SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

"Thày là Sự Sống"
(Gioan 11:25)



Tái Sinh Thần Linh


Phụng Vụ Lời Chúa Tuần III Phục Sinh


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại của Mùa Phục Sinh, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

Vậy chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho cả Chúa Nhật lẫn các ngày trong tuần lễ thứ ba của Mùa Phục Sinh như thế nào, nếu không phải, so sánh với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho các tuần còn lại, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần III Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Tái Sinh Thần Linh và Bánh Sự Sống là chính bản thân Người để nuôi dưỡng những ai được tái sinh bởi Người.
Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh, tuy vẫn còn các bài Phúc Âm trình thuật về 3 cuộc hiện ra khác nhau của Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng cả 3 bài đều đã bắt đầu hướng về chủ đề "Thày là sự sống" ở khía cạnh tái sinh thần linh, như chúng ta thấy các bài phúc âm ngày thường trong tuần thứ hai Phục Sinh, nhất là 3 ngày đầu tuần, liên quan đến vấn đề tái sinh từ trên cao, tái sinh bởi trời, bởi nước và Thánh Linh v.v., một cuộc tái sinh thần linh đã xẩy ra nơi hai môn đệ đi Emmau sau khi gặp Đấng Phục Sinh (Phúc Âm CN III Năm A), một cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi chung các tông đồ sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh để có thể sửa soạn làm chứng nhân cho Người (Phúc Âm CN III Năm B), một cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi sự kiện các tông đồ đã không còn sợ hãi và ra khỏi nhà đi đánh cá, một ngành nghề đã được Chúa Kitô báo trước ngay khi chọn 4 người môn đệ đầu tiên ở bờ biển hồ Galilêa (xem Mathêu 4:18-20), trong đó có nhân vật Simon Phêrô, người môn đệ đã tự động lên tiếng rủ các tông đồ khác đi đánh cá trong Bài Phúc Âm CN III năm C, cũng là vị Tông Đồ đã tỏ thái độ nhiệt tình đáp ứng lòng mong ước của Đấng Phục Sinh trong sứ vụ chủ chiên thày Người và thân phận được hy sinh mạng sống cho chiên như Người (Phúc Âm CN III Năm C).  

N
ăm A 

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A

 

Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28

"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: 'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh (c. 11a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. - Ðáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21

"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 24, 13-35

"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".

Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm


Cuộc 
tái sinh thần linh đã xẩy ra nơi hai môn đệ đi Emmau sau khi gặp Đấng Phục Sinh.

Phúc Âm (Luca 24:13-35, bài Phúc Âm như Thứ Tư Bát Nhật Phục Sinh): "Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem... thuật lại các việc đã xẩy ra dọc đường và hai vị đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào".

Bài đọc 1 (Tông Vụ 2:14,22-28) - sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở: "Đức Giêsu Nazarét... đã bị nộp và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hạnh hạ rồi giết đi... Thiên Chúa đã cho Người phục sinh"
Bài đọc 2 (1Phêrô 1:17-21) - sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở: "Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền không tì ố... Nhờ Người anh em tin vào Thiên Chúa là Đấng đã làm cho Người sống lại từ trong cõi chết". 

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy Phụng Vụ Lời Chúa nói chung và bài Phúc Âm nói riêng được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh này hơi ngoại lệ. Trước hết, như chúng ta đã nhận định, chủ đề cho toàn Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ là mạc khải thần linh "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Sau nữa, nếu chúng ta đã thấy rằng Tuần Bát Nhật Phục Sinh theo phần đầu của chủ đề chung Mùa Phục Sinh này "Thày là sự sống lại", bởi trong suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh, ngày nào cũng thế, cả 2 Chúa Nhật đầu và cuối Tuần Bát Nhật, cũng như các bài Phúc Âm cho ngày thường trong tuần, đều về các lần Chúa Kitô hiện ra để chứng thực Người "là sự sống lại".

Sau hết, như vậy 6 tuần Phục Sinh còn lại về phần sau của chủ đề chung Mùa Phục Sinh, đó là "Thày là Sự Sống", nhưng tại sao ở ngay Chúa Nhật đầu tuần lễ thứ 3 Phục Sinh này lại có 3 bài Phúc Âm (đã được đọc trong Tuần Bát Nhật Phúc Sinh) về biến cố Chúa Kitô Phục Sinh, trong đó, có 2 bài Phúc Âm của Thánh Luca khác nhau cho cả Năm A (đáng lẽ theo Thánh Mathêu) lẫn Năm B (đáng lẽ theo Thánh Marco), và Bài Phúc Âm theo Thánh Gioan cho Năm C (đáng lẽ theo Thánh Luca)? Vậy Giáo Hội cố ý chọn đọc các Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật 3 Phục Sinh có vẻ "lộn xộn" như thế chắc chắn phải có ý nghĩa, chứ không thể nào vô nghĩa! Ở chỗ nào? Xin mạo muội suy diễn như sau.

Thật thế, chủ đề của 6 tuần lễ còn lại (trong 7 tuần) của Mùa Phục Sinh vẫn "Thày là sự sống", vẫn được tiếp tục với các Bài Đọc 1 theo Sách Tông Vụ, liên quan đến "sự sống" mới nơi cộng đồng Kitô giáo tiên khởi và công cuộc truyền giáo liên quan đến "sự sống" mới cần được truyền đạt "cho tới tận cùng trái đất", cũng như với các bài Phúc Âm theo Thánh Gioan cũng về "sự sống" ở chỗ được "tái sinh" (Tuần II PS), ở chỗ ăn "bánh sự sống" (Tuần III PS), ở chỗ dính liền với "cây nho" (Tuần IV PS), ở chỗ nhờ "Người mục tử nhân lành... hiến mạng sống cho chiên được sự sống" (Tuần V PS), ở chỗ sống đức ái với Thày và như Thày (Tuần VI PS), và ở chỗ bởi Thánh Linh là Đấng ban sự sống (Tuần VII PS). Do đó, ngày tuần thứ 2, các bài Phúc Âm trong tuần cho chúng ta thấy "Thày là sự sống" ở chỗ con người cần phải được "tái sinh bởi trời", tức "bởi nước và Thánh Linh".

Thế nhưng, 2 bài Phúc Âm cuối tuần 2, lại về phép lạ bánh hóa ra nhiều, liên quan đến "bánh sự sống" ở những bài Phúc Âm cho ngày thường trong Tuần 3 Phục Sinh. Mà "bánh sự sống" đây ám chỉ Chúa Kitô Vượt Qua và liên quan đến bữa ăn hay vấn đề ăn uống. Bởi thế mà trong cả 3 bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Phục Sinh, 2 của Thánh Luca cho Năm A và B, và 1 của Thánh Gioan cho Năm C, đều về Chúa Kitô Phục Sinh nhưng bao gồm chi tiết ăn uống, chi tiết liên quan đến "sự sống". Phúc Âm Thánh Luca Năm A có chi tiết Chúa Kitô Phục Sinh ngồi vào bàn ăn với 2 môn đệ; bài Phúc Âm của Thánh Luca cho Năm B cũng có chi tiết ăn uống khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra và Người đã ăn trước mặt các tông đồ; bài Phúc Âm Thánh Gioan cũng có chi tiết Chúa Giêsu dọn bữa sáng cho các tông đồ và mời các vị ăn.

Vậy thì ý nghĩa về "sự sống" của Mùa Phục Sinh nơi Chúa Nhật III Năm A hôm nay như thế nào nơi bữa ăn giữa Chúa Kitô Phục Sinh với 2 môn đệ về Emmau? Trước hết, 2 môn đệ về Emmau, đã được Lời Chúa dọn lòng sẵn cho các vị dọc suốt quãng đường đi của các vị, nên nhờ đó các vị cuối cùng đã nhận ra người lữ khách nhiệm lạ đồng hành với hai vị chính là Thày của các vị, ở chỗ và vào lúc: "đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người". Tuy nhiên, trong 4 tác đồng liên tục theo thứ tự Chúa Kitô làm trước mắt 2 vị: cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông", thì có lẽ hay phải nói rằng tác động quan trọng nhất, ý nghĩa nhất và chính yếu nhất đó là tác động "Người bẻ ra". Tại sao?

Tại vì, tất cả Mầu Nhiệm và Biến Cố Vượt Qua đều ở tác động "Người bẻ ra" này! "Người bẻ ra" cái gì, nếu không phải là "bánh" Người đang cầm trên tay, một tấm "bánh", trên hết, được dâng lên Thiên Chúa là Đấng đã sai Người chỉ vì yêu thương nhân loại và cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài qua Con của Ngài, và sau đó là để "trao cho các ông", ám chỉ Người ban tặng cho Giáo Hội và qua Giáo Hội cho chung loài người. Bởi vì Người chính là tấm bánh bẻ ra, ám chỉ cuộc khổ giá của Người, theo ý muốn Chúa Cha, "Đấng đã không dung tha cho Con Một của Mình, nhưng đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), một tấm bánh bẻ ra, ám chỉ "vì họ mà Con tự hiến để họ (Giáo Hội) được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), và ám chỉ "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28).

Bài Đọc 1, trích Sách Tông Vụ hôm nay đã nhắc nhở Kitô hữu chúng ta về Thiên Chúa là Đấng đã sai Con Một của Ngài như tấm bánh bẻ ra cho phần rỗi của loài người tội lỗi đáng thương, Đấng được chính Người Con Ngài sai đã hướng về bằng "lời chúc tụng" khi "cầm lấy bánh" trước khi "bẻ ra và trao cho hai ông":

"Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó".

Bài Đọc 2, trích Thư thứ 1 của Thánh Phêrô, trong đó, vị tông đồ tác giả lãnh đạo tông đồ đoàn đã nhấn mạnh đến giá trị vô cùng cao quí của Chúa Kitô Vượt Qua chp phần rỗi vô cùng quan trọng của Kitô hữu đã tin vào Người và đã lãnh nhận Phép Rửa để thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người:


"Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa".

Như 2 môn đề về Emmau nhận ra được Đấng Vượt Qua Thày mình nơi tác động "bẻ bánh" của Người trong bữa ăn tối với họ ở dọc đường, Kitô hữu chúng ta không thể nào không cưu mang tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta vô cùng bất tận và nhưng không nơi Con Một của Người, và quyết tâm chỉ theo đường lồi của Ngài như chính Con Ngài đã vạch ra và đi trước chúng ta hoàn toàn vì phần rỗi của nhân loại, như tấm bánh bẻ ra. Và tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa cùng quyết tâm theo đường lối của Ngài nơi gương tấm bánh bẻ ra là Con Ngài được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con".

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!




Năm B 

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B

 

Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19

"Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: "Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

"Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 4, 2. 7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! (c. 7a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu! - Ðáp.

2) Nhiều người nói: "Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?" Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! - Ðáp.

3) Ðược an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 2, 1-5a

"Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm

Cuộc tái sinh thần linh xẩy ra nơi chung 
các tông đồ sau khi nhận ra Đấng Phục Sinh để có thể sửa soạn làm chứng nhân cho Người.  

Bài đọc 1 (Tông Vụ 3:13-15,17-19) - sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở: "Đấng ban sự sống thì anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".
Bài đọc 2 (1Gioan 2:1-5a) - sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở: "Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta".

Phúc Âm (Luca 24:35-48, bài Phúc Âm như Thứ Năm Bát Nhật Phục Sinh): "Có lời chép rằng: Đức Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lĩnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".



Có thể nói, Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III Phục Sinh vẫn có ý nghĩa và tính chất Lòng Thương Xót Chúa như Chúa Nhật II Phục Sinh, Lễ Lòng Thương Xót Chúa. Ở chỗ, ngay trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, bài Phúc Âm có nhiều tình tiết hơn của bài Phúc Âm Thánh ký Gioan, (vì cả hai vị cùng thuật lại sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ lần thứ nhất và tối ngày thứ nhất trong tuần), những tình tiết nhiều hơn được Thánh ký Luca thuật lại liên quan đến tiến trình tỏ mình ra của Chúa Kitô tùy theo trình độ tin tưởng của các tông đồ bấy giờ:

"Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: 'Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây'. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: 'Ở đây các con có gì ăn không?' Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: 'Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh'. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh".

Ở phần thứ hai của Phúc Âm Thánh Luca cũng thế, cũng được ngài nói rõ hơn về nội dung của Sứ Điệp Phục Sinh cần phải loan truyền và Sứ Vụ Chứng Nhân các tông đồ cần phải thực hiện, liên quan đến cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô Phục Sinh:

"Người lại nói: 'Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy'".


Trong khi đó, Thánh ký Gioan (20:19-23) chỉ vắn gọn về lần hiện ra đầu tiên này như sau (có thể là vì ngài đã biết Thánh Luca đã thuật lại các chi tiết khác rồi, ngài không cần phải lập lại nữa, mà chỉ thêm 2 chi tiết chưa được Thánh ký Luca đề cập tới, liên quan đến Thánh Linh, cho trọn vẹn đầy đủ chi tiết cho lần hiện ra đầu tiên này của Chúa Kitô Phục Sinh với các tông đồ, ngoài ra, ngài muốn nhấn mạnh đến lần hiện ra thứ hai sau đó 8 ngày, đoạn Phúc Âm dài hơn đoạn về lần hiện ra thứ nhất):

"Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: 'Bình an cho các con'. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: 'Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con'. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại'".
 


