GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 7/6/2007

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

 

?   ĐTC Biển Đức XVI kêu gọi các vị lãnh đạo Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường

?  “Toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với loài người được tóm gọn lại nơi những lời ấy” (những lời truyền phép Thánh Thể)

?  “Khi bàn tay của anh em được xức dầu là chúng được giành để phục vụ Chúa như bàn tay riêng của Người trong thế giới hôm nay”

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI kêu gọi các vị lãnh đạo Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường

 

Sau đây là những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sau buổi triều kiến chung hằng tuần ngỏ cùng thành phần lãnh đạo Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường đang tham dự Thượng Nghị của họ.

 

Hôm nay, ở Heiligendamm, Đức quốc, dưới quyền Chủ Tịch của Cộng Hòa Liên Bang Đức, Cuộc Thượng Nghị Hằng Năm của Các Vị Lãnh Đạo Quốc Gia cũng như của Các Vị Lãnh Đạo Chính Phủ thuộc Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường – tức là 7 quốc gia kỹ nghệ đệ nhất thế giới và Liên Bang Nga – đã bắt đầu. Vào ngày 16/12 năm ngoái tôi đã có dịp viết cho Bà Thủ Tướng Angela Merkel, nhân danh Giáo Hội Công Giáo, cám ơn bà về quyết định giữa đề tài về tình trạng nghèo khổ trên thế giới trong nghị trình của Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường, đặc biệt là ở Phi Châu. Tiến Sĩ Merkel đã thân ái trả lời cho tôi vào ngày 2/2 vừa rồi, cam đoan với tôi về quyết tâm của Nhóm Đệ Nhất Kỹ Nghệ Bát Cường trong việc chiếm đạt các Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Giờ đây, tôi xin ngỏ lời kêu gọi nữa cùng các vị lãnh đạo đang gặp nhau ở Heiligendamm là đừng lùi bước trước những hứa hẹn của mình trong vấn đề gia tăng một cách thiết yếu nơi việc trợ giúp phát triển thiên về thành phần thiếu thốn nhất, đặc biệt những người ở Lục Địa Phi Châu.

 

Về vấn đề này, mục tiêu của Ngàn Năm thứ hai đã được đặc biệt chú trọng, đó là “đạt được mộït nền giáo dục căn bản – bảo đảm rằng tất cả mọi em trai em gái hoàn tất việc học vấn vào năm 2015”. Đây là một phần toàn diện của việc chiếm đạt tất cả các Mục Tiêu Ngàn Năm khác: nó là một thứ bảo đảm của việc củng cố các mục tiêu đã đạt được; nó là khởi điểm cho những tiến trình tự động và khả trợ của vấn đề phát triển.

 

Không được quên rằng Giáo Hội Công Giáo luôn đi tiên phong trong ngành giáo dục, tiến tới các nơi chốn, đặc biệt ở các quốc gia nghèo nhất, mà các cơ cấu Quốc Gia thường bỏ không tới. Các Giáo Hội Kitô Giáo khác, các nhóm tôn giáo cùng các tổ chức thuộc xã hội dân sự chia sẻ việc dấn thân về giáo dục này. Theo nguyên tắc phụ trợ, thực tại này cần được các Chính Quyền và các Tổ Chức Quốc Tế nhìn nhận, trân quí và nâng đỡ, bằng việc, ngoài những thứ khác, phân phối ngân quĩ đầy đủ, để bảo đảm được cái hiệu năng hơn trong việc chiến đạt các Mục Tiêu Phát Triển Ngàn Năm. Chúng ta hãy hy vọng rằng những nỗ lực nghiêm chỉnh cần phải được thực hiện  để đạt thành những mục tiêu ấy.  

 

Sau buổi triều kiến chung, chiếc tông xa của Đức Thánh Cha đang đi vòng quang Quảng Trường Thánh Phêrô để ngài chào và ban phép lành cho mọi người, thì một người vượt qua hàng rào an ninh bám vội vào chiếc tông xa của Đức Thánh Cha đang chạy, trước khi bị nhân viên an ninh bắt giữ.

 

Đức Thánh Cha không bị hại, và không lưu ý những gì đã xẩy ra sau long ngài, khi ngài đã chú ý chào dân chúng.

 

Tòa Thánh sau đó đã cho biết con người có hành động bất thường đó 27 tuổi, người Đức, bị bệnh tâm thần và không có ý hại Đức Thánh Cha, song chỉ muốn kéo chú ý của mọi người mà thôi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/6/2007

 

 TOP

 

? “Toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với loài người được tóm gọn lại nơi những lời ấy” (những lời truyền phép Thánh Thể)

 

(Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Trọng Kính Mình máu Thánh Chúa Kitô 15/6/2006 tại Quảng Trường Đền Thờ Latêranô Rôma)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Vào tối áp cuộc khổ nạn của mình, trong bữa Vượt Qua, Chúa Kitô đã cấm lấy bánh trong tay mình – như chúng ta đã vừa mới nghe cách đây ít lâu trong đoạn Phúc Âm – và, sau khi làm phép, Người bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: ‘Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thày’. Đoạn Người cầm lấy chén, tạ ơn và trao cho các vị và tất cả các vị đều uống chén ấy. Người phán: ‘Đây là máu của Thày, máu giao ước, được đổ ra cho nhiều người’ (Mk 14:22-24). 

 

Toàn thể lịch sử của Thiên Chúa với loài người được tóm gọn lại nơi những lời ấy. Không phải chỉ có quá khứ mới được nói tới và được giải thích, mà cả tương lai cũng được ngưỡng vọng nữa – đó là việc Vương Quốc của Thiên Chúa trị đến trên thế giới này. Những gì Chúa Giêsu nói không phải là những lời lẽ đơn giản tầm thường. Những gì Người nói là một biến cố, một biến cố chính yếu nơi lịch sử của thế giới và của đời sống riêng tư của chúng ta.

