GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 20/5/2007

PHỤC SINH TUẦN VII

Ngày Thế Giới Truyền Thông 41

 

?  ĐTC Biển Đức XVI về Ý Nghĩa Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên và Vấn Đề Truyền Thông Xã Hội

?  “Trẻ Em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Vấn Đề Giáo Dục”

?  Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida

 

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI về Ý Nghĩa Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên và Vấn Đề Truyền Thông Xã Hội

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Sách Tông Vụ viết rằng Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, đã hiện ra với các môn đệ trong 40 ngày rồi sau đó ‘khi họ ngước nhìn lên thì Người cất mình lên cao’ (1:9). Đó là Lễ Thăng Thiên, một lễ chúng ta cử hành vào Thứ Năm 25/5 (2006), mặc dù ở một số quốc gia lễ này được chuyển vào Chúa Nhật tới.

 

Ý nghĩa của cử chỉ cuối cùng này của Chúa Giêsu là một ý nghĩa lưỡng diện. Trước hết, khi lên ’cao’ là Người hoàn toàn tỏ hiện thần tính của mình, ở chỗ, Người đã trở về nơi Người xuất phát, tức là về với Thiên Chúa, sau khi Người đã hoàn tất sứ vụ của Người trên trần gian. Hơn nữa, Chúa Kitô lên trời với nhân tính được Người mặc lấy và là nhân tính đã phục sinh từ trong kẻ chết: Nhân tính đó là nhân tính của chúng ta, một nhân tính đã được biến đổi, được thần linh hóa và được trở thành vĩnh hằng. Bởi thế, Lễ Thăng Thiên cho thấy ‘ơn gọi cao cả’ (Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy Vọng’, đoạn 22) của mọi người – được kêu gọi đến sự sống trường sinh nơi vương quốc Thiên Chúa, vương quốc yêu thương, ánh sáng và an bình.

 

Cũng được cử hành vào lễ Thăng Thiên là Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, một ngày được Công Đồng Chung Vaticanô II khởi xướng cho đến nay là năm thứ 40 (năm 2006). Đề tài của năm nay là ‘Truyền Thông Đại Chung là Phương Tiện Truyền Đạt, Hiệp Thông và Hợp Tác’. (Đề tài của năm 2007 là “Trẻ Em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Vấn Đề Giáo Dục”, xin xem toàn sứ điệp dưới đây). Giáo Hội chú trọng tới việc truyền thông đại chúng, vì nó là một phương tiện quan trọng trong việc phổ biến Phúc Âm và duy trì tình liên kết giữa các dân nước, chú trọng tới những vấn đề lớn lao vẫn còn sâu xa ở nơi họ.

 

Chẳng hạn, hôm nay, việc Walk the World do Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc phát động, là những gì đang tìm cách thức tỉnh các chính quyền và dư luận quần chúng về nhu cầu cụ thể và hoạt động hợo thời trong việc bảo đảm cho tất cả mọi người, nhất là trẻ em, ‘thoát khỏi đói khổ’. Bằng lời nguyện cầu tôi muốn gắn bó với việc biểu lộ ấy, một việc biểu dương đang diễn tiến ở Rôma cũng như ở các thành phố khác trong khoảng 100 quốc gia.

 

Tôi thiết tha hy vọng rằng, nhờ việc góp phần của tất cả mọi người, mà nạn đói sẽ được thắng vượt, một nạn đói vẫn còn hạnh hạ loài người, gây tai hại rất nhiều cho niềm hy vọng sống còn của bao nhiêu là triệu con người. Trước hết tôi đang nghĩ đến tình trạng khẩn trương và thể thảm ở Darfur, Sudan, nơi những khó khăn mạnh mẽ liên lỉ kéo dài trong việc thỏa đáng thậm chí những nhu cầu lương thực căn bản của dân chúng.

