GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 9/9/2006

 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội 

?  ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc với Hội Nghị ngày 28/6/2006 về việc bán bất hợp pháp các thứ Vũ Khí Nhỏ

?   Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria: Nhập Đề

 

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội 

 

(tiếp 5 Thứ Ba, 6 Thứ Tư, 7 Thứ Năm 8 Thứ Sáu)

 

Vấn:    Tâu Đức Thánh Cha, nữ giới là thành phần rất chủ động trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội Công Giáo. Phải chăng việc đóng góp của họ không được trở thành những gì tỏ tường hơn nữa, ngay cả ở những vai trò đảm trách nhiệm vụ thế giá trong Giáo Hội?

 

Đáp:   Dĩ nhiên là chúng tôi suy nghĩ nhiều đến đề tài này. Như anh chị em đều biết, chúng ta tin rằng đức tin của chúng ta và pháp chế của tông đồ đoàn đòi buộc chúng tôi và không cho phép chúng tôi truyền chức linh mục cho nữ giới.

 

Thế nhưng chúng ta không được nghĩ rằng chỉ có một vai trò duy nhất trong Giáo Hội đó là vai trò làm linh mục. Có nhiều công việc và phận vụ trong lịch sử Giáo Hội. Khởi đi từ thành phần chị em của Chư Vị Giáo Phụ, cho đến thời Trung Cổ khi có những vị đại nữ đóng vai trò trọng yếu, cho đến cả thời đại tân tiến này.

 

Hãy nghĩ tới Hildegard ở Bingen, người đã mãnh liệt phản đối trước các vị giám mục và vị giáo hoàng; tới Catherine ở Siena và Brigit ở Thụy Điển. Cả trong thời đại của chúng ta nữa, nữ giới, và cùng với họ chúng ta, có thể nói, phải tìm kiếm cho họ một vị thể xứng hợp.

 

Ngày nay, họ hiện diện ở các phân bộ của Tòa Thánh. Thế nhưng, có một vấn đề về pháp lý ở đây, đó là, theo giáo luật, quyền hạn để thực hiện những quyết định có hiệu lực về pháp lý chỉ thuộc về thành phần có thánh chức mà thôi. Bởi thế, theo quan điểm này thì có những hạn chế, song tôi tin rằng chính nữ giới, với năng lực và sức mạnh của mình, với tính cách trổi vượt của họ là những gì gọi là ‘quyền lực thiêng liêng’ của họ, sẽ biết ở vào vị trí của mình.

 

Chúng ta cần phải cố gắng và lắng nghe Thiên Chúa, nhờ đó không gây ngãng trở cho họ, trái lại, còn hân hoan khi thấy yếu tố nữ giới đạt tới một vị trì hoàn toàn hiệu năng trong Giáo Hội xứng hợp nhất đối với họ, bắt đầu là Người Mẹ Thiên Chúa và với Maria Mai Đệ Liên.

 

Vấn:    Tâu Đức Thánh Cha, gần đây người ta thấy Công Giáo có một sức thu hút mới. Đâu là sức thu hút và tương lai của tổ chức cổ kính này?

 

Đáp:   Tôi cho là toàn thể giáo triều của Đức Gioan Phaolô II đã lôi kéo con người chú ý tới và mang họ lại với nhau. Những gì đã xẩy ra vào giờ lâm chung của ngài vẫn còn là một cái gì đó rất đặc biệt về lịch sử, ở chỗ, hằng trăm ngàn người tuốn đến Quảng Trường Thánh Phêrô một cách trật tự lớp lang, đứng chờ chực hằng nhiều giờ, và đáng lẽ bị kiệt sức họ lại kiên trì như thể được tác động bởi một sức mạnh nội tâm.

 

Thế rồi chúng ta đã trải qua cảm nghiệm vào dịp đăng quang của giáo triều tôi và một lần khác nữa ở Cologne. Thật là tuyệt vời khi cảm nghiệm cộng đồng ấy đồng thời cũng trở thành một cảm nghiệm đức tin. Khi cảm nghiệm cộng đồng ấy không xẩy ra ở bất cứ nơi đâu khác ngoài những chỗ cảm nghiệm này trở thành sinh động hơn và cống hiến cho Công Giáo cái cường độ rạng ngời của mình ở ngay chính tại  những nơi chốn của đức tin.