 

Những lời này là những lời bất khả thấu tận. Vào lúc này đây, tôi xin suy niệm với anh chị em về chỉ một khía cạnh duy nhất. Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu để làm như là dấu hiệu hiện diện của Người. Bằng mỗi một dấu hiệu này, Người hoàn toàn hiến ban chính mình Người, chứ không phải chỉ từng phần. Đấng Phục Sinh là Đấng không bị phân chia. Người là một ngôi vị, nhờ các dấu hiệu, đến gần với chúng ta hơn và liên kết chúng ta với chính mình Người.

 

Tuy nhiên, mỗi một dấu hiệu, theo cách thế riêng của mình, tiêu biểu cho một khía cạnh đặc biệt về mầu nhiệm của Người, và qua việc biểu lộ xứng hợp của mình, muốn nói với chúng ta để chúng ta hiểu được mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô khá hơn chút nữa.

 

Trong cuộc rước kiệu và chầu Chúa, chúng ta nhìn lên Tấm Bánh đã được thánh hiến, một hình thức bánh và dưỡng chất đơn sơ thanh đạm nhất, được làm nên bởi một ít bột và nước. Nhờ đó, tấm bánh trở thành như là lương thực của người nghèo, thành phần Chúa Kitô gắn bó nhất.

 

Lời nguyện được Giáo Hội trong phụng vụ Thánh Lễ hiến dâng tấm bánh ấy lên Chúa, định phẩm nó như là hoa mầu của trái đất và lao công của con người. 

 

Nó bao gồm lao công của con người, việc làm hằng ngày của những ai canh tác trái đất, gieo trồng và gặt hái (lúa miến), và sau hết là việc làm bánh. Tuy nhiên, bánh không phải thuần túy và chỉ là những gì chúng ta sản xuất, những gì chúng ta làm được; nó là hoa trái của trái đất và vì thế cũng là tặng vật nữa.

 

Chúng ta không thể kể công về sự kiện trái đất trổ sinh hoa trái; chỉ có một mình Đấng Hóa Công mới có thể làm cho nó thành mầu mỡ. Và giờ đây chúng ta cũng có thể nới thêm một chút nữa thế này vào lời nguyện cầu này của Giáo Hội, đó là Bánh này là hoa trái của trời cao và trái đất. Nó bao gồm việc hợp lại giữa các năng lực của trái đất cùng với những tặng ân từ trên cao, tức là của mặt trời và mưa gió. Cả nước nôi nữa, yếu tố chúng ta cần để làm bánh, yếu tố chúng ta không thể nào làm nên.

 

Trong một giai đoạn vấn đề sa mạc hóa được nói đến và là giai đoạn chúng ta nghe thấy thời điểm và một lần nữa nghe thấy cảnh giác là con người cùng hoang thú đang có nguy cơ bị chết khát nơi những miền không có nước ấy – trong một giai đoạn như vậy chúng ta mới nhận thức một lần nữa rằng tặng ân nước thì to tát biết bao, và tại sao chúng ta không thể tự mình sản xuất được nó.

 

Bởi vậy, nhìn kỹ vào miếng Bánh Thánh trắng nhỏ này, tấm bánh của người nghèo, chúng ta thấy được một thứ tổng hợp của thiên nhiên tạo vật. Trời và đất nữa, như hoạt động và tinh thần của con người, hợp tác với nhau. Cái tác hợp của các quyền lực làm cho mầu nhiệm về sự sống và việc hiện hữu của con người trở thành khả dĩ trên hành tinh của chúng ta đây đến gặp gỡ chúng ta nơi tất cả những gì là cao cả uy nghi vĩ đại.

 

Như thế chúng ta bắt đầu hiểu được lý do tại sao Chúa đã chọn miếng bánh ấy để làm tiêu biểu cho Người. Thiên nhiên tạo vật, với tất cả những tặng ân của nó, khao khát một cái gì đó thậm chí lớn lao hơn nữa, bên trên chính nó và vượt trên chính nó. Bên trên và vượt trên sự tổng hợp của những năng lực nơi chính nó, bên trên và vượt trên sự tổng hợp cũng của cả thiên nhiên lẫn thần trí mà, ở một góc độ nào đó, chúng ta, nơi tấm bánh, khám phá ra thiên nhiên tạo vật được định phóng hướng tới việc thần linh hóa, hướng tới một cuộc hôn lễ thánh hảo, hướng tới một cuộc hiệp nhất với chính Đấng Tạo Thành.

 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa cắt nghĩa sâu xa sứ điệp của dấu hiệu bánh này. Chúa Kitô đã đề cập tới mầu nhiệm sâu xa nhất của nó vào Chúa Nhật Lễ Lá, khi có một số người Hy Lạp yêu cầu được gặp Người. Trong lời Người trả lời cho vấn đề này có câu: ‘Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho quí vị biết, trừ phi hạt lúa miến rơi xuống đất có chết đi, bằng không nó vẫn còn nguyên; thế nhưng, nếu nó có thối nát đi, nó mới sinh nhiều hoa trái’ (Jn 12:24).

 

Mầu nhiệm của Cuộc Khổ Nạn được dấu ẩn nơi tấm bánh thành nên bởi hạt lúa đất đai. Bột, hạt lúa đất đai, biểu hiệu cho cái chết đi và phục hồi của hạt thóc này. Nơi việc được gieo trên đất và bị nung nướng, nó mang nơi mình một lần nữa cũng cái mầu nhiệm Khổ Nạn ấy. Chỉ nhờ cái chết mới có phục sinh thế nào thì hoa trái và sự sống mới cũng thế.

