GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 5/6/2007

TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

 

?   Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 3/6/2007: Giáo Hội có thêm 4 Tân Thánh Nhân

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: “Tất cả những gì chúng ta làm đều được thực hiện trong mối hiệp thông với Người

?  Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

 

?  Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 3/6/2007: Giáo Hội có thêm 4 Tân Thánh Nhân

 

Tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức XVI, trong Thánh Lễ Chúa Ba Ngôi, Chúa Nhật 3/6/2007, dưới trời mưa, đã tôn phong thêm 4 tân Thánh Nhân cho Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Đó là các vị Chân Phước George Preca (1880-1962), Szymon of Lipnica (1435-1482), Karel van Sint Andries Houben (1821-1893) và Marie-Eugenie de Jesus Milleret (1817-1898). Trong số thành phần tham dự, có 4 vị tổng thống của 4 tân thán h nhân sau đây:  Edward Fenech Adami, tổng thống Malta, Mary McAleese, tổng thống Ireland, Lech Kaczynski, tổng thống Poland và Gloria Macapagal Arroyo, tổng thống Philippines.

 

Trong bài giảng của mình, ĐTC đã cắt nghĩa làm thế nào “từng vị thánh được chia sẻ vào kho tàng phong phú của Chúa Kitô, một kho tàng lấy từ Cha và thông đạt vào thời điểm thích thuận. Sự thánh thiện bao giờ cũng là sự thánh thiện của Chúa Giêsu, Người bao giờ cũng là ‘Vị Thánh’ được Thần Linh khuôn đúc nơi ‘các linh hồn thánh thiện’ để làm cho họ thành bạn hữu của Chúa Giêsu và là những chứng nhân cho sự thánh thiện  của Người”.

 

Về vị tân Thánh George Preca, vị thánh tiên khởi ở Malta và là sáng lập viên của tổ chức “Societas Doctrinae Christianae," ĐTC đã diễn tả ngài như là “một vị linh mục hoàn toàn dấn thân cho vấn đề truyền bá phúc âm hóa, bằng việc giảng dạy của ngài, bằng văn từ của ngài, bằng việc linh hướng và bằng việc ban phát các Bí Tích, nhất là bằng đời sống gương mẫu của ngài… Chớ gì vị thánh này giúp Giáo Hội, ở Malta cũng như trên thế giới, luôn trở thành âm vang trung thực cho tiếng nói của Thiên Chúa là Lời nhập thể”.

 

Nói đến vị tân Thánh Balan Szymon ở Lipnica thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn, “một người con cao cả của Balan, vị nhân  chứng của Chúa Kitô và là môn sinh theo linh đạo của Thánh Phanxicô Assisi”, được ngài nhận định với “đầy lòng xót thương bắt nguồn từ Thánh Thể, ngài không ngần ngại rat ay cứu trợ các nạn nhân của dịch bệnh và chính ngài cũng bị nhiễm chứng bệnh đưa ngài đến cửa tử.  Hôm nay, chúng ta đặc biệt ký thác cho việc bảo vệ của ngài những ai đang bị khổ đau vì nghèo khổ, bệnh nạn, cô độc và bất công xã hội. Nhờ lời chuyển cầu của ngài, chúng tax in được ơn kiên trì và năng động mến yêu Chúa Kitô cũng như tha nhân của chúng ta”.

 

Về vị linh mục tân Thánh người Dutch là Karel van Sint Andries Houben thuộc Dòng Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, Đức Thánh Cha nói: “trong nhiều năm thi hành thừa tác vụ linh mục của mình ở Anh quốc và Ái Nhĩ Lan, dân chúng tuôn đến với ngài để tìm kiếm những lời khuyên bảo khôn ngoan của ngài, mối chăm sóc cảm thương của ngài và việc va chạm chữa lành của ngài. Ngài nhận thấy dung nhan của Chúa Kitô tử giá nơi thành phần bệnh nhân và đau khổ, Đấng ngài suốt đời say mến”.

