GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 24/7/2005

TUẦN 17 QUANH NĂM

 

1) Một Âu Châu tân tiến ngày nay: “kho tàng trong ruộng” và ”viên ngọc quí giá”

2) Về Tiến Trình Phong Chân Phước cho ĐTC GPII: đã tiến hành tới đâu?

3) Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời (tiếp) Những Hoạch Định Tổng Quát

   

   

  

   

Một Âu Châu tân tiến ngày nay: “kho tàng trong ruộng” và ”viên ngọc quí giá”

 

Thực Hành Sống Đạo của chúng ta theo ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XVII tuần này là ở chỗ vừa sống nội tâm vừa sống hoạt động. Nếu mở đầu Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã kêu gọi thành phần môn đệ của Chúa sống nội tâm trước và hoạt động sau, khi Người thứ tự truyền dạy các vị rằng: trước hết, “Các con là muối đất” (Mt 5:13), rồi đến “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14) thế nào, thì trong bài Phúc Âm liên quan đến cặp dụ ngôn “Kho Tàng trong ruộng” và “Hòn ngọc quí báu” cũng thế, Người cũng muốn nhắc nhở các vị phải sống cả nội tâm lẫn hoạt động, và sống nội tâm trước hoạt động sau. Đó là lý do Người đã nói đến du ỉngôn “kho tàng trong ruộng” trước, rồi mới tới “viên ngọc quí báu”. Bởi vì, “kho tàng trong ruộng” đây là gì, nếu không phải là kho tàng Thánh Sủng, kho tàng Đức Tin trong thửa ruộng tâm hồn Kitô hữu, và “viên ngọc quí báu” ở phương xa đây là gì, nếu không phải là các linh hồn, là Đức Bác Ái, mà thành phần thương gia hay lái buôn, được hiện thân qua tinh thần tông đồ truyền giáo, hay qua bản thân các vị thừa sai, cần phải hy sinh mọi sự mình có để mua cho bằng được viên ngọc quí đây này, tức để cứu lấy các linh hồn, để mở mang Nước Chúa là chính viên ngọc quí báu ấy.

Ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XVII tuần này về “kho tàng trong ruộng” và ”viên ngọc quí giá” rất thích hợp với một Châu Âu, một châu lục đã chẳng những chất chứa kho tàng Phúc Âm trong thửa ruộng Kitô giáo của mình, mà còn tìm chiếm được những viên ngọc quí giá là các Giáo Hội địa phương do họ dấn thân truyền giáo từ khi có phong trào Tân Thế Giới cuối thế kỷ thứ 15. Tuy nhiên, cho tới nay, thửa ruộng Kitô giáo tại châu lục này đã trở nên cằn cỗi bởi những luồng gió văn hóa tử vong, những trận bão lốc Tornado vô thần duy vật. Điển hình nhất là Khối Hiệp Nhất Âu Châu bao gồm 25 quốc gia đã cương quyết chối bỏ căn tính Kitô giáo làm nên văn hóa Âu Châu của họ, mà chỉ chú trọng tới thứ bánh kinh tế và chính trị mà thôi. Phải chăng, một khi gạt Thiên Chúa ra ngoài, coi Thiên Chúa như không có hay như đã chết, châu lục Kitô giáo này đang đi đến chỗ, thay vì hiệp nhất với nhau, lại đâm ra chia rẽ nhau, giằng co mãi mà vẫn chưa thể hoàn thành được một bản Hiến Pháp, dù bản Hiến Pháp này chỉ nhắm tới vấn đề thuần kinh tế, như đã hiển nhiên xẩy ra qua vụ trưng cầu dân ý ở Pháp (vào ngày 29/5/2005) và Hòa Lan (vào ngày 1/6/2005) là hai quốc gia thành lập khối này nhưng lại là hai quốc gia đã quay ra bác bỏ bản Hiến Pháp của khối ấụy? Đúng thế, đây là điều đã được cả Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI lẫn Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công nhận.