 

Văn hóa ở miền Địa Trung Hải, ở vào những thế kỷ trước Chúa Kitô, đã có một trực giác sâu xa về mầu nhiệm này. Dựa trên cái kinh nghiệm về cái chết và phục hồi ấy, họ đã tạo nên những huyền thoại về thần linh là những gì đã hiến ban sự sống mới bằng việc chết đi và sống lại. Đối với họ, chu kỳ của thiên nhiên dường như một lời hứa hẹn thần linh ở giữa cái tối tăm của khổ đau và chết chóc mà chúng ta phải đương đầu.

 

Nơi những huyền thoại này, linh hồn của con người, một cách nào đó, đã hướng tới việc Thiên Chúa đã làm người, vị mà, hủy thân cho đến chết trên thập tự giá, dể mở cửa sự sống cho tất cả chúng ta. Nơi bánh và việc làm bánh, con người đã hiểu nó như là một giai đoạn đợi chờ của thiên nhiên, như một lời hứa hẹn nơi thiên nhiên là điều này sẽ xẩy ra, đó là Vị Thiên Chúa chết đi để nhờ đó mang chúng ta tới sự sống.

 

Những gì được đợi trông nơi những huyền thoại ấy và những gì được chất chứa nơi chính hạt lúa miến như là dấu hiệu cho niềm hy vọng của thiên nhiên tạo vật – thì đều thực sự xẩy ra nơi Chúa Kitô. Qua cái cuộc khổ nạn và tử nạn nhưng không của Người, Người đã trở thành bánh cho tất cả chúng ta, và nhờ đó trở thành niềm hy vọng sống động vững vàng. Người hỗ trợ chúng ta nơi tất cả mọi khổ đau cho chết chúng ta. Con đường Người hành trình với chúng ta, nhờ đó, Người dẫn chúng ta tới sự sống là những con đường của niềm hy vọng.

 

Nơi việc chầu Chúa, khi chúng ta nhìn vào Tấm Bánh được thánh hiến, thì dấu hiệu của thiên nhiên tạo vật này là những gì nói với chúng ta. Bởi vậy, chúng ta gặp được cái cao cả của tặng ân Người; thế nhưng chúng ta cũng gặp được cả cuộc khổ nạn, thập giá của Chúa Giêsu cùng với cuộc phục sinh của Người. Nơi ánh mắt tôn thờ này, Người lôi kéo chúng ta đến với Người, trong mầu nhiệm của Người, nhờ đó, Người biến đổi chúng ta như Người đã biến đổi Bánh Thánh.

 

Giáo Hội sơ khai cũng đã khám phá ra một biểu hiệu khác nơi tấm bánh. Tín Điều của 12 Tông Đồ, một cuốn sách được viết vào khoảng năm 100, chất chứa nơi những lời nguyện cầu của mình niềm xác tín rằng: ‘Cho dù như tấm bánh được bẻ ra này bị phân tán khắp các đồi núi, và được qui tụ lại với nhau nên một, thì xin cho Giáo Hội của Chúa cũng được qui tụ lại với nhau từ cùng tận trái đất nơi Vương Quốc của Chúa’ (IX, 4).

 

Tấm bánh được làm nên bởi nhiều hạt lúa miến cũng chất chứa một biến cố hiệp nhất nữa. Hạt lúa miến đất đai trở thành bánh là một tiến trình nên một. Chính chúng ta, tuy nhiều, cần phải trở thành một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất, như Thánh Phaolô nói (x 1Cor 10:17). Như thế, dấu hiệu bánh trở thành cả niềm hy vọng lẫn sự viên trọn.

 

Dấu hiệu rượu nho nói với chúng ta cũng giống y như thế. Tuy nhiên, trong khi bánh nói về cuộc sống hằng ngày, về tính cách giản dị và hành trình, thì rượu diễn đạt nét trang nhã thanh tú của thiên nhiên tạo vật, đó là lễ hội của niềm vui được Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta vào ngày cùng tháng tận mà giờ đây và mãi mãi đã được tiên hưởng nơi dấu hiệu này.

 

Thế nhưng, rượu cũng nói về Cuộc Khổ Nạn nữa, ở chỗ, cây nho cần phải được tỉa đi xén lại nhờ đó mà được nên tinh khiết; những hạt nho cần phải chín mùi nhờ mặt trời và mưa gió cũng như cần phải bị ép vắt: Chỉ nhờ có cuộc khổ nạn này mới có một thứ chín mùi rượu ngon.

 

Vào Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta đặc biệt nhìn vào dấu hiệu bánh. Nó nhắc nhở chúng ta về cuộc hành trình của dân Do Thái suốt 40 năm trong sa mạc. Bánh Thánh là manna của chúng ta được Chúa dùng để nuôi dưỡng chúng ta – nó thật là bánh bởi trời, nhờ đó Người hiến ban chính mình Người.

 

Trong cuộc cung nghinh Thánh Thể này, chúng ta theo dấu hiệu ấy, nhờ đó, chúng ta theo chính Chúa Kitô. Và chúng tax in Người rằng: Xin Chúa dẫn dắt chúng con qua những nẻo đường lịch sử! Xin Chúa cứ tỏ mãi cho Giáo Hội và những vị mục tử của Giáo Hội thấy đường ngay nẻo chính! Xin Chúa hãy nhìn đến nhân loại khổ đau, đang thận trọng tìm kiếm một đường đi nước bước qua rất nhiều những ngờ vực; xin hãy nhìn đến tình trạng đói khổ về vật chất và tâm linh đang hành hạ nhân loại! Xin ban cho con người nam nữ bánh cho cả xác lẫn hồn! Xin ban cho họ công ăn việc làm! Xin ban cho họ ánh sáng! Xin ban cho họ chính bản thân Chúa! Xin thanh tẩy và thánh hóa tất cả chúng con!

