GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 8/6/2007

TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

 

?   ĐTCBĐXVI: “Tôi hoan nghênh sự kiện là vấn đề nghèo khổ, liên quan đặc biệt tới Phi Châu, giờ đây xuất hiện trong hoạt trình của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường”

?  Thủ Tướng Đức Angela Merkel: “Những lời lẽ phấn khích của ngài là những gì rất quan trọng đối với tôi”

?  ĐTCBĐXVI với hàng giáo sĩ: "Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta"

 

 

?  “Tôi hoan nghênh sự kiện là vấn đề nghèo khổ, liên quan đặc biệt tới Phi Châu, giờ đây xuất hiện trong hoạt trình của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường”

 

ĐTC Biển Đức XVI: Thư Gửi Thủ Tướng Đức Angela Merkel nhân dịp mở màn vai trò chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu và G8 của nước này

 

Kính gửi Tiến Sĩ Angela MERKEL,

Thủ Tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc

 

Vào ngày 17/6/2006, vào lúc kết thúc Thượng Nghị Saint Petersburg, bà đã loan báo rằng dưới thời đóng vai trò Chủ Tịch của mình, Nhóm 7 quyền lực dẫn đầu về kinh tế cộng với Nga (G8) sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề nghèo khổ toàn cầu trong hoạt trình của nó. Sau đó, vào ngày 18/10 năm ngoái, Chính Quyền Liên Bang Đức Quốc đã nói rằng vấn đề trợ giúp cho Phi Châu sẽ là ưu tiên chính yếu ở Thượng Nghị Heiligendamm.

 

Bởi thế tôi viết thư này gửi đến bà để bày tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội Công Giáo cũng như việc cảm nhận của cá nhân tôi về những điều loan báo ấy.

 

Tôi hoan nghênh sự kiện là vấn đề nghèo khổ, liên quan đặc biệt tới Phi Châu, giờ đây xuất hiện trong hoạt trình của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường; thật vậy, cần phải hết sức chú trọng và đặt ưu tiên đến quyền lợi của cả các quốc gia nghèo khổ cũng như giầu thịnh. Sự kiện vai trò Chủ Tịch của Đức quốc nơi Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường trùng với vai trò Chủ Tịch của Khối Hiệp Nhất Âu Châu cho thấy một cơ hội đặc biệt để giải quyết vấn đề này. Tôi tin tưởng rằng Đức Quốc sẽ tích cực hành sử vai trò lãnh đạo trong tay mình đối với vấn đề quan trọng toàn cầu chi phối tất cả chúng ta này.

 

Ở cuộc chúng ta gặp gỡ nhau ngày 28/8 năm vừa qua, bà đã hứa quyết cùng tôi rằng Đức Quốc chia sẻ quan tâm của Tòa Thánh về sự bất lực của các quốc gia giầu thịnh trong vấn đề cống hiến cho các quốc gia nghèo khổ, nhất là các nước ở Phi Châu, những điều kiện về tài chính và thương mại có thể gia tăng việc phát triển bền bỉ của họ.

 

Tòa Thánh đã thường nhấn mạnh là, trong lúc các Chính Quyền của các quốc gia nghèo khổ có trách nhiệm cần phải tỏ ra thực hiện việc quản trị tốt và loại trừ đi tình trạng nghèo khổ, thì vẫn không thể nào thiếu được việc chủ động tham phần của thành phần đồng bạn quốc tế. Điều này không được coi như là một thứ ‘ngoại tại’ hay như là một sự nhượng bộ có thể trì hoãn trước những quan tâm khẩn trương của quốc gia. Nó là một trách nhiệm luân lý hệ trọng và quyết liệt, căn cứ vào mối hiệp nhất của loài người, cũng như vào phẩm giá chung và định mệnh chung của kẻ giầu lẫn người nghèo, thành phần đang được xích lại gần nhau bởi tiến trình toàn cầu hóa.

 

Những điều kiện giao thương thuận lợi cho các nước nghèo, bao gồm, trước hết, là điều kiện rộng mở và dễ dàng tham gia vào các thị trường, là những gì cần phải được sẵn sàng và bảo đảm bằng những đường lối bền vững và khả tín.