Hôm 19/5/2005, Thứ Năm, ĐTC Biển Đức đã gặp vị tân lãnh sự Bartolomej Kajtazi của Nguyên Cộng Hòa Yogosla xứ Macedonia dịp ông trình ủy nhiệm thư, và ngài đã nói với ông về vấn đề chính yếu là Âu Châu cần đến các quốc gia vùng Balkins và các quốc gia này cần đến Âu Châu.

Như vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi đã nói một số lần là: Âu Châu cần đến các quốc gia vùng Balkan, và các quốc gia này cần đến Âu Châu! Việc gia nhập Cộng Đồng Âu Châu, tuy nhiên, không được hiểu thuần túy như là một thứ phương thuốc cứu chữa để thắng vượt đối thủ về kinh tế. Trong tiến trình nới rộng Khối Hiệp Nhất Âu Châu “rất cần phải” nhớ rằng việc nới rộng này “sẽ thiếu bản chất nếu nó bị biến thành những chiều kích thuần túy về địa dư và kinh tế”. Trái lại, việc hiệp nhất cần phải “bao gồm trước hết là một hợp đồng về các thứ giá trị… được thể hiện nơi luật lệ và sinh hoạt của việc hiệp nhất này” (Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu, 110). Vấn đề này có lý để đòi hỏi mỗi một quốc gia phải có một tổ chức xã hội biết tự động lấy lại hồn sống của Âu Châu, một hồn sống có được nhờ sự góp phần quyết liệt của Kitô giáo, trong việc xác nhận phẩm giá siêu việt của con người cùng với những giá trị sự thật, tự do, dân chủ và hiến định (cf. ibid., 109).


Chúa Nhật, 31/10/2004, trước khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC đã ban huấn từ như sau:


“Hôm Thứ Sáu 29/10/2004, Bản Hiệp Định Về Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đã được ký kết ở Capitol tại Rôma đây. Đó là một giây phút hết sức quan trọng trong việc xây dựng một “Tân Âu Châu”, một châu lục chúng ta tiếp tục đặt niềm tin tưởng. Nó là một giai đoạn gần nhất của một con đường vẫn còn xa xôi và hình như vẫn còn gay go hơn bao giờ hết.


“Tòa Thánh bao giờ cũng ủng hộ việc phát động một Âu Châu hiệp nhất trên căn bản của những giá trị chung là những gì thuộc về lịch sử của nó. Việc nhìn nhận các căn gốc Kitô giáo của Châu Lục này có nghĩa là thực hiện việc sử dụng một gia sản thiêng liêng của nó là những gì vẫn còn thiết yếu cho việc phát triển mai hậu của Khối Hiệp Nhất ấy.


Bởi thế, Tôi cũng hy vọng rằng trong những tháng năm tới đây, Kitô hữu sẽ tiếp tục góp phần vào tất cả những phạm vi của các cơ cấu Âu Châu, để men phúc âm trở thành những gì bảo toàn hòa bình cũng như cho việc hợp tác giữa tất cả mọi người công dân cùng dấn thân phục vụ công ích”.


Hôm Thứ Bảy, 30/10/2004, tức sau ngày 25 quốc gia hội viên thuộc Khối Hiệp Nhất Âu Châu ký kết vào Bản Hiệp Định Hiến Pháp Âu Châu ở Rôma, ĐTC đã gặp Thủ Tướng Balan Marek Belka, một kinh tế gia và nguyên bộ trưởng kinh tế trước khi được bổ nhiệm chức vụ thủ tướng hôm 24/6/2004, ở Vatican và đã bày tỏ nhận định của mình về nỗ lực của Balan trong việc bảo trì căn gốc Kitô giáo nơi bản hiến pháp này.


Trong lời ngỏ của mình với vị thủ tướng Balan, ĐTC cho biết cá nhân Ngài cùng với Tòa Thánh ủng hộ tiến trình hiệp nhất ấy, hầu “Âu Châu có thể hoàn toàn thở hít bằng hai buồng phổi: bằng tinh thần Tây Phương và Đông Phương”.


