GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 21/5/2007

PHỤC SINH TUẦN VII

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh 20/5/2007 về Ngày Thế Giới Truyền Thông và Bạo Động ở Thánh Địa     

?  ĐTC Biển Đức XVI viết Lời Giới Thiệu cho Tác Phẩm “Vị Thụ Khải Cuối Cùng của Fatima: Những Lần Tôi Gặp Gỡ Chị Lucia”  của ĐHY Quốc Vụ Khanh Bertone

?  Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida

 

 

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh 20/5/2007 về Ngày Thế Giới Truyền Thông và Bạo Động ở Thánh Địa       

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trước hết tôi muốn lập lại lời cám ơn Chúa của tôi về chuyến tông du Ba Tây xẩy ra vào những ngày 9-14/5, đồng thời tôi cũng cám ơn tất cả những ai hỗ trợ tôi bằng lời nguyện cầu. Như anh chị em biết, tôi đi tới Ba Tây để khai mở Đệ Ngủ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean. Thế nhưng, trước biến cố quan trọng trong Giáo Hội ấy, tôi đã có dịp để gặp gỡ cộng đồng Công Giáo Ba Tây. Nhiều tín hữu đã đến thành phố São Paolo nhân dịp này và nhất là dịp phong thánh đầu tiên cho một người bản xứ Ba Tây là Cha Antơnio de Santa'Ana Galvão. Tôi dự định nói về chuyến tông du này dài hơn vào hôm Thứ Tư trong buổi triều kiến chung. Trong khi chờ đợi, tôi mời gọi anh chị em hãy tiếp tục nguyện cầu để cuộc hội nghị này đang xẩy ra ở Aparecida, Ba Tây cũng như cho cuộc hành trình của dân Chúa sống ở Mỹ Châu La Tinh.

 

Ngày Thế Giới Truyền Thông cống hiến một động cơ khác để nguyện cầu và suy tư hôm nay. Năm nay đề tài là “Trẻ Em và Truyền Thông: Một Thách Đố cho Việc Giáo Dục”. Những thách đố về giáo dục ngày nay  thường liên hệ tới ảnh hưởng của truyền thông đại chúng là những gì tranh đấu với nhà trường, Giáo Hội và thậm chí gia đình. Về vấn đề này thật là cần thiết thực hiện một việc huấn luyện thích đáng trong việc sử dụng đúng đắn truyền thông: Cha mẹ, thày cô, và cộng đồng giáo hội được kêu gọi để hợp tác trong vấn đề giáo dục trẻ em và giới trẻ liên quan tới việc chọn lựa và phát triển một thái độ cẩn trọng, vun trồng một cảm quan về những gì là giá trị về thẩm mỹ và luân lý.

 

Thế nhưng, cả truyền thông nữa cũng phải đóng góp phần của mình vào công việc giáo dục này, bằng việc cổ võ phẩm vị con người, hôn nhân và gia đình, cùng những thành tựu và mục đích của văn minh. Các chương trình đậm nét bạo động và hành vị chống xã hội hoặc làm tầm thường hóa tính dục của con người đều là những gì bất khả chấp, lại càng bất khả chấp hơn nữa khi chúng nhắm tới giới trẻ. Bởi vậy tôi lập lại lời kêu gọi cùng các vị lãnh đạo truyền thông và những nhân viên trong ngành truyền thông xã hội hãy bảo toàn công ích, hãy tôn trọng sự thật và bảo vệ phẩm giá của con người cùng gia đình.

 

Anh chị em thân mến, Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Thăng Thiên là lễ được phụng vụ cử hành vào Thứ Năm vừa rồi, ở một số quốc gia cử hành vào hôm nay đây. Chúa Giêsu phục sinh trở về cùng Cha. Nhờ đó Người mở đường cho chúng ta vào cuộc sống trường sinh và làm cho tặng ân Thánh Linh trở thành khả dĩ. Bởi vậy, cả chúng ta nữa, như các vị Tông Đồ đã làm sau khi Chúa Giêsu Thăng Thiên, hãy cùng nhau qui tụ lại  trong nguyện cầu để nài xin ơn tuôn đổ Thần Linh, bằng việc hiệp nhất thiêng liêng với Trinh Nữ Maria (x Acts 1:12-14). Chớ gì Mẹ chuyển cầu cho toàn thể Giáo Hội được một Lễ Hiện Xuống mới.