 

Cũng cần phải thực hiện việc hủy bỏ một cách mau chóng, toàn thể và vô điều kiện nợ nần hải ngoại nơi các Quốc Gia Nghèo Nặng Nợ (HIPC: Heavily Indebted Poor Countries) cũng như nơi các Quốc Gia Chậm Phát Triển Nhất (LDCs: Least Developed Countries). Cần phải chấp thuận những biện pháp để bảo đảm rằng những quốc gia ấy không bị rơi vào tình trạng vướng mắc nợ nần không thể trả một lần nữa.

 

Các quốc gia phát triển cũng cần phải nhìn nhận và áp dụng một cách trọn vẹn những quyết tâm mà họ đã thực hiện liên quan tới việc trợ giúp ngoại quốc này.

 

Ngoài ra, cũng cần phải đầu tư chính yếu vào những phương tiện cho việc nghiên cứu và phát triển về thuốc men để chữa trị Hội Chứng Liệt Kháng, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác. Về vấn đề này, cái thánh đố đầu tiên và trên hết về khoa học đối với các quốc gia phát triển đó là việc khám phá ra một thứ chủng ngừa bệnh sốt rét. Cũng cần phải làm sao để cho vấn đề kỹ thuật về y khoa và dược phẩm cũng như vấn đề chuyên muôn  chăm sóc sức khỏe được thuận lợi mà không áp đặt những điều kiện về pháp lý hay kinh tế.

 

Sau hết, cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục hoạt động để giảm thiểu thật sự việc buôn bán các thứ vũ khí bất hợp pháp và hợp pháp, việc buôn bán bất hợp pháp những nguyên liệu quí giá, và vấn đề thất thoát vốn liếng của các quốc gia nghèo khổ, cũng như để loại trừ đi những việc chuyển ngân và tham nhũng của các viên chức ở các quốc gia nghèo khổ. 

 

Những thách đố này cần phải được tất cả mọi phần tử quốc tế thực hiện, nhưng Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường và Khối Hiệp Nhất Âu Châu cần phải dẫn đầu.

 

Dân chúng ở các miền đất khác nhau và các nền văn hóa khác nhau khắp thế giới tin tưởng rằng việc đạt được mục tiêu nhổ tận gốc rễ tình trạng cực bần cùng vào năm 2015 là một trong những công việc quan trọng nhất trong thế giới ngày nay. Hơn nữa, họ cũng nghĩ rằng một mục tiêu như thế là những gì gắn liền bất khả phân ly với nền hòa bình và an ninh thế giới. Họ trông đợi vào vai trò Chủ Tịch, một vai trò được Đức quốc năm giữ vào những tháng tới đây, trong việc bảo đảm rằng Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường và Khối Hiệp Nhất Âu Châu thực hiện những biện pháp cần thiết để thắng vượt tình trạng nghèo khổ. Họ sẵn sàng thực hiện phần của mình bằng những nỗ lực như thế và họ ủng hộ việc dấn thân của bà trong tinh thần đoàn kết.

 

Xin Thiên Chúa chúc lành cho hoạt động của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường và Khối Hiệp Nhất Âu Châu dưới quyền Chủ Tịch của Đức Quốc, tôi lợi dụng dịp này để lập lại cùng Bà Thủ Tướng lời hứa hết sức quan tâm của tôi.

 

Tại Vatican ngày 16/12/2006

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/4/2007 từ bản tiếng Đức của Tòa Thánh)

 

 TOP

 

? “Những lời lẽ phấn khích của ngài là những gì rất quan trọng đối với tôi”

 

Bà Thủ Tướng Đức hồi đáp thư của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Ngày 2/2/2007

 

Trọng Kính Đức Thánh  Cha,

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Thành Đô Vatican

 

Thưa Đức Thánh Cha,

 

Tôi hân hoan đọc bức thư của ngài ngày 16/12/ 2006, trong đó, ngài đã gửi lời chúc tốt đẹp của ngài và chia sẻ tâm tưởng của ngài về vai trò Chủ Tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường. Tôi cảm thấy đặc biệt hài lòng khi thấy ngài, với tư các Lãnh Đạo của Giáo Hội Công Giáo, ủng hộ nâng đỡ những ưu tiên của vai trò Chủ Tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường. Tôi xin lợi dụng dịp này để xin nói cùng ngài rằng những lời lẽ phấn khích của ngài là những gì rất quan trọng đối với tôi.

