GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 3/4/2006

 TUẦN V MÙA CHAY

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay 2/4 về Đức Gioan Phaolô II

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ kết thúc Đêm Canh Thức Cầu Kinh Mân Côi Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Qua Đời

?  Đức Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”: Lý do và ý nghĩa

? Đức Gioan Phaolô II: Sứ Điệp Di Chúc Tối Hậu cho Giáo Hội và Nhân Loại

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC” (tiếp)

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay 2/4 về Đức Gioan Phaolô II

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Vào ngày 2/4 năm ngoái, một ngày như hôm nay đây, Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã sống vào những giờ phút như thế này đoạn hành trình cuối cùng của đời ngài, một cuộc hành trình đức tin, đức mến và đức cậy, một cuộc hành trình đã để lại một nét đậm nơi lịch sủa Giáo Hội cũng như của nhân loại. Cuộc khổ nạn và cái chết của ngài giống như một giai đoạn kéo dài của Tam Nhật Phục Sinh. 

 

Tất cả chúng ta vẫn còn nhớ các hình ảnh về cuộc Đi Đường Thánh Giá cuối cùng của ngài hôm Thứ Sáu Tuần Thánh: Vì không đến được Hí Trường Colosseum, ngài đã theo dõi đường thánh giá từ nguyện đường riêng của ngài, tay ôm cây thập giá. Thế rồi, vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngài đã ban phép lành ‘urbi et orbi’, song không thể nói lên lời nào, mà chỉ lấy tay ra dấu mà thôi. Đó là một phép lành đớn đau và cảm kích được ngài lưu lại cho chúng ta như chứng từ cao cả nhất về việc ngài cương quyết hoàn thành sứ vụ của ngài cho tới cùng.

 

Đức Gioan Phaolô II đã chết như ngài đã sống, đã sinh động bằng một đức tin can trường bất khả lịm, phó mình cho Thiên Chúa và nương thân vào Mẹ Maria Rất Thánh. Chúng ta sẽ tưởng nhớ đến ngài đêm nay bằng một đêm canh thức nguyện cầu Thánh Mẫu ở Quảng Trường Thánh Phêrô là nơi ngày mai tôi sẽ cử hành Thánh Lễ cầu cho ngài.

 

Một năm sau khi ngài vượt qua trần gian mà về nhà Cha, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: Vị đại Giáo Hoàng này đã để lại cho chúng ta những gì, ai là người đã dẫn Giáo Hội vào ngàn năm thứ ba? Di sản của ngài thì vĩ đại, thế nhưng sứ điệp của giáo triều rất dài của ngài có thể được tóm gọn vào những chữ đã được ngài nói lên ở nơi đây, ở Quảng Trường Thánh Phêrô này, vào ngày 22/10/1978, đó là: ‘Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!’.

 

Đức Gioan Phaolô II đã hiện thực lời kêu gọi bất khả lãng quên này bằng cả con người của ngài cũng như bằng tất cả sứ vụ làm Vị Thừa Kế Thánh Phêrô của ngài, nhất là bằng chương trình chuyến tông du nổi bật của ngài. Khi viếng thăm các quốc gia trên thế giới, lúc gặp gỡ dân chúng, gặp gỡ các cộng đồng giáo hội, gặp gỡ các vị cầm quyền, các vị lãnh đạo tôn giáo và các thực tại xã hội khác nhau, ngài đều thực hiện một điều gì đó, như một cử chỉ đặc thù và quan trọng, để nhấn mạnh tới những lời mở đầu của ngài.

 

Ngài luôn luôn loan báo Chúa Kitô, trình bày về Người cho tất cả mọi người, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm, để đáp ứng những niềm mong đợi của con người, những niềm mong đợi được tự do, công lý và bình an. Ngài thích lập lại rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc nhân trần, là Đấng Cừu Độ duy nhất của mỗi người và của toàn thể nhân loại.

 

Trong những năm cuối cùng của ngài, Chúa đã dần dần tước lột ngài khỏi tất cả mọi sự, để làm cho ngài hoàn toàn nên giống Người. Và khi ngài không còn tông du được nữa, sau đó thậm chí không còn bước đi được nữa, sau cùng đến nỗikhông còn nói được nữa, thì cử chỉ của ngài, việc loan báo của ngài được biến thành điều thiết yếu, đó là việc ban tặng bản thân mình cho đến cùng.

