GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 30/12/2005

LỄ THÁNH GIA

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ vào 4 đợt Các Vị Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên trong Năm 2005: Với Các Vị Giám Mục Đợt Thứ Nhất: Cuộc Thách Đố Đa Văn Hóa

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Tân Lãnh Sự Chư Quốc trong Năm 2005 dịp Các Vị Trình Ủy Nhiệm Thư bắt đầu hành sự, và cả một số vị Thủ Tướng và Tổng Thống các nước nữa: với tân lãnh sự của Hiệp Vương Quốc

?  Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: (5) Một Hiện Tình Thế Giới

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ vào 4 đợt Các Vị Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên trong Năm 2005

 

Trong Năm 2005, năm đầu tiên trong giáo triều của mình, trong vòng 8 tháng trời, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta đã gặp gỡ hàng giám mục thuộc 17 quốc gia trên thế giới vào dịp các vị viếng thăm Tòa Thánh định kỳ ngũ niên của các vị. Thứ tự như sau:

 

Thứ Bảy 3/12 với Các Vị Giám Mục Balan đợt 2; Thứ Bảy 26/11 với Các Vị Giám Mục Balan đợt 1; Thứ Sáu 18/11/2005 với Các Vị Giám Mục Tiệp Khắc; Thứ Bảy 5/11 với Các Vị Giám Mục Áo Quốc; Thứ Hai 17/10 với Các Vị Giám Mục Ethiopia và Eritrea; Thứ Năm 29/9 với Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ đợt 4; Thứ Sáu 23/9 với Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ đợt 3; Thứ Năm 15/9 với Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ đợt 2; Thứ Năm 8/9 với Các Vị Giám Mục Mễ Tây Cơ đợt 1; Thứ Bảy 2/7 với Các Vị Giám Mục Zimbabwe; Thứ Bảy 25/6 với Các Vị Giám Mục Papua New Guinea và Solomon Islands; Thứ Bảy 18/6 với Các Vị Giám Mục Madagascar, Thứ Sáu 10/6 với Các Vị Giám Mục South Africa, Botswana, Swaziland, Namibia và Lesotho; Thứ Bảy 28/5 với Các Vị Giám Mục Burundi; Thứ Bảy 21/5 với Các Vị Giám Mục Rwanda.

 

Qua bài chia sẻ của mình với các vị, ngài đã nói về tình hình sống đạo và hoạt động mục vụ đáp ứng của các vị giám mục trong nước ấy, thường là những gì liên quan tới các thành phần Dân Chúa trong mỗi Giáo Hội địa phương, đó là giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, cũng như giới trẻ và gia đình.

 

Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung của từng bài chia sẻ của ngài, những bài mang tính cách quan trọng hơn phải kể đến những bài ngài nói với 3 hàng giáo phẩm thuộc các nước Mễ Tây Cơ, Áo Quốc và Balan. Hai bài với các vị Giám Mục Áo Quốc và Balan đã được chuyển dịch, sau đây là bài với các vị Giám Mục Mễ Tây Cơ.

 

Với Các Vị Giám Mục Đợt Thứ Nhất: Cuộc Thách Đố Đa Văn Hóa

 

Quốc Gia Mễ Tây Cơ đã xuất thân như là một cuộc gặp gỡ của các dân tộc và các nền văn hóa mang đặc tính được đánh dấu bằng sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu Kitô và vai trò môi giới của Mẹ Maria, “Mẹ của Vị Thiên Chúa Chân Thật là Đấng nhờ Ngài chúng ta sống động” (Nican Mopuhua). Những sự phong phú của biến cố Guadalupe (Acontecimiento Guadalupano) đã qui tụ lại với nhau thành phần dân chúng khác nhau, các lịch sử khác nhau và các nền văn hóa khác nhau, là những gì qua đó, nước Mễ Tây Cơ đã tiếp tục phát triển căn tính và sứ vụ của mình.

