GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 24/7/2006

 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI (ở Les Combes, Introd): Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XVI về Ngày Cầu cho Hòa Bình ở Trung Đông và hai lễ kính hai vị Thánh Nữ - Mai Đệ Liên và Brigita

?   Dự Luật Nghiên Cứu Thân Bào: Bị Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ Phê Bác và bị Tổng Thống Bush Phủ Quyết

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI (ở Les Combes, Introd): Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XVI về Ngày Cầu cho Hòa Bình ở Trung Đông và hai lễ kính hai vị Thánh Nữ - Mai Đệ Liên và Brigita

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trước hết, Huynh Giám Mục thân mến, cám ơn huynh rất nhiều về lời chào thân ái nhất của huynh, và cám ơn tất cả anh chị em về việc anh chị em tỏ ra nồng hậu và thân ái đón tiếp tôi như thế này. Xin cám ơn!

 

Huynh Giám Mục đã đề cập đến là Thứ Năm vừa rồi, vì tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Trung Đông, tôi đã kêu gọi ngày cầu nguyện và thống hối vào Chúa Nhật hôm nay, kêu gọi các vị mục tử, tín hữu và tất cả mọi người có tín ngưỡng hãy nài xin Thiên Chúa ban tặng ân hòa bình.

 

Tôi hết sức muốn lập lại lời kêu gọi này với đôi bên đang xung đột nhau trong việc chấp nhận việc ngưng bắn ngay tức khắc, và hãy cho phép thực hiện việc viện trợ nhân đạo, nhờ đó, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tìm cách bắt đầu thực hiện những cuộc thương thảo với nhau.

 

Tôi xin lợi dụng dịp này để tái khẳng định quyền lợi của nhân dân Lebanon được có một xứ sở nguyên vẹn và chủ quyền, quyền lợi của nhân dân Israel được sống trong hòa bình nơi đất nước của mình, và quyền lợi của nhân dân Palestine được có một quê hương tự do và chủ quyền.

 

Ngoài ra, tôi đặc biệt cảm thấy gắn bó với thành phần dân chúng không thể tự vệ, bị ảnh hưởng một cách bất công trong một cuộc xung đột mà họ chỉ là nạn nhân: cả những người dân ở Galilêa, bị bắt buộc phải sống trong các chỗ nương trú, cũng như đại đa số người dân Lebanon, thành phần đã hơn một lần chứng kiến xứ sở của mình bị tàn phá, và đành phải bỏ lại tất cả để sống còn ở một nơi khác.

 

Tôi dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu đau thương, xin cho ước nguyện hòa bình của đại đa số dân chúng sớm được hiện thực, nhờ việc dấn thân chung của những ai hữu trách. Tôi cũng xin lập lại lời kêu gọi của tôi với tất cả mọi tổ chức bác ái hãy biểu lộ một cách đặc biệt tình đoàn kết với những thành phần ấy.

 

Hôm qua chúng ta đã cử hành lễ Thánh Maria Mai Đệ Liên, người môn đệ của Chúa Kitô, vị đã đóng một vai trò chính yếu trong Phúc Âm. Thánh Luca trình bày ngài trong số những người theo Chúa Giêsu, sau khi “đã được chữa cho khỏi các thần ô uế và yếu bệnh”, đặc biệt là chị “đã được trừ cho bảy quỉ” (Lk 8:2).

 

Thánh Mai Đệ Liên cũng có mặt ở dưới chân cây thập giá, cùng với mẹ của Chúa Giêsu và những phụ nữ khác. Vào buổi sáng ngày thứ nhất sau Lễ Vượt Qua, chị đã khám phá ra ngôi mộ trống, là nơi chị đứng gần đó khóc cho tới khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với chị (x Jn 20:11).

 

Câu truyện về Thánh Maria Mai Đệ Liên nhắc nhở hết mọi người một sự thật nền tảng: Chị là một người môn đệ của Chúa Kitô, người mà, với kinh nghiệm yếu đuối của loài người, đã khiêm nhượng xin Người giúp đỡ, đã được Người chữa lành, và đã theo Người khắn khít, trở thành chứng nhân cho quyền năng của tình yêu nhân hậu Người là một tình yêu mạnh hơn tội lỗi và sự chết.