 

(Sau Kinh Lạy Nữ Vương, ngài nói tiếp:)

 

Cuộc đánh nhau giữa các lực lượng Palestine ở Giải Gaza và các cuộc tấn công bằng tên đạn vào thành phần cư dân ở gần các thành của người Do Thái đưa đến việc can thiệp bằng quân đội, là những gì đang gây ra một tình trạng suy thoái đẫm máu làm mất tinh thần.

 

Một lần nữa, nhân danh Chúa, tôi xin hãy chấm dứt cuộc bạo lực thê thảm này, và đồng thời tôi cũng bày tỏ sự gắn bó và hứa nguyện cầu cho thành phần dân chúng Palestine và Do Thái đang chịu khổ đau.

 

Tôi kêu gọi cảm quan trách nhiệm của tất cả mọi thẩm quyền Palestine, để bằng việc đối thoại và cương quyết, họ tiếp tục con đường thông cảm, bằng việc giải hóa bạo lực. Tôi kêu gọi chính quyền Do Thái hãy tiết chế và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy gia tăng nỗ lực để thực hiện việc tái diễn các cuộc thương thảo. Xin Chúa sai đến và nâng đỡ thành phần xây dựng hòa bình!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/5/2007

 

 TOP

 

? ĐTC Biển Đức XVI viết Lời Giới Thiệu cho Tác Phẩm “Vị Thụ Khải Cuối Cùng của Fatima: Những Lần Tôi Gặp Gỡ Chị Lucia” của ĐHY Quốc Vụ Khanh Bertone

 

Nhân dịp mừng kỷ niệm 90 Năm Biến Cố Fatima, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone, nguyên Thư Ký của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thời Hồng Y Tổng Trưởng Joseph Ratzinger phổ biến tác phẩm của ngài, với sự hợp tác của  Giuseppe De Carli và được nhà xuất bản Rai Eri / Riozzoli phát hành. Sau đây là nguyên văn lời giới thiệu của Đức Thánh Cha.

 

Gửi Đức Hồng Y Tarsicio Bertone

Quốc Vụ Khanh Vatican

 

Huynh khả kính, Chị Lucia trao phó rất nhiều hồi niệm cho cuốn sách “Vị Thụ Khải Cuối Cùng của Fatima" để nói về các biến cố đã đánh dấu lịch sử của giai đoạn cuối cùng trong thế kỷ 20. Chị đã trao phó chúng cho cuốn sách này để chúng không phải tồn tại chỉ là một thứ hành lý quí báu của cảm xúc cá nhân, mà chúng được trao chuyền như một ghi niệm chung mang ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử trần thế. 

 

Thực vậy, trong thời gian Đại Năm Thánh 2000 đáng nhớ, chúng ta đã cùng nhau trải qua giai đoạn liên quan tới việc phổ biến bí mật Fatima phần thứ ba: tôi, với tư cách là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, và huynh, với tư cách là thư ký của cùng một thánh bộ. Vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm của tôi, đầy những cảm hứng có tính cách tiên tri và tự thân xác tín rằng “bàn tay từ mẫu” của Đức Trinh Nữ đã làm lệch đi viên đạn có thể sát hại ngài, thấy rằng đã đến lúc vén lên bức màn mầu nhiệm đã che phủ phần cuối cùng của bí mật được Đức Trinh Nữ tỏ cho 3 em nhỏ mục đồng ở Fatima. Thánh Bộ này, một thánh bộ đã bảo trì bản văn do Chị Lucia viết, đã được trao phó trách nhiệm.

 

Đó là thời điểm sáng soi, chẳng những vì tất cả mọi người có thể biết được sứ điệp này, mà còn vì sự thật được tỏ lộ giữa tình trạng lầm lẫn về những giải thích và suy đoán có tính cách khải huyền được lan truyền trong Giáo Hội và đã tạo nên một nỗi lo âu sợ hãi nơi tín hữu, thay vì mời gọi họ nguyện cầu và thống hối. Tuy nhiên, đàng khác, người ta có thể thấy được việc phát triển khả quan nơi lòng tôn sùng Thánh Mẫu, một nguồn mạch đích thực của đời sống Kitô hữu, liên quan tới đền thánh mẫu Fatima nổi bật cũng như ở khắp nơi trên thế giới có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ theo ảnh hưởng của các cuộc hiện ra ở Fatima, đã đâm rễ sâu xa vào niềm tin của dân chúng, mời gọi con người nam nữ hãy tận hiến bản thân mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

 

Những cuộc đàm thoại giữa vị thụ khải này, người còn lại cuối cùng trong ba trẻ chăn chiên, và huynh, một vị giám mục được Đức Giáo Hoàng sai đến, là những gì quan trọng, chẳng những để kiểm chứng về tính cách chân thực của sự kiện, mà còn là dịp để biết cái tươi sáng của tâm hồn Chị Lucia, sự hiểu biết của một tâm hồn kiểu mẫu theo nữ tính, được biến thành một niềm tin  mạnh mẽ Kitô Giáo. Nơi người nữ tu khiêm tốn này chiếu tỏa vai trò của Đức Trinh Nữ Maria là vị, bằng bàn tay từ mẫu của mình, đang hỗ trợ Kitô hữu trải qua nỗi nghiệt ngã của cuộc đời.