 

Chúng tôi muốn sử dụng vai trò làm Chủ Tịch của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường và Khối Hiệp Nhất Âu Châu để đẩy mạnh việc chiến đấu với tình trạng nghèo khổ và hiện thực các Mục Đích Phát Triển Ngàn Năm. Ở đây chúng tôi đặc biệt tập trung vào khả năng phát triển của và những thách đố nơi địa lục Phi Châu. Trong vai trò làm Chủ Tịch Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường, vấn đề được nhấn mạnh đó là những vấn đề phát triển kinh tế và quản trị cùng với nền hòa bình và an ninh ở châu lục ấy. Đối với tôi, vấn đề quan trọng là các mối liên hệ giữa Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường với Phi Châu cần phải tiến tới chỗ canh tân mối thân hữu. Cùng với những nỗ lực gia tăng nơi các quốc gia Phi Châu, chúng tôi cảm thấy các cộng đồng quốc tế cần phải dấn thân hơn nữa.

 

Việc chống lại Hội Chứng Liệt Kháng và Vi Khuẩn Liệt Kháng cũng như việc củng cố các hệ thống chăm sóc sức khỏe là những ưu tiên  quan trọng, nhất là của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường. Mục đích của chúng tôi đó là thay đổi những chính sách chiến đấu với Hội Chứng Liệt Kháng và Vi Khuẩn Liệt Kháng để những chính sách ấy đặc biệt chú trọng tới tình trạng của nữ giới và nữ nhi. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này mới chỉ là những biện pháp nửa vời nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe không được cải tiến về lâu về dài.

 

Những thách đố trong vấn đề minh bạch về tài chính và về những thị trường nguyên liệu được ngài đề cập tới sẽ được đưa vào nội dung của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường. Vấn đề quan trọng chính yếu ở đây đó là cổ võ và phổ biến Sáng Kiến Ghi Nhận Minh Bạch Về Kỹ Nghệ (EITI: Extraction Industries Transparency Initiative) là những gì hoàn toàn được chúng tôi ủng hộ.

 

Những khởi động giảm nợ được ngài đề cập tới là một yếu tố quan trọng trong việc chiến đấu với tình trạng nghèo khổ. Những gì đã được đồng ý ở các cuộc thượng nghị của Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường ở Cologne (1999) và ở Gleneagles (2005) đã cống hiến cho các quốc gia được hủy bỏ nợ nần khả năng tài chính mà họ có thể sử dụng để chống lại tình trạng nghèo khổ ở xứ sở của họ. Để áp dụng việc giảm nợ đa phương đối với các quốc gia đang phát triển nghèo nhất bị vướng mắc nặng nợ như được đồng ý ở Gleneagles, thì Chính Quyền Liên Bang này đã hứa phần tham dự của Đức quốc vào hướng đi này khoảng 3.6 tỉ Âu tệ. Chính Quyền Đức Quốc cũng ủng hộ việc phác họa một Cơ Cấu Nợ Nần Khả Trợ Tính. Đây là một phương tiện quan trọng đối với việc hạn chế nguy cơ của các quốc gia nghèo khổ nhất bị rơi lại vào tình trạng nợ nần thái quá. Những xứ sở bị nợ nần trước kia đã có thể gia tăng việc tiêu xài của mình vào vấn đề chiến đấu chống tình trạng nghèo khổ từ 7% vào năm 1999 đến 9% tổng sản lượng vào năm 2005 – số tiền có thể được sử dụng để đầu tư vào các học đường và hạ tầng chăm sóc sức khỏe.

 

Tới vấn đề giao thương, chúng tôi đã từng giải quyết để kết thúc những gì được gọi là các Hiệp Định Hợp Tác Về Kinh Tế giữa Khối Hiệp Nhất Âu Châu và các quốc gia ACP bằng cách cổ võ vấn đề phát triển.