 

Cái chết của ngài là việc hoàn tất một chứng từ đức tin tha thiết, một chứng từ đã đánh động tâm can của nhiều người thiện chí. Đức Gioan Phaolô II đã bỏ chúng ta mà đi vào ngày Thứ Bảy, ngày đặc biệt được giành kính Mẹ Maria, Vị ngài luôn tỏ ra sùng ái với tình con thảo. Giờ đây chúng ta nguyện cầu cùng Người Mẹ trên trời của Thiên Chúa để Mẹ giúp chúng ta trân quí tất cả những gì được vị đại Giáo Hoàng này đã ban cho chúng ta và dạy dỗ chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ kết thúc Đêm Canh Thức Cầu Kinh Mân Côi Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Qua Đời

Đã có khoảng 100 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô tối Chúa Nhật 2/4/2006 để cầu Kinh Mân Côi tưởng niệm đầy năm băng hà của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một cuộc băng hà đã được ĐTGM quyền văn phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bấy giờ loan báo là “Đức Thánh Cha của chúng ta đã về Nhà Cha”.

Sau việc cầu Kinh Mân Côi chấm dứt, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã xuất hiện ở cửa sổ phòng ngài vào đúng 9 giờ 37 phút, giờ qua đời của đức cố giáo hoàng, để ngỏ lời cùng dân chúng. Đức Biển Đức XVI nói:

“Ngài tiếp tục hiện diện trong trí khôn của chúng ta và trong tâm can của chúng ta. Ngài tiếp tục thông đạt cho chúng ta tình ngài mến yêu Thiên Chúa và lòng ngài mến thương con người”.

Vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã tóm tắt cuộc đời của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II vào hai chữ: trung thành và dấn thân:

“Hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa và dứt khoát dấn thân  cho sứ vụ làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ. Lòng trung thành và việc dấn thân thậm chí trở nên sống động và cảm kích hơn nữa trong những tháng cuối đời của ngài, khi ngài thể hiện bản thân mình những gì ngài viết vào năm 1984 trong tông thư ‘Salvifici Doloris’: ‘Khổ đau đang hiện diện trên thế giới để phát tỏa yêu thương, để hạ sinh những công cuộc yêu thương đối với tha nhân, để biến đổi toàn thể văn minh con người thành một thứ ‘văn minh yêu thương’

“Với gương mặt can trường, bệnh nạn của ngài đã làm cho mọi người chú trọng tới nỗi đớn đau của con người hơn, tới tất cả nỗi khổ đau về thể lý và tinh thần; ngài cống hiến cho khổ đau cái phẩm vị và giá trị, cho thấy rằng cái giá trị của con người không phải ở cái hiệu năng của họ hay dáng vẻ bề ngoài của họ, mà là ở trong chính bản thân họ, vì họ đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.

“(Bằng lời nói và cử chỉ của mình), ngài không thôi chỉ cho thế giới thấy rằng nếu con người để cho Chúa Kitô chiếm đoạt thì nó không làm hư hao đi cái phong phú của nhân tính mình; nếu họ kính mến Người hết lòng thì sẽ không thiếu thốn gì hết. Trái lại, việc gặp gỡ Chúa Kitô làm cho đời sống của chúng ta trở thành phấn khởi hơn.

“Chính vì ngài đã lôi kéo chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn bằng nguyện cầu, bằng chiêm niệm, bằng lòng yêu chuộng Chân và Mỹ, mà Vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta đây biến mình thành một kẻ đồng hành với mỗi người chúng ta và có thế giá để thậm chí nói với cả những ai xa cách đức tin Kitô Giáo”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/4/2006

 

TOP

 

? Đức Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”: Lý do và ý nghĩa

Trước tình hình thế giới của cả một phần tư thế kỷ như thế, từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, từ cuối thiên kỷ thứ 2 sang thiên kỷ thứ 3, với một dung nhan loài người càng ngày càng bị méo mó thảm thương chưa từng thấy, với một lịch sử càng ngày càng nguy vong hơn bao giờ hết, trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của mình được xuất bản vào năm 1994, cũng như trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” được xuất bản vào tháng 2/2005, hai tháng trước ngày ngài qua đời, ngài đã cho biết ý nghĩa của lời kêu gọi “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô” vô sùng quan trọng liên quan đến vận mệnh lịch sử của loài người này, trong Chương mở đầu “’The Pope’: A Scandal And A Mystery” (trang 3-14) cũng như ở Chương áp cuối “Be Not Afraid” (trang 218-224), như sau.

