GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 10/4/2006

 TUẦN THÁNH

 

?  “Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước” (Ps 119[118]:105) - Đức Thánh Cha Biền Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, Lễ Lá 9/4/2006

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Lá 9/4/2006 về Cây Thập Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới

?  THỜI ĐIỂM GIOAN PHAOLÔ II (tiếp)

? Tâm Trạng Đạo Nghĩa của Giới Trẻ Tây Ban Nha Hiện Nay

 

 

?  “Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước” (Ps 119[118]:105) - Đức Thánh Cha Biền Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, Lễ Lá 9/4/2006

Quí Bạn Giới Trẻ thân mến!

Tôi cảm thấy rất vui mừng gửi lời chào đến quí bạn trong khi quí bạn đang sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI, và tôi đang sống lại hồi niệm về những cảm nghiệm dồi dào chúng ta có được vào Tháng Tám năm ngoái ở Đức Quốc. Năm nay, Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được tổ chức ở Giáo Hội địa phương, và nó sẽ là một cơ hội tốt để tái khêu lên ngọn lửa nhiệt tình đã được thắp lên ở Cologne và là nhiệt tình được nhiều quí bạn đã mang về cho gia đình, giáo xứ, hội đoàn và phong trào của quí bạn. Đồng thời nó cũng là một dịp tuyệt vời để mời gọi nhiều bạn bè của quí bạn tham dự vào cuộc hành trình thiêng liêng tiến đến với Chúa Kitô này của thế hệ trẻ.

Đề tài tôi muốn nêu lên co quí bạn đó là một câu được trích từ Thánh  Vịnh 119 (118): Lời Chúa là đèn soi bước con đi và là ánh sáng soi đường con bước” (câu 105). Đức Gioan Phaolô II rất thân yêu của chúng ta đã dẫn giải câu thánh vịnh này như sau: “Con người nguyện cầu tuôn lời cảm tạ của mình về Lề Luật của Thiên Chúa được họ chấp nhận như ngọn đèn soi bước chân của họ trên con đường thường tối tăm của cuộc sống” (Buổi Triều Kiến Chung, Thứ Tư 14/11/2001). Thiên Chúa đã tỏ mình trong lịch sử. Ngài đã nói với con người, và lời Ngài nói có quyền năng sáng tạo. Quan niệm ‘dabar’ của Do Thái thường được chuyển dịch là ‘lời’, thật sự chuyển chở cả ý nghĩa về lời lẫn việc. Thiên Chúa phán những gì Ngài làm và làm những gì Ngài phán. Cựu Ước thông báo cho con cái Yến Duyên biết việc Đấng Thiên Sai đến và việc thiết lập một giao ước “mới”; nơi Lời hóa thành nhục thể, Người đã làm trọn lời hứa này. Điều ấy đã được nói rõ trong Cuốn Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo: “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hóa thân làm người, là Lời duy nhất, trọn hảo và siêu việt của Cha. Nơi Người, Ngài đã nói hết mọi sự; không còn lời nào khác ngoài lời duy nhất này” (khoản 65). Thánh Thần, Đấng đã dẫn dắt thành phần dân tuyển chọn bằng việc linh ứng cho các vị tác giả Sách Thánh, mở lòng tín hữu cho họ có thể hiểu được ý nghĩa của Sách Thánh. Cũng vị Thần Linh này đang chủ động hiện diện nơi việc cử hành Thánh Thể khi vị linh mục, “thay cho Chúa Kitô”, đọc lên những lời truyền phép, để biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, để làm của linh dưỡng cho tín hữu. Để tiến bước trong cuộc hành trình trần thế về Vương Quốc thiên đình, tất cả chúng ta cần phải được dưỡng nuôi bởi Lời Chúa cũng như bởi Bánh Sự Sống trường sinh này, và những điều này là những gì bất khả tách biệt nhau!