 

Hôm nay chúng ta cử hành lễ thánh Brigita, một trong những nữ thánh quan thày của Âu Châu, người Thụy Điển, sống ở Rôma và đi hành hương tới Thánh Địa. Như thế, thánh nữ mời chúng ta hãy giúp cho nhân loại trong việc tìm kiếm hòa bình cho một miền rộng lớn cũng chính là ở Thánh Địa vậy.

 

Tôi phó thác toàn thể nhân loại cho quyền năng của tình yêu thần linh, và kêu gọi tất cả mọi người hãy nguyện cầu để các dân tộc thân yêu ở Trung Đông có thể loại bỏ con đường tranh đấu bằng võ lực, và xây dựng một nền hòa bình chân chính và bền bỉ bằng sự kiên trì đối thoại. Chớ gì Mẹ Maria, nữ vương hòa bình, cầu cho chúng ta!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/7/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Dự Luật Nghiên Cứu Thân Bào: Bị Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ Phê Bác và bị Tổng Thống Bush Phủ Quyết

 

Theo Zenit ngày 19/7/2006, thì hôm Thứ Ba 18/7, vị giám đốc điều hành văn phòng hoạt động phò sự sống của hội đồng giám mục Hoa Kỳ là Gail Quinn đã cảnh báo là việc thông qua dự luật để khuyến khích việc hủy hoại các phôi thai bào của con người để làm thân bào là việc ‘Thượng Viện Hoa Kỳ thực hiện một thứ báo hại cho sự sống con người cũng như cho mục đích tiến bộ của y khoa”. Theo vị giám đốc điều hành này thì:

 

“Không có một thứ thành đạt về kỹ thuật nào được gọi là ‘tiến bộ’ nếu nó đưa chúng ta thoái lui đối với sự sống của con người. Dự luật H.R.810 chú trọng tới việc nghiên cứu làm hủy hoại các phôi thai bào con người cũng tỏ ra coi thường những trị liệu hiệu nghiệm và hợp luân lý nơi việc sử dụng các thứ thân bào già và thân bào nhau, những thứ thân bào đã được bắt đầu trị liệu các bệnh nhân bị hằng chục loại bệnh. Vì dự luật này không sử dụng những đường lối hiệu nghiệm này mà động lực nghiên cứu thân bào từ phôi thai bào thực sự là những gì đe dọa gây tác hại cho chính các bệnh nhân vậy”.

 

Theo CNN qua bài Bush vetoes embryonic stem-cell bill ngày Thứ Tư 19/7/2006, thì Tổng Thống Bush đã sử dụng lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm rưỡi của mình quyền phủ quyết dự luật trên, vì cho rằng dự luật cho phép nghiên cứu thân bào từ phôi thai bào con người là những gì ‘vượt quá biên giới lãnh vực luân lý’.

 

Thật vậy, dự luật được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua hôm Thứ Ba 18/7 với số phiếu là 63-37 đã nới lỏng những hạn chế trong vấn đề tài trợ của liên bang cho việc nghiên cứu thân bào. Chiều Thứ Tư 19/7, Tổng Thống Bush đã nói rằng:

 

“Dự luật này sẽ là những gì ủng hộ việc lấy đi mạng sống của con người vô tội với niềm hy vọng mang lại lợi ích về y khoa cho các kẻ khác. Nó vượt quá biên giới lãnh vực luân lý là lãnh vực xã hội nề nếp của chúng ta cần phải tôn trọng. Bởi vậy mà tôi phủ quyết nó”.

 

Tham dự vào biến cố này ở Tòa Bạch Ốc có một nhóm gia đình với những đứa con được sinh ra từ những phôi thai bào ‘thừa nhận’ đông lạnh đã vốn từng bị bỏ bê không được sử dụng đến ở các y viện cấy thai. Tổng Thống Bush đã nói về những đứa trẻ này như sau:

 

“Những em trai em gái này không phải là những thứ dư thừa. Các em nhắc nhở chúng ta về những gì bị mất mát khi các phôi thai bào bị hủy đi cho vấn đề nghiên cứu. Các em nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta bắt đầu cuộc đời của chúng ta như là một tổng hợp nhỏ của các tế bào”.

 

Dự luật bị phủ quyết trên đây, được Hạ Viện thông qua vào tháng 5/2005, cho phép các đôi phối ngẫu có những phôi thai bào đông lạnh để sử dụng cho những thứ chữa trị về thai nghén được cống hiến cho các nhà nghiên cứu hơn là để các phôi thai bào ấy bị hủy diệt đi.

