GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 26/7/2006

 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Nhà Thờ Thánh George ở Aosta Valley: Nguyên văn bài Huấn Từ cho Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  28/6/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 13: Tông Đồ Giacôbê Hậu

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Nhà Thờ Thánh George ở Aosta Valley: Nguyên văn bài Huấn Từ cho Ngày Nguyện Cầu và Chay Tịnh cho Hòa Bình Trung Đông

 

Tôi chỉ muốn cống hiến mấy lời ngắn ngủi để suy niệm về bài đọc chúng ta đã nghe. Trước bối cảnh của tình trạng thảm thương ở Trung Đông, chúng ta thấy cảm kích trước nhãn quan cái đẹp được Thánh Phaolô trình bày (x Eph 2:13-18): Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta. Người đã hòa giải người Do Thái với dân ngoại, liên kết họ vào Thân Thể của Người. Người đã chế ngự được sự thù hằn bằng Thân Thể của Người trên cây thập tự giá. Với cái chết của mình, Người đã chế ngự được sự thù hằn và đã liên kết tất cả chúng ta trong bình an của Người.

 

Tuy nhiên, còn hơn vẻ đẹp của cái nhãn quan này nữa, chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng trước cái tương phản về thực tại chúng ta đang trải qua và chứng kiến. Thoạt tiên, chúng ta chỉ có thể cầu xin Chúa rằng: ‘Thế nhưng, lạy Chúa, vị tông đồ của Chúa đang nói gì với chúng con vậy: Họ đạ được hòa giải rồi ư?’ Thực tế chúng ta lại thấy họ chẳng giải hoà gì cả…. Vẫn còn xẩy ra chiến tranh giữa những người Kitô hữu, tín đồ Hồi giáo, và Do Thái; và vẫn còn có những người khác xúi bẩy chiến tranh làm cho tất cả tiếp tục đầy những hận thù, bạo lực. Vậy thì đâu là hiệu năng của việc Chúa hy hiến? Đâu là thứ bình an được vị tông đồ của Chúa nói với chúng con trong lịch sử?

 

Con người chúng ta không thể nào giải mã được mầu nhiệm của lịch sử, mầu nhiệm về cái quyền tự do của con người ‘không chấp nhận’ hòa bình của Thiên Chúa. Chúng ta không thể giải mã được tất cả mầu nhiệm về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, mầu nhiệm về tác động của Ngài và việc đáp ứng của chúng ta. Chúng ta cần phải chấp nhận mầu nhiệm ấy. Tuy nhiên, có những yếu tố của việc đáp ứng được Chúa cống hiến cho chúng ta.

 

Yếu tố thứ nhất đó là sự hòa giải này của Chúa, hy tế này của Người, không phải là những gì vô hiệu năng. Thực tại cao cả về mối hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ, của tất cả mọi dân tộc, đó là cơ cấu Hiệp Thông Thánh Thể, một hiệp thông vượt lên trên các biên giới văn hóa, văn minh, dân tộc và thời điểm.

 

Cuộc hiệp thông này hiện hữu; những ‘hải đảo bình an’ này hiện hữu nơi Thân Thể của Chúa Kitô. Những hải đảo đó hiện hữu. Và những quyền lực hòa bình hiện hữu trên thế giới này. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể thấy các vị đại thánh về bác ái, những vị đã từng tạo nên ‘những ốc đảo’ an bình này của Thiên Chúa trên thế giới, những vị tái thắp sáng lên ngọn đèn của mình, và có thể hòa giải cùng tái tạo hòa bình. Các vị tử đạo hiện hữu là thành phần chịu khổ với Chúa Kitô; các vị đã cống hiến chứng từ hòa bình ấy, chứng từ của tình yêu thương ngăn chặn bạo lực.

 

Và, khi thấy rằng thực tại hòa bình này hiện hữu, mặc dù thực tại khác vẫn cứ dai dẳng, chúng ta có thể suy niệm sâu xa hơn nữa về sứ điệp của bức thư Thánh Phaolô gửi cho Kitô hữu Êphêsô. Chúa đã chiến thắng trên cây thập tự giá. Người đã không thắng bằng một đế quốc mới, bằng một quyền lực mạnh hơn những quyền lực khác, có khả năng tiêu diệt chúng; Người đã không chiến thắng theo kiểu cách con người, như chúng ta tưởng, bằng một đế quốc này mạnh hơn đế quốc kia. Người đã chiến thắng bằng một tình yêu thương có thể tử vong.