 

Bằng việc nguyện kinh ‘Lạy Nữ Vương’ theo thường lệ này, chúng ta đặc biệt ký thác ngày hôm nay cho Đức Trinh Nữ Maria những người anh chị em của chún g ta đang vị áp đảo bởi nạn đói khổ, tất cả những ai đang rat ay cứu trợ và những ai, qua phương tiện truyền thông xã hội, góp phần vào việc củng cố mối liên kết và an bình giữa các dân nước. Chúng ta cũng cầu cùng Đức Mẹ cho chuyến tông du Balan được tôá đẹp, chuyến tông du nếu Chúa muốn tôi sẽ thực hiện từ Thứ Năm tới Chúa Nhật tuần tới để tưởng niệm vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/5/2006
 

 

 TOP

 

? “Trẻ Em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Vấn Đề Giáo Dục”

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Sứ Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới 20/5/2007

 

Anh Chị Em thân mến,

 

1.         Đề tài cho Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 41, “Trẻ Em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Vấn Đề Giáo Dục”, là những gì kêu mời chúng ta hãy suy tư về hai vấn đề liên hệ có tính cách quan trọng cả thể. Việc huấn luyện cho trẻ em là một. vấn đề khác, có lẽ ít hiển nhiên hơn song không kém phần  quan trọng, đó là việc huấn luyện truyền thông.

 

Những thách đố phức tạp mà ngày nay vấn đề giáo dục đang phải đương đầu thường liên quan tới cái ảnh hưởng bại hoại của truyền thông trên thế giới chúng ta đây. Là một khía cạnh của hiện tượng toàn cầu hóa, và trở thành tiện lợi dễ dàng nhờ việc nhanh chóng phát triển về kỹ thuật, truyền thông đang sâu xa hình thành môi trường văn hóa (cf. Pope John Paul II, Apostolic Letter The Rapid Development, 3).  Thật vậy, có một số người cho rằng ảnh hưởng chính yếu của truyền thông là những gì nghịch lại với ảnh hưởng của học đường, của Giáo Hội và thậm chí của cả gia đình nữa. ‘Đối với nhiều người thì thực tại là những gì truyền thông nhìn nhận là thực’ (Pontifical Council for Social Communications, Aetatis novae, 4).

 

2.         Mối liên hệ giữa trẻ em, truyền thông và vấn đề giáo dục có thể được cứu xét theo hai chiều kích, chiều kích trẻ em bị chi phối bởi truyền thông; và chiều kích huấn luyện trẻ em để đáp ứng thích đáng với truyền thông. Một thứ hỗ tương nẩy sinh nhắm tới những trách nhiệm của truyền thông như là một ngành  kỹ nghệ cũng như nhắm tới nhu cầu tham dự một cách chủ động và kiểm thức của thành phần độc giả, khán giả và thính giả. Trong khuôn khổ ấy thì vấn đề huấn luyện việc sử dụng thích đáng truyền thông là những gì thiết yếư cho việc phát triển trẻ em về văn hóa, luân lý và tinh thần vậy.

 

Làm thế nào để thứ công ích này được bảo vệ và cổ võ đây? Việc giáo dục trẻ em trong vấn đề phân biệt việc các em sử dụng truyền thông là trách nhiệm của cha mẹ, của Giáo Hội và của học đường. Vai trò của cha mẹ có một tầm vóc quan trọng tối yếu. Họ có quyền hạn và nhiệm vụ bảo đảm việc khôn ngoan sử dụng truyền thông bằng việc huấn luyện lương tâm con cái mình trong việc thể hiện những phán đoán lành mạnh và khách quan là những gì sẽ hướng dẫn họ chọn lựa hay bỏ đi những chương trình sẵn có (cf. Pope John Paul II, Apostolic Exhortation Familiaris consortio, 76). Để làm như thế, cha mẹ cần phải được khích lệ và hỗ trợ bở I học đường và giáo xứ để bảo đảm rằng khía cạnh khó khăn cho dù thỏa đáng của việc làm cha mẹ này là những gì được cộng đồng nâng đỡ.