 

Dĩ nhiên cảm nghiệm này cần phải được tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày. Cả hai cần phải đi với nhau. Một đàng là những giây phút vời vợi khiến chúng ta cảm thấy tốt đẹp biết bao được ở nơi có Chúa hiện diện và nơi chúng ta làm nên một đại cộng đồng hòa hợp với nhau vượt ra ngoài tất cả mọi biên giới.

Từ đó, chúng ta cảm thấy phấn khởi để chống chõi trong cuộc hành trình mệt mỏi của cuộc sống hằng ngày, để sống khởi đi từ những điểm rạng ngời ấy và hướng về chúng, biết làm thế nào để mời gọi những người khác tham dự vào cộng đồng lữ hành của chúng ta.

 

Tôi muốn nhân cơ hội này mà nói rằng: Tôi cảm thấy e thẹn khi nghĩ tới tất cả mọi thứ sửa soạn đang thực hiện cho cuộc viếng thăm của tôi, đối với hết mọi sự dân chúng đang làm. Ngôi nhà của tôi đã được sơn phết lại, một học đường chuyên môn đã được làm lại hàng rào. Vị giáo sư tin lành đã giúp thực hiện việc làm hàng rào ấy. Đó chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng chúng là một dấu hiệu của nhiều điều đã được thực hiện.

 

Tôi thấy được tất cả mọi sự nơi cái dấu hiệu đặc biệt ấy, và tôi không nghĩ rằng nó là để cho tôi, song là một dấu hiệu cần thiết cho cộng đồng đức tin này cũng như để phục vụ nhau. Việc chứng tỏ tình đoàn kết này có nghĩa là để cho mình được Chúa tác động. Nó là những gì làm cho tôi cảm kích và tôi muốn bày tỏ tấm lòng hết sức cảm tạ tri ân của tôi.


Vấn:    Tâu Đức Thánh Cha, ĐTC đã nói về cảm nghiệm cộng đồng. ĐTC sẽ về Đức lần thứ hai sau khi được bầu làm giáo hoàng. Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và vì những lý do khác nhau, sau cuộc tranh hùng Vô Địch Thế Giới, bầu khí dường như đã đổi thay. Ấn tượng ở đây đó là dân Đức đã tỏ ra cởi mở hơn với thế giới, nhân nhượng hơn và vui tươi hơn. ĐTC có còn mong muốn gì nữa nơi dân Đức chúng con chăng?

 

Đáp:   Theo tôi thì từ khi chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai, xã hội Đức bắt đầu được biến đổi nội tâm. Đường lối suy nghĩ của người Đức cũng là những gì được củng cố hơn sau cuộc tái kết hiệp.

 

Chúng ta đã trở thành một phần sâu đậm hơn nữa của xã hội toàn cầu, và theo đó chúng ta đã được biến đổi trước tâm thức của xã hội toàn cầu này. Những khía cạnh nơi đặc tính của người Đức mà các người khác chưa từng biết đến trước đây đã được tỏ hiện.

 

Có lẽ chúng ta bao giờ cũng bị phác họa quá trớn như là thành phần bao giờ cũng rất ư là luật phép và bảo thủ, những gì thực sự cũng có lý do của chúng. Thế nhưng, nếu giờ đây chúng ta được cảm thấy tốt đẹp hơn những gì người ta đang thấy, thì theo tôi đó là một điều lý thú, ở chỗ người Đức không phải chỉ biết có bảo thủ, câu nệ và luật phép, họ cũng là những người biết sống bộc phát, vui tươi và hiếu khách nữa. Đó là những gì rất lý thú.

 

Điều tôi hy vọng ở đây là những đức tính ấy sẽ được tiếp tục gia tăng, kéo dài và được thêm phấn khởi bởi niềm tin Kitô Giáo nữa.