 

Đó là cách chiến thắng mới của Thiên Chúa, ở chỗ, Ngài không chống lại bạo động bằng thứ bạo động dữ dội hơn. Ngài chống lại bạo động hoàn toàn ngược lại, ỡ chỗ, bằng tình yêu thương cho đến cùng, đến thập giá của Ngài. Đó là đường lối chiến thắng khiêm hạ của Thiên Chúa: ở chỗ, bằng tình yêu của mình – và chỉ nhờ đó mới có thể – Ngài giới hạn bạo lực. Đó là đường lối chiến thắng có vẻ quá chậm đối với chúng ta, thế nhưng đó là đường lối chân thật để chiến thắng sự dữ, chế ngự bạo lực, và chúng ta cần phải tin tưởng đường lối khống chế này của Thiên Chúa. 

 

Tin tưởng nghĩa là chủ động tham dự vào tình yêu thần linh ấy, tham dự vào nỗ lực bình an hóa này, theo chiều hướng với những gì được Chúa Kitô nói rằng: ‘Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ con cái của Thiên Chúa’. Chúng ta cần phải, trong tầm tay của mình, mang tình yêu của chúng ta đến với tất cả những ai đang khổ đau, biết rằng Vị Thẩm Phán của Cuộc Chung Thẩm đồng hóa mình với những ai chịu khổ đau.

 

Bởi thế, những gì chúng ta làm cho những ai khổ đau là chúng ta làm cho Vị Thẩm Phán Cuối Cùng của cuộc đời chúng ta. Đó là điều hệ trọng, ở chỗ, vào lúc này đây chúng ta có thể mang cuộc chiến thắng của Người vào thế giới, chủ động tham dự vào việc bác ái của Người. Ngày nay, trong một thế giới đa văn hóa và đa tôn giáo, nhiều người đã cố gắng nói rằng: ‘Về vấn đề hòa bình trên thế giới giữa các tôn giáo và văn hóa thì tốt hơn đừng nói quá nhiều về đặc tính đặc biệt của Kitô Giáo, tức là về Chúa Giêsu, về Giáo Hội, và về các bí tích. Hãy hài lòng với những gì chung chung vậy thôi…’

 

Thế nhưng, nó lại là những gì không đúng. Chính vào lúc này đây, , lúc mà danh Chúa bị lạm dụng hết sức, chúng ta cần đến một Vị Thiên Chúa là Đấng chiến thắng trên thập tự giá, Đấng không chiến thắng bằng bạo lực, mà bằng yêu thương. Chính vào lúc này đây, chúng ta cần đến dung nhan của  Chúa Kitô để biết được chân dung của Thiên Chúa, nhờ đó mới có thể mang mối hòa giải và áng sáng cho thế giới. Đó là lý do, cùng với tình yêu, với sứ điệp của tình yêu, chúng ta cũng cần đến chứng từ của Vị Thiên Chúa này, đến cuộc Thiên Chúa chiến thắng của Thiên Chúa, chỉ bằng sự bất bạo động của thập giá Người.

 

Như thế, chúng ta trở về với khởi điểm. Những gì chúng ta có thể làm đó là chứng từ yêu thương, chứng từ đức tin, và nhất là kêu lên cùng Thiên Chúa rằng: Chúng ta chỉ còn biết nguyện cầu! Chúng ta tin tưởng rằng Cha của chúng ta nghe thấy tiếng kêu của con cái Ngài. Trong Thánh Lễ này, khi chúng ta dọn lòng rước lễ, để lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô là những gì liên kết chúng ta, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội mà nguyện cầu rằng: ‘Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và ban hòa bình cho chúng con vào những ngày tháng của chúng con đây’. Chớ gì đây là lời cầu của chúng ta trong lúc này đây: “Xin giải thoát chúng con khỏi tất cả mọi sự dữ và ban cho chúng con hòa bình’, không phải là ngày mai hay ngày mốt: Lạy Chúa, xin ban hòa bình cho chúng con hôm nay đây. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 25/7/2006 

  

 

TOP

 

 

 ? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  28/6/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 13: Tông Đồ Giacôbê Hậu

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bên cạnh hình ảnh tông đồ Giacôbê ‘Tiền’, con ông Giêbêđê, vị chúng ta đã nói tới vào Thứ Tư vừa rồi, còn một tông đồ Giacôbê nữa trong Phúc Âm, vị được gọi là ‘Hậu’. Ngài cũng ở trong bản liệt kê 12 Tông Đồ được Chúa Giêsu đích thân chọn lựa, và bao giờ cũng được gọi là ‘con của ông An-Phê’ (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 5; Acts 1:13).