“Tôi tin tưởng rằng, bất chấp sự kiện là Bản Hiến Pháp Âu Châu thiếu qui chiếu một cách minh nhiên về các căn gốc Kitô Giáo nơi văn hóa của tất cả mọi quốc gia làm nên Cộng Đồng này, thì những giá trị trường tồn được dẫn giải cẩn thận từ nguồn mạch Phúc Âm bởi những người đi trước chúng ta sẽ tiếp tục tác động những nỗ lực của những ai mang trách nhiệm hình thành dung nhan của châu lục này.


“Tôi hy vọng là cơ cấu này, một cơ cấu tự bản chất là một cộng đồng của các quốc gia tự do, chẳng những thực hiện những gì có thể để đừng làm cho họ bị hụt hang cái gia sản thiêng liêng của họ, trái lại, còn canh giữ nó như là nền tảng của mối hiệp nhất của nó.


“Không thể xây dựng một mối hiệp nhất bền bỉ bằng việc phân ly các xứ sở của Âu Châu ra khỏi những căn gốc làm cho họ tăng trưởng, cũng như ra khỏi cái phong phú dồi dào của nền văn hóa tâm linh ở những thế kỷ đã qua. Sẽ không thể nào có được một sự hiệp nhất ở Âu Châu cho đến khi sự hiệp nhất này được xây dựng trên sự hiệp nhất về tinh thần”.


Đó là thái độ và chủ trương của ĐTC GPII trước biến cố Bản Hiến Pháp Âu Châu được ký kết không minh nhiên nói đến các căn gốc Kitô Giáo là những gì thực sự đã làm nên văn hóa Âu Châu nơi tất cả các nước của Châu Lục này.


ĐTGM Giovanni Lajolo, bí thư của Tòa Thánh đặc trách liên hệ với các quốc gia, trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo La Stampa hôm Thứ Sáu, 29/10/2004, tức vào chính ngày 25 quốc gia hội viên chính thức ký kết vào bản hiến pháp này ở Rôma, đã cho biết cảm tưởng của mình như sau:


“Việc đề cập tới các căn gốc của Kitô Giáo của Âu Châu trong lời mở đầu Bản Hiệp Định Hiến Pháp là những gì đã được nhiều Kitô hữu ở châu lục này, như Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành, hết sức mong muốn.


“Việc này không tác hại, như một số người lo sợ, đến tính cách trần thế, một tính cách trần thế lành mạnh (!) thuộc cơ cấu chính trị. Trái lại, nó là một việc cần thiết để làm sống động cái ý thức về căn tính lịch sử thực sự của Âu Châu cũng như về các giá trị của châu lục này là những gì vẫn không bao giờ có thể bỏ đi được”.


Tờ nhật báo Turin cũng phổ biến những lời của vị TGM này như sau:


“Nếu một tân ‘Âu Châu cổ’ muốn thi hành, trong lịch sử vào những năm tới đây, một vai trò xứng với quá khứ của mình, thì nó không thể vui vẻ với những thứ hồi niệm mơ hồ, mà là phải ý thức về những gì đặc biệt đã ghi dấu vết tướng mạo thiêng liêng của nó.


“Người ta lấy làm ngỡ ngàng trước cái thiển cận về văn hóa, hơn là thành kiến chống Kitô Giáo, một thành kiến không có gì là lạ, vì khi nói ‘những căn gốc Kitô Giáo’ không có nghĩa là vấn đề hạn chế ý hệ, mà là vấn đề tưởng nhớ đến cái men được dậy lên trong lịch sử Âu Châu, và từ Âu Châu lan tràn khắp thế giới.