 

Vị tân Thánh Pháp quốc Marie-Eugenie de Jesus Milleret, nữ sáng lập Tổ Chức Chị Em của Trinh Nữ Maria Mông Triệu, Đức Giáo Hoàng nói tân thánh nhân “nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Thánh Thể đối với đời sống Kitô hữu cũng như đối với việc tăng trưởng thiêng liêng… Ngài đặc biệt ý thức được tầm quan trọng của việc cống hiến cho các thế hệ mới, đặc biệt là nơi những người con gái trẻ trung, việc huấn luyện về tri thức, luân lý và thiêng liêng để bảo đảm họ trở thành những người lớn có khả năng nhận lãnh trách nhiệm đối với gia đình của họ và đóng góp với Giáo Hội và xã hội. Suốt cuộc sống của mình, ngài đã tìm thấy sức mạnh cho sứ vụ của mình nơi đời cầu nguyện, liên  lỉ liên kết giữa việc chiêm niệm và hoạt động. Chớ gì gương của Thánh Marie-Eugene là những gì tác động những con người nam nữ ngày nay trong việc truyền đạt cho giới trẻ những thứ giá trị có thể giúp cho họ trở thành những trưởng thành nhân vững mạnh và những chứng nhân hân hoan của Chúa Kitô phục sinh”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 4/6/2007

 

 TOP

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: “Tất cả những gì chúng ta làm đều được thực hiện trong mối hiệp thông với Người

 

Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 ở Đền Thờ Gioan Latêranô:

 

(tiếp 4 Thứ Hai)

 

“Quí linh mục Rôma thân mến, Chúa Kitô Phục Sinh đang kêu gọi chúng ta hãy trở thành chứng nhân của Người và ban cho chúng ta sức mạnh Thần Linh của Người để chúng ta có thể thực sự trở thành như thế. Thế nên cần phải ở với Người (x Mk 3:14; Acts 1:21-23) trong cả cuộc sống. Như trong lời diễn tả đầu tiên về ‘sứ vụ tông đồ – munis apostolicum’ ở Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 3, một trình thuật nói về những gì Chúa Kitô nghĩ về ý nghĩa của một vị tông đồ, đó là ở với Người và sẵn sàng thi hành sứ vụ. Hai điều này đi đôi với nhau và chỉ ở với Người chúng ta cũng và luôn cùng Phúc Âm tiến đến với những người khác mà thôi.

 

“Như thế, rất cần phải ở với Người, có thế, nỗi khắc khoải ấy mới thấm nhập chúng ta và mới làm cho chúng ta có thể mang quyền lực và niềm vui của đức tin đến cho những người khác bằng cả cuộc sống của chúng ta chứ không phải chỉ bằng mấy lời nói suông.

 

“Dĩ nhiên, đối với chúng ta, việc gắn bó và hiến thân này mỗi một người trong anh em phải trả giá riêng. Cái giá phải trả này bao gồm nào là giờ giấc, lo toan, tiêu hao sinh lực. Tôi biết các nỗ lực hằng ngày của anh em và xin thay Chúa cám ơn anh em. Thế nhưng, tôi cũng muốn giúp anh em bao nhiêu có thể để anh em không đứt gánh giữa đường.

 

“Thật vậy, để có thể mang vác, thậm chí có thể tăng trưởng, với tư cách là một con người và là một linh mục, trước hết cần phải sống hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng được dinh dưỡng bằng ý muốn của Chúa Cha (x Jn 4:34): tất cả những gì chúng ta làm đều được thực hiện trong mối hiệp thông với Người, nhờ đó, chúng ta luôn tái nhận thức được mối hiệp nhất của cuộc sống chúng ta nơi nhiều phương diện trong các mối quan tâm hằng ngày của mình.

 

“Chúng ta cũng học được từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến để làm theo ý muốn của Cha, nghệ thuật khổ chế của linh mục là những gì ngày nay cần thiết: nó không được thực hiện như là một gánh nặng chồng chất thêm vào các hoạt động mục vụ khiến cho ngày sống của chúng ta càng trở nên  khó khăn hơn. Trái lại, chúng ta cần phải biết cách thắng vượt bản thân mình, biết cách ban tặng và biết cách cống hiến đời sống của mình.

 

“Thế nhưng, nếu tất cả những điều này thực sự xẩy ra nơi chúng ta, nhờ đó chính hành động của chúng ta thực sự trở thành việc khổ chế của chúng ta và là việc tự hiến của chúng ta, có thế tất cả những điều ấy không phải chỉ là một điều ước muốn suông, thì chắc chắn chúng ta cần đến những giây phút để lấy lại nghị lực của mình, bao gồm cả nghị lực về thể lý, nhất là để cầu nguyện và suy niệm, trở về với con người nội tâm của chúng ta và tìm Chúa trong chúng ta”.

 

“Như thế, vấn đề bỏ giờ ra sống trước nhan Chúa bằng việc nguyện cầu là một ưu tiên mục vụ thực sự; nó không phải là một thứ thêm thắt vào hoạt động mục vụ: ở trước nhan Chúa là một ưu tiên mục vụ và phải nói là một ưu tiên quan trọng nhất. Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy điều này một cách cụ thể và rạng ngời nhất qua tất cả mọi hoàn cảnh sống và thi hành thừa tác vụ của ngài.