 

Chính tôi đã đọc bản thảo dẫn giải theo thần học về biến cố này, sau khi đã thiết tha nguyện cầu và sâu xa suy niệm về nội dung của những trang sách do Chị Lucia viết. Tôi hết sức cảm xúc trước lời hứa an ủi của Vị Trinh Nữ Rất Thánh này, những lời giống như một thứ tổng hợp và một ấn tín quí báu, đó là: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng”. Những lời đã được viết lên là: “’Tiếng xin vâng’ của Mẹ Maria, lời nói của lòng Mẹ, đã làm thay đổi lịch sử thế giới, vì nó mang đến cho thế giới Đấng Cứu Thế – vì nhờ tiếng ‘ xin vâng’ này Thiên Chúa mới có thể làm người giữa chúng ta và Người sẽ mãi mãi như vậy”.

 

Chưa hết, “từ lúc chính Thiên Chúa có một trái tim con người và hướng tự do của con người về sự thiện, về Thiên Chúa, thì tự do hành ác không phải là phán quyết cuối cùng nữa”. Sứ điệp Fatima là một xác nhận hơn nữa về điều ấy.

 

Tôi cầu xin cùng Vị Rất Thánh Trinh Nữ này bảo vệ tất cả những ai sẽ đọc chứng từ được tác phẩm này cống hiến, và tôi ban phép lành tòa thánh cho huynh là vị hồng y thân mến cũng như cho Tiến Sĩ Giuseppe De Carli là người thông công vào việc phổ biến cuốn hồi niệm này.

 

Tại Vatican ngày 22/2/2007

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/5/2007

 

 

TOP

 

 

? Tông Du Ba Tây: ĐTC Biển Đức XVI Bài Khai Mạc cho Đệ Ngũ Tổng Nghị Hàng Giáo Phẩm Mỹ Châu La Tinh và Caribbean Chúa Nhật 13/5/2007 ở Sảnh Đường của Đền Thánh Mẫu Aparecida 

 

(tiếp 20 Chúa Nhật, 19 Thứ Bảy, 18 Thứ Sáu, 17 Thứ Năm)

5.         Những lãnh vực ưu tiên khác

 

Để thực hiện việc canh tân này của Giáo Hội đã được ủy thác cho việc chăm sóc của anh chị em nơi những mảnh đất này, xin cho tôi lưu ý anh chị em về một số lãnh vực mà tôi coi là ưu tiên đối với giai đoạn mới này.

 

Gia đình

 

Gia đình, “gia sản của nhân loại”, là những gì làm nên một trong những kho tàng quan trọng nhất ở các quốc gia thuộc Mỹ Châu La Tinh. Gia đình đã là và đang là học đường dạy đức tin, là nền tảng huấn luyện về các giá trị nhân bản và dân sự, là căn nhà cho sự sống con người hạ sinh và được quảng đại hữu trách đón nhận. Chắc chắn gia đình đang chịu đựng một mức độ tai ương gây ra bởi trào lưu tục hóa và bởi chủ nghĩa tương đối về đạo lý, bởi những phong trào của dân chúng trong ngoài, bởi tình trạng nghèo khổ, bởi tình trạng bất ổn về xã hội và bởi việc lập pháp về dân sự chống lại hôn nhân là những gì, qua việc ủng hộ ngừa thai và phá thai, đang bị đe dọa tương lai của các dân tộc.

 

Ở một số gia đình ở Mỹ Châu La Tinh, bất hạnh thay, vẫn còn cái tâm thức của chủ nghĩa ái quốc quá khích đến bất kể đến “cái mới mẻ” của Kitô Giáo là tôn giáo nhìn nhận và xác nhận cái phẩm giá và trách nhiệm bình đẳng của nữ giới liên quan tới nam nhân.

