HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017

của Nhóm Thân Hữu Đồng Công Hoa Kỳ

 

Biên soạn: Đaminh Maria Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Phần I

HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO

 

4- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Hưng Hóa:

Giáo Xứ Trại Sơn, Trụ Sở Truyền Giáo, và Giáo Họ Đá Mài

 

Nhà Chung Thái Bình

Giáo Xứ Trại Sơn

Trụ Sở Truyền Giáo

Giáo Họ Đá Mài

 

Nhà Chung Thái Bình

Sau khi tham dự cử hành ngày 12/10/2017, áp ngày 13/10/2017, kỷ niệm đúng 100 năm Mẹ Marai hiện ra ở Fatima lần cuối cùng, một cử hành bao gồm việc khánh thành và làm phép hai tượng đài Lòng Thương Xót Chúa và Thánh Mẫu Fatima, Thánh Lễ và tiệc mừng, ở Giáo Họ Văn Lâm GX Bồng Tiên GP Thái Bình, phái đoàn THĐC HK chúng tôi, qua sự sắp xếp của tour guide Nhất Tiến, đã được đưa đến Nhà Chung Thái Bình trọ đêm, bấy giờ đã 8-9 giờ tối.

Cũng may, đến đây, hành lý bị ướt của chúng tôi trên đoạn đường bị lũ lụt ở Thanh Hóa vào buổi sáng hôm qua đã được giặt và xấy nhờ máy móc tiện nghi ở Nhà Chung Thái Bình. Có anh đã thức hầu như cả đêm để lo giặt và xấy quần áo. Ở đây, chúng tôi ngủ 3 người một phòng.

Sáng hôm sau, chúng tôi tùy nghi tham dự nguyện kinh phụng vụ ban mai, Thánh Lễ, (vì hôm trước chúng tôi đã dâng 2 lễ: sáng ở Giáo Xứ Cửa Lò, chiều ở Giáo Họ Văn Lâm, và ngay chiều hôm nay chúng tôi lại dâng lễ ở Giáo Xứ Trại Sơn GP Hưng Hóa nữa), và điểm tâm chung với các cha các thày ở đây, sau đó mới có giờ ngắm nghía, trong ánh sáng của một ngày đẹp trời sáng sủa ấm nắng, toàn cảnh khu vực Nhà Chung Thái Bình, một nơi thật hoành tráng, nguy nga, đồ sộ, mới xây được 2 năm nay.

 

Cuối bữa Anh Thiên Khải đại diện ngỏ lời cám ơn Nhà Chung Thái Bình. Anh Nhất Tiến bấy giờ đi dâng lễ giỗ ở gần đấy chưa về. Sau đó anh em kéo nhau ra ngoài khuôn viên trong nội cung Nhà Chung Thái Bình để chụp hình lưu niệm ngay trước lễ đài vừa làm lễ an táng cho Đức Giám Mục Nguyễn Văn Sang tuần trước, tấm hình do người viết đứng trên lấu 4 đối diện dum vào chụp được, rồi ra quán cà phê ở ngay trước cổng của Nhà Chung. Trong khi đó, người viết rảo khắp nơi để chụp hình một khu vực lần đầu tiên tới rất đáng ghi nhớ này.

Người viết chụp những tấm hình từ cả trên lầu cao cũng như từ dưới nền, khu Nhà Chung Thái Bình này từ góc cạnh nào, trên cao hay dưới tháp cũng đều có một cái gì đó đáng ngắm nghía. Ở tầng cuối cùng, phía bên ngoài công trường ở mặt tiền, có một dẫy tượng ảnh trưng bày đây đó, kéo dài cho tới đầu nhà, phần gần với Vương Cung Thánh Đường của Giáo Phận, (sáng hôm ấy được đóng kín không vào được bên trong), có phòng khách của Nhà Chung Thái Bình, trong đó, chẳng những có bản đồ của Giáo Phận Thái Bình mà còn cả bức tượng ảnh Thánh Gioan Don Bosco, vì vị giám mục đương nhiệm, Đức Cha Nguyễn Văn Đệ, thay Đức Cha Nguyễn Văn Sang, là một tu sĩ Dòng Salêsiô.