 

Ngoài ra, chúng tôi sẽ sử dụng vai trò Chủ Tịch của Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Nhóm đệ nhất kinh tế bát cường để đẩy mạnh việc đối thoại với những nền kinh tế thị trường đang lên. Các quốc gia như Ba Tây, Trung Hoa, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ và Nam Phi đang trở thành những quốc gia quan trọng hơn khi cần phải giải quyết những vấn đề toàn cầu như việc cung cấp năng lượng, tình trạng thay đổi khí hậu và các thứ nguyên liệu. Đó là lý do tại sao chúng tôi ôm ấp một mục đích tham lam trong vấn đề nói chuyện với cả các quốc gia ấy về những vấn đề khó khăn. Sau hết, chỉ khi nào tất cả mọi diễn viên  trên thế giới gánh vác trách nhiệm của mình thì chúng tôi mới có thể xây dựng nền công lý và hòa bình hơn mà thôi.

 

Tôi tin rằng những ưu tiên tôi đã trình bày là những gì có thể cung cấp cái đà cho vấn đề phát triển khả trợ và nhờ đó giúp chúng ta kiến tạo việc toàn cầu hóa trên thế giới trong tinh thần công bình.

 

Một lần nữa tôi xin cám ơn ngài về bức thư của ngài.

 

Chân thành,

 

Angela Merkel

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/4/2007 từ bản tiếng Đức của Tòa Thánh)

 

 

TOP

 

 

? "Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta"

 

(tiếp 7 Thứ Năm, 6 Thứ Tư, 5 Thứ Ba, 4 Thứ Hai)

 

Huấn Từ (tự phát thay bài đã dọn) Thứ Năm 14 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria và Thánh Corbinian, ở Freising trong chuyến tông du Bavaria Đức Quốc 9-14/9/2006.

 

Điểm thứ hai tôi muốn đề cập tới là một vấn đề cụ thể. Con số linh mục đã bị giảm sút, cho dù vào lúc này đây chúng ta đang có thể đương đầu, vì chúng ta có những vị linh mục trẻ và linh mục già, và có những nam nhân trẻ trung đang trên đường tiến tới thiên chức linh mục. Tuy nhiên, gánh nặng vẫn gia tăng. Việc phải coi sóc hai, ba hoặc bốn giáo xứ một lúc, cộng thêm với những công việc mới xẩy ra, có thể là những gì làm cho mình cảm thấy chán chường. Tôi thường tự hỏi, hay mỗi người chúng ta tự hỏi mình và hỏi anh em mình rằng: chúng ta sẽ làm sao để đương đầu đây? Phải chăng đó không phải là một thứ nghề nghiệp làm tiêu hao chúng ta đi hay sao, một thứ nghề nghiệp không còn mang lại cho chúng ta niềm vui, vì chúng ta thấy rằng bất cứ chúng ta làm gì cũng chẳng bao giờ đủ cả? Chúng ta cảm thấy mình bị đè bẹp!

 

Cần phải đáp ứng như thế nào đây? Hiển nhiên tôi không thể cống hiến những phương dược bất khả sai lầm: tuy nhiên, tôi xin đề nghị mấy hướng dẫn căn bản sau đây. Tôi lấy điều đề nghị thứ nhất từ Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê (x 2:5-8), nơi Thánh Phaolô nói cùng tất cả mọi người, dĩ nhiên là nói riêng với những ai đang làm việc trong cánh đồng của Thiên Chúa, đó là: “anh em hãy mặc lấy tâm trí của Chúa Giêsu”. Tâm trí của Người là tâm trí mà, trước định mệnh của nhân loại, Ngài không thể cứ sống trong vinh quang, trái lại, đã cúi mình xuống và làm những gì không thể nào tin nổi, khoác vào mình tình trạng hoàn toàn bần cùng của đời sống con người cho đến độ khổ đau trên Thập Giá. Đó là tâm trí của Chúa Giêsu Kitô: ở chỗ Người cảm thấy được thôi thúc mang đến cho nhân loại ánh sáng của Cha, cứu giúp chúng ta bằng việc hình thành Vương Quốc của Thiên Chúa với chúng ta và trong chúng ta. Và tâm trí của Chúa Giêsu Kitô đã tiến sâu xa vào mối hiệp thông hoàn toàn thân mật với Cha. Một dấu hiệu bề ngoài cho thấy tình trạng này thực sự ở chỗ được các vị Thánh Ký trình thuật nhiều lần Người đã một mình lên núi nguyện cầu. Hoạt động của Người xuất phát từ mối hiệp nhất sâu xa của Người với Cha, và chính vì điều ấy mà Người phải lên đường, viếng thăm tất cả mọi phố hội và làng quê để loan truyền Vương Quốc Thiên Chúa, loan báo rằng Vương Quốc này đang hiện diện giữa chúng ta. Người đã phải khai mào Vương Quốc này giữa chúng ta, nhờ đó, qua chúng ta, nó có thể biến đổi thế giới; Người cần phải bảo đảm rằng ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trên trần gian cũng như trên Trời và Trời đã đến trên trần gian. Hai khía cạnh này ở trong tâm trí của Chúa Kitô. Đàng khác, chúng ta cần phải nhận biết Thiên Chúa từ bên trong, nhận biết Chúa Kitô từ bên trong, và ở với Người; chỉ có thế chúng ta mới “khám phá” ra chính mình; chúng ta cần phải truyền đạt điều này nữa.