 

Việc giáo dục truyền thông phải là việc giáo dục có tính cách tích cực. Trẻ em là thành phần hướng về những gì tuyệt vời về thẩm mỹ và luân lý cần được giúp để phát triển việc cảm nhận, khôn ngoan và những khả năng nhận thức. Ở đây cần  phải nhìn nhận giá trị hệ trọng từ gương mẫu của cha mẹ và những thiện ích trong việc đưa giới trẻ đến với những tác phẩm cổ điển của trẻ em về văn chương, đến  với những nghệ thuật tạo hình và đến với c a nhạc nâng cao tâm hồn. Vì văn chương phổ thông bao giờ cũng có được vị thế của mình nơi văn hóa mà không được chấp nhận một cách thụ động khuynh hướng cảm tình hóa thay thế cho việc học hỏi. Nếu vẻ đẹp, một thứ phản ánh thần linh, là những gì làm hứng khởi và sống động các con tim và khối óc trẻ trung, thì cái xấu xí và thô tục lại có một ảnh hưởng bại hoại đối với những thái độ và hành vi cử chỉ.

 

Như vấn  đề giáo dục nói chung, vấn đề giáo dục truyền thông đòi phải huấn luyện về việc hành sử quyền tự do nữa. Đó là một công việc gay go. Bởi thế tự do mới thường được gợi lên như là một cuộc không ngừng tìm kiếm thỏa mãn hay những cảm nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, đó là một thứ lên án chứ không phải là một cuộc giải phóng! Tự do thật không bao giờ lên án con người hết – nhất là một con trẻ – về một thứ tìm cầu thiếu lành mạnh những gì là mới mẻ. Theo chiều hướng chân thực thì tự do chân chính được cảm nghiệm thấy như là một đáp ứng dứt khoát với ‘việc ưng thuận’ của Thiên Chúa đối với loài người, kêu gọi chúng ta hãy chọn không phải một cách bừa bãi mà là chủ ý tất cả những gì là thiện hảo, chân thực và mỹ lệ. Bởi vậy mà cha mẹ, thành phần là bảo quản viên của quyền tự do ấy, trong khi từ từ cho con cái mình được tự do hơn, hãy đưa chúng tới niềm vui sâu xa của cuộc sống (cf. Address to the Fifth World Meeting of Families, Valencia, 8 July 2006).

 

3.         Ước muốn chân thành này của cha mẹ và thày cô trong việc  giáo dục trẻ em theo những đường lối mỹ lệ, chân thực và thiện hảo cần phải được kỹ nghệ truyền thông hỗ trợ chỉ cần ở chỗ nó cổ võ phẩm vị căn bản của con người, giá trị đích thực của đời sống hôn nhân và gia đình, cũng như những chiếm đạt tích cực cùng với những mục tiêu của con người. Bởi thế mà nhu cầu cần truyền thông dấn thân cho việc huấn luyện cách hiệu nghiệm cũng như cho những tiêu chuẩn về đạo lý chẳng những được cha mẹ và thày cô mà còn được tất cả những ai có cảm thức về trách nhiệm dân sự đặc biệt để ý quan tâm và thậm chí cảm thấy khẩn trương.

 

Vì tin tưởng rằng nhiều người dự phần vào các phương tiện truyền thông xã hội muốn thực hiện những gì là đúng đắn (cf. Pontifical Council for Social Communications, Ethics in communications, 4), mà chúng ta cũng cần phải công nhận rằng những ai hoạt động trong lãnh vực này đang phải đối đầu với ‘các thứ áp lực đặc biệt về tâm lý cũng như các thứ nan giải đặc biệt về đạo lý’ (Aetatis novae, 19), những gì có những lúc chứng kiến thấy việc ganh đua về thương mại đã thúc đẩy các nhà truyền thông hạ thấp những tiêu chuẩn xuống thấp hơn. Bất cứ khuynh hướng nào muốn cung cấp những chương trình và những sản phẩm – bao gồm cả những phim hoạt họa và những trò chơi diễn ảnh – những gì nhân danh vấn đề chơi giải trí đề cao việc bạo động và gợi lên hành vi chống xã hội hoặc làm tầm thường hóa tính dục của con người, đều là bại hoại, lại càng ghê tởm hơn nữa khi những chương trình ấy nhắm đến thành phần trẻ em và thanh thiếu niên. Làm sao người ta có thể cắt nghĩa thứ ‘giải trí’ như thế với vô số giới trẻ vô tội thực sự chịu đựng bạo động, khai thác và lạm dụng đây? Về vấn đề này, tất cả mọi người sẽ cảm thấy rõ ràng khi suy nghĩ về cái tương phản giữa Chúa Kitô, Đấng ‘ôm lấy trẻ em đặt tay trên chúng và chúc lành cho chúng’ (Mk 10:16) với kẻ ‘dẫn đường chỉ lối sai lạc … những trẻ nhỏ này’, thành phần ‘tốt hơn… bị cột đá vào cổ’ (Lk 17:2). Một lần nữa, tôi kêu gọi các vị lãnh đạo kỹ nghệ truyền thông hãy giáo dục và khích lệ những ai sản xuất trong việc bảo toàn công ích, trong việc tuân hành chân lý, trong việc bảo vệ phẩm vị làm người của cá nhân và trong việc cổ võ vấn đề tôn trọng các nhu cầu của gia đình.

