòng khiêm hạ của Thiên Chúa là Trời. Và nếu chúng ta tiến đến với lòng khiêm hạ này thì chúng ta sẽ chạm tới Trời. Bấy giờ, Đất cũng được trở nên  mới mẻ nữa. Với lòng khiêm nhượng của các mục đồng, chúng ta hãy lên đường, trong Đêm Thánh  này, đến với Con Trẻ nằm trong máng cỏ! Chúng ta hãy chạm tới lòng khiêm nhượng của Thiên Chúa, đến  cõi lòng của Thiên Chúa! Đề rồi niềm vui của Ngài sẽ tác động chúng ta và sẽ làm cho thế giới này trở nên rạng ngời hơn. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/12/2007

 

 TOP

 

?  

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(III)    Việc Thánh Hóa của Chúng Ta nhờ Trọn Hảo Tôn Sùng Đức Trinh Nữ, hay  bằng cách Làm Nô Lệ Thánh Đức cho Tình Yêu

 

Phụ Thêm

 

B. Lời Nguyện Cầu cùng Mẹ Maria (cho thành phần nô lệ trung thành của Mẹ)

                      

68.          Kính mừng Maria, nữ tử rất yêu dấu của Chúa Cha hằng hữu; kính mừng Maria, người mẹ rất đáng ngợi khen của Chúa Con; kính mừng Maria, người bạn tình rất thủy chung của Chúa Thánh Thần; kính mừng Maria, Người Mẹ chí ái, Vị Nữ Lưu rất đáng yêu, Vị Nữ Vương rất uy quyền! Kính mừng Maria, niềm vui của con, vinh hiển của con, tâm can và linh hồn của con. Mẹ là tất cả của con vì lòng thương xót Chúa, nhưng con là tất cả của Mẹ vì đức công bằng. Tuy nhiên, con đã không thuộc về Mẹ một cách thích đáng, bởi thế, một lần nữa, như một người nô lệ hằng thuộc về chủ nhân ông của mình, con xin hiến trọn bản thân con cho Mẹ, không giữ lại bất cứ một sự gì cho chính mình hay cho kẻ khác.

 

Nếu Mẹ còn thấy bất cứ một sự gì nơi con chưa được hiến dâng cho Mẹ thì giờ đây xin Mẹ hãy lấy nó đi. Xin Mẹ hãy hoàn toàn làm cho Mẹ trở thành chủ nhân sở hữu tất cả mọi năng lực của con. Xin Mẹ hãy tiêu hủy nơi con hết mọi sự làm mất lòng Chúa. Xin Mẹ hãy nhổ tận gốc những thứ ấy mà hủy hoại đi cho con. Xin Mẹ hãy gieo trồng nơi con tất cả những gì Mẹ cho là tốt lành; xin hãy cải tiến những thứ tốt lành ấy và làm cho chúng được gia tăng nơi con.

 

Chớ gì ánh sáng của đức tin Mẹ xua tan bóng tối nơi trí khôn của con. Chớ gì đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ thay thế vào niềm kiêu hãnh của con. Chớ gì việc Mẹ chiêm ngưỡng thiên đình tận kết những thứ phân tâm chia trí nơi óc tưởng tượng hoang đàng của con. Chớ gì việc Mẹ liên tục hưởng kiến Chúa làm cho trí nhớ của con tràn đầy sự hiện diện của Ngài. Chớ gì tình yêu bừng cháy của trái tim Mẹ làm tan chảy cái lạnh lẽo của con. Chớ gì các nhân đức của Mẹ thế vì các tội lỗi của con. Chớ gì các công nghiệp của Mẹ trang điểm cho con và bù đắp cho sự bất xứng của con trước nhan Chúa. Sau hết, lạy Mẹ rất chí ái của con, nếu có thể, xin cho con không còn một tinh thần nào khác ngoài tinh thần của Mẹ để nhận biết Chúa Giêsu và ý muốn thần linh của Người. Chớ gì con không còn một linh hồn nào khác ngoài linh hồn của Mẹ để ca ngợi và tôn vinh Chúa. Chớ gì con không còn một tâm can nào khác ngoài tâm can của Mẹ để tinh tuyền  và thiết tha kính mến Chúa như Mẹ đã mến yêu Người.

 

69.          Con không xin Mẹ những ơn được thị kiến hay được thụ khải, được sốt sắng theo cảm quan hay cho dù là được những thỏa nguyện thiêng liêng. Mẹ được đặc ân tỏ tường thấy Chúa trong ánh sáng vĩnh hằng. Mẹ được đặc ân nếm hưởng những vui thú thiên đình là nơi không có một cái gì khác ngoài sự ngọt ngào. Mẹ được đặc ân hiển thắng trên trời ở bên hữu Con Mẹ mà không cần phải khiêm nhượng nữa, và đặc ân truyền khiến các thiên thần, con người và quỉ ma, mà không bị họ chống cưỡng.  Mẹ được đặc ân ban phát tùy ý tất cả mọi tặng ân lành thánh của Thiên Chúa không trừ một tặng ân nào.

