GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 16/10/2006

 TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Bài diễn văn của Tòa Thánh ở LHQ về việc giải giới vũ khí hạt nhân

?  Quyết Nghị Của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Trường Hợp Bắc Hàn Thử Nghiệm Nguyên Tử

?   Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI 

 

 

 

? Bài diễn văn của Tòa Thánh ở LHQ về việc giải giới vũ khí hạt nhân

 

Sau đây là bài diễn văn hôm Thứ Năm 5/10/2006 của ĐTGM Celestino Migliore, vị quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, ngỏ cùng ủy ban thứ nhất của Tổng Hội Đồng LHQ, được nhóm họp để tranh luận chung về các vấn đề nghị sự liên quan tới việc giải giới và nền an ninh quốc tế.

 

Chiến Tranh Không Có Hiệu Quả

 

Kính thưa bà chủ tịch,

 

Phái đoàn của chúng tôi xin gởi lời chúc mừng đến bà nhân dịp bà được tuyển bầu vào chức vụ này cùng với việc cam đoan sẽ nhiệt liệt ủng hộ bà và các đồng nghiệp trong cơ quan của bà.

 

Một mặt thì người ta cảm thấy nản lòng trong mùa hè 2006 này, bởi những cuộc xung đột, những hủy hoại và mất mát mạng sống. Cuộc Hội Thảo về Những Thứ Vũ Khí Nhỏ đã không mang lại hiệu quả gì cụ thể. Kho dự trữ các vũ khí hạt nhân với con số 27.000 vẫn còn ở mức báo động. Chi phí quân sự trên thế giới đã vượt qua một ngàn tỷ Mỹ kim hai năm liền.

 

Mặt khác lại có sự biến chuyển đang diễn ra trong lương tâm con người, khiến cho họ cảm thấy rằng chiến tranh là những gì vô hiệu. Lực lượng quân sự không mang lại thêm những lợi ích chung như được mong đợi. Những cuộc chiến mới đây đã buông thả những mãnh lực vẫn đang làm suy yếu đi các nền văn minh, và tình trạng đau khổ của nhân loại bởi đó mà ra là những gì bất khả bào chữa trong thời đại có đủ những cơ chế cho việc đàm phán, điều đình, hòa giải, và duy trì hòa bình.

 

Mặc dầu tình trạng ảm đạm hiện nay, nhưng cũng có những dấu hiệu tích cực có thể thấy được trong lãnh vực an ninh bao rộng hơn, như bản phúc trình của Ủy ban Vũ khí tiêu diệt hàng loạt đề cập đến. Những cuộc xung đột giữa các nước đang giảm bớt. Những nỗ lực duy trì an ninh đang ngăn cản việc bắn nhau ở nhiều nơi. Ủy ban Xây dựng hòa bình đã chuẩn bị để hỗ trợ các nước đang thoát khỏi cảnh chiến tranh, vì thế hạn chế nguy cơ trở lại tình trạng bạo lực. 

 

Ủy ban này, trong phạm vi của nó, nên giúp cộng đồng quốc tế tìm ra những lợi ích trong một thế giới ngày càng liên thuộc nhau. Để đạt được mục tiêu trên cần phải thực hiện việc đối thoại, và cần phải thực hiện việc đối thoại tốt đẹp hơn nữa trong các cuộc diễn đàn ở Liên hiệp quốc về việc giải giới. Lý do là vì hiện nay, cuộc tranh cãi này xem vẫn còn bị tắt nghẽn. Các cuộc bàn cải về các thứ vũ khí nhỏ và những loại vũ khí hạt nhân quá nhiều lần chỉ được thực hiện bằng những ngôn từ trừu tượng theo những lập trường sẵn định, cho thấy ít có dấu chỉ muốn sẵn sàng học hỏi.