Tuy nhiên, cả hai bài Phúc Âm, dù vắn hay dài, cũng chỉ qui tụ lại một điểm giống nhau duy nhất đó là Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì, Lòng Thương Xót Chúa liên quan đến tội lỗi của con người, mà tội lỗi thì cần được thứ tha. Do đó, ở cả 2 bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đều nói đến ơn tha thứ tội lỗi: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Phúc Âm Thánh Gioan) - "phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân" (Phúc Âm Thánh Luca) .



Thế nhưng, ơn tha thứ được ban cho nhân loại ra sao từ Lòng Thương Xót Chúa, nếu không phải nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Người Con mà "Thiên Chúa đã không dung tha, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), Đấng được Bài Đọc II hôm nay khẳng định là "Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian". Và đó cũng là lý do ngay trước Sứ Điệp Phục Sinh về ơn tha thứ ở Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu đã nhắc đến lời Thánh Kinh về bản thân Người:
"Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại".

Và chính vì thế mà mở đầu Sứ Điệp Phục Sinh là 3 chứ "nhân danh Người" làm gì: "rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem". Và chính Chúa Kitô Phục Sinh sau khi từ trong kẻ chết sống lại và tỏ mình ra cho các môn đệ tông đồ thì ủy thác cho các vị Sứ Vụ Minh Chứng về Người: "các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy". "Điều ấy" là điều nào? Nếu không phải trước hết là sự kiện Vượt Qua của Chúa Kitô mà chính các vị đã thấy rõ ràng là Thày của các vị đã chết mà nay đã sống lại thật, nhưng trên hết và thực ra, "điều ấy" là chính Lòng Thương Xót Chúa mà nếu không có Lòng Thương Xót Chúa thì cũng chẳng có vấn đề Vượt Qua.

Chính các vị đã cảm nghiệm thấy Lòng Thương Xót Chúa Vượt Qua ngay nơi bản thân của từng vị. Ở chỗ, chính các vị đã được Người tha tội cho, tội bỏ Thày mà thoát thân của tất cả mọi tông đồ, nhất là tội trắng trọn phản bội chối bỏ Thày v.v., khi Người thông ban Thánh Linh từ Thánh Thể đã chịu khổ nạn và tử giá sống lại của Người cho các vị, không phải chỉ để các vị có thẩm quyền và năng quyền thay Người tha tội cho thành phần hối nhân như các vị, mà còn cho chính các vị trước hết và trên hết.

Bởi đó, không lạ gì, chính vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô, sau khi cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa, ngài đã thương cảm chính thành phần lãnh đạo Do Thái giáo nói riêng và thành phần dân chúng nói chung về những lỗi lầm họ vấp phạm trong việc nhúng tay tàn bạo đầy lòng hận thù ghen ghét của họ sát hạt Con Thiên Chúa, với câu nói hoàn toàn phản ảnh Lòng Thương Xót Chúa, như chính Chúa Kitô đã tỏ hiện trên thập giá lúc Người xin Cha của Người tha cho thành phần làm khốn và sát hại Người chỉ vì "lầm, không biết việc mình làm" (Luca 23:34). Câu của Thánh Phêrô trong bài giảng thứ hai hậu Hiện Xuống của ngài như sau:

 

"Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ".


Năm C
 

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C

 

Bài Ðọc I: Cv 5, 27b-32. 40b-41

"Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: "Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?" Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người!" Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5 và 6. 11 và 12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Kh 5, 11-14

"Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, ...vinh quang và lời chúc tụng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã thấy và nghe tiếng các thiên thần đông đảo vòng quanh ngai vàng, tiếng các sinh vật và các vị kỳ lão; số họ đông hằng ngàn hằng vạn, họ lớn tiếng tung hô rằng: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quý, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". Tôi lại nghe mọi thọ tạo trên trời, trên đất, dưới đất, trên biển và dưới biển, tung hô rằng: "Chúc Ðấng ngự trên ngai và chúc Chiên Con được ca tụng, danh dự, vinh quang, quyền năng đến muôn đời". Bốn sinh vật thưa: "Amen", và hai mươi bốn vị kỳ lão sấp mặt xuống và thờ lạy Ðấng hằng sống muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 21, 1-14 {hoặc 1-19}

"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?", vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy".]

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm


Cuộc tái sinh thần linh x
ẩy ra nơi sự kiện các tông đồ đã không còn sợ hãi và ra khỏi nhà đi đánh cá, nhất là riêng Tông Đồ Phêrô đã tỏ thái độ nhiệt tình đáp ứng lòng mong ước của Đấng Phục Sinh. 

Phúc Âm (Gioan 21:1-14 hay 1-19, bài Phúc Âm như Thứ Sáu Bát Nhật Phục Sinh): "Simon Phêrô bảo: 'Tôi đi đánh cá đây'. Các vị kia nói rằng: 'Chúng tôi cùng đi với anh'. Mọi người ra đi xuống thuyền... Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng 'con có yêu mến Thày không?' (3 lần)... 'Thày biết con yêu mến Thày' (3 lần)... 'Con hãy theo Thày' (sau khi báo cho vị tông đồ này biết 'sẽ chết cách nào)". 



B
ài đọc 1 (Tông Vụ 5:27b-32,40b-41) - sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở: "Đấng mà các ông đã giết khi treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Người làm thủ lãnh và làm Đấng Cứu Độ".
Bài đọc 2 (Khải Huyền 5:11-14) - sự sống ở khía cạnh tái sinh thần linh là nhờ ở: "Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, phú quí, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang và lời chúc tụng". 

Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan cho chu kỳ phụng vụ Năm C, theo chiều hướng và ý nghĩa, là bài Phúc Âm tiếp theo 2 bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, một cho Năm A và một cho Năm B, hai bài phúc âm thuật lại biến cố Chúa Kitô hiện ra với chung các môn đệ lần thứ nhất để chứng thực với các vị là Người quả thực đã sống lại từ trong kẻ chết (Phúc Âm Năm A), và để hướng các vị về sứ vụ chính yếu là "làm chứng" về Người và cho Người bằng tất cả những gì các vị đã thấy nơi Người (Phúc Âm Năm B), một sứ vụ làm cho nhân loại tin vào Người, chẳng khác gì như những tay chài lưới bắt cá người, tiêu biểu như 7 vị tông đồ ở trong Bài Phúc Âm (Năm C) được Thánh Gioan thuật lại.

Bài Phúc Âm cho Năm C của Thánh ký Gioan hôm nay còn được Giáo Hội bao gồm cả phần cuối không buộc đọc là phần liên quan đến tông đồ Phêrô, vị tông đồ đã phải khẳng định với Thày mình 3 lần rằng "con yêu mến Thày". Sở dị đoạn Phúc Âm cuối này không buộc đọc là vì theo ý nghĩa nó chỉ liên quan đến nội bộ Giáo Hội hơn là truyền giáo là chiều hướng chung của ba bài Phúc Âm A-B-C, như đã nhận định trên đây.

Sự kiện tông đồ Phêrô phải tuyên xưng lòng mến của ngài với Thày của mình không phải chỉ để bù lại cho 3 lần ngài đã chối bỏ Thày mà nhất là còn cho thấy khả năng thiết yếu bất khả thiếu để thi hành sứ vụ thủ lãnh Giáo Hội của ngài, liên quan đến 3 trách vụ chính yếu của ngài nói riêng và của hành giáo phẩm nói chung, đó là thánh hóa ("chăm nuôi đám chiên con của Thày" - "feed my lambs"), giảng dạy ("chăn dắt chiên lớn của Thày" - "tend my sheep", nhất là những con chiên cho mình là khôn lớn nên bị lầm lạc) và cai quản ("chăn dắt chiên lớn của Thày" - "tend my sheep", kể cả các vị giám mục trong hàng giáo phẩm).

Tông đồ Phêrô, vị thay mặt Chúa Kitô đầu tiên trong Hội Thánh để chăn dắt đoàn chiên của Người đây không thể nào chăm nuôi và chăn dắt chiến con và chiên lớn của Người nếu không yêu mến Người gấp đôi các chiên con và gấp ba chiên lớn, nhờ đó, nhờ lòng yêu mến này, ngài mới có thể hiệp nhất nên một với Đấng đã tin tưởng ủy thác đoàn chiên của Người cho ngài, đến độ ngài dám thí mạng sống mình vì chiên như Người, đúng như lời tiên báo của Chúa Kitô về thân phận đóng vai trò lãnh đạo thay Người của ngài, nhưng nhờ thế ngài đã thực sự trở thành chứng nhân đích thực của Người.

C
ái tuyệt vời ở đây là sự liên kết chặt chẽ hết sức mạch lạc giữa các bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho các Chúa Nhật nói riêng rất ăn khớp với nhau và liên tục với nhau theo đúng chủ đề chung. Điển hình nhất là bài Phúc Âm của Thánh Ký Gioan cho Năm C trên đây, liên quan đến vai trò mục tử của Thánh Phêrô sẽ được diễm phúc trở nên giống như vai trò Mục Tử Nhân Lành của Chúa Kitô hy sinh cho chiên được sống, và vai trò mục tử nhân lành gương mẫu này của Người được mạc khải cho thấy rõ ràng trong cả 3 bài Phúc Âm A-B-C của Tuần IV Phục Sinh kế tiếp

(xin xem lại bài 
Chủ Đề "Thày là sự sống" cho Các Chúa Nhật Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
  Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh
    

Thứ Hai sau Chúa Nhật III Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 6, 8-15

"Họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. Bấy giờ có nhóm người kia thuộc hội đường mệnh danh là "của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria", và những người khác từ xứ Cilicia và Tiểu Á, đã nổi dậy. Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. Họ xúi giục một số người nói lên rằng: "Chúng ta đã nghe nó nói những lời lộng ngôn phạm đến Môsê và Thiên Chúa". Họ xách động dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ; rồi họ tuôn đến bắt Têphanô điệu tới công nghị. Họ đưa ra những người làm chứng gian nói rằng: "Tên này không ngớt nói những lời xúc phạm đến nơi thánh và lề luật, vì chúng tôi nghe nó nói rằng: "Ông Giêsu Nadarét sẽ phá nơi này, và thay đổi các tập tục Môsê truyền lại cho chúng ta". Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 23-24. 26-27. 29-30

Ðáp: Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn (c. 1a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Dầu vua chúa hội lại và buông lời đả kích, tôi tớ Ngài vẫn suy gẫm về thánh chỉ Ngài. Vì các lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.

2) Con đã trình bày đường lối của con và Chúa nghe con, xin dạy bảo con các thánh chỉ của Ngài. Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. - Ðáp.

3) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 28

Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 22-29

"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến".

Ðó là lời Chúa.


John [6:22-29] The Bread from Heaven - YouTube

Suy Niệm

Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Hai trong Tuần III Phục Sinh 
về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu nói như thể Người muốn nói rằng ai được tái sinh thần linh phải là những người làm việc của Thiên Chúa, tin vào Chúa Kitô: 
"'Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu'. Họ liền thưa lại rằng: 'Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?' Chúa Giêsu đáp: 'Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến'".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy người Do Thái biết được Chúa Kitô thường xuất hiện ở chỗ nào nhất, do đó, người nào cũng đã đến đúng nơi đó:

"Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" 

Và khi họ gặp được Người thì Người cho họ biết được cốt lõi của toàn bộ Thánh Kinh, của dự án cứu độ thần linh, đó là "công việc của Thiên Chúa", một "công việc" có hai mặt, mặt mạc khải thần linh về phía Thiên Chúa và mặt đức tin tuân phục về phía nhân loại. Ở chỗ, "công việc của Thiên Chúa" hay "việc làm của Thiên Chúa" về phía Thiên Chúa đó là việc Ngài liên lỉ tỏ mình ra cho nhân loại, và "việc làm của Thiên Chúa" về phía nhân loại đó là "tin", là nhận biết mạc khải thần linh của Ngài và chấp nhận mạc khải thần linh của Ngài là chính Chúa Giêsu Kitô Con Ngài. Có thể tóm lại cả hai mặt thành một ở chỗ "công việc của Thiên Chúa" hay "việc làm của Thiên Chúa" đó là làm cho nhân loại tin vào Ngài bằng cách tỏ mình ra cho họ vậy.

Chủ đề "Thày là sự sống" ở trong bài Phúc Âm hôm nay như thế nào, nếu không phải ở chỗ "của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi" và ở chỗ: "các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến". Thật vậy, "của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi", một "của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời" đây chính là những gì Chúa Giêsu nói và làm để cho dân của Người tin vào Người mà được sự sống.

Thoạt nghe thì tín hữu Công giáo hiểu "của ăn Con Người sẽ ban cho" họ đây ám chỉ về Thánh Thể, như Người sẽ từ từ tiết lộ trong đoạn Phúc Âm 6 của Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho ngày thường của Tuần III Phục Sinh này. Nhưng ở đây bao gồm tất cả những gì Người nói và làm, nhất là chính bản thân Người là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, một bản thân sẽ hoàn toàn tỏ hiện trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Tất cả những gì Người nói và làm đều là bánh ban sự sống thần linh bất diệt cho những ai tin tưởng đón nhận.