 

Tôi muốn nói rõ hơn về điều hướng dẫn căn bản liên quan tới hai khía cạnh của nó này. Cần phải hòa hợp giữa lòng nhiệt thành với sự khiêm nhượng, với sự nhận thức được những hạn hẹp của chúng ta. Một đàng cần phải có lòng nhiệt thành, ở chỗ, nếu chúng ta tiếp tục gặp gỡ Chúa Kitô thì chúng ta không thể giữ lấy Người cho bản thân mình. Chúng ta cảm thấy được thúc đẩy để ra đi đến với thành phần nghèo khổ, yếu kém, trẻ em và giới trẻ, tới với những ai cần thiết nhất. Chúng ta cảm thấy được thôi thúc trở thành “những người loan tin vui”, thành những tông đồ của Chúa Kitô. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của chúng ta, nếu muốn nó không trở thành trống rỗng và bắt đầu làm cho chúng ta kiệt quệ, nó cần phải được liên kết với sự khiêm nhượng nữa, với sự điều độ, với việc chấp nhận những giới hạn của chúng ta nữa. Có rất nhiều điều cần phải thực hiện, nhưng tôi thấy rằng tôi không thể làm được hết những điều ấy. Tôi nghĩ rằng đó là một sự thật đối với nhiều vị mục tử, và cũng đúng với cả vị Giáo Hoàng này nữa, vị cần phải làm rất ư là nhiều thứ! Tôi không đủ sức làm. Có thế, tôi biết làm những gì tôi có thể và tôi phó cho Thiên Chúa phần còn lại cũng như cho các người phụ tá của tôi, mà rằng: “Lạy Chúa, dầu sao thì Chúa cần phải làm việc ấy, vì Giáo Hội là của Chúa. Chúa chỉ ban cho con sức lực con hiện có mà thôi. Con dâng nó cho Chúa, vì nó bởi Chúa mà ra; con phó dâng cho Chúa hết mọi sự khác”. Tôi tin rằng lòng khiêm nhượng này cần phải khiến chúng ta thốt lên rằng: “nghị lực của tôi không thể nào làm hơn được nữa, Chúa ơi, xin Chúa hãy làm phần còn lại cho con”. Bấy giờ cần phải có lòng tin tưởng: Ngài sẽ ban cho tôi những người phụ tá tôi cần, và họ sẽ làm những gì tôi không thể làm. 

 