 

Ngày nay, Mễ Tây Cơ đang trải qua một tiến trình chuyển tiếp, với sự xuất hiện của các nhóm đang tìm kiếm, một cách thứ tự nào đó, những lãnh vực mới trong việc tham gia và đại biểu. Nhiều nhóm trong họ đặc biệt mãnh liệt biện hộ cho thành phần nghèo cũng như cho những ai bị loại trừ ra khỏi việc phát triển, nhất là thành phần các thổ dân. Nỗi khát vọng sâu xa trong việc củng cố một nền văn hóa và những tổ chức về dân chủ, kinh tế và xã hội biết nhìn nhận nhân quyền và các thứ giá trị về văn hóa của dân tộc này cần phải được âm vang và đáp ứng sáng suốt nơi hoạt động mục vụ của Giáo Hội.

 

Việc sửa soạn cho Đại Năm Thánh đã giúp cho những người Công Giáo Mễ Tây Cơ nhận biết, chấp nhận và yêu mến lịch sử của mình như là một dân tộc và một cộng đồng tín hữu. Ở đây, tôi xin nhắc lại lời huấn dụ của vị Tiền Nhiệm tôi: “Cá nhân và các dân tộc đều cần đến một thứ ‘chữa lành ký ức’, nhờ đó các thứ sự dữ đã qua không còn tái hiện nữa. Điều này không có nghĩa là quên đi những biến cố quá khứ; nó có nghĩa là tái kiểm điểm mình bằng một thái độ mới và học biết từ chính kinh nghiệm khổ đau mà chỉ có tình yêu mới có thể xây dựng chứ hận thù chỉ gây ra tàn hại và hủy hoại thôi (John Paul II, Message for the World Day of Peace on 1 January 1997, n. 3; L'Osservatore Romano English edition, 18/25 December 1996, p. 3).

 

Cuộc thách đố này đòi hỏi một cuộc huấn luyện toàn diện nơi tất cả mọi môi trường của Giáo Hội để giúp cho tín hữu, mỗi người và mọi người, có thể sống Phúc Âm theo các chiều kích khác nhau của cuộc sống. Chỉ có thế họ mới có thể chứng tỏ niềm hy vọng nơi họ (x 1Pt 3:15). Các đường lối truyền thống trong việc sống đức tin, được truyền đạt một cách chân thành và tự nhiên qua tục lệ và giáo dục của gia đình, cần phải được chín mùi nơi những quyết định cá nhân và cộng đồng…

 

Giáo Hội ở Mễ Tây Cơ là một giáo hội phản ảnh tính cách đa dạng của chính xã hội là thực tại được hình thành bởi nhiều thực tại khác nhau, một số thì tốt đẹp và đầy hứa hẹn, còn một số khác thì phức tạp phiền toái hơn. Trước tính cách đa dạng này, các vị Giám Mục cần phải khuyến khích những tiến trình mục vụ có tổ chức để cống hiến ý nghĩa trọn vẹn hơn cho những biểu lộ xuất phát ngoại lệ từ truyền thống hay tập tục. Những tiến trình này trước hết cần phải nhắm đến chỗ hội nhập các điều hướng của Công Đồng với những thách đố về mục vụ được thấy nơi nhiều trường hợp cụ thể khác nhau.

 

Xã hội hiện đại đang đặt vấn đề với và quan sát Giáo Hội, đòi Giáo Hội phải nhất trí và can đảm sống đức tin. Những dấu hiệu hữu hình của uy tín sẽ là chứng từ của cuộc sống, là mối hiệp nhất của thành phần tín hữu, việc phục vụ cho người nghèo và việc không ngừng cổ võ cho phẩm vị của họ.

 

Công việc truyền bá phúc âm hóa đòi chúng ta phải sáng tạo nhưng hằng trung thành với Truyền Thống của Giáo Hội cũng như với Huấn Quyền của Giáo Hội. Vì chúng ta sống trong một nền văn hóa mới dầy những phương tiện truyền thông đại chúng, Giáo Hội ở Mễ Tây Cơ cần phải thực hiện, theo chiều hướng này, sự hợp tác của tín hữu mình, việc huấn luyện cho dân chúng đa văn hóa, và những cơ hội để các cơ cấu chung thừa nhận ở lãnh vực này (cf. John Paul II, Ecclesia in America, n. 72).

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/index_en.htm

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Tân Lãnh Sự Chư Quốc trong Năm 2005 dịp Các Vị Trình Ủy Nhiệm Thư bắt đầu hành sự, và cả một số vị Thủ Tướng và Tổng Thống các nước nữa.