Đúng thế, ở phía đầu phòng khách, nghĩa là ở bên ngoài nội cung của khu Nhà Chung Thái Bình, là cả một quảng trường rộng, với ngôi Vương Cung Thánh Đường của Giáo Phận ở ngay trước cổng vào theo một lối đi mấy trăm thước, cùng với các cơ sở khác (mà người viết không có giờ hỏi thăm cho rõ), bao gồm cả một vườn cỏ xanh rì (bằng nhựa hơn là bằng cỏ thật) vốn được dùng làm sân banh cho giới trẻ, mà hôm ấy, mới xong Thánh Lễ, từ trên lầu hai ở bên ngoài nhà nguyện, người viết đã trông thấy diễn ra cảnh đá banh hào hứng ở bên dưới.

Theo tài liệu cho biết thì Nhà thờ chính tòa Thái Bình được xây dựng từ năm 1906, nhưng đã xuống cấp do thời gian và bom Mỹ năm 1967. Đến ngày 13 tháng 10 năm 2007, ngôi nhà thờ chính tòa mới của Giáo phận - Nhà thờ chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu đặt tại Thành phố Thái Bình đã được khánh thành, và được đánh giá là một trong những nhà thờ chính tòa đẹp nhất Việt Nam.

Nhà Chung giáo phận Thái Bình được đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB cưu mang xây dựng, đã được khánh thành ngày 8.4.2016. Công trình 7 tầng, diện tích sử dụng 30.000 thước vuông, dài 90 thước và rộng 64 thước, với 300 phòng lớn nhỏ, nhà nguyện, hội trường, các phòng học và phòng họp, 2.000 thước vuông sân bên trong nội cung của nhà chung này, và 4.800 thước vuông sân cỏ nhân tạo ở mặt tiền. Công trình này được thực hiện trong vòng 2 năm trời, do công thiện nguyện của các giáo xứ thuộc các giáo hạt trong giáo phận.

Nhà thờ giáo xứ Thái Bình xây dựng từ năm 1908, nhưng được tái tạo để xứng đáng trở thành nhà thờ chính tòa năm 1936, năm được trở thành giáo phận tách khỏi giáo phận Bùi Chu. Nhà thờ chính tòa hiện nay khánh thành năm 2007, được thiết kế hai tầng, dài 81 thước, rộng 24,8 thước, nơi rộng nhất là 34,2 thước, diện tích 2.260 thước vuông.

Cả vương cung thánh đường và khu nhà chung của Giáo Phận Thái Bình đều cùng một mầu kem sáng, mầu sỏi đá và phù sa, hợp với địa dư của giáo phận ở khu vực hạ lưu sông Hồng Hà. Giáo Phận Thái Bình là giáo phận được tách khỏi Giáo Phận Bùi Chu từ năm 1936, nằm trên địa bàn của hai tỉnh Thái Bình  Hưng Yênvới diện tích 2.207 cây số vuông, bao gồm khoảng 130 ngàn giáo dân trên tổng số dân khoảng gần 3 triệu người, và gần 100 linh mục triều.

Nếu phía bên phải của ngôi Vương Cung Thánh Đường có khu Nhà Chung và giẫy nhà ngói đỏ ở cuối sân (có thể là Đại Chủng Viện của Giáo Phận), thì ở phía Bên trái Vương Cung Thánh Đường (từ cổng nhìn vào) có những cấu trúc khác nữa, chẳng hạn tượng đài Đức Mẹ Lavang và một khu nhà nào đó của Giáo Phận.

Tượng Đài Mẹ Lavang ở ngay góc của ngỏ dẫn vào phòng khách Nhà Chung Thái Bình.

