GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 14/1/2007

TUẦN  II THƯỜNG NIÊN

 

?  “Gia Đình Di Dân” - Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới của Thánh Phần Di Dân và Tỵ Nạn lần thứ 93 ngày 14/1/2006

?  Phân Tích Học Hỏi Sứ Điệp “Gia Đình Di Dân” của ĐTC Biển Đức XVI nhân Ngày Thế Giới của Thánh Phần Di Dân và Tỵ Nạn

?  “Vào lúc mở màn cho năm này, chúng ta được mời gọi chú trọng tới tình hình thế giới, cũng như quan tâm tới những thách đố chúng ta được kêu gọi để cùng nhau giải quyết” - “Tình hình chính trị” Á Châu

 

 

? “Gia Đình Di Dân” - Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp Cho Ngày Thế Giới của Thánh Phần Di Dân và Tỵ Nạn lần thứ 93 ngày 14/1/2006

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Nhân dịp sắp đến Ngày Thế Giới của Thánh Phần Di Dân và Tỵ Nạn, và nhìn ngắm Thánh Gia Nazarét, hình ảnh của tất cả mọi gia đình, tôi muốn  mời anh chị em hãy suy nghĩ về tình trạng của gia đình di dân. Thánh Ký Mathêu đã thật lại rằng sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ít lâu thì Thánh Giuse buộc phải lên đường sang Ai Cập vào ban đêm, mang con trẻ và mẹ của người đi với mình, để thoát cuộc bách hại của v ua Hệrôđê (x Mt  2:13-15). Khi dẫn giải về đoạn Phúc Âm này, vị Tiền  Nhiệm đáng kính của tôi là Vị Giáo Hoàng Tôi Tớ Chúa Piô XII đã viết vào năm 1952 như sau: ‘Gia đình Nazarét lưu vong, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, những người di dân và tìm nơi tị nạn ở Ai Cập để thoát khỏi cơn  giận dữ của một bạo vương, là mô phạm, mẫu gương và sự nâng đỡ của tất cả mọi người di dân và hành hương thuộc mọi thời đại và mọi quốc gia, của tất cả mọi người tỵ nạn thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, thành phần, vì bị bách hại và như cầu, buộc phải từ bỏ quê hương của mình, các người thân  thuộc của mình, hàng xóm láng giềng của mình, bạn bè thân  thiết của mình, di chuyển  tới một mảnh đất xa lạ’ ("Exsul familia," AAS 44, 1952, 649). Nơi cái bất hạnh mà Thánh Gia đã trải qua ấy, buộc phải đi tỵ nạn ở Ai Cập, chúng ta có thể thoáng thấy được tình trạng đớn đau của tất cả mọi người di dân sống, nhất là thành phần tỵ nạn, lưu đầy, di tản, những người phân tán nội quốc, những ai bị bách hại. Chúng ta có thể thoáng thấy những khó khăn mà hết mọi gia đình di dân trải qua, những khốn khó và thấp hèn, tình trạng thiếu hụt và mong manh của hằng triệu triệu người di dân, tỵ nạn và phân tán nội địa. Gia Đình Nazarét cho thấy cái hình ảnh của Thiên Chúa được bảo toàn nơi tâm điểm của hết mọi gia đình nhân loại, cho dù gia đình này có bị méo mó và suy yếu bởi vấn đề di dân.

 

