HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017

của Phái Đoàn Đại Diện Hội Thân Hữu Đồng Công Hoa Kỳ

 

Biên soạn: Đaminh Maria Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Phần I

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

5- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Bắc Ninh:

Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo, và Giáo Xứ Văn Thạch

 

Kim Cương Hotel,

Giáo Xứ Đại Điền,

Trụ Sở Truyền Giáo,

 Giáo Xứ Văn Thạch,

Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình Tam Đảo

 

 

Kim Cương Hotel

Tối hôm trước, về quá muộn, chúng tôi chỉ biết đi ngủ cho đỡ mệt để ngày mai lấy sức đi tiếp những chặng cuối cùng của cuộc hành trình, trong đó, chúng tôi cần phải tới một giáo điểm nữa, giáo điểm thứ 5 cũng là giáo điểm cuối cùng của chuyến đi, đó là giáo điểm Đồng Công ở Giáo Phận Bắc Ninh. Chúng tôi không cần dậy sớm vì theo chương trình chúng tôi sẽ cùng nhau cử hành Thánh Lễ sau bữa tối ở chính Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình của Giáo Phận Bắc Ninh trên đỉnh Tam Đảo.

Sáng hôm sau, theo thói quen, người viết dậy sớm, và sau mọi thủ tục thiêng liêng đầu ngày, chàng bắt đầu từ lầu hai xuống ngắm cảnh bằng cả con mắt và ống nhóm của máy chụp trên tay, hào hứng trước cảnh này tới cảnh khác, hơn nửa tiếng đồng hồ, từ hết mọi góc cạnh của khu vực Kim Cương Hotel, ở một khu vực được gọi là Đảo Ngọc Xanh nghe thật hấp dẫn này. Quả thực, vì phong cảnh ở đây xứng đáng được biến thành khu nghỉ mát (resort), mà Kim Cương Khách Sạn dù chỉ được xếp vào hạng 2-3 sao cũng đáng có phong cách sang trọng, dễ thương, đáng nhớ và đáng đến.

 

Được biết, khu khách sạn Kim Cương Hotel có 132 phòng, giá phòng có hai loại: loại 1 giá 900.000, giá phòng loại 2 giá 700.000 vnđ cho cả Ngày – Đêm. Phòng cũng khá là rộng thoáng. Chúng tôi hai người 1 phòng, giá 700.000 đồng VN, bao gồm cả điểm tâm sáng. Kể cũng rẻ, nhất là so với người Việt từ Mỹ về.

Từ trên lầu xuống hành lang chính, để rồi từ trong tiến ra ngoài, chàng tiến về phía tay trái của khách sạn, tức về phía cổng vào, ngược lại với hướng Sông Đà, nơi chàng ghé đến cuối cùng, để thưởng ngoạn một bầu khí ban mai mát mẻ trong lành đầy cảnh đẹp, bù lại thời gian miệt mài với đủ mọi việc tông đồ ở Mỹ, bao gồm cả chính chuyến hành trình này.

 

Theo tài liệu cho thấy thì Kim Cương Hotel ở trong một là khu nghỉ dưỡng sang trọng tọa lạc giữa bãi nổi của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, với không gian rộng rãi nhiều dịch vụ. Đảo Ngọc Xanh là khu du lịch giá rẻ dành cho du khách tham quan, thư giãn và giải trí. Khu vui chơi cùng nhiều trò chơi cảm giác mạnh dành cho người lớn và rất nhiều trò chơi dành cho trẻ em. Bên cạnh đó nơi đây còn có khu công viên nước sôi động. Đảo Ngọc Xanh còn có khu vật lý trị liệu, tắm khoáng tự nhiên, thư giãn giải trí, tẩm quất, massage, xông hơi, tắm thuốc lý tưởng bởi các bài thuốc dân gian. Nơi đây nổi tiếng có nguồn nước khoáng tự nhiên, nước khoáng nóng có tác dụng tẩy rửa, làm hết ngứa ngáy, khó chịu trên cơ thể. Rất tiếc phái đoàn chúng tôi không có nhiều giờ thưởng thức.

 

Từ bên cánh trái của Kim Cương Khách Sạn, nơi có cổng chính và khu vườn cảnh, người viết tiếng sang phía Sông Đà ở bên phải của khách sạn.

Sông Đà ở đoạn này khá rộng, khi ra đến nơi và nhìn về phía tay phải. Phía trái thuộc về sử hữu chủ khác, có cổng khóa cẩn thận, nơi có một chòi canh. Nếu bên cánh trái của Kim Cương Hotel là một cảnh sắc nhân tạo thì ở cánh phải của khách sạn này, nhất là ở ven bờ Sông Đà này lại là một cảnh sắc hoàn toàn thiên nhiên hữu tình và sảng khoái.

Gần đến giờ điểm tâm sáng, anh chàng thích ngắm cảnh và chụp hình cũng không thể bị ngoại cảnh chi phối đến độ làm phiền anh em trong phái đoàn phải chờ chực hay tìm kiếm. Tuy nhiên, trên đường trở lại khách sạn, chàng vẫn tiếp tục chụp những tấm hình chưa chụp ở một góc cạnh trên đường về từ hướng bờ Sông Đà...

Kể cả những góc cạnh từ ngoài khách sạn vào tới khu vực điểm tâm ở phía đằng sau, chàng cũng cố lấy cho đầy đủ hình ảnh, hầu như không thiếu một góc cạnh nào, như thể lần sau có tới thì không cần chụp cảnh mà chỉ cần chụp người thôi.

Sang tới khu điểm tâm ban sáng mà vẫn còn phải tìm phòng nào là phòng ăn của phái đoàn mình, và khi vào cửa phải trình vé điểm tâm đã được phát cho từng người tối hôm trước.

Sau điểm tâm, mọi người thu đồ ra xe. Người viết mang ra đầu tiên. Bất chợt một cô gái ở bàn tiếp khách đến sau lưng chàng, tay cầm thẻ thông hành của chàng, hỏi rằng: ông có phải là khách trọ ở phòng... không? - Thưa phải. Vậy tại sao người ở cùng phòng của ông không có dấu chấm nhập cảnh như trong thể thông hành của ông đây? - Thưa cô tôi không rõ, xin làm ơn hỏi vị ấy nhé. Thế là cô ta trở về quầy tiếp khách. Tôi tiếp tục chụp tiếp những tấm hình còn sót... trong nội cung của khách sạn này, nhất là khu hành lang chính và từ hành lang này nhìn ra bên ngoài.

