GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 31/1/2006

 Tuần 4 Thường Niên

 

?   MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA (tiếp) - 4.- MÙA XUÂN VIÊN MÃN

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ (11-13)

?  Thái Độ Chiến Thắng của Thành Phần Lãnh Tụ Đảng Hamas trước Phản Ứng của Tây Phương

 

 

 

?  MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA - 4.- MÙA XUÂN VIÊN MÃN
 

(Tiếp 28 Thứ Bảy, 29 Chúa Nhật 30 Thứ Hai)

 

ùa    Mùa Xuân Nguyên Thủy, "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", cho dù có hội đủ 3 yếu tố chính là "mới mẻ" của thời gian, "tươi trẻ" nơi không gian và "vui vẻ" cho nhân gian, để làm nên Mùa Xuân Đích Thực, vẫn không phải là Mùa Xuân Muôn Thuở. Bởi vì, Mùa Xuân Nguyên Thủy đã không còn nữa, đúng hơn, đã biến thái (deformed) thành "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội", một trong "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay".

Trái lại, nơi "Mùa Xuân Maria", 3 yếu tố chính làm nên Mùa Xuân Đích Thực, chẳng những không mất, mà còn trở thành "viên mãn", trở thành bất diệt, để "Mùa Xuân Maria" không còn là gì khác hơn là chính "Mùa Xuân Muôn Thuở". "Mùa Xuân Maria" là "Mùa Xuân Muôn Thuở" vì bản chất "viên mãn" của mình như thế, trước hết là do bởi "Con Đấng Tối Cao" (Lc 1:32), Chúa của "Mùa Xuân Viên Mãn", và sau nữa, là nhờ ở chính Maria, "người đã tin" (Lc 1:45), Hồn của "Mùa Xuân Muôn Thuở" này.

"Mùa Xuân Viên Mãn" là do Chúa Xuân. Trước khi con người có, đã có Mùa Xuân Nguyên Thủy, Mùa Thái Hòa Trời Đất. Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, với quyền "làm chủ trái đất", ngay "từ ban đầu", con người có thể được coi là chủ của mùa xuân, chủ của Mùa Xuân Nguyên Thủy này. Nói cách khác, Mùa Xuân Nguyên Thủy có là để cho con người, và nếu không có con người, Mùa Xuân Nguyên Thủy sẽ không cần có hay có cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Cũng thế, trước khi "Ngôi Lời hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đã có "Mùa Xuân Maria". "Là trưởng tử mọi tạo vật" (Col 1:15), và "trong Người mà mọi sự trên trời dưới đất được tạo thành... tất cả được tạo thành nhờ Người và cho Người" (Col 1:16), Người cũng chính là Chúa Xuân, Chúa của "Mùa Xuân Maria". "Mùa Xuân Maria" sẽ không bao giờ có, nếu không có và không cho vị Chúa Xuân là Con Đấng Tối Cao.

Thế nhưng, Mùa Xuân Nguyên Thủy, tức "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" đã bị bàn tay lông lá của tà thần cũng như của con người là chủ nó làm tàn úa. Trái lại, "Mùa Xuân Maria" lại được chính tổng thần Gabriel cung kính chúc tụng: "Kính mừng đầy ơn phúc" (Lc 1:28), được bao phủ bởi "quyền phép Đấng Tối Cao" (Lc 1:35), và được "thụ thai...Con Đấng Tối Cao" (Lc 1:31-32). Vị Chúa Xuân là "Quả phúc của lòng Mẹ" (Lc 1:42) này, khi được đầu thai, cưu mang và sinh hạ bởi Mẹ, chẳng những không tác hại "Mùa Xuân Maria" đồng trinh vô nhiễm, mà còn làm viên mãn "Mùa Xuân Maria" của mình nữa.

Là "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể...đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14,16), "đến cho chiên được sống và được sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10), "sự viên mãn của Người là Đấng làm trọn vẹn tất cả mọi phần của hoàn vũ" (Eph 1:23), vị Chúa Xuân này chắc chắn đã làm "Mùa Xuân Maria" của mình "viên mãn" trước hết và trên hết. Mức độ "viên mãn" của "Mùa Xuân Maria" do Chúa Xuân Giêsu tạo nên đã làm cho thai nhi tiền hô Gioan "nhảy mừng" (Lc 1:41), cho thai mẫu của Gioan được "đầy Thánh Linh và kêu lên lớn tiếng" (Lc 1:42), cho cả người phụ nữ không hề biết Mẹ cũng "kêu lên: 'Phúc cho lòng đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú'" (Lc 11:27), và còn cho "mọi đời về sau sẽ chúc khen (Mẹ) diễm phúc" (Lc 1:48).

