SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 

Tuần XXIX Thường Niên Năm C (Chúa Nhật) Năm Chẵn (trong tuần)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Xh 17, 8-13

"Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận".

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: "Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi". Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất (c. 2).

Xướng: 1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. - Ðáp.

2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say. - Ðáp.

3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. - Ðáp.

4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Tm 3, 14 - 4, 2

"Người của Thiên Chúa được hoàn hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Chủ đề của Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C thoạt tiên cứ tưởng là vấn đề cầu nguyện, nhưng thật ra lại tiếp tục vấn đề đức tin. Thật vậy, căn cứ vào Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, cách riêng là bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 thì việc cầu nguyện hiện lên rõ ràng. Nếu trong bài Phúc Âm, Thánh Ký Luca đã ghi nhận ngay ở đầu bài về vấn đề cầu nguyện như thế này: "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng...", thì trong Bài Đọc 1, sách Xuất Hành cũng cho chúng ta thấy hình ảnh một "ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế".

Tuy nhiên, cầu nguyện là tác động của đức tin. Nếu không tin tưởng chắc chắn người ta sẽ không cầu nguyện. Không phải hay sao, ngay chi tiết "Chúa Giêsu... dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng" đã cho thấy muốn cầu nguyện phải có đức tin, phải tin tưởng, chứ "đừng ngã lòng". Nhân vật Moisen cũng vậy, nếu không tin vào quyền năng của Thiên Chúa là Đấng có thể cứu dân mình cho khỏi lực lượng dân địa phương Amalech quen thuộc địa giới tấn công, bằng không dân Do Thái của ông chỉ có từ chết đến bị thương, vì bấy giờ dân này mới là một thứ dân du mục, đang hành trình trong sa mạc, không có quân hùng tướng mạnh, không được huấn luyện gì về chiến đấu. Đức tin của Moisen đại diện cho dân Do Thái đang cầm cự bấy giờ được tỏ hiện nơi việc ông kiên trì qua cử chỉ cầu nguyện là giang tay ra ở trên núi,  vì núi ám chỉ Đấng Tối Cao, nơi Moisen hay lên gặp Thiên Chúa.

Chưa hết, ở cuối cùng bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn cảnh báo cho các môn đệ của Người về đức tin, chứ không phải về cầu nguyện, như sau: "Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Đến đây chúng ta mới hiểu được tất cả ý nghĩa sâu xa và chiều hướng thực sự của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, liên quan đặc biệt đến bài Phúc Âm và Bài Đọc 2.

Đúng thế, vì Chúa Nhật này là Chúa Nhật thứ XXIX Thường Niên, tức đã gần đến cuối phụng niên, đến tuần Thứ XXXIV Thường Niên, tuần lễ mở đầu bằng Lễ Chúa Kitô Vua, nên Giáo Hội bắt đầu chọn đọc các bài Phúc Âm liên quan đến tận thế, đến ngày cùng tháng tận, đến thời điểm sau hết của Mầu Nhiệm Cánh Chung, đến sự kiện Chúa Kitô đến lần thứ 2. Bộ Phúc Âm Nhất Lãm cũng thế, càng về cuối của cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Kitô, tức càng gần đến biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô, các vị Thánh ký càng ghi lại những trình thuật liên quan đến tận thế.

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm C theo Thánh ký Luca hôm nay là một điển hình, như một dạo khúc mở màn, ở ngay câu kết thúc bài Phúc Âm: "Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Và đó là lý do "khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn...", liên quan đến vấn đề vô cùng quan trọng cho hành trình đức tin của Kitô hữu trên đời này, bằng không, tất cả cuộc sống đạo chỉ là vô nghĩa, nếu không muốn nói là cuồng tìn và vô vọng: "Chúa sẽ kíp giải oan".

Không phải hay sao, nếu không có biến cố chung thẩm, hay nếu Chúa Kitô không đến lần thứ hai "để phán xét kẻ sống và kẻ chết", như Kitô hữu Công giáo hằng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính vào mỗi Chúa Nhật hay lễ trọng trong năm, thì thành phần hèn mọn nhất của Chúa Kitô (xem Mathêu 25:40,42), thành phần bị đàn áp, bóc lột, loại trừ, bỏ rơi, coi thường v.v. sẽ là những con người khốn nạn nhất, "thà đừng sinh ra còn hơn" (Mathêu 26:24).

Tác giả Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã xác tín và khẳng định rất rõ ràng về mục đích của sự kiện bất khả tránh đó là biến cố Chúa Kitô tái giáng, rằng: "Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người" (Do Thái 9:28). Chính vì thế, trong cuộc chung thẩm và bằng cuộc chung thẩm, "lúc Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người" (Mathêu 25:31-32), chính là lúc "Chúa sẽ kíp giải oan" cho những ai không "ngã lòng", nghĩa là Thiên Chúa, qua Chúa Kitô tái giáng, "mang ơn cứu độ đến cho những ai trông đợi Người".

Theo chiều hướng tin tưởng của bài Phúc Âm, vị tông đồ dân ngoại Phaolô, trong Thư gửi người môn đệ Timôthêu của mình, ở Bài Đọc thứ 2 hôm nay, đã khuyên dạy rằng: "Con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín... để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô... Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết". "Kẻ sống" đây phải chăng chính là thành phần "chiên bên phải" (Mathêu 25:33) hiền lành dễ "bị mang đi sát tế" (Isaia 53:7) như chính "Chiên Thiên Chúa" (Gioan 1:29,36)!?

Thành phần khốn khổ trên trần gian này thường là thành phần, nhờ thân phận khốn cùng của mình, dễ tin tưởng vào Thiên Chúa hơn, như hình ảnh một Lazarô trong Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C trước đây, và tâm trạng càng khốn khổ càng tin tưởng vào Đấng duy nhất có thể cứu độ họ, được chất chứa trong Thánh Vịnh 120 (1-8) được Giáo Hội trích lại cho Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất.

2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.

3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm.

4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.

 

Thánh HEDVIGA Nữ Tu

(1174-1243)

16/10

 

StHedwig.jpg

 

Thánh nữ Hedviga sinh tại Bavaria vào khoảng năm 1174. Ngay từ hồi 4 tuổi, Ngài đã được gửi học tại tu viện. Lên 12 tuổi, Ngài kết hôn với Henri, bá tước miền Silêsia.

 

20 tuổi, thánh nữ Hedviga đã là mẹ của sáu người con, ba trai ba gái. Năm 1209, họ quyết định hiến thân cho Thiên Chúa để sống đời khiết tịnh nhưng vẫn chu toàn trách vụ thuộc bổn phận mình. Họ sống như anh em, lo cho con cái lẫn các gia nhân sống đạo đức mà không dung túng cho bất cứ một chuyện dèm pha nào. Mỗi ngày nữ bá tước nuôi cho 13 người ăn, để kính Chúa Giêsu và 12 tông đồ. Ngài mặc một áo nhặm bên trong các y phục thường ngày, khiến Ngài phải chịu nhiều hy sinh lớn lao.

 

Nhưng các đau khổ tinh thần còn lớn lao hơn, như xé nát lòng người. Vị bá tước dầu đáng kính nhưng lại có khuyết điểm là thương riêng Conrad, người con thứ hơn các người con khác. Ông coi Conrad như người kế vị mình. Sự thiên tư này đã là nguồn gốc gây nên mối thù oán... dữ dằn giữa người anh út với anh mình. Họ gây chiến đấu với nhau và Conrad bại trận. Sau đó ít lâu, Conrad từ trần trong tinh thần sám hối. Nhưng những tranh chấp tương tàn và những cái tang này đã làm cho vị bá tước còn tránh xa thế sư hơn nữa.

 

Thánh nữ Hedviga thiết lập một nhà dòng khổ tu ở gần Breslau... Gertrude, người con gái duy nhất còn sống cho tới khi thánh nữ từ trần sẽ làm bề trên tu viện này. Nơi đây các em gái mồ côi và nghèo túng tìm được chỗ dung thân, chúng được đào tạo để trở nên những bà mẹ tốt trong gia đình hơn là để theo đuổi ơn kêu gọi. Riêng thánh nữ Hedviga lại đóng vai trò người tôi tớ rửa chân cho các người phong cùi. Lời Ngài mang lại hạnh phúc cho những ai tới gần và gặp gỡ Ngài.

 

Trong một cuộc chiến, bá tước Henri bị bá tước miền Warzava cầm tù. Ong này từ chối mọi thỏa hiệp, để cứu cha, công tử Henri II muốn khởi binh. Nhưng thánh nữ Hedviga muốn tránh đổ máu nhiều hơn nữa, Ngài đích thân đến gặp kẻ chiến thắng. Gặp Ngài, ông ta bỗng dịu lại và chấp nhận thỏa hiệp. Vị bá tước được trả tự do. Nhưng vì vết thương quá trầm trọng, ông qua đời năm 1238.

 

Hedviga đau lòng, nhưng vâng ý Chúa, Ngài mặc áo dòng ở Treibnitz, và dù không tuyên bố lời khấn, Ngài trung thành với các bổn phận, dưới sự điều khiển của con mình là Gertrude. Làm những việc thấp hèn, phục vụ những người nghèo khổ, Ngài nói với các nữ tu: - Các chị là hôn thê của Chúa Giêsu, còn tôi chỉ là tôi tớ Người.

 

Sau ba năm goá bụa, thánh Hedviga còn chịu một nỗi thống khổ chót, đó là cái chết của Hênri II... Ông đã ngã gục trong cuộc chiến chống lại người Rartares. Thánh Nữ Hedviga đã linh cảm thấy trước về cái chết này. Một bản tường thuật ghi lại rằng, vào một buổi tối hôm khởi chiến, thánh nữ đánh thức một chị bạn và nói: - Demundis ơi ! chị biết, tôi đã mất con rồi. Đứa con yêu dấu đã xa tôi như con chim gãy cánh. Tôi sẽ không còn thấy nó trên trần gian này nữa.

 

Ba ngày sau, một nguồn tin xác quyết này, thánh Hedviga nói : - Đó là ý Chúa. Điều Chúa muốn và vui thỏa cũng phải làm cho chúng ta mãn nguyện.

 

Và vui mừng trong Chúa Ngài nói: - Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con được những đứa con như vậy. Suốt đời nó thương mến con và không hề làm gì cho con đau lòng. Con muốn có nó trong đời. Nhưng con hết lòng chúc tụng Chúa về việc đổ máu của nó, khiến nó được kết hợp với Chúa trên trời là đấng tạo thành nên nó.

 

Thánh nữ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường thăng tiến. Ngài đã trải qua những buổi cầu nguyện thâu đêm. Các sử gia còn ghi lại nhiều phép lạ thánh nữ đã thực hiện. Cuối cùng, Ngài được mạc khải cho biết trước giờ chết của mình.

 

Dầu không có gì trầm trọng, Ngài đã xin được lãnh các bí tích sau hết. Khi vừa rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện được hai tiếng : "Lạy Chúa, Lạy Chúa" thì Ngài từ trần. Hôm đó là ngày 15 tháng 10 năm 1243, năm 1267, nghĩa là 24 năm sau, Ngài được suy tôn lên bậc hiển thánh .

http://giaophanvinhlong.net/thanh-nu-hedviga.html & http://conggiao.info/thanh-hedviga-nu-tu-1174-1243-d-19396

 

Thánh Margarita Maria Alacoque
(1647-1690)

Vị Thánh liên quan đến Thánh Tâm Chúa

Thánh Tâm Chúa Giêsu

 

Tres armas del Sagrado Corazón de Jesús para la lucha espiritual

 

Thánh Margarita Maria Alacoque: Dạo Khúc Thánh Tâm

Thời Điểm Thánh Tâm cho tới thời Thánh Margarita

Thiên Chúa bảy tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại Ngày thứ năm ấy, cách đây gần ngót 2000 năm, lúc nhá nhem tối, tại Giêrusalem, Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua lần cuối cùng của đời Ngài với mười hai môn đệ, vì đến hôm sau thì Ngài tự nộp mình để lãnh án tử hình.

       Trong bữa tiệc, tâm hồn khắc khoải, Chúa phán : Thầy bảo thật với các con, một người trong chúng con sẽ nộp Thầy. Các môn đệ đều ngạc nhiên nhìn nhau cố ý dò xét Chúa muốn nói về người nào. Gioan, đầu đang được dựa vào ngực Chúa, nên Phêrô ra dấu cho Gioan, yêu cầu Gioan hỏi riêng Chúa để biết ai là kẻ đã phản Thầy. Chắc chắn Gioan vô cùng cảm xúc được nghe trái tim Chúa phập phồng hồi hộp (Gioan 13, 21-25).

       Hôm sau, tức là ngày thứ sáu, trên đồi Golgotha, lúc ba giờ chiều, dưới chân thánh giá, bên cạnh Đức Maria, mẹ của Chúa, có Maria Magdalêna và mấy bà nhân đức, Gioan lại càng cảm động trầm tư khi được nghe bảy câu nói tối hậu của Chúa :

1. Hôm nay ngươi được vào nước trời với ta (Lc 23, 43).

2. Xin Cha tha cho chúng vì chúng chẳng biết việc chúng làm (Lc 23,34).

3. Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ. Gioan ơi! đây là Mẹ của con (Gn, 19, 26-27).

4. Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con (Mt 27,46).

5. Ta khát (Gn 19, 28).

6. Mọi sự đã hoàn tất (Gn 19, 30).

7. Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46).

       Vậy là việc cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất. Chúng ta được cứu rỗi nhờ Chúa Giêsu tự hiến tế cho Đức Chúa Cha, chúng ta được trở lại làm con Thiên Chúa; cửa thiên đàng lại rộng mở cũng như khi Chúa Giêsu đến sông Jourdain để nhận phép Rửa tự tay Gioan Baotixita. Khi Ngài ra khỏi nước thì màn trời xé ra, Thánh Linh lấy hình chim bồ câu xuống đậu trên Ngài và từ trời có tiếng phán ra : Người là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta mọi đàng (Mc 1, 9-11).

       Cũng chiều ngày thứ sáu ấy, để các tội nhân mau chết, thì một tên lính đánh giập ống chân các tội nhân, song khi thấy Chúa Giêsu đã chết rồi thì y lấy lưỡi đòng đâm từ cạnh sườn bên phải của Ngài thấu quả tim, tức thì máu và nước chảy ra. Gioan tự mắt mình đã trông thấy và làm chứng để cho chúng ta tin.

      Gioan, nhờ đã được nghe nhịp tim của Chúa Giêsu, đã chứng kiến cạnh sườn Chúa bị đâm nên, hơn ai hết, Gioan dạy cho ta biết lòng Chúa Giêsu yêu thương ta đến mức nào. Bởi vậy, trong suốt đời, Gioan không ngừng dạy chúng ta phải thương yêu nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta từ muôn muôn đời.

      Từ thế kỷ XI, Chúa dùng thánh Bernard để phổ biến lòng Chúa thương yêu nhân loại. Thánh Bernard long trọng tuyên bố : Chúa Giêsu là mật ong ngon ngọt, là điệu nhạc êm ái, là ca khúc làm phấn khởi lòng người.

       Đến thế kỷ XIII, Chúa Giêsu tỏ cho thánh nữ Gertrude, người Đức, một nữ tu dòng thánh Bênêdictô, Trái Tim Chúa Giêsu hằng nóng lòng mong được loài người mến yêu. Cùng thời ấy, Chúa Giêsu cũng tỏ cho thánh nữ Mechtilde dòng Bênêdictô và Chúa dạy : Nếu muốn gặp Ta, thì hãy tìm trong quả tim của Gertrud

       Đến thế kỷ thứ XIV, Chúa đã chọn thánh nữ Catherine de Sienne. Chúa cho biết lòng Chúa yêu thương nhân loại thật là mênh mông, không bờ không bến. Thánh Catherine sinh năm 1347 tại thành Sienne nước Ý, thuộc dòng thánh Đaminh. Thánh nữ qua đời năm 1380.

      Năm 1601, trong tỉnh Normandie nước Pháp, có một cậu bé con nhà đạo đức, sau này là thánh Gioan Eudes. Thông minh, lanh lợi, siêng năng, có lòng sùng kính Đức Trinh nữ Maria; cần mẫn, cầu nguyện nhiều. Thọ phong linh mục năm 24 tuổi, ngài đi khắp nước Pháp - đang bị thời khí - giảng dạy và cứu giúp kẻ ốm đau bị bỏ rơi. Ngài đã gặp và chọn cô Maria des Vallées cộng tác với ngài khuyến dụ người thời ấy biết lòng Chúa thương yêu nhân loại là dường nào, đồng thời tổ chức việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu kết hợp cùng Trái Tim Mẹ Maria.

       Cha Gioan Eudes hăng say hoạt động và lập hai dòng tu : một dòng nam gồm các linh mục và một dòng nữ gọi là dòng Đức Bà Bác ái. Cả hai dòng ngày càng phồn thịnh. Trong thời gian cha Gioan Eudes dồn mọi nỗ lực cho sứ mệnh do Chúa truyền dạy thì Chúa cũng chuẩn bị và chọn một sứ giả tại một vùng khác, cũng thuộc nước Pháp, để truyền bá tình yêu của Chúa và việc tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, sứ giả ấy là thánh nữ Magarita Maria.

 

      Thánh Margaria - Đoạn đời thơ ấu và niên thiếu

Magarita chào đời Tại thôn Lautecour, làng Vérosvres, vùng sơn cước Charolais, có ông Claude Alacoque và phu nhân là Philiberte. Hai ông bà sinh được bốn đứa con, ba trai và một gái là Catherine song Catherine chết sớm.

      Ngày 22 tháng 7 năm 1647, hai ông bà sinh được một bé gái khác đặt tên là Magarita; sau này Magarita tự thêm cho mình tên Maria để phú dâng mình cho Đức Maria. Sau Magarita, ông bà còn sinh thêm được một trai nữa là Jacques về sau được làm linh mục. Ông Claude Alacoque được đi học rồi trở thành thừa-phát-lại của triều đình, còn bà Philiberte, một người vợ dịu hiền phúc hậu, chuyên lo nuôi nấng dạy dỗ con cái; mọi người trong gia đình sống thuận hòa, trong ấm ngoài êm thật là hạnh phúc.

Tuy vậy, gia đình không tránh khỏi những phiền hà bực bội gây ra từ nông trại ở ngay trước nhà mình mà những nhân vật gây phiền hà thì không ai xa lạ; đó là bà mẹ của ông Claude Alacoque, bà cô của ông Claude Alacoque và bà chị ruột của ông. Sự đời, có nhiều oái ăm thay!

       Từ kim cổ đông tây, giữa nàng dâu và mẹ chồng hay có những xích mích ganh tỵ, gièm pha, nói hành nói tỏi. Sở dĩ đã xảy ra như vậy vì gia đình ông bà Alacoque, tuy không phải là hạng triệu phú, nhưng được hằng ngày dùng đủ, không phải lao động vất vả; con cái đẹp đẽ, ăn mặc sạch sẽ, lễ phép dễ thương.

Sinh ra được ba ngày thì Magarita lãnh bí tích Rửa Tội tại thánh đường Verosvres, vú đỡ đầu là bà De Fautrière Chủ nhân một tòa lầu đài sang trọng ở Corcheval, bõ đỡ đầu là ông Antoine Alacoque tức là bác ruột của cô bé. Mấy bà già nơi nông trại, thấy xe cộ đón rước cô bé Magarita đi rửa tội một cách sang trọng càng thêm ganh tỵ. Cô bé có cặp mắt vừa rộng vừa đẹp, khuôn mặt xinh xắn dễ thương nên ba cậu anh trai khoái lắm, nhất là Chrysostome.

       Bà De Fautrière là vú, đem lòng yêu mến, xin ông bà Alacoque khi nào Magarita lớn lên chút nữa sẽ rước về ở với mình. Tính tình Magarita thật là dịu hiền, được mẹ giáo dục cho biết mến Chúa và làm vui lòng Chúa, bởi vậy mỗi lần thấy Magarita đùa nghịch, bà Alacoque chỉ bảo nhỏ nhẹ rằng : Đừng làm phiền lòng Chúa, thì cô bé thôi ngay và không bao giờ tái phạm.

Vừa lên bốn tuổi, mặc dầu còn non dại, song cô bé đã tự cảm thấy rồi đây sẽ dâng trọn đời mình để phụng sự Thiên Chúa. Magarita thích đọc kinh cầu nguyện lắm. Đàng sau nhà, có mấy cây rợp bóng mát, lại có một phiến đá lớn nên Magarita thích ra đấy một mình rồi chấp hai tay quỳ gối đọc kinh cầu nguyện.

      Lâu đài Corcheval của bà De Fautrière ở gần cách nông trại của Alacoque độ năm cây số, cho nên mỗi lần bà vú mời thì Magarita được bố cho lên ngựa, ngồi vào lòng bố. Ngựa đi nước kiệu, cô bé khoái lắm. Ở với bà vú, nhà cửa rộng rãi, vườn tược cây cối sầm uất, tha hồ chạy nhảy thỏa thích, lại có nguyện đường riêng. Magarita năng vào nguyện đường đọc kinh rất sốt sắng đến nỗi nhiều lần không nghe người nhà gọi nữa. Magarita còn được bà vú dạy giáo lý, tập đọc, tập viết, và nhờ thông minh hiếu học nên cô bé mau tiến bộ.

       Ở nhà, vắng Magarita thì gia đình cũng kém vui, vả chăng hai người con trai lớn phải lên Cluny vào trường trung học, cho nên Chrysostome khẩn khoản xin bố mẹ đem em gái mình về để có bạn, mặt khác, bà Alacoque cũng muốn rước Magarita về vì chồng mình, mặc dầu thuốc thang chạy chữa cũng nhiều lắm rồi, nhưng sức khỏe ngày càng sút kém, rồi liệt giường cho đến tháng chạp năm 1655 thì về chầu Chúa. Bấy giờ Magarita mới lên tám tuổi song cũng đã biết từ nay, mồ côi cha, thật là đắng cay chua xót, buồn tủi cho thân phận mình vì con không cha như nhà không nóc. Đau đớn thay! Buồn thảm thay! Hoàn cảnh mồ côi cha, Việt nam ta cũng có ca dao rằng :

Còn cha gót đỏ như son,

 Một mai cha chết, gót con đen sì.

Còn cha nhiều kẻ yêu vì,

Một mai cha chết, ai thì yêu con.�

      Lúc sanh tiền, ông Alacoque có nhiều con nợ, cho nên bà Philiberte gởi con trai vào nội trú, riêng Magarita thì được gửi vào trường do các nữ tu Clarisses dạy dỗ. Magarita bản tính vui vẻ, cần mẫn, lanh lợi lúc học cũng như lúc chơi nên được mọi người cảm mến. Bà Alacoque một mình, vừa lo việc nhà và con cái, vừa đi tìm mấy con nợ để có tiền độ nhật.

      Lên chín tuổi thì Magarita được rước lễ Vỡ lòng. Từ bấy giờ Magarita cảm thấy có sự thay đổi trong tính tình; mỗi khi thích chơi thì như có một động lực nào đó hướng dẫn Magarita kiếm nơi thanh vắng quỳ xuống và cầu nguyện. Magarita thọ bệnh

       Lên mười một tuổi, Magarita bị bệnh tê thấp gần như bại liệt, đi đứng không được, phải liệt giường, sức khỏe sa sút nhanh chóng. Tháng ngày trôi qua mà bệnh tình không thuyên giảm làm cho mẹ và các anh em rất âu lo vì bệnh kéo dài đã ba năm rồi. Khi Magarita lên 14 tuổi thì bà Alacoque khuyên con cầu nguyện với Mẹ Maria xin Mẹ cứu chữa. Magarita cầu xin Đức Mẹ cứu chữa mình và nếu được lành thì sẽ dâng mình làm nữ tu. Cầu nguyện xong, Magarita thấy trong người có đổi thay; những cơn đau nhức tê buốt biến dần, tự mình đứng lên được và đi được. Thấy con được lành, bà Alacoque xiết đỗi vui mừng, cảm động đến rơi lệ. Thấy Magarita nết na duyên dáng, nên mọi người trong thôn xóm yêu thương, liền tổ chức liên hoan để mừng Magarita đã bình phục.