Không ngờ máy đánh giầy ở Việt Nam lại có hình của chính người viết, anh chàng chụp hình ngay lúc bấy giờ. Thế mới biết máy đánh giầy này thuộc loại siêu, đánh giầy bóng đến độ có thể nói là giầy nào cho vào máy thì dù bẩn đến đâu cũng sáng láng rạng ngời như gương soi vậy... Chưa hề thấy cái máy đánh giầy như thế này ở bất cứ khách sạn nào ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu.

Không biết cô tiếp khách đến hỏi người viết lúc trước khi về lại quầy tiếp khách của mình sau đó có nhận được câu trả lời thoả đáng từ vị khách cùng phòng với tôi là Anh Phạm Cao Khiết hay chăng khi anh đến trả chìa khóa phòng và lấy lại thẻ thông hành của anh?

Chỉ biết rằng nếu anh bị trục trặc thì không thể rời khỏi khách sạn này. Bởi từ sáng sớm đã thấy bóng công an vào kiểm soát giấy tờ và hạch hỏi như thế. Vậy mới biết rằng công an VN cũng không rành về giấy tớ di trú. Sở dĩ Anh Khiết không có dấu chấm ở trong thẻ thông hành (passport) của anh là vì anh đã có dấu chấm ấy ở visa (giấy nhập cảnh) của anh rồi. Trong khi anh có hai thứ giấy tờ là thẻ thông hành (passport) và giấy nhập cảnh (visa) tách biệt nhau, thì tôi lại chung một chỗ, nghĩa là visa ở ngay trong thẻ thông hành của tôi, nên dấu chấm nhập cảnh năm 2017 ở ngay trong thẻ thông hành, nhưng ở phần visa nhập cảnh. Khác nhau có thế thôi.

Thế rồi chúng tôi đã lên xe từ giã Kim Cương Hotel sau một đêm lấy sức và dưỡng sức để tiếp tục cuộc hành trình đến giáo điểm Đồng Công ở Giáo Phận Bắc Ninh, một đoạn đường dài, nhất là đoạn leo lên đỉnh Tam Đảo trọ đêm, sau khi ghé thăm Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo của dòng và Giáo Xứ Văn Thạch.

 

Giáo Xứ Đại Điền

Phái đoàn THĐC HK hôm ấy, Thứ Bảy 14/10/2017, từ Kim Cương Hotel ở Đảo Ngọc Xanh, trực chỉ giáo điểm Đồng Công ở Giáo Phận Bắc Ninh, theo chương trình, sẽ ghé Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo của dòng và Giáo Xứ Văn Thạch, trước khi về trọ đêm ở Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình của Giáo Phận Bắc Ninh do các sơ Dòng Hiệp Nhất của giáo phận phục vụ, ở đó, sau bữa tối, phái đoàn sẽ dâng lễ trong nguyện đường ở lầu 4, và sáng hôm sau Chúa Nhật, sẽ dâng lễ ở Nhà Thờ Cổ... Con đường đi khá dài, như hôm qua từ Thái Bình đến giáo điểm Đồng Công ở Giáo Phận Hưng Hóa, nhưng dễ đi hơn và nhanh hơn, trời cũng mát hơn, hơi âm u.

 

Giáo Xứ Đại Điền ở Thôn Đại Điền, Xã Đại Đình, Huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm 6 Giáo họ: Đại Điền,

Sơn Định, Sơn Thanh,  Sơn Nam, Liễn Sơn, Hợp Châu. Giáo xứ Đại Điền thuộc giáo phận Bắc Ninh nằm trên

một vùng đất hẻo lánh của huyện Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo sử liệu thì giáo dân Đại Điền đã được đón nhận đức tin trên một trăm năm nay. Năm 1913, ngôi Thánh đường được xây dựng, giáo dân có nơi thờ phượng, đời sống Đức tin của giáo dân mỗi ngày được lớn mạnh và tăng trưởng. Nhưng đến năm 1954 vì biến cố xẩy ra các ngôi Thánh đường bị bom đánh đổ nát hầu hết giáo dân di cư vào nam, chỉ còn lại một vài gia đình sống trong cảnh bơ vơ. Đến năm 1994, giáo xứ Đại Điền được sống lại dần dần.

(Phong cảnh thanh vắng được bầu khí hương quê chung quanh nhà thờ)

Đến năm 2007, Giáo phận có đợt thuyên chuyển các Cha xứ trong đó có Cha xứ Đại Điền. Và đến ngày 10-01-2007, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt Giám quản Bắc Ninh bổ nhiệm Cha Fx Nguyễn Văn Hoàn về giáo xứ Đại Điền. Trước sự ngổn ngang bề bộn về đời sống vật chất cũng như Đức tin của người dân nơi đây, Cha đã không quản ngại khó khăn vất vả đã bắt tay vào công việc xây dựng Giáo xứ cũng như các giáo họ xung quanh. Điều lo lắng quan tâm nhất của ngài là xây dựng đời sống Đức tin của giáo dân, ngài bắt đầu mở lớp đào tạo đội ngũ giáo lý viên vào tháng 3 năm 2007 tiếp theo các lớp giáo lý cấp I, II được thành lập. Để rồi vào ngày 15-07-2007 một Thánh lễ đầu tiên vào lúc 7 giờ sáng dành riêng cho giới trẻ và thiếu nhi gồm gần 200 bạn trẻ và thiếu nhi đến từ Sơn Thanh, Sơn Đình, Liễn Sơn và Đại Điền tham dự.

(Từ bên nhà thờ sang khu nhà xứ và phòng ốc sinh hoạt của giáo xứ)

Các phòng ốc của nhà xứ, bao gồm cả chính phòng khách khang trang rộng rãi, được sử dụng cho mọi sinh hoạt của giáo xứ, với con số giáo dân trên dưới 1250 đầu người, nhưng vẫn không đủ chỗ, nhất là cho giới trẻ học giáo lý và sinh hoạt. Anh phụ trách Vũ Xuân Tường (Huyên - tên dòng), mới thay cho Anh Nguyễn Anh Linh từ Tháng 6/2017, đang tính sử dụng món quà hiện kim của phái đoàn THĐC HK để thiết lập một nơi chốn học hỏi cho giới trẻ v.v.