 

Trong Năm 2005, năm đầu tiên trong giáo triều của mình, trong vòng 8 tháng trời, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta đã gặp gỡ các Vị Tân Lãnh Sự Chư Quốc thuộc 17 quốc gia trên thế giới vào dịp các vị trình Ủy Nhiệm Thư bắt đầu hành sự của các vị. Thứ tự như sau:

 

Thứ Sáu 23/12 với vị tân lãnh sự Hiệp Vương Quốc là Francis Campbell; Thứ Năm 1/12, với một nhóm các vị tân lãnh sự, trong đó có các ông Ali Abeid A. Karume nước Tanzania, Madan Kumar Bhattarai nước Nepal, Pekka Ojanen nước Finland, Gilbert Ramirez Chagoury nước Santa Lucia, Francisco A. Soler nước El Salvador, Sten Erik Malmborg Lilholt nước Denmark, Konji Sebati nước South Africa, Idriss Jazairy nước Algeria, Petros Tseggai Asghedom nước Eritrea, Feliz Kodjo Sagbo nước Togo, Antoni Morell Mora nước Andorra, tân lãnh sự ; Thứ Tư 17/11 với Tổng Thống Moshe Katsav nước Do Thái; Thứ Bảy 12/11 với tân lãnh sự Hoa Kỳ là Francis Rooney; Thứ Tư 10/11 với Tổng Thống Talabani nước Iraq; Thứ Sáu 23/9 với vị tân lãnh sự Mễ Tây Cơ là Luis Felipe Bravo Mena; Thứ Hai 29/8 với vị tân lãnh sự Cộng Hòa Ecuador là Francisco Salazar Alvarado; Thứ Sáu, 26/8 với vị tân lãnh sự Cộng Hòa Paraguay là Gerónimo Narváez Torres; Thứ Năm 25/8 với vị tân lãnh sự Cộng Hòa Bolivaria Nước Vanezuela là Ivan Guillermo Rincĩn Urdaneta; Thứ Năm 16/6 với các vị tân lãnh sự là Geoffrey Kenyon Ward nước Tân Tây Lan, Elchin Oktyabr Oglu Amirbayov Cộng Hòa Azerbaijan, El Hadj Aboubacar Dione Cộng Hòa Guinea, David Douglas Hamadziripi Cộng Hòa Zimbabwe, Jean-François Kammer nước Thụy Sĩ, Antonio Ganado nước Malta, Joseph Bonesha Cộng Hòa Rwanda, ; Thứ Hai 23/5 với Thủ Tướng Vlado Buchkovski nước Cộng Hòa Macedonia, và với Tổng Thống Georgi Parvanov nước Bulgaria; Thứ Năm 19/5 với tân lãnh sự Cộng Hòa Macedonia là Bartolomej Kajtazi;

 

Qua bài chia sẻ của mình với các vị, ngài đã nói về tình hình nội quốc của các vị và hoạt động tông đồ của Giáo Hội địa phương nơi nước ấy, thường là những gì liên quan tới các hoạt động giáo dục và xã hội theo tinh thần bác ái và giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo.

 

Sau đây chúng tôi xin chuyển dịch lại những bài quan trọng của ngài, hay những điểm chính yếu ngài muốn nói với từng vị, trước khi chúng ta được nghe bài ngài chia sẻ chung với phái đoàn ngoại giao chư quốc với Tòa Thánh vào dịp các vị chúc mừng ngài đầu năm Dương Lịch khoảng giữa tháng Giêng 2006 tới đây.

 

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với tân lãnh sự của Hiệp Vương Quốc về tình hình đại kết tôn giáo và xã hội đa chủng ở đại cường quốc này

 

Trước hết là bài ngài ngỏ cùng vị tân lãnh sự của Hiệp Vương Quốc (United Kingdom of Great Britian) là Francis Campbell, vị ngài mới gặp nhất trong thành phần ngoại giao của năm 2005 hôm Thứ Sáu 23/12, về tình hình đại kết tôn giáo và xã hội đa chủng ở đại cường quốc này.

