HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017

của Phái Đoàn Đại Diện Hội Thân Hữu Đồng Công Hoa Kỳ

 

Biên soạn: Đaminh Maria Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

Phần II

 

 

 VỀ NGUỒN ĐỒNG CÔNG

 

 

6- Nhà Mẹ Dòng Đồng Công Thủ Đức Tổng Giáo Phận Gài Gòn 

 

 

 

Giây phút ban đầu (bồi hồi tưởng nhớ)

Nhà Mẹ: Sinh Hoạt trong ngày (chiều mùng 5/10 Thứ Năm và sáng mùng 6/10 Thứ Sáu)

Thăm Khu Nhà 30 Gian cũ, Nghĩa Trang của Dòng và Trường Đồng Công xưa (chiều mùng 6/10 Thứ Sáu)

Thăm Nhà Bác Ái Xã Hội và Khu Khiết Tâm (sáng và chiều ngày mừng 7/10 Thứ Bảy)

 

 

 

Giây phút ban đầu (bồi hồi tưởng nhớ)

 

Trong phái đoàn 8 THĐC HK tham dự chuyến hành trình viếng thăm các chốt điểm truyền giáo của dòng ở Việt Nam năm 2017, có Anh Nguyễn Văn Chuyên (Đội IXB) đã ở Việt Nam và là người cuối cùng ngỏ ý muốn tham gia với phái đoàn, và Anh Bùi Lý (Hinh - Đội IXC) về Việt Nam trước 2 ngày, sau đó tới em tâm phương (Đội IXA) đây, rời phi trường LAX Nam California vào lúc 12:50 sáng ngày 4/10/2017 và đến phi trường Tân Sơn Nhất Việt Nam lúc 9:30 sáng ngày 5/10/2017. Em và Anh Nguyễn Mạnh Thư (Đội IXA - bị nhỡ máy bay từ Mỹ về và đã gặp nhau trên chuyến bay từ Đài Bắc về Tân Sơn Nhất), đã được Anh Thiên Khải ra phi trường đón cùng một lúc và đã về nhà dòng kịp bữa trưa hôm ấy. 

 

 

Anh Nguyễn Minh (Ngọc Đội XI) ở Louissiana về Việt Nam đêm 5/10/2017. Sáng hôm sau anh vào nhà dòng, vì đêm đó anh được một THĐC VN cùng đội đón về và ngủ ở ngoài, rồi cùng với em theo Anh Thiên Khải đi dón phái đoàn 4 anh THĐC HK đến phi trường Tân Sơn Nhất sáng hôm ấy, 4 anh ở Houston là Anh Trần Khả và Anh Phạm Cao Khiết (cùng Đội XI) cùng với Anh Nguyễn Hòa (Điềm Đội IXA) và Anh Lưu Chủ (Bạch Đội IXB), đi cùng chuyến về Việt Nam, sau em đúng một ngày vì cùng giờ đến phi trường Tân Sơn Nhất. Phái đoàn 6 anh em THĐC HK về kịp bữa trưa của nhà dòng, hơi trễ một chút, vẫn có bàn riêng chờ sẵn, sau khi lĩnh phép lành của Anh Tổng Vụ Nguyễn Quang Đán ở ngay chỗ anh ngồi trong nhà cơm.

 

 

 

 

 

 

 

 

(trong khi anh em THĐC HK ăn trưa muộn một chút thì các anh em dòng ăn xong đã theo nhau kéo đến chào thăm)

 

Theo sự quan phòng thần linh của Thiên Chúa, chuyến hành trình viếng thăm của phái đoàn đại diện THĐC HK đến các chốt điểm truyền giáo của nhà dòng, ngoài 5 chốt điểm chính, như đã được trình thuật ở phần thứ nhất,(trừ 2 chốt điểm chưa đến ở miền hậu giang thuộc Giáo Phận Long Xuyên là Giáo Xứ Hòa Phú và Giáo Họ Xẻo Tam), còn bất ngờ được đưa đến tận các gốc điểm lịch sử của hội dòng nữa, như là một hành trình cần phải bao gồm cả chiều kích về nguồn mới trọn vẹn, và phải về nguồn vào đúng thời điểm sau 10 năm (2007-2017) Đấng Sáng Lập như hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất, để cho hội dòng do ngài sáng lập theo ơn soi động từ Trời Cao bắt đầu trổ sinh muôn vàn hoa trái về cả tầm vóc lẫn ảnh hưởng: tầm vóc đáng kể ở đây chính là con số linh mục lên tới hơn kém 160 vị (chỉ ở Việt Nam, chưa kể Hoa Kỳ 95 vị từ 1975) và ảnh hưởng ở đây liên quan đến địa bàn hoạt động phục vụ của dòng càng ngày càng mở rộng và lớn dần (tại 16 trong tổng số 26 giáo phận).

 

 

Quả thực tầm vóc và ảnh hưởng của hội dòng Đồng Công thuần túy Việt Nam đầu tiên này không thể nào có như bây giờ nếu không phải là một phép lạ, vì dòng Đồng Công, có thể nói, chính là Sản Phẩm Thần Linh của Trời Cao. Bằng không, về phương diện trần gian, hội dòng này đã bị tiêu tan 3 lần rồi.

 

Lần đầu gây ra bởi giáo quyền, khi dòng chưa thành Hội Đạo Đức - Pia Unio nữa, lúc Cha Thủ mới về Xứ Dương A năm 1943, sau thời gian làm trưởng ban truyền giáo cho giáo phận, bởi hiện tượng có nhiều thanh niên kéo đến xin tu "Dòng Cha Thủ" khiến Đức Cha và các cha trong giáo phận tỏ ra quan tâm. Bởi thế Anh Cả đã phải phân tán anh em đi khắp nơi để giữ lấy dòng sau này: một số lên Phú Thọ, Chapa, Yên Bái, lo canh tác trồng trọt, như các anh Trọng, Huyên, Lạc, Quý, Chí Thanh, Liêm, Vân v.v.); một số lên Hà Nội học để lo cho tương lai dòng, như các Anh Chính, Kiên, Thanh, Lưu v.v., lưu trú gần đường Hiền Vương hay Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà Ấp.

 

Lần thứ hai vào năm 1987, gây ra bởi quyền lực thế gian lúc bấy giờ, qua biến cố Đấng sáng lập bị bắt, rồi bị án tù (từ chung thân xuống 20 năm) cùng với nhiều anh em dòng (87 người, cả linh mục lẫn tu sĩ).

 

Lần thứ ba gây ra bởi nội bộ của chính hội dòng, vào thời gian một năm (2006) trước khi ngài qua đời (2007), như thể hội dòng của ngài khi ấy trải qua một đêm tăm tối, đi qua một con đường hầm mập mờ ánh sáng, thậm chí như thể bị một cơn "sóng thần" (theo cách diễn tả một số anh) khủng khiếp chưa từng thấy ngấm ngầm nổi lên muốn dùi dập đi tất cả mọi sự!