Đề tài cho Ngày Thế Giới c ủa Thành Phần Di Dân và Tỵ Nạn tới đây là “Gia Đình Di Dân “ là những gì nối tiếp với đề tài của năm 1980, 1986 và 1993. Nó có ý nhấn mạnh hơn nữa việc dấn thân của Giáo Hội chẳng những quan tâm tới cá nhân người di dân mà còn cả gia đình của họ nữa, một nơi và là nguồn văn hóa sự sống và là một yếu tố cho việc hội nhập các thứ giá trị. Gia đình của người di dân gặp nhiều khó khăn. Sự xa cách nhau nơi các phần tử trong gia đình và việc tái đoàn tụ bất thành thường gây ra tình trạng đổ vỡ những liên hệ ban đầu. Những mối liên hệ mới được thành hình cùng với những cảm mến mới xuất hiện. Một số người di dân đã quên đi quá khứ của mình cùng nhiệm vụ của họ, khi họ bị thử thách nặng nề bởi tình trạng xa cách và cô độc lẻ loi. Nếu gia đình di dân không nắm được cơ hội của việc bao gồm và dự phần, thì khó lòng mong đợi nó phát triển một cách hòa hợp. Công Ước Quốc  Tế về việc bảo vệ các quyền lợi của tất cả mọi nhân công di dân cùng gia đình của họ, một bản công ước được áp dụng vào ngày 1/7/2003, nhắm đến mục đích bênh vực thành phần lao động nam nữ di dân cùng gia đình riêng tư của họ. Điều này có nghĩa là giá trị của gia đình được nhìn nhận cả ở lãnh vực di dân , một lãnh vực hiện nay trở thành một hiện tượng làm nên xã hội của chúng ta. Giáo Hội phấn  khích việc chuẩn nhận những phương tiện về luật lệ quốc tế nhắm đến chỗ bênh vựïc quyền lợi của những người di dân, tỵ nạn và gia đình của họ, và qua những Tổ Chức cùng Hiệp Hội của mình, cống hiện việc tranh đấu càng ngày càng trở nên cần thiết. Để đạt được mục đích ấy, Giáo Hội đã mở các Trung Tâm để lắng nghe những người tỵ nạn, những Nhà để tiếp đón họ, những Văn Phòng để phục vụ con người và các gia đình, cùng những hoạt động khác được đề ra để đáp ứng các nhu cầu gia tăng nơi lãnh vực ấy.

 

Nhiều điều đã được thực hiện cho việc hội nhập của các gia đình thành phần di dân, mặc dù vẫn còn nhiều cái chưa làm. Có những thứ khó khăn thực sự liên quan tới một số ‘những đường lối bênh vực’ liên quan tới thế hệ đầu tiên của thành phần di dân, thành phần thế hệ này có nguy cơ trở thành một chướng ngại vật cản trở tình trạng trưởng thành hơn của giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai. Đó là lý do tại sao cần phải có những can thiệp về lập pháp, tư pháp và xã hội để làm cho dễ dàng hơn việc hội nhập này. Trong những thời gian gần đây, xẩy ra vấn đề gia tăng con số nữ giới rời bỏ bản quốc của mình để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, hướng tới những chân trời nghề nghiệp hứa hẹn hơn. Tuy nhiên, cũng không ít nữ giới đã đi tới chỗ trở thành nạn nhân của việc buôn người và của nạn mãi dâm. Trong vấn đề đoàn tụ gia đình, các nhân  viên cán sự xã hội, nhất là những nữ tu, có thể mang lại việc dàn xếp quí hóa đáng chúng ta càng ngày càng cảm thấy biết ơn.

 

Về vấn đề hội nhập của các gia đình di dân, tôi cảm thấy có nhiệm vụ lôi kéo sự chú trọng của anh chị em tới các gia đình của thành phần tỵ nạn, những gia đình sống trong những tình trạng trở nên tồi tệ hơn so với quá khứ, cũng đặc biệt liên quan cả tới vấn đề đoàn tụ gia đình nữa. Nơi những trại tỵ nạn của họ, ngoài những khó khăn về vấn đề cung cấp nhu cầu, cùng với những khó khăn có tính cách cá nhân liên quan tới tình trạng căng thẳng đau thương và lo lắng gây ra bởi những kinh nghiệm thảm thương họ gặp phải, đôi khi nữ giới và trẻ em còn có nguy cơ bị khai thác tình dục nữa, như một phương tiện để sống còn. Cần phải thực hiện việc mục vụ ân  cần trong những trường hợp như thế. Ngoài việc trợ giúp có thể chữa lành các vết thương lòng, việc chăm sóc mục vụ cũng còn phải cống hiến cả sự nâng đỡ hỗ trợ của cộng đồng Kitô hữu nữa, một sự hỗ trợ có thể phục hồi thứ văn hóa tôn trọng và tìm lại được thứ giá trị yêu thương thực sự. Cần khuyến khích những ai cảm thấy bị tan nát tâm can lấy lại được niềm tin tưởng vào chính bản thân họ. Phải làm mọi sự để bảo đảm quyền lợi và phẩm giá của các gia đình, cũng như để làm cho họ vững tâm về những tiện nghi về nhà cửa theo nhu cầu của họ. Thành phần tị nạn cần phải được vun trồng một thái độ cởi mở và tích cực đối với xã hội tiếp nhận họ, và tỏ ra chủ động sẵn sàng chấp nhận những cơ hội tham dự vào việc cùng nhau xây dựng một cộng đồng biết hội nhập để trở thành một ‘ngôi nhà chung’ cho tất cả mọi người.