Như thế, "Mùa Xuân Maria" chẳng những là của Chúa Xuân Giêsu Kitô mà còn cho chung tất cả mọi người và mọi thời, cho riêng Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô nữa, và qua việc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, "cho tất cả mọi tạo vật" (Mc 16:15) "đã phải chịu lụy thuộc trong cảnh hư hoại ngoài ý muốn của mình... đang ngong ngóng...chia sẻ tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa" (Rm 8:20,19,21).

"Mùa Xuân Viên Mãn" là nhờ Hồn Xuân. "Mùa Xuân Maria" chẳng những "viên mãn" do Chúa Xuân là Chúa Giêsu, mà còn nhờ Hồn Xuân là chính Đức Tin của Trinh Nữ "đầy ơn phúc".

Không phải vì được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhờ đó, không có đam mê tình dục, không có khuynh hướng phạm tội, mà Mẹ Maria không có thử thách (cám đỗ) và không thể phạm tội. Nếu thế thì đã không có Nguyên Tội khi hai nguyên tổ còn ở trong Sự Công Chính Nguyên Thủy, trong tình trạng vô tội và không biết đến tội lỗi là gì. Đặt trường hợp Trinh Nữ "đầy ơn phúc", vì bất cứ lý do gì, một khi đã biết rõ ý định của Thiên Chúa về mình và cho mình như sứ thần trình bày, không chịu thưa "xin vâng" (Lc 1:38), thì Người có còn đáng nhận lời chúc tụng của mẹ thai nhi tiền hô Gioan hay không: "Phúc cho Người là vị đã tin rằng lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện" (Lc 1:45).

Phải, chính nhờ Đức Tin là "Hồn Xuân" này mà "Mùa Xuân Maria" chẳng những không tự tàn héo, mà càng trở thành "Mùa Xuân Viên Mãn", đúng như ngụ ý của câu Chúa Giêsu trả lời người phụ nữ lạ khen tụng Mẹ Người: "Phúc hơn cho người nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy" (Lc 11:28). Đôi tân hôn cùng với khách dự tiệc cưới ở Cana là những người đã không ngờ được thưởng thức một thứ rượu ngon hơn thứ rượu đã hết của họ. "Thứ rượu ngon hơn" này chắc chắn sẽ làm cho họ "vui vẻ" trọn vẹn hơn và hoàn toàn hơn, không phải là nhờ có Mẹ Maria hay sao!?! Đâu có Mẹ ở đấy có hy vọng, có niềm vui, có sự sống. Là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ chính là "Mẹ Sự Sống" (x.STK 3:20, Gioan 14:6, 1Gioan 1:2).

"Mùa Đông Lịch Sử": Sự Chết. Thế giới hiện đại, thế giới ngay trước ngưỡng cửa của đệ tam thiên niên (mà năm 2001 là năm đầu tiên mở màn) theo Tây Lịch này cũng có thể tìm thấy Sự Sống nơi "Mùa Xuân Viên Mãn" Maria. Nhân loại về cuối đệ nhị thiên niên và từ giữa thập niên cuối cùng của kỷ nguyên thứ hai đang ở vào giai đoạn "lịch sử mùa đông".

Thật vậy, nhờ khoa học siêu đẳng và kỹ thuật tối tân, con người ngày nay xa dần thiên nhiên, không còn phải lao động "đổ mồ hôi" nhiều nữa, như lúc con người đang ở trong giai đoạn "lịch sử mùa hè" là giai đoạn tiền sử và bán khai, giai đoạn lịch sử mà lúc gay gắt nhất là lúc Con Thiên Chúa "đổ mồ hôi máu nhỏ xuống đất" (Mt 22:44) và lúc chính ngọ là lúc ánh sáng phục sinh của Mặt Trời Công Chính chiếu giãi. Thế nhưng, thực tế cho thấy, càng xa thiên nhiên, càng gần nhân tạo, càng tự động (autonomy), càng tự do (right of freedom), càng tự nhiên (naturalism), con người hình như càng xa Đấng Hóa Công, càng bại hoại về luân lý, như xã hội loài người đã từng trải qua giai đoạn "lịch sử mùa thu" từ đầu thế kỷ 19, giai đoạn kỹ nghệ mở màn.