 

Ngài thường được đồng hóa với một Giacôbê khác, vị được gọi là ‘Trẻ’ (x Mk 15:40), con của một bà Maria (x cùng nguồn), có thể là Maria vợ ông Clêôpa có mặt ở dưới chân cây thập giá với Mẹ của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Gioan (x 19:25). Ngài cũng xuất thân từ Nazarét và có thể là họ hàng với Chúa Giêsu (x Mt 13:55; Mk 6:3), vị mà theo kiểu cách xưng hô Semitic, được gọi là ‘anh em’ (x Mk 6:3; Gal 1:19).

 

Về tông đồ Giacôbê này, sách Tông Vụ nhấn mạnh tới vai trò nổi bật của ngài ở Giáo Hội Giêrusalem. Trong công đồng tông đồ được tổ chức sau khi tông đồ Giacôbê Tiền chết ít lâu, ngài đã cùng với những vị khác khẳng định rằng thành phần dân ngoại có thể được tiếp nhận vào Giáo Hội mà trước hết không cần phải chịu phép cắt bì (x Acts 15:13). Thánh Phaolô, vị đã nói về ngài liên quan tới một lần đặc biệt hiện ra của Đấng Phục Sinh (x 1Cor 15:7), nhân dịp chuyến thánh nhân viếng thăm Giêrusalem, đã liệt kê tên của ngài ngay trước Cepha-Phêrô, cho ngài là một ‘cột trụ’ của Giáo Hội cùng với tông đồ Phêrô (x Gal 2:9).

 

Sau đó, những người Kitô hữu thuộc Do Thái giáo đã coi ngài là qui điểm chính yếu. Thật vậy, có một bức Thư được cho là của ngài và được cho vào sổ bộ Tân Ước. Ngài không tỏ ra mình là ‘người anh em với Chúa Kitô’, mà là ‘người đầy tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô’ (James 1:1).

 

Các vị học giả tranh luận với nhau về lý lịch của hai nhân vật có cùng tên này, Giacôbê con của ông An-Phê và Giacôbê ‘anh em của Chúa Kitô’. Chúng ta không có các truyền thống phúc âm trình thuật về những chi tiết liên quan tới khoảng đời trần gian của Chúa Giêsu. Sách Tông Vụ dù sao cũng cho chúng ta thấy rằng có một ‘Giacôbê’ đã thi hành một vai trò rất quan trọng trong Giáo Hội sơ khai, như chúng ta vừa đề cập tới, sau cuộc phục sinh của Chúa Giêsu (x Acts 12:17, 15:13-21, 21:18).

 

Hành động nổi bật nhất ngài đã hoàn thành đó là việc ngài nhúng tay vào vấn đề liên hệ khó khăn giữa thành phần Kitô hữu gốc Do Thái với thành phần Kitô hữu gốc dân ngoại. Về vấn đề này, cùng với Thánh Phêrô, ngài đã góp phần vào việc thắng vượt, đúng hơn, vào việc hội nhập chiều kích gốc gác Do Thái của Kitô Giáo với việc không được áp đặt trên thành phần dân ngoại trở lại cái bắt buộc mọi người phải tuân giữ theo nguyên tắc luật lệ Moisen.

 

Sách Tông Vụ đã trình thuật cho chúng ta thấy việc giải quyết dung hòa được chính tông đồ Giacôbê nêu lên và được tất cả các vị tông đồ hiện diện bấy giờ chấp nhận, một giải quyết mà thành phần dân ngoại tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô chỉ được yêu cầu kiêng lánh thói ngẫu tượng trong việc ăn uống thịt của những con vật cúng tế cho các vị thần linh, cũng như kiêng lánh ‘sự trắc nết’, một từ ngữ có lẽ ám chỉ tới các cuộc hiệp hôn ngoài sự ưng thuận. Thực tế thì đó là vấn đề của việc gắn bó với chỉ một ít điều cấm được cho là quan trọng đối với luật lệ Moisen.

