GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 19/5/2007

PHỤC SINH TUẦN 6

 

?  Tông Du Mục Vụ Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI – Bài Giảng cho Thánh Lễ Khai Mạc Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh sáng Chúa Nhật 13/5/2007 trước Đền Thánh Mẫu Aparecida

?  Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida

?  Fatima: Định Mệnh Nhân Loại - Biến Cố Fatima 90 Năm!

 

 

 

?  Tông Du Mục Vụ Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI – Bài Giảng cho Thánh Lễ Khai Mạc Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh sáng Chúa Nhật 13/5/2007 trước Đền Thánh Mẫu Aparecida

 

(Tiếp 18 Thứ Sáu)

 

“Hãy là những người môn đệ trung thành, để trở thành những thừa sai hiên ngang và hiệu năng”

 

Anh chị em thân mến! Đây là kho tàng vô giá rất dồi dào ở Mỹ Châu La Tinh, đây là gia sản quí báu nhất của miền châu lục này, đó là niềm tin tưởng vào Vị Thiên  Chúa là Tình Yêu, Đấng đã tỏ dung nhan của Ngài ra cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô. Anh chị em tin tưởng vào Vị Thiên Chúa là Tình Yêu: đó là sức mạnh của anh chị em, một sức mạnh thắng vượt thế gian, một niềm vui mà không gì và không ai có thể lấy khỏi anh chị em, một thờz bình an Chúa Kitô đã chiếm lấy cho anh chị em bằng Thập Giá của Người! Đó là niềm tin đã làm cho Mỹ Châu trở thành một “Châu Lục của Niềm Hy Vọng”. Không phải là một ý hệ chính trị, không phải là một phong trào có tính cách xã hội, không phải là một hệ thống kinh tế: niềm tin tưởng vào Vị Thiên Chúa là Tình Yêu – Đấng đã hóa thành nhục thể, đã chết và phục sinh nơi Chúa Giêsu Kitô – là nền tảng chân thực cho niềm hy vọng mang lại mùa mùa gặt cả thể từ lúc khởi đầu việc truyền bá phúc âm hóa cho tới ngày nay, như được chứng thực bởi hàng loạt các Thánh Nhân và Chân Phước do Thần Linh làm nổi lên ở khắp Châu Lục này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi anh chị em thực hiện một cuộc tân  truyền bá phúc âm hóa, và anh chị em đã chấp nhận sứ vụ này bằng lòng quảng đại và dấn thân vốn có của anh chị em. Giờ đây tôi muốn củng cố việc này với anh chị em, và bằng những lời lẽ của Đệ Ngũ Hội Nghị này, tôi muốn nói với anh chị em rằng: Hãy là những người môn đệ trung thành, để trở thành những thừa sai hiên ngang và hiệu năng.

 

Bài đọc thứ hai nêu lên trước mắt chúng ta một nhãn quan nguy nga về Gia Liêm thiên quốc. Đó là một hình ảnh của sự mỹ lệ kinh hồn, nơi không có gì là vô dụng thừa thãi, mà tất cả đều góp phần vào tình trạng hòa hợp tuyệt hảo của Thành thánh này. Trong thị kiến của mình, Thánh Gioan đã thấy thành này “từ trời ở nơi Thiên Chúa mà xuống, rạng ngời vinh quang của Thiên Chúa” (Rev 21:10). Và vì vinh quang của Thiên Chúa là Tình Yêu mà Gia Liêm thiên quốc này là hình tượng về Giáo Hội, hoàn toàn thánh hảo và hiển vinh, không tì ố hay vết nhăn (x Eph 5:27), với tâm điểm và hết mọi phần  của mình được ngập tràn sự hiện diện của Vị Thiên Chúa là Tình Yêu. Giáo Hội được gọi là một “cô dâu”, “cô dâu của Con Chiên” (Rev 20:9), vì hình ảnh phu thê được nên trọn nơi Giáo Hội, một hình ảnh thấm đậm mạc khải thánh kinh từ đầu đến cuối. Thành và Cô Dâu này là nơi hiệp thông trọn vẹn của Thiên Chúa với nhân loại; Giáo Hội không cần đền thờ hay bất cứ một nguồn sáng bên ngoài nào, vì sự hiện diện nội tại của Thiên Chúa và của Con Chiên đã là những gì chiếu sáng Giáo Hội từ bên trong rồi vậy.