 

Lạy Mẹ Maria rất thánh, đó là phần tuyệt hảo mà Chúa đã ban cho Mẹ, và là những gì Mẹ không bao giờ bị mất mát, cũng là những gì làm cho con hết sức hân hoan. Về phần của con trên đời này, con chỉ muốn được thông phần với Mẹ, tức là được có một đức tin đơn thành mà không cần phải chứng kiến hay nếm hưởng, là vui lòng chịu khổ đau mà không cần người đời an ủi, là chết đi cho chính mình mà không nao núng chùn bước, là quảng đại hoạt động cho Mẹ thậm chí đến chết mà không tìm kiếm một tư lợi nào, như là tên nô lệ bất xứng nhất. Ơn duy nhất con xin Mẹ vì lòng nhân từ của Mẹ cầu cho con được hằng ngày và hằng giây phút của đời con có thể nói được lời Amen tam diện: Amen, chớ gì được như vậy, đối với tất cả những gì Mẹ đã làm trên trái đất này; Amen, chớ gì được như vậy, đối với tất cả những gì Mẹ giờ đây đang làm trên trời; Amen, chớ gì được như vậy, đối với tất cả những gì Mẹ đang làm trong tâm hồn của con. Có thế, Mẹ và chỉ một mình Mẹ thôi sẽ hoàn toàn tôn vinh Chúa Giêsu nơi con trong suốt cuộc đời của con và cho đến vô cùng bất tận. Amen.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

?

 

Thánh Gioan Tông Đồ  

 

(Loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vào các Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư hằng tuần 23/8/2006)

   

‘Vị Thụ Khải ở Patmô’

  

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài Giáo Lý vừa rồi, chúng ta đã suy niệm về hình ảnh của Tông Đồ Gioan. Đầu tiên chúng ta đã cố gắng để có thể biết được bao nhiêu về cuộc sống của ngài. Thế rồi, trong bài giáo lý sau đó, chúng ta đã suy niệm về nội dung chính yếu của Phúc Âm và các Thư ngài viết: đó là đức ái, là tình yêu. Và hôm nay, chúng ta lại chú trọng tới hình ảnh của Thánh Gioan lần nữa, lần này chúng ta thấy ngài như là một vị thị kiến Khải Huyền.

 

Chúng ta cần phải có một nhận định tức khắc là, trong khi tên của ngài không bao giờ xuất hiện ở cuốn Phúc Âm Thứ Bốn hay các bức thư được cho là của vị tông đồ này, thì Sách Khải Huyền đề cập tới tên Giaon 4 lần (x 1:1,4,9;22:8). Một mặt thì rõ ràng là vị tác giả này không cần phải giấu diếm tên tuổi của mình, mặt khác, ngài biết rằng thành phần độc giả đầu tiên của ngài có thể chính xác nhận ra ngài. Chúng ta còn biết thêm là, ngay trong thể kỷ thứ ba, các học giả đã tranh cãi về cái chân tướng thực sự của vị Gioan Khải Huyền này.

 

Đó là lý do chúng ta cũng có thể gọi ngài là ‘vị thụ khải ở Patmô’, vì hình ảnh của ngài gắn liền với địa danh của hải đạo vùng Biển Aegean, nơi mà, theo chứng từ tự thuật riêng của ngài, ngài thấy mình bị đầy đến đó ‘vì lời Chúa và việc làm chứng cho Chúa Giêsu’ (Rev 1:19). Chính tại Patmô, ‘trong Thần Linh vào ngày của Chúa’, Thánh Gioan đã có những thị kiến cao cả và đã nghe thấy những sứ điệp đặc biệt, những gì có một tác dụng không ít trên lịch sử của Giáo Hội cũng như nơi tất cả nền văn hóa Kitô Giáo.

 

Chẳng hạn, từ nhan đề của cuốn sách ngài viết là ‘Apocalypse’ (Khải Huyền), ngôn ngữ của chúng ta mới có những chữ ‘apocalypse, apocalyptic’ là những chữ gợi lên, cho dù không thích đáng, ý tưởng về một thứ tai ương chập chờn.