 

 

Rồi đột ngột Đấng sáng lập từ ngục tù tăm tối khốn khổ trở về với anh em dòng vào năm 1993, khiến mọi anh em đều bàng hoàng sửng sốt, như các tông đồ trong Nhà Tiệc Ly thình lình thấy Thày mình đã tử nạn hiện ra tưởng là ma, một cuộc trở về không kèn không trống, bởi vì không phải ngài tự ý ngỏ lời xin tha, hay vì ngài được nhà nước công khai tuyên bố vô tội nên thả ngài ra, đúng hơn là ngài bị chính quyền vì muốn lấy điểm với quốc tế và sau khi không thể bắt ngài khuất phục xin tha, họ đành phải tống ngài về, không được ở tù nữa!

 

Ngài đã chẳng những không xin tha, vì ngài vô tội, trái lại, chính vì ngài vô tội mà ngài còn đặt điều kiện rất chính đáng với chính quyền nữa: chính vì ngài vô tội mà nếu muốn thả ngài ra thì 1- phải thả hết anh em của ngài toàn là những người vô tội ra, 2- phải trả lại cho ngài tất cả những gì của dòng ngài đã bị họ tiếp thu bất hợp pháp, và 3- phải để cho ngài được sinh hoạt bình thường, không được hạn chế hay cấm cách vô lý. Đó là lý do mới nói ngài là người không sợ ngục tù đã bị chính quyến tống về, không được ở tù nữa, nơi ngài đã được dân chúng đông đảo thường xuyên kéo xuống viếng thăm bằng những chiếc xe đò, và ngài đã dùng chính các thứ quà tặng của dân chúng biếu ngài để chia sẻ với nhân viên coi tù, nên ngài càng được nhân viên coi tù mộ mến như một món bở, nhờ đó ngài có cơ hội hiếm quí để làm chứng bác ái yêu thương của Chúa Kitô cho họ.

 

 

(Hình ảnh phòng riêng của Anh Cả ở Nhà Mẹ hiện nay, nhìn về phía tường bên trái từ cửa vào, suốt 13 năm

sau khi Anh bất ngờ từ ngục tù cộng sản trở về với đàn em của anh năm 1993 cho tới khi anh qua đời 2007)

 

 

(Chiếc xe lăn, biểu tượng cho tình trạng yếu đuối bất lực như trẻ con của ngài khi về già, một tình trạng về mặt siêu nhiên lại cho thấy Thiên Chúa đã chiếm đoạt ngài để Người chủ động hiện thực những gì Người muốn qua cảnh bất lực của ngài: "Khi con về già, người ta sẽ dắt con đến những nơi con không muốn" - Gioan 21:18, nghĩa là cuối cùng ngài được chẳng những nên giống Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nằm liệt cho tới khi chết, mà nhất là gống Chúa Kitô tử giá hoàn toàn bất lực và bất động trên Thánh Giá cứu độ)

 

 

(Những hình ảnh đáng nhớ về vị sáng lập dòng Đồng Công, "từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen")

 

 

(Những đồ dùng hiếm quí của vị sáng lập dòng cho người Việt Nam có thánh, trong tủ đựng ở phòng ngài, biết đâu, một ngày kia, sẽ trở thành di tích thánh của vị linh mục ngay từ ngoài bắc đã được gọi là "Cha Thánh Thủ")

 

 

(Hình ảnh phòng riêng của Anh Cả ở Nhà Mẹ hiện nay, nhìn về phía tường bên phải từ cửa vào)

 

 

 

 

 

(Anh Cả bao giờ cũng ngủ trên nền / sàn, nơi em tâm phương bụi đời này đã được diễm phúc gặp anh năm anh bách niên 100 tuổi lần cuối cùng,vỏn vẹn chỉ có nửa tiếng đồng hồ vào ngày 7/7/2006 từ 4 đến 4 giờ 30 chiều, dù chỉ được phép thăm 5-6 phút như mọi người, vì em đã đánh trúng tần số Thánh của anh nên anh được dịp linh hướng em một lần nữa với tất cả lòng yêu thương của anh; em đã mang vào kính biếu anh một số tác phẩm em viết và xuất bản có ghi ơn anh huấn thánh cho em. Và trước khi tạ biệt anh, em đã quì xuống xin anh ban phép lành cho em, và em biết rằng đó là phép lành cuối cùng em được nhận lãnh từ anh để rồi sẽ vĩnh biệt anh, chẳng còn bao giờ được gặp anh trên trần gian này nữa... Em đã khóc! Không ngờ, đúng 1 tháng sau, vào chính ngày Quan Thày Đaminh của anh, anh đã bắt đầu nằm liệt cho tới khi em nhận được điện thoại từ Anh Tuân ở Việt Nam báo rằng: "Tâm Phương ơi, Anh Cả đi rồi!" vào chính ngày 21/6/2007, ngày mà em bắt đầu theo anh 42 năm trước)

 

 

 

(Anh em dòng vẫn thường xuyên thu dọn phòng cho Người Anh Cả đã khuất bóng, cho dù đã 10 năm)

 

 

Nguyên sự kiện vị sáng lập tự nhiên được về đoàn tụ với đoàn em của mình, do Trời Cao huyền nhiệm can thiệp, là một sự lạ trước mắt chúng ta. Bằng không, nếu thời điểm ngài chết là năm 2007, vừa đúng lúc ngài hết hạn tù 20 năm, từ năm 1987, thì không biết dòng ngài sẽ ra sao, khi ngài không bao giờ trở về nữa, một trở về phải nói rằng bất khả thiếu để nhờ đó ngài mới có thể phục hồi sức sống cho anh em dòng, về cả tinh thần lẫn nhân sự, trong khoảng thời gian 14 năm (1993-2007) cuối đời của ngài, ở Thủ Đức, nơi dòng đã hiện diện từ cuối năm 1955 (ngày 21/11), và tại một trụ sở chính yếu của dòng còn lại duy nhất sau 1975, đó là Nhà Cá ngày xưa...

 

 

 

 

Nhà Mẹ: Sinh Hoạt trong ngày (chiều mùng 5/10 Thứ Năm và sáng 6/10 Thứ Sáu)

 

 

Vì được đến sớm một ngày, và trong khi chờ đợi cho đầy đủ phái đoàn THĐC HK trước khi cùng nhau thực hiện lịch trình viếng thăm, em đã có dịp tham dự trọn một ngày sinh hoạt thiêng liêng đạo đức với anh em dòng, những sinh hoạt mà ngày xửa ngày xưa, 35-53 năm trước, em đã từng tham dự như một đệ tử sinh, thử sinh, tập sinh và khấn sinh của dòng.