 

Gia đình là nơi bất khả thay thế cho tình trạng an lành riêng tư được nó cung cấp cũng như cho việc dưỡng dục con cái. Những người làm mẹ muốn hiến thân trọn vẹn cho việc nuôi dưỡng con cái cũng như cho việc phục vụ gia đình cần phải được hưởng những điều kiện làm cho ước muốn này trở nên khả dĩ, và vì thế họ có quyền cậy dựa vào sự nâng dỡ của Quốc Gia. Thật vậy, vai trò của người mẹ là những gì thiết yếu cho tương lai của xã hội.

 

Về phần mình, người cha có nhiệm vụ trở thành một người cha thực sự, hoàn trọn trách nhiệm bất khả châm chước của mình và hợp tác vào việc nuôi dưỡng con cái. Con cái, để phát tiển cách toàn vẹn, có quyền cậy dựa vào cha mẹ mình, những vị coi sóc họ và hộ tống họ trên con đường tiến đến tầm mức trọn vẹn của sự sống. Bởi thế, cần phải cung cấp việc chăm sóc các gia đình một cách gia tăng và mạnh mẽ. Hơn thế nữa, cần phải cổ võ những chính sách đích thực về gia đình tương xứng với các quyền lợi của gia đình như là một chủ thể chính yếu trong xã hội. Gia đình góp phần vào thiện ích của các dân tộc cũng như của toàn thể nhân loại. 

 

Linh mục

 

Thành phần cổ võ đầu tiên cho vai trò môn đệ và sứ vụ truyền giáo là những ai được kêu gọi “ở với Chúa Giêsu và được sai đi rao giảng” (x Mk 3:14), tức là những vị linh mục. Họ phải được các vị Giám Mục của mình chú trọng hơn và lấy tình thân phụ mà chăm sóc họ, vì họ là thành phần chủ xướng chính yếu trong việc canh tân thực sự đời sống Kitô hữu nơi Dân Chúa. Tôi muốn gửi đến họ lời lẽ ưu ái của một người cha, hy vọng rằng “Chúa sẽ là phần nghiệp và chén của họ” (x Ps 16:5). Nếu vị linh mục lấy Thiên Chúa làm nền tảng và tâm điểm của cuộc đời mình thì họ sẽ cảm nghiệm được niềm vui và hoa trái nơi ơn gọi của mình. V ị linh mục trước hết cần phải là một “con người của Thiên Chúa” (1Tim 6:11), con người nhận biết Thiên Chúa cách trực tiếp, con người có một mối thân tình sâu xa riêng tư với Chúa Giêsu, con người chia sẻ với những người khác những cảm thức giống như Chúa Kitô (x Phil 2:5). Chỉ có thế, vị linh mục mới có thể dẫn con người đến cùng Thiên Chúa, nhập thể nơi Chúa Giêsu Kitô, và mới có thể làm đại diện cho tình yêu của Ngài. Để hoàn thành công việc cao quí này, vị linh mục cần phải được huấn luyện vững chắc về tu đức, và tất cả cuộc đời của ngài cần phải thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến. Như Chúa Giêsu, họ cần phải là con người tìm kiếm, qua việc nguyện cầu, dung nhan và ý muốn của Thiên Chúa, và ngài phải chú trọng tới việc trang bị về văn hóa và tri thức.

 

Các linh mục của Châu Lục này thân mến, và những ai đến đây để làm việc như thành phần thừa sai, vị Giáo Hoàng này đang đồng hành với anh em trong công việc mục vụ của anh em, và muốn anh em được hưởng trọn niềm vui mừng và hy vọng; nhất là ngài nguyện cầu cho anh em.

 

Tu sĩ nam nữ và thành phần sống thánh hiến

 

Giờ đây tôi muốn ngở lời cùng tu sĩ nam nữ và các phần tử thánh hiến thuộc thành phần giáo dân. Xã hội Mỹ Châu La Tinh và Caribbean cần đến  chứng từ của anh chị em: trong một thế giới quá thường nhấn mạnh tới việc tìm kiếm phúc hạnh, giầu sang và khoái lạc như đích điểm của cuộc sống, đề cao tự do đến độ nó chiếm mất chỗ của sự thật về con người được Thiên Chúa dựng nên, thì anh chị em là những chứng nhân cho thấy rằng có một lối sống ý nghĩa khác; nhắc nhở anh chị em của mình rằng Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến; rằng công lý và sự thật là những gì khả dĩ nếu chúng ta cởi mở trước sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa là Cha, của Chúa Kitô là người anh và là Chúa của chúng ta, và của Thánh Thần là Đấng An Ủi của chúng ta. Bằng lòng quảng đại và đức anh hùng, anh chị em cần  phải tiếp tục hoạt động để bảo đảm rằng xã hội được cai trị bởi yêu thương, công lý, thiện hảo, phục vụ và đoàn kết hợp với đoàn sủng nơi của vị sáng lập nên tu hội của anh chị em. Với niềm vui sâu xa, anh chị em hãy thiết tha với cuộc thánh hiến của anh chị em, một cuộc thánh hiến là dụng cụ thánh hóa đối với anh chị em cũng như cho việc cứu chuộc đối với anh chị em của mình.