 

Xin Chúa hãy làm cho chúng con hiểu được rằng chỉ nhờ tham phần vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa, qua việc ‘chấp nhận’ thánh giá, chấp nhận bỏ mình, chấp nhận những cuộc thanh tẩy Chúa thực hiện nơi chúng con, đời sống chúng con mới có thể trưởng thành và đạt đến tầm vóc viên trọn thực sự. Xin Chúa hãy qui tụ chúng con lại từ mọi nơi trên thế giới. Xin Chúa hãy hiệp nhất Giáo Hội của Chúa, hiệp nhật nhân loại bị thương đau! Xin Chúa ban cho chúng con ơn cứu độ! Amen

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/7/2006

 

Ý nghĩa bài giảng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về Thánh Thể liên quan tới khía cạnh thiên nhiên tạo vật được thần linh hóa và biến đổi từ tấm bánh là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người đã được người dịch cảm nghiệm và chia sẻ trong cuốn “Nguồn Sống Thần Linh” (Cao-Bùi, 5/2005, Năm Thánh Thể, trang 69-73, và trang 137-144, như sau:)

 

Chất Thể của Thánh Thể ở phần Dâng Lễ

 

Phần Phụng Vụ Thánh Thể được bắt đầu bằng việc dâng của lễ. Ở đây, chúng ta có thể đặt vấn đề về ý nghĩa của bánh và rượu, về lý do tại sao lại là bánh miến và rượu nho mà không phải là những lễ vật khác, cũng như về mối liên hệ giữa của lễ dâng trên bàn thờ bấy giờ với “hoa mầu ruộng đất (hay) sản phẩm của cây nho và lao công của con người”.

 

Mỗi bí tích đều phải có đủ hai yếu tố mới hiệu thành, đó là chất thể và mô thể. Chẳng hạn nơi bí tích Thánh Thể, chất thể là bánh với rượu và mô thể là lời truyền phép. Mô thể của bí tích Thánh Thể là chính lời Chúa Giêsu phán trên bánh và chén rượu trong Bữa Tiệc Ly, lời được chính các vị chủ tế lập lại khi truyền phép Thánh Thể. Còn chất thể của bí tích Thánh Thể là bánh và rượu, hai chất thể cũng được Chúa Giêsu sử dụng ở Bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Cực Trọng này. Thế nhưng, các Phúc Âm nhất lãm trình thuật về biến cố thiết lập Bí Tích Thánh Thể này nói riêng và Bữa Tiệc Ly nói chung chỉ đề cập đến chất thể của rượu là rượu nho (x Lk 22:18), chứ không hề đề cập đến chi tiết rõ ràng về chất liệu bánh của bí tích Thánh Thể, chẳng hạn bánh không men, bánh được làm bằng bột mì hay bột nếp v.v.

 

Về chất thể bánh của bí tích Thánh Thể, có một chi tiết được mặc nhiên hiểu đó là bánh “không men”, vì Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt Qua theo lệ của người Do Thái là tục lệ cần phải ăn “bánh không men” (x Ex 12:18,20), một qui lệ được chính Cha Người đặt ra cho dân Do Thái ngay từ khi họ sửa soạn cuộc Vượt Qua của họ từ miền đất nô lệ ở Ai Cập mà về Đất Hứa.

 

Tính chất không men của chất thể bánh làm nên Thánh Thể Chúa Kitô còn là những gì nhắc nhở thành phần muốn nhận lãnh Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, hay muốn hiệp thông với Người một cách xứng đáng và trọn vẹn, cần phải có một tâm hồn tinh khiết. Bởi vì, men thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, liên quan đến gương mù gương xấu, như “men của những người Pharisiêu và Saducê” (Mt 16:6), hay men hư hỏng và gian ác, một thứ men cần phải tránh để trở thành một thứ bánh không men thành tâm và chân thực, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ kêu gọi trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô: “Anh em hãy loại trừ đi thứ men cũ để làm cho anh em trở thành bột mới, thành những tấm bánh không men, vì Chúa Kitô là Cuộc Vượt Qua của chúng ta đã được hy tế. Chúng ta hãy mừng lễ không phải bằng men cũ, men hư hoại và gian ác, mà là bằng tấm bánh không men của lòng thành và chân thực” (x 1Cor 5:7-8).

 

Ngoài tính chất “bánh không men” của chất thể bánh làm nên Thánh Thể Chúa Kitô như thế, Giáo Hội Công Giáo, trong khoản Giáo Luật 924.2, còn ấn định dứt khoát chất thể bánh này là “bột mì”, chứ không phải một thứ bột nào khác, như bột nếp hay bột năng.

 

Bởi vì, bột mì được làm nên bởi lúa miến, mà lúa miến là chất thể được Chúa Giêsu sử dụng để ám chỉ về chính bản thân của Người là Vị Thiên Chúa Nhập Thể, Tử Giá và Phục Sinh, khi Người tiên báo về cuộc Vượt Qua của mình như sau: “Đã đến giờ Con Người được vinh hiển. Thày nói thật với các con rằng nếu hạt lúa miến rơi xuống đất không mục nát đi thì nó vẫn còn là một hạt lúa miến. Thế nhưng, nếu nó có mục nát đi nó mới sinh nhiều hoa trái” (Jn 12:23-24). Hạt lúa miến rơi xuống đất đây là biểu hiệu cho biến cố Nhập Thể của Chúa Kitô; hạt lúa miến này bị mục nát đi là hình ảnh ám chỉ cuộc Tử Giá của Người, và việc nó sinh nhiều hoa trái đây ám chỉ Quyền Năng Phục Sinh của Người.