 

Trong số thành phần di dân, có thành phần cần phải được đặc biệt chú ý, đó là thành phần  sinh viên từ các quốc gia khác, thành phần xa nhà, không đủ kiến thức về ngôn ngữ, có những lúc chẳng có bạn bè và thường có một học bổng không đủ cho các nhu cầu của họ. Tình trạng của họ càng tệ hơn nữa nếu họ lập gia đình. Qua những tổ chức của mình, Giáo Hội dồn mọi nỗ lực để cung cấp việc hỗ trợ làm bớt khổ đau cho tình trạng thiếu vắng gia đình nơi những sinh viên trẻ trung này. Giáo Hội giúp họ hội nhập vào các thành phố tiếp nhận họ, bằng việc giúp họ liên hệ với các gia đình có thể sẵn sàng tiếp đón họ và giúp họ dễ dàng hiểu biết nhau. Như tôi đã có dịp nói là việc giúp đỡ cho các sinh viên ngoại quốc là ‘một lãnh vuưc quan trọng của hoạt động mục vụ… Thật vậy, giới trẻ rời bỏ quê hương của mình để học hành gặp phải nhiều vấn đề và n hất là nguy cơ bị khủng hoảng về căn tính” (L'Osservatore Romano, 15 December 2005).

 

Anh Chị Em thân mến, chớ gì Ngày Thế Giới của Thành Phần Di Dân và Tỵ Nạn trở thành một cơ hội hữu ích cho việc gia tăng ý thức, trong cộng đồng giáo hội cũng như nơi dư luận quần chúng, về các nhu cầu cùng với các vấn đề, cũng như các khả năng tích cực của các gia đình di dân. Tôi đặc biệt nghĩ tới những ai đang đặc biệt tham dự vào hiện tượng di dân to lớn này, cũng như đến những ai nới rộng công sức mục vụ của mình để phục vụ việc đổi dời di chuyển này của con người. Những lời của tông đồ Phaolô ‘caritas Christi urget nos – tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta’ (2Cor 5:14), là những gì thúc đẩy chúng ta hiến thân ưu tiên cho những người anh chị em khẩn trương nhất của chúng ta. Với những cảm thức ấy, tôi xin ơn trợ giúp thần linh xuống trên mỗi một người và ưu ái ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho tất cả mọi người.

Tại Vatican ngày 18/10/2006

 

Biển Đức XVI 


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/migration/documents/hf_ben-xvi_mes_20061018_world-migrants-day_en.html

 

 

TOP

 

 

?  Phân Tích Học Hỏi Sứ Điệp “Gia Đình Di Dân” của ĐTC Biển Đức XVI nhân Ngày Thế Giới của Thánh Phần Di Dân và Tỵ Nạn

 

14/12/2006 là Ngày Thế Giới của Thành Phần Di Dân và Tị Nạn lần thứ 93, theo thông lệ hằng năm Đức Thánh Cha gửi một sứ điệp cho thế giới. Trong Sứ Điệp chủ đề “Gia Đình Di Dân”, ĐTC Biển Đức XVI viết từ ngày 18/10/2006, có 9 vấn đề chính yếu, trong đó vấn đề 2 và 3 liên quan tới vợ chồng cũng như giữa cha mẹ con cái thực sự xẩy ra nơi chính cộng đồng Người Việt hải ngoại chúng ta, và vấn đề 4 liên quan tới tình trạng thành phần cô dâu Việt Nam ở Đài Loan và Đại Hàn. Thứ tự tổng quan về 9 vấn đề này như sau: thứ nhất, gia đình di dân được phản ảnh nơi Thánh Gia sống đời tị nạn Ai Cập; thứ hai, gia đình di dân thường bị đổ vỡ về hôn nhân; thứ ba, gia đình di dân gặp khủng hoảng giữa cha mẹ và con cái về vấn đề văn hóa bất đồng; thứ bốn, gia đình di dân có thành phần nữ giới đi kiếm việc làm trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội; thứ năm, gia đình tị nạn trong tình trạng tồi tệ; thứ sáu, gia đình tị nạn có nữ giới và trẻ em bị khai thác tình dục để kiếm sống; thứ bảy, gia đình tị nạn cần phải tỏ ra cởi mở và tích cực với môi trường sống mới; thứ tám, gia đình di dân nếu là thành phần sinh viên du học gặp khó khăn nhất là lại lập gia đình; và thứ chín, gia đình di dân cần phải được mọi người thông cảm hơn trong Ngày Thế Giới Di Dân Và Tị Nạn.