 

Cuốn sách này cần phải được hiểu trong bối cảnh của cái cảm nghiệm thảm thương nơi 7 Giáo Hội ở Á Châu (Ephesus, Smyrna, Pergamum, Tiatira, Sardi, Philadelphis và Laodicea), những giáo hội vào cuối thế kỷ thứ nhất phải đương đầu với những khó khăn – đó là những cuộc bách hại và thậm chí cả những khó khăn nội bộ – trong việc họ làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh Gioan ngỏ lời cùng họ, tỏ cho thấy cái cảm thức mục vụ sâu xa đối với thành phần Kitô hữu bị bách hại, thành phần được ngài khuyến dụ là hãy kiên trì trong đức tin chứ đừng đồng hóa mình với chính thế giới dân ngoại rất hùng mạnh bấy giờ.

 

Nói tóm thì mục tiêu của ngài đó là tỏ ra cho thấy ý nghĩa của lịch sử loài người từ cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Thật vậy, thị kiến đầu tiên và chính yếu của Thánh Gioan liên quan tới hình ảnh Con Chiên, một con chiên dù có bị sát hại, vẫn đứng (x. Rev 5:6), trước ngai chính Thiên Chúa ngự trị. Qua hình ảnh ấy, Thánh Gioan muốn nói với chúng ta hai điều chính yếu: thứ nhất là Chúa Giêsu, mặc dù Người bị sát hại một cách dữ dội, thay vì nằm sõng soài dưới đất thì ngược lại vẫn đứng vững, vì Người đã vĩnh viễn chiến thắng tử thần bằng cuộc phục sinh của Người.

 

Thứ hai là chính Chúa Giêsu, chỉ vì Người đã chết và phục sinh, mà giờ đây hoàn toàn tham phần vào quyền năng vương giả và cứu độ của Chúa Cha. Đây là một thị kiến trọng yếu. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trên thế gian này, là một Con Chiên bất lực, thương tích và tử vong. Thế nhưng, Người vẫn đứng, vững vàng, trước ngai Thiên Chúa và tham dự vào quyền năng thần linh. Người nắm trong tay của Người lịch sử của thế giới này. Như thế, vị thụ khải này muốn nói với chúng ta rằng: Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, đừng sợ các quyền lực đối địch, đừng sợ bị bách hại! Con Chiên bị đả thương và tử vong là Con Chiến chiến thắng! Hãy theo Chúa Giêsu, Con Chiên, hãy tin tưởng Chúa Giêsu, hãy theo đường lối của Người! Cho dù trên thế gian này, Người như thể là một Con Chiên yếu đuối, Người là kẻ chiến thắng!

 

Đối tượng của một trong những thị kiến chính của Sách Khải Huyền đó là Con Chiên ở vào lúc Người mở cuốn sách trước đó được niêm phong bằng 7 ấn tín, một cuốn sách không ai có thể mở nổi (x Rev 5:4). Lịch sử dường như là những gì bất khả giải mã, bất khả triệt thấu. Không ai có thể đọc được nó cả.

 

Có lẽ việc Thánh Gioan khóc lóc trước mầu nhiệm rất tăm tối của lịch sử là những gì thể hiện tình trạng bối rối của các Giáo Hội Á Châu vì Thiên Chúa tỏ ra thinh lặng trước những cuộc bách hại họ phải chịu bấy giờ. Đó là một tình trạng bối rối được phản ảnh rõ ràng cái ngỡ ngàng của chúng ta trước những khó khăn nặng nề, những hiểu lầm và những thù hận mà Giáo Hội cũng phải chịu ở một số phần đất trên thế giới ngày nay.

 

Chúng là những thứ khổ đau Giáo Hội chắc chắn không đáng chịu, như Chúa Giêsu không đáng bị trừng phạt vậy. Tuy nhiên, chúng tỏ ra cả cái ác tâm hiểm độc của con người ta, khi Người để cho mình bị làm chủ bởi các cạm bẫy của sự dư, cũng như bởi việc Thiên Chúa là Đấng điều khiển các biến cố xẩy ra. Bởi thế mà chỉ có Con Chiên bị sát tế mới có thể mở được cuốn sách được niêm ấn ấy và mới cho thấy nội dung của cuốn sách này, mới cống hiến ý nghĩa cho lịch sử, một lịch sử bề ngoài thường rất ư là lố bịch buồn cười.

 

Một mình Người mới có thể rút ra những lời khuyên bảo và những giáo huấn cho đời sống của Kitô hữu, thành phần được cuộc chiến thắng của Người trên sự chết loan báo và bảo đảm cho cuộc chiến thắng họ chắc chắn sẽ đạt được. Tất cả mọi ngôn từ được Thánh Gioan sử dụng, đậm đà hình ảnh, đều nhắm đến việc cống hiến cho chúng ta niềm an ủi này.