 

Rượu nho cũng là một biểu hiệu liên quan đến cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô nữa (x Is 63:2), vì rượu nho được làm bởi “máy ép nho” (x Is 5:2; Mt 21:33).

 

Như thế, vì cả bánh miến lẫn rượu nho là hai chất thể, theo ý nghĩa mạc khải, đều liên quan đến Hiến Tế Thập Giá của Chúa Kitô là tất cả những gì nói lên ý nghĩa và bản chất chính yếu của Bí Tích Thánh Thể, mà Giáo Hội Chúa Kitô đã ấn định chọn dùng cho Phụng Vụ Thánh Thể.

 

Tuy nhiên, bánh và rượu là hai chất thể được biến thành Mình và Máu của Chúa Kitô trên bàn thờ sau lời truyền phép của vị chủ tế ấy không phải tự động mà có, song phải được sản xuất bởi bàn tay của con người nữa. Bởi thế, trong phần truyền phép, việc biến thể từ chất thể bánh “là hoa mầu ruộng đất” và chất thể rượu “là sản phẩm của cây nho” sẽ không thể nào xẩy ra được, nếu thiếu yếu tố “lao công của con người”. Đó là lý do trong phần dâng của lễ, yếu tố chất thể (bánh và rượu) từ thiên nhiên và tiêu biểu cho thế giới tự nhiên, cùng với yếu tố nhân bản (“lao công của con người”) tiêu biểu cho những gì thuộc về thế giới tâm linh, đều được dâng lên “Chúa là Chúa tể càn khôn”, “để trở nên bánh nuôi sống (hay) của uống thiêng liêng cho” con người chúng ta.

 

Trong phần dâng lễ vật, tuy bề ngoài là chất thể bánh và rượu được dâng lên, nhưng thật ra là “lao công của con người” được dâng lên. Bởi vì, chất thể đó là của Thiên Chúa Hóa Công “đã rộng ban” cho con người để trước hết nuôi sống phần xác con người. Thế nhưng, vì “con người không nguyên sống bởi bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa” (Mt 4:4; Deut 8:3), tức “sống cho Thiên Chúa” (Lk 20:38), mà những gì con người hiến dâng cho Vị Thiên Chúa Hóa Công của mình, đặc biệt trong phần dâng lễ đây, chính là tác động họ long trọng chẳng những trả về cho Ngài tất cả những gì sở hữu từ thế giới thiên nhiên được gọi là vốn liếng con người nhận lãnh từ Ngài, mà còn cả số lời từ số vốn liếng ấy nữa, đó là tất cả tấm lòng họ tri ân cảm tạ Ngài, được thể hiện qua những “lao công” họ đã thiện chí nỗ lực để canh tân và biến chế những gì thuộc về họ theo đúng như dự án của Ngài.

 

Như thế, trong phần dâng lễ vật, Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa Hóa Công của mình cả những gì mình có (như được Ngài ban cho từ thế giới thiên nhiên) lẫn những gì mình làm (“lao công” phát xuất từ tấm lòng tri ân cảm tạ), để chúng trở nên những gì mình là theo Thánh Ý của Vị Thiên Chúa là Cha của con người, đó là sự kiện tất cả những gì họ dâng lên đó được Thánh Thần biến đổi, đúng hơn, chính bản thân của họ được Thánh Thần biến đổi nên giống Chúa Kitô, như chất thể bánh và chất thể rượu được Thánh Thần, qua lời truyền phép của vị chủ tế, được biến thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô vậy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (“Nguồn Sống Thần Linh”, Cao-Bùi, 5/2005,  trang 69-73)

 

Từ Thánh Thể đến Cánh Chung

 

Bởi vì, chất liệu được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô chính là “hoa mầu ruộng đất” và “rượu bởi cây nho”. Nghĩa là, bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, qua lời vị chủ tế khẩn cầu trước mỗi lần Truyền Phép Thánh Hiến Bánh Rượu, những chất liệu thiên nhiên, tiêu biểu cho “toàn thể tạo vật” thuộc thế giới tự nhiên, sẽ được hoàn toàn biến đổi tận bản chất của mình, để trở thành thần linh và sự sống. Mỗi lần việc biến thể (transubstantiation), việc bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và rượu trở nên Máu Thánh Chúa Giêsu xẩy ra trên bàn thờ trong Thánh Lễ là mỗi lần nhắc nhở cho Kitô hữu Công Giáo chúng ta chân lý cánh chung này, đó là chính thân xác tầm thường, hèn hạ và chết chóc của chúng ta sau cùng cũng sẽ được biến đổi nên giống như thân xác linh thiêng, hiển vinh và bất tử của Chúa Giêsu Kitô: “Người sẽ ban cho thân xác thấp hèn của chúng ta một thể thức mới và tái tạo nó theo như khuôn mẫu của thân xác hiển vinh Người, bằng quyền năng Người bắt mọi sự suy phục Người” (Phil 3:21).