 

(còn tiếp cho tới hết tuần)

 

TOP

 

 

 ? ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc với Hội Nghị ngày 28/6/2006 về việc bán bất hợp pháp các thứ Vũ Khí Nhỏ

 

Thưa Ông Chủ Tịch,

 

Tất cả chúng ta ở đây đều có một trách nhiệm lớn lao, một trách nhiệm xuất phát từ ý thức rằng thành quả của cuộc họp này có thể ảnh hưởng lâu dài trên một tiến trình mà từ năm 2001 đã có được một động lực mạnh mẽ ban đầu đối với qui chế các thứ vũ khí nhỏ và khí giới nhẹ (SALW: small arms and light weapons) cũng như đường lối pháp lý của nó. Qui chế này giờ đây đang thành hình và là bước cuối cùng trên con đường chắc chắn dẫn tới việc hiệu năng cỗ võ nhân quyền và luật lệ nhân đạo quốc tế.

 

Việc bất hợp pháp bán các thử vũ khí nhẹ và các loại khí giới nhẹ là một thứ đe dọa cho hòa bình, phát triển và an ninh. Nó là một mối đe dọa xuất phát chẳng những từ cuộc xung khắc mà còn từ tình trạng bất ổn về dân sự, từ tình trạng tội ác có tổ chức, từ việc buôn bán con người, từ nạn khủng bố, và thậm chí từ tình trạng nghèo khổ, và nó gia tăng nhanh chóng trong một thế giới được liên hệ hóa và toàn cầu hóa. Bởi thế Tòa Thánh ủng hộ những ai kêu gọi một phương sách chung để chiến đấu, chẳng những với việc buôn bán các thứ vũ khí bất hợp pháp mà còn với cả các hoạt động liên quan tới nó nữa, như nạn khủng bố, tổ chức tội ác, và việc buôn lậu thuốc phiện và các thứ đá quí, song vẫn không quên các chiều kích về đạo lý, xã hội và nhân đạo của những thứ khổ nạn ấy.

 

Trong số thành phần đầu tiên được hưởng phương sách chung này sẽ là các quốc gia nghèo, những quốc gia vì đã từng nghe thấy rất nhiều lời hứa hẹn, có lý để đòi hỏi việc áp dụng một cách cụ thể quyền phát triển của mình. Về khía cạnh này, đại biểu tôi đây muốn nhìn nhận và ủng hộ Bản Tuyên Ngôn Geneva về Việc Bạo Động và Phát Triển Khí Giới, một bản tuyên ngôn được chấp thuận ngày 7/6/2006, và căn cứ vào bản tuyên ngôn này, có khoảng 42 quốc gia đã quyết tâm cổ võ việc hội nhập việc kiểm soát các loại vũ khí nhỏ vào những dự án phát triển. 

 

Hôm nay, đại biểu tôi đây cũng muốn nhấn mạnh tới một số khía cạnh về chương trình hành động đáng chú trọng hơn nữa, bắt đầu từ vấn đề được đặt ra là, vì có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các thứ khí giới với tình trạng bạo động, giữa những thứ khí giới với việc phá hoại, giữa các thứ khí giới với hận thù và phân tán xã hội, nên không thể coi các thứ vũ khí như là những thứ sản phẩm thương mại giống như những sản phẩm khác.

 

Trước hết, hội nghị 2006 này cần phải đồng lòng thiết lập các chương trình hợp tác quốc tế chính yếu, những cơ cấu và những hướng dẫn để phát động những phần chính yếu cho chương trình hành động, một chương trình có thể bao gồm cả việc thiết lập những tiêu chuẩn xứng hợp cho vấn đề quản trị và an ninh của các kho chứa vũ khí ấy; xác định các qui chuẩn rõ ràng về việc xuất cảng các thứ vũ khí; các cơ cấu thu góp và hủy hoại đi các thứ vũ khí như là một yếu tố trong tiến trình hòa bình; việc tái củng cố khả năng thi hành việc áp dụng luật lệ nhắm đến vấn đề buôn bán các thứ vũ khí bất hợp pháp; việc hợp tác hơn nữa theo vùng, bao gồm việc khôn ngoan chú trọng tới việc chuyển các thứ vũ khí dọc theo các biên giới; và các việc kiểm soát hơn nữa theo qui định của quốc gia, bằng những phương tiện sắc bén hơn về khả năng hữu trách, theo dõi và triệt tiêu việc sản xuất và chuyển các thứ SALW.