“(Việc gợi lại) cuộc cách mạng lớn nhất về tinh thần mà nhân loại đã biết tới, không có nghĩa là hy vọng trở về với những thời điểm đã qua, mà là hy vọng hướng về một tân chủ nghĩa nhân bản là những gì sẽ không mất đi sức mạnh của mình bởi khuynh hướng tương đối hay bị triệt sản bởi kỹ thuật… một tân chủ nghĩa nhân bản vốn tôn trọng và cởi mở với các thứ văn hóa khác, nhất là hướng về một hình thức văn minh mới mẻ và cao qúi hơn”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP


 

Về Tiến Trình Phong Chân Phước cho ĐTC GPII: đã tiến hành tới đâu?

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Ý Avvenire, vị cáo thỉnh viên của tiến trình phong chân phước cho ĐTC GPII là Đức Ông Oder Slawomir ở Balan đã cho biết một số chi tiết về tiến trình này như sau:

 

Vấn:     Những tài liệu nào đã được thu thập cho việc phong chân phước của ĐTC GPII?

 

Đáp:    Trước hết, chúng ta cần phải nhắc lại là đây là một tiến trình có một đường lối đặc biệt – vì việc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã sớm quyết định mở tiến trình phong chân phước này, cũng như vì sự kiện là nó liên quan đến một vị giáo hoàng.

 

Vì lý do thứ hai mà tất cả mọi văn kiện huấn quyền được soạn thảo trong giáo triều của ngài không thuộc về tiến trình này. Chúng tôi đã thu thập tất cả mọi văn kiện được Đức Karol Wojtyla viết trước khi làm Giáo Hoàng, cũng như những văn kiện không thuộc huấn quyền của giáo triều ngài, tức là 5 cuốn sách của ngài.

Vấn:     Phải chăng không còn những văn kiện nào khác trong những tháng năm của giáo triều ngài?

 

Đáp:    Chúng tôi cần phải xem coi có còn bất cứ gì khác trong hồ sơ riêng của Đức Gioan Phaolô II hay chăng.

 

Chúng ta đừng quên rằng trong bản chúc thư của mình, bản chúc thư mà ĐTGM Stanislaw Dziwisz là người thừa hành di chúc, ngài nói rằng cần phải hủy đi các ghi chép của ngài. Nếu còn gì nữa thì cần phải trao cho tòa án giáo phận cũng như cần phải được Ủy Ban Lịch Sử của Tòa Đại Diện Rôma xem xét

Vấn:     Có bao nhiêu chứng từ đã được thu thập rồi?

 

Đáp:    Chúng tôi đã soạn một danh sách liệt kê 100 người. Nó vẫn còn là một danh sách tạm thôi, và trong giai đoạn tiến trình này có thể còn thêm hơn nữa. Các cá nhân được chọn là những người có thể làm chứng về đời sống của Đức Gioan Phaolô ở những đoạn đời khác nhau, về cuộc sống của ngài, nhân đức của ngài và danh tiếng thánh đức của ngài.
 
Vấn:     Những bước đầu tiên của tiến trình này như thế nào?

 

Đáp:    Cần phải chỉ định một nhóm thần học gia kiểm duyệt, có nhiệm vụ xem xét các văn kiện được thu thập để xem chúng có hợp với tín lý hay chăng. Cần phải được bắt đầu các cuộc điều trần của thành phần nhân chứng từ khắp nơi trên thế giới.
 
Vấn:     Đức ông có thể ước đoán tiến trình này kéo dài bao lâu hay chăng?

 

Đáp:    Hiện nay thì hoàn toàn không thể nào tiên đoán được thời gian kéo dài của tiến trình này. Tài liệu cần phải được xem xét thì vô vàn, và vẫn cần phải quyết định về kỹ thuật pháp lý nào cần phải được sử dụng cho việc thu thập các chứng từ; chẳng hạn như việc có cần phải lắng nghe tất cả mọi chứng từ hay chăng; tòa án có cần phải đến từng quốc gia để phỏng vấn các chứng nhân hay chăng; có cần mở một tiến trình yêu cầu ở những địa điểm mỗi nhân chứng sống hay chăng, hoặc cần phải yêu cầu hợp tác của các tòa án giáo phận nơi họ sống.