 

“Tòa Thánh rất coi trọng những liên hệ chính thức với xứ sở của ông, những liên hệ đã được phục hồi từ năm 1914 và được nâng lên vị thế ngoại giao trọn vẹn vào năm 1982. Những liên hệ này đã trở thành khả dĩ một mức độ cộng tác đáng kể nơi việc phục vụ cho hòa bình và công lý, nhất là ở thế giới đang phát triển, nơi Hiệp Vương Quốc đã đóng một vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực quốc tế để chiến đấu với tình trạng nghèo khổ cà bệnh nạn. Qua những hoạt động như Cơ Cấu Tài Chính Quốc Tế ấy, chính phủ của Hoàng Vương ông đã thực hiện những việc làm cụ thể để cổ võ việc hiện thực hóa đúng lúc những Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Đặc biệt là ở Phi Châu, nhiều quốc gia đã lấy làm ủi an trước những quyết nghị viện trợ được cuộc thượng nghị Gleneagles Tháng Bảy vừa rồi ấn định, thời điểm Nhóm G-8 gặp nhau khi Hiệp Vương Quốc đang giữ vai trò lãnh đạo nhóm này. Tôi cầu xin để tình đoàn kết hiệu lực này đối với anh chị em đau khổ của chúng ta sẽ được bảo tồn và sâu đậm hơn trong những năm tới đây. Theo lời của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả thì “Khi chúng ta phục vụ nhu cầu của những ai thiếu thốn là chúng ta cống hiến cho họ những gì là của họ chứ không phải của chúng ta. Không phải là chúng ta thực hiện những việc làm từ bi bác ái hơn là chúng ta đang trả món nợ công lý vậy” (Pastoral Rule, 3:21, quoted in Compendium of the Social Doctrine of the Church, 184).

 

Thưa Ông Lãnh Sự, như ông đã nhận định, xứ sở của ông không phải là kẻ xa lạ đối với cuộc tranh chấp gây ra bởi những chia rẽ đau thương trong nội bộ Kitô Giáo. Những vết thương xuất phát từ trên 4 thế kỷ của tình trạng phân ly không thể chữa lành mà không thực hiện những nỗ lực dứt khoát, không kiên trì, nhất là không cầu nguyện. Tôi xin tạ ơn Chúa về sự tiến bộ đã đạt được trong những năm gần đây ở các cuộc đối thoại đại kết khác nhau, và tôi xin tất cả mọi người liên quan tới công cuộc này đừng bao giờ hài lòng mãn nguyện với những giải quyết bán phần mà không vững vàng hướng tới mục tiêu của cuộc hiệp nhất hoàn toàn hữu hình nơi Kitô hữu hợp với ý muốn của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Vấn đề đại kết không phải chỉ là một vấn đề quan tâm nội bộ của các cộng đồng Kitô Giáo; nó là một trách nhiệm bác ái trong việc bày tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại cùng dự án của Ngài để hiệp nhất tất cả mọi dân tộc trong Chúa Kitô (x Thông Điệp Xin Cho Họ Được Hiệp Nhất Nên Một, 99). Nó cống hiến một “dấu hiệu rạng ngời của niềm hy vọng và ủi an cho toàn thể nhân loại” ("Letter of Pope Paul VI to Ecumenical Patriarch Athenagoras" I, 13 January 1970), và do đó nó là yếu tố thiết yếu để thắng vượt những chia rẽ giữa các cộng đồng và các quốc gia.

 

Về vấn đề này, tôi vui mừng nhận thấy sự tiến bộ đáng kể đã được thực hiện trong ít năm qua đối với việc đạt được tình trạng hòa bình và hòa giải ở miền Bắc Ái Nhĩ Lan. Các Giáo Hội Địa Phương và các cộng đồng giáo hội đã vất vả làm việc để thắng vượt những khác biệt về lịch sử giữa những thành phần dân chúng, và trong số những dấu hiệu tỏ tường nhất của việc gia tăng lòng tin tưởng lẫn nhau này đó là việc gần đây Quân Đội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan đã buông các vũ khí xuống. Điều này không thể nào xẩy ra nếu không có những nỗ lực ngoại giao và chính trị rất nhiều để đạt được một giải quyết chính đáng cho cuộc xung đột lâu dài ấy, và điều này đã gây uy tín lớn lao cho tất cả những ai dự phần vào việc làm này.