 

Thánh Margaria - Đoạn đời thiếu nữ khốn khổ

      Magarita, sức khỏe bình phục, thì Thiên Chúa lại gởi những thử thách khác. Nguyên do là sau thời gian ông Claude Alacoque qua đời rồi, ông anh cả quản lý tất cả cơ sở của nông trại. Vậy là bà Alacoque và Magarita phải rời căn nhà xinh xắn để sang ở nông trại Delaroche. Đây là giai đoạn cả hai mẹ con Magarita phải luôn sống trong cực hình nhục nhã, gây ra bởi bụng dạ xấu xa của ba bà mà chúng ta đã biết trên đây.

     Từ đây, dầu Magarita có chút học vấn, dầu ăn ở hiền lành dịu dàng, cũng không được các bà ấy đếm xỉa tới, lại còn bị đối xử quá hà khắc, quá tồi tàn, không bằng người tôi tớ. Thậm chí hai mẹ con không còn được tham dự mọi tiệc tùng của thân bằng mời mọc. Hằng ngày, hai mẹ con Magarita phải làm lụng vất vả, cơm non đòn già; hở một tí là Magarita bị tát tai, bị roi đòn, làm cho Magarita hóa ra sợ sệt đủ thứ đủ chuyện, lại còn áo rách quần xài, cơm không no bụng, ngủ không yên giấc, con người trở nên xanh xao gầy còm. Để tự yên ủi, Magarita chỉ còn biết cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria ban cho mình đủ sức chịu đựng thử thách, can đảm vác thánh giá Chúa trao cho, hầu cam lòng chịu số phận oái oăm oan nghiệt từ thể xác lẫn tâm hồn.

      Trong gia đình, hai con trai lớn thì ở xa, Chrysostome và Jacques thì vào nội trú, nên chẳng ai thấu hiểu hoàn cảnh đọa đày của mẹ và chị em mình, thỉnh thoảng các bà xóm giềng lén lút cho hai mẹ con khi thì quả trứng, khi thì vài trái cây, khi thì ly cà phê.

     Sau nầy, Magarita mới tiết lộ rằng có nhiều ngày nàng chẳng được ăn uống gì cả, lại vì quá sợ đòn bọng, nên phải ẩn núp nơi một xó xỉnh nào đó, chứ không dám vô nhà, và thường tự nghĩ : Làm thân hành khất còn sướng hơn hoàn cảnh nầy.

      Tuy vậy, Magarita được Thiên Chúa ủy lạo theo cách của Ngài nên Magarita nói : Tôi dâng bao nỗi đau khổ của tôi để chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngày cũng như đêm, tôi quỳ dưới chân ảnh chuộc tội để khóc và tôi được Chúa Giêsu dạy rằng : Ngài muốn độc quyền chiếm hữu quả tim tôi và tôi phải hoàn toàn sống đời sống đau khổ của Ngài.

      Magarita cảm thấy ơn gọi của mình là sống kết hiệp với Chúa Giêsu, được mô tả bằng hình ảnh của Ngài bị đòn đánh rách nát từ đầu xuống chân lúc Philatô đưa Ngài ra trước mặt dân Dothái rồi bảo : Đây, Người đây (Gn 19,14). Đối với bản thân, Magarita quan niệm những nỗi đau khổ của mình là do Chúa an bài theo ơn thiên triệu, nên vui nhận với lòng cảm mến, vừa để đền tội lỗi mình và đền tội cho thế gian. Bởi vậy Magarita thấy rằng những đau khổ của mình không bao giờ đủ để đền bồi phạt tạ tội lỗi đã làm đau lòng Thiên Chúa.

      Đành là vậy, song thấy mẹ mình phải khổ đau, bị nhục mạ, bị hành hạ ngược đãi, bị mắng nhiếc vô duyên cớ nên Magarita rất xót xa trong lòng. Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai. Bà Alacoque thình lình bị sưng má, dần dần hóa thành một cục bướu, đau nhức, ăn ngủ chẳng được. Magarita lo lắng ngại ngùng cho mẹ nên đánh bạo nhờ cô ruột là bà Benoite gọi thầy thuốc đến khám chữa cho mẹ. Bà Benoite bĩu môi : Chà chà, rước thầy đến chữa cái mụt nhọt cho bà ấy ư? Ôi, cái đó thì khỏi nói; tiền đâu! hoài của!�

      May thay có người láng giềng động lòng trắc ẩn, nên mời ông thầy thuốc, nhân cơ hội đến trong xóm, khám bệnh giúp cho. Ông ấy bảo : Đây là loại ung nhọt nguy hiểm đến tánh mạng. Vừa khóc, Magarita hỏi :

- Thưa thầy, vậy thì chữa cách nào?

- Thử đắp nước nóng xem sao! Nói xong, y bỏ ra đi.

      Tại nông trại, chẳng ai để ý giúp Magarita - dù là một ý kiến suông - và cũng chẳng ai đoái nhìn hay thăm hỏi bệnh nhân. Ngày 01.01, Magarita sang nhà thờ, đến quỳ trước nhà tạm cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho con biết làm cách nào để chữa cho mẹ con�. Về đến nhà, thấy mụt nhọt của mẹ vỡ tung, máu mủ tuôn ra, Magarita can đảm rửa sạch rồi ngày ngày dùng kéo để cắt các chỗ thịt bị vữa, đồng thời thầm thĩ nguyện xin Chúa cứu giúp mẹ con mình; chẳng bao lâu bà Alacoque lành bệnh.

      Cậu Jean Alacoque, người anh cả, học xong, trở về nhà và định tự tay mình thu hồi phần tài sản để nuôi dưỡng mẹ và em gái, song rủi thay, Jean thọ bệnh rồi qua đời lúc mới 23 tuổi. Trong năm ấy (1663), bà nội và bà cô của Magarita cũng qua đời, vậy mà bà Benoite vẫn tiếp tục hành hạ khủng bố mẹ con bà Alacoque nên bầu không khí ở nông trại vẫn khó thở. Phần cậu con trai thứ nhì của bà Alacoque là Claude Philibert ngã bệnh rồi quy thiên, làm cho Magarita và mẹ lâm cảnh cùng cực.

 

Thánh Margarita Maria Alacoque: Nhập Cuộc Thánh Tâm

 

Tìm nơi để sống đời tận hiến tu trì

       Bây giờ Magarita được 18 tuổi. Mặc dầu phải trải qua ngót bốn năm sống cảnh đọa đày khốn đốn mọi mặt, Magarita cũng trở thành một thiếu nữ dịu hiền, đẹp đẽ, duyên dáng, dễ thương, can đảm, chịu khó, mọi người đều khen ngợi.

      Trong làng nhiều cậu thanh niên cũng tìm cách liếc mắt đưa tình, ước mong được cùng nàng xây tổ ấm. Bà Alacoque thấy rõ điều ấy nên bảo riêng con : Con lập gia đình đi rồi mẹ sẽ sang ở với vợ chồng con, lánh khỏi nông trại đã làm cho mẹ con ta sống trong đau khổ tủi nhục.

      Magarita thưa : Thưa mẹ, thế thì lời con nguyện ước từ trước sẽ tính sao?�

      Mẹ nàng đáp : Đó chẳng qua là lời hứa khi còn non dại, con không bị ràng buộc bao nhiêu.

      Dù là trái với ý mẹ, song Magarita thấy mình bị ràng buộc với lời nguyền ước cách đây bốn năm bằng một sợi giây thiêng liêng không thể tháo gỡ được; mặt khác, Magarita cũng muốn làm sao để mẹ được sống sung sướng cho bõ những năm bị ngược đãi. Hai tư tưởng ấy đối chọi nhau, dày vò Magarita không ít cho nên Magarita tự đấu tranh và càng gia tăng hãm mình cầu nguyện, tưởng rằng làm như vậy là đẹp lòng Chúa Giêsu. Thời gian trôi qua, Magarita cứ mãi lưỡng lự chưa biết phải chọn đường nào, thì Đấng Quan Phòng giải quyết cách khôn ngoan như sau: Cậu con trai của bà Alacoque ăn học thành tài, lập gia đình với một phụ nữ rất mực đoan trang, công dung ngôn hạnh thập toàn. Chrysostome thu hồi phần sản nghiệp của mình, rước mẹ và em gái về chung sống. Thế là cả hai mẹ con Magarita tránh được mọi hà khắc trước đây, hết bỉ cực đến thái lai.

      Bà Alacoque vẫn ao ước giữ con gái của mình, sẽ gã chồng để sống gần mình. Phần Magarita thấy đời sống của mẹ từ nay có phần bảo đảm, được ổn định, nên quyết tâm đáp lại lời Chúa kêu gọi, lễ phép từ chối các mối lái cầu hôn và cuối cùng được mẹ và anh bằng lòng cho đi tu. Nhưng đi tu dòng nào bây giờ?

     Tại dòng Ursulines ở Mâcon đã có người chị em họ, nên gia đình muốn cho Magarita vào dòng ấy, song Magarita tự cảm thấy là chưa đúng đường. Trong lúc chờ đợi, Magarita dùng thì giờ rảnh rỗi để săn sóc giúp đỡ kẻ nghèo, tập họp trẻ con trong xóm để dạy giáo lý, tập cho chúng biết đọc kinh, biết cầu nguyện. Mùa hè thì dẫn trẻ ra đồng trống để sinh hoạt, mùa đông tháng giá thì đưa chúng về nhà sinh hoạt trong phòng riêng của mẹ. Có một lần bà Benoite biết được, nổi cơn khùng, đuổi cả bọn chạy có cờ; riêng bọn trẻ, được hướng dẫn dạy dỗ nên khoái Magarita lắm.

       Magarita hằng ngày cầu nguyện xin Chúa cho biết ý Chúa định về mình. Một hôm, Magarita nghe trong tâm hồn có tiếng bảo rằng : Cha muốn con vào dòng Đức Bà Maria. Dòng nữ nầy do thánh Phanxicô Salêsiô và thánh nữ Jeanne de Chantal sáng lập, gọi là dòng Đức Bà Đi Viếng, là dòng sống đời chiêm ngắm cầu nguyện và viếng thăm giúp đỡ bệnh nhân.

     Trong gia đình không ai muốn cho Magarita vào dòng Đức Bà Maria; riêng Chrysostome lần lượt có con cái bận rộn, nên cũng kém phần lo cho em gái của mình.

      Năm 1670, Magarita lên 23 tuổi. Năm ấy có cha dòng thánh Phanxicô khó khăn đến Verosvres giảng tĩnh tâm, giáo dân sốt sắng đến xưng tội. Magarita xét mình rất cẩn thận và ghi chép các tội lỗi của mình trên nhiều trang giấy.

     Vào tòa giải tội, Magarita cứ theo mấy tờ giấy ấy mà đọc, song cha giải tội ngăn lại, không cho đọc hết. Cha giải tội thấy được tâm hồn của Magarita. Sau đó ngài hỏi về đời sống và ý định của Magarita. Biết rằng Magarita quyết định vào dòng Đức Bà nên ngài thẳng thắn khuyên Chrysostome không nên cản trở ơn thiên triệu của em mình, đồng thời nên lo liệu mọi việc để Magarita được vào dòng Đức Bà.

Hơi hổ thẹn, Chrysostome hỏi em : Cô vẫn muốn đi tu ư?�

 - Em thà chết chứ không đổi ý.

 - Vậy để anh lo cho.

     Nói vậy nhưng mọi người trong nhà vẫn muốn ép Magarita vào dòng Ursulines mà thôi, làm cho Magarita không biết phải làm thế nào để bảo vệ ý định của mình. Một ngày kia, Magarita nghe trong tâm hồn có tiếng bảo : Con đừng sợ gì hết vì con là con của Mẹ và Mẹ luôn luôn đã là Mẹ con.

Được Đức Mẹ phán bảo như thế nên Magarita nói thẳng với anh : Em chỉ muốn vào dòng Đức Bà Maria mà thôi. Ở đấy em cách xa gia đình; không bà con, không thân thích, không giao dịch với ai cả. Em muốn đi tu vì lòng mến Chúa, xa hẳn trần gian, được ẩn mình vào một xó xỉnh nào đó thôi.

     Gia đình liền kể cho Magarita một số các dòng nữ. Khi nghe đến dòng Đức Bà ở Paray le Monial thì tự nhiên lòng Magarita vui vẻ hớn hở và phấn khởi. Biết rằng mình phải vào dòng ấy nên lập tức nói : Vâng, vâng, dòng Đức Bà ở Paray le Monial. Chrysostome bảo Được rồi, chúng ta cùng đi Paray le Monial xem thử rồi sẽ quyết định.

     Hai anh em lên đường đến Paray le Monial. Vừa mới bước chân vào phòng khách, Magarita nghe trong tâm hồn có tiếng nói : Cha muốn con vào dòng nầy. Magarita tỏ ngay với Chrysostome : Xin anh lo liệu cho em từ hôm nay vì em sẽ không vào dòng nào khác. Bất đắc dĩ, Chrysostome phải chiều ý em.

     Về lại Verosvres, Magarita trở nên vui vẻ lạ thường làm cho người nhà ngạc nhiên vì trước đây nàng quả thật trầm tư buồn sầu. ,Bà Benoite là cô ruột, tính nào vẫn tật ấy, mỉa mai châm biếm.  Bà Alacoque được con trai và cô dâu phúc hậu hiền hòa phụng dưỡng nên sẵn lòng dâng Magarita cho Chúa.

 

     Khởi điểm đời tu: một thỉnh sinh

Một tháng sau, nhằm ngày thứ bảy 20.06.1671, Magarita đến tu viện, tuy lòng tràn ngập vui sướng, song khi chân vừa bước vào ngưỡng cửa, biết rằng từ nay mình chỉ được gặp gia đình qua lớp lưới sắt thì tự nhiên rùng mình, rụng rời tay chân tưởng như chết được. Vậy mà, qua khỏi ngưỡng cửa rồi thì can đảm trở lại và buột miệng nói : Chúa muốn cho tôi ở đây. Magarita xem mình như đang vào nơi thánh vì cứ tưởng rằng các nữ tu đều thánh thiện cả rồi. Sau nầy mới biết mình đã quan niệm sai lầm.

     Vì ơn gọi riêng, Chúa đã cho phép Magarita phải gặp nhiều đau khổ còn hơn các lao đao cay đắng lúc ở nông trại Delaroche, do một vài nữ tu gây ra. Magarita tự bảo : Với bất cứ giá nào, mình phải nên thánh… Bề trên Dòng là mẹ Harsant và Bề trên Tập viện là mẹ Thouvant đón nhận Magarita, dẫn vào nhà nguyện chầu Thánh Thể. Magarita lấy lại bình tĩnh, vui vẻ.

     Mẹ Thouvant là người đầy đủ tư cách và nhiều kinh nghiệm trong chức vụ, thấy tân đệ tử hình như sống trong một thế giới khác nên cố gắng hướng dẫn đưa Magarita về với thực tế của đời sống tập thể theo luật dòng, mặc dù Magarita không có chủ trương sống biệt lập.

      Phòng của Magarita hơi hẹp nhưng gọn gàng sạch sẽ. Các thỉnh sinh trẻ tuổi hơn đón Magarita với niềm trìu mến; song có một số nữ tu vì địa vị xã hội, vì giàu có hoặc thuộc giới quý tộc, hoặc vào dòng một cách bất đắc dĩ nên thường cấu kết với nhau, có ý xem thường các nữ tu kém địa vị, kém tiền của.

Phần Magarita, biết thân phận mình, nên chẳng tranh, một chỉ lo về đời sống nội tâm và tìm hiểu thế nào là cầu nguyện, nên tìm hỏi mẹ Bề trên Tập viện thì được trả lời : Con hãy đến với Chúa như một tấm vải đang chờ đợi họa sĩ.

     Đang còn phân vân chưa hiểu ý nghĩa câu nói của mẹ bề trên tập viện mà cũng chưa dám hỏi lại thì có tiếng nói trong lương tâm : Con lại đây, Cha dạy cho. Chúa cho Magarita hiểu rằng linh hồn của mình là tấm vải trên ấy Chúa sẽ họa lại đời sống khổ đau của Ngài. Bắt đầu, Chúa sẽ tẩy sạch những gì làm cản trở công việc của họa sĩ.

     Magarita cảm nghĩ là Chúa vừa phán dạy thì Ngài cũng bắt đầu hành động trong tâm hồn mình. Từ đó, Magarita càng ước muốn mến yêu Chúa, và để tỏ lòng mến yêu ấy, Magarita càng khát khao hãm mình đền tội, nhưng lại phải theo mức độ do bề trên chỉ giáo mà thôi.

 

Vào nhà tập và mặc áo dòng

     Sau hai tháng làm thỉnh sinh, Magarita được vào Nhà Tập. Bề trên chỉ trách Magarita có vẻ vụng về, chậm chạp, nhút nhát, nhưng vẫn được mặc áo dòng.

     Ngày 25.08.1671, Magarita được gặp thân mẫu và mọi người trong gia đình đến dự lễ mặc áo dòng, lấy tên là Soeur Magarita Maria. Soeur Magarita lòng tràn ngập sung sướng, mặt mày biến dạng hóa ra sáng ngời làm cho mẹ bề trên Hersant ngạc nhiên khi Magarita đến hôn mẹ.

     Chúa Giêsu cho Soeur Magarita Maria biết thời gian làm tập viên là thời gian đính hôn; rồi đây, trong tương lai Ngài sẽ ban cho nhiều ơn riêng đặc biệt. Trong dòng, dần dần người ta thấy Soeur Magarita Maria biến đổi hẳn. Tại nguyện đường, trong giờ gẫm, Soeur Magarit Maria có vẻ lơ đễnh không theo dõi đúng mức bài suy niệm người ta đọc lớn tiếng, làm cho mẹ bề trên nhà tập lo ngại : có lẽ Magarita mất thăng bằng chăng! Tuy rằng Magarita có đức vâng lời nhanh chóng và đức khiêm nhường lạ lùng.

Bề trên thường đặt vấn đề lương tâm. Để thử thách, bề trên thường sai khiến làm nhiều việc trái với giờ giấc sinh hoạt, thí dụ, trong giờ nguyện gẫm thì sai Magarita đi quét sân, sau đó bề trên lại quở trách rồi dạy phải sinh hoạt như các chị em khác, đôi khi còn dọa là Magarita sẽ không được khấn dòng.

     Soeur Magarita Maria luôn luôn im lặng vâng lời, nhịn nhục, không thanh minh thanh nga, không bao giờ minh oan cho mình; cố gắng làm hết sức mình và thiết tha xin khỏi bị hoàn tục.

     Qua sự vâng lời chịu lụy tuyệt đối, người ta phải nhận rằng Soeur Magarita Maria được Thánh Linh hướng dẫn. Thường thường Soeur tìm làm những việc khó nhọc, nhưng có một việc không thể làm được, đó là phải ăn phó-mát (fromage).

     Thật vậy, cả nhà Alacoque không một người nào ăn được phó-mát, cho nên khi đưa Magarita vào dòng, anh Chrysostome đã báo trước để bề trên miễn cho Magarita khỏi phải ăn phó-mát. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì - hoặc là bề trên muốn trắc nghiệm để đoán xét Magarita - hoặc là do người dọn bàn vô tình mà hôm nọ, trước mặt Magarita, người ta đã đặt một đĩa phó-mát. Magarita nôn mửa, song ý chí và tình thương xui giục Magarita phải ăn, nên Magarita cố đưa miếng phó-mát vào miệng, nhưng chịu không nổi. Suốt ba ngày, cố gắng hết sức mà không khắc phục được. Mẹ bề trên liền cấm Magarita việc hãm mình nầy và nói : Con không xứng đáng. Soeur Magarita bụng bảo dạ : Phải chết hay là phải thắng, rồi chạy vào nhà nguyện xin Chúa ban cho mình đầy đủ nghị lực.

     Chúa phán : Vì tình yêu, không nên dè dặt gì hết. Magarita trở ra, xin mẹ bề trên cho phép ăn thử phó mát. Bề trên bằng lòng. Soeur Magarita đưa miếng phó-mát vào miệng nhai và cố nuốt... nhưng rồi phải rời khỏi bàn ăn vì nôn mửa, cầm không được.

     Kể từ hôm ấy, mỗi lần có phó-mát thì Soeur Magarita cố ăn, cố nuốt, mặc dầu bao tử không dung nạp, và sự hy sinh hãm mình ấy kéo dài tám năm liền, cho đến khi vì lý do sức khỏe, bề trên cấm ăn phó-mát.

 

Khấn dòng

     Thời gian khấn dòng cũng sắp đến rồi. Các bề trên lưỡng lự, không thể quyết định rằng nên hay không nên cho Soeur Magarita khấn. Kể ra thì cô ta chẳng có gì đáng trách, duy chỉ có khác hơn chị em là hơi đãng trí, phải nhắc nhở hoài cô ta mới chú ý. Về việc làm, có thiện chí thật, song đôi khi khá vụng về. Có vài nữ tu chống đối việc cho soeur Magarita khấn dòng, viện lý rằng cái nhân đức đặc biệt của cô ta không phải do Chúa ban, không khéo lại là do giả hình không đè nén nổi óc tưởng tượng của mình mà thôi.

     Magarita vào quỳ chầu trước nhà tạm nguyện rằng : Lạy Chúa Giêsu, Chúa làm nên cớ để nhà dòng đuổi con về nhà đấy. Chúa Giêsu phán : Con đi trình với bề trên cứ cho con khấn dòng, chẳng có gì mà phải lưỡng lự, ngại ngùng, sợ sệt, vì có Cha bảo lãnh cho con rồi.

     Vậy là mọi sự xong xuôi. Soeur Magarita Maria lo tĩnh tâm, dọn mình để khấn dòng và Chúa Giêsu cho Magarita lo hoàn tất mọi việc bề trên giao phó. Mẹ Thouvant càng chú ý đến soeur Magarita Maria hơn. Hễ thấy Magarita vào nhà nguyện gối quỳ tay chắp, người bất động, mặt sáng ngời, thì ngại cho sức khỏe của Magarita nên nhiều khi tìm cớ để Magarita ra khỏi giây phút mặc niệm trầm tư, vì sự kiện nầy làm cho những chị ơ hờ nguội lạnh khó chịu.

     Hôm nọ, Mẹ Thouvant vào nhà nguyện bảo soeur Magarita : Nhờ soeur ra ngoài vườn trông nom hai mẹ con con lừa, cho nó ăn cỏ và coi chừng kẻo chúng nó ăn luống rau nhé!. Soeur Magarita vâng lời, rời nhà nguyện ngay, và ra vườn đùa với con lừa con, lưu ý không cho mẹ con nó đến gần mấy luống rau. Chẳng bao lâu tâm hồn Magarita lại trầm tư, chỉ biết có Chúa Giêsu đang hiện diện trước mặt mình nên quỳ gối xuống nguyện cầu.

     Các nữ tu từ cửa sổ nhìn ra vườn, thấy soeur Magarita đang suy gẫm, lại thấy cả hai con lừa đang ở trong vườn rau thì la lên : Thưa mẹ, soeur Magarita đang đi vào cung trăng để lừa nó ăn hết rau rồi.

Mẹ Thouvant hốt hoảng ra vườn, sẵn sàng mắng phạt. Nhưng khi nhìn thấy soeur Magarita bình tĩnh ngồi, tay chắp, mặt sáng ngời, tâm hồn đang nguyện ngắm, còn hai con lừa đứng trong vườn rau thật đấy, song chẳng đá động gì đến rau.