 

Vẫn biết, trong ngày sau hết “tất cả mọi kẻ chết sẽ sống lại nơi thân thể như họ đang có hiện nay” (CĐ Lataranô IV năm 1215: DS 801), thế nhưng, chỉ có “những ai làm lành thì phục sinh để được sống, còn ai hành ác thì phục sinh để chịu luận phạt” (Jn 5:29; x Dan 12:2; Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 998). Tức là thân xác của kẻ lành mới được biến đổi nên giống như thân xác vinh hiển của Chúa Kitô Phục Sinh, còn thân xác của thành phần hư đi tuy cũng được biến đổi thành linh thiêng nhưng lại là một tình trạng linh thiêng giống như ma quỉ trong hỏa ngục. Yếu tố chính yếu làm cho thân xác của kẻ lành được biến đổi trở thành vinh hiển giống như thân xác của Chúa Kitô Phục Sinh, hoàn toàn khác với thân xác của thành phần đời đời hư đi trong hỏa ngục chính là Sự Sống nơi kẻ lành khi còn sống trên trần gian trước khi chết, một Sự Sống họ đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa: “Nhờ phép rửa trong sự chết của Người, chúng ta đã được mai táng với Người, để như Đức Kitô nhờ vinh quang của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, chúng ta cũng được sống một sự sống mới như vậy” (Rm 6:4).

 

“Sự sống mới” đây là gì, nếu không phải, về phương diện thần học, là chính sự sống “tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:21), sự sống toàn thể tạo vật mong đợi nơi họ để được giải phóng và thông phần vào, sự sống được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với toàn thể thiên nhiên tạo vật như ngay từ khi con người còn ở trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy (x Giáo Lý GHCG, 399-400). Về phương diện tu đức, “sự sống mới” “tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”, chính là “sống không theo xác thịt song theo thần trí” (Rm 8:4; x Col 5:16), vì “xác thịt hướng về sự chết còn thần trí hướng về sự sống và bình an” (Rm 8:6): “Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết; nhưng nếu bởi thần trí anh em tiêu diệt những việc xấu xa của thân xác anh em sẽ sống” (Rm 8:13). “Những việc xấu xa của thân xác” hay của “xác thịt là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Col 5:19-21); còn những việc hay “hoa trái của thần trí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Col 5:22-23).

 

“Người ta chỉ gặt gái những gì họ đã gieo vãi. Nếu họ gieo vãi nơi thửa ruộng xác thịt, họ sẽ gặt hái được mùa màng băng hoại; nhưng nếu hạt giống gieo xuống của họ là thần trí thì họ sẽ gặt được sự sống trường sinh” (Gal 6:8). Đúng thế, “mùa gặt đây là tận thế” (Mt 13:39), lúc mà “Đấng ngự trên ngai phán phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự... Xong cả rồi! Ta là Alpha và Ômega, là Khởi Nguyên và là Cùng Tận. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta. Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ dối trá điêu ngoa, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh ngùn ngụt cháy: đó là cái chết lần thứ hai’” (Rev 21:5-8).

 

Thiên Chúa chỉ hứa cứu chuộc con người tạo vật khỏi cái chết lần nhất mà thôi, như lời Ngài hứa với hai nguyên tổ sau khi sa phạm đó là Ngài sẽ cho “miêu duệ người nữ... đạp nát đầu” (Gen 3:15), “con cựu xà, tức Satan, tên cám dỗ cả thế gian” (Rev 12:9). Đức Giêsu Kitô, con của Đức Maria, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc giòng dõi Đavít” (Lk 1:27), thực sự đã “đạp nát đầu” (Gen 3:15) con cựu xà Satan bằng tử giá cứu độ của mình: “Chính vì để phá hủy các việc làm của ma quỉ mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra” (1Jn 3:8); “Một khi Tôi bị treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Đúng thế, nhờ cuộc tử giá của Chúa Kitô, “Vị Mục Tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên” (Jn 10:11), mà đàn chiên Kitô hữu môn đệ của Người, qua Bí Tích Rửa Tội đã “được sự sống” (Jn 10:10), và qua Bí Tích Thánh Thể, còn được hưởng “một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), một sự sống phát xuất từ chính huyết nhục của Mẹ Maria được “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) mặc lấy: “Thịt Tôi là của ăn thật, máu Tôi là của uống thật. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ” (Jn 6:55-56).

 

Thật vậy, Thiên Chúa nhập thể làm người không phải chỉ để trở thành một Vị “Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Mt 1:23; Is 7:14) một cách tổng quát chung chung vậy thôi, mà Người còn muốn ở với và ở trong mỗi người chúng ta nữa, vì Người thương từng con chiên của Người, dù là con chiên lạc đàn duy nhất (x. Mt 18:10-14). Bởi thế, Người không chỉ muốn ở trong hồn thiêng bất tử của chúng ta bằng Ơn Thánh của Người mà thôi, Người còn muốn thực sự ở trong thân xác tro bụi hèn hạ tầm thường của chúng ta nữa bằng chính Thánh Thể của Người, vì Người chẳng những muốn cứu linh hồn chúng ta khỏi tội lỗi bằng Thánh Giá của mình, Người còn muốn cứu cả thân xác hữu hình và hữu hạn của chúng ta khỏi sự chết bằng Thánh Thể của Người nữa, nghĩa là Người muốn cả thân xác của chúng ta cũng sẽ được sống lại như thân xác hiển vinh của Người trong ngày sau hết.

 

Như thế, quả thật Thánh Thể có liên quan hết sức mật thiết đến “việc cứu độ của thân xác chúng ta” (Rm 8:23): “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, phần Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:54). Tuy nhiên, tác nhân làm cho thân xác của những ai ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô sống lại trong ngày sau hết giống như thân xác vinh hiển của Người đây là ai, nếu không phải là chính Thánh Linh, Đấng bao giờ cũng được Giáo Hội cầu khẩn trước khi thánh hiến bánh rượu trên bàn thờ, để nhờ Ngài bánh rượu được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô: “Nếu Thần Linh của Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Đấng đã phục sinh Chúa Kitô từ trong kẻ chết sẽ mang sự sống đến cho thân xác chết chóc của anh em, bằng Thần Linh của Ngài ở trong anh em” (Rm 8:11).