 

4.         Chính Giáo Hội, theo chiều hướng của sứ điệp cứu độ được ký thác cho mình, cũng là một vị thày của nhân loại và lợi dụng cơ hội để cống hiến việc hỗ trợ cho cha mẹ, các giáo dục viên, những nhà truyền thông và giới trẻ. Các chương trình học đường và giáo xứ của Giáo Hội cần phải đi tiên phong trong việc giáo dục truyền thông ngày nay. Nhất là Giáo Hội mong muốn chia sẻ một nhãn quan về phẩm vị con người là tâm điểm c ho tất cả mọi thứ truyền thông xứng đáng của con người. ‘Nhìn bằng đôi mắt của Chúa Kitô, tôi có thể cống hiến cho những người khác nhiều hơn là những nhu cầu bề ngoài của họ; tôi có thể trao tặng họ cái nhìn yêu thương họ thèm khát’ (Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 18).

 

Tại Vatican ngày 24/1/2007, Lễ Thánh Pahnxicô Salêsiô,

Giáo Hoàng Biển Đức XVI


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20070124_41st-world-communications-day_en.html

 

 

TOP

 

 

? Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida 

 

(tiếp 19 Thứ Bảy, 18 Thứ Sáu, 17 Thứ Năm)

4.         “Để nơi Người họ được sự sống”

 

Các dân tộc ở Mỹ Châu La Tinh và Caribbean có quyền hưởng một sự sống trọn vẹn, xứng với thành phần con cái của Thiên Chúa, theo những điều kiện hợp với nhân bản hơn, đó là thoát khỏi bị đe dọa đói khổ và mọi hình thức vi phạm. Đối với những người này, các vị Giám Mục của họ cần phải cổ võ một thứ văn hóa sự sống có thể giúp cho, theo lời của vị tiền nhiệm Phaolô VI của tôi, “vượt qua tình trạng khổ cực đến việc sở hữu những thứ cần thiết … việc có được nền văn hóa… việc hợp tác vì công ích… việc con người nhìn nhận những giá trị cao cả và Thiên Chúa là nguồn mạch và là cùng đích của họ” (Populorum Progressio, 21).

 

Trong bối cảnh này, tôi hân hoan nhắc lại là năm n ay chúng ta mừng kỷ niệm 40 năm Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc. Bản văn kiện của vị Giáo Hoàng này nhấn mạnh rằng việc phát triển đích thực cần phải là những gì trọn vẹn, tức là hướng tới việc cổ võ toàn thể con người và tất cả mọi dân tộc (xem số 14), và nó mời gọi tất cả mọi người hãy thắng vượt những chênh lệch trầm trọng về xã hội và những thứ khác nhau khổng lồ trong vấn đề chiếm hưởng các thứ sản vật. Những người này đang trông ngóng trước hết được hưởng một sự sống viên trọn do Chúa Kitô mang đến cho chúng ta: “Tôi đến cho chiên được sự sống và là một sự sống dồi dào” (Jn 10:10). Nhờ sự sống thần linh này, cuộc sống của con người cũng được phát triển trọn vẹn, theo chiều kích cá nhân, gia đình, xã hội và văn hóa.