 

Thảm thương thay, sau cuộc nổ bom xẩy ra ở Luân Đôn vào Tháng Bảy vừa rồi, xứ sở của ông vẫn còn phải đương đầu với các hành động bạo lực bừa bãi nhắm đến thành phần quần chúng. Tôi xin bảo đảm với ông về việc Giáo Hội tiếp tục hỗ trợ của mình đối với việc quí vị tìm kiếm những giải pháp cho những căng thẳng đáng quan tâm gây ra những hành động tàn bạo ấy. Dân chúng Công Giáo ở Hiệp Vương Quốc được đánh dấu bằng một mức  độ cao về tính cách đa dạng chủng tộc và đang thiết tha đóng vai trò của mình trong vấn đề hòa giải cùng hòa hợp hơn nữa giữa các nhóm sắc dân khác nhau hiện diện ở xứ sở của ông. Tôi biết rằng chính phủ Quốc Vương của ông nhìn nhận tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn, và tôi hoan hô tinh thần cởi mở được chính phủ này tỏ ra đối với các cộng đồng đức tin trong tiến trình hội nhập những yếu tố phức tạp đang gia tăng làm nên xã hội Hiệp Vương Quốc này.

 

Việc chấp nhận và tôn trọng tính cách khác biệt là các giá trị được Hiệp Vương Quốc đã thực hiện nhiều để cổ võ cả trong lẫn ngoài biên cương bờ cõi của mình, và chúng xuất phát từ việc cảm nhận về phẩm giá bẩm sinh cùng với các thứ nhân quyền bất khả chuyển nhượng của hết mọi người. Bởi thế mà chúng đã được sâu xa bắt nguồn từ đức tin Kitô Giáo. Ông đã nói về tầm quan trọng của Hiệp Vương Quốc trong việc vẫn còn bảo tồn các truyền thống phong phú của Âu Châu, và việc trung thành này dĩ nhiên bao gồm cả việc sâu xa tôn trọng chân lý được Thiên Chúa mạc khải cho thấy về con người.

 

Nó đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận và bảo vệ tính cách linh thánh của sự sống từ lúc mới được thụ thai cho tới khi tự nhiên chết đi. Nó đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận vai trò bất khả châm chước của đời sống hôn nhân và gia đình bền vững cho thiện ích của xã hội. Nó bắt buộc chúng ta hãy cẩn thận chú ý tới việc áp dụng về đạo lý vấn đề tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, đặc biệt ở lãnh vực nghiên cứu về y khoa và kỹ thuật về di giống. Nhất là nó hướng chúng ta tới một kiến thức thích hợp hơn về quyền tự do của con người là quyền không bao giờ có thể thể hiện  một cách biệt lập với Thiên Chúa nhưng chỉ trong mối hợp tác dự án yêu thương của Ngài đối với loài người (cf. "Homily for the Feast of the Immaculate Conception," Dec. 8, 2005). Việc chấp nhận và tôn trọng đối với tính cách khác biệt, nếu chúng thực sự mang lại thiện ích cho xã hội, là những gì cần phải được xây dựng trên tảng đá của một thứ kiến thức đích thực về con người là loài được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa và được kêu gọi để thông phần vào sự sống thần linh của Ngài.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và tổng hợp từ mạng điện toán toàn cầu Zenit và

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/index_en.htm

 

 

TOP

 

 

? Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: Một Hiện Tình Thế Giới

 

(tiếp 26 Thứ Hai, 27 Thứ Ba, 28 Thứ Tư 29 Thứ Năm) 

 

12.       Nhìn vào tình hình thế giới hiện nay, chúng ta có thể mãn nguyện nhận thấy một số những dấu hiệu hy vọng nơi việc xây dựng hòa bình. Chẳng hạn, tôi nghĩ về việc suy giảm số lượng các cuộc xung đột võ trang. Ở đây chúng ta đang nói về một ít bước tiến, những bước tiến rất ngập ngừng trên con đường hòa bình, tuy nhiên lại là những bước tiến thậm chí cho tới nay có thể bảo đảm một tương lai yên hàn hơn, nhất là cho nhân dân đau khổ ở Palestine, quê hương của Chúa Giêsu, cũng như cho những ai sống ở một số miền thuộc Phi Châu và Á Châu, thành phần đang đợi chờ qua bao năm tháng tình trạng kết thúc tốt đẹp cho những tiến trình đang diễn tiến của công cuộc hòa bình và hòa giải. Đó là những dấu hiệu tái bảo đảm cần phải được xác nhận và củng cố bằng việc không ngừng hợp tác và hoạt động, nhất là về phía cộng đồng quốc tế và những cơ quan của cộng đồng là những cơ cấu mang trách nhiệm ngăn ngừa các cuộc xung đột và đưa ra giải pháp hòa bình cho những ai trong cuộc.