(trở về lại bên khu nhà thờ trước khi ra xe đến trụ sở truyền giáo của dòng)

Một biến cố đặc biệt đã diễn ra ở Giáo Xứ Đại Điền vào ngày 09/07/2012, đó là liên xứ Đại Điền và Văn Thạch, 2 giáo điểm truyền giáo của dòng Đồng Công, hân hoan đón chào Cha Tân Chánh Xứ Gioan Baotixita Maria Vũ Đình Tới và Cha Tân Phó Xứ Giuse Maria Nguyễn Đức Huy (vị này đã được chuyển sang phụ trách ở giáo đểm Đồng Công GP Hưng Hóa), cả hai đều là linh mục của Dòng Đồng Công. Chưa bao giờ hai giáo xứ nơi miền sơn cước này lại chào đón Cha Xứ và Cha Phó trong một ngày như vậy.

 

Trụ Sở Truyền Giáo

 

Rời Giáo Xứ Đại Điền, phái đoàn THĐC HK được chở về trụ sở truyền giáo của dòng, cách nhà thờ khoảng 15 phút lái xe, băng qua đoạn đường làng mà xe đò hạng lớn không thể đi được, như năm ngoái xẩy ra với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương, cần phải sang xe trung chuyển hay xe gắn máy. Năm ngoái từ Giáo Xứ Đại Điền đến trụ sở truyền giáo của dòng chiếc xe trung chuyển cần phải lội qua suối nước bởi cây cầu bấy giờ bị sập. Năm nay chiếc cầu này đã được sửa chữa cho xe qua lại bình thường trên lũng suối gần cạn hết nước.

 

Từ đường vào trụ sở nhà dòng nhỏ hẹo nên chiếc xe 30 chỗ ngồi chở phái đoàn phải đậu sát vào một bên lề đường chờ đợi, ngay trước khu Nhà Văn Hóa Thôn Sơn Phong (một khu nhà văn hóa đi khắp nước Việt Nam đều có như vậy, ở mọi cấp, thôn, xã, huyện, tỉnh v.v.), bên kia đường là một khu giữ trẻ.

Anh em xuống xe đi bộ vào khoảng mấy trăm thước, không xa.

 

 

 

 

 

 

 

Trụ sở truyền giáo của Dòng Đồng Công ở Giáo Phận Bắc Ninh chính là Tu viện Đức Mẹ La Vang, nơi được

 

thành Lập vào ngày  27/10/2012, tại Thôn Sơn Phong, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh em

 

dòng cư ngụ ở đây nhưng phục vụ ở các giáo điểm truyền giáo xa nhau, cần phải ở tại chính địa phương đó,

 

như Giáo Xứ Văn Thạch (hiện anh Triết đang phục vụ) hay ở Sông Gâm ("uống nước sống gâm không câm

 

cũng đíếc"), nơi  Anh Huyên / Tường cũng đã từng phục vụ và quen biết.

 

 

 

 

 

 

 

 

So sánh trụ sở truyền giáo của dòng ở giáo phận Bắc Ninh (từ 2012) này với trụ sở truyền giáo mới mẻ (từ năm 2016/2017) ở Giáo Phận Hưng Hóa thì quả thực khác nhau thật nhiều. Thế nhưng, với tinh thần truyền giáo kèm theo khả năng kiến thiết xây dựng của anh em Đồng Công, từ từ, chẳng bao lâu, những gì hoang tàn sẽ được biến thành những cơ sở khang trang, bao gồm cả giáo xứ, giáo họ và trụ sở, như đã xẩy ra ở các giáo điểm truyền giáo của dòng từ nam ra bắc.

 

 

 

 

 

 

 

Anh Huyên thay anh em dòng ngỏ lời cám ơn phái đoàn THĐC HK đã ghé thăm giáo điểm truyền giáo của dòng ở Giáo Phận Bắc Ninh. Đáp lại, đại diện cho chung phái đoàn, em tâm phương đã trao tặng món quà truyền giáo bằng hiện kim để phần nào đáp ứng nhu cầu truyền giáo của dòng ở cả 3 nơi Đại Điền, Văn Thạch và Sông Gâm.

 

 

 

Ngay trong bữa trưa và trước khi rời trụ sở để đi có công chuyện, Anh Nguyễn Anh Linh đã nói với em ngay trong bàn ăn trước mặt mọi người rằng món quà Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương tặng cho dòng từ năm 2016 vẫn còn và đã được trao lại cho Anh Huyên/Tường để tùy nghi sử dụng.

 

 

 

Sau khi cùng nhau thu dọn bữa trưa theo tinh thần bình dân của dòng là "không hưởng thụ nhưng phục vụ - non ministrari sed ministrare" (Mathêu 20:28), phái đoàn THĐC HK đã được quí anh mời vào từng phòng đã được dọn sẵn đầy đủ cho cả phái đoàn nghỉ trưa một chút (45 phút), trước khi lên đường đến Giáo Xứ Văn Thách là nơi đang được Anh Nguyễn Văn Mộng Diễm (tên đời) tức Anh Triết (tên dòng) đang phục vụ nhưng mãi tới 3 giờ anh mới có mặt tại nhà xứ.

 

 

 

 

 

 

Giáo Xứ Văn Thạch

 

Đường từ trụ sở truyền giáo của dòng đến giáo điểm truyền giáo khác của dòng là Giáo Xứ Văn Thạch cũng không khó đi cho lắm, nhưng mầu sắc nghèo khổ hầu như về đủ mọi phương diện của miền thượng du Bắc Việt vẫn nhuốm đầy giẫy ở hai bên đường quê thô sơ bần cùng

 

 

Trên đoạn đường dẫn phái đoàn THĐC HK từ trụ sở truyền giáo của dòng đến Giáo Xứ Văn Thạch, Anh Tường cũng là Anh Huyên (tên dòng) kể cho anh em nghe về cái thách đố của việc truyền giáo ở Giáo Phận Bắc Ninh này: 1- dân chúng nói chung, bao gồm cả tín hữu Công giáo còn tin dị đoan rất nhiều, đến độ một khi họ đã xem ngày lành tháng tốt thì cha phải làm lễ cưới hay lễ mồ cho họ, bằng không họ cũng chẳng cần;

2- thậm chí có cả Chùa của người Công giáo, như ở Tam Đảo, theo Anh Nhất Tiến và Anh Thiên Khải, có một cựu tu sĩ Đồng Công tên là Đường, đội XIII ở Việt Nam, người bảnh bao và có tài ăn nói, đã lập gia đình và làm sư trong chùa, nhưng khi giảng dạy về Phật thuyết thì nghe nói bao giờ cũng cầm cuốn Phúc Âm v.v.; 

3- Đồng bào thiểu số còn theo thứ văn hóa rượu, tức là thằng con rể nào mà uống rượu với bố chồng say đến độ nằm liệt ra đó, không đi được nữa, thì mới là thằng chồng giỏi, bởi như thế chứng tỏ bên nhà vợ đã biết yêu thương chiều chuộng con rể, khiến người vợ cũng hãnh diện với buôn làng;

4- Thế nhưng, anh em đồng bào thượng vẫn giữ được truyền thống "đa tử đa tôn đa phú quí", không phá thai, trái lại, họ rất thắc mắc là tại sao gà vịt heo lợn sinh nhiều con thì thích mà người ta sinh nhiều con lại buồn!?