Các Vị Tông Đồ đã lãnh nhận lời cứu độ và truyền đạt lời này cho thành phần thừa kế của mình như một viên ngọc quí báu được an toàn giữ trong hộp đựng đồ châu báu Giáo Hội: không có Giáo Hội, hạt châu ngọc này có nguy cơ bị mất đi hay bị hủy hoại. Quí bạn trẻ thân mến, quí bạn hãy yêu mến lời Chúa và mến yêu Giáo Hội, nhờ đó quí bạn có thể đến được kho tàng rất ư là quí giá và quí bạn sẽ biết trân quí sự phong phú dồi dào của kho tàng này. Hãy mến yêu và theo Giáo Hội, vì Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đấng Sáng Lập của mình sứ vụ tỏ cho con người biết con đường dẫn đến hạnh phúc chân thật. Không dễ dàng nhận ra và tìm được hạnh phúc đích thực trên trần gian là nơi chúng ta đang sống đây, nơi con người thường bị giam cầm bởi những đường lối suy tưởng hiện đại. Họ có thể nghĩ rằng họ ‘tự do’, thế nhưng họ đang bị lừa đảo và lạc hướng giữa những lầm lạc hay ảo tưởng của các thứ ý hệ dị thường. ‘Chính tự do cần phải được giải thoát’ (x Thông Điệp Rạng Ngời Chân Lý, đoạn 86), và bóng tối đang làm con người lần mò cần phải được sáng soi. Chúa Giêsu dạy chúng ta làm thế nào để thực hiện được điều ấy, đó là “nếu quí vị nghe lời Tôi thì quí vị thực sự là môn đệ của Tôi; và quí vị sẽ nhận biết sự thật, rồi sự thật sẽ giải thoát quí vị” (Jn 8:31-32). Lời Nhập Thể, Lời Chân Lý, giải thoát chúng ta và hướng tự do của chúng ta tới thiện hảo. Quí bạn trẻ thân mến, hãy năng suy niệm Lời Chúa, và hãy để cho Thánh Thần dạy dỗ quí bạn. Để rồi quí bạn sẽ khám phá ra rằng đường lối suy tưởng của Thiên Chúa không giống với đường lối suy nghĩ của nhân loại. Quí bạn sẽ thấy mình được dẫn tới chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa thực sự và đọc được các biến cố lịch sử bằng ánh mắt của Ngài. Quí bạn sẽ được hoan hưởng trọn vẹn thứ niềm vui xuất phát tự chân lý. Trong cuộc hành trình của cuộc sống, một cuộc hành trình chẳng dễ đi và không thiếu những dối trá, quí bạn sẽ gặp phải những khó khăn cùng đau khổ, và có những lúc quí bạn sẽ tiến đến chỗ kêu lên như thánh vịnh gia rằng: ‘Tôi cảm thấy thật là tái tê’ (Ps 119[118]:7). Quí bạn đừng quên, như vị tác giả thánh vịnh này, thêm rằng: ‘Ôi Chúa, xin hãy ban cho con sự sống theo lời của Ngài… Tôi liên tục sống cuộc đời của mình nhưng không quên lề luật của Chúa’ (như vừa dẫn, các câu 107,109). Sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, qua Lời của Ngài, là ngọn đèn xua tan bóng tối và thắp sáng đường đi nước bước cho dù ở vào những lúc khốn khó nhất.

Vị tác giả của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã viết: ‘Thật thế, lời Chúa thì sống động và linh hoạt, sắc hơn thanh gươm hai lưỡi, xuyên thấu tâm thần, đến tận xương tủy; lời này có thể thẩm phán tư tưởng và ý hướng của cõi long’ (4:12). Cần thận trọng trước lời khuyến dụ ấy để coi lời Chúa là một ‘khí giới’ bất khả thiếu trong cuộc đối chọi thiêng liêng. Điều ấy sẽ có hiệu năng và sinh hoa kết trái nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa để rồi tuân giữ lời Chúa. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng: ‘Vâng lời (từ tiếng Latinh là ob-audire, tức là ‘nghe thấy hay lắng nghe’) theo đức tin là việc tự ý thuận phục lời đã nghe thấy, vì sự thật của lời này được Thiên Chúa bảo đảm, Đấng chính là Sự Thật’ (số 144). Trong lúc Abraham làm gương về vấn đề lắng nghe là tuân phục này, thì phần Solomon chứng tỏ mình là một con người hăng say khai phá đức khôn ngoan được chất chứa nơi Lời Chúa. Khi Thiên Chúa nói cùng vua rằng: ‘Hãy xin điều Ta ban cho ngươi’, vị vua khôn ngoan này trả lời: ‘Vậy xin hãy ban cho tôi tớ Chúa một tấm lòng hiểu biết’ (1Kgs 3:5,9). Cái bí mật để có được ‘một con tim hiểu biết’ đó là việc huấn luyện cho cõi lòng của qúi bạn biết lắng nghe. Điều này đạt được nhờ việc liên lỉ suy niệm lời Chúa cũng như bằng việc mạnh mẽ đi sâu vào Lới Chúa qua việc dấn thân kiên trì tìm hiểu Lời Chúa hơn nữa.

