GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 31/3/2006

 TUẦN IV MÙA CHAY

 

?  Giáo Hội quan tâm tới dự luật Di Dân của Hoa Kỳ

?  Tòa Thánh can thiệp vào vụ tử hình một tín đồ Hồi Giáo trở lại Kitô Giáo ở A Phú Hãn

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)

 

 

?  Giáo Hội quan tâm tới dự luật Di Dân của Hoa Kỳ

Các vị đại diện của Tòa Thánh và của Giáo Hội Công Giáo ở Mễ Tây Cơ đang chống lại dự luật về di dân của Hoa Kỳ, cho dự luật này là những gì phạm đến nhân quyền. Cuối tuần vừa qua, 25-27/3/2006, những người Mễ Tây Cơ thuộc nhiều thánh phố lớn ở Hoa Kỳ, nhất là ở Los Angeles, đã xuống đường cả nửa triệu người để biểu tình chống dự luật mang tên của nhà lập pháp Sensenbrenner này.

Có 3 giải pháp Thượng Viện sẽ phải quyết định: thứ nhất là xây một bức tường dài 1 ngàn cây số hay 620 dặm dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ và ghép thành phần di dân trái phép vào trường hợp vi phạm trọng tội; thứ hai là việc ân xá ôn hòa, và thứ ba là qui chế lao động chứ không ân xá.

Hôm Chúa Nhật 26/3/2006, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo California đã kêu gọi cải cách toàn bộ vấn đề di dân, bao gồm cả việc hợp thức hóa do thành phần lao công bất hợp pháp tranh đấu có được. Ngoài ra, các vị còn nhấn mạnh đến cả một chương trình cho thành phần lao công tạm thời và một qui chế đoàn tụ gia đình của họ.

Đức Giám Mục José Guadalupe Martín Rábago giáo phận Leon đã kêu gọi Tổng Thống Mễ là Vicente Fox hãy kêu gọi đồng bạn Hoa Kỳ của mình tôn trọng nhân quyền của những người Mễ Tây Cơ làm việc ở Hoa Kỳ. Ông Fox sẽ gặp ông Bush trong tuần này ở Cancun.

Vị giám mục này nói rằng đây không phải là lúc “dựng lên những bức tường mà là những chiếc cầu cho phép việc hội nhập của các quốc gia cho việc phát triển hỗ tương, vì lợi ích của dân chúng đôi bên”.

Đức Giám Mục Marcelo Sánchez Orondo Á Căn Đình, chưởng ấn của Học Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Xã Hội Học, đang tham dự một cuộc hội luận về di dân ở Mễ Tây Cơ, cho biết là Tòa Thánh Rôma rất quan tâm tới dự luật này:

“Con người không được sinh ra để gắn liền với một mảnh đất. Tất cả mọi người đều lúc nào cũng tiến bước, tất cả mọi người đều là thành phần di dân. Các cánh cửa không thể lại khép lại không cho họ vào. Nó là những gì đi ngược lại với trật tự thiên nhiên, ngược lại với trật tự Kitô Giáo, nhất là với những ai làm việc, vì tất cả chúng ta đều có quyền làm việc”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/3/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Tòa Thánh can thiệp vào vụ tử hình một tín đồ Hồi Giáo trở lại Kitô Giáo ở A Phú Hãn

 

Hôm Thứ Bảy, 25/3/2006, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là Joaquin Navarro-Valls đã phổ biến bản tuyến bố sau đây với phóng viên báo chí:

“Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano, nhân danh Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, đã viết một bức thư cho Hamid Karzai, tổng thống A Phú Hãn, liên quan tới số phận của người Kitô hữu trở lại là Abdul Rahman đang có nguy cơ bị án tử hình.

“Bức thư đề ngày 22/3 này viết rằng lời yêu cầu của Đức Thánh Cha được tác động bởi ‘tấm lòng sâu xa lòng cảm thương của con người’, bằng ‘niềm tin tưởng mãnh liệt vào phẩm vị của sự sống con người và bằng niềm tôn trọng quyền tự do theo lương tâm cùng tín ngưỡng của hết mọi người’.

“Đức Hồng Y Sodano viết tiếp: ‘Thưa Tổng Thống, tôi tin rằng việc bỏ qua vụ ông Rahman này sẽ mang lại cả một đại vinh dự cho nhân dân A Phú Hãn và sẽ được chung cộng đồng quốc tế ca ngợi. Thế rồi nó cũng góp phần một cách hết sức quan trọng cho sứ vụ chung của chúng ta trong việc nuôi dưỡng mối cảm thông và tôn trọng hỗ tương giữa các tôn giáo và văn hóa khác nhau trên thế giới’”.