Nếu "của ăn của Thày là làm theo ý Đấng đã sai và hoàn tất công việc của Ngài" (Gioan 4:34) thì khi Chúa Giêsu nói và làm theo tất cả mọi sự theo ý Cha của Người là Người đang cống hiến cho chúng ta chính "của ăn" của Người, chính lương thực của Người. Bởi thế, đối với Thiên Chúa thì việc của Ngài là tỏ mình ra qua Chúa Giêsu Kitô Thiên Sai của Ngài, như thể Thiên Chúa ban cho con người lương thực thần linh để được sống, còn việc của con người là thành phần được Thiên Chúa tỏ mình ra hay ban bánh sự sống thần linh cho họ là "tin vào Đấng Ngài sai".  


Bài Đọc I (Tông Vụ 6:8-15)
Điển hình nhất trong số thành phần tái sinh làm việc của Thiên Chúa là tin vào Chúa Kitô được bài đọc 1 hôm nay cho thấy đó là Phó Tế Stephanô, một con người đúng là đã được tái sinh thần linh theo ý nghĩa Chúa Kitô nói trong bài phúc âm, một con người làm việc của Thiên Chúa và tin vào Chúa Kitô nên mới có thể làm chứng cho Người trước thành phần đối chất với ngài nhưng thất bại nên tìm cách sát hại ngài:  
"Trong những ngày ấy, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân. ... Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói. .... Toàn thể cử toạ trong công nghị chăm chú nhìn Têphanô, thấy mặt người giống như mặt thiên thần".

Vị phó tế Stephanô trong Bài Đọc 1 hôm nay qua thực là một con người đã được Thánh Vịnh 118 nói tới ở câu thứ nhất rằng: "Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn", vị phó tế có những tâm tình được chất chứa trong Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 1) Dầu vua chúa hội lại và buông lời đả kích, tôi tớ Ngài vẫn suy gẫm về thánh chỉ Ngài. Vì các lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con.

2) Con đã trình bày đường lối của con và Chúa nghe con, xin dạy bảo con các thánh chỉ của Ngài. Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài.

3) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài.

 



    Thánh Fidele Sigmarina Linh Mục Tử Đạo (24/4)

Ngày 24/04: Thánh Phi-đen Dích-ma-rinh-ngân, linh mục, tử đạo (1578-1622)

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV tôn phong ngài làm thánh tử đạo năm 1746. Lễ tưởng nhớ ngài liên quan đến các cuộc tranh cãi tôn giáo khiến các Giáo Hội đối nghịch nhau và các Kitô hữu bị phân rẽ tại châu Âu vào thế kỷ XVII.

Markus Roy sinh tại Sigmaringen, nước Đức, con trai ông thị trưởng. Ngài theo học ở Fribourg-en-Brisgau, đỗ cử nhân luật và triết học. Sau khi chu du khắp châu Âu, ngài hành nghề luật sư tại Colmar rồi vào Dòng anh em Hèn mọn Capucin ở Fribourg lúc ba mươi bốn tuổi và mang tên Fidèle. Người dấn thân rao giảng Tin Mừng và làm việc Tông Đồ với tư cách tuyên úy quân đội cho các đạo quân của hoàng đế nước Áo. Sau cùng, Hội Truyền Bá Đức Tin ở Rôma phái người sang Rhétie để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại đó chống lại lạc thuyết Calvin. Ở đây, ngài giúp bá tước Rodolphe de Salis trở lại đạo Công Giáo.

Tại vùng Grisons thuộc Thụy Sĩ – nơi đây quyền hành nước Áo được thiết lập rất bền vững – sắc chỉ của Hoàng Đế nghiêm cấm người dân theo đạo Tin Lành. Điều này đã tạo sự phản đối mãnh liệt nơi những nông dân theo Calvin. Dưới sự chỉ đạo của một mục sư - về sau sẽ trở lại đạo – họ đã giết thánh nhân ngày 24 tháng 4 năm 1622, tại cửa nhà thờ Seewis trong quận Grison, nơi ngài đang hoạt động truyền giáo. Một ngày nọ, khi được mời theo giáo phái Calvin, ngài trả lời: “Tôi đến đây để chống lạc giáo chứ không phải để tiếp nhận lạc giáo”. Lúc ngã gục dưới các nhát gươm của lý hình, ngài đã kịp cầu nguyện như Đức Giêsu trên thập giá: Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng ...

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Đời thánh Fidèle thấm nhuần tình bác ái. Ngài được gọi là “luật sư của người nghèo” khi hành nghề tại Colmar và nhiệt thành yêu mến Chúa (lời nguyện đầu lễ) sau khi dấn thân vào đời sống tu trì và hiến trọn đời cho Thiên Chúa và tha nhân.

- Khi phong thánh cho người, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ca tụng lòng bác ái của ngài như sau: “Như một người cha, thánh nhân đã ôm lấy những người khốn khổ vào lòng, và nuôi nấng vô số người nghèo nhờ những của bố thí quyên góp được từ khắp nơi. Thánh nhân đem những gì các người quyền thế và các ông hoàng giúp đỡ mà săn sóc các cô nhi quả phụ... Trong mức độ có thể, người đã không ngừng trợ giúp những kẻ bị cầm tù, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh Nhân ân cần thăm viếng các bệnh nhân...” (Bài Đọc - Kinh Sách).

b. Thánh Nhân giàu lòng bác ái nên cũng nhiệt thành “truyền bá đức tin” (Lời Nguyện). Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV nói trong các cuộc truyền giáo ban đầu cho giới bình dân, sau đó cho người Tin Lành tại Grisons: “Ngoài tấm lòng bác ái như thế, thánh Fidèle còn là người trung tín, cả trong tên gọi lẫn trong đời sống, là người nổi bật về lòng nhiệt thành bênh vực đức tin Công Giáo. Thánh Nhân rao giảng đức tin ấy, không biết mệt. Ít ngày trước khi đổ máu để làm chứng cho đức tin, thánh nhân đã để lại những lời dưới đây như một di chúc: Ôi đức tin Công Giáo ! Đức tin chắc chắn, vững vàng sâu xa biết dường nào... Điều gì thúc đẩy các Kitô hữu chân chính dám dẹp bỏ những dễ dãi, khước từ nếp sống tiện nghi mà cam lòng chịu đựng những gian lao vất vả? Thưa chính là đức tin sống động, đức tin hành động nhờ đức ái”. (Bài Đọc - Kinh Sách).

Enzo Lodi

https://www.kath-vietnamesen.de/phung-vu-2/24-4-thanh-phidele-sigmaringen-linh-muc/

https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-24-4-thanh-phi-den-dich-ma-rinh-nganlinh-muctu-dao-1578-1622-54188

THÁNH FIĐÊLÊ đệ SIGMARINGA

Thánh nhân sinh năm 1577 tại Sigmaringa, Ngài có tên là Marc Rey, thuộc gia đình đạo đức và công chính. Thánh nhân học triết ở Fribourg, Thụy Sĩ. Ngài thông minh và học giỏi, nên được tặng cho danh hiệu là triết gia công giáo. Thánh nhân cũng chuyên về luật. Với ơn Chúa thúc đẩy, soi sáng, thánh nhân đã xin gia nhập dòng thánh Phanxicô. Ngài đã học thần học và sau đó được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Thánh nhân sống khó nghèo cách hết sức nhiệm nhặt theo mối phúc thứ nhất:” Phúc ai có tinh thần nghèo khó…”( Mt 5, 1 ). Cảm nghiệm sự thanh thoát của vật chất, thánh nhân đã dâng hết tài sản của mình cho quĩ bảo trợ cấp giáo sĩ. Thánh nhân có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria cách đặc biệt. Ngài bám chặt lấy Mẹ như thuẫn che chở và nhờ Mẹ để vượt khỏi tính ươn hèn, biếng nhác. Thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa, khuyên răn, giảng dạy và sửa trị giáo dân. Ngài luôn làm gương cho các tu sĩ khác bằng đời sống khó nghèo, khiêm nhượng của mình và thúc giục họ nên thánh vì Ngài ý thức:” Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rờ, dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời vinh quang”( Tv 73, 23 ). Thánh nhân có ơn Chúa ban đặc biệt, nên khi các bè rối nổi lên tung hoành khắp nơi, nhất là tại miền Grisons, thánh nhân được Bề Trên sai tới để chấn hưng đức tin công giáo. Nhiều người thuộc các bè rối đã ăn năn trở lại. Nhưng một số kẻ cuồng tín tức giận đã âm mưu hại Ngài và giết chết Ngài cho hả lòng căm tức cuồng nhiệt của họ.

THÁNH NHÂN LÃNH TRIỀU THIÊN TỬ ĐẠO

“ Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười…”, ngày 24 tháng 4 năm 1622, tại một ngôi thánh đường ở Sévis, thánh nhân đã bị những kẻ âm mưu hãm hại, đánh đập hết sức dã man, tàn nhẫn và giết chết. Chúa đã thưởng công Ngài bằng việc cho Ngài làm nhiều phép lạ để minh chứng sự thánh thiện của Ngài:” Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời. Mọi việc Ngài làm con xin kể lại, nơi cửa vào thành thánh Xi-on”( Tv 73, 28 ). Đức Giáo Hoàng Benoit XIV đã cất nhắc thánh nhân lên bậc hiển thánh để cho toàn Giáo Hội soi chung.

“Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phiđen, lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và được phúc tử đạo đang khi Người truyền bá đức tin. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin ban cho chúng con một đức ái mãnh liệt để cùng Người, chúng con được nghiệm thấy quyền năng của Đức Kitô phục sinh”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phiđen ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

http://giaophanthaibinh.org/a7489/Ngay-24-4-Thanh-Fidele-de-Sigmaringa-St-Fidelis-of-Sigmaringen-tu-dao.aspx

 

Thánh Fidelê, tên thật là Marê Rey, sinh ra năm 1528 ở Sigmaringa nước Đức. Sau những ngày trong tuổi thơ ấu trong trắng vô tội, Ngài được gởi đi học tại đại học tại Friburg, Thụy Sĩ. Để tự chủ, Marê thực hiện nhiều việc bỏ mình nghiêm ngặt. Khi đã hoàn tất cấp bậc tiến sĩ về triết học, Ngài đã tỏ ra rất mực khôn ngoan đến nỗi người ta gọi Ngài là triết gia Kitô giáo.

Năm 1604, công tước Stotzngen xin Ngài hướng dẫn cho con mình và hai nhà quí phái khác trong một cuộc du hành khắp các vương quốc Âu Châu để học hiểu. Cuộc du hành kéo dài sáu năm. Marê đã khuyên nhủ họ nhiều điều không thể quên được. Ngài thúc giục họ phải biết thắng vượt chính mình: – Sống xa hoa nhẹ dạ, người ta bất xứng với vinh quang thực mà chỉ chinh phục được bằng nỗ lực và bằng việc chà đạp vui thú dưới chân.

Sau cuộc viễn du những nhà quí phái trẻ muốn Ngài đừng bỏ họ. Ngài đã theo học luật. Và sau khi nhận bằng tiến sĩ luật Ngài lập văn phòng luật sư ở Colmar. Ngài quyết thực thi đức ái đến nỗi Ngài được gọi là luật sư của dân nghèo. Nhưng nghề nghiệp đã cứu giúp Ngài khám phá ra được những bất lương của cuộc đời. Quyết định theo đuổi đời sống hoàn hảo, Ngài tới gõ cửa dòng Phanxicô. Năm 1612 Ngài được danh hiệu Fiđêlê.

Vị luật sư trở thành thầy dòng làm cho ma quỉ tức giận. Trước các cơn cám dỗ, thày Fiđêlê bối rối, nhưng thử thách tan biến khi Ngài đến giải bày nỗi lòng với một linh mục giàu kinh nghiệm, Người đã dạy Ngài cầu nguyện nhiều hơn,

Fiđêlê đã khẩn cầu tha thiết. – Lạy Chúa cứu chuộc con, xin trả lại niềm vui cần thiết và bình an tâm hồn. Xin hãy tẩy sạch mọi nghi ngờ để ý Chúa được thực hiện và để con thắng vượt quân thù, thắng con người và những đam mê của con.

Fiđêlê nỗ lực hy sinh hãm mình cho đến khi Thiên Chúa ban lại bình an cùng ánh sáng cho Ngài. Từ đó thánh nhân luôn trung thành quảng đại hiến mình cho Chúa. Ngài nói: – Thật bất hạnh nếu tôi là một chiến sĩ dưới quyền thủ lãnh đầu đội mão gai, mà lại chiến đấu một cách yếu hèn.

Khi được chọn làm bề trên tu viện ở Weltkirvhen, Ngài được ơn làm phép lạ để hoán cải người ta. Gặp thời dịch tể, Ngài hết mình phục vụ các bệnh nhân. Người ta thấy Ngài ở khắp nơi, trong nhà thương, ở tư gia, chạy trên đường phố, săn sóc thân xác linh hồn mọi người và thường chữa lành cho cả hồn lẫn xác.