     Ngạc nhiên, mẹ Thouvant nhất quyết rằng soeur Magarita được Chúa Giêsu hướng dẫn nên khi soeur Magarita nguyện gẫm thì Chúa Giêsu làm việc thay cho. Chăn lừa liên tục nhiều ngày từ sáng đến chiều và sau cơm tối, soeur Magarita phải đi quét dọn chuồng lừa, trong khi cả dòng vào nhà nguuyện đọc kinh. Thế mà Magarita lại thích, vì được Chúa Giêsu sát cánh với mình.

Suốt thời gian tĩnh tâm, soeur Magarita được đối thoại với Chúa Giêsu, rồi đến ngày 6.11.1672, Magarita khấn dòng dâng hiến trọn đời mình cho Chúa Giêsu, đúng như ước nguyện của mình từ thuở nào.

 

Thánh Margarita Maria Alacoque: Cảm Nghiệm Thánh Tâm

 

Được Chúa Giêsu chọn làm bạn tâm giao

     Soeur Magarita trung thành với lời khấn hứa, càng ra sức tỏ lòng mến yêu Chúa Giêsu cách can đảm và khiêm tốn, nên Chúa Giêsu trao cho Magarita một sứ mệnh mà Ngài sẽ cho biết nay mai.

     Ngày 27.12.1673, lễ thánh Gioan (tông đồ và thánh sử), soeur Magarita được rảnh rỗi đôi chút, liền sang nhà nguyện để kính viếng Thánh Thể. Nhưng, soeur Magarita sửng sốt vì chẳng biết là mình đang ở đâu nữa, vì được Chúa Giêsu diễn lại hoạt cảnh buổi chiều ngày thứ năm năm xưa, trong bữa tiệc ly, Chúa đã để cho Gioan - người môn đệ Chúa mến yêu - dựa đầu vào ngực của Chúa, thì nay Chúa cũng cho soeur Magarita dựa đầu vào ngực của Ngài một hồi lâu, rồi Chúa tỏ cho biết những kỳ công tuyệt diệu của tình thương Ngài và những bí nhiệm mà trước đây Ngài còn giữ kín.

     Chúa phán : �Trái Tim Cha yêu nhân loại cách say đắm và yêu thương con cách riêng, lửa mến yêu đang bừng cháy trong Trái tim Cha và cần phải được lan rộng ra. Cha đã chọn con để trao cho con nhiệm vụ truyền bá việc tôn thờ Trái Tim cực thánh của Cha. Chính vì sự yếu hèn, ngu muội của con mà Cha chọn con, có như vậy nhân loại mới nhận thức rằng mọi việc đều bởi Thánh ý Cha mà ra.

Bây giờ soeur Magarita cảm thấy Chúa Giêsu lấy quả tim của mình để nhúng vào trong trái tim của Chúa; từ đó quả tim của soeur Magarita nóng bừng bừng luôn mãi, thuốc men đều vô hiệu. Chúa còn phán thêm : Từ trước đến nay con đã chỉ muốn được làm tôi đòi nô lệ của Cha nhưng, từ nay con được làm môn đệ yêu dấu của Cha.

     Vậy là, cho đến mãn đời, soeur Magarita Maria được mang dấu thánh lưỡi đòng đã đâm thủng Trái Tim cực trọng Chúa Giêsu, cũng như trước đó mấy trăm năm, thánh Phanxicô khó khăn và thánh nữ Têrêxa thành Avila được mang năm dấu thánh của Chúa Giêsu.

     Bây giờ Chúa Giêsu còn đòi hỏi thêm nhiều điều nữa là :

1. Mỗi thứ sáu đầu tháng soeur Magarita phải rước Mình Thánh Chúa (thời bấy giờ giáo hữu ít được rước Mình Thánh Chúa, dầu là tu sĩ).

2. Mỗi ngày thứ năm trong tuần, từ 11giờ đến nửa đêm, soeur Magarita phải thông công với Chúa Giêsu lúc Ngài hấp hối cầu nguyện trong vườn Giêtsêmani, gọi là �giờ thánh, để cùng chịu đau khổ, cùng với Chúa cầu xin ơn thứ tha tội lỗi của nhân loại.

      Soeur Magarita vừa run sợ, đi trình mẹ bề trên để xin phép. Bề trên đáp : Không, không! Đừng bày đặt ra nữa. Tôi cấm hẳn đấy nhé.

     Soeur Magarita yên lòng vì đã vâng lời bề trên, song bị cơn sốt và thọ bệnh, làm cho bề trên bối rối nên bảo : Soeur cầu xin với Chúa đi, nếu được lành, tôi mới tin và cho soeur được toại nguyện.

     Soeur Magarita vâng lời, cầu nguyện và được lành bệnh vì chính Mẹ Maria - vì thấy con đường còn dài nên đã chữa cho Magarita. Mẹ Maria phán : Con đừng sợ, Mẹ không bỏ con, Mẹ sẽ mãi mãi phù hộ con.

     Thật ra, trong thâm tâm mẹ bề trên dòng, mỗi ngày đinh ninh chắc chắn rằng Magarita được ơn huệ đặc biệt, nhưng không để lộ ra ngoài, nhiều lần quở trách Magarita trước mặt các chị khác; những lần rủi ro làm đổ bể gì thì chị em trách móc, chế nhiễu tha hồ. Là người tế nhị và đa cảm, soeur Magarita cũng biết khổ tâm nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận mọi chê trách chế nhiễu, hầu đền bồi phạt tạ mọi tội lỗi xúc phạm đến Trái tim Chúa Giêsu và còn muốn tìm cách hãm mình nhiều hơn nữa. Vậy mà Chúa Giêsu cũng chưa bằng lòng; Chúa còn cho Magarita biết Chúa rất buồn vì có nhiều nữ tu kém nhân đức và Chúa dạy Magarita phải dâng mình làm của lễ đền tội cho các nữ tu ấy.

     Soeur Magarita được Chúa Giêsu tâm sự như vậy nên rất khổ tâm, nhưng không dám tự ý mình quyết định vì còn phải xin phép bề trên. Trước Thánh Thể, soeur Magarita say sưa cầu nguỵện và khóc lóc đến nỗi không thấy rằng các chị em đã đi ăn cơm tối. Chị em chạy quanh kiếm tìm rồi dẫn Magarita đến gặp bề trên.

     Bề trên bảo soeur Magarita phải thuật lại lời Chúa đã phán dạy trước mặt cả nhà dòng. Tội nghiệp cho soeur Magarita, thập tử nhất sanh vì ngại ngùng, nhưng cũng phải vâng lời Chúa Giêsu và vâng lời bề trên nên, thuật lại nguyên văn lời Chúa dạy là phải dâng hiến mình làm của lễ đền tội cho các chị em nữ tu kém nhân đức.

     Thế là các nữ tu đồng loạt la ó phản đối kịch liệt; mặc sức công kích, xoi bói mỉa mai, khinh chê nhạo báng; có người cho rằng soeur Magarita bị quỷ ám nên chạy đi lấy nước thánh rảy lên người soeur Magarita để đuổi quỷ, để trừ quỷ; người ta tha hồ hạ nhục soeur Magarita. Cứng hơn đá, vững hơn đồng, soeur Magarita được dịp kết hợp những khổ nhục của mình với cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Được Cha de la Colombière hướng dẫn

     Magarita lại hoài nghi, sợ rằng mọi sự việc đã xảy ra là do trí tưởng tượng, nên tự đấu tranh khắc phục, để lấy lại bình tĩnh thăng bằng, sống như mọi chị em trong dòng, song không làm sao khỏi áy náy sợ sệt. Nhưng trong lương tâm lại có tiếng nói : Đã ở trong tay Đấng Toàn Năng rồi mà con còn sợ gì nữa chứ?�

     Năm 1675, cha Claude de la Colombière thuộc dòng Chúa Giêsu (Việt nam thường gọi là dòng Tên), là một nhân vật kiến thức sâu rộng và thánh thiện, được phái đến làm linh hướng cho dòng. Mẹ bề trên giới thiệu các nữ tu, rồi từng người vào toà giải tội để bày tỏ linh hồn mình cho cha linh hướng. Khi đến phiên mình thì soeur Magarita nghe tiếng lương tâm bảo : Này là người Cha sai đến với con đấy.

Thật vậy, trong tòa giải tội, cha De la Colombière thấy rằng đây là một linh hồn được mở rộng để trình bày mọi ẩn khuất. Magarita sợ trình bày về mình lâu quá e không tiện, nên cha De la Colombière hẹn gặp lại một lần khác; Magarita cũng thưa rằng mình sẽ vâng lời bề trên mọi đàng.

     Mấy hôm sau, cha De la Colombière trở lại và giải thích cho soeur Magarita biết rằng mọi sự việc đã xảy ra đều là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Từ đó tâm hồn của cha linh hướng cũng như của Magarita cùng chung một quan niệm, là cả hai đều có bổn phận làm cho người ta biết lòng Chúa Giêsu thương yêu con cái loài người.

     Cha linh hướng dạy Magarita phải ghi chép lại những hồng ân đã lãnh nhận. Magarita lấy làm cực lòng nhưng bất đắc dĩ phải vâng lời; bắt đầu ghi chép rồi lại đốt đi, nhiều lần như vậy; cuối cùng bị ép buộc nên, vì đức vâng lời mà viết cho xong; nhờ vậy ngày nay chúng ta mới biết được nhiều chi tiết ly kỳ hi hữu của đời sống phi thường của thánh nữ Magarita Maria.

     Cũng trong năm 1675, Chúa Giêsu mạc khải cho Magarita nhiều điều rất quan trọng. Ngày 13 tháng 6, lễ kính Mình Thánh Chúa, được dịp chầu Thánh Thể lâu hơn ngày thường, soeur Magarita Maria thưa với Chúa Giêsu rằng mình muốn lấy tình thương để đáp lại tình thương, thì được Ngài phán : Con chỉ có thể đáp lại tình thương của Cha bằng cách thi hành những gì Cha truyền cho con. Nói xong, Chúa Giêsu liền chỉ vào quả tim của Ngài và phán : Đây là Trái tim đã yêu dấu loài người quá bội nên chẳng hề từ chối bất cứ điều gì để chứng minh tình yêu ấy; đáng lý ra Cha phải được loài người biết ơn, trái lại, phần đông đã lãnh đạm và bội bạc, lại còn khinh mạn dể duôi trong phép Thánh Thể. Cha càng đau đớn hơn nữa vì cũng có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, cũng vô ơn bạc nghĩa như vậy. Chúa truyền phải lập một lễ đặc biệt vào ngày thứ sáu sau lễ kính Mình Thánh Chúa để kính thờ Trái Tim Chúa hằng yêu thương nhân loại.

     Trong thánh lễ ấy, phải dọn mình để rước Mình Thánh Chúa để đền bồi phạt tạ Trái Tim Chúa, cầu xin cách riêng cho loài người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, đoạn Chúa hứa sẽ ban nhiều ơn lành cho những ai trung thành tuân giữ những điều Chúa đã truyền dạy và còn phổ biến cho nhiều người khác thi hành.

     Soeur Magarita run sợ vì biết rằng nếu tường thuật những điều Chúa truyền dạy thì chẳng mấy ai tin nên thưa với Chúa Giêsu : Lạy Chúa, Chúa truyền dạy những điều quan trọng như thế cho con là kẻ nhỏ bé dốt hèn khốn nạn. Có biết bao nhhiêu người khác sẽ làm hay hơn con. Chúa Giêsu : Thế thì con không biết rằng Cha thường dùng những kẻ thấp hèn để làm những việc trọng đại sao?�

     Soeur Magarita : Vậy thì Chúa ban phương tiện cho con. Chúa Giêsu : Con cứ trình bày với người đầy tớ của Cha. Vì lý do ấy mà Cha sai y đến; y phải thực hiện cho được những gì Cha đã truyền dạy cho con.

     Soeur Magarita vào tòa cáo giải trình bày rõ ràng tỉ mỉ mọi chi tiết cho cha linh hướng mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Cha De la Colombière biết rõ đức vâng lời và đức khiêm nhường của soeur Magarita nên chẳng ngần ngại lo lắng xin lập Lễ Kính Trái Tim Chúa Giêsu đồng thời nâng đỡ hướng dẫn kẻ đã được Chúa chọn để làm bạn tâm giao. Song rủi thay! Được một năm thì cha Colombière bị thuyên chuyển sang Anh quốc. Soeur Magarita buồn lắm, thì được Chúa Giêsu dạy : Việc gì mà phải buồn! Một mình Cha không đủ cho con sao?�

Lại sống cuộc đời thử thách

     Mẹ De Saumaise mãn nhiệm kỳ bề trên năm 1678, rời Paray le Monial để sang Dijon. Mẹ rất hiểu tâm hồn soeur Magarita nên cũng đã hết sức nâng đỡ theo phạm vi của mình trong nhiệm vụ hết sức khó khăn tế nhị đối với chị nữ tu thánh thiện của dòng.

    Mẹ Greyfié từ Annecy đến thay thế mẹ De Saumaise. Bên trong, Mẹ Greyfié cũng rất tốt với soeur Magarita, nhưng bên ngoài lại tỏ ra cứng rắn. Ban đầu mẹ chẳng nói gì nhưng có ý tự riêng mình quan sát, hầu có thái độ đối với những gì có liên hệ đến nữ tu đặc biệt nầy.

    Cũng như các bề trên tiền nhiệm, mẹ Greyfié biết rõ sự thánh thiện của soeur Magarita và các mạc khải quan trọng là có thật, nhưng vẫn thử thách Magarita bằng cách quở trách trước mặt các chị khác, cho rằng Magarita là người vụng về, biếng nhác, không tế nhị. Soeur Magarita không bao giờ tự bào chữa vì nghĩ rằng mình đáng nhận mọi nhục nhã ấy, nên sung sướng dâng mọi đau khổ cho Chúa. Tuy vậy, mẹ Greyfié thường gửi cho soeur Magarita những mảnh giấy nho nhỏ, theo lối hàm thụ đầy tình thương yêu thán phục, ví dụ : Linh hồn của con là sở hữu của Chúa Giêsu và Ngài cũng thuộc về linh hồn của con; con hãy hồi âm cho mẹ, mẹ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ con. Linh hồn của con cũng được mẹ yêu chuộng như linh hồn của mẹ vậy.

    Chúa Giêsu dạy cho soeur Magarita phải xin mẹ bề trên ra lệnh bằng giấy trắng mực đen theo như luật của dòng. Từ hôm ấy Chúa cho Magarita hưởng Trái tim Chúa làm gia nghiệp đời tạm nầy và cả đời sau. Chúa tuyên bố : Con sẽ được Cha cứu giúp cho đến ngày Cha không còn quyền năng nữa mới thôi.

     Phần cha De la Colombière vì bệnh, nên từ Anh quốc trở về Pháp. Ngài đến Paray le Monial vài ngày và vui vẻ gặp lại soeur Magarita, con người luôn luôn khiêm nhượng vâng lời bề trên như cha đã từng viết thư cho mẹ bề trên Saumaise.

     Phần soeur Magarita, trải qua thời gian đau khổ phần xác vì hãm mình phạt xác và khổ đau về tinh thần vì bị chị em trong dòng châm biếm mỉa mai, nên thọ bệnh, phải vào ra phòng bệnh liên miên. Ngày 19.6.1680, áp lễ kính Mình Thánh Chúa, soeur Magarita nhờ chị y tá trình bề trên cho mình được tham dự thánh lễ để được rước lễ, nhưng chị y tá quên thưa với mẹ bề trên. Mẹ bề trên Greyfié bắt gặp, quát mắng : À, chị đi dự lễ được mà khai bệnh là nghĩa làm sao?  Thôi lo mang chăn mền và đồ dùng về phòng ngay và tiếp tục sinh hoạt như mọi chị em trong dòng.

     Không một lời thanh minh, mặc dầu còn bệnh, Magarita vừa run vì cơn sốt, vội vã mang áo xống chăn mền về phòng. Chúa Giêsu thấy Magarita vâng lời nhanh chóng, lại không muốn tố cáo điều vô ý của chị y tá, nên cho Magarita hoàn toàn bình phục.

     Cha De la Colombière lâm bệnh. Tháng 8 năm 1681, đến tỉnh dưỡng ở Paray le Monial và gặp Magarita nhiều lần. Người ta nghĩ rằng ngài được về quê quán, mong sẽ bình phục; song Magarita gửi cho ngài một mảnh giấy với hàng chữ : Chúa Giêsu muốn cha tận hiến đời sống ở xứ nầy. Vậy là cha De la Colombière chỉ còn dọn mình để về chầu Chúa.

     Trong lúc còn sanh tiền, cha De la Colombière cũng hết sức mình lo nhiệm vụ đã được giao phó, nhờ vậy mà người ta bắt đầu hiểu biết Trái tim Chúa rất yêu mến loài người, song những đòi hỏi của Chúa Giêsu cũng chưa được thỏa mãn nên soeur Magarita Maria rất cực lòng, tuy bây giờ trong dòng các chị em cũng bớt xoi mói châm biếm, chế nhạo, lại cũng có nhiều nữ tu kín đáo khen ngợi sự thánh thiện của soeur Magarita.

     Một hôm, có một đệ tử của dòng tên là Antoinette Rosalie bệnh nặng và thình lình mê man bất tỉnh. Sợ rằng cô ấy không hồi tỉnh được nên cả dòng buồn lắm. Mẹ Greyfié liền bảo soeur Magarita xin Chúa Giêsu cho Antoinette Rosalie hồi tỉnh, ít nữa là để được lãnh phép Xức Dầu Thánh và được rước Mình Thánh Chúa, làm của ăn đi đường.

     Vào nhà nguyện, soeur Magarita cầu xin với Chúa Giêsu và được phán truyền như sau : Cha ban cho ơn ấy với ba điều kiện; một là con phải lãnh nhận công việc bề trên trao cho con; hai là con phải đến phòng khách mỗi khi có người đến xin gặp con; ba là con phải viết lại những gì người ta bảo con viết ra. Ba điều kiện ấy làm cho Magarita cực lòng lắm vì bản tính chỉ muốn làm thinh và được quên lãng, vì vâng theo ý Chúa nên Antoinette được hồi tỉnh, lãnh các phép bí tích cuối cùng và qua đời một cách êm ái.

 

Làm bề trên tập viện

     Kể từ đây, Chúa Giêsu đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đã đề ra. Mẹ bề trên Greyfié mãn nhiệm và soeur Melin được bầu lên thay thế. Mẹ Melin chỉ định soeur Magarita Maria làm phụ tá. Tuy trái hẳn ý riêng mình thật : làm mẹ nhì một tu viện đã lâu nay khinh chê mình!

     Sau đó soeur Magarita làm bề trên Tập viện. Nhờ sự hướng dẫn đầy tình mẫu tử của soeur nên tập viện trở nên lành thánh. Bấy giờ dư luận chuyển hướng rõ rệt. Ngay trong phố phường người ta nói đến soeur Magarita với một lòng cung kính mộ mến, nhiều người muốn đến gặp để xin ý kiến hướng dẫn chỉ bảo đàng lành, hoặc xin cầu nguyện để được ơn nọ ơn kia. Soeur Magarita không thể nào từ chối được vì đã hứa với Chúa Giêsu rồi.

     Để bù lại những vị nể mà trong dòng dành cho mình, soeur Magarita cũng thân hành rửa chén bát, đi khuân củi, quét dọn nhà cửa, ngay cả nhà vệ sinh. Các tập sinh rất mến phục bề trên trực tiếp của mình vì được hướng dẫn dìu dắt vui vẻ, song không kém phần cương quyết. Soeur Magarita thường nói : Một tu sĩ mà không thích nguyện gẫm thì cũng giống như một binh sĩ không vũ khí.

    Nhờ vậy, có vài nữ tu tuy đã khấn dòng rồi nay xin trở lại tập viện để được bổ túc. Đầu năm 1685, bị mụt nhọt ở ngón tay, người ta phải dùng loại dao cạo để giải phẫu thấu xương song soeur Magarita can đảm nghiến răng không kêu la rên siết. Giải phẫu xong soeur còn nói : Ngợi khen Chúa. Trong năm ấy, gần đến lễ thánh nữ Magarita, quan thầy của bề trên tập viện, các tập viên cùng nhau thảo luận tìm cách làm vui lòng thầy của mình. Tất cả đều biết rằng bằng cách này hay cách khác, tỏ lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu mà vị bề trên khả kính khả ái của mình hằng dạy một cách say mê là đúng điệu.

     Hôm ấy, các tập viên xin đưọc phép thức dậy lúc nửa đêm để chuẩn bị, họ dựng một bàn thờ ngay trong tập viện, họ trang hoàng, chính giữa bàn thờ họ trưng ảnh Trái Tim Chúa Giêsu vẽ bằng bút chì, chung quanh bức ảnh có hoa có nến trang nghiêm.

     Sáng ngày, cả thầy lẫn trò, ai nấy đều vui vẻ. Soeur Magarita mặt mày sáng ngời, đọc kinh dâng mình cho Trái Tim Chúa, cứ mỗi câu các tập viên đều lập lại và suốt ngày hôm ấy, các tập viên thay phiên nhau, cầu nguyện trước bàn thờ này. Món quà ấy làm cho soeur Magarita thỏa lòng vì là lần đầu tiên TráiTim Chúa Giêsu được công khai thờ kính. Chiều đến, soeur Magarita khuyên các tập viên nên tiếp tục cầu nguyện để Chúa Giêsu ngự trị trong lòng mọi người, phải yêu mến Trái Tim Ngài, phải trọn hiến dâng đời sống mình để được hạnh phúc đời nầy và đời sau.

     Khi trong dòng biết được biến cố nầy thì ai cũng ngạc nhiên vì cho đấy là một phát minh mới lạ, rồi công kích bề trên tập viện. Mẹ bề trên Melin cũng lấy làm khó chịu và phân vân không biết phải xử sự như thế nào. Song Chúa Giêsu phán với môn đệ mình rằng : Con đừng sợ gì cả vì Cha sẽ thống trị, mặc cho kẻ địch thù, mặc cho kẻ chống đối.

     Cha De la Colombière, trước khi qua đời, đã để lại nhiều tài liệu xuất bản thành sách. Một ngày nọ, tại nhà cơm, các cữ tu đọc quyển sách nhan đề Tỉnh tâm thiêng liêng nói đến một linh hồn được Chúa Giêsu chọn để truyền những mệnh lệnh của Ngài. Khi nghe đọc sách ấy, các chị ngừng ăn, chăm chú nhìn soeur Magarita làm cho soeur tái mặt, bẻn lẻn cúi đầu, cuối cùng mọi người mới xác nhận rằng soeur Magarita không phải là người mất thăng bằng, trái lại là người rất khiêm nhượng, từ bi, được Chúa Giêsu chọn để truyền mệnh lệnhcủa Ngài.

     Nhờ có tác phẩm ấy, nhờ các bề trên tiền nhiệm như mẹ Saumaise, mẹ Greyfié nên việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu được truyền bá đến các tu viện khác. Dầu vậy, soeur Magarita cũng chưa hết khổ đau. Nguyên do là người ta dẫn đến tu viện Paray le Monial một thiếu nữ con nhà quý tộc để xin vào tập viện.

     Soeur Magarita không nhận nên bị thân nhân cô ấy phản đối quyết liệt, bị dọa dẫm thưa kiện v.v... vì đã làm trái ý nhà quý tộc; sự thật là cô thiếu nữ ấy không muốn đi tu và cuối cùng cô ta mang hành lý về nhà.

Cha linh hướng mới

     Thiên Chúa phái cha Rolin, dòng Chúa Giêsu, đến làm linh hướng cho nhà dòng Paray le Monial. Thoạt nghe người ta nói về nữ tu đặc biệt là soeur Magarita Maria, cha Rolin do dự, song khi đã biết đời sống nội tâm của nữ tu nầy thì ngài hiểu mức độ thánh thiện của một linh hồn do Chúa Giêsu ngự trị và ban cho nhiều ơn cao trọng.