Theo tin Associated Press cho biết, hôm Thứ Hai 27/3/2006, khoảng 700 giáo sĩ Hồi Giáo và những tín đồ khác đã xuống đường biểu tình ở Mazar-e-Sharif thuộc miền bắc nước này, hô hoán câu ‘Giết Chết Tên Bush’ cùng với những câu chống Tây Phương khác. Thành phần giáo sĩ Hồi Giáo kêu gọi xuống đường toàn quốc để phản đối chính quyền và Tây Phương đã gây áp lực nơi vụ xử này.

Thật vậy, hôm Chúa Nhật 26/3/2006, tòa án A Phú Hãn đã đình chỉ vụ xử nạn nhân trở lại Kitô hữu Abdul Rahman này. Phát ngôn viên của Tối Cao Pháp Viện là Abdul Wakil Omeri, đã xác nhận là vụ này đã được đình chỉ vì ‘các vấn đề liên quan tới chứng cớ của các công tố viên’. Vị phát ngôn viên này cho biết rằng các gia đình của nạn nhân đã làm chứng rằng nạn nhân bị bệnh tâm thần.

Vị thẩm phán của vụ này là Ansarullah Mawlavizada đã cho AP hay rằng: “Vụ này, vì một số kỹ thuật cùng với những kẽ hở và thiếu hụt về pháp lý, đã được trả về cho văn phòng công tố viện”.

Sáng Chúa Nhật, AP cho biết vị công tố viên của vụ này là Sarinwal Zamari nói rằng nạn nhân sẽ được các bác sĩ khám nghiệm vào Thứ Hai để quyết định xem anh ta có đáng bị xử vì bị tâm thần hay chăng: “Hắn được cho biết là bị tâm thần. Các bác sĩ sẽ khám nghiệm hắn vào ngày mai và sẽ tường trình cho chúng tôi biết”.

Theo cuộc phỏng vấn được phổ biến hôm Chúa Nhật trên một tờ nhật báo Ý quốc là La Repubblica ở Rôma thì nạn nhân hoàn toàn ý thức được việc trở lại của mình và sẵn sàng chết vì đức tin: “Tôi là người tỉnh táo. Tôi hoàn toàn ý thức được những gì tôi đã chọn lựa. Nếu tôi phải chết thì tôi sẵn sàng chết. Có người đã làm như vậy vì tất cả chúng ta trước kia đã lâu rồi”. Nạn nhân ám chỉ Chúa Giêsu.

Tờ nhật báo này không trực tiếp phỏng vấn nạn nhân, song gửi câu hỏi đến nạn nhân qua một nhân viên về nhân quyền được viếng thăm anh ta ở nhà giam Kabul. Các vị thẩm quyền đã cấm không cho thành phần phóng viên báo chí thăm gặp nạn nhân.

Cũng theo AP, hôm Chúa Nhật, theo các viên chức cho biết thì nạn nhân Rahman đã được thuyên chuyển tới một nhà tù nghiêm ngặt nhất ở bên ngoài Kabul cũng là nơi của hằng trăm tay háo chiến đảng Taliban và al Qaeda, đó là nhà tù Policharki sau khi thành phần bị giam giữ ở đây đe dọa tính mạng của anh ta. Tướng Shahmirf Amirpur coi nhà tù này đã xác nhận việc thuyên chuyển này và còn cho biết thêm là nạn nhân đã xin các vị cai tù cho mình cuốn Thánh Kinh.

 

Nhiều giáo sĩ cực đoan Hồi Giáo đe dọa là cho dù nạn nhân có được tòa thả tự do mạng sống của anh ta cũng bị đe dọạ Bởi thế, trước khi được thả, anh đã yêu cầu được cho tị nạn ở một quốc gia Tây Phương, vì anh đã nhiều lần sống ở Âu Châụ

 

Vị đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ở A Phú Hãn hôm Thứ Hai nói rằng: “Ông Abdul Rahman đã xin di trú ở ngoài A Phú Hãn. Chúng tôi mong rằng điều yêu cầu này sẽ được đáp ứng bởi một trong những xứ sở chú trọng tới giải pháp ôn hòa cho vụ này”.

 

Tuy nhiên, các vị giáo sĩ địa phương đã viết thư cho tổng thống của mình yêu cầu ông hãy ngăn cản các quốc gia Tây Phương nhúng tay vào các vấn đề hành đạo của họ. Có khoảng 1000 người hôm Thứ Hai đã xuống đường biểu tình ở Mâar-e-Sharif hô hoán những câu như “tiêu diệt Hoa Kỳ”, “giết chết tên George Bush”.