 

Nếu nhấn mạnh đến chiều kích nhân bản là nền tảng cho vấn đề các thứ vũ khí nhỏ, thì có thể đạt tới Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí rất thiết yếu. Việc mỗi năm có đến 4 tỷ Mỹ kim vũ khí nhỏ được buôn bán là  những gì chưa được thế giới thỏa thuận một cách toàn diện. Thay vào đó là những phần chắp vá bao gồm những thứ luật xuất khẩu của quốc gia, những thứ luật mà người mua bán vũ khí vô lương tâm có thể tránh né. 640 triệu trong những thứ vũ khí này đang lưu hành trên thế giới này đang giết hay hay gây thương tật cho hàng chục nghìn người, tạo ra những cuộc khủng hoảng tị nạn, làm suy yếu luật pháp, và khiến nảy sinh ra một thứ văn hóa bạo lực mà không bị trừng phạt.

 

Đó là khía cạnh nhân bản của cuộc tranh luận về các thứ vũ khí nhẹ cũng có một tầm mức ảnh hưởng sâu xa đến trẻ em. Chắc chắn việc chú trọng tới một số rất đông những ai bị khổ đau gây ra bởi việc lan tràn bất hợp pháp các thứ vũ khí nhỏ là những gì thúc bách chúng ta đạt tới Hiệp Ước Mậu Dịch về Vũ Khí.

 

Tòa Thánh muốn dùng cơ hội này để lại một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy thành lập một cơ chế luật pháp bắt buộc với mục đích kiểm soát việc buôn bán tất cả các loại vũ khí thường, cũng như kiểm soát phương pháp và kỹ thuật sản xuất. Về khía cạnh này, phái đoàn chúng tôi ủng hộ bản thảo nghị quyết nhắm mục tiêu thành lập các tiêu chuẩn quốc tế chung trong việc nhập khẩu, xuất khẩu, và chuyển nhượng các vũ khí thường, đây là một bước tiến trong việc đạt được một cơ chế quy mô và ràng buộc cho cả thế giới về vấn đề ấy. Ngoài ra, chương trình Đăng ký vũ khí thường của LHQ là những gì cần phải được ủng hộ mạnh mẽ hơn. Có thêm sự minh bạch trong vấn đề vũ khí là điều thiết yếu, nếu chúng ta muốn tiến tới những biện pháp xây dựng niềm tin tưởng.

 

Cần phải đề xuất viêc đối thoại trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Sự cấp thiết của việc này ngày càng gia tăng. Gần đây, ông tổng bí thư đã cho hay thế giới đã tiến tới một giao điểm trong vấn đề này. Một lối có thể sẽ đưa chúng ta đến tình trạng leo thang các loại vũ khí hạt nhân bị hạn chế cũng như đến chỗ  quay qua sự tin tưởng nhau, đối thoại với nhau và thỏa thuận với nhau bằng việc đàm phán. Còn lối kia thì dẫn đến tình trạng thế giới ngày càng có các quốc gia cảm thấy rằng họ phải tự vệ bằng cách sở hữu những vũ khí hạt nhân, và đến chỗ gia tăng nguy cơ khủng bố bằng hạt nhân. Phái đoàn của chúng tôi đồng ý là cộng đồng quốc tế dường như chập choạng bước vào con đường thứ hai, không phải do sự lựa chọn tỉnh táo nhưng là do tính toán sai lầm, do việc bàn cãi bị tắc nghẽn, và tình trạng tê liệt trong các cơ chế đa phương trong việc xây dựng lòng tự tin tưởng và giải quyết vấn đề xung đột. 

 

Đây là một cáo trạng mạnh mẽ kêu gọi tất cả các thành phần liên quan phải dấn thân cách rõ ràng để thực hiện Hiệp Uớc Không Gia Tăng Vũ Khí Hạt Nhân, để tạo điều kiện cho sự ràng buộc của Hiệp Uớc Cấm Toàn Diện Việc Thử nghiệm, để đàm phán về một Hiệp Ước Ngăn Chặn Chất Liệu Phân Ly Phản Ứng Nguyên Tử, để hợp pháp hóa Những Bảo Đảm Vấn Đề An Ninh ở Lãnh Vực Tiêu Cực, và để tránh khỏi tình trạng khá báo động về vũ khí hạt nhân. Những bước tiến rất quan trọng này là những gì sẽ làm giảm nguy cơ sử dụng, hạn chế trường hợp người khủng bố sở hửu các vũ khí tiêu diệt, và gia tăng sự ủng hộ đối với việc chống tăng nhanh vũ khí hạt nhân.