 

Bởi vậy, cần phải thận trọng xem xét việc thương thảo về một phương tiện có hiệu lực về pháp lý trong việc giải quyết vấn đề buôn bán các thứ vũ khí bất hợp pháp, chẳng hạn như một hiệp ước được đặt căn bản trên những nguyên tắc thích đáng của luật lệ quốc tế, bao gồm những nguyên tắc về nhân quyền và luật nhân đạo. Vì một phương tiện như thế sẽ giúp vào việc nhổ tận gốc rễ việc buôn bán các thứ vũ khí bất hợp pháp, việc thương thảo của nó cần phải bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, các quốc xuất cảng, nhập cảng và chuyển giao, những kỹ nghệ về quân đội, những tổ chức ngoài chính quyền, và tổ chức dân sự nữa.

 

Các quốc gia đặc biệt có nhiệm vụ nặng nề về lãnh vực này, và cần phải thành thật thương thảo và áp dụng một hiệp định như thế. Tòa Thánh đặc biệt mạnh mẽ ủng hộ dự thảo của Hiệp Vương Quốc về việc thương thảo ở Liên Hiệp Quốc về một hiệp định bắt buộc phải thi hành đối với việc chuyển các thứ vũ khí qui ước, như là một khởi động vững chắc có những đường lối hiệu nghiệm trong việc áp dụng và kiểm tra. Đại biểu tôi hy vọng rằng ý nghĩ giá trị này sớm được các thủ đô đón nhận một cách rộng rãi.

 

Sau nữa, vai trò đại biểu tôi lấy làm hài lòng nhận thấy rằng nhiều điều chia sẻ đóng góp trong những ngày này tập trung – như chúng ta thấy trong dự án hành động – vào nhu cầu cần phải giải quyết chẳng những tính cách thuận lợi dễ dàng của các thứ vũ khí, mà còn giải quyết cả nhu cầu cần đến các thứ vũ khí, một đòi hỏi hiển nhiên nếu các quốc gia thành thực muốn tránh khỏi cái lệch lạc của các thứ vũ khí nhẹ và các thứ khí giới nhẹ đối với thị trường bất hợp pháp. Nếu chúng ta nghĩ về cái giá con người phải trả cho các thứ vũ khí nhỏ và các loại khí giới nhẹ, cũng như những liên hệ, đôi khi tinh vi, đôi khi lộ liễu, giữa chúng và việc tiến bộ chầm chậm nơi vấn đề phát triển khả thủ, những hành động nhắm vào việc giảm thiểu đòi hỏi các thứ vũ khí nhẹ và các loại khí giới nhẹ, chắc chắn là những gì đáng chú trọng nhiều hơn nữa.

 

Hoạt động để giải quyết vấn đề đòi hỏi là những gì cần đến việc nghiên cứu vững chắc về những đường lối xung đột, tội ác và bạo lực. Một tín liệu có căn cứ rõ ràng như thế mới có thể làm cái nền cho việc khôn ngoan hoạt động nhắm tới việc cổ võ một nền văn minh hòa bình thực sự giữa chúng ta. Tất cả mọi kẻ nắm quyền cai trị quốc gia cần phải hành động một cách hữu trách đối với vấn đề áp dụng những hoạt động giáo dục cũng như đối với những hoạt động nhận thức để chiến đấu với nền văn hóa bạo động, bằng cách minh bạnh cho thấy cái ý muốn chính trị.    

 

Với cuộc hội nghị kiểm điểm 2006 này, các quốc gia cần phải nắm lấy cơ hội để nhận ra những mối liên hệ giữa việc giải giới, phát triển và các quan tâm về nhân đạo, cùng quyết tâm thực hiện các chính sách và chương trình giảm thiểu nhu cầu cần đến các thứ vũ khí và bạo động võ trang. 

 

Sau hết, liên quan tới những hiệp định tốt đẹp hơn và việc giảm thiểu nhu cầu, là ảnh hưởng xấu xa của việc buốn bán thành phần yếu kém nhất trong xã hội, nhất là trẻ em. Tòa Thánh cảm thấy có trách nhiệm lớn lao đối với nhu cầu đặc biệt của trẻ em bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột võ trang, việc các em đoàn tụ với gia đình của mình, việc các em tái hội nhập vào xã hội và việc các em phục hồi cách thích đáng. Nơi một số cuộc xung đột, trẻ em đặc biệt có khuynh hướng phải chịu một sự dữ nhị bội, mợt mặt thì từ việc gặp nguy hiểm, một đàng thì bị ép làm thành phần quân nhi. 