 

Vì tất cả những điều ấy mà người ta có thể nói rằng tất cả sẽ được bắt đầu vào mùa thu. Ngoài ra không có thể nòi gì hơn vào lúc này đây.

Vấn:     Có những người nói rằng tiến trình ấy sẽ chấm dứt ngay ở việc phong hiển thánh cho Vị Giáo Hoàng này?

 

Đáp:    Hiện nay tôi chỉ có thể nói rằng đó là một ước muốn đạo đức. Công việc về kỹ thuật nói vắn tắt là việc có thể được coi như bình thường.

 

Dĩ nhiên, thẩm quyền tối hậu về vấn đề này thuộc về Đức Thánh Cha, và ngài có thể quyết những gì ngài muốn.
 
Vấn:     Có những người khác nói rằng đã có những phép lạ được ghi nhận. Điều này có đúng hay chăng?

 

Đáp:    Trước hết, cần phải nói rằng thẩm quyền về việc công nhận một phép lạ thuộc về Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh, chứ không phải tòa án giáo phận.

 

Việc điều tra của chúng tôi cần phải thu thập những dấu hiệu khác nhau, và thật sự nhiều thứ đã được gửi về, bao gồm cả điện thư, với văn bản thích hợp. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, hiện thời chưa có những tiến hành nào về phép lạ hết.
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 19/7/2005

 

  

TOP

 

Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời

(Tiếp 19 Thứ Ba, 20 Thứ Tư, 21 Thứ Năm, 22 Thứ Sáu 23 Thứ Bảy)

Những Hoạch Định Tổng Quát

16.       Hành sử với thành phần nạn nhân và thành phần “thân chủ”

Đối với thành phần nạn nhân thì tiến trình chữa lành là một tiến trình lâu dài và khó khăn. Các nạn nhân cần phải được giúp đỡ trong việc tìm kiếm một căn nhà, một khung cảnh gia đình và một cộng đồng họ cảm thấy được đón nhận và yêu thương và là nơi họ có thể bắt đầu tái thiết đời sống của họ cũng như tương lai của họ. Điều này sẽ giúp cho họ có thể lấy lại được niềm tự hào và tin tưởng, niềm vui sống và bắt đầu một cuộc sống mới mà không cảm thấy bị tai tiếng xấu.

Việc giải phóng và tái hội nhập cần đến sự chấp nhận và cảm thông của cộng đồng. Tiến trình chữa lành được hỗ trợ bởi tình yêu chân chính cũng như bởi việc tạo nên những cơ hội khác nhau có thể giúp vào việc làm hoàn trọn những ước muốnj sâu xa của thành phần nữ giới trẻ trung đang tìm kiếm an sinh, tin tưởng và cơ hội sống tốt đẹp hơn. Kho tàng của một đức tin (x Mt 6:21) còn tồn tài, bất chấp mọi sự hay được tái nhận thức, là những gì sẽ giúp rất nhiều, cùng với ý thức về tình yêu Thiên Chúa, một Thiên Chúa nhân hậu và yêu thương cao cả.

Thành phần “thân chủ” cần đến cả việc hiểu biết và huấn luyện liên quan tới giống tính, việc tôn trọng, phẩm giá, các giá trị liên cá nhân và mọi lãnh vực của các mối liên hệ và dục tính. Trong một xã hội mà tiền bạc và giầu sang là những giá trị chủ yếu thì những mối liên hệ thích hợp và việc giáo dục tính dục là những gì cần thiết đối với việc hình thành một cách toàn diện các nhóm dân chúng khác nhau. Loại giáo dục này có thể cho thấy bản chất đích thực của những mối liên hệ liên cá nhân không theo chiều hướng cái tôi hay khai thác mà là theo phẩm giá con người, thành phần cần phải được tôn trọng và cảm nhận như tặng ân Trời ban. Theo chiều hướng ấy thành phần tín hữu cần phải nhớ rằng tội lỗi cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa, cần phải hết sức tránh lánh nhờ ơn Chúa giúp.