Quí bạn trẻ thân mến, tôi khuyên quí bạn hãy làm quen với Thánh Kinh, và có Thánh Kinh trong tay để Thánh Kinh trở thành địa bàn chỉ đường dẫn lối bước đi. Nhờ việc đọc Thánh Kinh, quí bạn sẽ biết Chúa Kitô. Hãy ghi nhớ những gì Thánh Giêrônimô nói về vấn đề này là: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (Pl 24,17; x Hiến Chế Lời Chúa, đoạn 25). Đường lối một thời được trân trọng để học hỏi và thưởng thức lời Chúa đó là lectio divina, một đường lối trở thành cuộc hành trình thiêng liêng thực sự qua các giai đoạn của nó. Sau khi lectio là việc đọc đi đọc lại một đoạn Thánh Kinh, để rồi căn cứ vào những yếu tố chính của đoạn này, chúng ta tiến tới việc meditatio - suy niệm. Đó là giây phút suy tư trong long, nhờ đó linh hồn hướng về Thiên Chúa và cố gắng hiểu những gì lời Ngài có ý muốn nói với chúng ta hôm nay đây. Đoạn tới việc oratio là lúc lân la nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Sau hết, chúng ta tiến đến chỗ comtemplatiochiêm niệm. Điều này giúp chúng ta giữ lòng của mình chuyên chú trước sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng có lời là ‘đèn soi trong tăm tối, cho đến khi ngày rạng đông và sao mai hiện lên trong long anh em’ (2Pt 1:19). Đọc lời Chúa, tìm hiểu lời Chúa và suy niệm lời Chúa, bởi thế, cần phải biến thành một đời sống liên lỉ trung thành với Chúa Kitô và các giáo huấn của Người.

Thánh Giacôbê nói với chúng ta rằng: ‘Hãy thực hành lời Chúa, chứ đừng nghe xuông kẻo đánh lừa mình. Vì nếu ai nghe lời Chúa mà không làm thì họ là những kẻ soi mình trong gương; họ thấy họ đoạn bỏ đi liền quên ngay những gì họ thấy. Thế nhưng những ai nhìn vào lề luật trọn hảo, thứ lề luật của tự do, và kiên trì, không phải là kẻ nghe thấy rồi quên khuấy mà là kẻ thực hiện, thì họ được chúc phúc nơi việc làm của họ’ (1:22-25). Những ai lắng nghe lời Chúa và liên lỉ chuyên chú tới lời của Ngài là thành phần đang xây dựng cuộc sống của mình trên những nền tảng vững chắc. Chúa Giêsu phán: ‘Ai nghe những lời này của Thày mà thi hành sẽ là người khôn ngoan xây nhà mình trên đá’ (Mt 7:24). Nó sẽ không sụp đổ khi thời tiết xấu xẩy ra.