 

·         Đức Kitô đã nhiều lần nói cùng những ai Người gặp lời kêu gọi ‘đừng sợ’ này. Thiên thần nói cùng Đức Maria rằng: ‘Đừng sợ’ (x Lk 1:30). Cũng thế, Thánh Giuse cũng được trấn an: ‘Đừng sợ!’ (x Mt 1:20). Đức Kitô cũng đã nói như thế với các vị tông đồ, cho Thánh Phêrô, ở những trường hợp khác nhau, nhất là sau Cuộc Phục Sinh của Người. Người cứ noí với các vị là: ‘Đừng sợ!’. Thật vậy, Người cảm thấy rằng các vị đang sợ hãi. Các vị không biết chắc chắn rằng đấng mà các vị thấy có phải đúng là Đức Kitô các vị đã biết hay chăng. Các vị đã tỏ ra lo sợ khi Người bị bắt nhốt; các vị thậm chí còn sợ hơn nữa sau khi Người Phục Sinh.

 

“Những lời Chúa Giêsu phán ấy đã được Giáo Hội lập lại. Và với Giáo Hội, những lời ấy đã được đã được vị Giáo hoàng này lập lại. Tôi đã làm như thế từ bài giảng đầu tiên của tôi ở Quảng Trường Thánh Phêrô: ‘Đừng sợ!’ Những lời này không phải là những lời được nói lên một cách rỗng không. Chúng duđợc bắt nguồn sâu xa từ trong Phúc Âm. Chúng thực sự là những lời của chính Đức Kitô.

 

“Chúng ta không nên sợ những gì đây? Chúng ta không nên sợ sự thật về chính bản thân mình. Một ngày kia Thánh Phêrô ý thức được sự thật về mình và vội vã thưa cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy ra con ra, vì con là một con người tội lỗi’ (Lk 5:8).

 

“Thánh Phêrô không phải là con người duy nhất nhận thức được sự thật về mình ấy. Hết mọi người đều biết đến nó. Hết mọi vị thừa kế Thánh Phêrô đều biết đến nó. Tôi biết sự thật này rất rõ. Hết mọi người trong chúng ta mắc nợ Thánh Phêrô về những gì ngài nói vào hôm ấy: ‘Lạy Chúa, xin hãy ra con ra, vì con là một con người tội lỗi’. Chúa Giêsu đã đáp lại ngài rằng: ‘Đừng sợ; từ nay trở đi con sẽ trở thành tay đánh cá người’ (Lk 5:10). Đừng sợ con người! Con người. Con người bao giờ cũng vẫn như vậy thôi. Những đường lối được họ tạo nên lúc nào cũng bất toàn, và chúng càng bất toàn họ càng biết rõ về bản thân họ. Việc họ biết mình từ đâu mà có? Nó xuất phát từ tâm can con người. Tâm trí chúng ta tỏ ra lo âu. Hơn ai hết, Đức Kitô biết nỗi khổ sầu của chúng ta: ‘Đức Kitô biết những gì nơi mọi người’ (x Jn 2:25)….” (trang 5-6)

 

“Chúa Kitô là bí tích của Thiên Chúa vô hình – một bí tích là dấu hiệu của sự hiện diện. Thiên Chúa ở với chúng ta. Thiên Chúa, Đấng vô cùng trọn hảo, chẳng những ở với con người, mà chính Ngài còn trở nên một con người nơi Đức Giêsu Kitô nữa. Đừng sợ vị Thiên Chúa làm người! Chính vì thế mà Thánh Phêrô đã nói ở Caesarea Philippi rằng: ‘Thày là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16:16)….

 

“Thánh Phêrô không sợ Vị Thiên Chúa làm người. Trái lại, ngài đã sợ vì Con Thiên Chúa sống như là một con người. Thánh Phêrô không thể chấp nhận nổi Người bị đánh đòn, bị đội mão gai và cuối cùng bị đóng đanh trên thập tự giá. Thánh Phêrô không thể chấp nhận điều ấy. Ngài đã tỏ ra sợ hãi. Và bởi thế Đức Kitô mới nghiêm trọng trách ngài, song Người không loại trừ ngài….” (trang 7)

 

“Đừng sợ mầu nhiệm của Thiên Chúa; đừng sợ tình yêu của Ngài; và đừng sợ nỗi hèn yếu hay sự cao cả của con người! Con người không ngừng cao cả, thậm chí ngay cả nơi nỗi yếu kém của họ. Đừng sợ trở thành những chứng nhân cho phẩm giá của hết mọi con người, từ giây phút đầu thai cho tới khi qua đời”. (trang 12)

 

“Cần phải hiểu lời kêu gọi ‘Đừng sợ!’ ở một nghĩa rất rộng. Ở một nghĩa nào đó, nó là lời kêu gọi được ngỏ cùng tất cả mọi dân tộc, một lời kêu gọi hãy chế ngự sợ hãi trong hoàn cảnh thế giới hiện đại, kể cả ở Đông phương lẫn Tây phương, ở Bắc phương lẫn Nam phương.