      Soeur Magarita xưng tội chung làm cho cha Rolin cảm phục nên dạy phải viết lại trọn đời sống của mình và mọi chi tiết về các hồng ân được Chúa ban. Kể từ ngày các tập viên tổ chức lập bàn thờ kính Trái Tim Chúa Giêsu để mừng lễ quan thầy của bề trên tập viện vừa trọn một năm, thì cũng đến giai đoạn Chúa Giêsu chọn để Trái tim Ngài được chính thức tôn thờ. Nguyên do là mẹ Greyfiégởi biếu soeur Magarita một bức ảnh Trái Tim Chúa. Bây giờ một bàn thờ được lập trong nhà nguyện dòng do soeur Des Escures để trưng bức tượng ấy.

     Soeur Des Escures trước kia là một trong những người chống đối soeur Magarita, thì nay lại là người sốt sắng tôn kính Trái Tim Chúa. Vậy là cả dòng đã bị chinh phục, soeur Magarita mừng đến nỗi không cầm được giọt lệ. Mẹ Melin lại còn quyết định xây nguyện đường riêng để tôn thờ Trái Tim Chúa. Các đệ tử góp tiền túi để hợp công xây dựng nguyện đường nầy. Soeur giữ vườn phát triển trồng hoa và các loại thảo dược (plantes médicinales) để có thêm lợi tức xây nhà nguyện. Soeur Magarita hết lòng cám ơn soeur Des Escures : Em chẳng còn ước ao gì hơn nữa vì nay Trái Tim Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, sau đó viết thư thăm mẹ Greyfié : Bây giờ con được toại nguyện rồi, con ước ao được chết lắm. Với một bề trên khác, soeur Magarita viết :Trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch không bao giờ khô cạn, mà chỉ muốn tuôn tràn hồng ân cho những ai có lòng thờ kính.

     Năm 1686, soeur Magarita mãn nhiệm. Ảnh Trái tim Chúa được vẽ bằng bút chì mấy năm trước được rời khỏi nhà tập và được trưng bày một nơi khác, các tập viên cũ, dù đã khấn dòng rồi, vẫn tiếp tục đến kính viếng, riêng soeur Des Escures xem đó là một vật kỷ niệm quý báu.

Làm nữ y tá

      Soeur Magarita được chỉ định làm y tá phụ cho soeur Marest, vì bề trên cũng muốn cho soeur Magarita có thì giờ để cầu nguyện. Một hôm nọ, soeur Marest nói với y tá phụ : Nhờ chị thay em để chầu Mình Thánh Chúa độ nửa giờ, mọi công việc ở bệnh xá em quán xuyến cho. Soeur Magarita vào nguyện đường cung kính quỳ trước Mình Thánh Chúa, sốt sắng chiêm ngắm như không còn biết gì ở trần gian nầy nữa.

     Bác sĩ của dòng, từ khi chữa bệnh cho soeur Magarita, không ngớt khen ngợi sự can đảm phi thường của soeur qua mọi cơn đau dằn vặt nên ngạc nhiên nói : Làm thánh cũng tốt lành thật, soeur Magarita lòng khiêm nhượng, biết rằng sở dĩ được như vậy là nhờ Đấng đã dùng mình làm máng xối để chuyển hồng ân của Ngài đến các linh hồn, nên đáp : Chúng ta chỉ cần phải yêu mến Chúa để được nên thánh, có ai ngăn cấm mình đâu, vì mỗi người chúng ta đều có một quả tim để mến yêu.

    Bấy giờ dân chúng càng ngày càng biết đến dòng Đức Bà ở Paray le Monial, nên Chúa Giêsu cũng tỏ ra hài lòng. Ngài cho soeur Magarita biết rằng các nữ tu dòng Đức Bà Đi Viếng lãnh nhiệm vụ tiên khởi để phát động việc tôn thờ Trái Tim Chúa thì các linh mục dòng Tên có nhiệm vụ rao giảng khắp nơi việc tôn thờ nầy, để được hưởng vô vàn hồng ân Chúa ban cho.

     Cũng từ đó, các linh mục dòng Tên giảng dạy, cổ võ việc lành nầy, xuất bản sách vở báo chí, thành lập các hội đoàn để cầu nguyện, tôn thờ Trái Tim Chúa. Thời gian nầy soeur Magarita còn sống.

Tại Bretagne, năm 1678, cha Huby thành lập Hội cấm phòng cho những ai muốn sống trong tình yêu Chúa Giêsu. Cùng hợp tác với cha Huby có bà Claude Thérèse de Karmeno và các bạn, cha đi khắp tỉnh giảng về việc tôn thờ Trái Tim Chúa và lập dòng Trái Tim Chúa Giêsu.

     Ở Paray le Monial, nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa Giêsu khởi công xây dựng năm 1686, được hoàn thành năm 1688. Ngày 07.09.1688 nghi lễ làm phép nhà nguyện thật long trọng. Giáo dân được mời tham dự và được phép vào nội cung, ai cũng tò mò muốn nhìn thấy mặt nữ tu đặc biệt mà ngoài phố phường thiên hạ đã không ngần ngại gọi là �thánh�, nhưng soeur Magarita rất điềm nhiên, không lưu ý đến mọi sự việc chung quanh mà chỉ tâm niệm cầu nguyện.

     Được dịp may hiếm có, nhiều giáo dân xin được gặp soeur Magarita để được nghe lời lành, được yên ủi, được hướng dẫn. Về sau nầy, tự thấy các chị trong nhà có phần kiêng dè mến chuộng mình nên soeur Magarita đột nhiên nói : Chắc tôi không còn sống bao lâu nữa vì không lãnh được khốn khó khổ đau nào nữa, vả chăng mẹ bề trên săn sóc tôi cẩn thận quá.

     Trong thời gian ấy, trong lúc khuân và sắp củi, có một thỉnh sinh vô ý nên bị thương nơi ống chân đau lắm mà không dám than van vì sợ bị hoàn tục. Thỉnh sinh ấy tự nghĩ rằng

     Ước gì tôi được đưa ống chân nầy chạm vào gấu áo của soeur Magarita... Đến chiều, trong giờ giải trí, thỉnh sinh nầy lợi dụng cơ hội thuận tiện, đến sau lưng soeur Magarita, nhẹ nhàng nắm gấu áo của soeur đặt lên ống chân mình mà chẳng ai hay biết gì cả. Sau đó mấy ngày, ống chân của thỉnh sinh nầy lành hẳn.

Dọn mình về chầu Chúa

     Soeur Magarita biết rằng cha Croiset đang viết một quyển sách nói về Trái Tim Chúa Giêsu nên sung sướng lắm vì như thế các mệnh lệnh và các điều Chúa hứa sẽ được phổ biến rộng rãi, soeur được lệnh phải ghi lại đầy đủ mọi chi tiết mà Chúa đã truyền dạy; song vì đức khiêm nhượng, soeur Magarita lại ước ao được chết trước khi quyển sách được xuất bản.

     Tự cảm thấy Chúa sắp gọi mình về, nên ngày 22.7.1690, soeur Magarita tĩnh tâm 40 ngày, dọn mình để hoàn toàn phú dâng mạng sống trong tay Đấng mà soeur thường gọi là nơi nương tựa độc nhất của mọi cậy trông của tôi.

     Xong cuộc tĩnh tâm thì soeur Magarita lâm bệnh ngày 08.10.1690, được rước Mình Thánh Chúa. Trong đêm, bệnh tình nghiêm trọng, soeur Magarita thầm thĩ cầu nguyện, xin lỗi mọi chị em rồi nói : Yêu mến Chúa thì hạnh phúc biết ngần nào, đoạn nói với chị canh bệnh : Xin chị hỏa thiêu quyển vở trong hộc tủ của em, trong ấy, vì vâng lời bề trên mà em đã ghi chép đấy. Soeur canh bệnh do dự, tự nghĩ quyển ấy chứa đựng một kho tàng vô giá, nên đáp : Xin chị trao chìa khóa tủ cho mẹ bề trên và cố gắng hy sinh ý muốn ấy đi.

     Ngày 17.10.1690, soeur Magarita quá yếu nên được lãnh bí tích Xức Dầu Thánh. Trong cơn hấp hối, ngẫu nhiên mà hai nữ tu (cựu tập viên) đến thăm, một đứng bên phải một đứng bên trái như từ trước soeur Magarita tiên báo. Soeur Magarita kêu tên Giêsu, linh hồn lìa khỏi xác về thiên cung, muôn muôn đời chiêm ngắm thánh nhan Đấng đã dạy mình phải loan truyền cho nhân loại biết tình thương vô lượng vô biên của Trái Tim Chúa Giêsu.

     Dân chúng ngoài phố bảo nhau : Bà thánh của dòng Đức Bà qua đời rồi. Soeur Magarita Maria về thiên cung nhưng sứ mạng của người được các cha dòng Tên tận tâm tận lực nối tiếp. Năm 1691, cha Croiset cho xuất bản quyển tóm lược hạnh tích vị nữ tu khả kính nầy Phát triển việc tôn thờ Trái tim Chúa Giêsu khắp hoàn cầu

     Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa

https://hoaxuongrong.org/tac-gia/ho-dac-hoa/thanh-margarita_a111

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, tái bố cục bằng 3 tiêu đề chính (mầu tím trên đây) căn cứ vào từng đoạn đời của vị thánh này liên quan đến Thánh Tâm Chúa Giêsu

 

Thánh Margarita Maria Alacoque: Sứ Vụ Thánh Tâm Chúa

Thánh nữ Magarita Maria Alacoque sinh ngày 22/7/1647 ở L’Hautecour, Burgundy, Pháp quốc, và qua đời ngày 17/10/1690, ở Paray-le-Monial, Burgundy, Pháp quốc, hưởng dương 43 tuổi. Chị được Đức Thánh Cha Piô IX phong chân phước ngày 18/9/1864, và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV phong thánh ngày 13/5/1920. Lễ kính hằng năm của nữ thánh là ngày 16/10, cùng ngày kính với Thánh Nữ Hedwig.

 

Năm gần 24 tuổi, chị đã vào Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial ngày 25/5/1671. Chị khấn dòng ngày 6/11/1672. Chị đã được tiếp xúc với Thánh Tâm Chúa Giêsu từ ngày 27/12/1673 và lần cuối cùng 18 tháng sau, với sứ điệp chị nhận được từ Thánh Tâm Chúa liên quan tới 3 điều chính: 1) Rước Lễ vào Thứ Sáu Đầu Tháng, 2) Làm Giờ Thánh vào các ngày Thứ Năm, và 3) Lễ Kính Thánh Tâm Chúa. Tu viện của chị đầu tiên rất chống lại những thị kiến của chị, nhưng cuối cùng đã chấm dứt vào năm 1683, và vào đầu năm 1686 còn cử hành Lễ Thánh Tâm Chúa nữa. Hai năm sau tại địa phương tu viện của chị, chị còn thấy một nguyện đường được dựng nên để kính Thánh Tâm Chúa.

Sau khi chị qua đời, lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa được các linh mục Dòng Tên phát động và đồng thời cũng trở thành đề tài tranh luận trong Giáo Hội. Lòng tôn sùng này chỉ được chính thức công nhận 75 năm sau khi chị qua đời. Vào năm 1928, Đức Piô XI, qua Thông Điệp Miserentissimus Redemptor đã công nhận tính cách chân thực của việc chị được thụ khải. Bản viết La Devotion au Sacré-Coeur de Jesus – Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phổ biến vào năm 1698 và đã trở nên phổ thông trong giới Công Giáo. Ngoài ra chị còn để lại một cuốn Tự  Truyện nữa, trong đó chị thuật lại đời sống nội tâm của chị với Thánh Tâm Chúa. Sau đây là 4 đoạn tiêu biểu liên quan trực tiếp đến Thánh Tâm Chúa: một liên quan tới vai trò của chị thánh, hai liên quan tới việc đền tạ Chúa, ba liên quan tới Lễ  Thánh Tâm, và bốn liên quan tới việc đền bù cho tội nhân.

1) “Cha đã chọn con như một vực thẳm bất xứng và vô thức…”

                  

Một ngày kia, được rỗi rãi hơn một chút - vì những công việc trao cho con không cho con được thảnh thơi tí nào - đang cầu nguyện trước Thánh Thể thì con cảm thấy toàn thân con bị chiếm đoạt bởi sự Hiện Diện Thần Linh, cho đến độ con mất đi tất cả ý thức về mình cũng như về nơi con đang ở, và con đã phú mặc cho Vị Thần Linh quyền năng của Người trên trái tim con. Người đã để con nghỉ ngơi qua một thời gian dài trên Lồng Ngực Linh Thánh của Người, nơi mà Người đã tỏ cho con thấy những kỳ diệu của tình yêu Người và những bí mật khôn tả của Thánh Tâm Người mà Người vẫn giấu con cho tới bấy giờ. Thế rồi, bấy giờ là lần đầu tiên Người mở ra cho con thấy Trái Tim Thần Linh của Người, một cách thế hết sức chân thực và cảm thức vượt lên trên tất cả mọi ngờ vực bởi những tác dụng của hồng ân này tạo ra nơi con, trên tất cả mọi sợ hãi như con vẫn hằng lo sợ về việc tự lừa dối mình ở bất cứ sự gì xẩy ra nơi con. Đối với con thì đây là điều đã xẩy ra. Người nói:      

                  

       Trái Tim Thần Linh của Cha nung nấu yêu thương con người và yêu thương riêng con đến nỗi không thể chất chứa trong mình được nữa những ngọn lửa Đức Ái bừng bừng của mình, Trái Tim Thần Linh của Cha cần phải bung tỏa những ngọn lửa này ra qua con, và tỏ mình ra cho nhân loại, để thăng hóa họ bằng những kho tàng qúi giá mà Cha mở ra cho con, kho tàng chất chứa những ơn thánh hoá và cứu rỗi cần thiết trong việc lôi kéo họ ra khỏi vực thẳm đời đời trầm hư. Cha đã chọn con như một vực thẳm bất xứng và vô thức cho việc hoàn thành dự định cao cả này, để mọi sự đều do Cha mà được thực hiện.

                       

Sau đó, Người hỏi đến trái tim con, vật mà con xin Người hãy nhận lấy. Người làm theo và đặt nó trong Trái Tim Đáng Suy Tôn của Người, nơi mà Người cho con thấy tim con như một hạt nguyên tử tí xíu đang bị tiêu hao đi trong hỏa lò vĩ đại này, rồi nó được Người lấy ra như một ngọn lửa rực cháy dưới hình thể của một con tim và đặt nó về đúng vị trí cũ mà nói với con:

                       

       Hỡi người tình thân ái của Cha, đây Cha cho con một dấu hiệu cao qúi của tình yêu Cha, bằng cách ghép vào cạnh sườn con một tia sáng nhỏ của những ngọn lửa bung tỏa của tình yêu Cha, để nó có thể thay cho trái tim con mà thiêu đốt con cho đến giây phút sau cùng của cuộc đời con; sức nóng của nó sẽ không bao giờ tàn lụi, và con chỉ đổ máu mới có thể tìm được một chút xả hơi. Ngay cả cách chữa trị này đi nữa, Cha sẽ ghi đậm dấu Thánh Giá của Cha, đến nỗi, cách chữa trị này sẽ mang đến cho con khổ đau và khiêm hạ hơn là được nhẹ mình. Thế nên, Cha muốn rằng con hãy đơn thành hỏi xin cách chữa trị này để con có thể thực hành điều buộc con theo lệnh truyền, cũng như cho con niềm an ủi được đổ máu con trên thập giá của những lần hạ mình khiêm tốn. Để có chứng cớ về hồng ân cao cả Cha ban cho con không phải là tưởng tượng và là một chứng cớ xây nền tảng cho tất cả những gì Cha dự tính sẽ ban xuống trên con, mặc dù Cha đã đóng vết thương ở cạnh sườn của con lại, nhưng đớn đau sẽ vẫn luôn còn mãi. Nếu cho đến nay con mới chỉ nhận lấy danh xưng là nô lệ của Cha, thì giờ đây Cha tặng cho con tên gọi là môn đệ của Thánh Tâm Cha.

(Tự Truyện: đoạn 53). 

 

2) “Ít là có con an ủi Cha, bao nhiêu có thể, thay cho sự vô ơn bậc tình của họ” 

                 

Vào mỗi Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, ân huệ được đề cập đến trên đây cùng với đớn đau ở cạnh sườn con tái diễn như thế này: Con thấy Thánh Tâm Chúa như một vầng dương sáng chói, với những tia nóng tuôn xuống trên trái tim con làm cho nó bùng cháy với một ngọn lửa nóng nảy, đến nỗi, ngọn lửa như có thể làm con biến thành tro. Vào những dịp đặc biệt này, Vị Thần Sư của con dạy con những điều Người đòi hỏi nơi con và tỏ cho con biết những bí mật của Trái Tim thương yêu của Người. Có một lần, trước Thánh Thể được đặt ra ngoài, con cảm thấy mình hoàn toàn chìm đắm vào một cuộc suy niệm phi thường bằng cả giác quan lẫn năng lực của con, thì Chúa Giêsu Kitô, vị Sư Phụ dịu ngọt của con tỏ mình ra cho con với tất cả vinh quang sáng ngời, và Năm Dấu Tích của Người chiếu sáng như thật nhiều mặt trời. Những ngọn lửa phát ra từ các phần của nhân tính Người, nhất là từ Lồng Ngực Đáng Suy Tôn của Người, giống như một lò lửa không đậy nắp, để lộ ra cho con thấy Trái Tim khả ái nhất và yêu thương nhất, Trái Tim là một nguồn mạch sống động của những ngọn lửa này. Đoạn Người tỏ cho con thấy những diệu kỳ không thể xóa mờ nơi tình yêu tinh tuyền của Người, cùng tỏ cho con biết cái gì đã làm Người yêu con người quá lẽ, mà Người lại chỉ nhận được vô ơn bạc nghĩa và khinh mạn dể duôi. Người nói:

                       

       Cha cảm thấy điều này còn hơn tất cả những gì Cha phải chịu trong cuộc khổ nạn của Cha. Chỉ cần họ đáp lại một phần nào tình yêu của Cha, thì Cha vẫn nghĩ rằng Cha dù sao cũng mới hy sinh cho họ chút xíu, và nếu có thể, Cha còn muốn chịu khổ hơn nữa. Thế nhưng, họ chỉ đáp lại tất cả nhiệt huyết của Cha trong việc làm ích cho họ bằng cách loại trừ Cha và lạnh lùng đối xử với Cha. Ít là có con an ủi Cha, bao nhiêu có thể, thay cho sự vô ơn bậc tình của họ.  

           

             (Tự Truyện: đoạn 55)

 

3) “Hãy giành Ngày Thứ Sáu sau Tuần Bát Nhật của lễ kính Mình Thánh Chúa Kitô để làm một ngày lễ kính Trái Tim Cha” 

Ở trước Mình Thánh Chúa vào một ngày trong tuần bát nhật, con nhận được từ Thiên Chúa những dấu chứng tỏ hiện của tình yêu Người, và cảm thấy được thôi thúc đáp đền Người một phần nào, bằng cách lấy tình yêu trang trải tình yêu cho Người. Người nói:

                       

       Con không thể trả lại cho Cha tình yêu nào cao cả hơn là làm theo điều Cha rất thường xin con làm.

                       

Rồi tỏ cho con thấy Trái Tim Thần Linh của Người, Người nói:

                       

       Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người quá sức, đến nỗi đã không tiếc xót một sự gì, cho đến cạn kiệt và tiêu hao chính mình, để chứng tỏ cho họ thấy tình yêu của mình; và đáp lại, Cha chẳng nhận được gì từ phần đông con người, ngoài sự vô ơn bạc nghiã được tỏ ra qua những việc bất kính và phạm thánh của họ, qua sự lạnh nhạt và khinh mạn mà họ tỏ ra đối với Cha trong Bí Tích Tình Yêu này. Thế nhưng, cái làm cho Cha cảm thấy nhức nhối nhất đó là chính các con tim đã tận hiến cho Cha lại đối xử với Cha như vậy. Bởi đó, Cha xin con hãy dành Ngày Thứ Sáu sau Tuần Bát Nhật của lễ kính Mình Thánh Chúa Kitô để làm một ngày lễ kính Trái Tim Cha, bằng việc liên minh trong ngày đó mà đền tạ Trái Tim Cha với một nghi thức long trọng, hầu có thể bù đắp tất cả những bất xứng mà Trái Tim Cha phải chịu trong thời gian Trái Tim Cha được đặt lộ ra trên các bàn thờ. Cha hứa với con rằng Trái Tim Cha sẽ rộng mở để tràn tuôn muôn vàn ảnh hưởng của tình yêu thần linh trên những kẻ tôn kính Trái Tim Cha và làm cho Trái Tim Cha được kính tôn. 

(Tự Truyện: đoạn 92) 

4) “Cha sẽ tha cho họ nếu con đứng ra bảo đảm thay cho họ

Con nhận thức được rằng con không thể nào chịu đựng tình trạng quá đau đớn được lâu nữa, nếu tình thương ưu ái của Người không nâng đỡ con dưới sự nghiêm khắc của đức công chính Người. Đúng như thế, con đã ngã bệnh khó lòng mà bình phục nổi. Người thường đặt con vào trạng thái đớn đau này, và có một lần Người cho con biết hình phạt mà Người sắp giáng xuống trên một số linh hồn; nhưng con gieo mình xuống Bàn Chân Linh Thánh của Người mà nói:

 

"Ôi Đấng Cứu Tinh của con, con xin Chúa thà đổ cơn oán hận của Chúa xuống trên con và xóa con khỏi Sách Sự Sống hơn là để những linh hồn đã được Chúa hết sức dấu yêu hy sinh cho này bị hư mất đời đời!"

Và Người trả lời:

                       

       Thế nhưng họ đâu có thương con, lại không thôi làm khổ con.

                       

"Cũng không sao, lạy Chúa Trời con, miễn là họ yêu Chúa, con sẽ không thôi xin Chúa tha thứ cho họ"

                       

       Hãy để cho Cha làm như Cha muốn, Cha không chịu được họ nữa rồi.

                       

Càng ôm chặt lấy Người, con đáp lại: "Không được, Chúa ơi, con sẽ không rời Chúa cho đến khi Chúa tha cho họ mới thôi". Người nói:

                       

       Cha sẽ tha cho họ nếu con đứng ra bảo đảm thay cho họ.

                       

"Vâng, lạy Chúa Trời con, thế nhưng, con sẽ đền lại cho Cha bằng chính các sự thiện hảo của Cha đó là các kho tàng của Thánh Tâm Cha".

 

Thế là Người mãn nguyện.    

(Tự Truyện: đoạn 100)

Tuy nhiên, để việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa của chúng ta có một nền tảng vững chắc, chúng ta cũng cần biết thêm đâu là lý do, đối tượng, bản chất, hình thành và thiết lập việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa. Và chúng ta sẽ không tìm đâu ra nền tảng vững chắc này ngoài giáo huấn của Giáo Hội qua Đức Thánh Cha Piô XII nơi bức Thông Điệp Haurietis Aquas ban hành ngày 15/5/1956 để kỷ niệm 100 năm ĐTC Piô IX truyền mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa trong toàn thể Giáo Hội.