 

Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh cám ơn anh chị em về việc làm cao cả được anh chị em hoàn thành qua các thế kỷ cho Phúc Âm của Chúa Kitô vì anh chị em của mình, nhất là thành phần nghèo khổ nhất và bị tước lột nhất. Tôi mời gọi anh chị em hãy luôn cùng nhau hoạt động với các vị Giám Mục và hoạt động trong mối hiệp nhất với các vị, vì các vị là những người có trách nhiệm về hoạt động mục vụ. Tôi khuyên nhủ anh chị em cũng hãy tỏ ra chân thành tuân phục đối với thẩm quyền của Giáo Hội. Anh chị em đừng theo đuổi đích điểm nào khác ngoài sự thánh thiện, như anh chị em đã học biết từ các vị sáng lập của anh chị em.

 

Giáo dân

 

Ở vào lúc này đây, khi mà Giáo Hội của Châu Lục này đang dấn thân hết lòng cho ơn gọi truyền giáo của mình, tôi nhắc nhở thành phần tín hữu giáo dân rằng cả họ nữa cũng là Giáo Hội, là cộng đồng cùng nhau được Chúa Kitô kêu gọi để mang chứng từ của Người đến  cho toàn thể thế giới. Tất cả mọi con người nam nữ đã lãnh nhận phép rửa cần phải nhận thức rằng họ đã được nên giống Chúa Kitô là Tư Tế, Tiên Tri và Mục Tử, nhờ chức linh mục phổ quát của Dân Chúa. Họ phải coi mình có đồng trách nhiệm trong việc xây dựng xã hội theo các qui chuẩn của Phúc Âm, một cách nhiệt thành và mạnh dạn, trong mối hiệp thông với các vị Mục Tử của mình.

 

Có nhiều người trong anh chị em ở đây thuộc về các phong trào trong hội thánh, những phong trào chúng ta có thể thấy được những dấu hiệu của sự hiện diện khác nhau và tác động thánh hóa khác nhau của Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong xã hội ngày nay. Anh chị em được kêu gọi để mang đến cho thế giới chứng từ của Chúa Giêsu Kitô, và trở thành men của tình yêu Thiên Chúa nơi kẻ khác.

 

Giới trẻ và việc chăm sóc mục vụ về ơn gọi

 

Ở Mỹ Châu La Tinh, đa số dân chúng là giới trẻ. Về vấn đề này, chúng ta cần phải nhắc nhở họ rằng ơn gọi của họ là trở thành bạn hữu của Chúa Kitô, thành môn đệ của Người. Giới trẻ không sợ hy sinh, nhưng sợ một cuộc đời vô nghĩa. Họ là thành phần nhậy cảm trước tiếng gọi của Chúa Kitô kêu mời họ theo Người. Họ có thể đáp ứng tiếng gọi đó như là một linh mục, là những con người nam nữ sống đời tận hiến, hay là những người làm cha làm mẹ trong gia đình, hoàn toàn hiến thân phục vụ anh chị em mình với tất cả thời giờ và khả năng hy hiến của mình: với cả cuộc đời của mình. Giới trẻ cần phải coi cuộc sống như là một cuộc liên tục khám phá, không bao giờ để mình bị mắc bẫy của những lối sống hay tâm thức hiện đại, nhưng tiến bước bằng việc tìm hiểu sâu xa về ý nghĩa của cuộc sống và về mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng Hóa Công và là Cha, và của Con Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, trong gia đình nhân loại. Họ cần phải dấn thân thực hiện việc liên lỉ canh tân thế giới theo chiều hướng Phúc Âm. Chưa hết, họ cần phải chống lại với những thứ ảo tưởng mơn trớn của thứ hạnh phúc nhất thời và của một thiên đàng giả tạo được cống hiến cho họ từ thuốc phiện, khoái lạc, rượu chè, và họ cần phải chống lại với mọi hình thức bạo động nữa.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20070513_conference-aparecida_en.html 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