 

“Đừng sợ những gì chính mình chế tạo ra, đừng sợ tất cả những gì con người sản xuất được, và là những gì ngày ngày trở nên nguy hiểm cho họ! Tóm lại, đừng sợ bản thân mình!

 

“Tại sao chúng ta đừng sợ? Vì con người đã được Thiên Chúa cứu chuộc. Khi nói lên những lời này ở Quảng Trường Thánh Phêrô, tôi đã biết được bức thông điệp đầu tiên của tôi và tất cả vai trò làm giáo hoàng của tôi sẽ gắn liền với sự thật Cứu Chuộc. Nơi Ơn Cứu Chuộc chúng ta thấy được nền tảng sâu xa nhất của những lời ‘Đừng sợ!’: ‘Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài’ (x Jn 3:16). Người Con này luôn hiện diện như Đấng Cứu Chuộc nơi lịch sử của loài người. Ơn Cứu Chuộc thấm nhập tất cả lịch sử của con người, ngay cả trước khi Đức Kitô sinh ra, và sửa soạn cho tương lai cánh chung của mình. Ơn Cứu Chuộc như là một thứ ánh sáng ‘chiếu trong tăm tối nhưng tăm tối không át được ánh sáng’ (x Jn 1:5). Quyền năng nơi Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô là những gì mãnh liệt hơn bất cứ sự dữ nào khiến con người có thể hay cần phải sợ hãi”. (trang 219)

 

“Ở vào cuối thiên kỷ thứ hai đây, có lẽ chúng ta cần hơn bao giờ hết những lời của Chúa Kitô Phục Sinh: ‘Đừng sợ!’. Con người, thành phần mà ngay cả sau cuộc sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không thôi sợ hãi và thực sự có nhiều lý do để cảm thấy như vậy, cần phải nghe thấy những lời ấy. Các quốc gia cần nghe thấy những lời ấy, nhất là những quốc gia được tái sinh sau cuộc sụp đổ của đế quốc Cộng sản, cũng như những quốc gia chứng kiến thấy biến cố này từ bên ngoài. Các dân tộc và các quốc gia trên toàn thế giới cần nghe những lời ấy. Lương tâm của họ cần phải tin tưởng hơn nữa là Đấng hiện hữu, Vị nắm trong tay vận mệnh của thế giới đang qua đi này; Đấng giữ chìa khóa tử thần và âm phủ (x Rev 1:18); Đấng là Nguyên Thủy và là Cùng Đích của lịch sử loài người (x Rev 22:13) – một lịch sử chung cũng như riêng. Và Đấng ấy là Tình Yêu (x 1Jn 4:8,16) – một Tình Yêu làm người, một Tình Yêu tử giá và phục sinh, một Tình Yêu không thôi hiện diện nơi loài người. Đó là Tình Yêu Thánh Thể. Tình Yêu Thánh Thể này là nguồn mạch vô tận của hiệp thông. Chỉ có một mình Người mới có thể tuyệt đối bảo đảm bằng lời tuyên phán: ‘Đừng sợ!’ mà thôi” (trang 222)

 

“Con người hiện đại khó lòng mà trở về với đức tin được lắm, bởi vì họ sợ những đòi hỏi về luân lý như đức tin buộc họ phải thi hành. Ở một mức độ nào đó thì đây là một thực tại. Phúc Âm thực sự là những gì đòi hỏi. Chúng ta biết rằng Chúa Kitô không bao giờ cho phép thành phần môn đệ của Người cũng như những ai nghe Người bị ảo tưởng về vấn đề này. Trái lại, Người hết sức sửa soạn cho họ trong việc họ cần phải đương đầu với hết mọi thứ khó khăn nội ngoại, luôn ý thức rằng họ có thể quyết định bỏ Người. Bởi thế, khi nói ‘Đừng sợ’ là Người, một cách nào đó, không có ý muốn xí xóa đi tất cả những gì Người đòi hỏi. Trái lại, với những lời ấy, Người muốn khẳng định tất cả sự thật của Phúc Âm cùng với tất cả mọi đòi hỏi được chất chứa nơi sự thật này. Tuy nhiên, đồng thời Người cũng cho thấy rằng những gì Người đòi hỏi không bao giờ vượt quá khả năng của con người hết. Nếu con người chấp nhận những đòi hỏi này bằng một thái độ tin tưởng, họ sẽ thấy, nhờ ân sủng, Thiên Chúa không bao giờ thôi ban cho họ sức mạnh cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi ấy. Thế giới này đầy những dấu chứng cho thấy rằng quyền năng cứu độ và cứu chuộc được các Phúc Âm loan báo thường xuyên hơn là những đòi hỏi về luân lý được các Phúc Âm này nhắc nhở. Có biết bao nhiêu là người ở trên thế giới này sống cuộc sống thường nhật đã chứng thực rằng họ có thể sống trọn luân lý của Phúc Âm! Kinh nghiệm cho thấy rằng cuộc sống của nhân loại thành đạt không thể nào khác hơn cuộc sống giống như những người ấy”. (trang 222-223).