 

Những tình trạng như thế cần phải có phản ứng nhất loạt về phía cộng đồng quốc tế, một cộng đồng chắc chắn bắt buộc phải tỏ ra đặc biệt quan tâm tới trẻ em trong những hoàn cảnh của các em, và làm mọi sự có thể để hỗ trợ các em để các em trở lại với công việc bình thường của vấn đề lớn khôn trong một môi trường yêu thương và an toàn. Những vấn đề dự phòng về việc giải giới, giải ngũ và tái hội nhập đã chú ý tới nhu cầu của thành phần quân nhi; điều này có thể vượt ra ngoài cả những hiệp định hòa bình là những gì đã được đồng ý chung, và có thể được coi là thêm thắt vào các dự án gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình, cũng như vào các chương trình phát triển, sử dụng phương sách lấy cộng đồng làm căn bản. 

 

Bởi thế, để đạt được các mục đích ấy, việc tích cực tham dự của tất cả mọi diễn viên là cần thiết: các chính quyền mang trách nhiệm chính yếu đối với việc thành đạt của cuộc hội nghị kiểm điểm này, những tổ chức quốc tế, và các tổ chức ngoài chính quyền là những tổ chức đã đẩy mạnh tiến trình này.

 

Niềm hy vọng của vai trò đại biểu tôi đây đó là thành quả của cuộc hội nghị 2006 này sẽ là những gì khôn ngoan hướng tới tương lai của định chế quốc tế về các thứ vũ khí nhẹ và các loại khí giới nhẹ, và thực hiện một cuộc theo dõi đầy đủ và hiệu nghiệm.

 

Cám ơn Ông Chủ Tịch.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/6/2006

 

 

TOP

 

 

?  Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria: Dẫn Nhập

 

Nguyên tác của Thánh Long Mộng Phố - Luois Montfort - Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Dẫn Nhập

1.     Chính nhờ Đức Trinh Nữ Maria Chúa Giêsu đã đến thế gian, cũng nhờ Mẹ Người phải cai trị thế giới.

2.     Vì trong cuộc đời của mình Mẹ Maria sống ẩn khuất mà Mẹ được Thánh Thần và Giáo Hội gọi là “Alma Mater”, Người Mẹ ẩn khuất và vô danh. Mẹ khiêm nhượng đến nỗi Mẹ không còn mong muốn gì hơn trên đời này là được ẩn mình đi trước bản thân Mẹ cũng như trước mắt kẻ khác, mà chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi.

3.     Để đáp lại những lời Mẹ nguyện cầu cho được ẩn khuất đi, được nghèo khó và thấp hèn, Thiên Chúa đã hài lòng che giấu Mẹ đi trước mắt hầu như hết mọi con người thụ tạo ở việc Mẹ được hoài thai, việc Mẹ được hạ sinh, ở cuộc sống của Mẹ, ở những mầu nhiệm của Mẹ, ở việc Mẹ sống lại và mông triệu về trời. Hai vị phụ mẫu của Mẹ cũng thật sự không biết về Mẹ; và các thần trời thường hỏi nhau rằng “người có thể là ai đây?”, vì Thiên Chúa đã che giấu Mẹ không cho họ biết, hay nếu Ngài có tỏ cho họ một điều gì đó thì điều ấy chẳng là gì so với những gì Ngài còn giữ lại.

4.     Chúa Cha muốn rằng Mẹ không cần phải làm một phép lạ nào trong đời của Mẹ, ít là phép lạ công khai, mặc dù Ngài đã ban cho Mẹ quyền năng làm điều này. Chúa Con muốn Mẹ phải nói rất ít, mặc dù Người đã ban cho Mẹ đức khôn ngoan của Người.

Mặc dù Mẹ Maria là người bạn tình thủy chung của mình, Chúa Thánh Thần vẫn muốn các vị tông đồ và thánh ký nói thật ít về Mẹ mà chỉ nói vừa đủ để tỏ Chúa Giêsu ra thôi.