Lạc giáo tàn phá miền Grisons. Đức giáo hoàng giao cho thánh Fiđêlê trách nhiệm đối phó với nhóm người theo phái Calvin. Thánh nhân giã từ tu viện, để lại bao nhiêu là xúc động, Ngài từ biệt dân Weltkirchen như đi chịu tử đạo.

Nhưng với các bạn đồng hành, Ngài khích lệ: – Nào chúng ta lên đường tới nơi mà Chúa kêu gọi và mùa gặt thúc bách.

Ngài giảng cho dân chúng, dạy người nghèo, thông truyền giáo lý cho trẻ em.

Để cứu một linh hồn, Ngài cũng sẵn sàng đi chân không vượt qua mọi sỏi đá tuyết sương. Những người Thệ phản bực tức vì sự anh dũng của thánh nhân nên họ quyết thủ tiêu Ngài. Thư từ Ngài viết còn ghi: – Thầy Fiđêlê sẽ sớm làm mồi cho sâu bọ.

Một lần kia, sau bài giảng hùng hồn, thánh nhân xin bạn mình ngồi tòa giải tội vì Ngài phải đi Seewis không biết có điều gì sẽ xảy ra, nhiều người lo lắng cầu nguyện cho Ngài.

Một người đã hỏi : – Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?

Thánh Fiđêlê trả lời : – Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.

Ngài thường nói : – Lạy Chúa, con phải chịu khó với Chúa nếu con muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa.

Tại Seewis, Ngài rung chuông tập họp dân chúng lại. Một tiếng súng nổ, nhưng không trúng Ngài. Trên đường về Grisch, Ngài bị một nhóm binh sĩ lạc giáo xông vào đánh đập, Ngài chỉ nói được trong hơi thở yếu ớt: – Tôi hiến mạng sống tôi để các bạn nhận biết đức tin của tổ tiên chúng ta.

Bị đập, Ngài vẫn gắng gượng để thốt lên : – Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con.

Và Ngài đã xin Thiên Chúa tha cho kẻ thù mình và gục ngã dưới lưỡi gươm ngày 24 tháng 04 năm 1622.

https://huyha.net/thanh-fidele-de-sigmaringa-tu-dao-1528-1622-ngay-24-4/

 

http://giaophanvinhlong.net/thanh-fidele-de-sigmaringa-tu-dao-15281622.html

 

 

Thứ Ba 25/4/2023

 

THÁNH MARCÔ THÁNH SỬ

 


St. Marco

 

 

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.


Marcô là ai? Chắc chắn ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Rôma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một "Gioan cũng gọi là Marcô" (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba.

 
Các học giả thường đồng ý rằng : Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:

 
  • Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.
 
Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).
 
Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi ngài ở Rôma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Rôma vì Phêrô có nhắc tới tên người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Rôma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandria. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Rôma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.
 
Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm Giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.
 
Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng : Marcô đã làm Giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 - 117).
 
Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.
 
Người ta có thể cho rằng: Ngài không có khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh : "Lòng họ ra như chai lại" ( Mc 6,51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9,34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn:

 "Ông không biết phải đáp ứng làm sao" (Mc 9,6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.
 
Chẳng hạn đối với ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ "vượt các thiên thần" (3,32) "có quyền tha tội" (2,10). Nhưng rồi ngài không ngần ngại viết rằng: "Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào" (6,5) ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3,21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11,13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.
 
Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX.
 
Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan Tẩy Giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử:

"Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người".


Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý - Theo Vết Chân Người

https://giaophanphucuong.org/phung-vu-chu-thanh/thanh-marco---thanh-su-the-ky-i-1297.html



Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Mác-cô, chúng con dâng lên Chúa của lễ này để ca tụng tạ ơn Chúa. Xin Chúa thương chấp nhận và cho Giáo Hội mãi trung kiên rao giảng Tin Mừng. Chúng con cầu xin...


1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính thánh Marcô vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây Phương, kể từ thế kỷ IX, người ta cũng mừng lễ thánh nhân vào ngày này.

Marcô (tiếng Hy-lạp: Marcos, và la ngữ: Marcus = búa) được gọi là “môn đệ và phát ngôn viên của Phêrô” đồng thời là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, theo như lời lưu truyền rất xưa, từ thời Trưởng lão Gioan (cuối thế kỷ I) được Papias (khoảng 150), giám mục thành Hierapolis (Phrygie) thuật lại. Người xưa thường đồng hóa tác giả sách Tin Mừng Marcô với Gioan Marcô, mà sách Công vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô thường nhắc đến. Họ nói người xuất thân từ Giêrusalem (Cv 12,12), là bạn đồng hành với Phaolô và Banabé (Cv12,25; 13,5,13 ...) sau đó với Phêrô tại “Babylon” (1 Pr 5,13) ngụ ý là Rôma.

Một truyền tụng khác từ thế kỷ III cho rằng thánh Marcô thiết lập giáo đoàn Alexandrie (Ai Cập), nơi đây ngài đã tử vì đạo. Thi hài của ngài ban đầu được tôn kính gần Alexandrie, rồi được các lái buôn thành Venise chuyển về thành phố của họ vào thế kỷ IX. Các thánh tích của ngài hiện được lưu giữ và tôn kính tại đại thánh đường dâng kính ngài (thánh đường thánh Marcô).

Biểu hiện hình ảnh của thánh Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy giả như là tiếng hô trong sa mạc (1,3).

2. Thông điệp và tính thời sự

Phụng Vụ tôn vinh Marcô trước tiên do chính công soạn sách Tin Mừng của ngài. Ngài là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, có lẽ tại Rôma, giữa các năm 40 và 75. Là phát ngôn viên của Tông Đồ Phêrô, ngài thuật lại bằng tiếng Hy Lạp - qua một câu chuyện sống động và cụ thể cuộc đời Đức Giêsu từ lúc chịu thanh tẩy cho đến khi sống lại. Đối với ngài, cuộc Khổ Nạn mang một tầm quan trọng đặc biệt.

a. Lời xướng đáp và lời nguyện đầu lễ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, cũng như Đức Giêsu công bố điều này trong chương cuối sách Tin Mừng của Marcô mà chúng ta đọc một trích đoạn trong Thánh lễ: Đức Giêsu nói với mười một Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ... còn họ (nhóm mười một) thì ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (16,15 ... 20).

b. Lời tung hô Tin Mừng nhắc lại (1 Cr 1, 23 –24): Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Quả vậy trong sách Tin Mừng Marcô, mọi sự đều tập trung vào Giêsu, Đấng Kitô. Là Người thật và rất nhân ái, là Con Người (2,10...) nên Người chạnh lòng thương đám đông (8,2); Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (10,16); Người cảm thấy hãi hùng và xao xuyến (14,33). Nhưng Người cũng dần dần tự tỏ mình ra như Đấng Thánh của Thiên Chúa (9,24) hay Con Thiên Chúa (3,11...) biểu lộ quyền năng Thiên Chúa của mình qua nhiều dấu lạ. Marcô mô tả chừng hai mươi dấu lạ. Các dấu lạ Người làm khiến mọi người hỏi nhau rằng: thế nghĩa là gì ? (1,27) hay: vậy người này là ai ? (4,41). Chính Đức Giêsu cũng hỏi các Tông Đồ: Anh em bảo Thầy là ai ? (8,29). Phêrô trả lời: Thầy là Đức Kitô (= Đấng Mêssias), còn viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhân chứng cuộc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, đã thốt lên: Quả thật, người này là con Thiên Chúa ! (15,39).

c. Lời nguyện đầu lễ kết thúc với lời xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta, nhờ lời giảng dạy của Marcô, được trung thành “bước theo Đức Kitô”.

Phần hai của sách Tin Mừng Marcô (9 –16) chỉ rõ cụ thể cách thế để theo Đức Giêsu. Cũng như con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại (8,31), cũng thế, Đức Giêsu phán: Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo. Nói cách khác, người môn đệ chân chính là người dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Đức Giêsu còn nói: Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (8,35).

http://gpbanmethuot.com/tin-mung-chua-nhat---le-trong/ngay-254-thanh-mac-co---thanh-su-49005.html

.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể nơi bàn thờ Chúa. Xin cho bí tích này thánh hoá chúng con và làm cho chúng con vững tin vào Tin Mừng mà thánh Mác-cô đã rao giảng. Chúng con cầu xin...


 

 

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật III Phục Sinh

(Nếu không bị át đi bởi Lễ Kính Thánh ký Marcô cùng ngày 25/4 trong tháng như năm 2023)

 

Bài Ðọc I: Cv 7, 51-59

"Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: "Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Ðấng Công chính sẽ đến, Ðấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ".

Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: "Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con". Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: "Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này". Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô).

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab

Ðáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Ðáp.

2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. - Ðáp.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 7 và 13

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến cùng các con; Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 30-35

"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian". Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Ðó là lời Chúa.

 




Suy Niệm

Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Ba trong Tuần III Phục Sinh 
về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu nói về chính bản thân mình là Người sẽ trở thành bánh sự sống cho thành phần tái sinh thần linh được một sự sống viên mãn, không còn đói khát thiết tha bất cứ sự gì phàm tục thấp hèn trên trần gian này nữa: 
"'Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian'. Họ liền thưa với Ngài rằng: 'Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi'. Chúa Giêsu nói: 'Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ'".



Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy câu Chúa Giêsu khẳng định "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ", liên quan đến chính bản thân của Người là mạc khải thần linh và đến cả dân Do Thái liên quan đến đức tin tuân phục.

Trước hết, liên quan đến Người là "bánh ban sự sống", một thứ "bánh ban sự sống" chẳng những cần phải là "vật từ trời" chứ không phải từ một nơi nào khác, mà còn phải có khả năng "ban sự sống" nữa, bằng không cho dù có "từ trời" nhưng vẫn không phải là chính "bánh ban sự sống", nhưng chỉ giống như manna nuôi dân Do Thái tạm thời trong thời gian họ băng qua sa mạc tiến về đất hứa vậy thôi, nên khi ăn thứ lương thực cũng rớt xuống từ trời này vào tổ phụ dân Do Thái vẫn chết.

Chúa Giêsu quả thực "là bánh ban sự sống", như hôm qua đã chia sẻ, ở nơi chính bản thân Người là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, Đấng "đã ban cho các ngươi bánh từ trời" nơi lời nói và việc làm của Con Ngài, nhất là nơi cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Chúa Giêsu "là bánh ban sự sống" nơi lời Người nói: "lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63), và nơi việc Người làm: "Tôi sẽ hiến sự sống mình cho những con chiên này" (Gioan 10:15).

Thế nhưng, "Bánh ban sự sống" là Chúa Kitô đây vẫn không thể ban sự sống cho người Do Thái đến với Người bấy giờ như Người nói: "Ai đến với Ta sẽ không hề đói", bởi vì họ đến với Người chỉ vì "của ăn hay hư nát" như Người đã hóa bánh ra nhiều nuôi họ mà thôi, một "dấu lạ" tỏ tường trước mắt họ mà họ vẫn chưa chấp nhận, cứ đòi một dấu lạ khác theo ý của họ.

Bởi thế, cho dù có đến với Người, có tìm Người, có biết được chỗ ở của Người, nhưng họ vẫn khát, vì họ chưa tin vào Người, chưa chịu "làm công việc của Thiên Chúa" như Người khuyên họ trong bài Phúc Âm hôm qua. Do đó Người mới tiếp tục "làm việc của Thiên Chúa" đó là tỏ mình ra cho họ như "bánh sự sống" để họ từ từ nhận biết Người, tin vào Người như chúng ta sẽ thấy trong bài phúc âm ngày mai.

Bài Đọc I (Tông Vụ 7:51-59):
Điển hình của thành phần được tái sinh thần linh này là một Phó Tế Staphanô trong bài đọc 1 hôm nay, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, một tạo vật mới tràn đầy Thánh Thần, tràn đầy sự sống viên mãn của Chúa Kitô, đến độ ngài đã sống chính Chúa Kitô nên mới có thể tỏ ra một thái độ giống hệt như Chúa Kitô trên thập tự giá đối với thành phần ra tay sát hại mình:  

"Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: 'Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa'. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con'. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: 'Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này'. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa".

Đúng thế, như Chúa Giêsu trước khi chết chẳng những xin Cha là Đấng đã sai Người tha cho thành phần làm khốn Người, lên án Người, hành hạ Người và đóng đinh Người mà còn phó linh hồn trong tay Cha của Người thế nào (xem Luca 23:3
4 & 46), thì thày Phó tế Stêphanô cũng làm như vậy, cũng chỉ hoàn toàn tin tưởng cậy trông vào Chúa Giêsu là Đấng ngài làm chứng như vậy, Đấng "từ bi" có "long nhan dịu hiền" mà chính bản thân ngài đã cảm thấy "hân hoan mừng rỡ", một "long nhan" đã "cứu sống" ngài khỏi những phản ứng tự nhiên hận thù oán ghét, bằng cách "che chở" ngài khi ngài bị "người ta âm mưu làm hại", đúng như những gì Thánh Vịnh 30 trong Bài Đáp Ca hôm nay như nói về ngài cho thấy:

1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con.