 

Tổng Thống Bush, với chủ trương thiên về Giáo Hội Công Giáo, cho biết: “nếu dự luật này trở thành luật thì thành phần đóng thuế Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, buộc phải tài trợ cho việc cố tình hủy hoại đi những phôi thai bào con người, nên tôi sẽ không để cho nó xẩy ra”.

 

Thành phần chống đối việc Tổng Thống Bush phủ quyết cho rằng chính sách của ông quá hạn chế. Ông Lawrence T. Smith, chủ tịch Hiệp Hội Bệnh Tiểu Đường Hoa Kỳ, đã gọi việc phủ quyết này là ‘một thứ thụt lùi kinh khủng đối với 20.8 triệu trẻ em và người lớn Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường – và những ai yêu thương chăm sóc cho những người ấy’.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những đường lối khác để chữa trị những chứng bệnh nan trị ấy, chẳng hạn như sử dụng các thân bào già. Đó là lý do đã có hai dự luật đã được Thượng Viện đồng loạt thông qua: một đạo luật cổ võ phương tiện khác trong việc khai triển những thứ thân bào từ những nguồn như máu của cái nhau, và một đạo luật cấm sản xuất thương mại mô thai bào con người cũng được gọi là ‘cấy thai’.

 

Tối Thứ Ba, Hạ Viện đã thông qua dự luật ‘cấy thai’ với số phiếu 425-0 nhưng không thông qua dự luật cổ võ các nguồn thân báo khác, với số phiếu 273-154, tức không đủ 2/3. Tổng Thống Bush đã ký thành luật dự luật ‘cấy thai’ và kêu gọi Quốc Hội tài trợ cho việc nghiên cứu thay thế. Ông nói:

 

“Tôi không hài lòng vì Hạ Viện không cho phép tài trợ việc nghiên cứu quan trọng và hợp đạo lý này. Thật là vô lý khi nói rằng quí vị thiên về việc tìm cách chữa trị cho các bệnh nạn kinh khiếp nhanh bao nhiêu có thể rồi lại ngăn chặn một dự luật cho phép tài trợ việc nghiên cứu thân bào hứa hẹn và hợp đạo lý”.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, lược dịch theo Zenit và CNN

 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 22 Thứ Bảy bài 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT;  23 Chúa Nhật bài 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA)

 

4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa

 

19.    Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, để được cứu rỗi, tất cả mọi người đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Niềm tự do họ có đối với con người cũng như đối với sự vật trên thế gian này không phải là tự do đối với phần rỗi, vì là những tội nhân, họ phải chịu Thiên Chúa phán quyết và không thể tự mình trở về với Chúa để được giải cứu, không thể nên công chính trước nhan Thiên Chúa, hay không thể dùng khả năng của mình để chiếm lấy ơn cứu độ. Việc công chính hóa được thực hiện hoàn toàn là do ơn Chúa. Vì Công Giáo và Luthêrô cùng nhau tuyên xưng điều này, nên phải công nhận:

 

20.    Khi người Công Giáo nói rằng, con người ‘cộng tác’ trong việc sửa soạn cũng như trong việc chấp nhận trở nên công chính, bằng cách ưng thuận tác động công chính hóa của Thiên Chúa, là họ thấy việc ưng thuận riêng tư này tự nó là hiệu quả của ân sủng, chứ không phải là một tác động phát xuất từ những khả năng bẩm sinh của loài người.

 

21.    Theo giáo huấn của người Luthêrô, con người không thể cộng tác vào việc cứu rỗi của mình, vì là tội nhân, họ chủ động chống lại Thiên Chúa và chống lại tác động cứu độ của Ngài. Người Luthêrô không phủ nhận là người ta có thể từ chối hoạt động của ân sủng. Khi họ nhấn mạnh là con người chỉ có thể lãnh nhận (hoàn toàn thụ động) việc công chính hóa, là vì họ có ý loại trừ hết mọi khả năng đóng góp của con người vào việc công chính hóa bản thân mình, nhưng họ cũng không phủ nhận là bản thân tín hữu cần phải hoàn toàn dấn thân sống đức tin của mình theo tác dụng của Lời Chúa. 

 

(xin xem tiếp: 4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