5- Giáo dân ở Giáo Xứ Văn Thạch, tuy ít hơn Giáo Xứ Đại Điền, nhưng có vẻ trí thức hơn giáo dân đơn sơ quê mùa ở Giáo Xứ Đại Điền.

Đây là chàng Nguyễn Văn Mộng Diễm ngăm ngăm đen nhưng trông thật là khỏe mạnh cường tráng về cả thể xác lẫn tâm hồn, chàng tu sĩ Đồng Công được gần gũi với Đấng Sáng Lập Đaminh Maria Trần Đình Thủ cho tới giây phút cuối cùng, như chàng đã tiết lộ cho người viết biết từ lần gặp nhau năm ngoái khi người viết đến thăm giáo họ Văn Thạch, một giáo họ mới được nâng lên bậc Giáo Xứ vào tháng 6/2017 vừa rồi. Tân cha xứ Giáo Xứ Văn Thạch tên Triết (trong dòng) đã đích thân xuống tận nơi để nghênh đón phái đoàn THĐC HK ghé thăm.

Giáo Xứ Văn Thạch ở Thôn Đại Điền, Xã Đại Đình, Huyện Tam Đảo, Tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm 4 giáo họ là Hồng

Đường, Gia Cát, Quang Yên và Ngọc Mỹ. Giáo xứ Văn Thạch thuộc huyện niềm núi tỉnh Vĩnh Phúc, cách xa giáo

phận 130 km về hưóng Đông.

 

Theo sử liệu thì đây là một Giáo Xứ tưởng chừng như bị xóa sổ trong 50 năm qua. Trước năm 1954 Giáo xứ vẫn có 2 Cha coi sóc và một nữ tu. Khi 2 Cha qua đời và một nữ tu bị bom đánh tung xác, nhà thờ nơi biểu tượng của đức tin cũng bị sụp đổ thì niềm tin của giáo dân ngày càng đi xuống, thiết tưởng giáo xứ như đã xóa sổ cả.

 

Dẫy mái hàng hiên hai bên nhà thờ là những gì mới làm, năm ngoái người viết đến thì chưa có. Những kiến thiết thêm này làm cho ngôi nhà thờ càng xứng đáng được nâng lên hạng giáo xứ thay vì giáo họ.

Cổng ở trên đầu nhà thờ, bên phía phải, nhìn xuống nhà dân. Cảnh sắc một năm sau của nhà thờ Giáo Xứ Văn Thạch này đã nhuốm mầu sắc tươi mới và sáng sửa hẳn lên, không còn vẻ tiêu điều và hơi u ám cổ thời nữa.

Tuy hiện nay giáo dân đã lên tới 700 nhân danh, nhưng phần lớn giáo dân ở xa nhà thờ, nhiều gia đình cách nhà thờ 2 cây số hay hơn, vì vậy việc sống đạo của giáo dân gặp nhiều khó khăn. Cha tân chánh xứ, năm ngoái đã cho Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương biết rằng ngài phải chạy đến tận những nơi xa xôi để cử hành Thánh Lễ cho những anh chị em nào không thể tới được bởi đường xá xa xôi cách trở.

Trong khuôn viên nhà thờ còn có tượng đài Đức Mẹ và một cái tháp thật cao, khiến cho phong cảnh lại càng trở nên hấp dẫn và uy nghi hơn. Năm ngoái chưa thấy có những sự này. So sánh với khu vực nhà thờ Giáo Xứ Đại Điền là nơi phái đoàn THĐC HK ghé thăm trưa nay thì khuôn viên Nhà Thờ Giáo Xứ Văn Thạch có vẻ thoáng hơn, tân hơn và vươn lên hơn.

 

Hầu như ở đâu, Đồng Công ta cũng có một dịch vụ ăn tiền đó là free nước lọc, như chúng ta đã thấy ở giáo điểm Giáo Xứ Thuận Yên Quảng Nam Giáo Phận Đà Nẵng, Giáo Xứ Văn Thạch ở Giáo Phận Bắc Ninh này cũng thế.

Sau khi đi tham quan nhà thờ và khuôn viên nhà thờ, anh em kéo nhau về phòng khách của giáo xứ giải khát và hàn huyên tâm sự, bao gồm cả các bà veronica trong giáo xứ nữa.

Trong câu chuyện chợt xẩy ra một vấn nạn được nêu lên cho các bà, đó là các bà thích cha triều hay cha dòng về coi giáo xứ của các bà ở Văn Thạch này. Câu trả lời liền đồng thanh đáp lại rằng - "các cha dòng"? Tại sao vậy? - "vì các cha dòng chịu khó hơn!". 

Trong khi các cha dòng ngồi ở đấy bấy giờ mát lòng hả dạ thì có cha triều duy nhất là Cha Trần Khả, Chánh Xứ Giáo Xứ Thánh Maximilian Kolbe ở TGP Galveston-Houston TX đang ngồi đó chẳng những không buồn mà còn thấy nhận xét của các bà chính xác nữa. Bởi nhờ tinh thần bình dân phục vụ của Đồng Công mà chính ngài cũng đã được lòng dân từ hết giáo xứ này đến giáo xứ nọ ở TGP Galveston-Houston TX.