(Đaminh Maria cao tấn tĩnh tổng hợp và chuyển dịch theo Tự Truyện của Chị Thánh)

Thánh Tâm Chúa - Thông Điệp "Kín Lấy Nước Haurietis Aquas" (ĐTC Piô XII)

       

111.     Thế nên, Ta biết rằng, việc sùng kính mà chúng ta suy tôn tình yêu của Chúa Giêsu Kitô dành cho loài người, qua dấu hiệu cao cả là Trái Tim Bị Thương Tích của Đấng Cứu Chuộc bị đóng đanh trên Thánh Giá, đã chưa bao giờ hoàn toàn bị lòng đạo đức của Kitô hữu lãng quên cả. Tuy nhiên, trong những thời gian gần đây, việc sùng kính này đã được biết đến nhiều hơn và được phổ biến cách lạ lùng khắp Giáo Hội, nhất là sau khi chính Chúa mạc khải mầu nhiệm thần linh này cho riêng một số con cái của Người, thành phần được đặc biệt ban cho dồi dào ân phúc thiêng liêng, trở nên những sứ giả được tuyển chọn để loan truyền việc tôn sùng này. (Phụ chú của người trích dịch: Ở đây ĐTC có thể ngầm nói đến cả chị nữ tu Maria Josefa Menéndez, mà ngài, khi còn là hồng y, trong thơ đề tháng 4-1938,  đã viết cho mẹ bề trên của chị để chúc lành cho cuốn sách "The Way of Divine Love" trong lần xuất bản thứ nhất của nó)

           

116.     Ta đề cập đến những tên tuổi tiêu biểu của những người chiếm được một vị trí  đặc biệt trong việc thiết lập cũng như cổ động việc tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu: đó là thánh Bonaventura, thánh Albêtô Cả, thánh Catarina Siena, chân phước Henry Suso, thánh Phêrô Canisiô, thánh Phanxicô Salêsiô, và thánh Gioan Euđê là tác giả soạn ra bộ kinh nguyện phụng vụ đầu tiên để dùng vào việc cử hành tôn kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu.           

 

117.     Được nhiều giám mục Pháp ban phép, lễ trọng này đã được cử hành vào lần đầu tiên ngày 20-10-1672.

           

118.     Trong số những người cổ động việc tôn sùng tuyệt hảo này, chiếm chỗ danh dự là thánh nữ Magarita Maria Alacoque. Được lòng nhiệt thành nung nấu và được hỗ trợ bởi vị linh hướng là chân phước Claude de la Colombrère, thánh nữ đã hết sức tiến hành để làm cho việc tôn sùng, không thiếu gì tín hữu hết sức ca tụng, dồi dào phúc lành thiêng liêng này, được thiết lập và, bởi bản chất đặc biệt nơi những tác động yêu mến cũng như đền tạ của nó, được trổi vượt hơn những hình thức đạo đức khác của Kitô hữu.

           

119.     Việc ôn lại lịch sử của giai đoạn bắt đầu việc sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu đủ cho chúng ta  thêm sự hiểu biết về sự phát triển lạ lùng của việc tôn sùng này, một việc tôn sùng hoàn toàn hợp với bản chất của Kitô giáo, một tôn giáo đích thực là một đạo giáo yêu thương.       

              

123.     ... Thánh Bộ Lễ Nghi, trong sắc lệnh đề ngày 25-1-1765, được vị tiền nhiệm của Ta là Đức Clementê XIII phê chuẩn ngày 6-2 cùng năm, đã ban phép cử hành thánh lễ phụng vụ cho các giám mục Ba-Lan cũng như cho Roman Archfraternity of the Sacred Heart.           

 

125.     Việc chuẩn nhận đầu tiên này được ban phép theo thể thức của một đặc ân và hạn hẹp cho những vùng nào đó thôi. Sau gần một thế kỷ, một chuẩn nhận khác quan trọng hơn được ban cho, với những ngôn từ trịnh trọng. Ta đang nói đến, như Ta đã đề cập trước đây, sắc lệnh của Thánh Bộ Lễ Nghi ban hành ngày 23-8-1856. Qua sắc lệnh này, vị tiền nhiệm của Ta là Đức Piô IX, ưng thuận với những thỉnh cầu của các Giám Mục Pháp quốc cũng như của hầu hết thế giới Công Giáo, đã truyền cho lễ Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu được phổ biến khắp Giáo Hội và phải được cử hành xứng đáng. Tín hữu phải luôn luôn nhớ đến sắc lệnh này, vì, như chúng ta đọc trong phụng vụ của lễ này: "Từ khi việc tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, phát xuất như một giòng suối mãnh liệt, đã lan truyền khắp thế giới, tẩy xoá đi mọi chướng ngại trong giòng nước của nó."

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, chuyển dịch

 

Thánh Tâm Chúa - Thứ Sáu Đầu Tháng

 

 

Đó là thời điểm nửa đêm về sáng giữa Thứ Năm và Thứ Sáu Đầu Tháng để thực hiện "Một Giờ Với Thày".

 

Có 4 thông điệp về Thánh tâm của 3 Đức Thánh Cha sau đây

ĐTC Lêô XIII với Thông Điệp ANNUM SACRUM về việc Tận Hiến cho Thánh Tâm ban hành ngày 25/5/1899, ấn định ngày 11/6/1899 là ngày Tận Hiến cả loài người cho Thánh Tâm Chúa.

ĐTC Piô XI với 2 thông điệp MISERENTISSIMUS REDEMPTOR về việc Đền Tạ Thánh Tâm Chúa, ban hành ngày 8/5/1928, và thông điệp CARITATE CHRISTI COMPULSI: về Thánh Tâm Chúa ban hành ngày 3/5/1932.

Đức Piô XII với Thông Điệp HAURIETIS AQUAS về Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa, ban hành ngày 15/5/1956

Tuy không có một thông điệp nào nói một cách rõ ràng đến riêng truyền thống Thứ Sáu Đầu Tháng, nhưng chúng ta cũng thấy nhắc đến một cách gián tiếp ở thông điệp 
MISERENTISSIMUS REDEMPTOR như sau:

"Hơn nữa, nhờ tác động của ân sủng Chúa, việc thực hành đạo đức đối với Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu đã gia tăng rất nhiều qua giòng thời gian; từ đó đã có các hiệp hội đạo đức phát động việc tôn thờ Trái Tim Thần Linh này ở khắp mọi nơi, cũng từ đó lệ rước Lễ vào các Thứ Sáu đầu tháng theo lòng mong ước của Chúa Giêsu Kitô là một thứ lệ giờ đây đã được thịnh hành" (đoạn 3)

"Để những lỗi lầm này (bỏ bê quên lãng Tình Yêu Chúa) được tẩy sạch, thì Người (Chúa Giêsu) đã khuyên dạy mấy điều cần phải làm, nhất là việc sau đây là việc đẹp lòng Người nhất, đó là người ta cần phải tiến đến Bàn Thờ với mục đích đền bồi tội lỗi, bằng việc được gọi là Rước Lễ Đền Tạ, và họ cũng cần phải thực hiện các lời nguyện cầu đền bồi kéo dài nguyên cả một tiếng đồng hồ, được gọi là 'Giờ Thánh'. Những việc thực hành đạo đức này đã được Giáo Hội chuẩn nhận và cũng được phong phú hóa bởi các ân sủng dồi dào" (đoạn 12)

Như thế, căn cứ vào hai đoạn của ĐTC Piô XI trên đây thì Thứ Sáu Đầu Tháng trở thành lệ không phải trực tiếp từ Giáo Hội mà là từ Cộng Đồng Dân Chúa, một lệ được căn cứ vào khoản Tự Truyện 55 của Chị Thánh Margarita Maria Alacoque. Và những việc làm cho/trong Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng này, như Rước Lễ Đền Tạ và làm Giờ Thánh, là những gì đã được Giáo Hội chuẩn nhận. 

Sau đây là chính lời của Chúa Giêsu kêu gọi Chị Thánh Margarita Maria Alacoque:

 

"Cũng trong lần Trái Tim Thần Linh của Người mở ra, thì có một ngọn lửa từ đó bắn ra, nồng nhiệt đến nỗi, con nghĩ con bị thiêu rụi đi mất tiêu rồi, vì con hoàn toàn bị ngọn lửa này chiếm đoạt cho đến độ, không chịu đựng được nữa, con đã xin Người thương đến sức yếu đuối của con. Người nói với con rằng:

 

"Cha sẽ là mãnh lực của con, đừng sợ gì cả, nhưng hãy lắng nghe Tiếng Cha và những gì Cha sẽ đòi hỏi nơi con, để con có thể trở thành một trong những yếu tố tiên quyết trong việc hoàn thành dụ định của Cha. Trước hết, con sẽ thường xuyên hiệp lễ, bao lâu đức vâng lời cho phép con, cho dù con có phải bỏ mình hay hạ mình đi nữa, thì con cũng phải nhận lấy chúng như những lời đoan hứa của tình Cha yêu thương con. Hơn thế nữa, con sẽ liên minh hiệp thông với Cha vào mỗi Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng. - Vào nửa  đêm giữa ngày Thứ Năm và Thứ Sáu, Cha sẽ cho con thông phần vào cuộc buồn sầu đến chết được mà Cha sẵn sàng cảm nhận trong Vườn Cây Dầu, và nỗi buồn sầu ngoài khả năng thấu hiểu của con này sẽ kéo con vào một cuộc khổ não còn khốn cực hơn là chính sự chết nữa. Và, để thông hiệp với Cha trong buổi cầu nguyện nhu hạ mà Cha bấy giờ dâng lên Cha Cha giữa cơn khổ não của Cha, con sẽ chỗi dậy giữa 11 và 12 giờ khuya, sấp mình xuống với Cha một tiếng đồng hồ, không những để làm nguôi cơn giận thần linh, bằng việc van xin tình thương cho các tội nhân, mà còn để xoa dịu phần nào nỗi đắng cay mà bấy giờ Cha đã cảm thấy, khi Cha bị các tông đồ bỏ rơi, làm cho Cha phải trách họ không thể thức với Cha lấy một giờ. Trong một tiếng đồng hồ ấy, con sẽ làm theo điều Cha sẽ dạy con. Nhưng hãy nghe này, hỡi đứa con gái của Cha ơi, đối với mọi thần linh, con đừng tin theo một tí nào cũng đừng tin tưởng gì cả, vì Satan hậm hực sẽ tìm cách đánh lừa con đấy nhé. Thế nên, đừng làm sự gì mà không được chấp nhận bởi những vị hướng dẫn của con; ở dưới thẩm quyền của đức tuân phục, nỗ lực làm hại con của hắn sẽ trở thành vô hiệu, vì hắn không có quyền hạn gì trên một con người vâng phục cả". (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tự Truyện của Chị Thánh Margarita Maria Alacoque đoạn 57).

 

Nguồn gốc và Mục đích của Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng thì tất cả ở đoạn Tự Truyện số 55 của Thánh Nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690) sau đây (những chỗ in nghiêng và đỏ là do chính tôi là người dịch tự ý muốn nhấn mạnh cho rõ hơn vấn đề ông hỏi):

 

"Vào mỗi Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, ân huệ được đề cập đến trên đây (biệt chú của người dịch thì 'ân huệ' đó 'được đề cập đến' ở đoạn 53, đoạn đã được chị thánh diễn tả tác động và lời của Chúa Giêsu nói với chị rằng 'Cha... ghép vào cạnh sườn con một tia sáng nhỏ của những ngọn lửa bung tỏa của tình yêu Cha, để nó có thể thay cho trái tim con mà thiêu đốt con cho đến giây phút sau cùng của cuộc đời con') cùng với đớn đau ở cạnh sườn con tái diễn như thế này: Con thấy Thánh Tâm Chúa như một vầng dương sáng chói, với những tia nóng tuốn xuống trên trái tim con làm cho nó bùng cháy với một ngọn lửa nóng nảy, đến nỗi, ngọn lửa như có thể làm con biến thành tro. Vào những dịp đặc biệt này, Vị Thần Sư của con dạy con những điều Người đòi hỏi nơi con và tỏ cho con biết những bí mật của Trái Tim thương yêu của Người. Có một lần, trước Thánh Thể được đặt ra ngoài, con cảm thấy mình hoàn toàn chìm đắm vào một cuộc suy niệm phi thường bằng cả giác quan lẫn năng lực của con, thì Chúa Giêsu Kitô, vị Sư Phụ dịu ngọt của con tỏ mình ra cho con với tất cả vinh quang sáng ngời, và Năm Dấu Tích của Người chiếu sáng như thật nhiều mặt trời. Những ngọn lửa phát ra từ các phần của nhân tính Người, nhất là từ Lồng Ngực Đáng Suy Tôn của Người, giống như một lò lửa không đậy nắp, để lộ ra cho con thấy Trái Tim khả ái nhất và yêu thương nhất, Trái Tim là một nguồn mạch sống động của những ngọn lửa này. Đoạn Người tỏ cho con thấy những diệu kỳ không thể xóa mờ nơi tình yêu tinh tuyền của Người, cùng tỏ cho con biết cái gì đã làm Người yêu con người quá lẽ, mà Người lại chỉ nhận được vô ơn bạc nghĩa và khinh mạn dể duôi. Người nói: 'Cha cảm thấy điều này còn hơn tất cả những gì Cha phải chịu trong cuộc khổ nạn của Cha. Chỉ cần họ đáp lại một phần nào tình yêu của Cha, thì Cha vẫn nghĩ rằng Cha dù sao cũng mới hy sinh cho họ chút xíu, và nếu có thể, Cha còn muốn chịu khổ hơn nữa. Thế nhưng, họ chỉ đáp lại tất cả nhiệt huyết của Cha trong việc làm ích cho họ bằng cách loại trừ Cha và lạnh lùng đối xử với Cha. Ít là có con an ủi Cha, bao nhiêu có thể, thay cho sự vô ơn bậc tình của họ'". (Đoạn trên đây tôi trích dịch từ cuốn The Autobiography of Saint Margaret Mary, Tan Books and Publishers, Inc, 1986, trang 66-67)

 

Căn cứ vào đoạn 55 trên đây trong cuốn Tự Truyện của Chị Thánh Margarita Maria Alacoque thì Nguồn Gốc của Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng được xuất phát từ những gì Chúa Giêsu muốn tỏ ra Vào mỗi Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng cho vị thánh nữ này chẳng những được thấy Thánh Tâm Chúa mà còn được biết cả những bí mật của Thánh Tâm Người: cái gì đã làm Người yêu con người quá lẽ, nhưng thảm thương thay, Thánh Tâm vô cùng nhân hậu của Người lại chỉ nhận được vô ơn bạc nghĩa và khinh mạn dể duôi, bởi đó Thánh Tâm Chúa đã kêu gọi thực hiện việc đền tạ như là Mục Đích của Ngày Thứ Sáu Đầu ThángÍt là có con an ủi Cha, bao nhiêu có thể, thay cho sự vô ơn bậc tình của họ. 

 

(Đaminh Maria cao tấn tĩnh truy tầm và chuyển dịch theo Tự Truyện của Chị Thánh)

 

 

Thánh Tâm Chúa Giêsu - Phong Trào Tôn Sùng

 

Năm 1715, cha bề trên Cả dòng Tên bắt đầu vận động xin Tòa Thánh phong soeur Magarita Maria lên hiển thánh song bị chậm trễ vì cuộc cách mạng đã làm chodòng Tên bị phân tán. Tuy vậy việc tôn thờ Trái Tim Chúa chẳng những được duy trì mà còn đều đều phát triển.

     Năm 1758, 143 vị giám mục của nhiều quốc gia trên thế giới xin với Đức Giáo Hoàng cho in vào sách lễ Lễ kính Trái tim Chúa Giêsu.

     Năm 1765, đã có trên một nghìn hội đoàn Trái Tim Chúa nhưng rồi cuộc nội chiến của Pháp đã giết hại rất nhiều linh mục cũng như rất nhiều linh mục phải vượt biên tị nạn.

     Từ đầu thế kỷ XIX, các nhà dòng, các tu viện đều tăng cường việc tôn thờ Trái Tim Chúa. Năm 1800, cha Pierre Coudrin, quê ở Poitiers, lập một hội dòng gồm có ngành nam và ngành nữ gọi là Picpus, chuyên giảng dạy và khuyến khích việc tôn thờ Trái Tim Chúa trong phép Thánh Thể; phong trào này phát triển và lan tràn nhanh chóng tại các đảo thuộc Úc dương châu (Océanie).

     Năm 1801, một thanh nữ ở Joigny tỉnh Yonne (Pháp) hiến dâng trọn đời mình để chuyên giáo dục thanh thiếu nữ, được cha Varin (dòng Tên) hướng dẫn, thành lập một dòng nữ chuyên việc tôn thờ Trái Tim Chúa. Dòng nầy được phát triển tại các quốc gia; về sau, vị sáng lập dòng được phong hiển thánh tức thánh Madeleine Sophie Barat.

     Năm 1835, một linh mục người Basque, mỹ danh Michel Garicoits thành lập tại  Bétharam, gần Lourdes hội Linh mục của Trái Tim Chúa. Cha Michel Garicoits qua đời năm 1863 và được Đức Piô XII phong hiển thánh năm 1947.

     Năm 1854, tại Issoudin, linh mục Chevalier thuộc Hội Giáo sĩ thừa sai Trái Tim Chúa Giêsu, chuyên giảng đạo tại các vùng thôn quê để trùng hưng đạo thánh Chúa. Sau đó ngài thành lập - khoảng 1847 - dòng nữ thừa sai Notre Dame Du Sacré Coeur.

     Năm 1856, Đức Piô IX truyền cho toàn thể Giáo hội phải mừng lễ kính Trái Tim Chúa Giêsu theo như Chúa đã truyền dạy rồi đến ngày 19.08.1864, ngài long trọng phong soeur Magarita Maria lên Á thánh.

     Năm 1861, cha Henri Ramière (cũng dòng Tên) xuất bản tạp chí Messager du Coeur de Jésus phát động việc tôn thờ Trái Tim Chúa.

     Năm 1866, cha Braun, người Lorraine, thành lập Hội Nữ tỳ Trái Tim Chúa để cứu giúp giới phụ nữ thất thân ở các thành phố lớn và giáo dục trẻ mồ côi.

     Sau chiến tranh 1870, cha Dehon lập Hội linh mục của Trái Tim Chúa tại Saint Quentin (Pháp). Ngài bênh vực giới thợ thuyền và giới nghèo khó nên người ta chụp mũ ngài là đảng viên xã hội, tuy vậy hội của ngài vẫn sinh hoạt và phát triển không ngừng.

     Lúc còn sanh tiền, soeur Magarita Maria đã có ý muốn xin vua Louis XIV dâng nước Pháp cho Trái Tim Chúa song chưa thực hiện được.

     Ngày 23.07.1873, Quốc hội Pháp bỏ phiếu chấp thuận luật xây dựng một Vương cung kính Trái Tim Chúa gọi là Vương cung của lời nguyện ước quốc gia (Basilique du Voeu National). Vì sau bao nhiêu đau thương do chiến tranh 1870 gây ra, nước Pháp muốn minh chứng lòng mình muốn ăn năn, trở lại trung thành thờ phượng Thiên Chúa là Chúa của mình. Vậy người ta quyết định xây dựng công trình ấy trên đồi Montmartre trông xuống thủ đô Paris; viên đá đầu tiên được đặt ngày 16.06.1875; tiền dâng cúng từ khắp nơi gởi về, ngay cả những người gia sản tầm thường cũng dâng số tiền dành dụm của mình. Kiến trúc sư chọn mẫu Byzantin của thế kỷ XII. Thật là một công trình vĩ đại, đẹp đẽ. Tháp chuông cao hơn 100m, quả chuông lớn nhất tên là La Savoyarde cân nặng 26.215 kg do giáo dân Chambéry dâng cúng. Sau đệ nhất thế chiến, Vương cung được làm phép và trên bàn thờ chính có một ít hài cốt của thánh Magarita Maria.

      Ngày 13.05.1920, Đức Benoit XV tuyên phong Hiển thánh cho Á thánh Magarita Maria. Trở lại năm 1899, Đức Léon XIII đọc kinh dâng toàn thể nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu và dạy các nước khắp hoàn cầu phải đọc kinh ấy trước Mình Thánh Chúa long trọng trưng bày trên bàn thờ trong ngày lễ Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ.

     Cứ theo đà ấy, việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu từ đời nọ sang đời kia được tiếp tục theo nhiều nghi thức để đền bồi phạt tạ mọi tội lỗi phạm đến Trái Tim Chúa hằng yêu thương nhân loại vô ngần.

Từ đầu thế kỷ XX, cha Matéo Crawlay dòng Picpus, sau cuộc hành hương Paray, liền có sáng kiến tổ chức việc tôn thờ Trái Tim Chúa trong gia đình. Ảnh tượng Trái Tim Chúa đặt vào nơi trịnh trọng nhất trong nhà để dâng toàn thể gia đình cho Trái Tim Chúa để Ngài làm chủ gia đình, rồi cha mẹ con cái đọc kinh cầu nguyện trước bàn thờ Trái Tim Chúa. Hằng triệu gia đình công giáo đã nghe theo và Đức Piô XII ban thưởng cho cha Matéo tước hiệu Tông đồ của Trái Tim Chúa.

    

Thánh Tâm Chúa - Những Lời Hứa

1. Những kẻ thật lòng dâng trọn mình cho Trái Tim Chúa Giêsu sẽ không mất linh hồn.

2. Những nơi nào trưng bày và tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu sẽ được hưởng nhiều hồng ân.

3. Những gia đình bị ly tán và những gia đình có lòng tin cậy cầu xin Trái Tim Chúa Giêsu thì sẽ được Ngài hộ phù giúp đỡ bảo vệ trong mọi cơn túng ngặt.

4. Chúa Giêsu sẽ bảo vệ cách riêng những cộng đoàn có lòng tôn thờ Trái Tim Ngài cho khỏi án công thẳng.

5. Những ai lo cho phần rỗi người ta, nếu có lòng tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu thì Ngài sẽ ban cho nhiều thành quả.

6. Những ai rước Mình Thánh Chúa liên tục trong chín ngày thứ sáu đầu tháng thì chắc chắn được Chúa ban cho ơn cứu rỗi.

     Những vị Giáo hoàng cận đại đối với việc tôn thờ Trái tim Chúa Giêsu Đức Gioan XXIII, trong thời gian còn là Sứ thần của Tòa Thánh tại Pháp, đã hành hương kính viếng Paray le Monial năm lần. Ngài nói : Việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu đã hướng dẫn trọn cuộc đời của tôi. Trái Tim Chúa muốn tôi phải là một người được hưởng nhiều hồng ân đặc biệt nên tôi sẵn sàng đổ máu mình để Trái Tim Chúa thống trị khải hoàn.

     Đức Phaolô VI, năm 1965, đã ra hai tông thư về việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Trái Tim Chúa Giêsu là hình ảnh đầy đủ ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu phải được nẩy nở và phát triển không ngừng nơi mọi người và đó là hình thức chính đáng để chứng minh lòng sốt sắng sùng đạo.

     Ngày 17.10.1965, đức Hồng Y Wojtyla, Tổng Giám mục Cracovie, đã chủ tế tại Paray le Monial lễ thánh nữ Magarita Maria. Mười ba năm sau, vào ngày lễ thánh nữ Magarita Maria, 16.10.1978, ngài đắc cử Giáo Hoàng, niên hiệu Gioan Phaolô II - một trùng hợp lạ lùng - Tháng 10.1988, công du mục vụ lần thứ ba tại Pháp quốc, ngài đã không quên hành hương Paray le Monial.

(Hồ Đắc Hóa)



Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 1-10

"Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi anh em đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những tội lỗi đó, xưa kia anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này, theo thủ lãnh chủ quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động trong những con người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa, xưa kia tất cả chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm theo những thèm muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ chúng tôi cũng là những con người đáng giận ghét như các người khác.

Nhưng Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến đỗi khi tội lỗi làm chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô. Nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.

Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải là do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Chính Chúa đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người (c. 3b).

Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".

Ðó là lời Chúa.

 

IL MIO AMICO GESÙ: Dal Vangelo secondo Luca - Lc 12, 13-21 - Quello che hai  preparato, di chi sarà?

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Đồ ngu...