 

Tuy nhiên, không phải cho đến khi thân xác con người ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh Chúa Kitô khi còn sống sắp phục sinh từ trong cõi chết Thần Linh của Thiên Chúa mới “mang sự sống đến cho thân xác chết chóc” của họ, mà là ngay từ khi họ còn sống trong thân xác của họ trên thế gian này. Ở chỗ, “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính) làm cho họ càng ngày càng nhận biết Chúa Kitô hơn (x Jn 16:13), để rồi, nhờ nhận biết Chúa Kitô, một nhận biết chính là sự sống trường sinh (x Jn 17:3), họ sẽ sống Chúa Kitô, tức sẽ tác hành như Chúa Kitô, đến nỗi, không phải họ sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong họ (x Gal 2:20), một sự sống khiến cho những ai thấy họ là nhận ra Chúa Kitô (x Jn 13:15).

 

Sự sống Chúa Thánh Thần làm cho thế gian nhận ra Chúa Kitô nơi những ai lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô đây chính là sự sống “yêu thương như Thày yêu” (Jn 15:12, x 13:34), một tình yêu cao cả đã hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x Jn 15:13). Như thế, khi Kitô hữu sống tình yêu cao cả này của Chúa Kitô và như Chúa Kitô là họ chẳng những thực sự “cử hành mầu nhiệm thánh” (theo lời kêu gọi thống hối mở đầu mỗi Thánh Lễ), cử hành Mầu Nhiệm Yêu Thương của Thiên Chúa được lập lại trong Hiến Tế Thánh Thể, một mầu nhiệm đòi con người phải biết yêu thương tha thứ cho nhau mới hội đủ điều kiện xứng đáng để dâng tiến (x Mt 5:23-24), mà họ còn thực sự “làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19; 1Cor 11:24) ngay trong cuộc sống của họ nữa, chứ không phải chỉ ở trên bàn thờ khi dâng lễ thôi, vì họ làm cho biến cố Tử Giá Cứu Độ có tác dụng “một lần là vĩnh viễn” (Heb 7:27, 10:10; 1Pet 3:18) của Chúa Kitô tái diễn “cho tới khi Chúa lại đến” (như lời tung hô sau truyền phép), một cách hiển nhiên và sống động trên thế gian, chứ không phải một cách bí tích và mầu nhiệm chỉ có ở trong phụng vụ và nội bộ cộng đồng Dân Chúa thôi.

 

Nếu cuộc đời của những người lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô sống Tình Yêu cao cả của Người thực sự cử hành một Thánh Lễ sống động như thế, thì bản thân họ, nhân tính của họ nói chung và thân xác của họ nói riêng, như Chúa Kitô, cũng đã trở thành một “con chiên bị đem đi sát tế” (Is 53:7), một “con chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Jn 1:29). Vì “theo Con Chiên đi đến bất cứ nơi nào Con Chiên đến” (Rev 14:4) như vậy mà “khi Con Người đến trong vinh quang, ngự trên ngai, có tất cả các thiên thần hầu chực và muôn dân tụ họp trước nhan Người” (Mt 25:31-32), họ mới là thành phần “chiên ở bên phải Người” (Mt 25:33), thành phần được Người nhận biết và tưởng thưởng hết sức xứng đáng vì những việc họ làm “khi họ còn sống ở trong thân xác” (2Cor 5:10) để đáp ứng những nhu cầu cụ thể hầu như liên quan trực tiếp đến thể lý của tha nhân là những con người vô cùng cao quí đã được chính Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô đồng hóa với Người: “Hãy đến. Các con được Cha Ta chúc phúc! Hãy hưởng vương quốc đã sắm sẵn cho các con từ khi tạo thành thế gian. Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống. Khi Ta là khách lạ các con đã đón nhận Ta, trần truồng các con đã cho Ta mặc. Khi Ta đau yếu các con đã an ủi Ta, tù ngục các con đã đến viếng thăm Ta... vì bao lâu các con làm như thế cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các con làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:35- 36, 40).

 

Nếu con người lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô thực sự có thể sống Chúa Kitô, có thể yêu thương như Người đã yêu thương, thì không phải là thân xác của họ đang được Thần Linh của Người biến đổi làm cho nên giống thân xác vinh hiển của Người ngay ở đời này rồi hay sao? Ở chỗ, xác thịt vốn là một thực thể hướng chiều về sự chết (x Rm 8:6): “Cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt” (Jn 3:6), lại có thể sinh hoa trái sự sống yêu thương. Vậy để biết mình đã hơn một lần hay vẫn thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô có thực sự sống sự sống của Người hay chưa, tức đã được Thần Linh của Người biến đổi hay chưa, chúng ta hãy thực tâm xét mình lại xem, về phần tiêu cực, chúng ta có còn dùng miệng lưỡi vẫn há ra rước lấy Thánh Thể vô cùng cao trọng của Người để nói hành, nói xấu, chê bai, hành tỏi nhau, hoặc có còn tự nhiên ham thích khoái lạc xác thịt thấp hèn cả về tình dục và cảm quan, cả về việc đua đòi tiện nghi và say sưa chè chén, trái lại, về mặt tích cực, chúng ta có biến thân xác của mình trở thành khí cụ cho đức chính trực (x Rm 6:13) trong việc phục vụ tha nhân, tức trở thành bánh nuôi sống nhân gian chăng? Nếu chưa hay rồi, chúng ta cũng hãy Sống Thánh Thể hơn nữa, bằng cách “liên lỉ mang trong mình cái chết của Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu được tỏ hiện trong thân xác của chúng ta” (2Cor 4:10).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (“Nguồn Sống Thần Linh”, Cao-Bùi, 5/2005,  trang 137-144)