 

Hình tượng uy nghi lộng lẫy này có một giá trị cánh chung: nó bày tỏ cho thấy mầu nhiệm của vẻ đẹp đã là hình thể chính yếu của Giáo Hội rồi, cho dù nó chưa đạt đến tầm mức vẹn toàn của mình. Nó là đích điểm cho cuộc lữ hành của chúng ta, quê hương đang đợi chờ chúng ta và là nơi chúng ta ngưỡng vọng. Nhìn thấy vẻ đẹp ấy bằng con mắt đức tin, bằng việc chiêm ngưỡng nó và khát vọng nó, không được trở thành cớ lẩn tránh đi thực tại lịch sử mà Giáo Hội đang sống vì Giáo Hội chia sẻ niềm vui và hy vọng, đau thương và đau buồn của dân chúng trong thời đại của chúng ta, nhất là những ai nghèo khổ hay đau khổ (xem Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 1). Nếu vẻ đẹp của Gia Liêm thiên quốc là vinh hiển của Thiên Chúa – nói cách khác, của tình Ngài yêu thương – thì chính trong đức ái, và chỉ trong đức ái mà thôi, chúng ta mới có thể vươn tới nó và ở một mức độ nào đó ở trong nó ngay từ bay giờ. Ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời của Người, thì đã cảm nghiệm thấy trên thế gian này sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đã nghe thấy điều này trong Phúc Âm: “Chúng Ta sẽ đến với họ và cư ngụ nơi họ” (Jn 14:23). Bởi thế, hết mọi Kitô hữu được kêu gọi trở thành một viên đá sống cho “chỗ ở của Thiên Chúa với con người” rạng ngời này. Thật là một ơn  gọi cao cả biết bao!

 

Giáo Hội hoàn toàn được phấn chấn và thúc bách bởi tình yêu của Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế vì yêu, là hình ảnh theo lịch sử của Gia Liêm thiên quốc, tiền thân của thành thánh rạng ngời vinh hiển của Thiên Chúa. Nó tỏa ra một thứ quyền lực truyền giáo bất khả cưỡngquyền năng của sự thánh đức. Nhờ những lời nguyện cầu của Trinh Nữ Maria, chớ gì Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh và Caribbean được mặc lấy dồi dào quyền lực từ trên  cao (x Lk 24:49), để loan truyền khắp Châu Lục này và toàn thế giới sự thánh thiện của Chúa Kitô. Xin muôn đời tôn vinh Người cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2007/documents/hf_ben-xvi_hom_20070513_conference-brazil_en.html

 

 TOP

 

? Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida 

 

(tiếp 18 Thứ Sáu, 17 Thứ Năm)

3.      Những Người Môn Đệ và Thừa Sai

Cuộc Tổng Nghị này có chủ đề là: “Những Người Môn Đệ và Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô là để cho các dân tộc của chúng ta được sự sống nơi Người”.

 

Giáo Hội có một nhiệm vụ lớn lao trong việc canh chừng và nuôi dưỡng đức tin của Dân Chúa, cũng như trong việc nhắc nhở tín hữu của Châu Lục này rằng, bởi Phép Rửa của mình, họ được kêu gọi trở thành những người môn đệ và thừa sai của Chúa Giêsu Kitô. Điều này bao hàm việc theo Người, sống thân mật với Người, bắt chước gương của Người và làm chứng cho Người. Hết mọi người đã chịu phép rửa đều lãnh nhận từ Chúa Kitô, như các vị Tông Đồ, sứ mệnh truyền giáo: “Các con hãy đi khắp thế gian mà giảng dạy Phúc Âm cho tất cả mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi” (Mk 16:15). Việc trở thành những người môn đệ và thừa sai của Chúa Giêsu Kitô và tìm kiếm “sự sống” nơi Người là việc cần phải được chìm ngập sâu xa trong Người.