Hỡi giới trẻ của ngàn năm thứ ba, chương trình sống của quí bạn cần phải được thực hiện như sau: đó là hãy xây dựng đời sống của mình trên nền tảng Chúa Kitô, hãy hân hoan chấp nhận lời Chúa và hãy thực hành giáo huấn của lời Chúa! Rất khẩn trương cho việc làm nổi lên một thế hệ mới thành phần tông đồ gắn chặt với lời của Chúa Kitô, có khả năng đáp ứng với các thách đố của thời đại chúng ta và sẵn sàng quảng bá Phúc Âm một cách sâu rộng. Chính vì thế mà Chúa Kitô đã xin quí bạn, chính vì vậy mà Giáo Hội kêu mời quí bạn, và chính bởi đó mà thế giới mong đợi nơi quí bạn, cho dù nó không hay biết gì về niềm mong đợi này! Nếu Chúa Giêsu kêu gọi quí bạn thì đừng sợ đáp ứng Người một cách quảng đại, nhất là khi Người xin quí bạn hãy theo Người sống đời tận hiến hay sống thiên chức linh mục. Đừng sợ; hãy tin tưởng vào Người thì quí bạn sẽ không bị thất vọng.

Quí bạn thân mến, vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 21 được chúng ta cử hành vào ngày 9/4 Chúa Nhật Lễ Lá tới đây, chúng ta sẽ bắt đầu, trong tâm hồn của mình, một cuộc hành trình hướng về cuộc hội ngộ quốc tế của giới trẻ sẽ được tổ chức ở Sydney vào Tháng Bảy năm 2008. Chúng ta sẽ sửa soạn cho cuộc hẹn trọng đại này bằng việc cùng nhau suy nghĩ về đề tài Thánh Linh và Sứ Vụ Truyền Giáo ở những giai đoạn kế tiếp. Năm nay chúng ta chú trọng tới Thánh Linh là Thần Chân Lý, Đấng tỏ Chúa Kitô cho chúng ta, Lời nhập thể, hướng lòng của mỗi người chúng ta tới Lời cứu độ là lời dẫn chúng ta tới Sự Thật trọn vẹn. Năm tới, năm 2007, chúng ta sẽ suy niệm một câu của Phúc Âm Thánh Gioan, đó là câu: ‘Như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu thương nhau như thế’ (13:34). Chúng ta sẽ khám phá ra hơn nữa về Thánh Thần, Thần Yêu Thương, Đấng thấm nhập đức ái thần linh trong chúng ta và làm cho chúng ta nhận thức được những nhu cầu vật chất cũng như thiêng liêng của anh chị em chúng ta. Sau hết, chúng ta sẽ tiến đến cuộc hội họp thế giới này vào năm 2008 với đề tài là ‘Các con sẽ lãnh nhận quyền năng khi Thánh Thần đến với các con; và các con sẽ là những chứng nhân của Thày’ (Acts 1:8).

Từ giờ phút này trở đi, hỡi quí bạn trẻ thân mến, trong bầu khí liên lỉ lắng nghe lời Chúa, quí bạn hãy kêu cầu Thánh Linh, Vị Thần dũng mãnh và chứng từ, để quí bạn có thể hiên ngang loan báo Phúc Âm cho tới tận cùng trái đất. Đức Mẹ là vị hiện diện trong nhà tiệc ly với các Tông Đồ khi họ đời chờ Lễ Hiện Xuống. Xin Người là Mẹ và là vị hướng đạo của quí bạn. Xin Mẹ dạy cho quí bạn biết lãnh nhận lời Chúa, biết bảo quí lời Chúa và biết suy niệm lời Chúa trong lòng mình (x Lk 2:19), như Mẹ đã làm suốt cuộc đời của Mẹ. Xin Mẹ phấn khích quí bạn để quí bạn thân thưa ‘vâng’ với Chúa khi quí bạn sống ‘đức tin tuân phục’. Xin Mẹ giúp cho quí bạn kiên vững trong đức tin, kiên trì trong đức cậy và kiên quyết trong đức mến, lúc nào cũng lắng nghe lời Chúa. Tôi cùng với quí bạn nguyện cầu và tôi ban phép lành cho từng quí bạn bắng tất cả tấm lòng của tôi.