 

“Quí linh mục thân mến, chúng ta không bao giờ có thể nhấn mạnh cho đủ tính cách sâu xa và quan trọng của việc bản thân chúng ta đáp ứng với ơn gọi nên thánh. Nó không những là một điều kiện để việc tông đồ riêng của chúng ta sinh hoa kết trái mà, nói một cách tổng quan hơn, còn để cho dung nhan của Giáo Hội phản quang ánh sáng của Chúa Kitô nữa (x Ánh Sáng Muôn Dân, 1), nhờ đó lôi kéo dân chúng nhìn nhận và tôn thờ Chúa Kitô.

(còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Con Người: Tiến Trình Phá Sản Luân Lý với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(tiếp 4 Thứ Hai)

 

Lịch sử đã hiển nhiên cho thấy, cuộc khủng hoảng này cùng với những ý hệ sự dữ của nó đều xuất phát từ chung Tây Phương (kể cả Bắc Mỹ) và riêng Âu Châu (cách riêng Tây Âu), một châu lục chẳng những mở màn cho ý thức triết học (từ Hy Lạp trước Công Nguyên) mà còn cho cả văn minh vật chất (khoa học và kỹ thuật) lẫn văn minh nhân bản (nhân phẩm và nhân quyền), một châu lục có thể gọi là thế giới Kitô giáo và theo văn minh Kitô giáo, một châu lục chẳng những đã truyền bá văn minh vật chất và nhân bản khắp thế giới mà cả Kitô giáo nữa. Thế mà, trong thế kỷ 20 cũng là thế kỷ kết thúc hai ngàn năm Kitô giáo của họ, hai Thế Chiến chính yếu đã xẩy ra ở châu lục này, và hai chủ nghĩa độc tài sắt máu Nazi và Cộng sản cũng bắt nguồn từ châu lục này, để rồi, cho đến nay, châu lục này, trong nội bộ, đang bị phá sản văn hóa và đức tin hơn bao giờ hết, và đang cần phải được cấp thời tái truyền bá phúc âm hóa.

 

Tại sao thế? Phải chăng vì Kitô giáo là căn gốc chung của châu lục này không có khả năng cứu độ, không có tác dụng gì vào thời điểm con người văn minh? Hay vì châu lục văn mình này đã hoàn toàn chối bỏ căn tính Kitô giáo của mình, (như bản dự thảo của Khối Hiệp Nhất Âu Châu cho thấy), mà nó đã chẳng những đi đến chỗ mất gốc mà còn đang bị bật gốc nữa? (xin xem cùng một tác giả, “Giới Trẻ Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, Cao-Bùi 1996, trang 10-11; “Ý Thức Kitô Giáo”, Cao-Bùi 1998, trang 3-5; “Ánh Sáng Thế Gian”, Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam Tại Hoa Kỳ, 2000, trang 7-8):

 

·        “Như thế, hiện tượng thụt lùi của đạo (về luân thường tín lý) trước đà lấn át của đời (về tiện nghi vật chất) không phải là một bằng cớ phủ nhận chính đáng và hiển nhiên nhất bản chất chân thật và thiện hảo đích thực của Kitô Giáo sao??

 

“Ngược lại, cũng có thể đặt vấn đề như thế này, sở dĩ lịch sử, ở vào thế kỷ 20 nói chung và hậu bán thế kỷ này nói riêng, đang thoi thóp như hấp hối chết trong mùa đông ‘văn hóa tử vong’ (‘culture of death’ - thành ngữ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) như thế, chính là vì con người đã lìa bỏ văn hóa Kitô Giáo, một văn hóa đã làm nên ‘văn minh yêu thương’ (‘civilization of love’ - thành ngữ của Đức Thánh Cha Phaolô VI) cho cả 20 thế kỷ qua”.

 

Theo Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sở dĩ Âu Châu (và từ Âu Châu lan đến toàn thế giới) đã đi đến thảm trạng này là vì châu lục này đã phủ nhận căn tính Kitô giáo của mình, phủ nhận Ơn Cứu Chuộc, bằng việc chấp nhận và sống theo ý hệ duy nhân bản sai lầm về con người, một ý hệ phát xuất từ Thời Minh Tri hay Chủ Nghĩa Minh Tri (Enlightenment) chủ trương duy lý, một thời đã bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng triết học trước đó của một triết gia người Pháp là Descartes.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