 

Vấn đề thứ nhất: gia đình di dân được phản ảnh nơi Thánh Gia sống đời tị nạn Ai Cập, ĐTC cảm nhận:

 

“Nơi cái bất hạnh mà Thánh Gia đã trải qua ấy, buộc phải đi tỵ nạn ở Ai Cập, chúng ta có thể thoáng thấy được tình trạng đớn đau của tất cả mọi người di dân sống, nhất là thành phần tỵ nạn, lưu đầy, di tản, những người phân tán nội quốc, những ai bị bách hại. Chúng ta có thể thoáng thấy những khó khăn mà hết mọi gia đình di dân trải qua, những khốn khó và thấp hèn, tình trạng thiếu hụt và mong manh của hằng triệu triệu người di dân, tỵ nạn và phân tán nội địa”.

 

Vấn đề thứ hai: gia đình di dân thường bị đổ vỡ về hôn nhân, ĐTC nhận định:

 

“Sự xa cách nhau nơi các phần tử trong gia đình và việc tái đoàn tụ bất thành thường gây ra tình trạng đổ vỡ những liên hệ ban đầu. Những mối liên hệ mới được thành hình cùng với những cảm mến mới xuất hiện”.

 

Vấn đề thứ ba: gia đình di dân gặp khủng hoảng giữa cha mẹ và con  cái về vấn đề văn hóa bất đồng, ĐTC nhận thấy:

 

“Có những thứ khó khăn thực sự liên quan tới một số ‘những đường lối bênh vực’ liên quan tới thế hệ đầu tiên của thành phần di dân, thành phần thế hệ này có nguy cơ trở thành một chướng ngại vật cản trở tình trạng trưởng thành hơn của giới trẻ thuộc thế hệ thứ hai”.

 

Vấn đề thứ bốn: gia đình di dân có thành phần nữ giới đi kiếm việc làm trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội.

“Trong những thời gian gần đây, xẩy ra vấn đề gia tăng con số nữ giới rời bỏ bản quốc của mình để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, hướng tới những chân trời nghề nghiệp hứa hẹn hơn. Tuy nhiên, cũng không ít nữ giới đã đi tới chỗ trở thành nạn nhân của việc buôn người và của nạn mãi dâm”.

 

Vấn đề thứ năm: gia đình di dân sống đời tị nạn trong tình trạng tồi tệ.

 

“Về vấn đề hội nhập của các gia đình di dân, tôi cảm thấy có nhiệm vụ lôi kéo sự chú trọng của anh chị em tới các gia đình của thành phần tỵ nạn, những gia đình sống trong những tình trạng trở nên tồi tệ hơn so với quá khứ, cũng đặc biệt liên quan cả tới vấn đề đoàn tụ gia đình nữa”.

 

Vấn đề thứ sáu: gia đình tị nạn có nữ giới và trẻ em bị khai thác tình dục để kiếm sống.

 

“Nơi những trại tỵ nạn của họ, ngoài những khó khăn về vấn đề cung cấp nhu cầu, cùng với những khó khăn có tính cách cá nhân liên quan tới tình trạng căng thẳng đau thương và lo lắng gây ra bởi những kinh nghiệm thảm thương họ gặp phải, đôi khi nữ giới và trẻ em còn có nguy cơ bị khai thác tình dục nữa, như một phương tiện để sống còn”.

 

Vấn đề thứ bảy: gia đình tị nạn cần phải tỏ ra cởi mở và tích cực với môi trường sống mới.