 

Để hình thành người môn đệ và nâng đỡ người thừa sai trong công việc cao cả của họ, Giáo Hội đã cống hiến cho họ, ngoài bánh lời Chúa còn cả bánh Thánh Thể nữa. Đối với vấn đề này chúng ta cảm thấy phấn khởi và sáng ngời với đoạn Phúc Âm về những người môn đệ trên đường đi Emmau. Khi các vị ngồi vào bàn và lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô tấm bánh đã được chúc tụng và bẻ ra, thì mắt các vị đã mở ra và họ thấy được dung nhan của Chúa Kitô Phục Sinh, các vị cảm thấy nơi tâm can của mình là tất cả những gì Người phán và làm đều là sự thật, và việc cứu chuộc thế giới được bắt đầu khai mở. Mỗi Chúa Nhật và mỗi Thánh Lễ đều là một cuộc hội ngộ riêng tư với Chúa Kitô. Việc lắng nghe lời Chúa làm cho lòng chúng ta bừng nóng lên, bởi vì chính Người là Đấng đang dẫn giải và loan báo lời Chúa. Khi chúng ta bẻ bánh trong Thánh Lễ thì chính Người là Đấng chúng ta đích thân đón nhận. Thánh Thể là dưỡng chất bất khả châm chước cho đời sống của người môn đệ và thừa sai của Chúa Kitô.     

 

Lễ Chúa Nhật, Tâm Điểm của Đời Sống Kitô Hữu 

 

Bởi thế, cần phải đặt ưu tiên nơi các chương trình về mục vụ trong việc cảm nhận được tầm quan trọng của Thánh Lễ Chúa Nhật. Chúng ta phải phấn khích Kitô hữu hãy chủ động tham dự Thánh Lễ, và nếu có thể mang cả gia đình đi tham dự nữa càng tốt. Việc cha mẹ với con cái tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là một cách hiệu năng để dạy dỗ đức tin và là mối giây kết thắt mối hiệp nhất của họ với nhau. Ngày Chúa Nhật, suốt cuộc sống của Giáo Hội, vẫn là giây phút đặc biệt của việc cộng đồng hội ngộ với Chúa Kitô phục sinh.  

 

Kitô hữu cần phải ý thức rằng họ không theo đuổi một nhân vật thuộc lịch sử đã qua mà là Chúc Kitô sống động, hiện diện vào hôm nay đây và lúc này đây trong cuộc đời của họ. Người là Đấng sống động đang bước đi với chúng ta, tỏ cho chúng ta biết ý nghĩa của các biến cố, của khổ đau và chết chóc, của hân hoan và vui mừng, khi tiến vào nhà của chúng ta và ở lại đó, nuôi dưỡng chún g ta bằng thứ bánh ban sự sống. Vì lý do này mà Thánh Lễ Chúa Nhật cần phải trở thành tâm điểm của đời sống Kitô hữu.

 

Việc hội ngộ với Chúa Giêsu trong Thánh Thể đòi hỏi việc dấn thân truyền bá phúc âm hóa và một động lực hướng tới tình đoàn kết; nó làm bừng lên nơi Kitô hữu một ước vọng mãnh liệt trong việc loan báo Phúc Âm và làm chứng cho Phúc Âm trên thế giới để xây dựng một xã hội chân chính và nhân bản hơn. Từ Thánh Thể, qua giòng lịch sử của các thế kỷ, đã bùng lên một kho tàng dồi dào về đức bác ái, về việc chia sẻ những nỗi khó khăn với kẻ khác, về tình yêu và về công lý. Chỉ từ Thánh Thể mới xuất phát ra nền văn minh yêu thương làm biến đổi Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, khiến họ chẳng những thành Châu Lục của Niềm Hy Vọng mà còn là một Châu Lục của Tình Yêu Thương nữa!   