 

Chúa Kitô đã thực sự ban cho chúng ta những gì? Tại sao chúng ta muốn trở thành môn đệ của Chúa Kitô? Câu trả lời đó là: vì, trong cuộc hiệp thông với Người, chúng ta hy vọng tìm được sự sống, một sự sống thật xứng với danh xưng của nó, nhờ đó, chúng ta làm cho Người được kẻ khác nhận biết, thông truyền cho họ tặng ân chúng ta đã tím thấy ở nơi Người. Thế nhưng có thật sự là như thế hay chăng? Chúng ta có thực sự xác tín rằng Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống hay chăng?

 

Trước cái ưu tiên về niềm tin tưởng vào Chúa Kitô cũng như về sự sống “trong Người” là những gì làm nên chủ đề của Cuộc Đệ Ngũ Công Nghị này, một câu hỏi khác có thể được nêu lên: phải chăng cái ưu tiên này có lẽ không phải hay sao là một cuộc đào thoát theo chiều hướng cảm xúc, chiều hướng chủ nghĩa đạo giáo cá nhân, một thứ loại trừ đi cái thực tại khẩn trương của những vấn đề lớn lao về kinh tế, xã hội và chính trị ở Mỹ Châu La Tinh và trên thế giới, và là một cuộc thoát ly khỏi thực tại để hướng về một thế giới thiêng liêng? 

 

Bước đầu tiên chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: “thực tại” ấy là gì? Đâu là thực? Phải chăng chỉ có các sản vật về thể lý, chỉ có các vấn đề về xã hội, kinh tế và chính trị là “thực tại”? Đây chính là sai lầm cả thể của những khuynh hướng then chốt trong thế kỷ vừa qua, một sai lầm tai hại nhất, như chúng ta đã có thể thấy nơi những hậu quả của cả các thể chế Mát-Xít và tư bản. Chúng làm sai lạc ý niệm về thực tại, bằng cách tách nó ra khỏi thực tại nồng cốt và trọng yếu là Thiên  Chúa. Bất cứ ai loại trừ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của mình đều làm sai lầm đi ý niệm về “thực tại”, bởi thế, chỉ có thể đâm đầu vào những ngõ tối tăm mù mịt hay theo những chỉ đạo hủy hoại mà thôi.

 

Bởi thế, vấn đề căn bản đầu tiên cần phải xác nhận là thế này: chỉ có những ai nhận ra Thiên Chúa mới biết được thự ctại và mới có thể đáp ứng nó một cách trọn vẹn và một cách thực sự nhân bản. Sự thật về luận chứng này trở nên hiển nhiên trước cuộc sụp đổ của tất cả những thể chế loại trừ Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, ở đây còn một vấn đề khác lập tức xuất hiện: ai là người nhận biết Thiên Chúa? Làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài? Ở đây chúng ta không thể nào đi sâu vào cuộc bàn luận phức tạp về vấn đề trọng yếu này. Đối với một người Kitô hữu, cái cốt lõi của câu trả lời là những gì giản dị thôi, đó là chỉ có một mình Thiên Chúa mới biết được Thiên Chúa, chỉ có một mình Con của Ngài, Người Con là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật mới biết được Ngài mà thôi. Và Người là “Đấng ở nơi Cha đã tỏ Ngài ra” (Jn 1:18). Bởi thế, đối với chúng ta, đối với nhân loại, Chúa Kitô có một tầm vóc quan trọng đặc thù và bất khả thay thế. Nếu chúng ta không biết Thiên Chúa trong và với Chúa Kitô, thì tất cả mọi thực tại được biến thành một thứ bí ẩn bất khả giải mã; không biết đâu mà mò, và không mò ra thì cũng chẳng có sự sống lẫn sự thật.

 

Thiên Chúa là thực tại trọng yếu, không phải là một thứ Thiên Chúa do thuần tưởng tượng hay giả định, mà là Vị Thiên Chúa có một dung nhan con người; Ngài là Vị Thiên Chúa ở với chúng ta, Vị Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến chết trên  Thập Giá. Khi người môn đệ tiến tới chỗ hiểu được tình yêu “cho đến cùng” này của Chúa Kitô thì họ không thể nào không đáp ứng tình yêu này bằng một tình yêu tương tự: “Tôi muốn theo Thày đến bất cứ nơi nào Thày đi” (Lk 9:57).