Những hiện tượng đang xẩy ra cho thấy từ hậu bán thế kỷ 20, khởi sự từ thập niên 1960, con người bắt đầu đi vào giai đoạn "lịch sử mùa đông". Mùa đông là mùa lạnh lẽo và tối tăm, những biểu tượng của sự chết. Hơn bao giờ hết, ngày nay người ta trực tiếp ra tay giết nhau: các cường quốc giết nhau qua hai trận Thế Chiến I và II, các chủng tộc giết nhau như đang diễn ra ở Âu Châu cũng như Phi Châu, thậm chí, các thầy thuốc vốn làm nghề cứu nhân độ thế cũng biến thành thợ giết bệnh nhân "vì nhân đạo", giết thai nhi vì tôn trọng quyền tự do (pro-choice) của người mẹ v.v. Người ta giết nhau như thế là do tình trạng "lạnh", lạnh kiểu "thương hàn", lạnh từ trong ra, lạnh tình, lạnh cảm. Họ không còn biết yêu, đúng hơn, không có tình yêu: "Ai không yêu thương thì ở trong sự chết. Ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân" (1Gioan 3:14-15).

"Mùa Xuân Viên Mãn": Sự Sống. Thế nhưng, theo chu kỳ của thời gian, sau giai đoạn "lịch sử mùa đông", biểu hiệu cho sự chết, sẽ là và phải đến giai đoạn "lịch sử mùa xuân", biểu hiệu cho sự sống cũng là dấu hiệu của sự sống: "Sự chết giống như một giấc ngủ triền miên của vũ trụ khi mùa đông tới chờ sang xuân mới thức dậy. Đối với thiên nhiên cũng như đối với các linh hồn, đó là bình minh của phục sinh". Chúa Giêsu đã nói với người nữ sứ giả giáo dân Magarita của Người trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu ngày 18-11-1966 như thế.

Chúa Cứu Thế đã không giáng sinh vào mùa đông cách đây 2000 năm hay sao? Giữa mùa đông giá buốt, tối tăm, mù mịt đêm hôm ấy, đã không hiện lên những dấu chỉ của một mùa xuân hay sao: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm" (Lc 2:14). Phải chăng giai đoạn "lịch sử mùa đông" càng ngày càng rùng rợn và kinh hoàng trên thế giới hiện nay chính là "những điềm thời đại" (Mt 16:3) báo hiệu Chúa Kitô sắp tái giáng?

Không ai dám quả quyết và biết chắc được lúc nào tận thế. Tuy nhiên, những biến cố liên quan đến lịch sử thế giới nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng trong thế kỷ 20 này, không phải hay sao, là "những điềm trời" (Mt 16:1) đã hiện lên báo động. Bức tường Bá-Linh sụp đổ ngày 9-11-1989 ngay sau biến cố Đông Âu 1989 không phải là "điềm trời" báo hiệu giai đoạn "lịch sử mùa đông" đang tan dần như một tảng băng tuyết trên miền bắc cực của trời đất (cũng là địa thế của Liên Bang Sô Viết trên bản đồ thế giới) hay sao? Thế nhưng, theo thú nhận của chính nhà lãnh đạo vô thần cuối cùng của chế độ Cộng Sản Sô Viết, cũng là nhân vật chủ chốt gây nên cuộc sụp đổ ở Đông Âu, thì hiện tượng cộng sản tự giải thể, như tảng băng tuyết tan dần này là do vai trò chủ chốt của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, và Đức Thánh Cha lại qui về Biến Cố Fatima, như ngài minh định trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của ngài.