 

 

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm của Thứ Bảy tuần trước, và cả 2 bài Phúc Âm, cùng với Bài Đọc 1 của từng ngày, đều nhắm đến vấn đề người công chính sống bởi đức tin. 

Thật vậy, chính đức tin mới chứng tỏ ai là người công chính và ai là người không công chính hay chưa công chính. Mà đức tin không thể tách rời với thử thách, tức những thử thách liên quan tới bản tính tự nhiên, tới giác quan thực nghiệm, tới ý nghĩ phàm nhân cho dù là hợp lý, tới ý muốn tự do cho dù là tốt lành v.v. 

Đề tài người công chính sống bởi đức tin cũng được chính Chúa Giêsu áp dụng trong bài Phúc Âm hôm nay, qua dụ ngôn Người huấn dụ về khuynh hướng tự nhiên nơi con người thường tham lam vô đáy và chỉ muốn hưởng thụ tối đa, chẳng biết đến yêu thương bác ái là gì, đến nỗi họ chỉ biết có thiên đường trần gian mà quên mất linh hồn bất t đời sau của mình:

"Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!' Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".

"Nếu được lợi lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì" (xem Mathêu 16:26) thì quả thật: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?". Đó là lý do Chúa Giêsu đã cảnh giác "người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi'" rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình cho khỏi mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Ở đây, Chúa Giêsu chẳng những cảnh báo cho người anh tham lam không chịu chia gia tài cho người em mà còn cảnh giác cả người em bị thiệt phần gia tài bị anh lấy mất nữa. Đó là lý do Chúa Giêsu không sử dụng đại danh từ số ít "ngươi" / "bạn" mà là số nhiều "các ngươi" / "quí vị", như thể Người khuyên người em rằng có lấy được phần gia tài của mình chăng nữa cũng chẳng ích lợi gì, cũng không quan trọng bằng phần rỗi đời đời của anh ta, đôi khi còn vì của cải mà mất linh hồn nữa. Trái lại, anh ta có thể lợi dụng chính những bất công và thua thiệt về vật chất ấy để sống đức tin, để sống nghèo khđể sống thiếu thốn, nhờ đó anh ta mới có thể càng thêm lòng trông cậy mọi sự nơi Đấng Quan Phòng Thần Linh. 

 

Người phú hộ "đồ ngu" trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay là một con người tiêu biểu cho con người cũ của Kitô hữu chúng ta, như Thánh Phaolô đã nhắc nhở Kitô hữu Giáo đoàn Ephêsô ở Bài Đọc 1 hôm nay:

 

"Anh em thân mến, khi anh em đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những tội lỗi đó, xưa kia anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này, theo thủ lãnh chủ quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động trong những con người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa, xưa kia tất cả chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm theo những thèm muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ chúng tôi cũng là những con người đáng giận ghét như các người khác".

 

Còn những ai thà chịu thua thiệt trên trần gian này, thua thiệt tất cả mọi sự mà được vĩnh phúc còn vô cùng quí báu hơn mọi sự trên đời này, như Chúa Giêsu nhắc nhở trong bài Phúc Âm hôm nay, trực tiếp cho người muốn Người can thiệp về vấn đề chia gia tài cho họ, và gián tiếp cho tất cả những ai nghe Người bấy giờ, ở chỗ "giữ mình cho khỏi mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu", thì lại cảm thấy được dịp sống đức tin cứu rỗi hơn bao giờ hết, nhờ đó, họ chẳng những được thông phần vào "sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô", và còn nhờ đó, họ là thành phần "đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô", có thể "làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu", như Thánh Phaolô cảm nhận và nhắc nhở Kitô hữu Giáo đoàn Êphêsô trong bài Đọc 1 hôm nay.

 

Đúng thế, chỉ có những tâm hồn Kitô hữu nào chỉ biết "tìm Nước Thiên Chúa trước" (Mathêu 6:33), sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian (xem Gioan 17:14,16), "dùng của đời này như không sử dụng" (1Corinto 7:31), mới có thể cảm thấy được tâm tình hân hoan thanh thản của thánh vịnh gia trong Thánh Vịnh 99 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. .

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.

 

Ngày 17 tháng 10

Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo

lễ nhớ bắt buộc

Tiểu sử 
Giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rô-ma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Ki-tô, về Hội Thánh và về đời sống Ki-tô hữu một cách khôn ngoan và thông thái. Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo : “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì : Hãy đến với Chúa Cha.”

Ngày 17/10: Thánh Inhaxiô thành Antiokia, giám mục tử đạo

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Không có một tài liệu lịch sử nào rõ rệt về lý lịch của vị Giám mục đáng kính này.

Truyền thuyết cho rằng thánh Ignatiô là môn đệ Thánh sử Gioan. Ngài có một lòng yêu mến Chúa Kitô đến say mê, luôn ước ao được chết vì Chúa, do đó người ta đã tặng thánh nhân danh hiệu “Đền thờ Thiên Chúa”.

Thánh Ignatiô được tấn phong làm Giám mục thành Antiôkia kế vị Đức Giám mục Êvôđa dưới triều hoàng đế Trajanô. Truyền thuyết cho rằng ngài chính là em bé đã được Chúa Giêsu ẵm bế đặt giữa các môn đệ trong Tin Mừng 18,3 hay câu bé bán bánh đã dâng cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá để Ngài làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho ba ngàn người ăn trong Tin Mừng Matthêô (Mt 14,15-20).

Khoảng năm 110, ngài bị bắt vì đức tin và bị giải về Rôma dưới trào hoàng đế Trajanô. Trước khi lên đường tử nạn, ngài chúc phúc lành cho đoàn con cái và trao phó cả giáo đoàn Antiôkia cho Chúa Kitô. Rồi Ngài giúp lính xiềng tay ngài và vui vẻ đi theo bọn lính áp tải ngài về Rôma. Bọn lính hành hạ Ngài rất tàn nhẫn. Chúng cố ý hành hạ ngài cốt để cho các giáo hữu động lòng cảm thương ngài đút lót tiền bạc cho chúng.

Các Kitô hữu ở Antiôkia khóc thương tiếc vị Giám mục đáng kính của họ. Họ buồn phiền vì phải ly biệt chủ chăn yêu quí nhất đời. Đứng trước cảnh ly biệt đau thương đó, Đức Giám mục Ignatiô vẫn giữ vẻ mặt tươi tỉnh, Ngài khuyên nhủ họ nên đặt tin tưởng độc nhất vào Chúa Giêsu.

Đức Giám mục Ignatiô được dẫn theo đường bộ về Rôma. Ngài đi qua thành Smyrna. Tại đây, thánh Ignatiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị Giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan như thánh Ignatiô.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hai vị Giám mục ôm chầm lấy nhau, Đức Giám mục Pôlycarpô khóc nức nở vì quá vui mừng. Toàn dân địa phận Smyrna kéo đến vây quanh Đức Giám mục đáng kính Ignatiô để được hân hạnh nghe ngài khuyên răn, khích lệ và ban phép lành. Các giáo đoàn Đông phương còn đề cử nhiều Giám mục, linh mục, giáo dân đến chúc mừng vị thánh tử đạo tương lai đáng kính. Các Kitô hữu đều coi Ngài như một người cha thiêng liêng.

Trong cuộc hành trình gian nan này, ngài viết 7 lá thơ, nói lên tình yêu nồng suy của ngài đối với Đức Kitô và ưu tư của ngài về sự hiệp nhất của cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của vị Giám mục. Ngài gởi về giáo đoàn Rôma lá thơ, van xin họ đừng làm gì để người ta thả ngài.

Từ biệt giáo đoàn Smyrna, Đức Giám mục lên đường đi thẳng tới Macêdônia, Albaniô và nhiều thành phố khác. Đi tới đâu, Ngài cũng khuyên bảo, khích lệ các Kitô hữu và khẩn khoản nài xin họ cầu nguyện cho ngài được trung thành tới cùng. Ngài thăm viếng tất cả các giáo đoàn ngài đi qua, viết thư thăm các Đức Giám mục, các linh mục thuộc quyền ngài. Tới Rôma, Ngài bị tống ngục và chờ ngày đại lễ sẽ đưa ra công trường hành hình mua vui cho quần chúng.

Truyền thuyết cho rằng: Đức Giám mục Ignatiô đã phải chịu rất nhiều nhục hình trước khi bị đưa ra cho thú dữ dầy xéo.

Tới ngày đại lễ, Đức Giám mục Ignatiô với nét mặt tươi tỉnh, hiên ngang tiến ra công trường để được chết vì Chúa Kitô. Ra tới công trường, Ngài quay về phía dân chúng cao giọng nói lên đôi lời:

"Kính thưa toàn thể đồng bào, xin đồng bào đừng ngộ nhận tôi đây vì có trọng tội nên bị thú dữ dầy xéo. Không phải thế đâu, sở dĩ tôi bị thú dữ cắn xé là vì tôi muốn được kết hợp với Thiên Chúa."

Vừa dứt lời, đoàn sư tử  hùng hổ tiến về phía Đức Giám mục Ignatiô. Nghe tiếng sư tử gầm thét, Ngài kêu lớn tiếng:

"Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi muốn được nghiền nát dưới nanh vuốt thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa Kitô."

Đoàn sư tử thi nhau cắn xé thánh nhân. Khi bị đoàn vật xâu xé, thánh nhân luôn miệng kêu tên Chúa Giêsu. Có người hỏi thánh nhân tại sao cứ kêu tên Giêsu hoài như thế. Thánh nhân trả lời: “Tôi kêu tên Giêsu vì chính tôi đã ghi khắc tên đó trên trái tim tôi và đời đời không bao giờ quên được”. Sư tử ăn hết thịt thánh nhân và để xương lại nguyên vẹn.

Các Kitô hữu kính cẩn thu lượm xương thánh nhân đưa về an táng ở ngoại ô thành Rôma. Đến thời hoàng đế Thêôđô trẻ (Thédode le Jeune), giáo doàn Antiôkia rước xương thánh đó về Antiôkia cách rất trọng thể. Đám rước diễn hành đi theo những con đường thánh nhân đã đi về Rôma chịu tử đạo.

II. GƯƠNG TRUNG THÀNH

Tháng Giêng năm 107, hoàng đế Trajanô tới thăm Antiôkia. Được biết tại đây có Giám mục Ignatiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Trước mặt hoàng đế, thánh Ignatiô nói cho ông ta biết về các tín hữu của ngài. Ngài bảo: Các tín hữu của ngài như những người nghèo khó có phúc vì tâm hồn của họ có Chúa. Tâm hồn họ đã trở nên “Đền thờ Thiên Chúa”.

Lúc đó nhà vua thắc mắc:

- Vậy ra nhà ngươi cho rằng: chúng ta đây không có các thần minh bất tử ở trong tâm hồn chúng ta sao?

- Xin hoàng đế đừng nhắc tới những thần tượng câm điếc đó. Chỉ có mình Thiên Chúa chân thật đã tạo dựng nên trời đất và muôn vật. Thiên Chúa đã sai con một Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Nếu như hoàng đế tôn thờ Thiên Chúa thì đế quốc và vương quyền của hoàng để sẽ vững mạnh hơn thạch trụ.

- Ta cấm nhà ngươi không được nói đến điều đó nữa. Nếu nhà ngươi muốn sống, nhà ngươi hãy nghe ta tế lễ các thần minh bất tử đi. Ta sẽ coi ngươi như bạn hữu của ta và ta sẽ chọn làm thầy tư tế chuyên lo phụng sự thần Jupiter.

- Bổn phận chúng tôi là phải biết ơn, biết ơn hết mọi người, nhất là hoàng đế một khi Ngài ban cho chúng tôi những ân huệ cao quí. Nhưng nếu như ngài ban cho chúng tôi những gì làm tổn thương tới linh hồn chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ dám nhận. Tôi đây là linh mục của Chúa Kitô dâng hiến lễ hàng ngày trên bàn thờ. Và giờ đây tôi ao ước được hy sinh chính mạng sống tôi cho Chúa Kitô, cũng như chính Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống Người cho tôi.

Không chịu nổi những lời châm biếm và lăng mạ các thần minh, Hoàng đế Trajanô truyền điệu Đức Giám mục Ignatiô về Rôma để ném cho sư tử cắn xé mua vui cho dân chúng.

Thánh nhân đã chấp nhận sự đau khổ trong vui tươi, đã chấp nhận cái chết với tất cả niềm yêu mến, đến nỗi khi đương đầu với sư tử sẽ phân thây, xé xác mình, thánh nhân đã thốt lên lời đầy an ủi và xác tín: "Tôi là miếng mồi ngon của Ðức Kitô. Ước gì nhờ răng của thú dữ, tôi trở thành bánh được tuyển chọn!"

https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-17-10-thanh-inhaxio-thanh-antiokiagiam-muc-tu-dao-47714

 

Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa : tôi sẽ được nanh thú dữ nghiền tán

Trích thư của thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo, gửi tín hữu Rô-ma.

Tôi viết cho tất cả các Hội Thánh và loan báo cho mọi người biết : tôi sẽ vui lòng chết vì Thiên Chúa, nếu anh em không ngăn cản. Tôi nài xin anh em đừng tốt với tôi không đúng lúc. Hãy cứ để thú dữ ăn thịt tôi, nhờ thế, tôi sẽ được về cùng Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa và sẽ được nanh thú dữ nghiền tán để thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Ki-tô. Xin khẩn cầu cùng Đức Ki-tô cho tôi, để nhờ đám thú dữ này, tôi được nên của lễ tiến dâng Thiên Chúa.

Vui thú trần gian chẳng ích gì, vương quốc đời này cũng chẳng lợi chi cho tôi. Đối với tôi, chết trong Đức Ki-tô Giê-su thì còn hơn trị vì cả trăm cõi. Tôi kiếm tìm Đấng đã chết cho chúng ta ; tôi mong mỏi Đấng sống lại vì chúng ta. Đã sắp đến giờ tôi được sinh ra để được hưởng sự sống đời đời. Xin anh em hãy buông tha tôi : đừng cản không cho tôi sống đời sống ấy, đừng muốn cho tôi phải chết muôn đời. Tôi đang khao khát được thuộc về Thiên Chúa, xin đừng nộp tôi cho thế gian, đừng đem vật chất ra quyến rũ tôi. Hãy để tôi đón nhận ánh sáng tinh tuyền. Về được cõi ánh sáng, tôi mới thật là người. Hãy cho tôi được bắt chước Thiên Chúa tôi mà chịu khổ nạn. Ai có Thiên Chúa trong lòng, người đó mới hiểu tôi đang muốn gì, mới thông cảm với tôi, vì biết được những gì đang thôi thúc tôi.

Thủ lãnh thế gian này muốn cướp lấy tôi, muốn làm cho ý chí tôi ra hư hoại không còn khát khao Thiên Chúa nữa. Vậy đừng ai trong anh em đang có mặt đây giúp nó làm gì. Đúng hơn, hãy đứng về phía tôi và đó cũng là đứng về phía Thiên Chúa. Còn ham sự đời thì đừng nói đến Đức Giê-su Ki-tô. Đừng ôm ấp trong lòng ý định ghét bỏ tôi. Nếu tôi đến tận nơi mà xin anh em điều gì, đừng có tin. Tốt hơn, hãy tin những gì tôi đang viết cho anh em. Tôi viết cho anh em lúc vẫn còn sống, nhưng cũng đang mong chết. Lòng yêu mến sự đời đã bị đóng đinh vào thập giá và trong tôi, lửa ham mê vật chất đã tắt hẳn rồi. Trong tôi, một dòng nước chảy rì rào cứ bảo lòng tôi : “Về nhà Cha đi !” Tôi không ham đồ ăn thức uống sẽ hư thối, cũng chẳng thích lạc thú đời này. Tôi muốn được ăn bánh Thiên Chúa, đó chính là thịt Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sinh ra trong dòng tộc vua Đa-vít. Và tôi muốn được uống máu Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là chính tình yêu chẳng hư hao bao giờ.

Tôi không muốn sống như người phàm nữa. Nhưng có được như vậy hay không thì còn tuỳ anh em. Tôi xin anh em hãy bằng lòng đi, để chính anh em cũng sẽ được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc. Tôi có ít lời nài xin anh em : hãy tin tôi. Đức Giê-su Ki-tô sẽ cho anh em thấy rõ là tôi nói thật. Chính Người là môi miệng chân thật cho Chúa Cha phán dạy sự thật. Hãy khẩn cầu cho tôi để tôi được về cùng Thiên Chúa. Tôi đã không dựa theo xác thịt mà viết thư này cho anh em, nhưng dựa vào thượng trí của Thiên Chúa. Tôi phải chịu khổ nạn, là anh em đã muốn điều tốt cho tôi. Tôi được tha về, là anh em đã ghét bỏ tôi.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin để làm vẻ vang cho toàn thể Hội Thánh. Hôm nay chúng con mừng thánh giám mục I-nha-xi-ô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin cho chúng con cũng được nhờ công đức của người mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Chúng con cầu xin

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 14/3/2007

Bài Giáo Lý 33 trong loạt bài Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

Thánh Ignatio Antiokia

 

 

 

Thứ Ba

Ngày 18 tháng 10

THÁNH LU-CA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

lễ kính

Tiểu sử 
Thánh Lu-ca, “người thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phao-lô và cũng là tác giả sách Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Ki-tô rõ ràng hơn ai hết. Người cũng viết sách Công vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi và lạc quan phấn khởi.

 

 

St. Luke got the greatest interview of all time

 

 

Bài Ðọc I: 2 Tm 4, 9-17a

"Chỉ còn một mình Luca ở với cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, Ðêma đã lìa bỏ cha, bởi nó yêu chuộng sự đời này, và đã trẩy sang Thêxalônica, còn Crescens thì đi Galata, Titô đi Ðalmatia. Chỉ còn một mình Luca ở với cha. Con hãy đem Marcô đi và dẫn tới đây với con, vì anh ấy có thể giúp ích để cha chu toàn sứ vụ. Còn Tykicô, thì cha đã sai đi Êphêxô rồi. Cái áo khoác cha để quên tại nhà ông Carpô ở Troa, khi con tới, hãy mang đến cho cha, cả những cuốn sách và nhất là những mảnh da thuộc để viết.

Anh thợ đồng Alexanđrô làm cho cha phải chịu nhiều điều khốn khổ. Chúa sẽ trả báo cho nó tuỳ theo công việc nó đã làm. Cả con nữa, con cũng phải xa lánh nó, vì nó kịch liệt phản đối lời giảng dạy của chúng ta.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân Ngoại được nghe.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con cái Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa (c. 12).

Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng. - Ðáp.

2) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương trong mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 15, 16

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 1-9

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.

"Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Chúa đến sau các nhà giảng thuyết

(Bài đọc 2 Giờ Kinh Sách cho Lễ Thánh Luca)

Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, về Tin Mừng.

Anh em thân mến, Chúa Giê-su, Đấng cứu độ chúng ta, khi thì dùng lời nói, lúc thì dùng việc làm mà dạy bảo chúng ta. Chính việc làm của Người là luật cho chúng ta, vì khi lặng lẽ làm một việc nào thì Người cho biết chúng ta phải làm gì. Quả vậy, Người sai các môn đệ từng hai người đi rao giảng là vì đức ái có hai điều luật : đó là mến Chúa và yêu người.

Chúa sai các môn đệ từng hai người đi rao giảng là Người kín đáo nhắc nhở cho chúng ta hiểu rằng : ai không có đức ái đối với tha nhân, thì tuyệt đối không được lãnh nhiệm vụ rao giảng.

Thật là chí lý khi Tin Mừng viết : Chúa sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Quả thật, Chúa đến sau các kẻ Người sai đi rao giảng. Lời rao giảng đi trước rồi Chúa đến ngự trong tâm trí chúng ta. Nói khác đi, lời khuyên nhủ đi trước chuẩn bị cho tâm trí đón nhận sự thật. Vì thế, ngôn sứ I-sai-a cũng nói với các vị giảng thuyết : Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Và tác giả thánh vịnh còn nói với họ : Hãy dọn đường cho Đấng ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống. Chúa ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống, vì Người đã nằm xuống trong cuộc Thương Khó, để khi từ đó trỗi dậy, Người biểu lộ vinh quang rực rỡ của Người. Chúa ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống, vì khi trỗi dậy, Người đã chà đạp cái chết mà Người đã mang lấy vào thân. Vậy, chúng tôi dọn đường cho Đấng ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống, khi chúng tôi rao giảng vinh quang của Người cho anh em biết, để khi đến sau chúng tôi, Người chiếu sáng cõi lòng anh em bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Người.

Chúng ta hãy nghe lời Người nói với các vị được sai đi rao giảng : Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ ra gặt lúa về. Quả vậy, mùa màng thì phong phú nhưng thợ gặt lại ít ; chúng tôi không thể nói lên điều đó mà không cảm thấy lòng nặng trĩu ưu phiền, vì dù có người nghe những điều tốt lành nhưng lại thiếu người nói những điều ấy. Thế giới này đầy linh mục, nhưng trên cánh đồng truyền giáo, hiếm thấy người thợ đích thực của Thiên Chúa, vì chúng tôi lãnh chức linh mục, nhưng không chu toàn công việc của chức vụ đó.

Anh em thân mến, anh em hãy suy nghĩ, suy nghĩ lời này : Anh em hãy xin chủ sai thợ ra gặt lúa về. Vậy, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi biết phục vụ anh em cho xứng, kẻo môi miệng chúng tôi biếng nhác nói lời khuyên nhủ, mà phải ra trước toà Vị Thẩm Phán chí công, vì đã làm thinh không chu toàn nhiệm vụ rao giảng.

Xướng đápx. Lc 1,3.4 ; Cv 1,1

XSau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thánh Lu-ca đã tuần tự viết ra sách Tin Mừng.

ĐĐể chúng ta nhận biết rằng lời các Tông Đồ dạy chúng ta thật là vững chắc.

XThánh Lu-ca đã tường thuật những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy.

ĐĐể chúng ta nhận biết rằng lời các Tông Đồ dạy chúng ta thật là vững chắc.

 

Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Lu-ca, sai đi rao giảng và viết Sách Tin Mừng, để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin cho những người mang danh Ki-tô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ. Chúng con cầu xin


Thánh LUCA THÁNH SỬ - Conggiao.info


 

Ngày 18/10: Thánh sử Luca, tác giả Tin mừng - TGP SÀI GÒN

 

 



Thứ Ba

 

 

(Nếu ngày này trong tuần không bị trùng và bị át đi bởi Lễ Kính Thánh Sử Luca)

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 12-22

"Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi ấy anh em không có Ðức Kitô, anh em bị đặt ra ngoài cộng đồng Israel, anh em là những người xa lạ đối với những giao ước, không được cậy trông lời hứa và cũng không được biết Thiên Chúa ở cõi đời này. Xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Vì vậy, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Ðức Giêsu Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa; trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (c. 9).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 35-38

"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy".

Ðó là lời Chúa.

 

IL MIO AMICO GESÙ: Dal Vangelo secondo Luca - Lc 12, 39-48 - A chiunque fu  dato molto, molto sarà chiesto.

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Chủ mà cũng không có chìa khóa vào nhà... phải gõ cửa chờ mở ra cho

 

 

Trong Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hình ảnh sống động về một con người công chính sống bởi đức tin như thế nào, qua những gì Người nói với các môn đệ của Người sau đây: 

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay c
ho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy". 

Người công chính sống bởi đức tin ở đây, theo lời Chúa dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước hết và trên hết, đó là một con người luôn có thái độ "tỉnh thức", bằng cách "thắt lưng" (hy sinh, bỏ mình, làm chủ bản thân) và "cầm đèn cháy sáng trong tay" (cây đèn đức tin cháy lửa đức mến bằng dầu đức cậy)nhờ đó, họ mới có thể tiếp nhận chủ của họ khi người chủ của họ "đi ăn cưới về".  