 

Chúng ta có thể tự mình đặt thêm một thắc mắc nữa: Niềm tin vào vị Thiên Chúa này cống hiến cho chúng ta những gì? Câu trả lời đầu tiên đó là nó cống hiến cho chúng ta một gia đình, một gia đình hoàn vũ của Thiên Chúa nơi Giáo Hội Công Giáo. Đức tin làm cho chúng ta thoát khỏi bị cô lập của cái “tôi”, vì nó dẫn chúng ta đến mối hiệp thông: ở chỗ, cuộc hội ngộ với Thiên Chúa tự bản chất của mình là cuộc gặp gỡ anh chị em của chúng ta, một tác động của việc tập trung, của thống nhất, của trách nhiệm đối với kẻ khác cũng như đối với những người khác. Theo chiều hướng ấy thì vấn đề ưu tiên giành cho người nghèo được bao hàm nơi đức tin Kitô học nơi Vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để làm cho chúng ta nên giầu có bởi sự bần cùng của Người (x 2Cor 8:9).

 

Tuy nhiên, trước khi chúng ta xét đến những gì được kèm theo bởi niềm tin tưởng của chúng ta nơi Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người này, chúng ta cần phải khai triển vấn đề kỹ lưỡng hơn nữa: làm sao chúng ta có thể thực sự nhận biết Chúa Kitô để có thể theo Người và sống với Người, để tìm thấy sự sống nơi Người và thông truyền sự sống ấy ra cho kẻ khác, cho xã hội và cho thế giới đây? Trước hết và trên hết, Chúa Kitô đã tỏ bản thân của Người, đời sống của Người và giáo huấn của Người ra cho chúng ta qua lời Chúa. Ở vào lúc mở màn cho giai đoạn truyền giáo mới được Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh và Caribbean đang sửa soạn thực hiện, với cuộc Đệ Ngũ Tổng Nghị ở Aparecida đây, một điều kiện tiên quyết bất khả châm chước đó là việc sâu xa hiểu biết lời Chúa.

 

Để đạt được điều này, chúng ta cần phải huấn luyện cho dân chúng đọc và suy niệm lời Chúa: điều này cần phải trở thành lương thực đặc biệt chính yếu của họ, nhờ đó, qua kinh nghiệm riêng của mình, tín hữu sẽ thấy rằng những lời của Chúa Giêsu là thần trí và là sự sống (x Jn 6:63). Bằng không, làm sao họ có thể loan báo một sứ điệp mà nội dung và tin h thần của nó không không thông suốt? Chúng ta cần phải xây dựng việc dấn thân truyền giáo của chúng ta và toàn thể cuộc đời của chúng ta trên tảng đá lời Chúa. Đó là lý do tôi khuyến khích các vị Giám Mục hãy cố gắng làm cho lời Chúa được biết đến .

 

Một cách thức quan trọng để đem Dân Chúa tới mầu nhiệm của Chúa Kitô đó là bằng cách dạy Giáo Lý. Ở đây, sứ điệp của Chúa Kitô được truyền đạt dưới một hình thức có tính cách đơn giản và chủ yếu. Bởi thế cần phải gia tăng việc dạy giáo lý và việc huấn luyện đức tin chẳng những cho trẻ em mà còn cho cả giới trẻ và người lớn nữa. Việc suy tư chín chắn về đức tin là một thứ ánh sáng chiếu soi cho con đường đời và là một nguồn sức mạnh để làm chứng cho Chúa Kitô. Các dụng cụ sáng giá nhất có thể dùng để đạt đến điều ấy đó là cuốn Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo và ấn bản tóm gọn của nó là cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.

 

Về lãnh vực này, chúng ta không được giới hạn mình vào nguyên những bài giảng thuyết, những bài luận thuyết, những khóa Thánh Kinh hay những khóa thần học, song chúng ta cũng cần phải sử dụng đến các phương tiện truyền  thông như sách vở, truyền thanh và truyền hình, các mạng điện toán toàn cầu, các buổi diễn đàn và nhiều phương pháp khác để hiệu nghiệm thông đạt sứ điệp của Chúa Kitô cho con số đông dân chúng. 