 

Tòa Thánh đã lên tiếng nhiều lần về đề tài này, kêu gọi các chính phủ sở hửu vũ khí hạt nhân, công khai hay bí mật, hay là những chính phủ đang có kế hoạch chế vũ khí hạt nhân, hãy thay đổi hướng đi bằng những quyết định rõ rệt và cứng rắn, và hướng tới việc giải giới vũ khí hạt nhân. Các chính sách ngăn cản vũ khí hạt nhân, thường thấy trong Chiến tranh lạnh, có thể và cần được thay thế bởi những biện pháp giải trừ vũ khí cụ thể dựa trên việc đối thoại và đàm phán đa phương.

 

Xin cám ơn bà Chủ tịch.

 

Rev Anthony Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, theo tài liệu Anh ngữ được Zenit phổ biến ngày 6/10/2006

 

  

TOP

 

 

 ? Quyết Nghị Của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về Trường Hợp Bắc Hàn Thử Nghiệm Nguyên Tử

 

Hôm Thứ Bảy 14/10/2006, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bao gồm 15 quốc gia hội viên đã đồng loạt phê chuẩn Nghị Quyết 1718 cấm thực hiện việc buôn bán giữa các quốc gia hội viên của LHQ với Bắc Hàn liên quan tới những máy móc dụng cụ và chất liệu có thể sử dụng vào các thứ vũ khí đại công phá.

 

Sau khi bản nghị quyết này được đồng loạt chấp thuận, đại diện Bắc Hàn là Pak Gil Yon đã nói rằng xứ sở của ông ta “hoàn toàn phủ nhận nghị quyết bất khả chính đáng này”, và thề rằng nếu Hiệp Chủng Quốc cứ gia tăng “việc khăng khăng gây áp lực trên Nhân Dân Dân Chủ của Nền Cộng Hòa Đại Hàn DPRK (Democratic Peoples of the Republic of Korea), thì DPRK sẽ tiếp tục có những phản ứng nghịch về thể lý, coi đó là một thứ tuyên chiến”. Sau khi nói như thế, vị này đã rời phòng họp.

 

Theo vị đại sứ của Hoa Kỳ ở LHQ là John Bolton thì bản Quyết Nghị 1718 này có những điểm chính yếu sau đây:

 

Cấm việc buôn bán với Bắc Hàn liên quan tới các thứ vũ khí đại công phá hay máy móc dụng cụ có mục đích quân sự cỡ lớn;

 

Ngăn chặn việc di chuyển của các viên chức chính phủ Bắc Hàn có liên quan tới những nỗ lực chế tạo các thứ vũ khí đại công phá;

 

Bao gồm cả việc cấm “những sản vật xa xỉ”;

 

Tấn công việc tài trợ các chương trình vũ khí bằng “các hoạt động tội ác như việc chuyển tiền, việc giả mạo và các thứ thuốc ngủ”;

 

“Áp đặt việc đòi buộc tất cả mọi quốc gia phần tử phải ra tay chống lại những hoạt động ấy và phải ngăn chận những tài sản của các thực thể cùng các cá nhân của Bắc Hàn”;

 

cung cấp một cơ cấu thanh tra để “bảo đảm việc tuân hợp những nghị khoản được căn cứ vào những gì hiện hữu của Hoạt Động Gia Tăng An Ninh”;

 

Đòi buộc Bắc Hàn không được thực hiện các việc thử nguyên tử hay bắn các đầu đạn tầm xa;