 

“Thành phần tị nạn cần phải được vun trồng một thái độ cởi mở và tích cực đối với xã hội tiếp nhận họ, và tỏ ra chủ động sẵn sàng chấp nhận những cơ hội tham dự vào việc cùng nhau xây dựng một cộng đồng biết hội nhập để trở thành một ‘ngôi nhà chung’ cho tất cả mọi người”.

 

Vấn đề thứ tám: gia đình di dân nếu là thành phần sinh viên du học gặp khó khăn nhất là lại lập gia đình.

 

“Trong số thành phần di dân, có thành phần cần phải được đặc biệt chú ý, đó là thành phần  sinh viên từ các quốc gia khác, thành phần xa nhà, không đủ kiến thức về ngôn ngữ, có những lúc chẳng có bạn bè và thường có một học bổng không đủ cho các nhu cầu của họ. Tình trạng của họ càng tệ hơn nữa nếu họ lập gia đình”.

 

Vấn đề thứ chín: gia đình di dân cần phải được mọi người thông cảm hơn trong Ngày Thế Giới Di Dân Và Tị Nạn.

 

“Chớ gì Ngày Thế Giới của Thành Phần Di Dân và Tỵ Nạn trở thành một cơ hội hữu ích cho việc gia tăng ý thức, trong cộng đồng giáo hội cũng như nơi dư luận quần chúng, về các nhu cầu cùng với các vấn đề, cũng như các khả năng tích cực của các gia đình di dân”. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

? “Vào lúc mở màn cho năm này, chúng ta được mời gọi chú trọng tới tình hình thế giới, cũng như quan tâm tới những thách đố chúng ta được kêu gọi để cùng nhau giải quyết” - “Tình hình chính trị” Á Châu

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Phái Đoàn Ngoại Giao của Quốc Đô Vatican ngày 8/1/2007

 

(Tiếp 13 Thứ Bảy, 12 Thứ Sáu, 11 Thứ Năm, 10 Thứ Tư)

 

Lục địa Á Châu bao gồm những xứ sở có đặc tính rất đông dân số và phát triển khả quan về kinh tế. Tôi đang nghĩ tới Trung Hoa và Ấn Độ, những xứ sở đang mau chóng lan triển, và tôi hy vọng rằng việc hiện diện gia tăng của họ trên khấu trường quốc tế sẽ mang lại những thiện ích cho dân chúng riêng của họ và cho cả các quốc gia khác nữa. Cũng thế, tôi nguyện cầu cho Việt Nam, khi nhớ lại việc  nước này vừa mới gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Tôi nghĩ đến các cộng đồng Kitô hữu. Ở hầu hết các quốc gia Á Châu, họ thường là những cộng đồng tuy nhỏ nhưng sinh động, với niềm ước mong hợp lý được sống và hành động trong một bầu khí tự do tôn giáo. Đây không phải chỉ là một thứ quyền nguyên sơ mà còn là một điều kiện giúp họ có thể góp phần vào việc tiến  bộ về vật chất lẫn tinh thần cho xã hội, và trở thành những mạch nguồn nối kết và hòa hợp.

 

Ở Đông Timor, Giáo Hội Công Giáo muốn tiếp tục góp phần của mình, nhất là về lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa giải quốc gia. Cuộc khủng hoảng chính trị mà Quốc Gia trẻ trung này trải qua cùng với các quốc gia khác trong vùng, cho thấy một thứ mong manh làm sao ấy nơi các tiến trình dân chủ hóa. Những căn nguyên nguy hiểm cho tình trạng căng thẳng là những gì đang lấp ló ở Bán Đảo Triều Tiên. Cần phải theo đuổi trong bối cảnh của các cuộc thương thuyết mục đích của việc hòa giải nhân dân Triều Tiên và việc bảo trì Bán Đảo này như là một vùng phi nguyên tử – một việc sẽ mang lại thiện ích cho toàn vùng ấy. Cần phải tránh đi những cử chỉ có thể gây hòa hoãn các cuộc nói chuyện, và cũng cần tránh đi việc căn cứ vào những thành quả của các cử chỉ ấy như là điều kiện cần thiết cho viện trợ nhân đạo nhắm tới những thành phần yếu kém nhất của nhân dân Bắc Triều Tiên.