 

 

 

(Nguyện kinh phụng vụ ban mai chung với nhau sau Kinh Dâng Đoàn, ngày xưa, thời em còn tu, chưa có lệ này)

 

 

 

(Sau Kinh Dâng Đoàn và Kinh Phụng Vụ Ban mai là nửa tiếng nguyện gẫm ban sáng trước Thánh Lễ)

 

 

(Ngày nào cũng có chuông báo vào lúc 4 giờ sáng, sớm hơn ngày xưa, nửa tiếng sau mọi người tập trung vào nhà nguyện để lĩnh phép lành đầu ngày của bề trên, sau đó hát chào Mẹ, rồi cùng nhau dâng Đoàn/Dòng cho Mẹ, đoạn nguyện Kinh Phụng Vụ Ban Mai, tiếp theo là nguyện gẫm trước Thánh lễ thường vào lúc 5:30 sáng)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Sau Thánh Lễ, kéo dài thường 45 phút, là giờ cám ơn Chúa và cầu nguyện riêng, vẫn giữ lệ ở lặng ngặt để sống với Chúa từ sau phép lành cuối ngày kết Kinh Salve Regina, chỉ có phép bề trên mới được nói khi không có phận sự, cho tới sau Ca Vịnh Đức Ái: "Ubi caritas" - "Đau có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời...", một tục lệ của dòng để nhắc nhở tu sĩ của dòng rằng, sau cả một đêm thinh lặng sống với Chúa, giờ đây, trước khi mở miệng giao tiếp với nhau trong suốt cả một ngày, bắt đầu là bữa điểm tâm, hãy nhớ sống yêu thương bác ái với nhau vì ở đâu có 2-3 người họp lại vì danh Chúa thì ở đó có Ngài hiện diện - xem Mathêu 18:20).

 

 

 

 

 

 

 

 

(Vì trùng vào dịp Đội IX mừng kỷ niệm kim khánh khấn dòng 50 năm, 1967-2017, trong Thánh Lễ Anh Đỗ Cao Tùng, Đội IXA, chủ tế, và trong nhà cơm Đội IX cũng được xếp ngồi chung bàn với nhau. Ngày xửa ngày xưa, vào giữa thập niên 1960, bữa điểm tâm sáng của dòng vẫn còn bánh đúc, chứ làm gì có bánh mì chả lụa như vầy)

 

 

 

 

 

(Sau điểm tâm hay bất cứ bữa nào trong ngày, anh em thay nhau thu dọn và chùi rửa sạch sẽ theo tinh thần tự lập mưu sinh và bình dân phục vụ của Đấng sáng lập. Nấu nướng cũng do chính anh em phụ trách. Ở Nhà Mẹ còn có lệ anh em linh mục cũng được chia phiên phục vụ bếp vào mỗi Thứ Tư hằng tuần, do Anh Thiên Khải là trưởng ban xã hội của nhà mẹ điều hợp. Trong khi nhà dòng điểm tâm thường vào lúc 6:30 sáng thì ở bên Nhà Xã Hội của dòng, anh em cũng phục vụ bữa điểm tâm 6 giờ sáng hoàn toàn miễn phí mỗi ngày cho trên dưới 200 anh chị em đồng bào nghèo trong vùng, bất kể lương giáo)

 

 

(Sau giờ ngủ trưa là giờ kinh trưa, anh em tự đọc sách thiêng liêng, hôm qua thì nghe đọc sách chung)

 

 

 

 

(Ban chiều có Chầu Thánh Thể thay tối để giờ mừng Đội IX kim khánh)

 

 

 

 

 

 

Thăm Khu 30 Gian, Nghĩa Trang và Trường Đồng Công xưa (chiều mùng 6/10 Thứ Sáu)

 

 

Thật vậy, Thủ Đức là quê hương thứ hai của hội dòng Đồng Công, sau quê hương đầu tiên của dòng ở Trung Lễ (hơn là ở Giáo Xứ Liên Thủy chưa phải là cơ sở của dòng) Giáo Phận Bùi Chu Bắc Việt. Khu vực rộng lớn của dòng ở Thủ Đức này có diện tích rộng 30 mẫu, đứng giữa một khu rừng bao rộng, mua lại của một chủ đồn điền người Pháp, với giá 160 ngàn đồng bấy giờ.

 

Người viết này đã từng là học sinh nội trú của Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức niên khóa 1957-1958, số ký danh 379, bấy giờ hay được các anh phụ trách của dòng coi ký túc xá dẫn vào rừng chơi những trò chơi lớn, như chơi trò hai phe kéo quân cướp cờ của nhau trong rừng v.v.

 

Theo tài liệu thì việc kiến thiết các cơ sở của dòng ở đồi Thủ Đức này được bắt đầu bằng việc đào giếng nước (cái lớn không thành quay ra cái nhỏ hơn), cũng như bằng việc xây cất ba dẫy nhà hình chữ U để làm nhà ngủ, nhà cơm, nhà chơi và nhà tập, nhất là nhà nguyện ở giữa khu đất với tầm cỡ to con lớn tướng, gồm 12 gian, cao 14 thước, dài gần 50 thước và rộng 22 thước. Tất cả đều do chính anh em dòng thực hiện, chung sức góp tài (thợ mộc: đóng bàn ghế tủ giường, thợ nề xây cất, thợ điện v.v.).

 

Bởi thế, chỉ trong vòng 7-8 tháng đã hoàn tất 3 giẫy nhà xây xi măng và lợp tôn: dẫy ở đầu khu đất (từ Thủ Đức vào) là 6 căn phòng khách, tiếp theo phòng khách là 17 căn nhà tập, dẫy ở bên phải nhà nguyện, tiếp theo dẫy phòng khách và nhà tập là 20 căn nhà bếp, nhà cơm, hội trường, và dẫy còn lại ở bên trái nhà nguyện bao gồm 28 căn giành cho nhà khấn và đệ tử cồ. Cơ sở của dòng đầu tiên ở trong Nam này có thể dung nạp 300 anh em cư trú và sinh hoạt tu trì.