 

Đòi buộc Bắc Hàn phải hủy bỏ tất cả mọi chương trình vũ khí đại công phá. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo CNN ngày 15/10/2006 bài “Bolton: Ball is in North Korea's court”

 

 

TOP

 

 

?  Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Hướng về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với 2 chuyến tông du lịch sử - Đức Quốc và  Thổ Nhĩ Kỳ

 

(tiếp 13 Thứ Sáu, 14 Thứ Bảy 15 Chúa Nhật về Bối Cảnh và Vấn Nạn Lịch Sử)

 

Giáo Hoàng và Tông Du Mục Vụ

 

Đúng thế, theo thiên định của Đấng là Chủ Tể Lịch Sử loài người, cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 cần phải xuất hiện một vị Giáo Hoàng xuất thân từ một nước cộng sản là Balan, đó là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, với giáo triều dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội Kitô Giáo, với 26 năm rưỡi. Theo diễn tiến của lịch sử cho tới nay, thì vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được sai đến với sứ mạng liên quan tới thế giới Cộng Sản nói chung và Cộng Sản Đông Âu nói riêng, một khối cộng sản đã tự động sụp đổ vào năm 1989, bắt nguồn từ chính đất nước Balan của ngài, một cách hoàn toàn ngỡ ngàng trước mắt thế giới tư bản là thế giới vẫn bất lực trước nỗ lực muốn tiêu diệt thế giới cộng sản trong cuộc Chiến Tranh Lạnh Cold War. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất sứ vụ của mình và vĩnh viễn ra đi, hay sau khi đã dẫn Giáo Hội Công Giáo nói riêng và Kitô Giáo nói chung tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô Giáo qua ngưỡng cửa Đại Năm Thánh 2000, vị Giáo Hoàng này còn chứng kiến thấy một biến cố liên quan tới một cuộc chiến tranh mới, nguy hiểm hơn và khủng khiếp hơn nữa, khởi đi từ Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001. Đó là lý do, trong Sứ Điệp Hòa Bình cho ngày 1/1/2003, với chủ đề “Hòa Bình Không Thể Thiếu Công Lý, Công Lý Không Thể Thiếu Thứ Tha”, (ở đoạn 4-7), ngài đã chẳng những nhận định về loại chiến tranh khủng bố này mà còn đưa ra cả sách lược chống lại nữa, một sách lược liên quan tới thế giới Tây phương, như sau:

 

"Chính vì hòa bình phát xuất từ công lý cũng như từ thứ tha mà hôm nay đây nó đã bị cuộc khủng bố thế giới tấn công. Trong những năm vừa rồi, nhất là từ khi kết thúc tình trạng Chiến Tranh Lạnh, công cuộc khủng bố đã phát triển thành một hệ thống tổ chức tinh vi về cấu kết chính trị, kinh tế và kỹ thuật, một kết cấu vượt ra ngoài lãnh địa quốc gia, tới chỗ bao trùm toàn thể thế giới.

 

"Khi những tổ chức khủng bố sử dụng những tay sai của mình như khí cụ để khai chiến chống lại người vô phương chống đỡ và ngay lành là họ rõ ràng chứng tỏ cho thấy họ đang nung nấu một ý muốn sát hại. Khủng bố phát xuất từ hận thù và gây ra tình trạng cô lập, ngờ vực và khép kín… Khủng bố xẩy ra là do lòng khinh thường sự sống con người. Bởi thế, nó không chỉ gây ra những tội ác bất khả dung, mà tự mình nó còn là một tội ác phạm đến nhân loại nữa, bởi nó dùng đến những đường lối khủng bố về chính trị và quân sự" (đoạn 4)

 