5.     Mẹ Maria là kiệt tác tuyệt vời của Thiên Chúa Toàn Năng và Ngài đã bảo trì kiến thức về Mẹ và việc chiếm hữu Mẹ cho chính mình Ngài. Mẹ là Người Mẹ hiển vinh của Chúa Con, Đấng đã muốn hạ Mẹ xuống và che khuất Mẹ đi khi Mẹ còn sinh thời để nuôi dưỡng lòng khiêm nhượng của Mẹ. Người đã gọi Mẹ là “Bà” như thể Mẹ là một kẻ xa lạ, mặc dù trong lòng của mình, Người coi trọng và mến yêu Mẹ trên hết loài người và thần thiêng. Mẹ Maria là suối nguồn được niêm phong và là người bạn tình thủy chung của Chúa Thánh Thần, nơi duy nhất Ngài muốn tới. Mẹ là cung thánh và là nơi nghỉ ngơi của Ba Ngôi, nơi Thiên Chúa ngự trị trong sự rạng ngời thần linh hơn bất cứ đâu khác trong vụ trụ này, kể cả nơi Ngài ngự trên các thần đệ nhị đẳng thần cherubim và đệ nhất đẳng thần seraphim. Không có một tạo vật nào, dù tinh tuyền đến đâu, được vào đó mà không có phép đặc biệt.

6.     Cùng với các thánh nhân, tôi tuyên xưng rằng: Mẹ Maria là thiên đường trần thế của Chúa Giêsu Kitô tân Adong, nơi Người đã làm người bởi quyền phép Thánh Linh, để hoàn thành nơi Mẹ những kỳ công khôn lường. Mẹ là thế giới thần linh rộng lớn của Thiên Chúa, nơi chất chứa những kỳ công và vẻ đẹp khôn tả. Mẹ là vẻ nguy nga lộng lẫy của Đấng Toàn Năng, nơi Ngài giấu ẩn Con một của Ngài, như ở trong lòng của Ngài, và cùng với Người hết mọi sự tuyệt vời nhất và quí hóa nhất. Thiên Chúa quyền năng đã làm cho tạo vật tuyệt vời này những điều cao cả và kín đáo biết bao, như chính Mẹ dù rất khiêm nhượng cũng đã tuyên xưng rằng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”. Thế giới không biết được những điều ấy, vì nó không có khả năng và bất xứng để biết chúng.

7.     Các thánh nhân đã nói những điều tuyệt vời về Mẹ Maria, Thành thánh của Thiên Chúa, và, như chính các vị thú nhận, các vị không bao giờ lại cảm thấy lợi khẩu hơn và sung sướng hơn khi nói về Mẹ. Tuy nhiên, các vị cũng phải công nhận rằng công nghiệp cao ngất của Mẹ vươn tới ngai tòa của Thiên Chúa là những gì không thể nào hiểu thấu; tình yêu của Mẹ rộng hơn trái đất không thể nào đo lường nổi; quyền năng cao cả Mẹ hành sử trên Đấng là Thiên Chúa không thể nào hiểu thấu; và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ cùng tất cả mọi nhân đức và ân sủng của Mẹ thật là khôn dò. Ôi cái cao cả khôn thấu biết bao! Ôi cái bao la khôn tả biết mấy! Ôi cái vĩ đại khôn lường chừng nào! Ôi cái thẳm sâu khôn dò dường bao!

8.     Hết mọi ngày, từ chân trời đến góc biển, trên trời cao thăm thẳm cũng như ở vực cực thẳm, tất cả mọi sự đều loan truyền, tất cả mọi sự đều cao rao Trinh Nữ Maria kỳ diệu. Chín đẳng thiên thần, con người nam nữ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và tôn giáo, cả người lành lẫn kẻ dữ, thậm chí ngay chính quỉ ma cũng bị thúc đẩy bởi quyền lực của sự thật, dù muốn hay không, xưng tụng Mẹ diễm phúc.

Theo Thánh Bônaventura thì tất cả mọi thần trời trên thiên quốc không ngừng tung hô Mẹ là “Thánh, thánh, thánh Maria, Người Mẹ Trinh Nguyên của Thiên Chúa”. Mỗi ngày các vị chào Mẹ vô vàn lần với lời chào của sứ thần: “Kính mừng Maria”, trong khi phục mình trước nhan Mẹ, xin Mẹ cho các vị được phúc làm theo lời Mẹ yêu cầu. Theo Thánh Âu Quốc Tinh thì ngay cả Thánh Micae, cho dù là ông hoàng của tất cả triều thần thiên quốc đi nữa, đã tỏ ra hăng hái nhất trong tất cả các thần trời ở việc tôn vinh Mẹ và dẫn đầu những thần khác tôn vinh Mẹ. Lúc nào ngài cũng chờ đợi được diễm hạnh làm theo lời Mẹ để đến cứu giúp một trong thành phần tôi tớ của Mẹ.