Phải, nhờ ảnh hưởng 25 năm Biến Cố Fatima mới có cuộc hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 31-10-1942 do Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Cuộc hiến dâng quyết liệt liên quan đến vận mệnh của thế giới này được trọn vẹn kết thúc vào ngày 25-3-1984 do Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cùng với hàng giáo phẩm thế giới thực hiện. Song song với việc làm chủ yếu trên đây của thẩm quyền Giáo Hội, còn có phong trào Mẹ Thánh Du Quốc Tế từ ngày 13-5-1947, đến nay vẫn liên tục tiếp diễn khắp nơi trên thế giới. Tất cả những diễn tiến đó, không phải hay sao, đều là "những điềm trời" báo hiệu "Mùa Xuân Maria", "Mùa Xuân Muôn Thuở", Mùa Xuân Viên Mãn Chúa Kitô, "Đấng một lần đã chết nhưng hiện vẫn sống muôn đời" (KH 1:18). "Mùa Xuân Maria" ấy đang tưng bừng mở hội cho một Mùa "Trời Mới Đất Mới" (KH 21:1) là Thời "Canh Tân Mọi Sự" (KH 21:5).

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL  

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU  (tiếp)

 

PHẦN NHẤT

 

MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

 

 

11.       Cái mới mẻ đầu tiên của đức tin Thánh Kinh, như chúng ta đã thấy, là ở hình ảnh về Thiên Chúa của niềm tin này. Cái mới mẻ thứ hai, liên quan thực sự tới cái mới mẻ thứ nhất vừa rồi, là ở hình ảnh về con người. Trình thuật của Thánh Kinh về việc tạo dựng nói tới cảnh cô đơn của Adong, con người tiên khởi, và việc Thiên Chúa quyết định ban cho con người này một trợ hữu. Trong tất cả mọi loài tạo vật, không có một loài nào có thể trở thành trợ hữu như con người cần, cho dù con người đã đặt tên cho tất cả mọi muông thú và chim trời, do đó đã biến chúng hoàn toàn trở thành những gì thuộc về cuộc sống của con người. Bởi vậy Thiên Chúa đã hình thành người nữ từ xương sườn của con người. Thế là Adong thấy được người trợ hữu cần thiết: “Cuối cùng thì đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (Gen 2:23). Ở đây, người ta có thể thấy được, chẳng hạn, cái dấu vết tư tưởng nơi huyền thoại được triết gia Plato đề cập tới, một huyền thoại cho rằng con người ban đầu là hình cầu, vì con người tự mình toàn vẹn và sung túc. Thế nhưng, vì bị trừng phạt bởi tội kiêu căng ngạo mạn, con người bị thần Zeus phân chia làm đôi, để rồi con người mong muốn có được một nửa khác của mình, cố gắng hết sức để chiếm hữu lấy cái nửa mình này, để rồi phục hồi lại được tính chất nguyên vẹn của mình (Plato, Symposium, XIV-XV, 189c-192d). Vì trình thuật Thánh Kinh không hề nói tới vấn đề trừng phạt mà ý nghĩ này thực sự cho thấy rằng con người thiếu hụt làm sao ấy, họ được bản tính thúc đẩy đi tìm kiếm một cái gì khác làm cho họ trở thành toàn thể, một ý nghĩ mà chỉ có ở nơi mối hiệp thông với thực thể dị tính họ mới có thể được “toàn vẹn”. Bởi thế trình thuật Thánh Kinh mới kết thúc bằng một lời tiên báo về Adong rằng: “Thế là người nam rời bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ để cả hai trở nên một xác thịt” (Gen 2:24).

 

Hai khía cạnh của ý nghĩ này là những gì quan trọng. Khía cạnh thứ nhất, eros – tình ái là những gì bắt nguồn một cách nào đó từ chính bản tính của con người; Adong là một kẻ tìm kiếm, người “lìa bỏ cha mẹ mình” để tìm gặp người nữ; chỉ bao giờ cùng nhau chung sống cả hai mới biểu hiện cho một nhân loại trọn vẹn và mới trở nên “một xương thịt”. Khía cạnh thứ hai cũng quan trọng như thế. Từ quan điểm tạo dựng, eros – tình ái hướng con người tới đời sống hôn nhân, tới một mối thắt kết đặc thù và tận tuyệt; bởi thế, và chỉ vì thế, nó mới thực sự làm trọn mục đích sâu xa nhất của mình. Tương đương với hình ảnh về một Vị Thiên Chúa độc thần là đời sống hôn nhân đơn thê. Hôn nhân được xây dựng trên một tình yêu độc chiếm và tận tuyệt trở thành hình ảnh cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài cũng như ngược lại. Đường lối yêu thương của Thiên Chúa trở thành mức đo lường tình yêu thương của con người. Thực tế cho thấy, văn chương ngoài Thánh Kinh không có những gì giống như mối liên hệ chặt chẽ này giữa eros – tình ái và hôn nhân trong Thánh Kinh.