 

Khu Nhà 30 Gian Thủ Đức xưa (Năm 1959)

 

Ngôi nhà 30 gian lợp ngói khang trang rộng rãi và thoáng khí này được xây cất cho anh em có chỗ ở, cứ 4 người một phòng. Giẫy nhà 30 gian này là khởi đầu của một công trình lớn lao được Anh Cả trù tình cho Nhà Mẹ ở Thủ Đức từ năm 1959, một Khu Nhà Mẹ còn rộng hơn khu 30 mẫu từ năm 1956 nữa. Về hình thức thì phòng ốc cũng theo hình chữ U, nhà nguyện rộng lớn ở ngay chính giữa. Khu Nhà Mẹ mới (thay cho Khu Nhà Mẹ cũ) này sẽ ở giữa Khu Kitô Vương và Khu Ký Túc Xá Đồng Công. Thế nhưng, ngoài dẫy nhà 30 gian đó dự án kiến thiết Khu Nhà Mẹ mới được dừng lại, vì vấn đề di chuyển Nhà Mẹ không còn ở Thủ Đức nữa cần thiết hơn cho việc dòng đào luyện linh mục. Dẫy nhà 30 gian này đã được sử dụng để ở sau lần Anh Cả đi tù lần thứ nhất 2 năm (12/6/1975 - 29/4/1977) trở về. Sau khi thả Anh Cả về năm 1993, họ đưa Anh về Nhà 30 gian này, vì bắt ở đâu thì trả về ở đó. Nhưng bấy giờ khu nhà này đã biến thành bệnh viện tâm thần nên Anh Cả để cho chính phủ sử dụng luôn. Sau đây là những hình ảnh ở đây hiện nay em đã chụp được.

 

 

 

 

Riêng em có kỷ niệm với dẫy nhà 30 gian này. Đó là khi còn là đệ tử sinh năm 1964-1965 ở bên Khu Đệ Tử viện gần với dẫy nhà 30 gian, chú đệ tử mới gần 18 tuổi đang phát triển về thể xác này hình như đã không lớn được nữa, không cao hơn được nữa, bởi đã xung phong gánh nước (một việc chưa bao giờ làm gánh nặng sụn cả lưng) nhiều lần cho đệ tử dùng, từ hầm nhà 30 gian này.

 

 

(Sau khi đi vượt qua trạm ý tế ở giữa khu 30 gain, một số phụ nữ bị tâm thần nhẹ ở bên trong hàng hiên được vây rào cẩn thận nhìn ra vẫy tay hay lên tiếng hỏi thăm phái đoàn. Ở khu này được cho là còn nhẹ)

 

 

(Anh Trần Khả trong phái đoàn đi tới đây thì chỉ đây là khu sân banh cũ của đệ tử viện)

 

 

 

 

(Khu vực bên tay phải ở cuối dẫy nhà 30 gian, khu vực ngày xưa của đệ tử viện Đồng Công)

 

 

 

("Khu chăn muôi, không phận sự miễn vào")

 

 

 

(Khu vực ở phía bên trái ở đầu dẫy nhà 30 gian, hai bên có hai giẫy nhà, bên trái cho nữ và bên phải cho nam)

 

 

(Phái đoàn được căn dặn rằng chỉ đi ở bên ngoài quan sát thôi, đừng vào trong, bởi có những cảnh tâm thần...)

 

 

 

Khu nhà 30 gian này có là một mốc điểm lịch sử quan trọng của dòng. Đó là vào lúc 9:30 sáng ngày 15 tháng 5 năm 1987, khu nhà này bất chợt được công an huyện Thủ Đức (khoảng 40 người) ập vào đòi kiểm kê hộ khẩu. Trong lúc đó đang có khóa Gia Đình Tận Hiến Đồng Công cho 62 giáo dân. Tới 12 giờ trưa, sau khi lập biên bản, họ cho mọi người giải tán. Nhưng đó chỉ là âm mưu cho bước kế tiếp của họ.  

 

 

Ngày hôm sau, 16/5, Cha Thủ được mời ra huyện làm việc. Đến 12 giờ Cha Thủ được chở về có 40 nhân viên công an hộ tống, thành phần lợi dụng chở cha về tận nơi để ập vào nhà dòng kiểm soát, nội bất xuất ngoại bất nhập. Họ đã vào phòng Cha Thủ kiểm từng cuốn sách, từng mẫu ảnh.

 

 

 

 

Đến 3 giờ chiều họ đòi sang cả Khu Kitô Vương thuộc Tỉnh Sông Bé là nơi không thuộc thẩm quyền của họ để lục soát. Cuối cùng họ đã tố cáo nhà dòng có những sách vở tài liệu chống cộng và có cả súng ống bên Khu Kitô Vương (mà họ đã gài sẵn để làm bằng cớ). Sau đó họ còn cho một vị linh mục đã từng tu ở Đồng Công sau chuyển sang Dòng Đaminh (biệt danh ThC) đến tham quan hiện trường và viết một bài theo như họ tố cáo với các bằng chứng cụ thể.  

 

 

Sau khi tham quan trung tâm bệnh viện tâm thần ở Khu Nhà 30 gian cưa của dòng, anh em ghé vào văn phòng trị sự của trung t6am này để chào hỏi các vị quan chức, và trước khi chia tay, Anh Thiên Khải đại diện anh em đã tặng cho họ một bao thư 100 Mỹ kim do em đưa cho anh khi bất ngờ được anh hỏi đến, để gọi là phần nào bù đắp một chút phần lương lậu "bọt bèo" của họ.

 

 

Ngoài các vị quan chức điều hành trung tâm, trong thời gian thăm viếng, Phái đoàn THĐC HK còn gặp được một số sinh viên trẻ thuộc Dòng Tên ở Thủ Đức tự nguyện đến trung tâm tâm thần này để phục vụ. Tại chính giẫy nhà này và kể cả phía đằng sau giẫy nhà này chính là khu Đệ Tử Viện ngày xưa.

 

 

 

Khi còn ở ngoài bắc, dòng đã có một số anh em, vừa lớn vừa bé, theo đuổi lý tưởng thánh Đồng Công, nhưng chưa vào Nhà Thử và Nhà Tập hoặc Khấn Hứa. Năm 1954, khi di cư vào nam, dòng bấy giờ có 30 anh em tu sĩ (Lớp Khấn 1) và khoảng 100 đệ tử sinh lớn bé. Ở Khu 30 mẫu Nhà Mẹ Thủ Đức, những anh em lớn hợp thành Đội Fiat, còn nhỏ thuộc Đội Magnificat, sống tách biệt nhau. Từ năm 1955, các đệ tử lớn dần dần được chọn vào nhà thử và nhà tập rồi khấn hứa. Cho đến ngày 1/7/1963 chỉ còn lại có 20 anh lớn, trong khi đó các đệ tử nhỏ càng ngày càng tăng, có năm lên tới 80 em.

 

Đó là lý do mới cần có Khu Đệ Tử Viện riêng, ở trên phần đất của Dòng Thăm Viếng là dòng được Đức Cha Phạm Ngọc Chi nhờ Anh Cả coi sóc, sau này có Dòng Trinh Vương ở Bùi Môn thay thế. Khu Đệ Tử Viện có 10 căn nhà lá, 5 căn nhà nguyện và ít căn nhà bếp, nhà kho, dung nạp được khoảng 200 đệ tử sinh. Thời em vào tu năm 1964, đệ tử sinh vẫn sang nhà dòng, qua khu ký túc xá, để ăn ngày 3 bữa, chứ chưa có nhà bếp nấu riêng như sau này.