 

13.       Tuy nhiên, tất cả những điều này không được đưa đến chỗ ngây ngô lạc quan. Không được quên rằng, thê thảm thay, các cuộc huynh đệ dữ dội tương tàn và các cuộc chiến tranh tàn hại vẫn đang tiếp tục gieo rắc châu lệ và chết chóc ở những phần đất rộng lớn trên thế giới. Có những trường hợp ở những nơi xẩy ra cuộc xung khắc, được âm ỉ như ngọn lửa dưới đống tro, có thể bùng lên nữa và gây ra tình trạng hủy diệt cả thể. Những người có thẩm quyền, thay vì hết sức cổ võ hòa bình, lại xúi bẩy công dân của mình tỏ ra hận thù đối với các quốc gia khác, thì phải chịu trách nhiệm nặng nề: đặc biệt nơi những vùng có cơ nguy, họ hủy hoại đi cái quân bình mong manh đã đạt được bằng giá của những cuộc thương thảo nhẫn nại, và vì thế họ góp phần vào việc làm cho tương lai của nhân loại trở thành bấp bênh và đáng lo ngại hơn.

 

Người ta cũng có thể nói gì về những chính phủ cậy dựa vào các thứ vũ khí nguyên tử như phương tiện để bảo đảm an ninh quốc gia của mình? Cùng với vô số con người thiện chí, người ta có thể nói rằng quan điểm này chẳng những là một quan điểm độc hại mà còn sai lầm nữa. Trong cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không có ai là kẻ chiến thắng hết, mà chỉ có nạn nhân thôi. Hòa bình đích thực đòi hỏi là tất cả – cho dù là những chính phủ công khai hay bí mật có các thứ vũ khí nguyên tử, hay những ai đang có dự án chiếm hữu chúng – đồng lòng thay đổi chiều hướng của mình bằng những quyết định rõ ràng và mạnh mẽ, và cố gắng thực hiện một cuộc giải giới nguyên tử một cách tiến triển và nhịp nhàng. Để rồi những nguồn lợi được giành dụm ấy có thể đem sử dụng vào các dự phóng phát triển hầu mang lại lợi ích cho toàn thể nhân dân của họ, nhất là thành phần nghèo khổ.

 

14.       Về vấn đề này, người ta chỉ có thể ghi nhận một cách buồn nản trước chứng cớ về một tình trạng gia tăng liên tục nơi vấn đề chi tiêu cho quân sự cũng như về việc phát triển ngành buôn bán vũ khí, trong khi đó tiến trình về chính trị và pháp lý được cộng đồng quốc tế thiết lập để phát động việc giải giới chỉ dậm chân tại chỗ một cách thờ ơ. Làm sao có được một tương lai hòa bình khi vẫn còn những cuộc đầu tư vào việc sản xuất vũ khí cũng như vào việc nghiên cứu để chế tạo ra những thứ vũ khí mới? Chỉ có thể hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ có được sự khôn ngoan và can đảm để, một lần nữa, tiếp tục, một cách liên hợp và với một niềm xác tín mới, tiến trình giải giới, nhờ đó, bảo đảm một cách cụ thể quyền sống hòa bình cho mọi người và mọi dân tộc. Bằng việc dấn thân để bảo toàn sự thiện hòa bình, các cơ quan khác nhau của cộng đồng quốc tế sẽ lấy lại được thẩm quyền cần thiết trong việc thực hiện những sáng kiến đầy uy tín và hiệu năng của mình.

 

(còn tiếp)

 

Tại Vatican ngày 8/12/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20051213_xxxix-world-day-peace_en.html

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