 

Như thế, chúng ta có được hai thành quả quan trọng và hỗ tương, cả hai đều có giá trị, ở chỗ, một đàng là mối liên hệ bất khả phân chia được công nhận liên kết Kitô Giáo với Do Thái Giáo như là cái khuôn nguyên thủy sống động và vững chắc của Kitô Giáo; đàng khác, thành phần Kitô hữu gốc dân ngoại được phép bảo trì căn tính về xã hội học của mình, một căn tính họ sẽ bị mất đi nếu họ bị buộc tuân giữ những gì được gọi là các chỉ thị về nghi thức của Moisen: Những thứ ấy bấy giờ không còn được coi là bó buộc đối với thành phần dân ngoại trở lại nữa. Thực ra, chúng ta thấy xuất hiện một tập tục hỗ tương về việc cảm thức và tôn trọng, một tập tục, bất kể những hiểu lầm chẳng may xẩy ra sau đó, tự bản chất, vẫn được dựa vào để bảo toàn tất cả những gì làm nên đặc tính của mỗi bên.

 

Chi tiết lâu đời nhất về cái chết của vị tông đồ Giacôbê này chúng ta có được là từ vị sử gia Do Thái Flavius Josephus. Trong cuốn Những Cổ Nhân Do Thái (20,201f), được viết ở Rôma vào cuối thế kỷ thứ nhất, ông đã cho chúng ta biết rằng việc kết thúc cuộc đời của tông đồ Giacôbê này được định đoạt bởi hành động phi lý của Thượng Tế Ananus, người con của Annas được các Phúc Âm nói tới, người con đã lợi dụng thời gian chờ đợi vị Tổng Lãnh Rôma (Festus) được thay thế bởi người kế vị mình (Albinius) để ra lệnh ném đá ngài vào năm 62.

 

Tên tuổi của vị tông đồ Giacôbê này, ngoài việc dính dáng tới cuốn ngụy Phúc Âm Giacôbê nữa, cuốn phúc âm tôn tụng sự thánh thiện và đức đồng trinh của Maria Mẹ Chúa Giêsu, đặc biệt liên hệ tới Bức Thư mang danh của ngài. Bức thư này chiếm chỗ đầu tiên trong sổ bộ Tân Ước được gọi là Các Thư Công Giáo, là các bức thư viết không đặc biệt cho một Giáo Hội riêng nào, như Rôma, Êphêsô v.v., mà là cho nhiều Giáo Hội. Nhưng nó lại là một bức thư quan trọng, nhấn mạnh nhiều tới nhu cầu không được biến đức tin thành một tuyên ngôn duy từ hay trừu tượng, mà cần phải diễn tả nó ra một cách cụ thể qua các việc lành. Trong nhiều điều khác, ngài kêu gọi chúng ta kiên trì trong việc vui vẻ chấp nhận các cuộc thử thách và tin tưởng nguyện cầu để chiếm được ơn khôn ngoan của Chúa, nhờ đó chúng ta mới hiểu được rằng các giá trị đích thật của cuộc sống không phải là những kho tàng nhất thời mà là để có thể chia sẻ lương thực của mình với người nghèo và thiếu thốn (x James 1:27).

 

Bởi vậy, Bức Thư của Thánh Giacôbê cho chúng ta thấy một Kitô Giáo rất cụ thể và thực tiễn. Đức tin là những gì cần phải được thi hành trong cuộc sống, trước hết bằng tình yêu thương tha nhân và đặc biệt là việc dấn thân cho người nghèo. Chính vì thế mới có câu nổi tiếng này, đó là ‘Như thân thể vô hồn là một thân thể chết chóc thế nào, thì đức tin không việc làm là một đức tin chết như thế’ (James 2:26). Có những lúc câu nói này của Thánh Giacôbê đã tương phản với những lời khẳng định của Thánh Phaolô, vị cho rằng chúng ta được công chính hóa bởi Thiên Chúa, không phải bởi các việc làm của chúng ta, mà là nhờ đức tin của chúng ta (x Gal 2:16; Rm 3:28).

 

Tuy nhiên, hai cầu này, có vẻ mâu thuẫn với nhau ở các quan điểm khác nhau, thực tế, nếu được giải thích đàng hoàng, lại hỗ tương bổ túc cho nhau. Thánh Phaolô chống lại cái cao ngạo của con người nghĩ rằng họ không cần đến tình yêu của Thiên Chúa là Đấng tiền định chúng ta; ngài chống lại cái kiêu hãnh cho mình là công chính không cần ân sủng được ban phát chứ không do lập được. Trái lại, Thánh Giacôbê nói về các việc làm như là hoa trái tự nhiên của đức tin: ‘Cây tốt thì sinh trái tốt’, Chúa Kitô đã nói như thế (Mt 7:17). Và Thánh Giacôbê đã lập lại lời này và nói điều này cùng chúng ta.