Vào ngày 22/10/2017, thời điểm phái đoàn THĐC HK đã về lại Mỹ, đoàn khám bệnh từ thiện bao gồm các y- bác sĩ của phòng khám S.A.R.A Đạo Ngạn, thuộc Hội Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất Giáo Phận Bắc Ninh đã đến với giáo xứ Văn Thạch, một địa điểm mà chúng tôi chọn để thực hiện chương trình khám bệnh từ thiện trong tháng 10 năm nay. Sau gần 3 giờ đồng hồ phục vụ ở đây, một sơ trong đoàn y tế bày tỏ trong một bài viết như thế này:

 

"Theo như được biết, Giáo xứ Văn Thạch - Giáo phận Bắc Ninh, là một giáo xứ còn nhiều khó khăn, nhất là đời sống đức tin của bà con nơi đây đã phải trải qua nhiều năm thiếu vắng linh mục chính xứ coi sóc. Hiện nay, giáo xứ đã được linh mục Gioan Euđê M. Nguyễn Văn Mộng Diễm thuộc Dòng Mẹ Cứu Chuộc coi sóc. Vì thế mà đời sống đức tin của bà con dần được vững vàng, số người trở lại đạo ngày càng đông. Hiện nay, số nhân danh trong toàn giáo xứ lên đến 700 người".

Phái đoàn THĐC HK rời Giáo Xứ Văn Thạch khoảng 5 giờ chiều, và đã cố gắng lên Tam Đảo sớm bao nhiêu có thể, cho dù chỉ còn 1 tiếng nữa là trời bắt đầu tối, mà đường đèo lại dốc dác quanh co ngoằn nghèo khó đi càng tăm tối càng nguy hiểm, có chỗ còn hơn cả đèo ngoạn mục hay còn gọi là đèo Sông Pha là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam, nằm trên Quốc lộ 27, nối liền 2 tỉnh Ninh Thuận  Lâm Đồng, men theo những sườn núi nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ giữa các tỉnh Tây Nguyên  Duyên hải Miền Trung.. Thế nhưng, cả hai tài xế của chiếc xe chở phái đoàn cho biết leo đèo ban tối dễ hơn ban ngày vì có đèn xe ngược chiều để mà tránh né. 

Đường đèo càng lên cao càng mờ tối, lại còn sương mù bao phủ chung quanh nên cảnh vật càng mờ mịt

Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Ngọn cao nhất có độ cao chót vót là 1.591 tDãy núi Tam Đảo hình thành cách đây 230 triệu năm do hoạt động của núi lửa phun trào dung nham làm nhiều đợt chồng lên nhau. Dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, dài chừng 80 km, rộng từ 10 đến 15 km. Do tương đối dốc đứng, nên trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước. Thác Bạc có độ cao 50 t, nước sối xuống tung bọt trắng ngay cả vào mùa khô. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 36.883 ha nằm trọn trong dãy núi này.

 

Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình Tam Đảo

 

Tại ngã ba đường này, chúng tôi hỏi đường lên Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình. Theo trí nhớ từ năm ngoái, thì người viết cho rẽ trái, và đã được dân cư bên đường xác nhận như thế.

Khi xe của chúng tôi đậu ngay bên cạnh Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình thì thấy qua cửa sổ các sơ đang dùng bữa tối. Bởi thế, chúng tôi nhận phòng, cất hành lý và chờ bữa. Không ngờ, thời gian chờ đợi kéo dài hơn bụng đói, đến 45 phút. Biết thế chúng tôi đã cử hành Thánh Lễ trước khi dùng bữa. Tuy nhiên, chính các sơ cũng chưa dự Thánh lễ. Nên đành chờ nhau. Chộp lấy cơ hội, tôi ra ngoài chụp quang cảnh Tam Đảo về đêm, nhũng tấm hình không thể nào chụp được ban ngày, dù trời đẹp mấy chăng nữa.

Được báo tới bữa tối, chúng tôi kéo tới phòng ăn, bên cạnh phòng khách và ở ngay bên ngoài nhà bếp. Bữa ăn tối ở đây giá 100 ngàn đồng VN, và bữa điểm tâm là 50 ngàn đồng VN. Phòng ngủ hai người giá 750 ngàn đồng VN một đêm. Tuy có vẻ mắc hơn Kim Cương Hotel ở Đảo Ngọc Xanh đêm hôm qua, một nơi đẹp đẽ và sang trọng hơn, nhưng giá ở một nơi du lịch Tam Đảo thì lại là giá phải chăng. Vả lại, ở một nơi của Giáo Phận Bắc Ninh như thế này, năm ngoái Nhóm TĐCTT chúng tôi đã tặng mấy bao thư khác nhau còn hơn số tiền cần phải tri trả gấp mấy lần.

Sau bữa tối, chúng tôi còn được cả nửa tiếng nữa để tiêu cơm và cho đủ giờ hiệp lễ. Đánh răng xong, tôi lên ngay nguyện đường ở lầu 4 và ra ngoài hành lang bên nguyện đường để chụp hình từ trên cao xuống.

Các sơ Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất Giáo Phận Bắc Ninh dọn lễ và cùng tham dự Thánh Lễ tối hôm ấy, trong khi nhóm 10 cặp trẻ từ Hà Nội lên để tham dự Khóa Dự Bị Hôn Nhân cuối tuần, lên từ chiều Thứ Sáu, cũng đang sửa soạn sinh hoạt ở hội trường lầu 4 gần nhà nguyện.

Thánh lễ sáng hôm sau, Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, được cử hành vào lúc 6 giờ sáng, tại Nhà thờ Đá Tam Đảo, ở ngay phía dưới sườn núi. Từ Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình xuống nhà thờ, người viết tiếp tục lấy thêm những tấm hình cảnh vật Tam Đảo vừa tảng sáng.

Lối xuống nhà thờ qua nhiều bậc thang đá viền theo sườn đất từ Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình

Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình từ lối xuống sân nhà thờ nhìn lên

Được biết Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là 1.591 m. là một thung lũng hình lòng chảo. Ở đây có một ngọn núi có tên gọi Nhà Thờ, vì sát chân núi nầy có một ngôi nhà thờ bằng đá cổ.

Theo tài liệu có được thì Nhà thờ đá Tam Đảo được xây dựng trên một triền đất cao. Mô hình kiến trúc Gothic với thiết kế không có trụ, mái vòm rộng 12 x 22m, tầng trên là gian nhạc ca đoàn nối với gian tháp chuông có độ cao 18m. Hình dáng nhà thờ cao và thuôn, nhìn từ xa rất dễ nhận thấy. Các vòm sau nổi bật với màu vàng, tím, trắng. 14 Đàng Thánh giá treo dọc hai bên thánh đường trên từng khoang nhỏ rộng 2m. Tường xây cuốn mang hình cánh hoa to đựng nước phép được xây dựng bên cạnh bậc lên xuống nhà thờ.