Tại Điện Vatican ngày 22/2/2006, Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/youth/documents/hf_ben-xvi_mes_20060222_youth_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Lá 9/4/2006 về Cây Thập Giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Vào ít phút nữa đây, phái đoàn đại biểu giới ttrẻ Đức sẽ trao Cây Thập Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho đồng bạn Úc Đại Lợi của mình. Đó là cây thập tự giá đã được Đức Gioan Phaolô thân yêu của chúng ta trao cho giới trẻ vào năm 1984, để họ mang đến với thế giới như một dấu hiệu của tình Chúa Kitô yêu thương nhân loại.

 

Tôi xin chào Đức Hồng Y Joachim Meisner, TGM Cologne, và Đức Hồng Y George Pell, TGM Sydney, những vị đã muốn tham dự vào giây phút rất quan trọng này.

 

Việc trao chuyền thập tự giá này, sau mỗi một ngày giới trẻ thế giới, đã trở thành một ‘truyền thống’, theo đúng nghĩa của một ‘traditio’: một truyền thống trao chuyển hết sức tiêu biểu, một truyền thống cần phải được sống bằng một đức tin mạnh mẽ, dấn thân cho cuộc hành trình hoán cải để theo chân Chúa Giêsu.

 

Chúng ta học được đức tin này nhờ Mẹ Maria Rất Thánh, Vị là người đầu tiên tin tưởng và mang thập giá của mình cùng với Người Con, cùng Người cảm nghiệm thấy sau đó niềm vui phục sinh. Đó là lý do tại sao Cây Thập Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới được kèm theo bởi hình ảnh Vị Trinh Nữ, hình ảnh Vị Trinh Nữ này làm phát sinh hình ảnh Mẹ maria “Cứu Độ của Dân Rôma” (Salus Populi Romani), tấm hình được tôn kính ở Đền Thờ Đức Bà Cả, đền thờ cổ nhất ở Tây Phương được cung hiến cho Đức Nữ Trinh.

 

Sauk hi viếng thăm một số quốc gia ở Phi Châu, để bộc lộ sự gần gũi của Chúa Giêsu cũng như của Mẹ Người cho các dân tộc thuộc châu lục bị rất nhiều khổ đau này, cây thập giá và tấm hình Thánh mẫu sẽ được tiếp đón vào Tháng Hai năm tới ở các miền khác nhau thuộc Đại Dương Châu, rồi dần dần tiến đến các giáo phận ở Úc Đại Lợi, cho đến khi tới Sydney vào Tháng 7/2008. Đó là một cuộc hành trình linh thiêng bao gồm toàn thể cộng đồng Kitô hữu, nhất là giới trẻ.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/4/2006

 

TOP

 

 

?   THỜI ĐIỂM GIOAN PHAOLÔ II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(tiếp 5 Thứ Tư, 6 Thứ Năm, 7 Thứ Sáu, 8 Thứ Bảy)

 

... đến Âu Châu Hip Nht

 

Thật ra, từ sau Biến Cố Đông Âu 1989 đến nay, Âu Châu vẫn chưa hiệp nhất, cho dù ở Âu Châu đã có Khối Hiệp Nhất Âu Châu từ năm 1951. Khối Hiệp Nhất Âu Châu có lẽ đã được bắt nguồn từ tư tưởng của Victor Hugo năm 1846, tư tưởng “hình thành mối huynh đệ Âu Châu”. Tuy nhiên, mãi đến sau Thế Chiến Thứ Hai, tức vào năm 1945, Âu Châu mới thực sự áp dụng tư tưởng này, để ít là có thể tránh khỏi những cuộc xung đột xẩy ra như hai trận thế chiến trước đó thuộc tiến bán thế kỷ 20.

 

Giờ đây, Khối Hiệp Nhất Âu Châu với 25 quốc gia phần tử có một tổng số dân là 455 triệu, nhiều hơn Hoa Kỳ khoảng gấp đôi, và là khối kinh tế lớn nhất thế giới, với một tổng sản lượng lớn hơn cả của Mỹ Quốc.