 

 

TOP

 

 

? “Khi bàn tay của anh em được xức dầu là chúng được giành để phục vụ Chúa như bàn tay riêng của Người trong thế giới hôm nay”

 

(tiếp 6 Thứ Tư, 5 Thứ Ba, 4 Thứ Hai)

 

Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 ở Đền Thờ Gioan Latêranô:

 

“Thày không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu. Yếu tính của thiên chức linh mục đó là làm bạn của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có thế chúng ta mới thực sự nói ‘thay cho Chúa Kitô – in persona Christi’, cho dù nội tâm chúng tax a lìa Chúa Kitô vẫn không thể làm tổn thương tới tính cách hiệu thành của bí tích. Làm bạn với Chúa Giêsu, làm linh mục nghĩa là làm một con người nguyện cầu. Vậy chúng ta hãy tình bạn này và hãy thoát khỏi cảnh vô tri của những người tôi tớ quê mùa. Vậy chúng ta hãy biết làm sao để sống, để chịu khổ và để tác hành với Người và cho Người”.

 

Huấn dụ Các Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005:

 

“Những năm chủng viện là một thời gian hành trình, một thời gian thăm dò, nhất là một thời gian khám phá ra Chúa Kitô. Chỉ khi nào một con người trẻ có được một cảm nghiệm riêng tư về Chúa Kitô họ mới có thể thực sự hiểu được ý của Chúa và nhờ đó hiểu được ơn gọi của mình. Các bạn càng biết Chúa Giêsu thì mầu nhiệm của Người càng thu hút các bạn. Các bạn càng khám phá ra Người các bạn càng được thúc đẩy tìm kiếm Người. Đó là một biến động của một tinh thần kéo dài suốt cuộc đời của các bạn, và là tinh thần làm cho chủng viện trở thành một thời gian đầy hứa hẹn, một “mùa xuân” thực sự vậy”.

 

Bài giảng trong Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô:

 

“Là linh mục tức là làm bạn với Chúa Giêsu Kitô, và điều này càng trở nên hơn thế nữa qua cả cuộc sống của chúng ta. Thế giới cần đến Thiên Chúa – không cần đến bất cứ một thần linh nào, mà là cần đến Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, đến Vị Thiên Chúa hóa thành huyết nhục, Vị đã yêu thương chúng ta đến chết vì chúng ta, Vị đã phục sinh và đã tao nên nơi bản thân Ngài một khoảng trống cho con người. Vị Thiên Chúa này cần phải sống trong chúng ta và chúng ta cần phải sống trong Ngài. Đó là ơn gọi linh mục của chúng ta: Chỉ có thế hoạt động linh mục của chúng ta mới sinh hoa kết trái mà thôi.

 

“Tôi muốn kết thúc bài giảng này bằng một câu nói của Andres Santoro, vị linh mục của Giáo Phận Rôma bị sát hại ở Trebisonda đang khi nguyện cầu; Đức Hồng Y Cé đã nói cho chúng ta biết câu ấy trong Tuần Phòng (đầu Mùa Chay cho giáo triều Rôma vừa rồi). Lời đó là: ‘Tôi ở nơi đây để sống giữa những thành phần dân chúng này, nhờ đó Chúa Giêsu hiện diện giữa họ qua xác thịt của tôi… Người ta có khả năng cứu độ chỉ bằng việc hiến ban xác thịt của mình mà thôi. Sự dữ của thế giới này được hạ sinh và khổ đau được cảm nghiệm thấy, chính yếu là ở chỗ thấm nhập vào xác thịt riêng của người ta, như Chúa Giêsu đã làm’. Chúa Giêsu đã mặc lấy xác thịt của chúng ta. Chúng ta hãy hiến nó cho Người, để nhờ đó Người có thể vào đời mà đổi đời. Amen”.

 

Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Balan trong chuyến tông du Balan Thứ Sáu 26/5/2006

 

“Hôm nay tôi đang gặp gỡ anh em, những vị linh mục được Chúa Kitô kêu gọi để phục vụ Người trong ngàn năm mới. Anh em đã được chọn trong dân, được chỉ định để tác hành liên quan với Thiên Chúa, để hiến dâng những lễ vật và hy sinh đền bù tội lỗi. Hãy tin tưởng vào quyền năng thiên chức linh mục của anh em! Bởi bí tích này, anh em đã lãnh nhận tất cả những gì anh em có. Khi anh em thốt lên những lời ‘Ta’ và ‘của Ta’ (‘Ta tha tội cho con… Này là mình của Ta…’), là anh em làm điều này không phải nhân danh anh em mà là nhân danh Chúa Kitô, ‘in persona Christi’, Đấng muốn sử dụng môi miệng và bàn tay của anh em, tinh thần hy sinh của anh em và tài năng của anh em. Vào lúc anh em được thụ phong, qua dấu hiệu đặt tay theo phụng vụ, Chúa Kitô đã đến để bênh vực anh em; anh em đã được bàn tay của Người và Trái Tim của Người bao bọc chở che. Hãy dìm mình vào tình yêu thương của Người, và hãy dâng cho Người tình yêu của anh em! Khi bàn tay của anh em được xức dầu, một dấu hiệu Thánh Linh, là chúng được giành để phục vụ Chúa như bàn tay riêng của Người trong thế giới hôm nay. Chúng không còn phục vụ những mục đích vị kỷ nữa, mà phải tiếp tục làm chứng cho tình yêu của Người trên thế giới”.

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