17.       Việc giáo dục và nghiên cứu

Khi chú trọng tới nhóm người đối tượng ấy cần phải giải quyết vấn đề nạn mãi dâm, mà không bỏ qua nhãn quan của Kitô giáo về đời sống, với các nhóm trẻ ở học đường, giáo xứ và gia đình để khai triển nhũng tư tưởng đứng đắn về những mối liên hệ nhân bản, về giống tính, về việc tôn trọng, về phẩm giá, về nhân quyền và về tính dục. Dĩ nhiên, thành phần huấn luyện viên và giáo dục viên cần phải chú ý tới môi trường về văn hóa ở những nơi họ hoạt động. Tuy nhiên, họ không được để cho họ có một thứ cảm quan lung túng ngại ngần làm ngăn trở họ trong việc dấn thân đối thoại một cách thích hợp về những đề tài ấy để giúp vào việc nhận thức và quan tâm tới vấn đề sử dụng và lạm dụng tình dục và tình yêu.

Mối liên kết giữa bạo lực và “chế độ phụ hệ” cùng tác dụng của cả hai thứ này trên nữ giới cần phải được khám phá ra và suy nghĩ ở mọi tầng cấp xã hội, nhất là liên quan tới những tác dụng của chúng đối với đời sống gia đình. Những sự hàm chứa cụ thể của việc bạo lực tại gia cần phải được rõ ràng điểm danh ở cả trường hợp nam nhân và nữ giới.

Hiện tượng phức tạp này về dung nhan nữ giới của vấn đề di dân cần phải được nghiên cứu làm sao để vừa tôn trọng cả phẩm giá lẫn quyền lợi của họ.

Việc giáo dục và nâng cao nhận thức là những gì quan trọng để ngăn chặn tình trạng bất công về giống tính và để kiến tạo tình trạng bình đẳng theo chiều hướng hỗ tương và những khác biệt chính đáng. Cả nam nhân và nữ giới cần phải nhận thức về cách thức nữ giới bị khai thác và cần biết đến quyền lợi cũng như trách nhiệm của họ.

Đặc biệt nam giới cần những thúc đẩy chú trọng tới vấn đề vi phạm đến nữ giới, vấn đế tính dục, vấn đề vi khuẩn và hội chứng liệt kháng, vấn đề làm cha và vấn đề gia đình, vấn đề tôn trọng và chăm sóc cho nữ giới và các em gái, vấn đề hỗ tương tính nơi các mối liên hệ, cùng vấn đề khảo sát cũng như nhận định về các tiêu chuẩn truyền thống của vai trò nam nhân.

Giáo Hội cần dạy và truyền bá giáo huấn về luân lý và xã hội, giáo huấn cho thấy những hướng dẫn rõ ràng về tác hành và kêu gọi dấn thân hoạt động cho công lý. Việc hoạt động ở các cấp độ khác nhau cho việc giải phóng nữ giới bụi đời, ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, là hành động của vai trò Kitô hữu đích thực, một diễn tả tình yêu đích thực Kitô giáo (x 1Cor 13:3). Cần phải thực hiện việc phát triển lương tâm Kitô giáo và xã hội cho dân chúng bằng việc rao giảng Phúc Âm cứu rỗi, bằng việc giảng dạy và bằng những việc huấn luyện khác nhau.

Việc huấn luyện các chủng sinh, tu sĩ nam nữ và linh mục trẻ là những gì cần thiết để họ có những khả năng và thái độ cần thiết trong việc hoạt động một cách cảm thương với cả nữ giới bị sa cơ lỡ bước vào nghề mãi dâm lẫn thành phần “thân chủ” của họ.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005

  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