 

Tuy Khối Hiệp Nhất Âu Châu được phát triển để trở thành một khối kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng, Giáo Hội Công Giáo, qua vị đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã cảnh giác việc Khối này đã gạt bỏ căn tính và ngồn gốc Kitô Giáo làm nên văn hóa và lịch sử Âu Châu trong Bản Hiến Pháp của họ. Lý do là vì Khối này, dẫn đầu là Pháp quốc, muốn dân sự (chính trị và kinh tế) hoàn toàn tách biệt khỏi tôn giáo.

 

Đồng ý là như thế. Tôn giáo và dân sự phải hoàn toàn tách biệt nhau về phương diện trách nhiệm và sứ vụ chuyên biệt của mỗi lãnh vực, để tránh khỏi những gì đáng tiếc đã xẩy ra trong quá khư. Như các hoàng đế Rôma xưa đã triệu tập các Công Đồng Chung đầu tiên của Giáo Hội, hay các vị giáo hoàng sau này đã phong vương, phong đế cho các nước thuộc thẩm quyền của mình.

 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà hai lãnh vực này có thể hoàn toàn tách biệt nhau về khía cạnh cùng đích. Nếu con người không nguyên sống bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra, tức còn phải sống theo luân thường đạo lý và luân lý nữa, mới thực sự là người và nên người thế nào, bằng không con người chỉ sống để mà ăn như con vật, thì dân sự không thể thiếu tôn giáo như hồn sống của mình. Một Âu Châu càng hiệp nhất về phương diện kinh tế và chính trị càng phủ nhận căn tính Kitô Giáo của mình là một Âu Châu đang đi đến chỗ diệt vong.

 

Hiện tượng này đã xuất đầu lộ diện ngay khi Khối này có thêm 25 phần tử nữa vào tháng 5/2004. Điển hình là vấn đề bất đồng việc xài đồng Âu (eu) và việc đóng vai trò thay nhau làm chủ tịch khối. Về vấn đề sử dụng tiền euro, chỉ mới có 12 quốc gia trong 25 thuộc về “eurozone” mà thôi. Về vấn đề giữ vai trò chủ tịch, hôm Thứ Hai 21/6/2004, Đức đã cùng với Pháp đã bác bỏ việc bất cứ ứng viên nào thuộc Hiệp Vương Quốc, Ái Nhĩ Lan, Đan Mạch, Thụy Điển hay 10 tân phần tử được làm chủ tịch Ủy Ban Âu Châu tới đây.

 

Ngoài ra, vào đầu tháng 6/2004, cuộc bỏ phiếu đầu tiên khi khối này tăng thêm 10 phần tử nữa, đã cho thấy tình hình không khả quan cho lắm. Vì chỉ có 45.5%, một kỷ lục thấp nhất từ trước đến nay. Trong số 15 phần tử cữ có 49%, còn thấp hơn năm 1999 ở 49.8%. Còn ở các nước Đông Âu mới gia nhập chỉ có 26.4%. Chưa hết, bản Hiến Pháp Âu Châu đã bị chính hai quốc gia sáng lập bác bỏ qua các cuộc trưng cầu dân ý của họ, Pháp vào ngày 29/5, và Hòa Lan vào ngày 1/6/2005.

 

Bởi thế, nếu Khối Hiệp Nhất Âu Châu không mau trở về với căn gốc Kitô Giáo là những gì làm nên lịch sử và văn hóa của họ theo lời kêu gọi của Giáo Hội Công Giáo, họ sẽ không thể tiến triển về phương diện kinh tế, trái lại, lòng đạo càng sa sút, họ càng trở thành một Khối Bất Nhất Âu Châu thay vì Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Đó là chưa kể đến tình hình Hồi Giáo đang phát triển mạnh ở đây, vào một lúc nào đó, khối Hồi Giáo, qua sự quan phòng của Thiên Chúa, vì muốn thanh tẩy Âu Châu đang càng ngày càng bị tục hóa chẳng hạn, để cho Âu Châu bị Hồi Giáo xâm chiếm một cách nào đó. Cuộc nổi loạn ở Pháp, kéo dài liên tục trên 2 tuần lễ từ ngày 27/10/2005 của giới trẻ thuộc thành phần Hồi Giáo, phải chăng là một dấu chỉ thời đại cho thấy Âu Châu cần phải cấp thời hoán cải?