"Thế nên, cần phải có quyền tự vệ đối với hành động khủng bố, một quyền bao giờ cũng phải thi hành bằng cách tôn trọng những giới hạn về luân lý và pháp lý, trong việc chọn lựa giữa cùng đích và phương tiện. Lỗi lầm cần phải nhận diện một cách xác đáng, vì tính chất vấp phạm tội ác bao giờ cũng thuộc về cá nhân, không thể qui cho cả một dân nước, cả một nhóm chủng tộc hay tôn giáo có phần tử là những người khủng bố. Việc quốc tế hợp tác vào việc chống lại những hoạt động khủng bố cũng đòi phải là một việc làm chính trị đầy can đảm và quyết tâm, một việc dấn thân về ngoại giao và kinh tế, để làm giảm bớt những tình trạng đè nén và hất hủi là những gì sinh ra mưu cơ tác hành của thành phần khủng bố.

 

(Biệt chú của người dịch: những ý tưởng đoạn trên đây có thể được hiểu là một lời nhận định cùng nhắc nhở về phản ứng tấn công của Tây phương, qua Hoa Kỳ, trong chiến dịch bài trừ khủng bố ở A Phú Hãn bắt đầu từ ngày 7/10/2001, một chiến dịch đã chẳng những không "thi hành bằng cách tôn trọng những giới hạn về luân lý và pháp lý, trong việc chọn lựa giữa cùng đích và phương tiện. Lỗi lầm cần phải nhận diện một cách xác đáng, vì tính chất vấp phạm tội ác bao giờ cũng thuộc về cá nhân, không thể qui cho cả một dân nước, cả một nhóm chủng tộc hay tôn giáo có phần tử là những người khủng bố", mà còn không để ý gì tới nguyên nhân sâu xa của nạn khủng bố liên quan tới "những tình trạng đè nén và hất hủi" do chính thế giới văn minh đầy những cường quốc gây ra).

 

"Ngoài ra, cũng cần phải nhấn mạnh là tình trạng bất công hiện nay trên thế giới không bao giờ được lấy đó là cớ cho những hành động khủng bố cả" (đoạn 5)

 

"Những ai sát hại bằng những hành động khủng bố là những người thực sự thất vọng về nhân loại, về sự sống cũng như về tương lai. Theo quan niệm của mình, họ cần phải ghét bỏ và hủy diệt tất cả mọi sự. Những người khủng bố chủ trương rằng sự thật mà họ tin tưởng hay khổ đau họ phải chịu đựng là tất cả những gì biện minh cho phản ứng của họ trong việc hủy hoại ngay cả những mạng sống vô tội. Hiện tượng khủng bố thường là hậu quả của khuynh hướng cực đoan bảo thủ cuồng loạn phát xuất từ niềm tin tưởng rằng quan điểm riêng của mình về sự thật cần phải bắt mọi người khác phải chấp nhận… Việc cố gắng dùng võ lực để áp đặt trên người khác những gì chúng ta cho là chân lý là một hành động phạm đến phẩm vị con người, đúng hơn phạm đến Thiên Chúa mà con người là hình ảnh của Ngài. Vì lý do ấy, những gì thường được nói đến như là khuynh hướng cực đoan bảo thủ đều là những thái độ thực sự phản lại niềm tin vào Thiên Chúa. Việc khủng bố không lợi dụng người ngay lành mà là chính Thiên Chúa, ở chỗ, nó cố ý biến Ngài thành một ngẫu tượng để thực hiện mục đích riêng tư của mình" (đoạn 6). 

 

"Bởi thế mà không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào có thể bỏ qua được hành động khủng bố, lại càng không truyền dạy khủng bố. Khi tuyên bố mình nhân danh Thiên Chúa để khủng bố, để bạo hành người khác, là việc làm tục hóa đạo giáo.

 

"Tuân theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa Giêsu, Kitô hữu tin rằng việc tỏ lòng xót thương là việc sống chân lý cuộc đời của mình… Thành phần môn đệ theo Đức Kitô, thành phần được rửa trong Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh cứu độ của Người, bao giờ cũng phải là những con người nam nữ của lòng xót thương và tha thứ" (đoạn 7)

 

(còn tiếp) 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