2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa.

3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại.


Thứ Tư sau Chúa Nhật III Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 8, 1-8

"Ðến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.

Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. -Ðáp.

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! - Ðáp.

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 35-40

"Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

Ðó là lời Chúa.





Suy Niệm


Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Tư trong Tuần III Phục Sinh 
về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu khẳng định về ý muốn của Chúa Cha đối với những ai được tái sinh thần linh, tức những ai tin vào Chúa Kitô:  
"Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

Vậy "ý của Cha" được Chúa Kitô tiết lộ đây bao gồm hai chiều kích, chiều kích mạc khải thần linh và chiều kích đức tin tuân phục. Chiều kích mạc khải thần linh liên quan đến Chúa Kitô: "ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại". Chiều kích đức tin tuân phục liên quan đến phần rỗi của nhân loại: "ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

Tóm lại, Chúa Cha muốn ban sự sống cho nhân loại, nhưng Ngài ban qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, nên chỉ có những ai tin Con Ngài mới có sự sống đó mà thôi: "Thiên Chúa đã ban sự sống đời đời cho chúng ta và sự sống này ở nơi Con của Ngài. Ai có Con (tức là tin Con) là có sự sống, ai không có Con (tức là không tin Con, không chấp nhận Con) thì không có sự sống" (1Gioan 5:11-12). 

Đó là lý do ngay ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ". Tuy nhiên, vì Chúa Kitô tự mình là một mầu nhiệm (xem Epheso 3:4), bởi thế con người không thể nào có thể nhận biết Người, cho dù Người có tự tỏ mình ra cho họ chăng nữa.

Bởi thế, cũng Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: "Các ngươi đã thấy Ta, (hay đã đến với Ta) nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài". Nghĩa là, cho dù người Do Thái có "đến" với Chúa Giêsu, "thấy" Người, vẫn chưa "tin" Người, vẫn không nhận biết và chấp nhận Người.

Vì chỉ có "những ai Cha Ta đã ban cho Ta (mới có thể) đến với Ta", cho dù họ không phải là người Do Thái là dân tộc đã được tuyển chọn và được Thiên Chúa tỏ mình ra cho trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, hay cho dù là một một tội nhân như viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn (xem Luca 19:1-10), hay như người trộm bị đóng đanh ở bên phải Thánh Giá Chúa Kitô (xem Luca 23:39-43), hoặc như người phụ nữ tội lỗi có tiếng trong thành (xem Luca 7:36-49).

Bài Đọc I 
(Tông Vụ 8:1-8)
Điển hình trong thành phần được tái sinh thần linh này là trường hợp của một Phó Tế Philipphê trong bài đọc 1 hôm nay, một phó tế cũng tràn đầy sự sống nơi lời rao giảng đầy thuyết phục về một Đức Kitô Thiên Sai mà ngài đã tin tưởng, và lời rao giảng của ngài còn được kèm theo quyền năng làm phép lạ ở một thành thuộc Xứ Samaria, khiến cho thành này như được biến đổi: 
"Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả".

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy những gì quan phòng thần linh của Thiên Chúa thật tuyệt vời, vượt trên tất cả mọi dự tính hoàn toàn tự do của con người, ở chỗ, ngay khi quyền lực sự dữ bắt đầu công khai dữ dội tấn công cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi ở Giêrusalem thì lại chính là thời điểm Giáo Hội được dịp lan rộng ra khỏi Giêrusalem, đầu tiên là sang Samaria, cho tới tận cùng trái đất, đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ trước khi Người về trời (xem Tông Vụ 1:8). Và đó là những gì đã được Thánh Vịnh 65 ở Bài Đáp Ca hôm nay cảm nhận và tuyên xưng: "kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa" (câu 1), Đấng "thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!" (câu 2), Đấng "quyền năng thống trị muôn đời" (câu 3):

1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời.

 



Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40

"Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: "Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết lòng thì được". Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 65, 8-9. 16-17. 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Ðáp.

2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài. - Ðáp.

3) Chúc tụng Chúa là Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Ðáp.

 

 

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 44-51

"Ta là bánh từ trời xuống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo". Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

Ðó là lời Chúa.




Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Năm trong Tuần III Phục Sinh 
về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu khẳng định về bản thân Người là bánh ban sự sống, đặc biệt cho những ai tin vào Người, tức cho những ai được tái sinh thần linh bởi Người:
"Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy:

1- Manna tuy từ trời xuống nhưng không phải là thứ bánh ban sự sống thiêng liêng, sự sống đời đời như Bánh Sự Sống là chính Chúa Kitô từ trời xuống, vì manna chỉ nuôi phần xác nên ai ăn vẫn chết như thường, còn ai ăn Chúa Kitô là Bánh Sự Sống  "thì khỏi chết" mà còn "sẽ sống đời đời";

2- "Ăn" Bánh Sự Sống là Chúa Kitô đây tức là "nhận biết", "chấp nhận" Chúa Kitô, là "tin vào" Chúa Kitô, vì nhờ đó họ mới "có sự sống đời đời": Vậy "ai ăn bánh này sẽ sống đời đời" cũng chính là "ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời";

3- Tuy nhiên, nếu "những ai Cha Ta đã ban cho ta thì đến với Ta" như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm qua, thì trong bài Phúc Âm hôm nay Người tái khẳng định một cách rõ ràng hơn nữa là: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy" - Đúng thế, Bánh Sự Sống là những gì vô cùng cao quí, không phải ai muốn ăn cũng được, dù Chúa Kitô đã tỏ mình ra, và ai cũng xứng đáng, khi chưa nhận biết Người như Người tỏ mình ra, trái lại, cần phải được tuyển chọn, cần phải được mời gọi đặc biệt đến Bàn Tiệc Thánh Nước Trời, cần phải được ban cho Thánh Thần, Đấng ban sự sống là chính Chúa Giêsu Kitô, Bánh Bởi Trời mà xuống và là Bánh ban sự sống cho thế gian;

4- Cũng trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn mạc khải thêm về bản thân là Bánh Sự Sống của mình nữa, ở chỗ, Người xác định Bánh Sự Sống ấy không phải chỉ là chính bản thân Người "Ta là" mà còn là "thịt" của Người nữa: "Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta cho thế gian được sống" - ở đây Người dường như ám chỉ tới cuộc khổ nạn và tử giá của Người: "Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con" (Luca 22:19).


Bài Đọc I 
(Tông Vụ 8:26-40)

Điển hình của thành phần được tái sinh thần linh đó là viên quan ở Ethiopia trong Bài Đọc 1 hôm nay, một nhân vật tự mình không thể nào hiểu được Thánh Kinh ông đang tìm đọc, cho đến khi "được Cha lôi kéo", bởi Vị Thần linh thúc đẩy Phó tế Philipphê, nhờ đó ông mới có thể được tái sinh thần linh bởi Phó Tế Philipphê, nhờ vị phó tế này dẫn giải Thánh Kinh về Đức Kitô Thiên Sai được vị phó tế tin tưởng và rao giảng, để Chúa Kitô trở thành sự sống cho những ai tin vào Người nhờ chứng ngôn và chứng từ của những ai sống sự sống Người ban như Phó Tế Philiphê:  

"Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: 'Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?' Philipphê nói: 'Nếu ông tin hết lòng thì được'. Nhà quan đáp lại: 'Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa'. Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình".

Thánh Vịnh 65 trong Bài Đáp Ca hôm nay đã kêu gọi những con người dân ngoại tin tưởng tìm kiếm mạc khải thần linh như viên thái giám Ethiopia, một khi đã nhận biết Chúa thì "hãy chúc tụng Chúa", vì Ngài "là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té", Đấng "đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao", "Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi". Nguyên văn Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té.

2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài.

3) Chúc tụng Chúa là Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.



Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 9, 1-20

"Người này là lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ, ông trói đem về Giêrusalem. Ðang khi đi đường lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.

Bấy giờ ở Ðamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: "Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán: "Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện". (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa". Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta". Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần". Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 53-60

"Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".

Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.

Ðó là lời Chúa.



Suy Niệm

Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Sáu trong Tuần III Phục Sinh 
về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến lời Chúa Giêsu khẳng định về máu thịt ban sự sống của Người, vì máu thịt của Người đã Vượt Qua, đã tử giá để tiêu diệt tội lỗi cùng sự chết và phục sinh để thông ban Thánh Linh và sự sống, đặc biệt cho những ai "ăn thịt" "uống máu" của Người, nghĩa là cho những ai tin vào Người là Đấng Tử Giá và Phục Sinh, tức cho những ai nhờ Người mà được tái sinh thần linh
"Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta".

"Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết": Đúng thế, nếu "ngày sau hết" đây chẳng những ám chỉ ngày cùng tháng tận, ngày Con Người lại đến trong vinh quang, "để phán xét kẻ sống và kẻ chết" (Kinh Tin KÍnh), mà còn là chính thời điểm của Chúa Kitô, "thời sau hết" (Do Thái 1:2), thời Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn lời hứa cứu chuộc của Ngài sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), nơi "miêu duệ của người nữ" là Con của Ngài, nhờ đó, những ai tin vào Người, ám chỉ "những ai chấp nhận Người" (Gioan 1:12), hay những "ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời", nghĩa là Người Con này "sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết", ở chỗ, ban cho họ ơn cứu chuộc, hay làm cho họ được "phục sinh = sống lại" sau lần chết thứ nhất chung với toàn thể nhân loại bởi nguyên tội.

"Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống": Ơn cứu độ không thể nào xẩy ra, và bởi thế cũng chẳng bao giờ có Bí Tích Thánh Thể, một Bí Tích hiện thực Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô ngay trên bàn thờ mỗi lần Giáo Hội Cử Hành Thánh Thể - Eucharistic Celebration (Thánh Lễ), nếu Chúa Kitô không chịu khổ nạn và tử giá, bằng chính nhân tính được Người là Lời, là Ngôi Vị Thần Linh mặc lấy khi "hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) trong cung lòng trinh nguyên của người nữ "đầy ơn phúc" (Luca 1:28), nhưng đặc biệt cuộc khổ nạn và tử giá của Người lại xẩy ra cho riêng thân xác của Người, một thân xác đã trở thành phương tiện cứu độ, dấu hiệu cứu độ và bí tích cứu độ của Người, nhờ đó Người có thể thông ban sự sống thần linh cho chung thế gian, qua Giáo Hội chứng nhân thừa tác của Người. Do đó, Người mới khẳng định với dân Do Thái, (hơn là với Giáo Hội nói chung và Kitô hữu nói riêng chưa có bấy giờ), "thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".

"Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy": Nếu "ai ăn thịt Ta và uống máu Ta" nghĩa là họ tin vào Người, bằng cách chấp nhận ơn cứu độ của Người, nhờ đó họ được hưởng sự sống thần linh của Người, khiến họ và Người được "nên một" như cành nho dính lìền với thân nho (xem Gioan 15:1-4), đến độ "như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta" (Gioan 17:21). Và đó là lý do Chúa Giêsu đã móc nối ngay câu này với câu sau về mối liên hệ giữa Người và Cha Người với ai tin vào Người như thế này: "Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta".

Bài Đọc (Tông Vụ 9:1-20)
Điển hình của thành phần được tái sinh thần linh là trường hợp của một nhân vật biệt phái hết sức nhiệt tình với Do Thái giáo trong bài đọc 1 hôm nay, một nhân vật đã bị chính Đấng chàng rượt bắt qua các Kitô hữu chi thể của Người quật ngã, nhưng cũng chính Đấng ấy đã thông ban sự sống thần linh cho, nhờ được tái sinh bởi một người môn đệ tên là Anania ở Damasco, và ngay sau khi được chữa lành cái mù lòa về cả thể xác lẫn tâm linh của mình, nhân vật tên Saolê ấy liền công khai rao giảng về Đấng vừa mới bị chàng bách hại trước đó: 
"Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: 'Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần'. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng: Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa".

Chính vì chàng Saulê cảm nhận được chân lý và ân sủng của Chúa Kitô khi Người quật ngã chàng, và sau khi bị quật ngã, dù mắt chàng vẫn mở mà chẳng nhìn thấy gì, cho đến khi được chữa lành và nhờ đức tin đã thấy được tất cả sự thật về Đấng chàng vừa bách hại nơi Kitô hữu là môn đệ của Người, nhờ đó chàng cũng thấy được tình trạng lầm lạc của mình, thấy được Do Thái giáo là để đưa đến Kitô giáo và chỉ hoàn trọn nơi Kitô giáo, chứ không phải để hủy diệt, một tôn giáo mới, một đường lối cứu độ mới đích thực được hoàn trọn bởi LTXC, một LTXC mà chàng cảm thấy mình như là tội nhân vô cùng bất xứng đầu tiên được hoan hưởng (xem 1 Timôthêu 1:15), và do đó, chàng đã trở thành một Tông Đồ Phaolô hăng say rao giảng về ân sủng cứu độ của LTXC và bởi LTXC mà con người cần nhận biết, tin tưởng để được cứu độ.