 

Thật vậy, một Âu Châu đã được hình thành bởi văn hóa Kitô giáo, một thứ văn hóa đã làm nền văn minh Âu Châu nói riêng và thế giới nói chung qua việc truyền bá Phúc Âm hóa từ và bởi châu lục này, cần phải trở về với căn gốc của mình, mới có thể lấy lại được uy thế cả về đạo lý lẫn chính trị và kinh tế; bằng không, không tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước, nghĩa là chỉ biết sống thuần túy bởi bánh duy vật, như thực tế đã từng và đang xẩy ra, thì Âu Châu (và cả Mỹ Châu là một tân Âu Châu nới rộng), hai châu lục được gọi là thế giới Kitô giáo, sẽ cứ quay cuồng với nền văn hóa sự chết, choáng váng với đủ mọi thứ luật rừng và quái rợ, như ly dị phá thai, triệt sinh an tử, hôn nhân đồng tính, tạo sinh sao bản v.v., chẳng khác gì một anh chàng đóng khố luân thường đạo lý và đi giầy tây văn minh vật chất vậy.

 

Đó là lý do, trong mùa hè năm 2003, tại nhà nghỉ mát của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban các bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật liên quan đến căn gốc Kitô giáo ở Âu Châu, một vấn đề Ngài muốn dẫn giải thêm về Tông Huấn “Giáo Hội Tại Âu Châu” là văn kiện mới được Ngài ban bố trước đó ít lâu, 28/6/2003, áp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

     

(còn tiếp) 

 

 

TOP

 

 

?  Tâm Trạng Đạo Nghĩa của Giới Trẻ Tây Ban Nha Hiện Nay

Hội Santa Maria hôm Thứ Ba 4/4/2006 đã phổ biến bản nghiên cứu nhan đề “Giới Trẻ Tây Ban Nha 2005” phân tách những khía cạnh khác nhau về thế hệ trẻ, và cho thấy tâm trạng đạo hạnh của giới trẻ này đã bị giảm sút xuống còn dưới 50%.

Bản tường trình cho biết là “10 năm trước có 77% giới trẻ coi mình là Công Giáo; ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử, thành phần này không lên tới 50%”.

Các tác giả của bản tường trình này qui hiện tượng giảm sút này cho những lý do như “giới trẻ không tìm thấy những mẫu gương lôi cuốn của vấn đề đạo hạnh”, “việc tục hóa gia tăng trong xã hội, những thay đổi về chính trị theo chiều hướng rõ ràng bị tục hóa, và việc không tin rằng Giáo Hội có thể tác động giới trẻ”.

Những chỉ trích nặng nề nhất của giới trẻ về Giáo Hội là “việc quá giầu có của Giáo Hội, việc Giáo Hội pha mình vào chính trị và việc Giáo Hội bảo thủ về những vấn đề tình dục”.

Chỉ có 10% giới trẻ là dấn thân sống đời Công Giáo, ngược với 20% trong họ tỏ ra khô đạo, sống theo chủ nghĩa bất khả thần tri hay vô thần. Con số còn lại thì, theo bản tường trình cho biết, “được làm thành bởi một số đông người Tây Ban Nha cho mình không nhiều thì ít sống đời Công Giáo, nhưng chính yếu lại tỏ ra thụ động”.

Về vấn đề gia đình, bản tường trình cho biết là trong giới trẻ có “tính cách đa dạng về việc họ cảm nhận những gì ngày nay làm nên gia đình, cho dù quan niệm về một gia đình được làm nên bởi cha mẹ và con cái được hiệp nhất trong hôn nhân vẫn tiếp tục nắm phần ưu thế”.

Bản tường trình nhấn mạnh rằng giới trẻ “coi trọng hôn nhân nhưng trì hoãn việc thành hôn, quí hóa con cái nhưng giảm bớt số con, và có khuynh hướng chung thủy hơn cho dù gia tăng vấn đề ly thân và ly dị”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/4/2006

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