Kinh nghiệm sống đạo cho thấy một khi Kitô hữu sống buông thả theo bản tính tự nhiên, không khổ chế, không hãm mình, không "thắt lưng", thì hậu quả bất khả tránh đó là ngọn đèn đức tin của họ không thể hay khó lòng cháy sáng được, vì ngọn đèn này bị đam mê nhục dục và tính mê nết xấu của họ dập tắt mất bằng đủ mọi thứ tội lỗi của họ 

Về thời giờ chủ của họ trở về mà họ không "tỉnh thức" không thể đón nhận Người, là vì thời giờ ấy không dễ đoán trước hay ngay giữa ban ngày, song vào "canh hai hoặc canh ba", (nghĩa là vào khoảng "nửa đêm" như trong dụ ngôn 10 trinh nữ - Mathêu 25:6 - "canh hai" từ 9 giờ tối tới nửa đêm "hay canh ba" từ nửa đêm tới 3 giờ sáng), một thời giờ vừa đêm tối về thời gian vừa buồn ngủ về nhân gian. 

Thời điểm được Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người phải "tỉnh thức" trong bài Phúc Âm hôm nay đây có thể hiểu về thời điểm Người tái giáng, Người đến lần thứ hai, thời điểm Người "ăn cưới về", nghĩa là thời điểm xẩy ra sau khi Người nhập thể (để hiệp nhất nên một với nhân loại nơi ngôi vị hai bản tính của Người) cũng như sau khi Người cứu thế (nhờ đó đã phát sinh ra một Nhiệm Thể Giáo Hội hiền thê của Người trên cây Thánh Giá).  

Nếu "những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức" để có thể nghênh đón Người và tiếp nhận Người như Người mong muốn, nghĩa là họ còn nhận biết Người, như Người tỏ mình ra cho họ, thì phúc cho họ, bởi vì họ chẳng những gặp lại Người, mà nhất là còn được hiệp nhất nên một với Người, "được thông phần với Thày" (Gioan 13: 8), đến độ: "chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng", như Người cũng đã thực sự thắt lưng và hạ mình xuống rửa chân cho mỗi một và tất cả mọi tông đồ trong Bữa Tiệc Ly ngày xưa (xem Gioan 13:4-5), nghĩa là được Người "yêu cho tới cùng" (Gioan 13:1) để nhờ đó các môn đệ của Người có thể sinh muôn vàn hoa trái trong họ và qua họ 

Nguyên việc chính chủ cũng không có chìa khóa mà phải "gõ cửa" để đầy tớ của mình mở cửa cho mà vào trong nhà, hay cho dù chủ có chìa khóa chăng nữa mà cũng không tự động mở vào, đã cho thấy người chủ này rất tôn trọng đầy tớ của mình, và hoàn toàn tin tưởng đầy tớ của mình. Đến độ, có thể nói, ông đã cho đầy tớ được quyền làm chủ, thay ông làm chủ trong thời gian ông đi vắng. Phải chăng ở đây bao gồm cả ý nghĩa quyền bính của riêng vị lãnh đạo Phêrô và các vị thừa kế ngài là các vị giáo hoàng trong giòng thời gian được trao cho "chìa khóa Nước Trời" (Mathêu 16:19), cũng như của chung các tông đồ và các vị giám mục thừa kế các ngài trong việc đóng mở (Mathêu 18:18). 

Thật vậy, "chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ" "những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức", thành phần đầy tớ làm công cho chủ, hoàn toàn không xứng đáng được chủ yêu thương quá như vậy, bởi thân phận của họ chẳng những không ngang hàng với chủ như bạn hữu hay thân nhân ruột thịt, mà còn là một tạo vật tội lỗi xấu xa vô cùng hèn hạ trước nhan Người là Thiên Chúa của họ nữa.  

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa thích tới vào lúc đen tối ("canh hai hoặc canh ba"), mà đen tối ám chỉ ma quỉ, gian dối, chết chóc? Trước hết, Chúa không thích đêm tối, một tình trạng chỉ ở nơi loài tạo vật bất toàn, nhất là nơi thành phần hư đi, bao gồm cả thiên thần sa đọa và loài người, Ngài không thích những gì là gian ác, dối trá, phản lại với bản tính chân thật và toàn thiện của Ngài.  

Bởi vậy, sở dĩ Chúa hay đến vào lúc đêm tối là vì để cứu độ con người cho khỏi "quyền lực tối tăm" (Colose 1:13) là tội lỗi và sự chết, bởi "con người thích tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), thích đường rộng hơn vào cửa hẹp (xem Mathêu 7:13-14), thích sống theo bản tính tự nhiên buông thả hơn là "thắt lưng" hy sinh hãm mình khổ chế, không dám chấp nhận ánh sáng là tất cả sự thật về mình, không sống theo đức tin như "cầm đèn sáng trong tay".  

Như thế, bất cứ khi nào cuộc đời của Kitô hữu cảm thấy tăm tối nhất, khốn khổ nhất, gian nan nhất, hầu như chẳng còn lối thoát, trước mắt chỉ còn tuyệt vọng, thì chính bấy giờ lại là lúc rất thích thuận để "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) tỏ mình ra, miễn là Kitô hữu biết mình hoàn toàn bất lực, chẳng còn biết trông cậy vào ai, ngoài một mình Đấng Tối Cao có thể cứu mình, Vị Thiên Chúa hằng sống đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết là hậu quả của tội lỗi nơi Con của Ngài, Đấng đã từ cõi chết sống lại, nghĩa là đã từ tối tăm xuất hiện, chứ không phải từ cuộc biến hình trên Núi Tabor, tức là Người cố ý để tối tăm bao phủ Người, sát hại Người, để từ ngay trong lòng của tối tăm tội lỗi và sự dữ ấy Người bừng sáng lên, khiến tối tăm bao trùm Người bị tan biến mất, như hình ảnh đầy ý nghĩa này nơi nghi thức thắp sáng ngay trong tối tăm trước Lễ Vọng Phục Sinh của Giáo Hội.

Trong Thư gửi Giáo đoàn Epheso ở Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô đã nhắc nhở Kitô hữu dân ngoại tình trạng sống trong bình an, thứ bình an được Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người sau khi Người từ trong cõi chết sống lại, một thứ bình an phục sinh chẳng những giúp họ có thể làm chủ bản thân mình, mà còn làm chủ thế gian và ma quỉ nữa, làm chủ tất cả mọi sự xẩy ra trong đời mình, chứ không hoặc hơn là bị chúng làm bất an, như thể họ luôn sống trước nhan Thiên Chúa, sống trong bàn tay quan phòng vô cùng thần linh của Thiên Chúa. Đối với họ thì lúc nào Chúa cũng đến, vị Chúa đang ở cùng họ, đồng hành với họ, vì họ luôn biết "tỉnh thức" bằng cách "cầm đèn sáng trong tay".

"Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí".

Bình an chính là hoa trái cứu độ của Chúa Kitô Phục Sinh cũng như của "Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống", nghĩa là Thiên Chúa muốn ban cho con người bình an, ngay khi Con của Ngài xuống thế (xem Luca 2:13), nhất là sau khi Con của Ngài sống lại từ trong kẻ chết. Và đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có câu họa: "Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người". Thế nhưng, tình trạng hay tâm trạng bình an là hoa trái của ơn cứu độ đây chỉ cảm nghiệm thấy bởi những ai biết kính sợ Chúa và trung tín mà thôi, đúng như những ý thức của Thánh Vịnh 84 trong Bài Đáp Ca hôm nay:  

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

 

 


Thứ Tư

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 3, 2-12

"Hiện nay mầu nhiệm của Ðức Kitô đã được mạc khải, các Dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".

Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mạc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm, như tôi vừa mới viết ra trong ít lời trên kia. Ðọc những lời đó, anh em có thể nhận thức được sự am hiểu của tôi trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Mầu nhiệm đó chưa hề tỏ ra cho con cái loài người ở các thế hệ khác được biết, nhưng hiện nay, đã được mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri của Người, trong Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các Dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng đó, do ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, bằng cách thi thố sức mạnh của Người. Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Ðức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội Thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd-5. 5-6

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ (c. 3).

Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Ðáp.

2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Ðáp.

3) Hãy ca tụng, vì Chúa làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 39-48

"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Ðó là lời Chúa.

 

19º DOMINGO DO TEMPO COMUM – ANO C | Raios Luminosos


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Bao giờ "Con Người sẽ đến"?

Phải chăng không bao giờ vào lúc chúng ta tỉnh thức... mà chỉ vào chính lúc chúng ta vô thức!?!

 

Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên, bài Phúc Âm được Thánh ký Luca ghi lại tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua về lời Chúa Kitô khuyên các môn đệ của Người "tỉnh thức" chờ Người đến.  

Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô nói cho các môn đệ của Người biết lý do tại sao các vị cần phải "tỉnh thức": "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến". 

Đúng thế, chính vì không biết giờ nào "Con Người sẽ đến" mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô mới cần phải đợi chờ, mới cần phải nhẫn nại, mới cần phải trông mong. Đời sống trần gian của Kitô hữu quả thực là một mùa vọng, mùa đợi trông ơn cứu chuộc, dù đã được cứu chuộc, nơi Phép Rửa, nhưng lại là một ơn cứu chuộc cần phải bền đỗ đến cùng nữa (xem Mathêu 24:13) mới được, mới hoàn thành, mới nên trọn 

Chính vì thế mà trong Mùa Vọng đợi trông của cuộc đời người Kitô hữu như thế, thành phần môn đệ của Chúa Kitô còn cần phải sống tinh thần của Mùa Chay hướng về Mùa Phục Sinh nữa mới được. Tinh thần của Mùa Chay hướng đến Mùa Phục Sinh này chính là tinh thần "thắt lưng" (tiêu biểu cho Mùa Chay) và "cầm đèn cháy sáng trong tay" (tiêu biểu cho Mùa Phục Sinh) như được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm qua.  

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng vẫn lập lại với các môn đệ tinh thần Mùa Chay hướng về Mùa Phục Sinh này khi Người cảnh báo các vị về một đời sống hưởng thụ vô trách nhiệm đối với vai trò phục vụ của các vị như sau: "nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung". 

Như đã suy diễn trong bài Phúc Âm hôm qua, thời điểm trở về của chủ là thời điểm Chúa Kitô tái giáng, tức là thời điểm Người "ăn cưới về". Và vì thế, thành phần "đầy tớ" của người chủ này không ai khác hơn là thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội của Người nói riêng, như Người đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay để trả lời cho câu hỏi của tông đồ Phêrô "Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?": 

"Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.... Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". 

Tuy Chúa Kitô không trả lời thẳng cho tông đồ Phêrô là "Thày nói dụ ngôn ấy chỉ về các con đấy chứ còn ai nữa", nhưng nội dung của câu Người trả lời đã ám chỉ về các vị cũng như về thành phần thừa kế các vị là hàng giáo phẩm sau này, qua mọi thời đại, chứ không phải chỉ vào thời tận thế, vì không ai biết lúc nào Người trở lại, nên ai cũng phải tỉnh thức, bằng việc làm theo ý chủ mình qua phần nhiệm được Người trao phó, được Người "đặt" lên thay Người phục vụ, đó là "coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ". 

Ở đây, qua câu này, chúng ta thấy 3 sứ vụ chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của hàng giáo phẩm: sứ vụ quản trị ở chỗ "coi sóc gia nhân mình", sứ vụ rao giảng Lời Chúa và sứ vụ thánh hóa bằng việc ban phát các Bí Tích Thánh, ở chỗ "phân phát phần lúa thóc cho h". Mà phân phát khi "đến giờ" nữa. Hai chữ "đến giờ" này không phải chỉ hiểu theo kiểu hành chính và quan lại, cứ phải xưng tội hằng tuần vào trước giờ lễ chẳng hạn, mà là đáp ứng nhu cầu khẩn trương và ngoại lệ của tín hữu nữa, chẳng hạn họ sắp chết cần xức dầu ngay.  

Tuy nhiên, cũng còn có thể hiểu là có thời Giáo Hội "đến giờ" phải bênh vực chân lý, như sau thời kỳ 300 năm Giáo Hội bị bách hại có những lạc thuyết sai lầm nguy hiểm về Chúa Kitô, qua các Công Đồng Chung như Nicea năm 325, Epheso năm 431 và Contantinople năm 481 v.v. Và có thời Giáo Hội "đến giờ" phải đối thoại với thế giới, phải trở thành men muối trong đời và cho đời, theo tinh thần của Công Đồng Chung thứ 21 là Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), với văn kiện tiêu biểu nhất là Hiến Chế Gaudium et Spes - Vui Mừng và Hy Vọng được ban hành ngày 7/12/1965.

Hơn thế nữa, còn có thời Giáo Hội "đến giờ" phải tỏ lòng thương xót hơn bao giờ hết, một thời điểm kể từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ Đại Năm Thánh 2000, qua việc ngài phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa, nhất là thời điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng chủ trương nghèo hèn và phục vụ những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, cũng là vị giáo hoàng đã bất ngờ mở Năm Thánh Tình Thương (8/12/2015 - 20/11/2016). 

Ở bài Phúc Âm hôm qua, các môn đệ của Chúa Kitô đóng vai "đầy tớ" đối với chủ, nghĩa là mang thân phận làm theo ý chủ chứ không phải làm theo ý riêng mình, thân phận phục vụ chủ chứ không phải hưởng thụ, còn ở bài Phúc Âm hôm nay, các vị lại đóng vai "quản lý" đối với "gia nhân" của chủtuy có quyền "coi sóc gia nhân" của chủ và có quyền "phân phát phần lúa thóc cho họ" khi "đến giờ", nhưng vẫn với tư cách là "đầy tớ" của chủ, được chủ chọn để thay Người phục vụ như Người và với Người, chứ họ thực sự không phải là chủ, không có toàn quyền như chủ

Thành phần sống thân phận "đầy tớ", thân phận lệ thuộc chẳng khác gì thân phận của những kẻ "nô lệ", trong vai trò "quản lý trung tín khôn ngoan" này, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ nói trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, quả thực đã "biết rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính". 

Đúng thế, chính vì biết phận mình là "đầy tớ" chỉ biết phục vụ theo ý của chủ như thế, nghĩa là "đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ", mà họ mới đích thực là quản lý của chủ và thay chủ: "Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình": "Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính". 

Câu Chúa Giêsu hỏi ở trong Bài Phúc Âm hôm nay là: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ?", có thể tìm thấy ngay câu trả lời ở trong Bài Đọc 1 hôm nay về vị tông đồ dân ngoại Phaolô, vị trong Thư gửi Kitô hữu Giáo đoàn Epheso, đã trần tình cùng họ về những gì ngài đã làm cho họ theo ơn gọi và sứ vụ ngài được ủy thác bởi chính Đấng đã hoán cải ngài, kêu gọi ngài, tỏ mình ra cho ngài và sai ngài đi đến tận cùng trái đất để loan truyền "tin mừng" về "mầu nhiệm Đức Kitô", liên quan đến ơn cứu độ của Người, hoàn toàn xuất phát từ chính lòng thương xót Chúa.

 

"Anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mạc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm... Anh em có thể nhận thức được sự am hiểu của tôi trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Mầu nhiệm đó chưa hề tỏ ra cho con cái loài người ở các thế hệ khác được biết, nhưng hiện nay, đã được mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri của Người, trong Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các Dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô. Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng đó, do ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, bằng cách thi thố sức mạnh của Người. Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Ðức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật..."

 

Bài Đáp Ca hôm nay, trích từ Sách Tiên Tri Isaia đoạn 12 cũng theo chiều hướng của Bài Đọc 1 hôm nay, liên quan đến ơn cứu độ của Thiên Chúa, "Đấng Cứu Chuộc" liên tục tỏ mình ra, bằng tất cả những gì hợp với con người và nhờ đó có thể giúp cho con người tin vào Ngài để được cứu độ:

 

1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi.

2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang.

3) Hãy ca tụng, vì Chúa làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi.

 

 

 

Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 3, 14-21

"Anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa".

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người và nhờ Thánh Thần của Người, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.

Nguyện cho Ðấng toàn năng ban cho chúng ta mọi sự, dư đầy quá sự chúng ta cầu xin hay hoài bão, theo như quyền lực Người thi thố trong chúng ta: nguyện cho Người được vinh quang trong Hội Thánh và trong Ðức Giêsu Kitô, qua mọi thế hệ muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 11-12. 18-19

Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa (c. 5b).

Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa. Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Ðáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.

3) Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. - Ðáp.

4) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

Ðó là lời Chúa.


Ánh sáng Đức Kitô không của riêng ai | Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Chúa Kitô cũng chủ trương bạo lực như những thành phần cực đoan khủng bố....?

 "Thày đến không phải để đem bình an mà là gươm giáo!"

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên, tuy có 4 câu ngắn ngủi nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa sâu xa liên quan đến chính bản thân của Chúa Kitô, hơn là đến các môn đệ của Người như 2 bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia, nhưng lại là những gì được Người "phán cùng các môn đệ" chứ không với ai khác, như với chung dân chúng hay với riêng thành phần biệt phái và luật sĩ vẫn thường thấy. Nguyên văn của Bài Phúc Âm hôm nay như sau: 

"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". 

Có ít là 3 vấn đề chính yếu cần phải tìm hiểu trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến bản thân của Chúa Kitô, thứ tự ở ngay 3 câu đầu tiên như sau: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên" (1); "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất" (2); và "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ" (3).  

1- "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên".  

"Lửa" đây là gì, nếu không phải là Thánh Thần!?! Vì Người là Đấng "làm phép rửa bằng Thánh Thần" (Gioan 1:33), một phép rửa Người sẽ thực hiện cho thành phần môn đệ tông đồ của Người khi sau khi Người thăng thiên về cùng Cha để sai Thánh Thần từ Cha xuống trên các tông đồ cũng là trên Giáo Hội của Người: "Gioan làm phép rửa bằng nước nhưng trong vòng ít ngày nữa các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần" (Tông Vụ 1:5), Đấng khi hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem trên các tông đồ cũng như từng tông đồ, đã mặc lấy hình lưỡi lửa (xem Tông Vụ 2:3). 

2- "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất". 

"Phép rửa" Chúa Giêsu cần phải chịu đây là gì, như Người cũng đã đề cập với cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B đầu tuần này, nếu không phải là chính cuộc khổ giá của Người, một cuộc khổ giá bất khả thiếu mà Người không thể nào tránh được với tư cách là một Đấng Thiên Sai Cứu Thế, một cuộc khổ giá vì thế Người không thể nào không "khắc khoảidấn thân thực hiện "cho đến khi hoàn tấttheo ý của Đấng đã sai Người, và là một "phép rửakhổ giá vô cùng cần thiết cho "phép rửa bằng Thánh Linh" mà Nhiệm Thể Giáo Hội của Người sẽ lãnh nhận. Như thế, Thánh Giá chính là cây đuốc bốc lửa yêu thương, hay là chính cây đuốc thương xót, và Thánh Linh được chính Chúa Kitô tử giá thắp lên trên thế gian này, bắt đầu ở nơi các tông đồ và trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội qua các chứng từ của Kitô hữu về Người cho đến tận thế.

3- "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ". 

Nếu chỉ căn cứ vào duy câu nói này thôi của Chúa Kitô thì chắc chắn sẽ không một ai còn lương tâm chân chính trên thế gian này có thể chấp nhận Người là giáo tổ Kitô giáo, trái lại, trong trào lưu bạo loạn và khủng bố khắp nơi ngày nay, họ sẽ cho Người là một tên chúa tể hung ác bạo tàn, chẳng khác gì như những tay lãnh đạo nhóm khủng bố Al Queda hay IS, hay những tên chuyên chế độc tài diệt chủng ở thế kỷ 20, và Người sẽ bị cơ quan mật vụ FBI của Mỹ theo dõi sát nút 

Thế nhưng dù sao vẫn không thể nào phủ nhận được sự thật bất khả chối cãi của lời Người khẳng định như thế. Bởi vì, chính Người xuống thế gian là để đem lại bình an cho nhân loại, ở chỗ Người đã tái lập lại mối liên hệ đã bị nguyên tội làm lũng đoạn giữa con người với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với thiên nhiên tạo vật và với nhau, bằng chính cuộc Vượt Qua của Người.  

Tuy nhiên, tinh thần Phúc Âm trọn lành theo con đường hẹp rất ít người đi của Người và như Người như thế, tự bản chất của mình, đã gây "chia rẽ" nơi xã hội loài người, ở chỗ, tinh thần trọn lành cùng con đường hẹp Phúc Âm của Người đã làm đảo lộn khuynh hướng vị kỷ của trần gian, bằng đường lối "bỏ mình và vác thập giá" (Mathêu 16:24), và đã cách mạng văn hóa hưởng thụ của con người tự nhiên, bằng tinh thần "không để được phục vụ nhưng phục vụ làm giá chuộc nhiều người" (Mathêu 20:28), khiến cho những ai dấn thân theo Người bị cả chính thân nhân ruột thịt của họ phản kháng và chống phá, như chính Chúa Kitô đã khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay:  

"Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". 

Những tâm hồn nào được Lời Chúa tác động, nhờ đó đã sống theo Lời Chúa và rao giảng Lời Chúa, đều chứng tỏ họ là thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, và một trong những dấu hiệu cho thấy họ thật sự là môn đệ của Người là ở chỗ họ cũng bị thế gian, (bao gồm cả người thân sống theo tinh thần thế gian), thù ghét, bách hại và sát hại, như chính Chúa Kitô đã báo trước cho các môn đệ của Người biết về số phận nghiệt ngã khốn khổ của họ (xem Gioan 15:18-20). Chính vì theo bản tính tự nhiên không ai có thể theo Chúa mà sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian, nhất là khi bị thế gian tấn công và sát hại, nên cần phải có ơn Chúa cho đức tin bất khuất của họ. Đó là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô đã phải cầu nguyện cho Kitô hữu Giáo đoàn Epheso như thế này: 

"Anh em thân mến, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người và nhờ Thánh Thần của Người, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa. Nguyện cho Ðấng toàn năng ban cho chúng ta mọi sự, dư đầy quá sự chúng ta cầu xin hay hoài bão, theo như quyền lực Người thi thố trong chúng ta: nguyện cho Người được vinh quang trong Hội Thánh và trong Ðức Giêsu Kitô, qua mọi thế hệ muôn đời. Amen".

Đó cũng là lý do, chính thành phần môn đệ của Chúa Kitô cũng phải luôn "kính sợ Người" và "cậy trông ân sủng của Người" để có thể chẳng những bất khuất và thắng vượt tất cả mọi quyền lực chống đối mình, mà còn tiếp tục loan truyền "ân sủng Chúa" nữa, như Thánh Vịnh 32 ở Bài Đáp Ca hôm nay kêu gọi họ:

1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa. Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

3) Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.

4) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

 

 

Ngày 19

 

1. Thánh Gioan Brébeuf; thánh Isaac Jogues và các bạn tử đạo (chỉ ở Hoa Kỳ)

                2. Thánh Phaolô Thánh Giá, linh mục


Thánh Phaolô Thánh Giá

ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU

Saint-Paul-of-theCross.jpg

1694 – 1775

Ngay thuở niên thiếu, Thánh Giá là cuốn sách gối đầu của ngài và việc Chúa chịu đóng đinh là khuôn mẫu ngài muốn noi theo

Để tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh

Trích từ những lá thư của Thánh Phaolô Thánh Giá

Hơn nữa, cha ước ao rằng mãi này về sau con sẽ là người chài lưới. Bằng cách nào ư? Hãy theo cách này. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là một biển sầu, nhưng đồng thời đó cũng là một đại dương tình yêu. Hãy khẩn cầu Đức Chúa để Ngài hướng dẫn con cách thả lưới trong đại dương này. Con hãy đắm mình vào trong đó, và chớ đặt nặng việc con lặn sâu được bao nhiêu, bởi con sẽ không bao giờ chạm tới đáy. Hãy để tình yêu và sầu khổ thấm nhập vào thân con. Qua cách thế này, con sẽ biến những đau khổ của Chúa Giêsu hiền lành thành của chính con. Con hãy tìm những viên ngọc nhân đức của Chúa Giêsu. Việc tìm kiếm thánh thiêng sẽ được dẫn lối bằng đức tin và tình yêu chứ không bằng lời nói. Những người thả lưới khiêm nhường nhất chính là những người giỏi nhất.