 

“Việc chấp nhận những đòi hỏi của Phúc Âm nghĩa là chấp nhận tất cả nhân tính của chúng ta,  là thấy nơi nhân tính này vẻ đẹp theo như Thiên Chúa muốn, đồng thời, trong ánh sáng quyền năng của chính Thiên Chúa, nhìn nhận nỗi yếu hèn của mình: ‘Những gì con người bất khả thì đều khả thi đối với Thiên Chúa’ (Lk 18:27).

 

“Hai chiều kích này bất khả tách biệt: một đàng, Thiên Chúa muốn con người phải đáp ứng các đòi hỏi về luân lý của Người; đàng khác, Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, bị ràng buộc với những đòi hỏi yêu thương cứu độ của Người – với tặng ân Người ban phát. Ơn Cứu Chuộc được hoàn thành nơi Chúa Kitô còn là gì khác nữa, nếu không phải  chính là điều này hay sao? Thiên Chúa muốn con người được cứu độ, Người muốn rằng nhân loại tìm thấy tầm vóc viên trọn của họ như chính Người mong muốn nơi họ, và Đức Kitô có quyền để nói rằng ách của Người thì êm ái và gánh của Người thực thì nhẹ nhàng (x Mt 11:30)”. (trang 223)

 

“Rất cần phải vượt qua ngưỡng cửa hy vọng, chứ không phải dừng lại trước ngưỡng cửa này, thế nhưng hãy để mình được dẫn qua. Tôi tin rằng đại thi hào Balan là Cyprian Norwid đã nghĩ đến điều ấy khi diễn tả ý nghĩa tối hậu của đời sống Kitô hữu qua những lời là ‘Đừng kéo lê Thập Giá của Đức Kitô, nhưng hãy vác thập giá của mình theo Chúa Cứu Thế’

 

“Người ta có đủ lý do để gọi sự thật về Thập Giá là Tin Mừng” (trang 223-224).

 

Ý nghĩa của lời kêu gọi “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô” theo Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên đây cũng đã được âm vang qua những gì được vị kế nhiệm của ngài ở phần kết bài giảng cho Thánh Lễ Đăng Quang Chúa Nhật 24/4/2005 như sau:

 