 

Chúa Giêsu Kitô – Lời Nhập Thể của Thiên Chúa

 

12.       Mặc dù cho tới đây chúng ta đã nói chính yếu về Cựu Ước, nhưng tính cách thấm nhiễm nhau giữa hai Giao Ước như một Thánh Kinh duy nhất của đức tin Kitô Giáo đã từng là những gì hiển nhiên. Cái mới mẻ thực sự của Tân Ước không phải ở những tư tưởng mới cho bằng ở hình ảnh về chính Chúa Giêsu, Đấng hiến huyết nhục cho những quan niệm ấy – tức làm cho chúng trở thành một hiện thực chưa từng có. Ở Cựu Ước, cái mới mẻ của Thánh Kinh không chỉ ở tại những ý niệm trừu tượng mà là ở nơi hoạt động bất khả ngờ và có thể chưa từng có của Thiên Chúa. Hoạt động thần linh này giờ đây được mặc một hình thức cảm kích khi, chính Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Kitô, đi tìm kiếm “con chiên lạc”, tức tìm kiếm một nhân loại khổ đau và lạc loài. Khi Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn của Người về vị mục tử tìm kiếm con chiên lạc, về người đàn bà tìm kiếm đồng xu bị mất, về người cha đi gặp mặt và ôm chầm lấy đứa con trai hoang đàng của ông, thì những dụ ngôn ấy không phải chỉ là những lời xuông, vì chúng là những gì cho thấy chính hữu thể và hoạt động của Người. Cái chết của Người trên Thập Giá là tột đỉnh của những gì làm cho Thiên Chúa quay ra chống lại chính Người, một thái độ Người hiến mình để nâng con người lên và cứu độ con người. Đó là tình yêu mặc một hình thức cực đoan nhất. Bằng việc chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (x 19:37), chúng ta có thể hiểu khởi điểm của bức Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu (1Jn 4:8) này. Chính ở nơi đó mà sự thật này có thể được ngắm. Chính từ đó mà việc chúng ta định nghĩa về tình yêu được bắt đầu. Nơi việc chiêm ngắm này, Kitô hữu khám phá ra con đường mà cuộc đời và tình yêu của họ cần phải trải qua.

 

13.       Chúa Giêsu đã ban cho tác động tế hiến này một sự hiện diện liên tục bằng việc thiết lập Thánh Thể ở Bữa Tiệc Ly. Người đã thể hiện trước cuộc tử nạn và phục sinh của Người bằng việc ban cho các môn đệ của Người, nơi bánh và rượu, chính bản thân Người, mình và máu của Người như là một thứ manna mới (x Jn 6:31-33). Thế giới cổ thời đã lờ mờ nhận thấy rằng lương thực đích thật của con người – những gì thực sự nuôi dưỡng một con người như họ – tối hậu là Logos - Lời, là khôn ngoan hằng hữu: chính Logos – Lời này giờ đây trở nên lương thực cho chúng ta – như là tình yêu thương. Thánh Thể đưa chúng ta vào tác động tự hy hiến của Chúa Giêsu. Thay vì lãnh nhận Logos – Lời nhập thể một cách thiếu sống động, chúng ta tham phần vào chính cái sinh động của việc tự hiến của Người. Hình ảnh về cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và Yến Duyên giờ đây được hiện thực một cách không thể ngờ được trước đó, ở chỗ, nó đã nhắm đến việc đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa, giờ đây nó được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa qua việc thông phần vào việc hiến mình của Chúa Giêsu, tham dự vào mình máu của Người. “Cái mầu nhiệm” về bí tích này, một mầu nhiệm được bắt nguồn từ việc Thiên Chúa chiếu cố tới chúng ta, tác động ở một tầm mức hoàn toàn khác nhau, và là những gì nâng chúng ta lên đến những đỉnh rất cao, hơn cả những gì từng khả đạt bởi bất cứ cuộc thăng hóa thần bí nào của con người.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Thái Độ Chiến Thắng của Thành Phần Lãnh Tụ Đảng Hamas trước Phản Ứng của Tây Phương

 

Trước phản ứng của Do Thái và Hoa Kỳ về biến cố thắng cử chính trị trong cuộc tuyển cử quốc hội hôm Thứ Năm 26/1/2006 vừa rồi, với 76 trong 132 ghế trong Hội Đồng Lập Pháp Palestine (Đảng Fatah đương nhiệm kéo dài 40 năm chỉ chiếm được có 43 ghế và các đảng khác được 13), một phản ứng đòi Đảng Hamas phải từ bỏ đường lối võ lực và giải giới, bằng không Do Thái sẽ không thương thuyết và Hoa Kỳ sẽ không viện trợ cho một Đảng phái được liệt kê vào loại khủng bố, các nhà lãnh đạo chính trị của Đảng này đã lên tiếng đáp ứng như sau.