 

Tôi muốn chú ý tới hai quốc gia Á Châu khác cũng cần phải quan tâm. Ở A Phú Hãn, trong những tháng gần đây, chúng ta chỉ có thể lấy làm xót xa trước tình trạng gia tăng đáng kể về bạo lực và các cuộc khủng bố tấn công. Tình trạng khiến cho lối thoát cuộc khủng hoảng ấy càng trở nên khó khăn hơn, và nó là những gì đè nặng trên dân chúng địa phương. Ở Sri Lanka, việc thất bại của các cuộc thương thảo ở Geneva giữa Chính Phủ và Phong Trào Tamil đã đưa đến tình trạng gia tăng hóa cuộc xung đột, gây ra đầy những khổ đau cho thành phần dân sự. Chỉ có đường lối đối thoại mới là những gì có thể bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp hơn và vững chắc hơn cho tất cả mọi người mà thôi.

 

Trung Đông cũng là căn nguyên cho mối quan ngại lớn. Đó là lý do tôi muốn viết một bức thư Giáng Sinh cho những người Công Giáo ở miền này, bày tỏ niềm gắn bó và sự gần gũi thiêng liêng của tôi với tất cả những người trong họ, và phấn khích họ hãy ở lại vùng này, vì tôi tin rằng chứng từ của họ sẽ là những gì trợ lực và hỗ trợ cho một tương lai hòa bình và huynh đệ. Tôi lập lại lời kêu gọi khẩn trương của tôi với tất cả mọi phía có liên quan tới bàn cờ chính trị phức tạp ở miền này, hy vọng thấy được sự củng cố từ những dấu hiệu tích cực được tỏ ra trong mấy tuần gần đây giữa những người Do Thái và Palestine. Tòa Thánh sẽ không bao giờ mệt mỏi khi cần phải lập lại rằng các giải pháp võ trang chẳng đạt được gì hết, như chúng ta đã thấy ở Lebanon vào mùa hè vừa qua. Thật vậy, tương lai của xứ sở này lệ thuộc vào việc hiệp nhất của tất cả mọi yếu tố của nó, cũng như vào những liên hệ huynh đệ giữa những phái nhóm tôn giáo và xã hội. Điều này sẽ tạo nên một sứ điệp hy vọng cho tất cả mọi người. Những giải pháp thiên vị hay đơn phương không còn là những gì khả dĩ. Để chấm dứt cuộc khủng hoảng này cũng như những khổ đau do nó gây ra trong dân chúng, cần phải có một chính sách toàn cầu, không loại trừ một ai khỏi cuộc tìm kiếm thực hiện một cuộc ổn định được thương thảo, chú trọng tới những thiện ích và khát vọng hợp lý của các dân tộc khác nhau trong cuộc. Đặc biệt là nhân dân Labanon có quyền thấy được tính cách nguyên tuyền và chủ quyền của xứ sợ họ được tôn trọng; nhân dân Do Thái có quyền sống bình an ở Quốc Gia của họ; những người Palestine có quyền có được một quê hương tự do và chủ quyền. Khi mà mỗi một thành phần dân chúng trong miền n ày thấy được rằng những niềm mong đợi của họ đưoơc quan tâm tới và vì thế cảm thấy ít bị đe dọa, thì bấy giờ việc tin tưởng lẫn nhau mới được củng cố. Niền tin tưởng này sẽ tăng trưởng nếu một quốc gia như Iran, nhất là đối với vấn đề liên quan tới chương trình nguyên tử của nước ấy, bằng lòng đồng ý đáp ứng những mối quan tâm hợp lý của cộng đồng quốc tế. Những bước tiến được thực hiện theo chiều hướng ấy chắc chắn sẽ giúp vào việc củng cố ổn định cho toàn miền, nhất là Iraq, chấm dứt cuộc bạo lực kinh hoàng đang làm biến dạng quốc  gia đổ máu này, và tạo cơ hội hoạt động cho việc tái thiết và hòa giải giữa tất cả mọi dân cử của nước này. 

 

 

(ngày mai: “Tình hình chính trị” Âu Châu)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh Vatican (trừ những tiểu đề được chính người dịch tự phân đặt theo ý tứ được chính tác giả bày tỏ)

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20070108_diplomatic-corps_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