 

Trong nỗ lực tiến đến chỗ nhận biết sứ điệp của Chúa Kitô và làm cho sứ điệp này thành một bản chỉ dẫn cho đời sống riêng của mình, chúng ta cần phải nhớ rằng việc truyền bá phúc âm hóa bao giờ cũng đã được phát triển theo việc cổ võ con người và việc giải phóng thực sự của Kitô Giáo. “Tình yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân đã trở nên một; nơi người an hem hèn mọn nhất, chúng ta thấy được chính Chúa Giêsu, và nơi Chúa Giêsu chúng ta thấy được Thiên Chúa” (Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, 15). Vì cùng lý do như thế, cũng cần phải dạy giáo lý về xã hội và thực hiện một cuộc huấn luyện đầy đủ về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, một giáo huấn xã hội có được một dụng cụ rất hữu dụng là cuốn Tổng Lược Giáo Huấn Về Xã Hội của Giáo Hội. Đời sống Kitô hữu không phải chỉ được thể hiện nơi các nhân đức cá nhân thôi, mà còn cả nơi các nhân đức về xã hội và chính trị nữa.

 

Người môn đệ, được xây dựng như thế trên tảng đá lời Chúa, cảm thấy được thúc đẩy mang Tin Mừng cứu độ cho anh chị em mình. Vai trò làm môn đệ và sứ vụ truyền giáo là hai mặt của cùng một đồng tiền, ở chỗ, khi người môn đệ phải lòng Chúa Kitô thì họ không thể nào không loan báo cho thế giới biết rằng chỉ ở nơi Người chúng ta mới thấy được ơn cứu độ mà thôi (x Acts 4:12). Thật vậy, người môn đệ này biết rằng không có Chúa Kitô thì cũng chẳng có ánh sáng, chẳng có hy vọng, chẳng có yêu thương, chẳng có tương lai.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20070513_conference-aparecida_en.html 

 

 

TOP

 

 

? Fatima: Định Mệnh Nhân Loại - Biến Cố Fatima 90 Năm! 

 

Đaminh Maria Cao Tn Tĩnh, BVL

Năm 2007 là năm kỷ niệm 90 năm Biến Cố Fatima. “Theo lịch sử Thánh Mẫu, Biến Cố Fatima là Biến Cố Thánh Mẫu trọng đại nhất trong các Biến Cố Thánh Mẫu, vì Biến Cố Fatima liên quan đến cả vai trò của Giáo Hội cũng như đến vận mệnh thế giới” (NS/TTĐM, 339).

      Thế nhưng, vấn đề “Biến Cố Fatima liên quan đến cả vai trò của Giáo Hội cũng như đến vận mệnh thế giới” ở chỗ nào, đã được bài “Thời Điểm Maria” trong cùng số báo Trái Tim Đức Mẹ số 339 cho Tháng 3/2006 chứng minh như thế này:

     “Trước hết, Biến Cố Fatima liên quan đến vai trò của Giáo Hội là vì, theo ý muốn của Thiên Chúa, được Mẹ Maria tiết lộ cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima ở phần Bí Mật Fatima thứ hai ngày 13/7/1917, và cho riêng chị nữ tu Lucia ngày 13/6/1929, thì Thiên Chúa muốn Vị Chủ Chiên Tối Cao của Giáo Hội là ‘Đức Thánh Cha, hợp cùng với tất cả các vị giám mục trên thế giới, để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ’….

     “Sau nữa, Biến Cố Fatima liên quan đến vận mệnh của thế giới cũng như đến phần rỗi của các linh hồn. Bởi vì, như Mẹ Maria tiết lộ ở ngay đầu phần hai Bí  Mật Fatima vào lần hiện ra thứ ba ngày 13/7/1917 là: ‘Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói được thực hiện thì thế giới sẽ có hòa bình và nhiều linh hồn được cứu rỗi’.”