 

Trước hết là vào hôm Thứ Bảy 28/1/2006, Khaled Mashaal, một lãnh tụ Hamas ở Damasco, Syria, cho biết Hamas sẽ không giải giới nhưng thay vào đó sẽ thành lập một lực lượng quân sự để bênh vực nhân dân Palestine: “Nếu quí vị không thích chiến đấu tính của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng liên kết võ trang Palestine… và thiết lập một lực lượng quân sự như bất cứ một quốc gia nào khác”.

 

Hôm Thứ Sáu, 27/1/2006, Moussa Abu Marzouk, phó cục chính trị của Hamas đã thách thức về vấn đề giải giới như sau: “Âu Châu và Hiệp Chủng Quốc cần phải yêu cầu Do Thái rút khỏi Gaza, Tây Ngạn và Giêrusalem, theo luật lệ quốc tế, trước khi yêu cầu Hamas giải giới”.

 

Ngoài ra, đối với nhân dân Palestine, cách riêng thành phần vốn ủng hộ Đảng Fatah là thành phần hôm trước, Thứ Sáu, 27/1/2006, đã có 2000 người xuống đường biểu tình phản đối Đảng họ ủng hộ vì đã làm họ thất vọng, nhất là đòi đương kim Tổng Thống Abbas phải từ chức, vì ông này có vẻ mềm dẻo với Do Thái nên mới gây ra nông nỗi này, ông Khaled Mashaal, cũng vào ngày Thứ Bảy, đã trấn an họ rằng: “Chúng tôi không phải ở đây để loại trừ một ai. Chúng tôi đến làm thành phần đồng chí… Hamas đã tiếp tục kháng chiến thế nào thì nó cũng sẽ tiến hành việc cải cách như thế. Chúng ta đều là những kẻ thắng. Đây là một nét đậm trong lịch sử của họ cũng như trong lịch sử của quốc gia chúng ta”.

 

Còn đối với Đảng Fatah nói chung và đương kim Tổng Thống Abbas nói riêng, vị yêu cầu Đảng Hamas thành lập nội các và chính phủ, ông Mashaal cho biết bước đầu tiên là họ sẽ nói chuyện với Đảng Fatah cùng các viên chức của Thẩm Quyền Palestine khác: “Sẽ có những cuộc họp với Abu Mazen (tức Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine Mahmoud Abbas) trong và ngoài nước”.

 

Đối với phe Do Thái, cũng vị này cho biết cho dù Đảng Hamas không công nhận quốc gia Do Thái, nhưng “việc không chấp nhận họ không có nghĩa là chúng ta không thể đương đầu với các thực tại của họ… Do Thái hãy chấm dứt cuộc chiếm đóng hay cuộc chiến đấu này sẽ còn tiếp tục kéo dài”.

 

Hôm Chúa Nhật 29/1/2006, nhà lãnh tụ Hamas ở Gaza là Mahmoud al-Zahar đã nói với chương trình “Late Edition with Wolf Blitzer” của CNN rằng ông sẽ không muốn điều đình với Do Thái và muốn Do Thái phải rút khỏi các vùng đã chiếm đóng từ trận chiến 6 ngày năm 1967 vốn là vùng dân Palestine đã ở trước. Hiện nay có 6 triệu người Palestine phải sống ở các vùng lân cận bởi việc chiếm đóng này của Do Thái.

 

Trong khi đó Do Thái, trong cuộc họp nội các, vị xử lý thường vụ Thủ Tướng là Ehud Olmert đã đòi Hamas phải từ bỏ bạo lực mới thương thuyết với họ. Còn vị bộ trưởng quốc phòng Shaul Mofaz đã ban hành một cảnh báo với Hamas rằng nếu tổ chức này sử dụng các cuộc khủng bố tấn công thì sẽ bị “một cuộc tấn công chưa từng thấy”.