·         “Tới đây, tôi nghĩ về ngày 22/10/1978, ngày mà Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bắt đầu thừa tác vụ của mình tại Quảng Trường Thánh Phêrô đây. Những lời của ngài vào dịp ấy vẫn liên tục vang vọng trong tai tôi: ‘Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!’ Vị Giáo Hoàng này đã ngỏ cùng thành phần thế lực, thành phần quyền lực của thế giới này, những thành phần sợ rằng Chúa Kitô có thể lấy đi một cái gì đó khỏi quyền lực của họ nếu họ để cho Người vào, nếu họ để cho đức tin được tự do. Phải, Người chắc chắn sẽ lấy đi một cái gì đó khỏi họ: đó là cái thế lực hư hoại, cái mạo dụng luật lệ và tự do để làm những gì họ thích. Thế nhưng, Người sẽ không lấy đi bất cứ điều gì liên quan đến tự do và phẩm vị của con người, hay liên quan đến việc dựng xây một xã hội chân chính. Vị Giáo Hoàng này cũng nói điều đó với hết mọi người, nhất là giới trẻ. Không phải tất cả chúng ta đều hãi sợ một cách nào đó hay chăng? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô hoàn toàn đi vào cuộc đời của mình, nếu chúng ta trọn vẹn cởi mở bản thân mình cho Người, chúng ta có sợ rằng Người có thể sẽ lấy đi khỏi chúng ta một cái gì đó hay chăng? Chẳng lẽ chúng ta không sợ phải từ bỏ một cái gì đó quan trọng, một cái gì đó chuyên biệt, một cái gì đó làm cho đời sống hết sức tuyệt vời hay sao? Như thế chẳng lẽ chúng ta lại không liều mình đi đến chỗ làm suy giảm đi hay làm hụt hẫng mất cái tự do của chúng ta hay sao? Một lần nữa, vị Giáo Hoàng này đã nói: Không đâu! Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô đi vào cuộc sống của chúng ta thì chúng ta chẳng những không bị mất đi một sự gì cả, không một sự gì, tuyệt đối là không có một sự gì, trái lại, nhờ đó còn làm cho cuộc của chúng ta được thanh thoát, tuyệt vời và cao cả. Không đâu! Chỉ có ở nơi mối thân tình này các cửa sự sống mới có thể rộng mở mà thôi. Chỉ có ở nơi tình nghĩa ấy khả năng cao cả của sự sống con người mới thực sự thể hiện mà thôi. Chỉ có ở trong tình nghĩa này chúng ta mới cảm thấy được vẻ đẹp và tự do mà thôi. Bởi thế, hôm nay đây, bằng quyền năng mãnh liệt và bằng niềm xác tín vững chắc, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân lâu đời của mình, hỡi giới trẻ thân mến, tôi muốn nói cùng quí bạn rằng: Xin đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy đi một điều gì đâu, mà Người lại ban cho các bạn hết mọi sự. Khi chúng ta hiến mình cho Người, chúng ta nhận lại được gấp trăm. Phải, hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực. Amen”. (Dịch theo điện thư của Vatican Information Service ngày 24/4/2005)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

? Đức Gioan Phaolô II: Sứ Điệp Di Chúc Tối Hậu cho Giáo Hội và Nhân Loại

Và để kết thúc một giáo triều có sứ mệnh mang con người về cho Lòng Thương Xót Chúa của mình, ngài đã gửi một tối di chúc thư cho nhân loại, một di chúc thư được đọc vào chính Ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, 3/4/2005, ngày chính ngài đã thiết lập theo lời yêu cầu của Chúa Giêsu qua chị Thánh Faustina để Kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày ngài mới qua đi vào đêm vọng hôm trước. Sứ điệp của tối hậu di chúc thư này như sau:

“Anh Chị Em thân mến!

 

“1.        Lời Alleluia Phục Sinh vui lên cũng âm vang vào ngày hôm nay nữa. Bài Phúc Âm của Thánh Gioan hôm nay nói lên rằng Đấng Phục Sinh, vào đêm hôm đó, đã hiện ra với các vị Tông Đồ và ‘đã tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn của Người’ (Jn 20:20), tức là cho thấy những dấu hiệu của Cuộc Khổ Nạn đau thương còn hằn vết bất khả xóa mờ trên thân xác của Người cả sau khi Người Phục Sinh. Những thương tích hiển vinh này, những thương tích mà 8 ngày sau đó Người đã cho người tông đồ Tôma nghi ngờ chạm tới, đã cho thấy tình thương của Thiên Chúa ‘vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con duy nhất của mình’ (Jn 3:16).

 

“Mầu nhiệm yêu thương này là tâm điểm của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật ‘in Albis’, được giành để tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa.

 

“2.        Chúa Kitô phục sinh đã hiến ban cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi, tặng ân tình ngài yêu thương, một tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Đó là một tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Kòng Thương Xót Chúa biết bao!

 

“Lạy Chúa, Đấng đã tỏ tình yêu thương của Chúa Cha qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa ra, chúng con tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lập lại cùng Chúa hôm nay rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

 

“3.        Phụng vụ trọng thể của Lễ Truyền Tin là lễ sẽ được cử hành ngày mai, đưa chúng ta đến việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria. Nhờ Mẹ giúp đỡ, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của niềm vui phục sinh là niềm vui được căn cứ vào niềm tin tưởng rằng Đấng được Đức Trinh Nữ cưu mang trong lòng, Đấng đã khổ nạn và tử giá vì chúng ta, đã thực sự phục sinh. Alleluia Hãy Vui Lên!”