Đúng thế, chàng Saulê đã được LTXC tỏ ra cho riêng bản thân chàng để sau đó chiếm đoạt chàng và sai chàng "đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian" (Marcô 16:15), như lệnh truyền của Chúa Kitô trong câu đáp của Bài Đáp Ca hôm nay, một "Tin Mừng" về LTXC đối với "toàn thể chư dân" trên thế giới, chứ không phải chỉ với dân Do Thái mà thôi, một LTXC "dành cho chúng tôi thật là mãnh liệt", ở chỗ, "lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời", đúng như chàng sau này đã xác tín và tuyên bố với người môn đệ Timôthêu của chàng: "dù chúng ta bất trung những Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài" (2 Timôthêu 2:13). Nguyên văn những câu trong Bài Đáp Ca hôm nay, được trích từ Thánh Vịnh 116:1-2 thật là thích hợp với vị tông đồ dân ngoại Phaolô là chàng Saolê trong Bài Đọc I hôm nay vậy:

1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người.

2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời.



28/4 - Thứ Sáu

Thánh Phêrô Chanel

Thánh Louis Montfort

Thánh Phêrô Chanel

Thánh Phê-rô Sa-nen sinh năm 1803 tại Cu-ết. Ngài được một linh mục thương dạy dỗ và cho vào chủng viện. Năm 1827, ngài thụ phong linh mục và đi giúp họ đạo Am-be. Nhưng thánh nhân mong ước đi truyền giáo cho dân ngoại, nhất là những dân tộc thiểu số còn kém văn minh vật chất, nên xin vào dòng Đức Maria là dòng thừa sai giảng đạo.

Và thánh nhân đã được toại nguyện. Năm 1837, ngài được bề trên sai đến đảo Fu-tu-na, mọt đảo nhỏ ít dân, còn sống hoang dã dữ tợn. Lúc đầu, ngài được dân địa phương và chủ đảo tiếp đón nồng hậu. Nhưng dần dần họ lại chống đối ngài. Nhất là khi vua đảo này nghe tin con trai ông ta theo đạo, thì ra lệnh hành hình và đánh đập ngài đến chết, vào ngày 28 tháng 4 năm 1841.

Chúng ta hãy xem gương của ngài: ” Ngay sau khi Phê-rô Sa-nen khấn dòng trong hội Đức Bà Maria, ngài được sai đi giảng đạo ở Úc châu theo như lời ngài đã xin. Ngài đã tới đảo Fu-tu-na trong Thái-bình-dương, nơi dan Đức Kitô chưa hề được rao giảng. Thầy trợ sĩ luôn lôn đi với ngài, thuật lại cuộc đời truyền giáo của ngài như sau: Trong khi đi làm việc, ngài thường bị cháy nắng và thường bị đói. Về đến nhà thì mồ hôi ra như tắm và mệt đừ. Nhưng lúc nào ngài cũng can đảm, sống động và vui vẻ, dường như ở chốn cực lạc về. Và như thế không phải chỉ một lần mà hầu như hằng ngày.

Ngài không bao giờ từ chối gí với dân Fu-tu-na; ngay cả với những kẻ bách hại làm khổ ngài. Bao giờ, ngài cũng bàu chữa cho họ. Và cho dù họ có cứng cỏi cộc cằn, ngài cũng vẫn không xua đuổi họ. Ngài hiền lành vô địch đối với mọi người; và bằng mọi cách, chẳng trừ một ai. Thế nên, chẳng có chi lạ khi người dân ở đó gọi ngài là” con người tốt bụng”. Có lần ngài nói với anh em đồng nghiệp rằng:” Ở nơi truyền giáo khó thì chúng ta phải là thánh nhân !”

Dần dà, ngài đã rao giảng Đúc Kitô và Tin Mừng. Nhưng thu lượm được ít kết quả. Với lòng kiên trì bất khuất, ngài cứ tiếp tục công cuộc truyền giáo, vừa có tính cách nhân đạo, vừa có tính cách đạo đức, tựa vào gương và lời Đức Kitô đã phán: Người gieo thì khác, mà người gặt thì khác. Trong khi đó, ngài vẫn chuyên cần tha thiết nài giúp, nài xin sự trợ giúp của Thánh Mẫu Thiên Chúa mà ngài có lòng sùng kính rất đặc biệt.

Công việc giảng đạo của ngài đã hủy bỏ được công việc thờ cúng các thần mà các tù trưởng ở Fu-tu-na đã cổ võ để giữ dân chúng dưới sự kềm kẹp của họ. Thế nên, họ giết ngài một cách dã man. Hy vọng rằng ngài chết đi thì mầm sống kitô giáo ngài gieo vãi cũng sẽ mai một luôn. Nhưng hôm trước ngày tử đạo, ngài đã nói:

Tôi có chết cũng chẳng sao. Kitô giáo đã ăn rễ sâu ở đảo này rồi. Nên tôi có chết, đạo cũng không mất được.

Máu của thánh tử đạo trước hết đã sinh ích cho dân ở Fu-tu-na. Vì chỉ ít năm sau, tất cả đã tn Chúa Kitô hết. Hơn nữa, còn có ích cho các đảo khác ở Úc châu. Nơi mà ngày nay đã mọc lên nhiều hội thánh phồn vinh, mà tất cả đều xưng thánh Phêrô là vị tử đạo tiên khởi của mình.” 1

Quyết tâm: Noi gương thánh Phêrô Sa-nen, hằng ngày tôi lo đem Chúa đến cho mọi người chưa biết Chúa, nhất là cho những người nghèo khó, dốt nát nơi xa xôi hẻo lánh.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phê-rô Sa-nen được vinh phúc tử đạo để mở mang nước Chúa.Xin cho chúng con biết tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại, hầu trở nên nhân chứng của đời sống mới.

Bất cứ ai từng làm việc trong cô độc, và cần phải thích ứng tối đa và rất ít cơ hội thành công, đều tìm thấy một tinh thần tương tự nơi Thánh Phêrô Chanel.
Thánh Phêrô Chanel sinh ở Clet trong giáo phận Belley, nước Pháp. Khi là học sinh tiểu học, ngài đã được thầy giáo chú ý vì sự thông minh và đạo đức. Khi gia nhập đại chủng viện, ngài được sự thương mến và quý trọng của các giáo sư cũng như đồng bạn. Khi là linh mục trẻ, ngài làm hồi sinh một giáo xứ trong khu “tồi tệ” của thành phố chỉ sau ba năm hoạt động.
Tuy nhiên ngài vẫn muốn trở thành nhà truyền giáo, do đó lúc 28 tuổi ngài gia nhập Dòng Ðức Mẹ, là tu hội chú trọng đến công việc truyền giáo ở trong và ngoài nước. Nhưng, trái với điều mong ước, ngài lại được chỉ định công việc dạy học ở đại chủng viện Belley trong vòng năm năm kế đó, và ngài thi hành nhiệm vụ ấy với tất cả nhiệt thành.
Vào năm 1836, nhà dòng được giao cho vùng New Hebrides ở Thái Bình Dương để truyền giáo, và Cha Phêrô thật vui sướng được bổ nhiệm là bề trên của nhóm truyền giáo, tuy nhỏ nhưng hăng say rao giảng Ðức Tin cho dân cư trên đảo.

Sau mười tháng lênh đênh trên biển, họ đã cập bến và tách ra làm hai nhóm, và nhóm của Cha Phêrô thì đến Ðảo Futuna với hai người phụ tá, gồm một thầy dòng và một giáo dân người Anh. Khi ấy dân cư trên đảo còn trong tình trạng bán khai mà lệnh cấm ăn thịt người chỉ vừa mới được ban hành. Lúc đầu các vị truyền giáo được người bản xứ và tù trưởng Niuliki tiếp đón niềm nở.
Tuy nhiên, khi các ngài càng ngày càng sành sõi tiếng địa phương và càng được dân chúng tin tưởng thì ông tù trưởng cảm thấy ghen tức và lo sợ; ông thấy rằng việc chấp nhận đức tin Công Giáo sẽ đưa đến sự bãi bỏ một số đặc quyền mà ông đang được hưởng, với tư cách của một thượng tế và vừa là người cầm quyền. Sau cùng, khi chính con trai ông bày tỏ lòng ước ao muốn được rửa tội, sự căm thù của ông bùng nổ và ông sai các chiến sĩ của ông đi bắt vị trưởng nhóm truyền giáo. Do đó, ngày 28 tháng Tư 1841, Cha Phêrô bị bắt và bị đánh đập cho đến chết bởi những người mà ngài muốn cứu vớt linh hồn họ.
Chỉ trong vòng hai năm sau cái chết của ngài, mọi người trên đảo đều theo đạo Công Giáo và vẫn trung thành với đức tin ấy cho đến ngày nay. Cha Phêrô Chanel là vị tử đạo đầu tiên ở Ðại Dương Châu và là quan thầy của châu này.

Lời Bàn

Chịu đau khổ vì Ðức Kitô có nghĩa đau khổ vì muốn trở nên giống như Ðức Kitô. Thường thường chúng ta bị chống đối là vì hậu quả của sự ích kỷ và thiếu khôn ngoan. Chúng ta không phải là người tử đạo khi bị “bạc đãi” bởi những người đã đối xử với chúng ta y như chúng ta đối xử với họ. Một vị tử đạo Kitô Giáo là người, giống như Ðức Kitô, chỉ đơn giản làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, và sống thật với chính mình.

Lời Trích

“Không ai là vị tử đạo chỉ vì một quyết định, không ai là vị tử đạo vì một ý kiến; chính đức tin tạo nên vị tử đạo” (Ðức Hồng Y Newman, Bài Diễn Văn cho Các Giáo Ðoàn Hỗn Hợp)

Thánh Louis Montfort

28/4

Have You Given Yourself to Mary? - Our Lady's Blue Army

Thánh Long Mộng Phố - Louis Montfort

(xin bấm vào hàng chữ trên đây để đọc về vị thánh cùng ngày 28/4 này)


Thứ Bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42

"Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: "Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi". Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: "Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi". Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: "Tabitha, hãy chỗi dậy". Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17

Ðáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? (c. 12)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. - Ðáp.

3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 6, 61-70

"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".

Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.



Suy Niệm

 

Chủ đề "Thày là sự sống" của ngày Thứ Bảy trong Tuần III Phục Sinh về khía cạnh "Sự Sống - Tái Sinh Thần Linh" được tỏ hiện trong bài Phúc Âm liên quan đến thái độ kiên trì của các tông đồ, một thái độ tin tưởng cho dù có trái tai bất khả chấp nhận theo bản tính tự nhiên, một thái độ được bày tỏ qua lời tuyên xưng của Tông Đồ Phêrô đại diện cho Nhóm 12 về niềm tin của mình về Đức Kitô, Thày của các vị: 

 

"Thầy đã bảo anh em: 'không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho'. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: 'Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?' Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: 'Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa'". 

 

Bài Phúc Âm cuối cùng cho ngày Thứ Bảy cuối tuần III Phục Sinh hôm nay, một bài thuộc đoạn 6 trong loạt bài Phúc Âm của đoạn/chương dài tới 71 câu này của Thánh Gioan, được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho Mùa Phục Sinh từ Thứ Sáu tuần II Phục Sinh tới cuối Tuần III Phục Sinh này, chẳng những, bề ngoài cho thấy tính cách phản tác dụng nơi mạc khải về Bánh Sự Sống của Chúa Kitô, mà còn cho thấy hoàn toàn chính xác 2 lần Chúa Kitô khẳng định, trong cùng đoạn Phúc Âm về Bánh Sự Sống này, về những ai đến với Người phải được ứng nghiệm, nghĩa là phải được "Cha Tôi lôi kéo" (Gioan 6:44) hay được "Chúa Cha ban phép" (Gioan 6:65).

 

Thật thế, nếu đối với "ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), mà thành phần chấp nhận được đây, tức thành phần được ban cho "quyền làm con Thiên Chúa" như Người, phải là thành phần "được tái sinh bởi trời" (Gioan 3:3), nghĩa là "không bởi huyết nhục, hay nhục dục hoặc bởi ý muốn nam nhân", mà là "bởi Thiên Chúa", thì quả thật: "Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi không lôi kéo họ" (Gioan 6:44), và "không ai đến được với Thày nếu không được Chúa Cha ban phép" (Gioan 6:65) vậy.

 

Chân lý này thật là dễ hiểu. Ở chỗ, tất cả mạc khải thần linh, bao gồm cả những gì thuộc về hạ giới, liên quan đến con người, đến phần rỗi, lẫn những gì thuộc về thượng giới, liên quan đến Thiên Chúa, đến Nước Trời (xem Gioan 3:12), được Thiên Chúa tỏ ra cho riêng dân Do Thái của Ngài trong suốt dòng lịch sử cứu độ của họ, một mạc khải thần linh đã lên tới tột đỉnh ở nơi Lời Nhập Thể, Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng Vượt Qua, Đấng là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa.

 

Thực tế cho thấy, cho dù mạc khải thần linh này đã được hoàn toàn tỏ hiện, diễn tả và giãi bày một cách sống động, qua những lời nói, hành động, phản ứng và gương sống của Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét, đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), con người vẫn không thể tự mình nắm bắt và thấu triệt. Điển hình nhất là thành phần tông đồ đoàn, được tuyển chọn đặc biệt, được đích thân nhìn thấy, nghe thấy, chạm thấy "sự sống đã trở nên hữu hình" (1Gioan 1:1-2) là Chúa Giêsu Kitô, ấy thế mà, một số đã bỏ đi như được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, hay sau này, thậm chí còn phản nộp Thày, như Giuđa Íchca (xem Mathêu 26:14-16), hay chối bỏ Thày, như vị trưởng tông đồ đoàn Simon Phêrô (xem Mathêu 26:69-74).