     Đúng thế, Biến Cố Fatima không phải là Biến Cố Thánh Mẫu chỉ liên quan đến riêng Nước Nga, bằng không, “nếu Nước Nga đã ‘trở lại’, khi nước này tự động giải thể chế độ Cộng Sản vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 1991, thì phải chăng thực sự đã hoàn toàn chấm dứt Thời Điểm Fatima?” (NS/TTĐM 338, 2/2006).      Trái lại, căn cứ vào Bí Mật Fatima, ở chi tiết cuối cùng thuộc phần thứ hai của bí mật này: ‘cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình’, thì Thời Điểm Fatima vẫn tiếp tục kéo dài, như cũng đã được suy diễn dẫn giải như sau:

     “Nếu căn cứ vào lời tiên báo này của Mẹ Maria thì Thời Điểm Fatima chưa chấm dứt sau biến cố ‘Nước Nga trở lại’. Vì, sau khi Nước Nga trở lại, Thời Điểm Fatima còn bao gồm cả giai đoạn ‘thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình’ nữa. Đến đây, vấn đề được đặt ra là thời gian hòa bình thế giới được hưởng sau biến cố Nước Nga trở lại như Mẹ Maria tiên báo đây sẽ kéo dài trong bao lâu?

     “Theo người viết, căn cứ vào lịch sử đang diễn tiến, thì giai đoạn ‘thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình’ này đã hoàn toàn qua đi mất rồi, chỉ vỏn vẹn có 10 năm ngắn ngủi thôi, từ năm 1991 đến 2001. Tức từ chính ngày Lễ Chúa Giáng Sinh 25/12/1991, ngày kỷ niệm Trời Cao loan báo sứ  điệp ‘bình an dưới thế cho người Chúa thương’, qua biến cố Nước Nga tự động giải thể chế độ Cộng Sản, đến biến cố 911 (con số viết theo kiểu của người Mỹ báo hiệu tình trạng lâm nguy) ngày 11 tháng 9 năm 2001, ngày lịch sử thế giới bắt đầu một trận chiến mới, không còn là một thứ Chiến Tranh Lạnh - Chiến Tranh Chủ Nghĩa Chính Trị và Kinh Tế giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản thời hậu Thế Chiến Thứ Hai nữa, mà là Chiến Tranh Nóng - Chiến Tranh Xung Đột Văn Hóa và Tôn Giáo, với cuộc khủng bố tấn công giữa thanh thiên bạch nhật của một số phần tử thuộc thế giới Ả Rập (Hồi Giáo) vào ngay trung tâm kinh tế và chính trị của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ, (đối với thành phần khủng bố) tiêu biểu cho thế giới Tây Phương (Kitô Giáo).

     “Phải chăng lịch sử thế giới đi từ biến cố Nước Nga trở lại đến biến cố Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công, từ Chiến Trạnh Lạnh sang Chiến Tranh Nóng như thế, đã và đang là những gì thực sự ứng nghiệm lời tiên đoán của Thánh Long Mộng Phố (Louis de Montfort) trong cuốn ‘Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria’ của ngài, một tác phẩm ngài đã viết từ đầu thế kỷ 18 và đã được phổ biến giữa thế kỷ 19 (năm 1843), như sau:

      “’Mẹ Maria, theo lệnh của Đấng Tối Cao, chính là vị sẽ trang bị cho họ (thành phần môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô), để vương quốc của Ngài bao trùm trên vương quốc của người vô đạo, vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng và vương quốc của Tín Đồ Hồi Giáo’ (đoạn 59)”. (NS/TTĐM 339, 3/2006)

     Bởi vậy, chính vì Nước Nga đã trở lại, song vấn đề hòa bình thế giới vẫn còn là một vấn đề vô cùng nan giải đối với con người văn minh càng ngày càng gần như tiến tới tột đỉnh về cả phương diện khoa học kỹ thuật lẫn nhân bản, nhất là vấn đề phần rỗi của con người sống trong thời đại có thể nói “thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn”, đến nỗi đã mất đi ý thức tội lỗi, vô cùng nguy hiểm đến số phận đời đời của họ, mà Biến Cố Fatima quả thực là một Biến Cố Thánh Mẫu liên hệ tối khẩn tới định mệnh nhân loại, một biến cố đầy chiến đấu tính, với một Đạo Binh Dàn Trận ngay từ khi mở màn, như đã được (NS/TTĐM, 240, 4/2006) nhận định như sau: 