 

Những trục trặc về xã hội và chính trị                                                                 

 

Tới đây, chúng ta tự đặt vấn đề, đó là làm sao Giáo Hội có thể góp phần vào việc giải quyết các trục trặc khẩn trương về xã hội và chính trị, và đáp ứng cái thách đố cả thể về tình trạng nghèo khổ và cơ cực đây? Những trục trặc ở Mỹ Châu La Tinh và Caribbean, cũng như những trục trặc của thế giới ngày nay, là những gì muôn mặt và phức tạp, và chúng không thể giải quyết bằng những chương trình chung chung. Chắc chắc một điều là vấn đề trọng yếu về đường lối mà Giáo Hội, được soi sáng bởi niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô, cần phải phản ứng trước những thách đố ấy, là một vấn đề liên quan tới tất cả chúng ta. Về vấn đề này, chúng ta không thể tránh né trong việc nói tới vấn đề về cấu trúc, nhất là những gì gây ra bất công. Thật vậy, các cấu trúc chân chính là điều kiện nếu thiếu sẽ không thể nào có một trật tự chính đáng trong xã hội nổi. Thế nhưng, những cấu trúc ấy xuất phát ra sao? Chúng hooạt động như thế nào? Ca chủ nghĩa tư bản và Mát-Xít đều đã hứa hẹn vạch ra con đường kiến tạo nên những cấu trúc chính đáng, và họ đã tuyên bố rằng, một khi được thiết lập, những cấu trúc ấy sẽ tự mình hoạt động; họ công bố là chẳng những các cấu trúc ấy không cần đến bất cứ một thứ luân lý cá nhân nào trước đó, mà chúng con phát động một thứ luân lý chung. Và lời hứa hẹn có tính cách ý hệ này đã cho thấy là sai lầm. Các sự kiện đã rõ ràng minh chứng điều ấy. Thể chế Mát-Xít, nơi nào được chính quyền thi hành áp dụng, chẳng những để lại một gia sản buồn thảm nơi tình trạng hủy hoại về kinh tế và môi sinh, mà còn là một thứ đau thương áp bức các linh hồn nữa. Và chúng ta có thể thấy được cũng một điều như thế xẩy ra ở cả Tây Phương, nơi mà khoảng cách giầu nghèo đang liên tục gia tăng, gây ra một tình trạng suy thoái đáng lo ngại về phẩm vị con người bởi những thứ thuốc phiện, rượu chè cùng những thứ ảo tưởng dối trá về hạnh phúc.

 

Như tôi đã nói, những cấu trúc chính đáng là một điều kiện bất khả châm chước cho một xã hội chân chính, thế nhưng chúng không xuất phát hay hoạt động mà lại thiếu sự đồng thuận về luân lý trong xã hội đối với các thứ giá trị nền tảng, cũng như đối với nhu cầu cần phải sống những giá trị ấy bằng những hy sinh cần thiết, cho dù có phải làm nghịch lại với lợi ích tư riêng của mình.

 

Nơi nào vắng bóng Thiên Chúa – Vị Thiên Chúa có dung nhan con người của Chúa Giêsu Kitô – thì những thứ giá trị ấy không đạt được tất cả mãnh lực của chúng, cũng chẳng có vấn đề đồng thuận đối với chúng nữa. Tôi không có ý nói rằng thành phần vô tín ngưỡng không thể sống một thứ luân lý cao quí và mô phạm; tôi chỉ có ý nói rằng một xã hội vắng bóng Thiên Chúa sẽ không thể nào tìm thấy được vấn đề đồng thuận cần thiết về những thứ giá trị luân lý hay sức mạnh để sống theo kiểu mẫu của những thứ giá trị này, thậm chí kể cả lúc những giá trị ấy có tương khắc với các thứ ích lợi tư riêng đi nữa.