 

Cũng kể từ năm 1964, bắt đầu có lớp thử rộng ở đệ tử viện, rồi vào nhà thử hẹp cùng nhà tập bên khu Nhà Mẹ. Lớp đầu tiên từ đệ tử viện lên thử ngặt và tập viện này là lớp Khấn VIII, với 44 em, trong đó không ai ngờ là sau đó 48 năm, một anh em trong họ, Anh Piô Maria Nguyễn Quang Đán, CRM, đã trở thành vị tổng vụ thứ hai của dòng hiện nay, nhiệm kỳ thứ hai (2016-2020). Đến năm 1966, 2 năm sau, có thêm một lớp nữa, nhưng ở Nhà Đá, với 46 em, thuộc Đội IX A, trong đó có đứa em tâm phương này, tu năm 1964, một lớp tu hơn 100 đệ tử sinh, sau này tất cả đều thuộc Đội IX (cả 2 đợt khấn A và C).

 

Khu đệ tử viện Đồng Công này cũng có một mốc điểm lịch sử của dòng, đó là ngày 5/4/1975, toàn thể anh em dòng từ khắp nơi được lệnh Anh Cả về Thủ Đức qui tụ lại bất ngờ tham dự tĩnh tâm vào sáng hôm đó, để rồi sau bữa trưa lại bất ngờ được lệnh Anh Cả âm thầm (không được báo cho gia đình) lên các chiếc xe đò Đức Hòa vừa mới vào sân đệ tử viện chở xuống Phước Tỉnh, để từ đó xuống thuyền đã thuê sẵn ra Đảo Phú Quốc ngay hôm ấy rồi từ đó sang các nước Đông Nam Á, vừa để tạm lánh nạn cộng sản sắp chiếm trọn miền nam, vừa để truyền giáo cho các dân tộc hầu như theo Phật giáo và Khổng giáo...

 

 

Thăm Khu Nghĩa Trang của Dòng

 

Khu Nghĩa Trang của Dòng ở giữa Khu Nhà 30 Gian và Khu Kitô Vương, nhưng gần Khu 30 gian hơn. Vì Khu Kitô Vương không thể ghé thăm nên anh em chỉ ghé thăm Khu Nghĩa Trang của dòng, nơi có mộ của chính Đấng sáng lập, có cả hài cốt của ông bà cố thân phụ mẫu sinh ra Anh được bốc mộ từ Đồng Quan Bắc Việt về đây, cùng với những anh em dòng đã ra đi trước, trong đó có một của Anh Linh Mục Minh Đăng, vị nổi tiếng là có lòng sùng kính Mẹ Maria, giảng rất hay về Mẹ và là ngôi mộ được nhiều người kính viếng, cầu nguyện và có nhiều bảng tạ ơn.

 

 

 

 

 

 

Trong khi anh em đang trầm tư mặc niệm tưởng nhớ đến Anh Cả, người anh rất kính yêu của từng người, thì Anh Khả đã thay anh em ngỏ lời cùng Anh, sau đó anh em cùng nhau dâng kinh nguyện vắn tắt cầu cho anh, và đồng thời cũng xin anh chuyển cầu cho đàn em THĐC của anh, những đứa em đã một thời được Anh huấn thánh, cũng tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của anh cho đến khi được đoàn tụ với Anh trên cõi vĩnh phúc hằng sống trên Trời bền Mẹ Đồng Công (CMC), Mẹ Chúa Cứu Chuộc (CRM).

 

 

  

 

 

 

Ở cổng nghĩa trang của dòng còn có mấy gian nhà được sử dụng để cung cấp nước lọc free cho dân địa phương, cũng như nấu nướng điểm tâm mỗi sáng cho Nhà Bác Ái. Bởi thế, sau khi viếng mộ Anh Cả và Anh Minh Đăng, phái đoàn THĐC HK đã được Anh Thiên Khải dẫn vào khu vực này.

 

 

 

 

(Cảnh trước nhà, phía bên trái từ ngoài vào)

 

 

(Phòng khách)

 

 

(Phòng lọc nước)

 

 

(Phòng bếp, nơi nấu điểm tâm mỗi sáng cho Nhà Bác Ái gần đó)

 

 

 

 

Khu Trại Gà Kitô Vương Thủ Đức (Năm 1963)

 

Ngay đằng sau Khu Nghĩa Trang của dòng là Khu Kitô Vương, một khu vực (không thể thăm), rộng khoảng 4 mẫu đất, thuộc Quận Di An, Tỉnh Biên Hòa, một khu đất cuối cùng giáp với khu đất chính 30 mẫu của dòng, Khu Mẫu Tâm không thuộc về 30 mẫu đất đầu tiên của dòng thế nào thì khu Kitô Vương này cũng thế, cho dù nó cũng được người Pháp nhường lại cho dòng năm 1955. Tuy nhiên, khu này đầu tiên được sử dụng không thuần túy cho dòng, mà là cho các tu hội khác. Trước tiên là cho Hội Dòng Khiết Tâm từ năm 1956, nhưng trở về lại với Đồng Công năm 1957, sau khi Đức Cha Phạm Ngọc Chi giải tán Hội Dòng Khiết Tâm. Rồi năm 1959 đến dòng nữ Trinh Vương Mẫu Tâm, cho đến năm 1963 dòng nữ này đã không thể tiếp tục và trả lại cho Đồng Công.

 

Bởi thế, bắt đầu từ năm 1963 Anh Đinh Quang Trí được chỉ định kiến thiết Nhà Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công cho tới khi có Khu Hưu Dưỡng chính thức cho các cha ở sát với đầu khu 30 mẫu của dòng, gần bên ngoài dẫy tập viện và nhà cơm của dòng. Sau khi các cha dọn về khu mới thì Khu Kitô Vương đã biến thành Trại Gà Thiện Chí, nơi người viết đã từng phục vụ làm bếp 2 năm (1968-1970), cho đến năm 1973 thì trại gà Thiện Chí đóng cửa, bấy giờ có Anh Lưu Chủ (trong phái đoàn về VN lần này) trong số anh em lo thu dọn bán các đồ đạc của trại gà này trong vòng 2 tháng. Vừa bán xong các trại gà ở miền nam cũng bắt đầu giải tán trước tình hình kinh tế thừa thắng xông lên của hiện tượng chim cút, nên anh em Đồng Công được tiếng khen là "khôn thế".