     “Theo diễn tiến của Biến Cố Fatima và Bí Mật Fatima thì Fatima đúng là Thời Điểm Đạo Binh Dàn Trận của Nữ Tướng Thắng Trận Maria, vị mà, vào ngày 13/10/1917, đã tự xưng mình ‘Ta là Mẹ Mân Côi’. Lịch sử Thánh Mẫu cho thấy, khác với bất cứ một Biến Cố Thánh Mẫu nào trước đó hay sau đó, Biến Cố Thánh Mẫu Fatima mang chiến đấu tính ngay từ ban đầu, đúng như Thánh Louis Montfort đã tiên đoán thật là chính xác trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đoạn 50) của ngài:

     “’Đối với ma quỉ cùng quân quốc của hắn, Mẹ Maria chắc chắn trở thành kinh hoàng khủng khiếp như một đạo binh dàn trận, nhất là vào những thời gian sau này, vì ma quỉ, khi biết rằng không còn nhiều thời gian, và giờ đây càng ít thời gian hơn nữa, trong việc hủy hoại các linh hồn, sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của hắn cũng như những cuộc chiến đấu của hắn’.

     “Lời tiên đoán Thánh Long Mộng Phố viết trên đây đã được âm vang nơi lời chị Lucia nói với vị linh mục đóng vai phó cáo thỉnh viên trong tiến trình điều tra phong Á Thánh cho Phanxicô và Giaxinta là Fuentes ngày 26/12/1957, những lời được linh mục Joaquin Maria Alonso, C.M.F, phổ biến trong cuốn The Secret of Fatima - Fact and Legend, The Ravengate Press, Cambridge 1990, trang 109, như sau:

     “’Ma quỉ đang thực hiện một cuộc quyết chiến với Trinh Nữ Maria. Hắn thấy rằng thời gian của mình không còn dài, nên hắn tận dụng mọi nỗ lực để chiếm đoạt nhiều linh hồn bao nhiêu có thể’.

     “Đúng thế, vì Fatima là Thời Điểm của một Mẹ Maria oai hùng như Đạo Binh Dàn Trận mà, ngay từ lần hiện ra đầu tiên, 13/5/1917, chưa xưng mình là ai và đến để làm gì, Mẹ Maria đã vội vàng triệu tập một đạo binh để chiến đấu với Satan trong việc cứu độ các tội nhân ngay, qua lời kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé là Lucia (10 tuổi), Phanxicô (9 tuổi) và Giaxinta (7 tuổi), như sau:

     “- Các con có sẵn lòng dâng mình cho Thiên Chúa hầu chấp nhận mọi đau khổ Ngài để xẩy ra, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?

     “- Vâng, chúng con sẵn lòng!

     “- Vậy thì các con sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ phù trợ các con.

     “Phải, ‘đạo binh dàn trận’ của Đức Mẹ Mân Côi, của Đức Mẹ Thắng Trận, mở màn cho Thời Điểm Fatima chính là 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé này. Các em đã ‘dàn trận’ khi thưa ‘vâng, chúng con sẵn lòng’”…..

     Bởi vậy, để tiếp theo một loạt 10 bài suốt năm 2006 về Thánh Mẫu liên quan tới Thời Điểm Fatima (NS/TTĐM 339 và 340) và Fatima Đạo Binh Dàn Trận (NS/TTĐM 341-348), một Đạo Binh Dàn Trận chẳng những với 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta, mà còn với cả Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã bị ám sát (thoát chết) vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Biến Cố Fatima 64 năm, và là vị Giáo Hoàng từ biến cố thoát chết này đã trọn vẹn đáp ứng Bí Mật Fatima, bằng việc chính thức hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984, nhờ đó Nước Nga đã thực sự trở lại vào Lễ Giáng Sinh 1991 khi tự động giải thể chế độ Cộng Sản qua việc từ chức của lãnh tụ Cộng Sản Liên Sô cuối cùng là Gaborchew, chúng ta hãy cùng nhau, trong năm 2007, thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Fatima 90 năm (1917-2007), tiếp tục đi sâu hơn vào Biến Cố Thánh Mẫu này, để thấy được tầm quan trọng và tính cách khẩn trương thực sự của một biến cố liên quan đến định mệnh nhân loại, vì Biến Cố Fatima chất chứa một Dự Án Fatima có dính dáng tới cả phần rỗi đời đời của riêng các linh hồn lẫn tình hình hòa bình chung của toàn thế giới, như Mẹ Maria đã tiết lộ ở đầu phần thứ hai của Bí Mật Fatima: “Nếu điều Mẹ nói được thực hiện thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình”.