 

Ở tâm điểm của thị kiến được Sách Khải Huyền trình bày là hình ảnh rất đặc biệt của một Người Nữ, người hạ sinh một Người Con trai, và thị kiến bổ xung về Con Rồng, một con rồng bị rơi từ các tầng trời xuống, nhưng vẫn rất mãnh lực. Người Nữ này là tiêu biểu cho Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, nhưng người nữ ấy đồng thời cũng tiêu biểu cho toàn thể Giáo Hội, cho Dân Chúa thuộc mọi thời đại, cho Giáo Hội qua mọi thời đại cảm thấy hết sức đớn đau hạ sinh Chúa Kitô. Và người nữ này luôn bị đe dọa bởi quyền lực của Con Rồng. Người nữ ấy có vẻ bất lực, yếu đuối.

 

Thế nhưng, trong khi bà bị đe dọa, bị Con Rồng truy nã, bà cũng được ơn an ủi của Thiên Chúa bảo vệ. Và Người Nữ này, cuối cùng, chiến thắng. Con Rồng không phải là kẻ thắng cuộc. Đây là lời tiên tri cả thể của cuốn sách này, làm cho chúng ta tin tưởng! Người nữ chịu khổ đau trong giòng lịch sử là Giáo Hội bị bách hại, cuối cùng đã xuất hiện như Vị Hôn Thê rạng ngời, hình ảnh của một tân Gia-Liêm, nơi không còn châu lệ hay khóc than, hình ảnh của một thế giới được biến đổi, của một tân thế giới mà chính Chúa là ánh sáng và đèn soi là Con Chiên.

 

Chính vì lý do ấy mà Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, mặc dù đầy những chi tiết liên tục dính dáng tới khổ đau, hoạn nạn và khóc than – bộ mặt tối tăm của lịch sử – đồng thời cũng thường có các bài tụng ca có thể nói tiêu biểu cho bộ mặt rạng ngời của lịch sử.

 

Chẳng hạn, Khải Huyền nói đến một đám thật đông xướng ca gần như vang rền là: ‘Alleluia! Chúa đã thiết lập triều đại của Ngài, vị Thiên Chúa của chúng ta, Đấng toàn năng. Chúng ta hãy hân hoan sung sướng tôn vinh Ngài. Vì đã tới ngày hôn  lễ của Con Chiên, vị hôn thê của Người đã sửa soạn sẵn sàng’ (Rev 19:6-7). Chúng ta đang đối diện với một cái đối nghịch thường thấy nơi Kitô Giáo, theo đó, đau khổ không bao giờ được coi là phán quyết cuối cùng; trái lại, nó được thấy như là một giây phút vượt tới hạnh phúc, hơn thế nữa, cái hạnh phúc này đã được nhiệm mầu thấm đậm bởi niềm vui xuất phát từ niềm hy vọng.

 

Bởi thế mà Thánh Gioan, vị thụ khải ở Patmô, có thể kết thúc cuốn sách của mình bằng một ước vọng cuối cùng làm rung động cả một niềm hy vọng thiết tha. Ngài gợi lên cho thấy việc Chúa Kitô đến lần sau hết: ‘Hãy đến, lạy Chúa Giêsu!’ (Rev 22:20). Đó là một trong những lời nguyện cầu chính yếu của một Kitô Giáo phôi sinh, được Thánh Phaolô chuyển dịch sang tiếng Aramaic là ‘Marana tha’. Và lời nguyện cầu này: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ (1Cor 16:22) có một số chiều kích.

 

Trước hết, dĩ nhiên là nó áp dụng vào việc đợi chờ cuộc vĩnh viễn chiến thắng của Chúa Kitô, của một tân Gia Liêm, của Chúa là Đấng đến biến đổi thế giới. Thế nhưng, đồng thời nó cũng là một kinh nguyện Thánh Thể: ‘Giờ đây, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ Và Chúa Giêsu đến, Người dự phóng cho việc đến lần cuối cùng của Người. Như thế, với niêm hân hoan, chúng ta đồng thời cũng nói: ‘Giờ đây xin Chúa hãy đến và vĩnh viễn đến!’. Lời nguyện cầu này cũng mang ý nghĩa thứ ba nữa, đó là ‘Lạy Chúa, Chúa đã đến rồi! Chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. Vì đây là một cảm nghiệm vui mừng. Thế nhưng, xin Chúa hãy vĩnh viễn đến!’ Bởi thế, cùng với Thánh Phaolô, với vị thụ khải ở Patmô, với Kitô Giáo phôi sinh, chúng ta cũng nguyện cầu rằng: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Hãy đến biến đổi thế giới này! Xin hãy đến, lúc này đây, hôm nay đây, và chớ gì bình an vinh thắng!’ Amen.

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/8/2006

 

TOP

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