 

Thế nhưng, Khu Kitô Vương này đã trở nên một mốc điểm lịch sử vào những tháng ngày cuối cùng trước khi miền nam bị "giải phóng". Ở chỗ, vì Qui Nhơn bất an nên Nhà Mẹ Nhà Đá phải tạm dời về Khu Kitô Vương từ Tháng 6-1974. Lớp Triết 3 đang học ở Di Linh cũng về Khu Kitô Vương. Từ Tháng 2/1975, vì biết trước thế nào miền nam cũng bị "giải phóng", Anh Cả đã gọi tất cả anh em ở khắp nơi về Thủ Đức, đổ dồn lại Khu Kitô Vương, nơi Anh Cả đã cho làm thêm 3 giẫy nhà 10 gian cho anh em có chỗ ở, nhưng sau đó ngưng lại vì anh linh cảm thấy tình hình bị "giải phóng" đến nơi rồi, khi anh thấy tình trạng rút quân từ miền trung về từ tháng 12/1974. Cho tới sáng ngày 5/4/1975 thì tất cả anh em dòng bất ngờ được lệnh Anh Cả tĩnh tâm ở bên Khu Đệ Tử Viện, và sau bữa trưa anh em được lệnh cùng nhau xuống hết Phước Tỉnh ... ngay chiều hôm đó, tạm lành nạn cộng sản...

 

 

 

Thăm Trường Đồng Công xưa (từ 1956)

 

 

Thế rồi, trên đường trở về Khu Nhà Mẹ, phái đoàn THĐC HK lại được Anh Khải dẫn vào thăm Khu Trường Đồng Công cũ. Riêng em tâm phương đã đi vào nghĩa trang của dòng 3 lần, lần đầu với gia đình năm 2006, lần hai với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương năm 2016, và lần này với phái đoàn THĐC HK năm 2017, mà chưa được vào những khu vực tế nhị xưa của nhà dòng, như Khu 30 Gian và Khu Trường Đồng Công, nếu không được anh em dòng dẫn đi như lần này. Nhất là không thể nhận diện được cảnh của Nhà Mẹ Thủ Đức xưa ở khu vực 30 mẫu đất, một quần thể bao gồm các cơ sở của dòng ở đây, một nơi đáng gọi là Thủ Đô Đồng Công đối với các nơi hoạt động khác của dòng ở Việt Nam xưa.

 

Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức có tất cả 17 lớp học, từ tiểu học tới đệ nhi cấp, bao gồm cả nội trú. Khu nội cho 500 em, gồm một dẫy nhà 2 lầu, một dẫy nhà 3 lầu để dạy học, và 3 dẫy nhà trệt, mỗi dẫy dài 20 căn để làm nhà chơi, nhà ăn và nhà sinh hoạt, chưa kể đến một nhà nguyện cho học sinh nội trú. Hiện nay khu nội trú đã trở thành Trường Trung Học Cơ Sở Thái Văn Lung.

 

 

Khu ngoại trú có 12 lớp học, cho 600 học sinh, hiện nay khu ngoại trú này đã trở thành Trường Tiểu Học Văn Hải. Hồi người viết còn là học sinh tiểu học ở đây (1957-1958), bấy giờ nhà trường chưa xây cất đầy đủ như được trên đây diễn tả về sau này, thì học sinh lớn nhỏ đều ra khu ngoại trú học.

 

 

 

 

Hiệu trưởng đầu tiên và như muôn năm là Anh Đoàn Phú Xuân, Giám đốc ký túc xá đầu tiên là Anh Phạm Nam Việt, quản lý là Anh Nguyễn Đức Khoan. Sau 13 năm phục vụ, vào tháng 6/1969, vì lý do đặc biệt, trường đã tạm đóng cửa trước nỗi luyến tiếc của hầu như tất cả các phụ huynh.

 

 

 

 

 

Khu nội trú thời em thiếu nhi cao tấn tĩnh học bấy giờ chưa có lầu. Bé hồi ấy thuộc phòng ngủ 4 (trong 5 phòng ngủ theo kiểu dome, ngủ chung cả một giẫy), thuộc Cơ Sao Mai của Anh Phạm Tiến Đức (sau này cũng là giáo tập của người viết ở Nhà Đá).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong số học sinh ở đây đã vào dòng Đồng Công gồm có một số anh tiêu biểu như Anh Nguyễn Kim, Anh Vũ Khiêm Cung (người thứ 2 vào tu Đồng Công, Đội VI), Anh Lâm Quốc Bửu, Anh Nguyễn Đình Trác (Đội VIII), Anh Nguyễn Đình Chiểu (Đội VIII), Cao Tấn Phương (Tâm Phương Đội IX), Anh Vũ Minh Nhiên (Đội XI) v.v.

 

 

(Tượng Đức Mẹ ngày xưa trên tòa nhà chính vẫn còn đó, như đang che chở và chờ đoàn con Đồng Công trở về)

 

 

 

Thăm Nhà Bác Ái Xã Hội và Khu Khiết Tâm (sáng ngày mừng 7/10 Thứ Bảy)và chiều

 

Anh Nguyễn Thiên Khải, CRM, vị linh mục đang đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Bác Ái Xã Hội của Nhà Mẹ đã cho phái đoàn THĐC HK biết tổng quan về chung các hoạt động bác ái của dòng ở Thủ Đức Việt Nam (khác với hoạt động truyền giáo của dòng ở các giáo điểm xa xôi hẻo lánh) và về riêng ngôi Nhà Bác Ái gần Nhà Mẹ, như sau:

1- Nhà Bác ái có bữa điểm tâm sáng miễn phí cho những người nghèo mỗi ngày. Buổi tối dạy Anh Văn cho các em. Mùa Hè có lớp học tình thương cho những em nghèo. Hè vừa rồi gần 200 em.

2- Cũng ở Nhà Bác ái này, Chúa nhật cuối tháng em mời 4 Bác sĩ, 4 điều dưỡng khám bệnh phát thuốc miễn phí cho gần 200 người nghèo.

3- Sáng thứ bảy cuối tháng có Thánh lễ cho bệnh nhân tâm thần, ở khu nhà 30 gian ngày xưa. Buổi chiều hằng tuần có thánh lễ cho người khuyết tật.

4- Sáng thứ bảy hằng tuần đi thăm người nghèo khó, già neo đơn bị con cháu bỏ rơi. Một giỏ quà khoảng 200.000 ngàn đồng, và bì thư 300.000 ngàn đồng. Mỗi lần đi thăm 15 nhà.

5- Hằng năm vào Mùa Chay, tổ chức ngày Huynh Đệ, mời khoảng 200 người nghèo Lương dân, đến nhà Dòng dùng bữa cơm Agape, chính các Thầy nấu và hầu bàn. Kết quả sau đó có vài người xin theo đạo.