 

Hội Đồng Nội Các nước này đã họp hôm Thứ Bảy 24/3 nhưng không cho biết kết quả. Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng đã họp với Hội Đồng Nội Các và với tổng thống Karzaị

 

Hội Đồng Nội Các nước này đã họp hôm Thứ Bảy 24/3 nhưng không cho biết kết quả. Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng đã họp với Hội Đồng Nội Các và với tổng thống Karzai.

 

Các viên chức của Tòa Lãnh Sự Ý cho biết Abdul Rahman sẽ tới Ý quốc tị nạn vào Thứ Tư 29/3/2006. Sáng Thứ Tư cùng ngày Thủ Tướng Ý là Silvio Berlusconi đã nói, qua phát ngôn viên của mình rằng: “tôi nói rằng chúng ta rất hân hạnh để có thể đón nhận một con người rất can đảm như thế”, và hội đồng nội các cũng đã chấp thuận quyết định này.

 

Nạn nhân đã được thả ra hôm Thứ Ba. Cũng có vấn đề là có lẽ nạn nhân này không được rời xứ, vì quốc hội nước của anh ta bỏ phiếu vào sáng Thứ Tư là anh phải ở lại nội quốc. Quốc hội cũng chấp thuận biện pháp cho phép các phần tử của quốc hội xem xét các văn kiện của tòa án để tự xem xét nội vụ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 25/3/2006 và CNN ngày 27-29/3/2006

 

 

TOP

 

 

?   ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu

 

(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân TrầnVị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')

 

(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật, 27 Thứ Hai, 28 Thứ Ba, 29 Thứ Tư, 30 Thứ Năm)

2.- “Totus Tuus”: Hiện Thực

 

(tiếp tiểu đề 2 này)

Ngoài lời hiến dâng biến đổi lịch sử thế giới vào ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/1984, bế mạc Năm Cứu Chuộc, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn thực hiện một số lần hiến dâng khác nữa cho Mẹ, chẳng hạn lần ngài hiến dâng loài người và tổ quốc của ngài cho Mẹ ở Đền Thánh Mẫu Balan Kalwaria Zebrzydowska ngày 19/8/2002, dịp kỷ niệm 400 năm của khu đền thánh này, và lần ở Tháp Trụ ở Rôma vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2003. Ở đây chỉ xin trích lại một số đoạn quan trọng những lần hiến dâng tiêu biểu ấy thôi.

 

Lời hiến dâng biến đổi lịch sử thế giới vào Lễ Mẹ Thai Lời ngày 25/3/1984

 

Chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay! Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.

 

Lời hiến dâng loài người và Balan ở Đền Thánh Mẫu Kalwaria Zebrzydowska ngày 19/8/2002

 

“Vậy hỡi Đấng Bầu Cử rất khoan nhân,
xin mắt Mẹ hãy nhìn đến chúng con,
để sau cuộc lưu đầy của chúng con, Mẹ chỉ cho chúng con thấy
hoa trái quả phúc của lòng Mẹ là Chúa Giêsu.
Ôi Trinh Nữ Maria dịu hiền, ưu ái, ngọt ngào!
Hỡi Tôn Nữ của ân sủng, xin Mẹ hãy nhìn đến dân tộc này
Một dân tộc đã trung thành với Mẹ và Con Mẹ qua nhiều thế kỷ.
Xin Mẹ hãy nhìn đến đất nước này,
Một đất nước đã luôn đặt niềm hy vọng của mình nơi tình yêu từ mẫu của Mẹ.
Xin Mẹ hãy ghé mắt tình thương nhìn đến chúng con,
Xin Mẹ hãy ban cho chúng con những gì con cái của Mẹ cần đến nhất.
Xin Mẹ hãy mở lòng của thành phần dư dật trước những nhu cầu của thành phần nghèo khó và khổ đau.
Xin Mẹ cho những ai thất nghiệp có công ăn việc làm.
Xin Mẹ giúp cho những ai bần cùng có nhà để ở.
Xin Mẹ ban cho các gia đình tình yêu làm cho họ có thể thắng vượt được tất cả mọi khó khăn.
Xin Mẹ hãy tỏ cho giới trẻ con đường và chân trời tương lai.
Xin Mẹ hãy lấy áo choàng của Mẹ che chở các trẻ em cho họ khỏi bị gương mù gương xấu.
Xin Mẹ hãy củng cố các cộng đồng tu trì bằng ơn đức tin, đức cậy và đức mến.
Xin Mẹ hãy ban cho các linh mục ơn biết theo chân của Con Mẹ trong việc hiến cuộc sống mình mỗi ngày cho đàn chiên.
Xin Mẹ ban cho các vị Giám Mục ánh sáng của Thánh Linh, để các ngài có thể hướng dẫn Giáo Hội này đến cửa Vương Quốc Con Mẹ theo một con đường thẳng duy nhất.
Hỡi Người Mẹ Rất Thánh là Đức Bà Canvê,
Xin cũng ban cho con sức mạnh phần xác và tinh thần,
Để con có thể thi hành cho đến cùng sứ vụ mà Chúa Kitô Phục Sinh đã trao cho con.
Con xin dâng về Mẹ tất cả mọi hoa trái của cuộc đời và thừa tác vụ của con;
Con xin ký thác tương lai của Giáo Hội cho Mẹ;
Con xin dâng tổ quốc của con cho Mẹ;
Con tin tưởng nơi Mẹ và một lần nữa con tuyên xưng rằng:
Totus Tuus, Maria!
Tất cả của con là của Mẹ. Amen”. (đoạn 5)