 

Theo di chúc hay ước nguyện cuối cùng này của mình, ĐTC GPII, vị giáo hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis”, thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, “một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi”, đó là “thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!” Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể “chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa”, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ “việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria”. 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/4/2005

 

TOP

 

 

?   ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu

 

(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân TrầnVị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')

 

(tiếp 23 Thứ Năm, 24 Thứ Sáu, 5 Thứ Bảy, 26 Chúa Nhật, 27 Thứ Hai, 28 Thứ Ba, 29 Thứ Tư, 30 Thứ Năm, 31 Thứ Sáu, 1 Thứ Bảy)

 

3.-  “Totus Tuus”: Tác Hiệu

 

·         “Chúa Kitô sẽ chiến thắng qua Mẹ”: Vương Quốc của Thiên Chúa bao trùm…

 

Những lời trên đây của Thánh Long Mộng Phố chẳng những cho thấy việc Thiên Chúa chiến thắng qua Mẹ Maria, mà còn cả phương tiện được Ngài sử dụng trong tay Mẹ Maria để thực hiện cuộc chiến thắng này “là thành phần môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô”, trong đó còn ai hơn (căn cứ vào những gì được thánh nhân diễn tả cùng đoạn và bản thân của vị giáo hoàng thứ 264 “đến từ một xứ sở xa xôi”) Đức Gioan Phaolô II. Ngoài ra, cũng trong lời tiên báo trên đây của Thánh Nhân, thì thứ tự sụp đổ của ba vương quốc bị bao trùm bởi vương quốc của Thiên Chúa này, đó là, trước hết, “vương quốc của người vô đạo”, sau đó đến “vương quốc của kẻ tôn thờ ngẫu tượng”, và  cuối cùng mới tới “vương quốc của Tín Đồ Hồi Giáo”.

 

Lịch sử đã cho thấy lời tiên báo này đã và đang trở thành sự thật, ở chỗ, vương quốc thứ nhất là vương quốc của người vô đạo, được hiện thân nơi chế độ vô thần Cộng Sản, thế mà, vương quốc này đã bị vương quốc của Thiên Chúa là Giáo Hội Công Giáo nói chung và thế lực thiêng liêng của Đức Gioan Phaolô II nói riêng bao trùm, qua hiện tượng tự động sụp đổ của Khối Cộng Sản Đông Âu năm 1989 và tự động giải thể của Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết năm 1991. (Nếu cả một lực lượng Cộng Sản đầu não của Cộng Sản là Liên Sô và Đông Âu còn bị vương quốc của Thiên Chúa bao trùm như thế, thì vấn đề tồn tại của tàn quân Cộng Sản nơi Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn chỉ là một hiện tượng chẳng những đang mờ dần trước nạn khủng bố toàn cầu hiện nay mà còn đang chìm vào thế giới văn minh nhân quyền, gắng gượng bám víu lấy cái phao tư bản để sống còn trong trạng thái biến dạng).

 

Nếu vương quốc của Thiên Chúa, qua “Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, đã quả thực, như lịch sử cho thấy, bao trùm vương quốc của thành phần vô đạo là Cộng Sản như thế, thì vương quốc của Thiên Chúa sẽ bao trùm vương quốc của lực lượng tôn thờ ngẫu tượng là một thế giới Tây Phương duy nhân bản chỉ biết tôn thờ con bò vàng tuyệt đối tự do “pro choice” ở mọi lãnh vực của cuộc sống văn minh vật chất và nhân quyền của mình này ra sao? Có thể xẩy ra một trong hai trường hợp được suy đoán theo chiều hướng lịch sử: chiều hướng tự động đại kết Kitô Giáo và chiều hướng nhu cầu đại kết Kitô Giáo vì Hồi Giáo.

 

Trước hết, về chiều hướng tự động đại kết Kitô Giáo có thể sẽ xẩy ra thế này. Nếu xuất thân từ Balan, từ Đông Âu, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho Cộng Sản Đông Âu Sụp Đổ, kéo theo cả sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh (Berlin Wall) là biểu hiệu cho tình trạng phân cách Châu Âu, một Đông Âu và một Tây Âu, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI, xuất thân từ Tây Âu, từ Đức Quốc, từ một quốc gia gây ra hai Thế Chiến trong thế kỷ 20, và cũng chính là nơi xuất phát ra phong trào Thệ Phản Cải Cách từ đầu thế kỷ 16, có thể là vị cũng sẽ được Thiên Chúa quan phòng sử dụng để thực hiện cho một Âu Châu Hiệp Nhất như vậy. Bởi vì, chỉ khi nào Tây Phương, tiêu biểu là Âu Châu (chưa kể Bắc Mỹ), trở về với căn tính của mình, qua việc Hiệp Nhất Kitô Giáo, bấy giờ họ mới có thể làm cho Âu Châu Hiệp Nhất, một Hiệp Nhất Âu Châu hiện đang quằn quại dẵm chân tại chỗ theo chiều hướng duy kinh tế và chính trị, và một khi Âu Châu Hiệp Nhất, thì Kitô Giáo, hiện thân vương quốc của Thiên Chúa, “vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo”.