6- Hằng năm vào Mùa Vọng và Mùa Chay, Ban Bác Ái xã hội tổ chức đi thăm các mái ấm khuyết tật, mồ côi, viện dưỡng lão, trại phong... và những chuyến đi cứu trợ đồng bào Miền Trung nữa.

Sáng Thứ Bảy 7-10-2017, phái đoàn THĐC HK chúng em được Anh Thiên Khải dẫn đến thăm Nhà Bác Ái vào lúc 6 giờ, giờ bắt đầu điểm tâm ở đấy, nhưng vì lý do vừa tìm nhau vừa chờ nhau, khi tới nơi cũng gần 6:30 sáng, nên khách hàng free điểm tâm thường trực của Nhà Hàng Bác Ái Xã Hội này đã thưa thớt người hơn, vì dân chúng hôm ấy hơi mưa đã ngại đến, mà đã đến thì ăn mau cho xong còn về nhà hoặc đi làm sớm. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thăm Khu Khiết Tâm (chiều ngày mừng 7/10 Thứ Bảy)

 

 

Trong khi Dòng Đồng Công ở Thủ Đức bị chính quyền tịch thu hết mọi nơi ngoài trừ Khu Ao Cá và Nghĩa Trang, thì Dòng Trinh Vương lại không bị họ tịch thu Khu Trường Học và Nội Trú ở gần nhà dòng, chỉ bị lấy mất một nửa, một Khu Khiết Tâm mà ngày xưa khi em tâm phương ở Khu Kitô Vương năm 1968-1970, cũng có 2 đứa em gái nội trú ở đấy. Giờ đây, Khu Khiết Tâm này đã giành cho hhơn 100 anh em Đồng Công sang ở và sinh hoạt cho đỡ chật chội bên khu Nhà Mẹ ở Khu Ao Cá Mẫu Tâm.

 

 

 

Phái đoàn THĐC HK được Anh Thiên Khải dẫn đến thăm vào chiều Thứ Bảy, ở đó, anh em đã tham quan chung quanh khu vực, bao gồm cả vườn tược và chăn nuôi ở phía đầu bên kia, rồi sau đó, trong khi Anh Khải và Anh Khả dâng lễ hằng ngày cho giáo dân vào lúc 5 giờ chiều thì anh em còn lại ngồi nói chuyện ở ngoài hàng hiên với Anh Giám Đốc Khu Khiết Tâm này trong bầu khí hơi nực.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Từ đằng trước có vẻ hoành tráng tiện nghi bao rộng thế nào thì ra đằng sau bệ rạc quê mùa bình dân như vậy)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Anh em đang nói chuyện và nghe chuyện của Anh Thụy (Đội II) là anh đang canh tác khỏe mạnh ở Khu Khiết Tâm, đã 88 tuổi mà còn dẻo dai hơn trai tráng, nhất là hơn một số anh đồng lứa tuổi và thuộc các lớp khân đầu tiên như anh. Em đã lợi dụng dịp này để ghé thăm quí anh tiền bối bị yếu bệnh như Anh Đức (Đội I - trông còn kha khá), Anh Đại (Đội I tuy yếu và chống gậy nhưng vẫn còn rất tỉnh táo), Anh Xuân (Đội II tuy ở tại phòng nhưng vẫn lưu ý đến moọ biến cố xẩy ra trên thế giới này, kể cả Bí Mật Fatima), Anh Kiên (Đội III tuy chống gậy và đi hơi nghiêng một chút nhưng vẫn giữ đúng giờ giấc chung), Anh Thiện (Đội I bất ngờ gặp không nha5n ra anh, vì anh còn khỏe mạnh như ngày nào, bởi anh phục vụ y tế đệ tử viện ngày xưa) v.v.

 

 

(Anh Phạm Tiến Đức, phụ trách Cơ Sao Mai 1957-1958 Ký Túc Xá Đồng Công của em,

1 trong 4 vị đầu tiên do dòng đào tạo, và làm phó giáo tập của Đội IXA của em ở Nhà Đá năm 1966-1967)

 

 

(Anh Lê An Đại là người có 5 anh em tu Đồng Công, trong đó anh Lê An Lạc anh của anh ở trong số 7 vị tổ phụ của dòng. Anh đang ở trong phòng anh và đang được Anh Minh Ngọc quay phim tài liệu về những ngày anh em dòng mới qua Mỹ. Anh là giám đốc đầu tiên của Nhà Carthage trước khi nhóm anh em Đồng Công Hoa Kỳ trở thành chi dòng và có giám tỉnh đầu tiên. Anh cũng được gọi về Việt Nam để giúp Anh Cả khi dòng cần. Anh là giáo thử của Đội IX A ở Nhà Đá năm 1966 sau khi anh được thụ phong linh mục cùng với Anh Thịnh 29/6/1966)

 

 

 

(Anh Đoàn Phú Xuân, vị hiệu trưởng Trường Trung Tiểu Học Đồng Công Thủ Đức hầu như muôn năm, vị giáo sự về Hiến Pháp và Tục Lệ của dòng của Tập Sinh Đội IXA, vị tiến sĩ lưỡng luật của dòng đầu tiên trong số anh em Đồng Công du học  ở Giáo Đô Roma, và là vị Tổng Vụ đầu tiên thay thế Anh Cả để phục vụ anh em dòng trong thời gian chuyển tiếp quan trọng đầy khó khăn về mọi mặt bấy giờ)

 

 

(Anh Nguyễn Đức Kiên, vị đổi tên dòng cho em từ Cao Tấn Tĩnh thành Cao Tấn Phương, dù em xin anh đổi thành Cao Tĩnh Mạc để giữ lại tên tĩnh thành tên đệm, là vị linh mục từ Ý sang thẳng Hoa Kỳ năm 1975 để giúp anh em dòng định cư vào lúc ban đầu, và là vị giám tỉnh đầu tiên của Chi Dòng, vị giám tỉnh đã được Mẹ tuyển chọn để thỉnh nguyện được Tượng Mẹ Fatima Thánh Du Quốc Tế, tượng sang Việt Nam từ 1965-1967 vẫn còn ở tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima từ ngày đó, về Ngày Thánh Mẫu năm 1984 cho đến nay)

 

 

 

Khu Ao Cá Mẫu Tâm Thủ Đức (Năm 1956)

 

 

Khu Ao Cá này được tậu thêm vào 30 mẫu chính năm 1955 của dòng từ năm 1956, vì nó ở ngoài Tam Hà, bên kia con đường ruột của Thủ Đức hồi xưa, thậm chí cho cả tới bây giờ. Anh Mô được trao phó trách nhiệm canh tác khu này. Anh đã đào 7 cái ao lớn để nuôi cá Phi, cá Chép, hầu cung ứng thực phẩm cho chung dòng. Đồng thời anh dựng mấy căn nhà để ở và nuôi heo. Sau năm 1960 lại thêm được mấy gian nữa để làm Nhà in Sao Mai, nhất là cho Tòa Báo của Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ (từ Sài Gòn chuyển về Thủ Đức năm 1965). Sau này có thêm 7 gian nhà 2 lầu nữa cho anh em già yếu nghỉ dưỡng. Khu Áo Cá này được gọi là Khu Mẫu Tâm.