Hơn thế nữa, việc liên kết giữa lòng nhiệt thành với đức khiêm nhượng cũng có nghĩa là liên kết tất cả mọi khía cạnh phục vụ với đời sống nội tâm của chúng ta. Chúng ta có thể phục vụ kẻ khác và cống hiến cho họ chỉ khi nào bản thân chúng ta được lãnh nhận, chỉ khi nào bản thân chúng ta không bị trống rỗng. Đó là lý do tại sao Giáo Hội cống hiến cho chúng ta những khoảng trống, những khoảng trống, một mặt, giúp cho chúng ta “hít  vào” và “thở ra” một cách mới mẻ, mặt khác, trở thành một nguồn và tâm điểm cho việc chúng ta phục vụ. Trước hết là việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày. Chúng ta không bao giờ được làm điều này chỉ vì thói quen, như “một điều gì đó chúng ta cần phải làm”, trái lại, xuất phát “từ bên trong”! Chúng ta hãy ý thức những ngôn từ và tác động, cùng biến cố thực sự hiện diện bấy giờ! Nếu chúng ta cử hành Thánh Lễ một cách chăm chú nguyện cầu, nếu lời chúng ta đọc “này là mình ta” được xuất phát từ việc chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô là Đấng đặt tay của Người trên chúng ta và ban quyền cho chúng ta được nhân danh “Cái Tôi” của Người mà phán, nếu chúng ta cử hành Thánh Thể bằng việc tham dự sâu xa trong đức tin và cầu nguyện, thì nó không phải chỉ là một nhiệm vụ bề ngoài; thì bấy giờ tự nhiên chúng ta biết được cách thức cử hành ars celebrandi, vì việc cử hành theo quan điểm của Chúa và bằng mối hiệp thông với Người, nhờ đó, nó mang lại lợi ích nhất cho con người. Để rồi chính bản thân chúng ta được liên lỉ trở nên phong phú, đồng thời chúng ta cũng truyền đạt cho người khác một cái gì đó ngoài chính mình chúng ta, tức là việc hiện diện của Chúa Kitô.

 

Một khoảng trống khác, có thể nói, Giáo Hội bắt buộc chúng ta làm, và nhờ làm thế chúng ta được giải thoát, đó là Phụng Vụ Giờ Kinh. Chúng ta hãy đọc giờ kinh phụng vụ này như là một giờ nguyện cầu thực sự, một việc nguyện cầu hiệp thông với thành phần Yến Duyên Cựu Ước lẫn Tân Ước, một việc nguyện cầu xuất phát từ “cái Tôi” sâu xa nhất, từ chủ thể sâu xa nhất của những lời nguyện cầu ấy. Nhờ đó, chúng ta lôi kéo vào lời nguyện cầu của chúng ta những ai thiếu thời giờ hay nghị lực hoặc khả năng nguyện cầu. Như thành phần dân nguyện cầu, chúng ta đại diện cho những người khác khi chúng ta cầu nguyện, và làm thế, chúng ta hoàn thành một thừa tác mục vụ tiên khởi. Đây không phải là việc rút lui vào một lãnh vực tư riêng, nó là một thứ ưu tiên về mục vụ, nó là một hoạt động mục vụ nhờ đó thiên chức linh mục của chính chúng ta được đổi mới, và chúng ta lại được Chúa Kitô làm cho tràn đầy. Chúng ta bao gồm những người khác vào mối hiệp thông của Giáo Hội nguyện cầu, đồng thời chúng ta làm cho quyền năng của việc nguyện cầu, làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, lan tỏa vào thế giới này.

 

Câu tâm niệm chủ đề trong những ngày này là “những ai tin tưởng thì không bao giờ cảm thấy lẻ loi cô quạnh”. Những lời ấy áp dụng và cần phải được áp dụng đặc biệt cho thành phần linh mục, cho mỗi người chúng ta. Chúng được áp dụng theo hai ý nghĩa, đó là một vị linh mục không bao giờ bị lẻ loi vì Chúa Giêsu Kitô luôn ở với họ. Người ở với chúng ta, vậy chúng ta hãy ở với Người! Thế nhưng những lời ấy cũng áp dụng theo một ý nghĩa khác nữa. Ai trở nên một vị linh mục là gia nhập vào thành phần giáo sĩ , vào một cộng đồng linh mục cùng với vị Giám Mục của mình. Ngài là vị linh mục trong mối hiệp thông với anh em linh mục của ngài. Chúng ta hãy quyết tâm sống điều này, chẳng những như là một qui định về thần học và pháp lý, mà còn như một cảm nghiệm thực tiễn đối với mỗi người chúng ta nữa. Chúng ta hãy cống hiến mối hiệp thông này cho nhau, chúng ta hãy cống hiến nó nhất là cho những ai chúng ta biết đang chịu đựng tình trạng lẻ loi cô độc, những ai chúng ta biết đang trăn trở bởi những vấn nạn và rắc rối trục trặc, và có thể bởi những ngờ vực và lung lạc! Chúng ta hãy cống hiến mối hiệp thông này cho nhau, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô mới mẻ hơn bao giờ hết, trọn vẹn hơn và hân hoan hơn, nhờ sống với nhau, nhờ sống với những người khác. Amen.

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