Thánh lễ mới bắt đầu thì có một nhóm trẻ khoảng 13 cặp cũng kéo nhau tới tham dự. Chắc phần đông trong họ (10 cặp) được các sơ cho biết giờ lễ của phái đoàn THĐC HK. Thời điểm phái đoàn THĐC HK lên trọ đêm ở đỉnh cao Tam Đảo này thì thấy hầu như toàn là giới trẻ, thường đi có cặp, hầu hết bằng xe gắn máy. Trong đó có 10 cặp nam nữ từ Hà Nội đến Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình ở của Giáo Phận Bắc Ninh, nơi phái đoàn THĐC HK trọ, để học hỏi khóa dự bị hôn nhân. Được biết hơn một ngàn dân cư sống ở trên đỉnh cao Tam Đảo càng ngày càng xây cất và phát triển về vật chất này, chỉ có duy 3 tín hữu Công giáo mà thôi.

Ba cha chụp chung với cộng đoàn dự lễ và chụp riêng với giới trẻ

 

Giới trẻ tràn đầy chung quanh ngôi nhà thờ, nhất là vào ban sáng và ban tối mát mẻ để ngắm cảnh và chụp hình. Trong số 13 cặp nam nữ dự lễ sáng hôm ấy ở ngôi nhà thờ cổ trên 100 năm do Pháp để lại, chỉ có 3 em nam và 1 em nữ lên rước lễ! Phải chăng đó là một trong những lý do cho thấy quả thực Việt Nam, theo thống kê, và tỷ lệ, là một nước phá thai nhiều nhất thế giới, và có nhiều nghĩa trang thai nhi có thể nói nhất trên trái đất này, một trong những nghĩa trang đó ở trong nghĩa trang Nhà Thờ Nhà Đá Qui Nhơn tôi đã thấy năm 2016

Vì các sơ cũng dự lễ chung với phái đoàn THĐC HK nên các sơ cần giờ nấu ăn cho nóng và dọn bữa sẵn sàng. Trong khi chờ đợi bữa diểm tâm cả nửa tiếng đồng hồ, lợi dụng dịp may hiếm có, người viết tiếp tục chụp thêm những tấm hình khác nữa ở trên đỉnh Tam Đảo thiên nhiên này, những tấm hình mà năm ngoái đi với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) người viết chưa có đủ giờ để lưu niệm. Trước hết, ở khu hành lang chính, đã có một số trưng bày tiện nghi đáng kể hơn, bao gồm cả quầy kỷ vật và giải khát, so với năm trước khi Nhóm TĐCTT đến thì Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình này mới khánh thành được gần 1 tháng rưỡi (8/8/2016 - 20/9/2016), còn trống trải, ngoài một bàn dài ở giữa phòng cùng với hai hàng ghế hai bên, để tiếp khách thế thôi.

Ở ngay bên ngoài cửa ra vào chính của Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình là một khuôn sân năm nay đã trở thành nơi cho các xe gắn máy đậu. Ở ngay bên dưới khuôn sân này là đường lên bãi đậu xe ở đằng đầu nhà, các loại xe hơi cũng đậu ngay chỗ đó. Ở sát đầu nhà phía trên parking đậu các loại xe khách lớn, còn có cả một cái nhà kiêm hàng quán bán thực phẩm kiêm giữ xe, nơi được các sơ cho rằng Giáo Phận đang điều đình giải quyết v.v.

Ở dưới chân tượng đài Đức Mẹ, còn có hai tấm bảng liên quan đến chính bức tượng và bản kinh hợp với bức tượng. Ngày 10 tháng 1 năm 2016, đức hồng y  Reinhard Marx, chủ tịch hội đồng giám mục Đức trong chuyến thăm và dâng lễ tại thánh đường Tam Đảo, ngài đã tặng trung tâm hành hương Tam Đảo bức tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình. Mẹ Nữ Vương Hòa Bình được đặt tại mặt tiền nhà hành hương nhìn ra thị trấn Tam Đảo để cầu bầu và chúc lành cho thị trấn luôn được bình yên, nhất là những ai  đến xin ơn bình an với Mẹ. Trong chuyến thăm mục vụ giáo phận Bắc Ninh ngày 24/7/2016, đức tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam cũng ghé thăm trung tâm hành hương Tam Đảo.

Bữa điểm tâm được diễn ra thật ngon lành, với một tô hột vịt lộn ngon lành, mỗi người 2 trái cho một bàn 6 người. Chưa từng thấy chuyện điểm tâm với hột vịt lộn, dù hột vịt lộn chỉ là món phụ, kèm theo món chính là phở. Ở Mỹ mua 1 quả trứng vịt lộn mất 1.50 MK (hai trái là 3.00 MK) và một tô phở nhỏ cũng 7.00 MK, tổng cộng là 10 MK. Thế mà bữa điểm tâm ở đây, một nơi du lịch Tam Đảo nổi tiếng, chỉ có 50 ngàn đồng VN, tức chưa đầy 2.50 MK. Quá rẻ. Chưa kể đến việc phục vụ không tip, chưa kể một thày trẻ coi sóc ở đây đích thân pha cà phê và trà cho phái đoàn THĐC HK uống sau điểm tâm nữa.

Sau điểm tâm, người viết xong sớm về phòng mang ngay hành lý ra xe để tận dụng những giây phút còn lại cuối cùng ở Tam Đảo chụp thêm cảnh vật ở bờ núi gần và bên trên chỗ parking xe đậu, nơi người viết tìm cách leo lên trên ấy, cao ngang với nóc của Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình. 

Theo tư liệu thì vào năm 1902, người Pháp đã khám phá ra thung lũng rộng 253 hecta, trên độ cao 900 mét, một ngày có bốn mùa xinh đẹp tuyệt vời ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nầy. Họ nhanh chóng bắt tay biến Tam Đảo thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương, dành cho các quan chức của họ. Dưới bàn tay của những người phu bản xứ, người tù thường phạm, người tù chính trị, qua sự cai quản của Pháp, dần dần Tam Đảo mọc lên 145 tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ, sân thể thao, sàn nhảy, hồ bơi, nhà thờ, trên những con đường lượn qua các đồi dốc cao thấp thơ mộng. Đó là quyết tâm của người Pháp biến Tam Đảo mang vẻ đẹp phương Tây lãng mạn, là Đà Lạt xứ Bắc, một “Hòn ngọc Đông Dương”. Tuy nhiên, qua chiến tranh, những công trình thấm đẫm mồ hôi, máu và xác người bản xứ ấy đã bị tiêu vong, một số chỉ còn có cái “xác”, ngoại trừ mỗi ngôi nhà thờ.