 

Thế nhưng, tại sao chưa nắm bắt được tất cả mạc khải thần linh vô cùng kỳ diệu vượt trên tâm trí hạn hẹp của mình là loài thụ tạo mà các tông đồ, cả 12 vị, bất chấp một số môn đệ khác, không có tên trong danh sách tông đồ đoàn, bỏ đi, mà các vị vẫn tiếp tục theo một Đấng nói "chói tai ai mà nghe cho nổi", như đầu bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận? Nếu không phải vì các vị tin vào (hơn là hiểu) Người: "Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa'".

 

Đúng thế, đối với mạc khải thần linh thì cần phải có ơn Chúa nữa mới hiểu được. Nếu chúng ta đọc Thánh Kinh mà chẳng hiểu thì đó là lẽ bình thường, bởi trí khôn của chúng ta không thể hiểu được, lại càng chứng thực "Đó là lời Chúa", chứ không phải là lời tầm thường, nói đến đâu hiểu ngay đến đấy, như học abc mẫu giáo vậy, ngang tầm với trí khôn thụ tạo hạn hẹp của loại người chúng ta. Thế nhưng chỉ vì không hiểu mà không đọc nữa chúng ta sẽ vĩnh viễn chẳng hiểu chi, bởi chính "Lời Thày là thần linh và là sự sống", như chính Chúa Kitô khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, mới làm cho chúng ta hiểu. Đó là lý do Thánh Anselmo mới chủ trương "credo ut intelligam - tin trước hiểu sau" ("Anselmus Cantuariensis - Proslogion, 1"), hợp với Thánh Âu-Quốc-Tinh: "Hiểu biết là phần thưởng của đức tin. Vì thế, đừng tìm hiểu để các bạn có thể tin, mà là hãy tin thì các bạn sẽ hiểu biết" (Augustine of Hippo).

 


Bài Đọc 
(Tông Vụ 9:31-42)


Đúng thế, thành phần môn đệ bỏ đi trong Bài Phúc Âm hôm nay là thành phần muốn hiểu rồi mới tin, và vì những gì cần phải tin bao giờ cũng vượt lên trên phạm vị tự nhiên và thậm chí còn ngược lại với những gì phản luân lý và nhân bản nên họ không thể lấy trí khôn của họ để chấp nhận những mạc khải thần linh được Chúa Kitô tỏ ra cho chung dân chúng cũng như cho riêng họ là thành phần môn đệ của Người.

Trong khi đó, chẳng những các tông đồ không ai bỏ đi mà cả dân chúng đông đảo bấy giờ cũng không thấy Thánh ký Gioan thuật lại là cũng bỏ đi như một số môn đệ ấy. Họ và các tông đồ đều tin, dù không hiểu, là vì uy tín và thế giá chân thật của Chúa Giêsu, hơn là chính những lời Chúa nói với họ bấy giờ. Họ tin rằng một khi Người đã nói thì không bao giờ sai lầm, dù họ không hiểu, do đó vị tông đồ Phêrô đã đại diện chung tông đồ đoàn đã tuyên xưng lòng tin tưởng của các vị vào bản thân khả tín vô ngộ của Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa". Chính vì họ tin vào Đấng mạc khải mà họ vẫn trung thành theo Đấng ấy cho tới cùng.

Thật vậy, nếu "không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi không lôi kéo họ" (Gioan 6:44), và "không ai đến được với Thày nếu không được Chúa Cha ban phép" (Gioan 6:65), thì chính vì "Giáo Hội được bình an ở khắp Giuđêa, Galilêa và Samaria, và được gia tăng với lòng kính sợ Chúa, cùng được tràn đầy ơn an ủi của Thánh Thần" mà họ đã được chứng kiến thấy quyền lực của "những lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống", như Chúa Giêsu khẳng định với các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm nay, qua 2 phép lạ được Tông đồ Phêrô trong Bài Đọc 1 hôm nay
thực hiện ở 2 n
ơi khác nhau, một chữa lành và một hồi sinh, khiến cho nhiều người được tái sinh thần linh trong Chúa Kitô ở chỗ họ tỏ ra tin tưởng vào Người
"'Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy'. Lập tức anh đứng dậy. Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa... 'Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy!' Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa".

Sở dĩ các tông đồ có thể chữa lành và hồi sinh như thế là nhờ quyền lực phục sinh của Chúa Kitô, Đấng các vị tin tưởng, vì các vị đã chết đi theo bản tính tự nhiên "như những bậc thánh nhân", nhờ Đấng "đã bẻ gẫy xiềng xích" nơi các vị là những đòi hỏi theo khuynh hướng tự nhiên luôn hướng chiều về đường rộng dẫn tới diệt vong (xem Mathêu 7:13), nhờ đó các vị đã có thể và xứng đáng mang lại phần rỗi cho những tâm hồn ngay lành, như thể các vị đã "lãnh chén cứu độ, và kêu cầu danh Chúa" , một "chén cứu độ" các vị là thành phần đầu tiên đã được thừa hưởng và một "danh Chúa" đã chữa lành cho các vị trước hết, "để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho" các vị là một đức tin chất chứa quyền lực cứu độ, quyền lực chữa lành và hồi sinh như 2 trường hợp điển hình được Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại. Đó là tâm tưởng của các vị như được Thánh Vịnh 115 trong Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả như sau:

1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.


Ngày 29 tháng 4

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Heilige Rita von Cassia Art Print at Art.com | St. rita, Santa rita, St  rita of cascia

Ca-ta-ri-na sinh năm 1347 tại Xi-ê-na. Ngay từ thuở niên thiếu, chị đã khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, say mê chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, và hết mình phục vụ Hội Thánh bấy giờ đang bị xâu xé. Vì thế, chị đã gia nhập Dòng Ba Đa-minh. Thấm nhuần tinh thần của thánh tổ phụ, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hoà giữa các thành của nước Ý, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Giáo Hội, và góp phần canh tân đời sống đạo đức. Chị đã viết nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Chị qua đời năm 1380. Đến năm 1939, đức giáo hoàng Pi-ô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Ý, rồi năm 1970, đức giáo hoàng Phao-lô VI ghi tên chị vào số các tiến sĩ Hội Thánh.

Con đã nếm thử và đã nhìn thấy

Bài đọc 2

Trích sách Đối thoại của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, về Thiên Chúa quan phòng.

Ôi Thiên Chúa vĩnh hằng, ôi Ba Ngôi vĩnh cửu ! Ngài đã dùng sự kết hợp với bản tính Thiên Chúa mà làm cho máu Con Một Ngài có giá trị biết bao ! Lạy Ba Ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy ; càng thấy con càng tìm. Ngài làm cho linh hồn được no thoả nhưng dường như lại không no thoả. Bởi lẽ trong vực thẳm của Chúa, Chúa làm cho linh hồn được no thoả mà vẫn còn luôn đói khát Chúa, vì linh hồn vẫn hết sức ước mong khao khát được thấy Chúa là ánh sáng trong ánh sáng của Chúa, ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu !

Nhờ ánh sáng trí khôn và trong ánh sáng của Chúa, lạy Chúa Ba Ngôi, con đã nếm thử và đã nhìn thấy vực thẳm của Ngài cũng như vẻ đẹp của thụ tạo do Ngài dựng nên. Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài. Lạy Cha vĩnh cửu, điều này có nghĩa là Cha ban cho con được tham dự vào quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài, sự khôn ngoan của riêng Con Một Ngài. Còn Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Ngài là Cha và từ Con của Ngài, lại ban cho con ý muốn, và nhờ đó làm cho con có thể yêu mến.

Vì chính Ngài, lạy Ba Ngôi vĩnh cửu, Ngài là Đấng Sáng Tạo, còn con là thụ tạo : do đó, nhờ Ngài soi sáng, con cũng biết được rằng khi tái tạo con nhờ máu của Con Một Ngài, thì Ngài đã say mê vẻ đẹp nơi thụ tạo do Ngài dựng nên.

Ôi vực thẳm, ôi Ba Ngôi vĩnh cửu, ôi Thiên Chúa, ôi đại dương sâu thẳm, Chúa còn có thể ban cho con ơn gì lớn lao hơn chính Ngài nữa chăng ? Chúa là lửa luôn rực cháy mà không thiêu rụi. Chúa dùng sức nóng của Chúa mà thiêu huỷ mọi tình yêu vị kỷ của linh hồn. Chúa là lửa đánh tan mọi băng giá, và Chúa dùng ánh sáng của Chúa mà soi sáng trí lòng. Đó là ánh sáng Chúa đã dùng để làm cho con nhận biết chân lý của Chúa.

Khi soi mình trong ánh sáng ấy như trong một tấm gương, con nhận biết rằng : Chúa là sự thiện tuyệt đối, sự thiện vượt trên mọi sự thiện, sự thiện đem lại hạnh phúc, sự thiện không thể hiểu thấu được ; Chúa là vẻ đẹp vượt trên mọi vẻ đẹp ; Chúa là sự khôn ngoan vượt trên mọi khôn ngoan. Bởi vì Chúa là chính sự khôn ngoan ; Chúa là lương thực nuôi các thiên thần, nhưng vì lòng yêu thương nung nấu, Chúa đã tặng ban chính mình cho nhân loại.

Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi ; Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu !

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Ki-tô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhậm lời thánh nữ chuyển cầu mà cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Đức Ki-tô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Chúng con cầu xin

(trích Giờ Kinh Phụng Vụ của Nhóm phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ)

ĐTC Biển Đức XVI: 24/11/2010 – Bài 124 - Thánh Catherine of Siena

(Xin bấm vào hàng chữ trên đây để đọc bài giáo lý của ĐTC Biển Đức XVI về vị thánh hôm nay)

 

 

Cartarina sinh 1347 tại Siêna, là con út của một gia đình đông đảo, cha Ngài, ông Giacômô là một thợ nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả năng và giàu nghị lực của gia đình sống động này.

Cartarina đã trải qua tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các anh chị. Nhưng với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà Lapa rất bực mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã cưỡng lại sự hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống đối cả những đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ tu.

Ngay hồi 7 tuổi, Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu duy nhất của mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi cha mẹ Ngài đã hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác, sau nhiều thử thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân phục trong những việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.

Năm 16 tuổi, Cartarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh nhân chỉ rời phòng riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải tội của Ngài thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm thấy thiếu khả năng để hứơng dẫn Cartarina.

Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. 

– Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ? Thánh nhân trách.

– Cha vẫn phải với con.  Chúa trả lời.

– Sao, Chúa ở giữa những tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?

– Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?

– Ôi, con kinh sợ và đau buồn quá mức ?

– Đó, các tư tưởng ấy đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.

Chúa Giêsu đã thưởng công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng thăm này. Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị kiến, Đức trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.

Sau biến cố đặc biệt này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho một người cùi và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn vết thương tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng nhiệt tình lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải sau lời khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.

Được ơn thấu suốt các tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người đông đảo cầu thuộc đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống khổ hạnh của Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường thiêng liêng, bởi nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên Ngài là “Trường phái thần bí”.

Với ảnh hưởng lớn lao ấy, thánh Cartarina được mệnh danh là “Thiên thần hòa giải” bởi những mối thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của Ngài. Ngài nói : – Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy diệt đối với người nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ mình còn hơn là ghét bỏ thù nghịch nữa.

Trước uy tín dặc biệt này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho dân chúng. Ngài dạy ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một người con gái bình thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và một nhà triết học.

Trở về phòng riêng, thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ các tâm hồn. Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ vâng phục Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất được giao phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về những đề tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử, mang lại an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài là Thiên thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi dậy chống lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.

Tháng 5 năm 1376, Ngài sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của Ngài thổi vào sự can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở Florence bùng nổ, người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân thủ lãnh những người nổi loạn và nói: – Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó đây, nhưng xin đừng hại những người này.

Cảm kích vì lòng gan dạ của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.

Đức giáo hoàng Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng Gregoriô qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: “Đối thoại về Chúa quan phòng”. Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô VI. Trong những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Au châu vâng phục Đức giáo hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn lao trong các tác phẩm thiêng liêng.

Giữa các hoạt động rực rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh. Chúng ta biết rằng: từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm dấu thánh. Dấu chỉ lộ rõ sau khi Ngài qua đời.

Một chiều tháng giêng năm 1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết cho đức giáo hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn hấp hối nhiệm màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần thứ hai khi đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào ngày 29 tháng 4 năm 1380.

Ngài được mai táng dưới chân bàn thờ dòng Đa Minh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu Ngài sau này được dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.

Ngày 04 tháng 10 năm 1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội Thánh.