 

Sau nữa, về chiều hướng chiều hướng nhu cầu đại kết Kitô Giáo vì Hồi Giáo có thể xẩy ra như sau. Với những cuộc khủng bố tấn công liều mạng theo chủ nghĩa tuyệt mạng và bảo thủ cuồng tín của một số con người thuộc tín đồ Hồi Giáo, những cuộc khủng bố tấn công chẳng những vào các cơ sở đầu não về chính trị và kinh tế của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ, mà còn cả vào các nơi ăn chơi của người Tây Phương hay theo kiểu Tây Phương ở bất cứ nơi nào trên thế giới nữa (điển hình nhất ở Bali năm 2002), cuộc chiến này phần thắng có thể sẽ về tay Hồi Giáo. Họ thắng không phải vì họ có vũ khí và lực lượng quân sự cùng kinh tế mạnh hơn Tây Phương, nhưng vì Thiên Chúa muốn dùng họ để trừng phạt thế giới Tây Phương văn minh tội lỗi, như Ngài đã từng sử dụng “cái roi” Cộng Sản để trừng trị con cái của Ngài vì những bất công xã hội xẩy ra từ Thời Cách Mạng Kinh Tế.

 

Bấy giờ, phải, chỉ bấy giờ Kitô giáo, Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các giáo phái Tin Lành, vì định mệnh tồn vong của chung đạo giáo của mình, mới có thể gắn bó với nhau, mới có thể nhờ đó tiến đến chỗ hiệp nhất nên một Giáo Hội duy nhất như Chúa Kitô mong muốn, một tình trạng hiệp nhất mà nếu không ở trong hoàn cảnh như một dân Yến Duyên bị lưu đầy Babylon như thế, Kitô giáo chắc không thể nào hay rất khó lòng đạt được, dù có cố gắng đối thoại đại kết với nhau từ ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965). Nếu thực sự cần phải bị trừng trị bởi cái roi “Hồi Giáo”, Kitô giáo mới hiệp nhất nên một, thì không phải là Hồi Giáo chỉ là dụng cụ Thiên Chúa muốn dùng để thưc hiện ý định của Ngài hay sao, Đấng toàn năng có thể biến dữ nên lành cho những ai tin vào Ngài. Đằng nào cuối cùng thì “vương quốc của Đấng Tối Cao (cũng) bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo” vậy.

 

Chưa hết, nếu Khối Cộng Sản Đông Âu, nhất là “Nước Nga trở lại”, là những gì có liên hệ với Biến Cố Fatima và Bí Mật Fatima, qua sự kiện trực tiếp liên quan tới bản thân của Đức Gioan Phaolô II, thì việc Âu Châu Hiệp Nhất, để “vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo” cũng liên quan đến Biến Cố Fatima và Bí Mật Fatima như vậy. Bởi vì, không phải ngẫu nhiên Mẹ Maria chọn địa điểm hiện ra ở một nơi được gọi là “Fatima”, tên gọi của người con gái được vị Giáo Tổ Hồi Giáo Mohammed sinh ra. Và cũng không phải vô tình mà Mẹ Maria đã tự xưng mình ở Fatima ngày 13/10/1917 này rằng “Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi”, một tước hiệu liên quan đến biến cố quân Kitô Giáo đang yếu thế đã có thể toàn thắng lực lượng dũng mãnh của Hồi Giáo ở trận hải chiến Lepantô năm 1571. 

 

Nếu thực sự, như Bí Mật Fatima phần thứ hai tiết lộ: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, một thế giới đã được biến đổi sau Biến Cố Đông Âu cuối thập niên 1980 và Biến Cố Nước Nga đầu thập niên 1990, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến qua biến cố “vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo”, bằng biến cố Âu Châu Hiệp Nhất, qua cuộc Hiệp Nhất Kitô Giáo, một cuộc Hiệp Nhất Kitô Giáo, biết đâu, sẽ xẩy ra vào năm 2017, dịp kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima, cũng là dịp kỷ niệm đúng 500 năm xuất phát Phong Trào Thệ Phản Cải Cách ở Đức, năm có thể là cuối đời của Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị đã lấy danh hiệu của mình theo Giáo Hoàng Biển Đức XV là vị Giáo Hoàng chăn dắt Giáo Hội Chúa vào thời điểm của Biến Cố Fatima.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