Theo sử liệu thì Nhà thờ Tam Đảo nằm ở trung tâm khu nghỉ mát thị Trấn Tam Đảo, tọa lạc trên độ cao khoảng 1,300m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thường thấp hơn 5-7 độ so với khu vực Hà Nội. Tam Đảo được người Pháp phát hiện và xây dựng thành khu nghỉ mát từ những năm đầu thế kỷ XX. Nơi đây đã từng có một ngôi thánh đường và 150 ngôi biệt thự trong thời kỳ pháp thuộc, nhưng cho đến nay chỉ còn duy nhất ngôi thánh đường là sót lại. Trải qua nhiều thập kỷ, giáo họ Tam Đảo đã có những năm tháng do chiến tranh không còn cha xứ, cộng đoàn tín hữu đã phải đi sơ tán mọi nơi. Ngôi thánh đường đã trở thành nơi vui chơi giải trí, sàn nhảy và quán bar do Công đoàn lao động khu Tam Đảo quản lý.

Cũng theo sử liệu thì Nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Ban đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Nhà thờ cổ có hai tầng với tầng nền cao 10m. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, ở hai bên sườn nhà với những bậc đá dẫn lên tầng trên. Lên tầng 2 sẽ có một khoảng sân rộng có thể chứa được 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi khi hoàng hôn về. Bên trong nền tầng hai có một tòa thánh đường rộng 286m2 (dài 26m, rộng 11m) được xây dựng từ năm 1937 để giáo dân xứ Tam Đảo làm lễ cầu kinh, liền đó là gian tháp chuông cao vút đứng chọc trời.

Sử liệu cho biết trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến của cách mạng Việt Nam, nhân dân đã di tản khỏi thị trấn, mọi biệt thự đều bị phá hủy; riêng nhà thờ được Bác Hồ chỉ thị phải giữ nguyên vẹn, không được xâm phạm vào tín ngưỡng của dân... nhờ vậy giữ được một kiến trúc đậm nét văn hóa. Từ năm 1954, chính quyền trưng dụng nhà thờ vào việc công.

Theo một nguồn sử liệu nữa thì vào ngày 8-9-1912, Hội Đồng Tỉnh Hạt Dòng Đa Minh ( chi Manila ) chấp thuận cho xây một nhà nghỉ mát trên núi Tam Đảo ( cao 1000 m ) cách Hà Nội 48 km, dùng làm nơi nghỉ ngơi,dưỡng sức cho các cha Dòng thuộc ba giáo phận Đông, Bắc, Trung ( Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu ). Việc xây dựng nhà nghỉ Tam Đảo, nằm trên địa hạt Giáo Phận Bắc Ninh, khởi công vào tháng I-1914, do cha Brevion, một kiến trúc sư, thuộc Phủ doãn Lạng Sơn phụ trách. Ngôi nhà dài 50m , 22 phòng, một nhà Nguyện,một phòng ăn, một phòng họp và nhiều nhà phụ thuộc. Về sau, cha Gallego Nam được trao nhiệm vụ xây một ngôi thánh đường kiểu Romain rất đẹp tại khu nghỉ mát này ( khánh thành 4-7-1940 ) 

Và theo tin tức của Giáo Phận Bắc Ninh thì vào ngày 8-8-2008, ngôi nhà thờ lịch sử cả trăm năm này đã được trao trả ban Hành giáo xứ Vĩnh Yên. Và Đức cha giáo phận Bắc Ninh đã cử hành làm phép lại cho ngôi nhà thờ, khởi công trùng tu, đặt tên cho nhà thờ là “Nữ vương Hòa bình”. Ngày 02-9-2008, đức cha Cosma cùng quý cha và với hơn 2.000 giáo dân tham dự đã dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và thánh hiến lại ngôi nhà thờ. Từ đó tiếng chuông nhà thờ lại được vang lên mỗi ngày. Khách hành hương đi Tam Đảo lại có thể tham dự thánh lễ và thăm viếng ngôi nhà thờ cổ kính rất linh thiêng đã từ lâu không được sử dụng đúng mục đích. Nơi đây cũng là địa điểm hành hương, du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài nước, trong đó có phái đoàn TĐCTT vào ngày 20-21/9 Năm Thánh Thương Xót 2016 và phái đoàn THĐC HK Năm Thánh Mẫu Fatima Bách Niên 2017 vào ngày 14-15/10 mà người viết được hân hạnh ở trong cả hai phái đoàn. 

Người Anh Nguyễn Thiên Khải, CRM, Đội XII-6/8, vị linh mục Trưởng Ban Xã Hội của Nhà Mẹ ở Thủ Đức, thay cho Anh Phạm Cao Đích, CRM, Tổng Cố Vấn III đặc trách truyền giáo của Dòng, đã làm tour host trong chuyến hành trình của phái đoàn THĐC HK.

Người Anh Lê Nhất Tiến, Đội XIII-3/8, vị linh mục đặc trách Gia Đình Tận Hiến Đồng Công Việt Nam, một cha sở lưu động coi sóc một giáo xứ lớn rộng nhất, bao gồm cả nước Việt Nam, với số giáo dân (theo kiểu thể nhân) đông nhất các giáo xứ VN (52 ngàn phần tử GĐTHĐC), đã đồng hành với phái đoàn THĐC HK, với vai trò là tour guide, phụ với tour host Thiên Khải, và đã sử dụng ngoạn mục biệt tài ngoại giao của mình để giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề bao gồm cả trục trặc liên quan đến vấn đề ăn uống và ngủ nghỉ cùng địa điểm nơi chốn viếng thăm của phái đoàn. Hẹn tái ngộ anh trong chuyến hành trình truyền giáo xuyên Việt năm 2019 của GĐTHĐC cũng vào Tháng 10 là tháng truyền giáo của Giáo Hội như năm 2017 này nhé.