(Trích từ sách Theo Vết Chân Người, Dòng Đa Minh)

https://daminhtamhiep.net/2014/04/tieu-su-thanh-catarina-siena/

Thánh Catarina Siena: Vị Thánh của Thánh Thể

 

“Ôi Catarina, một Catarina ngọt ngào biết bao” là những gì mà tôi đã gọi tên vị thánh rất mạnh mẽ này. Thánh Nữ đã chiếm lấy trái tim tôi không giống bao nhiêu người khác.

Sinh tại Siena, nước Ý vào năm 1347, Catarina là con thứ 25 trong số 26 người con của hai ông bà Giacomo và Lapa di Benincasa. Nhiều anh chị em của Catarina, cả người chị sinh đôi, Giovanna, đã chết khi mới được vài tháng tuổi. Cha của Thánh Nữ là một thợ may quần áo, làm việc ở dưới tầng trệt của căn nhà lớn của gia đình cùng với những người làm công sống ở tầng trên.

Lúc 6 tuổi, Catarina bắt đầu nhận được nhiều ơn huyền bí và khi Catarina mới chỉ 12 tuổi, Thánh Nữ đã đoan hứa giữ khiết tịnh với Đấng Yêu Dấu là Chúa Giêsu. Khi người chị của Catarina là Bonaventura chết khi sinh con, và cô bé Catarina lúc đó 16 tuổi đã cảm thấy rất khó chịu, buồn bực về kế hoạch của cha mẹ khi cho Catarina kết hôn với quan phụ của Bonaventura, do vậy, Catarina đã cắt luôn mái tóc của mình và ăn chay liên tục. Cha mẹ của Catarina đã gửi Thánh Nữ đến gặp người anh họ mà họ yêu mến nhưng, lại không biết về cha mẹ của Catarina, chính người anh họ này lại cảm thông với mong ước của Catarina chỉ thuộc về một mình Chúa Giêsu, và là người đã khuyên Catarina cắt đi mái tóc của mình như là một dấu chỉ của tình yêu mà Catarina dành cho Chúa Giê su vì hành động này sẽ là điều cho thấy Catarina không mong muốn nhận lời của người nam nào trong những ngày này.

Catarina đã trở thành một phần tử của Dòng Ba Đa Minh sau khi đã hai lần bị từ chối và nhận những chữ đầu của T.O.S.D sau tên của ngài. Sau một thời gian gần ba năm sống trong phòng ngủ như là một “tập viện” ( không phải là tập viện của Catarina dành cho tu sĩ Đa Minh nhưng là một sự đào tạo huấn luyện cá nhân), Thánh Nữ đã được Thiên Chúa sai vào trong thế giới để làm điều tốt lành. Thánh Catarina được biết đến vì sự cống hiến thật lớn lao cho việc chăm sóc người đau bịnh- Catarina sinh ra trong thời điểm Châu Âu đang xảy ra bệnh dịch lớn- Thánh Nữ sẽ đi vào các nhà, bệnh viện và chăm sóc những bệnh nhân, điều mà người khác không làm được. Catarina đã lau rửa những vết thương ghê tởm của bệnh nhân và băng bó lại. Khi những bệnh nhân qua đời, Catarina đã tự tay chôn cất họ.

Tuy nhiên, quà tặng lớn nhất của Catarina nằm ở khả năng của Thánh Nữ về việc dạy và thuyết giảng về đức tin và tình yêu của Thánh Nữ về Bí tích Thánh Thể. Trong thời của Catarina, việc lãnh nhận Thánh Thể hằng ngày là điều không thường xuyên- nếu có, phải có phép và hầu như là đều không được lãnh nhận Thánh Thể mỗi ngày. Tuy nhiên, Catarina đã lãnh nhận được rất nhiều ơn sủng huyền bí trong Bí tích Thánh Thể - điều rất đỗi tuyệt vời là tình yêu sâu xa của Catarina dành cho Chúa Giê su trong Bí tich Thánh Thể. Những thị kiến và những lần xuất thần thường kéo dài quảng 3-4 tiếng đồng hồ lúc Rước Lễ…mà nhiều linh mục đã chứng thực về điều này. Thực vậy, linh mục giải tội, hướng dẫn thiêng liêng cho Catarina, là Cha Raymond Capua kể về người phụ nữ thánh thiện và mạnh mẽ này trong tiểu sử viết về Catarina mà Cha Raymond Capua đã viết:

“Đức Thánh Cha Greory XI…để làm toại nguyện sự khát khao của Catarina, đã ban một Sắc Chỉ cho phép Catarina có một linh mục để sắp đặt và giải gỡ cho Catarina và cho Catarina rước lễ và cũng có một bàn thờ di dộng, đến nỗi Catarina có thể nghe Thánh lễ và Rước lễ ở bất cứ khi nào, chỗ nào mà Thánh Catarina thích”. (Capua, the Life of St. Catherine of Siena – Đời sống của Thánh Catarina Siena, tr.284)

Thêm nữa…

“Với khoảng thời gian bảy năm trước khi chết, Thánh Catarina Siena đã không ăn uống gì, ngoại trừ Rước Lễ. Tuy nhiên, việc ăn chay này không ảnh hưởng gì đến sức lực Thực tế là, hầu hết các ý định, thành công lớn lao của Thánh Catarina đã diễn ra trong suốt khoảng thời gian bảy năm này. Ăn chay không làm mất đi năng lượng nơi Catarina, nhưng lại trở nên một nguồn sức mạnh lạ kỳ, Thánh nữ trở nên mạnh khỏe vào buổi chiều, sau khi đã Rước Lễ, đón nhận Chúa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể của Ngài.

Tình yêu mãnh liệt của Catarina vào Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã làm cho Thánh Nữ đi đến với người nghèo, đặc biệt là những người rất đau ốm và chăm sóc họ như Catarina đã làm. Đây không phải là linh đạo Thánh Thể mà Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống- đến nỗi mà Mẹ Teresa đã có thể nâng những người sắp chết từ những khu máng xối của ổ chuột, đưa họ về đến những phòng khám của Mẹ và chăm sóc học cho đến khi họ có thể khá hơn hay chết với phẩm giá của họ? Tình yêu và sự dâng hiến cho Chúa Giêsu nơi Thánh Thể đã làm nên điều đó. Các ngài đã mang lấy những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu 25,40 “Bất cứ điều gì anh em làm cho những người anh em bé nhỏ nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

Trong cuốn Đối Thoại, Chúa Giê su nói với Catarina hai điều về tình yêu dành cho người thân cận:

“Họ yêu mến người anh em của họ với cùng một tình yêu mà họ đã yêu mến Ta” – Đối thoại 60

“Linh hồn, ngay khi biết Ta, đã tìm kiếm để yêu những người thân cận”. Đối thoại 89

Thánh Catarina Siena: Vị Thánh của Thánh ThểNhưng chính trái tim của Chúa Ki tô đã chạm đến Catarina cách sâu xa nhất. Catarina đã có một sự hiến dâng mạnh mẽ cho Trái Tim của Chúa Giêsu- vết thương ở cạnh sườn Ngài. Thánh Nữ đã từng khao khát để được uống lấy cách thiêng liêng các ân sủng đã tuôn trào cách nhưng không từ cạnh sườn Ngài, như một đứa trẻ bú lấy giòng sữa từ người mẹ và Catarina đã lấy những hình ảnh này như một nguồn suối nuôi dưỡng và làm tăng sự hiến dâng của Catarina dành cho Chúa Giêsu.

Trong cuốn Bí mật của Trái Tim ( The Secreat of the Heart)- Một Nghiên Cứu Thần Học cvề những Lời Dạy của Catarina Siena về Trái Tim Chúa Giêsu, là Sr. Mary Jeremiah, O.P - tác giả của cuốn sách- đã nói “ Mặc dù Catarina Siena đã sống trong thế kỷ 14, nhưng lời dạy của Thánh Nữ vẫn còn liên hệ đến ngày hôm nay”. Chính Thánh nữ đã viết một lá thư cho một tu sĩ nói rõ rằng trái tim của Chúa Ki tô là “ một kho mở rộng, chất chứa đầy những chất đậm đà với một sự giàu có phong nhiêu của lòng thương xót ban tặng Ân Sủng.” (trang 97)

Chúng ta được kêu mời sống với Bí tích Rửa tội để yêu người khác với trái tim của Chúa Ki tô, Đấng đã nói “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13, 34-35). Chúng ta sẽ chẳng yêu người khác bằng một tình yêu đủ ấm áp được, nhưng vì Chúa Giêsu đã yêu chúng ta một cách vô điều kiện và dám chết vì yêu chúng ta. Yêu tha nhân không chỉ là có tình cảm với họ. Thánh Catarina và tất cả các vị thánh lớn lao đã mang lấy lệnh truyền của Chúa Ki tô để đi về phía trước và làm vì những người khác, và thường là dám chấp nhận rủi ro về mạng sống của mình. Khi Catarina tình nguyện chăm sóc một người phụ nữ có tên là Tecca, bị bệnh phong cùi đang chữa trị tại bệnh viện địa phương, Mẹ của Catarina là bà Lapa đã rất lo lắng vì lo sợ con gái mình sẽ bị nhiễm căn bệnh gớm ghiếc đó.

Đúng như vậy, bàn tay của Catarina đã bị phơi nhiễm bệnh phong, nhưng vì yêu người phụ nữ này (thường không có một trái tim biết ơn với sự chăm sóc của Catarina với mình) đã không làm cho người trinh nữ Catarina ngừng chăm sóc, phục vụ Tecca. Khi Tecca chết, chính Catarina đã tắm xác và mặc quần áo cho thân thể đầy dẫy những vết lở loét của bệnh cùi, chuẩn bị mọi sự để chôn cất, đặt thi thể người phụ nữ này cách dịu dàng, âu yếm trong chiếc quan tài, đọc kinh cầu nguyện và tự tay đóng quan tài lại. Ngay khi đó, đôi bàn tay của Catarina đã được chữa khỏi cách kỳ diệu, lạ lùng, và đôi bàn tay nhìn trẻ trung hơn trước. Đó là tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa mà các thánh đã có.

Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giê su trong những người khác, thân cận, là những gì đưa chúng ta lên Trời. Trong Lời Nguyện Thánh Thể II của Phụng vụ khẩn nài Thiên Chúa đưa chúng ta đến “sự tràn đầy của lòng bác ái” vì đó là nơi trời ở đó. Trong thư gửi tín hữu Rôma 12,1, Thánh Phao lô đã khẩn nài chúng ta “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động”. Đó là những gì mà Thánh Catarina đã làm khi Thánh Nữ đã khóc ra bên ngoài khi cầu nguyện “Ôi lạy Thiên Chúa Hằng Hữu, xin hãy đón nhận lễ hy sinh cuộc đời con cho Thân Thể Mầu Nhiệm của Giáo Hội Thánh của Ngài”. Theo Thánh Justin- Tử đạo, trong cuốn Dialog With Trypho the Jew của mình, Thánh Justin nói rằng, khi chúng ta được rửa tội “là chúng ta trở thành dân Israel đích thực bắt nguồn từ Chúa Kitô , vì chúng ta được tạo thành từ Trái Tim của Ngài như là từ tảng đá”.

Các ân sủng từ phép rửa phải được nuôi dưỡng thường xuyên nhất với Bí tích Thánh Thể- Thân Thể - Máu - Linh Hồn- Thần Tính Thực, cùng với việc tiếp nhận thường xuyên Bí tích hòa Giải và có thời gian Chầu Thánh Thể, chiêm ngắm Đấng yêu thương chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để mang niềm hy vọng đến cho những người ở giữa chúng ta, với những người mà xã hội con họ là những người bị phong cùi về tinh thần, không chỉ là bằng lời nói nhưng còn là bằng hành động của chúng ta nữa.

Chúng ta hãy đứng dậy, và “đi ra khỏi đây” (Gioan 14,31); chúng ta hãy “thức dậy từ giấc ngủ của chúng ta” (Rma 13,11) để làm những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm cho những người bị thế giới này khinh bỉ và cho những người “không đáng kể” 1Cr 1,28). Chúng ta hãy cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Catarina Siena, đấng đã ìm thấy nhiều niềm vui trong sứ mạng phục vụ vì người nghèo hơn là trong tất cả những trạng thái ngây ngất trên thiên đàng, những thị kiến, những phép lạ và những hiện tượng bí nhiệm khác để làm Chúa Giê su hài lòng. Chúng ta hãy bày tỏ tình yêu của chúng ta với Chúa và cầu xin Người dùng chúng ta theo thánh ý và mục đích của Ngài dành cho người nghèo, và cho những người đã làm tổn thương chúng ta.

 

Tác giả: Cynthia Trainque

Chuyển ngữ: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P

Nguồn: https://catholicexchange.com

http://daminhthanhtam.org/dong-da-minh/linh-dao85561335/thanh-catarina-siena--vi-thanh-cua-thanh-the.html

 

Bên trong hốc chính giữa bên trên bàn thờ này là thánh tính của Thánh Catarina, đó là cái đầu của ngài được dân thành Siena lấy trộm từ Roma về.

Hình chụp trong chuyến Hành Hương Đức Tin Chứng Tích Phục Sinh 2021 với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương sáng ngày 13/11