Thánh Phaolô Thánh Giá

Ngày mùng 8 tháng 4 năm 1758

Hãy xua đi những nỗi u sầu nơi trái tim của con, và dẫu con có làm điều gì sai thì cũng đừng nản chí, bởi vì nó sẽ làm hại cho con hơn chính hành vi sai trái. Thay vào đó, con hãy khiêm nhu, hãy van nài sự tha thứ tha của Thiên Chúa, hãy quyết tâm làm điều tốt hơn trong tương lai và hãy hân hoan dấn bước trên hành trình của con

Thánh Phaolô Thánh Giá

Lời nguyện cùng Thánh Phaolô Thánh Giá

Lạy cha Thánh Phaolô,

Là cha và là người anh em của chúng con,

Giờ đây, chúng con đang cùng ngài đứng trước Thập Giá Đức Kitô. Xin tình yêu được thể hiện cho chúng con nơi thập giá của Đức Kitô chiếm lấy khối óc, con tim và đời sống chúng con. Ngài đã noi gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì xin cho chúng con cũng gạt bỏ mọi sự, mà khao khát mỗi thánh ý của Thiên Chúa và làm cho sự tưởng niệm về cuộc Thương Khó và sự Chết của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là hy vọng duy nhất của chúng con, luôn sống mãi. Amen.

Thánh Phaolô Thánh Giá

Khoảng những năm 1715 – 1716, với niềm khát khao phục vụ Đức Kitô, Thánh Phaolô Thánh Giá đã đến Venice để đăng ký nhập ngũ. Từ nguồn cảm hứng về lý tưởng Thập Tự Chinh, ngài ước ao đấu tranh chống lại quân Đạo Hồi đang đe dọa cả Châu Âu thời đó. Ngày nọ, trong khi Chầu Thánh Thể, ngài nhận ra lý tưởng Thập Tự Chinh không phải là ơn gọi của ngài. Khi đó, ngài xuất ngũ nhưng vẫn ở lại Venice một thời gian để chăm sóc gia đình một người quen. Sau đó, Thánh nhân trở về nhà. Dẫu người chú linh mục đã để lại cho ngài thừa hưởng khối tài sản lớn với mong muốn ngài lập gia đình nhưng Thánh nhân đã từ chối ý định đó.

Thánh Phaolô Thánh Giá sinh ngày 3 tháng 1 năm 1694 tại Ovada, nước Ý. Sau đó, gia đình ngài dời đến Castellazzo Bormida, cách nơi ngài sinh ra không xa. Từ thuở bé, người mẹ đã dạy ngài tìm thấy sức mạnh từ cuộc Thương khó Chúa Giêsu để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Được đốt cháy bởi tình yêu dành cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh từ lúc còn nhỏ, Thánh Phaolô Thánh Giá ước mong dâng hiến trọn đời cho Người. Một lần, khi bị ốm, Thánh nhân có một thị kiến về hỏa ngục khiến ngài khiếp sợ. Sau đó không lâu, ngài đã được Chúa linh hứng về tình yêu của Chúa Giêsu chịu đóng đinh qua một bài giảng. Ngài xem khoảnh khắc đó như là thời điểm của “sự trở lại” của mình.

Liên quan việc tưởng nhớ sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh, theo một nhân chứng, qua một thị kiến về Đức Nữ Đồng Trinh, Thánh Phaolô Thánh Giá đã nhận ra áo dòng, huy hiệu và lối sống mà ngài phải bước đi. Đó là một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Sau khi tham vấn một số vị giải tội khôn ngoan, ngài được Đức Giám Mục Gattinara thành Alessandria khoác lên người chiếc tu phục của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu ngày 22 tháng 11 năm 1720. Sau đó, ngài đã dành 40 ngày tiếp theo để làm một cuộc tĩnh tâm trong phòng thánh của nhà thờ Thánh Chales tại Castellazzo. Những kinh nghiệm và cảm nghiệm về đời sống tâm linh của ngài trong suốt 40 ngày mà ngày nay chúng ta được biết đến qua cuốn “Nhật Ký Thiêng Liêng”. Cũng trong khoảng thời gian tĩnh tâm 40 ngày đó, ngài đã soạn thảo tu luật dành cho những anh em tu sĩ tương lai. Họ là những người mà Thánh nhân gọi là “Người Nghèo của Chúa Giêsu”. Trong một cuộc thăm viếng, em ngài là John Baptist xin chia sẻ đời sống cùng ngài nhưng Thánh nhân đã từ chối lời yêu cầu ấy, chí ít trong khoảng thời gian này.

Sau trải nghiệm 40 ngày, Đức Giám mục đã cho phép Thánh nhân được sống trong môi trường ẩn tu tại nhà thờ Thánh Stephen thuộc giáo xứ Castellazzo và cộng tác vào công việc mục vụ với tư cách là một giáo dân. Trong suốt mùa hè năm 1721, Thánh Phaolô Thánh Giá đi tới Rôma với ý định trình bày với Đức Thánh Cha về những linh hứng liên quan đến hội dòng tương lai. Những người gác cổng điện Quirinal (nơi ở của Đức Giáo Hoàng thời đó) đã không cho phép Thánh nhân vào vì nghĩ rằng ngài là kẻ ăn xin.

Lời Khấn Đầu Của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Chấp nhận việc xỉ nhục vừa rồi, theo gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Thánh Phaolô Thánh Giá đi đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và đứng trước ảnh Thánh, Đức Bà Salus Populi Romani (Sự cứu rỗi dân Rôma), ngài đã khấn dâng mình cho việc loan truyền sự tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô.

Trên hành trình trở về nhà, ngài dừng chân một thời gian ở Orbetello, tại tu viện của Dòng Truyền Tin trên núi Argentario. Khi đến Castellazzo, Thánh nhân hội ngộ cùng em ngài là John Baptist. Ngay sau đó, cả hai rời nơi ấy đi lên núi Argentario và sống như những vị ẩn tu. Sau đó, Đức Giám mục Pignatelli mời họ đến tu viện tại Madonna della Catena, Giáo phận Gaeta. Đức Giám mục Cavalieri tiếp tục cho phép họ sống ở Troia trong một thời gian. Sau đó, hai anh em trở về đền thờ Đức Mẹ Civita thuộc Giáo phận Gaeta. Họ đã nỗ lực rất nhiều để thành lập một cộng đoàn nhưng thất bại. Để rao giảng về Cuộc Thương Khó, họ cần phải thụ phong linh mục, vì thế cả hai cùng tới Rôma. Trong khi học thần học, họ đã chăm sóc các bệnh nhân da liễu tại bệnh viện San Gallicano. Hai anh em có cơ hội được nói chuyện với Đức Thánh Cha khi ngài thăm nhà thờ Navicella trên đồi Celian. Qua lời hứa, ngài đã cho phép hai anh em thành lập cộng đoàn trên Núi Argentario. Năm 1727, sau khi thụ phong linh mục, hai anh em rời Rôma đến sống tại núi Argentario.

Rao truyền Cuộc Thương Khó Chúa Kitô. Lúc đầu, hai anh em thi hành mục vụ cho những ngư dân, các tiều phu và những người chăn chiên. Không lâu sau, nhiều anh em khác đã gia nhập với các ngài. Trong số đó, Antonio là em của ngài và một vài người khác đã được thụ phong linh mục. Đức Giám mục đã yêu cầu họ giảng đại phúc tại cho các xứ trong vùng. Khi chiến tranh xảy ra trong bang Garrison, Thánh Phaolô Thánh Giá đã chăm sóc các thương binh của cả hai bên. Mọi người luôn chào đón sự hiện diện của ngài

Nhà tĩnh tâm đầu tiên đã khánh thành vào năm 1737 và được dâng hiến cho Đức Mẹ Dâng Mình. Sau đó, Thánh Phaolô Thánh Giá đệ trình hiến luật mới của hội dòng lên Rôma.  Sau khi điều chỉnh, Đức Giáo Hoàng Benedicto XIV đã phê duyệt luật dòng vào năm 1741.

Đấng Sáng Lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu là một trong những nhà giảng thuyết nổi bật thời bấy giờ như Thánh Leonard vùng Maurica và Thánh Alphonsus Liguori. Họ là những người mà Thánh nhân đã từng gặp. Vì tình yêu dành cho  Đức Giêsu chịu đóng đinh, Thánh Phaolô Thánh Giá cũng như những vị thánh ấy đã nhiệt tâm cho việc rao giảng đại phúc.

Mặc dù Thánh Phaolô Thánh Giá giữ chức vụ Bề trên Tổng quyền từ năm 1747 trở đi, ngài không ngừng rao giảng hoặc viết thư đồng hành thiêng liêng. Hội dòng phải đối diện với nhiều sự chống đối từ một số thành phần trong hội thánh. Chính vì thế, một số hoạch định thành lập bị trì hoãn cho tới khi Ủy ban Giáo Hoàng thông qua những đánh giá thuận lợi cho Dòng Thương Khó Chúa Giêsu.

Qua những tham vấn và chính mẫu gương của John Baptist, Thánh Phaolô Thánh Giá đã cố gắng không ngừng nhằm giữ tinh thần cô tịch, nghèo khó và cầu nguyện. Năm 1767, trước cái chết của John Baptist, Thánh Phaolô Thánh Giá cảm thấy lạc lõng như một đứa trẻ mồ côi.

Nữ Tu Dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Lucia Burlini, một thôn nữ, từng nói chuyện với Thánh Phaolô Thánh Giá về “những chú chim bồ câu trên đồi Canvê”. Hình ảnh này được sử dụng rộng rãi trong giới đan sĩ và tu sĩ. Mặc dầu, Thánh Phaolô Thánh Giá đã nỗ lực trong suốt 40 năm để hiện thực hóa việc thành lập dòng nữ. Nhưng mãi đến 1771, Đan Viện Nữ Thương Khó Chúa Giêsu mới được thành lập tại in Corneto-Tarquinia. Ngài đã bổ nhiệm Mẹ Mary Crocifissa Costantini, một Nữ Đan sĩ Biển Đức, làm Mẹ Bề trên đầu tiên. Đức Giáo Hoàng Clemente XIV đã cho phép mẹ được chuyển đến đan viện mới.

Sau khi Dòng Tên bị giải thể, Đức Giáo Hoàng Clemente XIV đã chuyển các tu sĩ dòng Lazarists (the Fathers of the Missions) đến nhà thờ Sant’Andrea trên đồi Quirinal. Ngài trao cơ sở sinh hoạt và Vương Cung Thánh Đường Gioan và Phaolô (Giovanni e Paolo) trên đồi Celian cho Thánh Phaolô Thánh Giá. Nơi này cách đấu trường Coliseum không xa và đây cũng là nơi Thánh Phaolô Thánh Giá sống những năm tháng cuối đời. Cũng chính nơi đây, Đức Giáo Hoàng Clemente XIV và Đức Giáo Hoàng Pi-ô VI đã tới thăm ngài trong năm 1774 và 1775. Vài tháng sau chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha, Thánh nhân đã qua đời. Thánh tích của Thánh Phaolô Thánh Giá được cất giữ và tôn kính trong Nhà nguyện. Nó được hoàn thành và dâng hiến cho ngài, năm 1880.

https://www.passionists.com/vi/about-the-passionists/st-paul-cross/

 

 


Thứ Sáu

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 1-6

"Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa".

Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái: hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 54-59

"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".

Ðó là lời Chúa.

Holy Mary: The Mysteries of the Kingdom of Heaven

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

Nạn Nhân Bản Thân 

 

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên, tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua về chính bản thân của Chúa Kitô, bài Phúc Âm hôm nay, với 7 câu cuối cùng của đoạn 12, Thánh ký Luca đã thuật lại cho chúng ta những gì "Chúa Giêsu phán bảo dân chúng" về việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại, cũng như việc họ cần phải thanh toán với đối phương khi còn có thể.  

 

Trước hết, về việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ?" 

 

Sau nữa, về việc họ cần phải thanh toán với đối phương bao lâu khi còn có thể: "Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng". 

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại, và việc họ cần phải thanh toán với đối phương bao lâu khi còn có thể có liên hệ gì với nhau hay chăng, nếu có thì ở chỗ nào, vì thật sự là giữa hai sự việc này, về mạch văn, được nối kết với nhau bằng liên từ "thế nên" ở sự việc thứ hai, ngay sau sự việc thứ nhất, tức là có liên quan đến sự việc thứ nhất?  

 

Thật vậy, lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay có thể hiểu về lương tâm nơi con người, được biểu hiệu qua hình ảnh của "quan toà", một thẩm quyền phán xét nơi con người có thể ra tay hành hạ con người như những tay "lý hình", và đồng thời cũng có thể "tống" con người "vào ngục" là chính thâm tâm khổ ải bất an của con người, "cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng" là chấp nhận lỗi lầm của họ, những lỗi lầm mà trước đó, lúc còn "đang lúc đi dọc đường", lúc đang còn được lương tâm nhắc nhở đừng làm, đừng vấp phạm, tức nếu biết tránh né, đã không bị lương tâm trở thành "quan tòa" phán xét họ đến độ họ cảm thấy bị hành hạ bởi những áy náy, lo sợ, khổ tâm và bất an v.v. 

 

Dấu chỉ thời đại để họ có thể giải quyết vấn đề lương tâm của họ là chính những nhắc nhở của lương tâm trước khi họ liều mình vấp phạm theo đam mê nhục dục của họ, bằng việc họ trấn an lương tâm theo những lý lẽ chủ quan nông cạn đầy tham vọng nhất thời của họ. Hay dấu chỉ thời đại để họ có thể giải quyết vấn đề lương tâm của họ thậm chí còn là chính những cắn rứt sau khi họ đã lỡ vấp phạm, để nhờ đó họ có thể được giải thoát "ra khỏi" ngục tù thâm tâm của họ, bằng cách "tự mình phê phán điều gì phải lẽ?" theo lời Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, ở chỗ chấp nhận lỗi lầm của mình, trả lại cho công lý những gì họ đã qua mặt và cướp quyền: "trả xong đồng xu cuối cùng". 

Thực tế phũ phàng cũng cho thấy, trong đời sống đạo, có những tâm hồn rất đạo đức, đọc kinh xem lễ rước lễ hằng ngày, xưng tội hằng tháng, tĩnh tâm hằng năm, chay tịnh trường kỳ, dạy đạo liên miên v.v., nhưng vẫn liên tục lỗi đức bác ái một cách trầm trọng và công khai, gây gương mù gương xấu cho những ai sống quanh mình và với mình, như cho con cái và bạn bè ngoại đạo.  

Thậm chí trong những lúc bối rối, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết được ý định của Ngài để mà làm theo. Thế nhưng, khi đã rõ ràng biết được ý muốn của Thiên Chúa, như qua vị linh hướng, chúng ta liền trốn mất, hay vội vàng chối bỏ, vì ý Chúa ấy không đúng như ý của chúng ta, hay là những gì phản lại với đời sống tự nhiên của chúng ta, bắt chúng ta phải bỏ mình!  

Tình trạng chối bỏ chân lý và lấn át chân lý này vẫn thường xẩy ra trong đời sống hằng ngày của tất cả mọi người trên thế gian này nói chung và của Kitô hữu chúng ta nói riêng, khi chúng ta liên tục chối bỏ tiếng lương tâm của chúng ta, liên quan đến việc làm lành lánh dữ được lương tâm nhắc nhủ hay cảnh báo, bằng việc chúng ta trấn an lương tâm hay lèo lái lương tâm theo sở thích tự nhiên của mình hay theo ý riêng vị kỷ của mình. 

Theo ý nghĩa của lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay thì khi nào chúng ta thấy được điềm trời đây, tức là thấy lương tâm của chúng ta cắn rứt, áy náy thì chúng ta hãy liệu giải quyết đi, nhất là đối với những kẻ chúng ta coi là kẻ thù, chấp nhất họ, và tính lôi họ ra tòa, nghĩa là đòi họ phải trả lại công bằng cho chúng ta đến cùng, chứ không tự động tha thứ cho họ, và cũng chính vì chúng ta không tự tha thứ cho họ, nghĩa là trên đường lôi họ ra tòa án công bằng của chúng ta, mà chúng ta, ngược lại, bị họ "lôi đến trước quan tòa" lòng thương xót Chúa, Đấng đã tha thứ cho chúng ta một món nợ kếch sù không thể trả, khiến Ngài thịnh nộ tống chúng ta vào ngục và bắt chúng ta phải "trả cho đến đồng xu cuối cùng" (xem Mathêu 18:31-34).

Theo chiều hướng giáo huấn làm hòa và tự động quảng đại tha thứ của Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Phaolô, trong Bài Đọc 1 cùng ngày, cũng khuyên Kitô hữu Giáo đoàn Epheso, như thế này: "Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái: hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng".

Chỉ có thế và chỉ nhờ thế mà họ mới "là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa", như câu họa của bài Đáp Ca hôm nay, một câu họa theo sau từng câu xướng liên quan đến chính thành phần này như sau:

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Chẳng những thế, họ còn phần nào được phản ảnh và có thể phản ảnh "long nhan" vô cùng từ bi nhân hậu của Chúa nữa, Đấng luôn chỉ biết tha thứ, và tha thứ trước khi con người xin lỗi Chúa, như Ngài đã thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô khổ nạn và tử giá Con của Ngài. Nghĩa là, hai nguyên tổ dù không xin lỗi Chúa sau nguyên tội, Chúa vẫn hứa ban cứu độ cho họ, và những ai chưa được sinh ra sau biến cố Vượt Qua cứu độ của Chúa Kitô, thì họ cũng đã được cứu độ và tội của họ dù chưa phạm cũng đã được tha thứ, chỉ cần họ chấp nhận ơn tha thứ, ơn cứu độ của Người thôi.

 

 


Thứ Bảy

 

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 7-16

"Ðức Kitô là đầu, nhờ Người mà toàn thân thể được lớn lên".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô,

Anh em thân mến, mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Vì thế có lời rằng: "Người lên nơi cao điệu tù nhân về, Người đã ban ân huệ cho mọi người". Nói rằng "Người lên" nghĩa là gì nếu không phải là trước Người đã xuống những miền hạ tầng trái đất sao? Ðấng đã xuống cũng chính là Ðấng đã vượt lên trên mọi tầng trời, để làm viên mãn vạn vật.

Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin, và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Ðức Kitô viên mãn, để chúng ta không còn là trẻ nhỏ bị lắc lư và lôi cuốn theo mọi chiều gió học thuyết, nghiêng theo sự lừa dối của người đời, và mưu mô xảo trá làm cho lạc lõng trong sự sai lầm.

Nhưng chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu. Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng tôi sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".

Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".

Ðó là lời Chúa.

Xét mình – Đừng xét người: Chúa nhật 3 Mùa Chay Lc 13, 1-9 – huyha.net

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Những bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên hôm nay là bài Phúc Âm chất chứa lời Chúa Giêsu cảnh giác "những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu của họ hoà lẫn với máu của các vật họ tế sinh". 

Người cảnh giác họ những gì, nếu không phải cảnh giác họ về hình phạt tương tự như thế nếu họ không ăn năn hối cải, mà cứ tưởng mình tốt lành hơn các nạn nhân được họ thuật lại cho Chúa Giêsu biết.  

Ở đây, qua ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Người dường như vừa không công nhận đau khổ là hậu quả hay hình phạt của tội lỗi lại vừa không công nhận đau khổ là hình phạt của tội lỗi hay hậu quả của tội lỗi: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế... Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế". 

Chúa Giêsu đồng thời lại khẳng định đau khổ là hình phạt của tội lỗi và là hậu quả của tội lỗi"Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy... nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". 

Trong trường hợp của người mù từ lúc mới sinh, Chúa Giêsu cũng dường như phủ nhận đau khổ là hậu quả của tội lỗi khi khẳng định sự kiện anh ta bị mù từ lúc mới sinh: "không phải do tội của anh ta hay của cha mẹ anh ta" (xem Gioan 9:3). Thật ra, Chúa Giêsu không phủ nhận đau khổ là hậu quả của tội lỗi, nhưng Người gán cho đau khổ một ý nghĩa quí giá hơn và cao cả hơn, như trong trường hợp người mù từ lúc mới sinh như nó là một cơ hội để Thiên Chúa tỏ mình ra: "Chính là để cho các công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta" (xem Gioan 9:3). 

Trong bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, Chúa Giêsu cũng không phủ nhận đau khổ là hình phạt của tội lỗi hay là hậu quả của tội lỗi, nhất là trong trường hợp con người không biết thống hối ăn năn. Tuy nhiên, cũng qua bài Phúc Âm hôm nay, Người còn gán cho đau khổ một ý nghĩa cảnh báo cho những ai tự phụ cho mình là lành thánh nên không bị đau khổ như người khác là những người tội lỗi chứ không vô tội như mình. 

Chưa hết, cũng theo chiều hướng ấy, Chúa Giêsu dường như còn ngầm cho thấy rằng đau khổ cho dù là và chính là hậu quả của tội lỗi mà nó đã được Thiên Chúa sử dụng như gậy ông đập lưng ông, như của độc giải độc, trong việc đánh động con người tội lỗi, để nhớ đó họ có thể nhận lỗi, hối lỗi và sửa lỗi mà quay về cùng Người.  

Đó là lý do ở phần cuối bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn nói thêm một dụ ngôn liên quan đến việc cải thiện đời sống, qua hình ảnh cây vả không sinh hoa kết trái "đã 3 năm" liền, đáng bị đốn đi cho đỡ "choán đất", nhưng nó vẫn còn được kéo dài chờ thêm "một năm nữa":  

"Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'". 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chẳng những nhắc nhở chúng ta về việc cải thiện đời sống ở mặt tiêu cực, mà còn về việc làm cho ơn Chúa ban sinh hoa kết trái ở mặt tích cực nữa. Bởi thế mà trong Bài Đọc 1 hôm nay, thành phần Kitô hữu Giáo đoàn Epheso đã nghe vị tông đồ dân ngoại Phaolô về những ơn Chúa ban cho họ, nhờ bởi và thông qua Đức Giêsu Kitô: "mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho", tùy theo mỗi người: "kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy", để nhắm đến việc xây dựng nhiệm thể Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập: "để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô".

Một khi được lãnh nhận ơn Chúa, Kitô hữu cần phải làm sao để thực hiện được những gì Đấng ban ơn cho họ nhắm tới. Do đó nên Thánh Phaolô tiếp tục khuyên Kitô hữu Epheso hãy đáp ứng một tích chủ động và tích cực như thế này: "chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu". Nghĩa là làm gì thì làm, Kitô hữu cũng phải "nhờ Người, với Người và trong Người", như phụng vụ Thánh Thể nhắc nhở trong phần tế lễ sau truyền phép. Bởi vì, như Thánh Phaolô xác tín cũng trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay: "Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến".

Thánh phần Kitô hữu biết đáp ứng ơn Chúa, làm cho ơn Chúa ban cho mình sinh hoa kết trái thì ngay trong cuộc hành trình đức tin trần thế này của mình, họ như thể đang hân hoan "vui mừng ... tiến vào nhà Chúa", thậm chí như thể "đang đứng nơi cửa thành rồi", đúng như những gì được Thánh Vịnh 121 diễn tả trong bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng tôi sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

 

 

THÁNH GIOAN PHAOLÔ II

 

22-10

 


26 Năm Dẫn Dắt Giáo Hội 

 

Vị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ'

 

Thời Điểm Gioan Phaolô II