Anh Linh mục THĐC John Trần Khả, Chánh Xứ Thánh Maximilian Kolbe ở TGP Galveston-Houston TX, người anh Đội XI đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của người viết về chuyến hành trình này. Anh là vị linh mục THĐC đã được mời về Nhà Mẹ giúp dạy thần học, nên đi đến giáo điểm nào của dòng anh cũng được gọi là "cha giáo" và được mời giảng. Đến đâu anh cũng có quà, kể cả cho các cha, các thày, các em thiểu số, các em khuyết tật v.v. Qua chuyến đi này, anh đã cảm thấy nhu cầu truyền giáo của dòng, ngoài nhu cầu kiến thức thần học, cần hơn bao giờ hết, và anh đã chủ động đáp ứng trong Nhóm THĐC HK ngay sau khi anh trở về giáo xứ của anh.

Anh em trong phái đoàn thảnh thơi thoải mái trước khi lên xe để hạ sơn tiếp tục cuộc hành trình, cuộc hành trình đã qua 5 giáo điểm của dòng, nay đến các gốc điểm lịch sử của dòng, nên phái đoàn sẽ từ Tam Đảo tiến về Bùi Chu trọ đêm, hôm sau sẽ thăm một số điểm mốc lịch sử của dòng trước khi từ Hà Nội hôm sau về lại Hoa Kỳ vào ngày 17/10.

Cuộc "hạ sơn" của phái đoàn THĐC HK từ trên đỉnh Tam Đảo còn nguy hiểm hơn cả khi lên nữa, bởi bị hạn chế sử dụng thắng xe, kẻo bị khét thắng thì nguy, mà đã hạn chế thắng trong khi xuống dốc có nghĩa là cho xe theo đà thả dốc một cách tự nhiên hơn là đạp ga. Việc quan tâm đến chuyện xe xuống dốc, tuy nhiên, cũng không thể làm cho anh em quên ngắm cảnh chung quanh đường đèo, bao gồm từ trên khu phố Tam Đảo trở xuống, một khu phố vẫn đang trên đà phát triển qua nhửng tòa nhà tiếp tục được xây lên.

Từ trong xe chụp lên nhà thờ qua các bức tường đá mới thấy ngôi nhà thờ Đá này vững chắc như một thành trì.

Khi xuống núi, chúng tôi đã chứng kiến thấy một đám xe gắn máy của giới trẻ dừng lại giữa đường gây ra bởi một tai nạn xe gắn máy của họ đụng nhau, và hình ảnh một cặp trẻ dìu nhau cố gắng từ quị ngã đứng lên sau tai nạn phải chăng tiêu biểu cho giới trẻ theo đà hướng hạ tự nhiên của con người vướng mắc nguyên tội vừa dễ sa ngã nhưng cũng vẫn chỗi dậy tiến lên bằng nhiệt huyết đầy lạc quan hy vọng của tuổi trẻ...

Cây cầu này là mốc điểm bắt đầu vào Tam Đảo National Park. Chiếc xe 30 chỗ chở phái đoàn THĐC HK không bị trục trặc gì khi xuống núi Tam Đảo, lúc lên cũng vậy. Thế nhưng, sau khi rời Tam Đảo, đi được một khoảng không lâu, tài xế bắt đầu thấy xe có chuyện - máy lạnh không chạy nữa. Thế là xe đã phải ngừng dọc đường xem sao. Thì ra cái fuse (cầu chì) của máy lạnh bị cháy. Xe đã cố chạy tới một quán nghỉ, và đã may mắn có chiếc xe vận tải dài mấy chục bánh xe đậu bên cạnh ở ngay quán nghỉ đó cung cấp cho một cái cầu chì khác thay thế. Nhờ thế mà sau đó chiếc xe chở phái đoàn đã có thể chạy lại bình thường cho đến cuối cuộc hành trình. Chắc có lẽ "sự cố" cháy cầu chì máy lạnh trong xe cũng có thể bị ảnh hưởng bởi đường đèo Tam Đảo dốc dác, nhất là khi cái cầu chì này đã sắp tới giờ cần thay.

Trong chuyến Hành Hương Thời Điểm Fatima 2017 cũng thế, chiếc xe 64 chỗ ngồi chở 58 anh chị em TĐCTT chúng tôi lên đỉnh thiêng La Salette Pháp quốc chiều hôm 18/5/2017 đã bị bể ống nước, may nhờ chiếc xe sửa đường giúp mua ống nước khác thay thế...

Đó là ý nghĩa của những gì được gọi là "đồng hành", là tương trợ, như cặp giới trẻ bị ngã xe gắn máy khi xuống đèo mà chúng tôi đã nhìn thấy đang vực nhau lên, và chắc theo ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu khi sai 72 môn đệ đi rao giảng đã sai các vị đi cứ hai người một, và tính cách đồng hành này đã trở thành thói quen bất di bất dịch của các vị, đến độ cả khi các vị chán nản bỏ cuộc sau biến cố Khổ Nạn và Tử Giá của Thày mình, các vị cũng cứ đi hai người với nhau như thế (xem Luca 10:1; 24:13).

Phái đoàn THĐC HK chẳng những đồng hành 2 người mà còn tới 8 người với nhau trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017 này.

 

 

Phần Một

 

Hành Trình Truyền Giáo 

Nhập Cuộc Hành Trình

1- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Kontum: Trụ Sở Truyền Giáo Đồng Công và Giáo Điểm Đắc Pơ Gia Lai

2- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Đà Nẵng: Giáo Xứ Thuận Yên và Giáo Họ Phú Quí Quảng Nam

3- Giáo Điểm Đồng Công GP Thái Bình: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Họ Đức Long và Giáo Họ Văn Yên

4- Giáo Điểm Đồng Công GP Hưng Hóa: Giáo Xứ Trại Sơn, Trụ Sở Truyền Giáo và Giáo Họ Đá Mài

 

5- Giáo Điểm Đồng Công GP Bắc Ninh: Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo và Giáo Xứ Văn Thạch 

 

Phần Hai

 

Về Nguồn Đồng Công 

 

6- Nhà Mẹ Dòng Đồng Công Thủ Đức Tổng Giáo Phận Gài Gòn 

 

7- Nhà Đá ở Giáo Phận Qui Nhơn và 50 Năm Khấn Dòng Đội IX

 

8- Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình

 

9- Giáo Phận Bùi Chu

 

10- Liên Thủy và Trung Lễ Giáo Phận Bùi Chu  

 

Phần Ba

 

Việt Nam 2017

 

 11- Vùng Trời Thảm Họa: Formosa Hà Tĩnh, Khuyết Tật Nghệ An, Lũ Lụt Thanh Hóa

12- Một Ngày Thành Đô: Sài Gòn và Hà Nội

Về Một Chuyến Đi