     Tuy nhiên, như Chúa Kitô không sống lại thì đức tin Kitô Giáo và việc truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo chỉ là những gì hoang đường và luống công vô ích thế nào, thì ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima cũng thế. Đó là lý do vấn đề tối quan trọng cần phải được đặt ra ở đây, một vấn đề cần phải giải quyết trên hết, trước khi bàn đến bất cứ một vấn đề nào khác, đó là vấn đề liên quan tới tính chất chân thật của Biến Cố Fatima, hay nói cách khác: Biến Cố Fatima có thật hay chăng?

     Thật ra, khi nói tới Fatima, người ta hay nghĩ tới hoặc chỉ biết tới những gì rất ư là đơn giản và căn bản, như Ba Mệnh Lệnh Fatima (cải thiện đời sống, lần hạt mân côi và tôn sùng mẫu tâm), như ba Thiếu Nhi Fatima (Lucia, Phanxicô và Giaxinta), như Bí Mật Fatima v.v. vậy thôi. Đối với một số người quan tâm tới Fatima kha khá một chút, hay chuyên nghiên cứu về Fatima, thì có thể nhiều vấn đề gai góc liên quan đến Biến Cố Thánh Mẫu đầu thế kỷ 20 này sẽ được đặt ra. Chẳng hạn:

     Tại sao Đức Mẹ lại hiện ra vào năm 1917 mà không phải một năm nào khác, trước đó hay sau đó?

     Tại sao Mẹ Maria lại chọn hiện ra vào ngày 13 trong tháng, và tại sao Mẹ lại cứ nhất định phải hiện ra vào ngày 13 trong 6 tháng liền, từ Tháng 5 tới Tháng 10 cùng năm, mà không trước hay sau đó, hoặc cách ra hoặc nhiều hơn 6 lần hay ít hơn 6 lần?

     Tại sao Bí Mật Fatima có ba phần, ba phần này là gì, và ba phần ấy có liên hệ gì với nhau hay chăng?

     Tại sao Sứ Điệp Fatima gồm có 3 mệnh lệnh, 3 mệnh lệnh này có liên hệ gì với nhau hay chăng, và mệnh lệnh chính trong 3 mệnh lệnh là mệnh lệnh nào?

     Tại sao Mẹ Maria lại chọn 3 em Thiếu Nhi Fatima mà không chọn 1 em thiếu niên như ở Lộ Đức, hay 2 em thiếu niên như ở La Salette?

     Tại sao Mẹ Maria lại không chọn danh xưng nào khác mà lại chọn xưng mình ‘Ta là Mẹ Mân Côi’ ở Fatima vào lần cuối cùng hiện ra ở đây, trước phép lạ mặt trời nhẩy múa?

     Tại sao Mẹ Maria đã chọn địa điểm hiện ra ở Fatima nước Bồ Đào Nha mà không chọn một địa điểm nào khác, hay ở một nước khác, trong khi đó, vào thế kỷ 19, Mẹ đã chọn 3 nơi đều ở Pháp (Paris năm 1830, La Salette năm 1846 và Lourdes năm 1858) để hiện ra?

     Tại sao Thiên Chúa không thiết lập lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa mà là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới?

     Thế nhưng, vấn đề vẫn là ở chỗ nếu Biến Cố Fatima không có thật thì Sứ Điệp Fatima cũng chẳng quan hệ gì, Bí Mật Fatima chỉ là một thứ trò ảo thuật làm hoa mắt các kẻ tò mò, và lịch sử Fatima cũng chỉ là một câu truyện hoang đường vậy thôi.

    Biến Cố Fatima có thật hay chăng?

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