 

Khi Anh Cả bị tù lần thứ hai về vào năm 1978, thì dòng không còn một nơi nào khác trên giải đất nước bị "giải phóng" từ 1975, từ Nhà Đá và Phù Mỹ Bình Định Qui Nhơn, đến Đà Lạt và Di Linh, rồi Lương Sơn Phan Rí v.v., kể cả ở chính thủ đô Thủ Đức của dòng, cũng mất cả Khu Kitô Vương, Khu Đệ Tử Viện, Khu Nhà 30 Gian, Khu Trung Tâm Nhà Mẹ, Khu Hưu Dưỡng Các Cha v.v.). Thế mà, vào năm 1979 nhà nước còn xin nhà dòng nhượng cho ngôi nhà 2 lầu ở Khu Mẫu Tâm để làm nơi huấn luyện cán bộ, nhưng Anh Cả cương quyết không nhượng: "Nhà nước giầu có thiếu gì nhà cửa đất đai, đây tôi, cả nhà dòng, cả các linh mục già yếu, chỉ có chút cơ sở nhỏ bé này để nuôi sống, nay nhà nước mà lấy thì chúng tôi có mà chết khô".

 

 

(bên kia đường, ngay trước cổng nhà dòng)

 

 

Thế rồi, vì nhu cầu cho con số trên 500 anh em tu trì, Khu Ao Cá ngày xưa đã được biến dạng sau năm 1975, nhất là sau khi Anh Cả từ ngục tù trở về năm 1993. Giờ đây nó đã trở thành một khu Nhà Mẹ xứng đáng với một hội dòng đang được mùa phát triển về đủ mọi mặt, thậm chí sang cả Hoa Kỳ, đệ nhật cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, Khu Nhà Mẹ Thủ Đức hiện nay có vẻ to lớn rộng lớn này vẫn không đủ chỗ ở và sinh hoạt của anh em dòng.

 

 

 

(từ lầu hai giẫy nhà gần cổng của dòng, nhìn sang trái, vẫn còn ngôi chùa ngày xưa, nay đã biến hình đổi dạng)

 

 

 

 

 

(hành lang của dẫy nhà sát đường, vừa dẫn thẳng vào nhà nguyện bán công trên lầu,

vừa dẫn vào khu Gian Hàng Kỷ Vật 3 tầng lầu của dòng)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Năm Thánh Mẫu Fatima Bách Niên 2017, Nhà Mẹ cũng trưng bày Tòa Mẹ và Tượng Mẹ Fatima

ở cuối nhà nguyện, bên phải từ cuối nhìn lên, gần cửa ra vào)

 

 

 

(Góc bên phải của mặt trước Nhà Mẹ nhìn từ trong ra, nơi có lối cho xe hơi lái vào tận bên trong)

 

 

 

(Phòng khách ở dọc theo lối vào)

 

 

(Hồ nước Thánh Giuse ở góc bên dưới khu kỷ vật, trước nhà cơm và gần phòng khấn nguyện cùng phòng A.Cả)

 

 

Anh Khả và em đang hỏi thăm Anh Tràng (Đội II)

 

 

 

(hành lang ở đằng sau nhà bếp và nhà cơm)

 

 

 

(hành lang nhà nguyện và văn phòng cùng hội trường)

 

 

(hành lang khu Nhà Mẹ ngoài phía đường vào và ở bên phía đầu nhà xe gắn máy, đối diện với nhà nguyện)

 

 

 

(hành lang dọc theo khu nhà lầu dọc theo dẫy nhà xe tiến vào bên trong nội cung của nhà mẹ, một nội cung được cấu trúc theo hình chữ U, chung quanh là nhà ba lầu, đều hướng về nhà nguyện chính của dòng)

 

 

 

 

 

(Ở giẫy lầu đối diện với nhà nguyện, lầu một là phòng các cha hưu dưỡng và nhà nguyện của các ngài,

lầu trên là phòng ngủ của các cha các thày - cuối tuần đó được dành cho anh em Đội IX về mừng kim khánh khấn dòng - và ngay cầu thang lên là căn phòng được ngăn ra cho mấy máy computers đặc biệt cho một số anh chuyên biệt, còn phòng computer chung ở xích vào phía trong, phía đầu nhà, nằm ở bên trên gần nhà nguyện của các cha hưu dưỡng lầu một)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Ở góc bên phải của nhà mẹ, nhìn từ nhà nguiyện chính, tại lầu một, có nhà nguyện của các cha hưu dưỡng,

nơi hằng ngày có lễ vào lúc 3 giờ chiều)

 

 

 

 

 

(Phòng Khấn sát bên Phòng Anh Cả, ngay thẳng cổng phía quán kỷ vật vào, ngang qua hồ Thánh Giuse)

 

 

 

 

Nhập Cuộc Hành Trình

 

 

Phần Một

 

Hành Trình Truyền Giáo 

 

1- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Kontum: Trụ Sở Truyền Giáo Đồng Công và Giáo Điểm Đắc Pơ Gia Lai

2- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Đà Nẵng: Giáo Xứ Thuận Yên và Giáo Họ Phú Quí Quảng Nam

3- Giáo Điểm Đồng Công GP Thái Bình: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Họ Đức Long và Giáo Họ Văn Yên

4- Giáo Điểm Đồng Công GP Hưng Hóa: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Xứ Trại Sơn và Giáo Họ Đá Mài

5- Giáo Điểm Đồng Công GP Bắc Ninh: Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo ĐC và Giáo Xứ Văn Thạch 

 

Phần Hai

 

Về Nguồn Đồng Công 

 

6- Nhà Mẹ Dòng Đồng Công Thủ Đức Tổng Giáo Phận Gài Gòn 

7- Nhà Đá Giáo Phận Qui Nhơn và 50 Năm Khấn Dòng Đội IX

8- Đồng Quan Thái Bình

9-  Giáo Phận Bùi Chu

10- Liên Thủy và Trung Lễ Giáo Phận Bùi Chu

 

Phần Ba

Việt Nam 2017

 

 11- Vùng Trời Thảm Họa: Formosa Hà Tĩnh, Khuyết Tật Nghệ An, Lũ Lụt Thanh Hóa

12- Một Ngày Thành Đô: Sài Gòn và Hà Nội

 

Về Một Chuyến Đi