 

Từ thành Gaza, Zahar đã cho biết là nếu Do Thái “bằng lòng đáp ứng đòi hỏi của toàn dân chúng tôi trong việc rút khỏi các vùng chiếm đóng năm 1967; thả thành phần bị giam giữ của chúng tôi; ngưng việc tấn công; thực hiện việc liên nối về địa dư giữa Giải Gaza và vùng Tây Ngạn, thì bấy giờ, với sự bảo đảm từ các phía khác, chúng tôi sẽ chấp nhận thiết lập quốc gia độc lập của chúng tôi vào lúc ấy, và cho chúng tôi một hay hai, 10, 15 năm để ý đồ thực sự của Do Thái sau đó như thế nào.

 

Thế nhưng khi được hỏi việc Hamas kêu gọi hủy diệt Do Thái, vị này không nói đó có còn là mục đích của đảng này hay chăng, mà chỉ nói rằng: “Chúng tôi không nói đến tương lai, chúng tôi chỉ nói về hiện tại mà thôi”.

 

Vị này lập luận rằng Do Thái không thực sự muốn chấp nhận một quốc gia Palestine, bất chấp những thỏa ước quốc tế, trong đó có cả Lộ Trình cho Hòa Bình Trung Đông. Ông nói: “Nếu Do Thái sẵn lòng nói với dân chúng đâu là ranh giới chính thức thì sau đó chúng tôi sẽ trả lời cho vấn đề ấy”.

 

Các vị lãnh đạo đôi bên đã nói rằng vấn đề biên giới sau cùng cần phải được bàn luận bằng các cuộc thương thảo. Bởi thế, vị này đã nói: “Thương thảo không phải là mục đích của chúng tôi. Thương thảo chỉ là một phương pháp”.

 

Khi được hỏi Hamas có từ bỏ vấn đề khủng bố hay chăng, ông cho rằng vấn đề định nghĩa về khủng bố không công bằng, ở chỗ, Do Thái đang “sát hại dân chúng cùng trẻ em và đang loại trừ hệ thống canh nông của chúng tôi – đó là khủng bố. Khi các người Hoa Kỳ tấn công thế giới Ả Rập và Hồi Giáo, dù ở A Phú Hãn và Iraq và họ đang chơi ván bài đểu giả ở Lebanon, đó là khủng bố”. Ông cho rằng hamas là một “phong trào giải phóng”.

 

Vị này cũng cho rằng thành phần lãnh đạo Palestine trước đây thuộc đảng Fatah “thật là băng hoại” và xài những số tiền được viện trợ từ hải ngoại sai lệch. Theo vị này thì Hamas sẽ sử dụng tiện quốc tế để thực hiện việc tái thiết và tổ chức các cơ cấu cần thiết: “Chúng tôi cần đến số tiền ấy, thế nhưng phải là số tiền cho vô điều kiện”.

 

Vị này cũng phủ nhận những lời cáo giác của Hoa Kỳ và Do Thái cho rằng Palestine sử dụng tiền việc trợ của Iran, vì cả Iran (qua vị tân tổng thống nước này mới đây) và lẫn Hamas đều muốn hủy diệt Do Thái: “Chúng tôi không nhận tiền bạc gì từ Iran cả”.

 

Vì có tin rằng Hamas có dự tính thiết lập học đường nam nữ riêng thuộc lãnh thổ Palestine và triệt để áp dụng luật Hồi Giáo, nên vị này được hỏi là ông có dự định thành lập một chính phủ thần trị thay vì trần thế hay chăng, ông đáp: “Quí vị có nghĩ rằng cơ cấu trần thế … là cơ cấu phục vụ cho bất cứ quốc gia nào hay chăng?”

 

Theo ông nhận định là cơ cấu trần thế “đưa đến vấn đề đồng tính luyến ái, đến tình trạng băng hoại, đến việc lan tràn tình trạng mất đi tính cách miễn nhiễm tự nhiên như Hội Chứng Liệt Kháng. Chúng tôi ở đây sống dưới sự kiểm soát của Hồi Giáo. Sẽ không có gì thay đổi cả… Nếu quí vị cho rằng xã hội Hồi Giáo sẽ chống lại đời sống văn minh tân tiến thì tôi nghĩ rằng không đúng đâu”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 28-29/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