 

Sau cùng, Thư Giacôbê kêu gọi chúng ta hãy phó mình vào bàn tay của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự chúng ta làm, bao giờ cùng thưa cùng Ngài rằng: ‘Nếu Chúa muốn’ (James 4:15). Bởi vậy, ngài dạy chúng ta đừng tự phác họa dự án cho cuộc đời mình một cách biệt lập và vị kỷ, mà là hãy giành chỗ cho ý muốn khôn dò của Thiên Chúa, Đấng biết những gì thật sự là thiện hảo cho chúng ta. Như thế, Thánh Giacôbê bao giờ cũng là vị thày hợp thời về đời sống cho mỗi một người trong chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 28/6/2006 

 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 22 Thứ Bảy bài 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT;  23 Chúa Nhật bài 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 24 Thứ Hai, bài 4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa; 25 Thứ Ba bài 4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực)

 

4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng

 

25.    Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, tội nhân được công chính hóa bởi đức tin theo tác động cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Bằng hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi phép rửa, họ được ban tặng ân cứu độ, tặng ân làm nền tảng cho cả đời sống Kitô hữu. Họ đặt lòng tin tưởng của mình nơi lời hứa sủng ái của Thiên Chúa bằng đức tin công chính hóa, đức tin bao gồm cả lòng cậy trông Thiên Chúa và lòng mến yêu Ngài. Một đức tin như vậy linh hoạt trong yêu thương, nhờ đó, Kitô hữu không thể và không được thụ động không làm gì. Thế nhưng, bất cứ những gì nơi con người được công chính hóa có trước hay theo sau tặng ân đức tin nhưng không này đều không phải là nguồn gốc của việc công chính hóa hay làm nên việc công chính hóa.

 

26.    Theo người Luthêrô hiểu, Thiên Chúa công chính hóa tội nhân bằng đức tin mà thôi (sola fide). Với đức tin, họ hoàn toàn đặt lòng tin tưởng vào Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Cứu Chuộc của họ, nhờ đó, họ sống hiệp thông với Ngài. Chính Thiên Chúa tác động đức tin khi Ngài dùng lời tác tạo của mình làm phát sinh ra một lòng tin tưởng như thế. Vì tác động của Thiên Chúa là một việc sáng tạo mới, tác động của Ngài ảnh hưởng đến tất cả mọi chiều kích của con người và dẫn họ đến một đời sống hy vọng cũng như yêu thương. Theo tín lý về ‘việc công chính hóa bởi duy một mình đức tin’, cần phải phân biệt, chứ không phải tách biệt, giữa chính việc công chính hóa và việc canh tân lối sống của con người, một việc canh tân cần phải có bởi được công chính hóa, mà nếu thiếu việc canh tân này cũng kể như đức tin không có. Nhờ có căn bản rõ ràng mới tiến hành đến việc canh tân đời sống, một việc canh tân phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã ban cho con người được công chính hóa. Việc công chính hóa và việc canh tân được liên kết với nhau trong Chúa Kitô, Đấng hiện diện trong đức tin.

 

27.    Theo sự hiểu biết của mình, người Công Giáo cũng thấy rằng, đức tin là nền tảng trong việc công chính hóa. Vì không có đức tin không thể nào có việc công chính hóa. Những con người được công chính hóa nhờ phép rửa là những người nghe lời Chúa và là những người tin vào lời Chúa. Công chính hóa tội nhân là việc tha thứ tội lỗi và làm cho họ nên chính trực bằng ơn công chính hóa, ơn làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Được công chính hóa, người chính trực lãnh nhận nơi Chúa Kitô đức tin, đức cậy và đức mến, nhờ đó, họ được hiệp thông với Ngài. Mối liên hệ mới mẻ với Thiên Chúa ấy hoàn toàn là do lòng ưu ái của Thiên Chúa, hằng liên lỉ lệ thuộc vào tác động cứu độ và sáng tạo của Vị Thiên Chúa là Đấng chân thực để con người có thể tin cậy nơi Ngài này. Như thế, ơn công chính hóa không bao giờ thuộc về con người, làm cho họ có thể lên mặt với Thiên Chúa. Nếu giáo huấn của Công Giáo nhấn mạnh đến việc canh tân đời sống bằng ơn công chính hóa, thì việc canh tân trong đức tin, đức cậy và đức mến này luôn luôn tùy thuộc vào ân sủng khôn lường của Thiên Chúa, và không đóng góp gì cho việc công chính hóa làm cho con người có thể hãnh diện trước nhan Thiên Chúa (Rm 3:27).

 

(xin xem tiếp: 4.4- Người Được Công Chính Hóa là Một Tội Nhân)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