 

Trái lại, các cấu trúc chính đáng là những gì cần phải tìm kiếm và soạn thảo theo chiều hướng của các thứ giá trị trọng yếu ấy, và hoàn toàn liên kết với lý lẽ về chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng là vấn đề của recta ratio và chúng không xuất phát từ những ý hệ hoặc từ những thứ trích yếu. Chắc chắn là có cả một kho tàng lớn lao  nơi kinh nghiệm và sự thành thạo về chính trị đối với các vấn đề về xã hội và kinh tế có thể nhấn mạnh đến những yếu tố nồng cốt của một quốc gia chân chính và những đường lối cần phải tránh lánh. Thế nhưng, trong những trường hợp về văn hóa và chính trị khác nhau, giữa những sự phát triển liên lỉ về kỹ thuật và những đổi thay về thực tại lịch sử của thế giới, cần phải tìm kiếm những câu giải đáp thích đáng có lý lẽ, và cần phải thiết lập một sự đồng thuận – kèm theo những quyết tâm c ần thiết – về những thứ cấu trúc cần phải thiết lập.

 

Công việc có tính cách chính trị này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Giáo Hội. Việc tỏ ra tôn trọng tính cách trần thế lành mạnh – bao gồm cả tính cách đa nguyên của các ý kiến về chính trị – là những gì thiết yếu nơi truyền thống Kitô Giáo. Nếu Giáo Hội bắt đầu biến đổi bản thân mình thành một chủ thể trực tiếp làm chính trị thì Giáo Hội thực hiện ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, cho người nghèo và cho công lý, vì Giáo Hội sẽ mất đi tính cách độc lập của mình cùng với thẩm quyền về luân lý của mình, đồng hóa mình với đường lối duy chính trị và với những chủ trương đảng phái có thể mang ra tranh cãi.

 

Giáo Hội là biện hộ viên cho công lý và cho người nghèo, chính vì Giáo Hội không đồng hóa mình với thành phần chính trị gia hay với các khuynh hướng đảng phái. Chỉ khi nào giữ được tính cách độc lập Giáo Hội mới có thể giảng dạy những qui tắc quan trọng và những giá trị bất khả tước đoạt, mới có thể hướng dẫn lương tâm con người và mới có thể cống hiến một chọn lựa sự sống vượt ra ngoài lãnh vực chính trị. Đào luyện lương tri, biện hộ cho công lý và sự thật, giáo dục về các nhân đức cá nhân và chính trị, đó là ơn gọi trọng yếu của Giáo Hội trong lãnh vực này. Và thánh phần giáo dân Công Giáo cần phải ý thức trách nhiệm của mình nơi đời sống xã hội; họ cần phải hiện diện trong việc hình thành việc đồng thuận cần thiết hay chống lại tình trạng bất công. 

 

Những cấu trúc chân chính sẽ không bao giờ hoàn tất một cách vĩnh viễn hết. Khi lịch sử tiếp tục xoay vần thì chúng cũng cần phải liên lỉ đổi mới và cập nhật hóa; chúng bao giờ cũng cần phải được thấm đậm một cốt tính chính trị và nhân bản – và chúng ta cần phải hết sức thực hiện việc bảo đảm sự hiện diện và công hiệu của cốt tính này. Nói cách khác, việc hiện diện của Thiên Chúa, mối thân tình với Con Thiên Chúa n hập thể, ánh sáng của lời Người: những điều này bao giờ cũng là những điều kiện cốt yếu cho sự hiện diện và hiệu năng của công lý và yêu thương trong các xã hội của chúng ta.

 

Là Châu Lục của thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận phép rửa này đây, đã đến lúc cần phải thắng vượt tình trạng thiếu vắng đáng kể – nơi lãnh vực chính trị, ở thế giới truyền thông và trong các đại học đường – tiếng nói và hoạt động của thành phần lãnh đạo Công Giáo có những tư cách mạnh mẽ và tinh thần quảng đại dấn thân, thành phần gắn bó với những niềm xác tín về đạo lý và tôn giáo của mình. Các phong trào trong giáo hội có nhiều chỗ ở nơi đây để nhắc nhở thành phần giáo dân về trách nhiệm của họ và về sứ vụ của họ trong việc mang ánh sáng Phúc Âm vào đời sống xã hội, vào văn  hóa, kinh tế và chính trị.  

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20070513_conference-aparecida_en.html 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