9.     Toàn thế giới tràn đầy vinh hiển của Mẹ, một điều đặc biệt đúng với thành phần Kitô hữu, những người đã chọn Mẹ làm vị bảo hộ và bảo vệ các vương quốc, các khu vực, các giáo phận và các tỉnh thành. Nhiều vương cung thánh đường được thánh hiến cho Thiên Chúa bằng tên của Mẹ. Không có một nhà thờ nào lại không được cung hiến cho Mẹ, không một xứ sở hay miền đất nào mà lại tối thiểu không có một trong những hình ảnh lạ lùng của Mẹ ở nơi được chữa trị tất cả mọi thứ tai ương và được lãnh nhận mọi thứ phúc lộc. Nhiều hội ái hữu và hội đoàn tôn kính Mẹ như vị quan thày; nhiều hội dòng lấy tên của Mẹ và xin Mẹ bảo vệ; nhiều phần tử thuộc các tương tế hội và nhiều tu sĩ thuộc mọi dòng tu dâng lời chúc tụng Mẹ và nhận biết tình thương của Mẹ. Không một con trẻ nào mà không chúc tụng Mẹ bằng lời trọ trẹ Kính Mừng Maria. Không hiếm tội nhân, dù cứng lòng mấy đi nữa, lại không lóe lên một tia hy vọng nào đó nơi Mẹ. Chính ma quỉ trong hỏa ngục, trong khi hãi sợ Mẹ, cũng tỏ ta tôn kính Mẹ.

 

10.           Tuy nhiên, chúng ta thực sự vẫn phải cùng với các thánh nhân nói rằng: De Maria numquam satis, tức là chúng ta vẫn chưa ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh, mến yêu và phụng sự Mẹ Maria cho đủ. Mẹ còn đáng được ca ngợi, tôn kính, mến yêu và phụng vụ hơn thế nữa.

 

11.           Ngoài ta, chúng ta cần phải lập lại như Chúa Thánh Thần dạy: “Tất cả vinh hiển của nữ tử đức vua đều ở bên trong”, tức là tất cả mọi hiển vinh bề ngoài mà trời đất đua nhau dâng lên Mẹ cũng chẳng là gì so với những gì nội tâm của Mẹ đã lãnh nhận được Đấng Hóa Công ban cho, tức là một thứ vinh hiển bị khuất kín đối với thành thần tạo vật thấp hèn nhỏ bé như chúng ta, những con người không thể thấu hiểu nổi các thứ bí mật của đức vua.

 

12.           Sau hết, chúng ta phải nói bằng những lời của thánh tông đồ Phaolô rằng “Mặt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng con người không hiểu nổi” vẻ đẹp, sự cao cả, mức tuyệt hảo của Mẹ Maria, vị thật sự là một phép lạ trên hết các phép lạ về ân sủng, về bản tính tự nhiên cũng như về vinh hiển. Có vị thánh đã nói: “Nếu anh em muốn hiểu được Mẹ thì phải hiểu được Người Con. Mẹ là một Người Mẹ xứng đáng của Thiên Chúa”. Hic taceat omnis lingua: Tại nơi đây hết mọi miệng lưỡi hãy câm nín đi.

 

13.           Lòng tôi đã bộc lộ một cách đặc biệt vui mừng tất cả những gì tôi đã viết để tỏ cho thấy rằng cho đến nay Mẹ Maria đã không được biết đến, và đó là một trong những lý do tại sao Chúa Giêsu Kitô đã không được biết đến như Người đáng.  

 

Bởi thế, nếu thực sự việc nhận biết Chúa Giêsu Kitô và vương quốc của Người cần phải trị đến trên thế gian, thì nó chỉ có thể là thành quả thiết yếu của việc nhận biết và vương quốc của Mẹ Maria mà thôi. Mẹ là người đầu tiên đã trao tặng Người cho thế giới sẽ là vị thiết lập vương quốc của Người trên thế giới.

 

(còn tiếp vào các ngày Thứ Bảy)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