 

Lời hiến dâng loài người ở Tháp Trụ Piaoãa di Spagna Rôma vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2003

 

ĐTC Gioan Phaolô II, mặc áo choàng đỏ, trong luồng gió lạnh buổi chiều, đã đến viếng ảnh Mẹ Chúa Kitô đúng như Ngài đã đề cập trong huấn từ truyền tin buổi trưa. Mặc dù khàn tiếng và có những lúc hết hơi, Đức Gioan Phaolô II cũng đã đọc trọn lời nguyện cầu của Ngài sau đây:

 

1.     Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!

Vào dịp lễ Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm,
Ôi Maria, con đến để kính tôn Mẹ,
Ở dưới chân bức ảnh mà từ Piaoãa de Spagna
Mẹ ghé mắt từ mẫu trông đến thành phố Rôma cổ kính này, và đối với con rất dấu yêu này.
Buổi chiều tối này con đến đây để viếng thăm Mẹ với lòng thành thực sùng kính của con.
Đó là cử chỉ được vô số người Rôma hợp với con ở Piaoãa này đây,
những người luôn cảm mến hỗ trợ con
trong suốt những năm con phục vụ ở Ngai Tòa Phêrô.

Con đến đây để cùng với họ bắt đầu 
tiến đến cuộc mừng kỷ niệm 150 năm
tín điều chúng con hôm nay hân hoan mừng Mẹ với tình con cái.

 

2.     Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!
Chúng con hết lòng cảm kích hướng mắt về Mẹ,
Chúng con hết lòng tin tưởng chạy đến với Mẹ
vào những lúc đầy những bất ổn và sợ hãi lo âu
bao trùm số phận hiện tại và tương lai của trái đất chúng con đây.
Chúng con dâng lên Mẹ là con người đầu tiên được Chúa Kitô cứu chuộc,
được thực sự giải thoát khỏi bị làm tôi cho sự dữ và tội lỗi,
những lời khẩn nguyện chân thành và tin tưởng của chúng con đây:

Xin Mẹ hãy lắng nghe tiếng kêu than đau đớn của những nạn nhân chiến tranh
cũng như của rất nhiều hình thức bạo lực
làm nhuốm máu trái đất này.
Xin Mẹ hãy đánh tan tối tăm buồn đau và cô độc,
hận thù và trả đũa,
Xin Mẹ hãy mở lòng trí của tất cả mọi người ra để họ biết tin tưởng nhau và thứ tha cho nhau!

 

3.     Nữ Vương ban sự bằng an, cầu cho chúng con!
Lạy Mẹ tình thương và niềm hy vọng,
xin Mẹ hãy xin cho con người nam nữ của thiên kỷ thứ ba này
tặng ân hòa bình quí báu:
bình an trong tâm hồn và trong gia đình,
trong cộng đồng và giữa các dân tộc,
bình an nhất là cho những quốc gia
ngày ngày chiến tranh và chết chóc không ngừng.

Xin Mẹ giúp cho hết mọi người cũng như cho tất cả mọi giòng dõi và văn hóa
được gặp gỡ và chấp nhận Chúa Giêsu,
Đấng đến thế gian trong mầu nhiệm Giáng Sinh
để ban cho chúng con ‘bình an’ của Người.

Maria, Nữ Vương Hòa Bình,
xin ban cho chúng con Chúa Kitô là hòa bình thực sự của thế giới này!

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