 

Giáo Xứ Trại Sơn

Rời Nhà Chung Thái Bình đúng sáng ngày 13/10/2017, kỷ niệm 100 năm Mẹ Marai hiện ra ở Fatima, ngày mà đáng lẽ phái đoàn THĐC HK hiệp dâng lễ và hiến dâng Nước Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ở Đan Viện Xitô Nho Quan Ninh Bình theo chương trình của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, nhưng vì lũ lụt phái đoàn đã chuyển hướng, và để bù vào đó, Đức Mẹ lại cho phái đoàn được bất ngờ tham dự hai biến cố về Mẹ Fatima, một ở Giáo Họ Văn Lâm Giáo Phận Thái Bình chiều hôm qua khi tham dự nghi thức khánh thành và làm phép tượng đài Mẹ Fatima, và một ở Giáo Xứ Trại Sơn Giáo Phận Hưng Hóa chiều hôm nay, khi tham dự cuộc tôn vinh Mẹ bằng nghi thức dâng hoa và Thánh Lễ.

Bởi thế, sau khi thăm Giáo Xứ Đồng Quan thuộc Giáo Phận Thái Bình, sinh quán của Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị sáng lập Dòng Đồng Công (xin xem mục này ở phần 2: Về Nguồn Đồng Công), phái đoàn đã phải trải qua một quãng đường khá dài, kể cả phải băng ngang qua một chút thủ đô Hà Nội (xin xem ở phần 3: "Việt Nam 2017") có vẻ tân tiến sang trọng, phải ghé ăn trưa ở một quán lạ tìm mãi mới dám vào ăn đại vì trời đã quá trưa hơi lâu rồi, khiến nhiều anh em cảm thấy đói bụng, và sau đó còn phải băng qua một quãng đường dài khá hiểm trở khó đi nữa, thuộc miền thượng du Bắc Việt nghèo khổ, mới tới được Giáo Xứ Trại Sơn Giáo Phận Hưng Hóa  ở Khu 17 Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.  

Theo sử liệu thì Giáo xứ Trại Sơn được tách ra từ giáo xứ Hoàng Xá ngày 29.06.2007. Ngày 29.06.2017, giáo xứ Trại Sơn hân hoan tổ chức Thánh lễ tạ ơn nhân ngày kỷ niệm 10 năm thành lập (29.06.2007 – 29.06.2017). Thánh lễ được cử hành lúc 7 giờ 30 tối, do cha Giuse Maria Nguyễn Đức Huy dòng Đồng Công chủ tế. Khi mới được chia tách ra, giáo xứ chỉ có duy nhất một ngôi nhà thờ nhỏ xây dựng năm 1924, có sức chứa 200 người dự lễ. Một nhà điều hành 60 thước vuông, việc học và dạy giáo lý cho con em phải gửi nhờ nhà dân.

 

Theo tài liệu cho biết thì từ khi được thành lập, giáo xứ không ngừng kiến tạo, cụ thể như đã mua được đất rộng rãi và xây dựng nhà thờ Đá Đen năm 2010. Các giáo họ khác cũng bắt đầu phát triển sinh hoạt cộng đoàn. Năm 2016, giáo xứ đã xây dựng được nhà giáo lý 2 tầng với diện tích gần 600 thước vuông, có 12 phòng học khang trang. Người giáo dân cũng dần nhận thức và tích cực trong việc bác ái, tương trợ lẫn nhau. Hiện nay, giáo xứ đã có một linh mục, 4 nữ tu, 5 thầy đang học ở các đại chủng viện và tiền chủng viện, 10 em tu sinh và 20 hội đoàn hoạt động tích cực.

Người viết có hỏi Anh Huy đang phục vụ ở giáo họ này rằng anh lấy tiền đâu xây được dẫy nhà hai tầng khang trang như thế, anh thản nhiên trả lời: "Em cố gắng hò hét". Vần đề ở đây là nếu so sánh dẫy nhà 2 tầng ở bên nhà thờ Giáo Xứ Trại Sơn này với trụ sở truyền giáo của dòng thì có thể suy diễn rằng anh em thừa sai Đồng Công lo việc chung trước việc riêng. Có tới thăm trụ sở truyền giáo của anh em dòng ở đây mới thấy thảm và chẳng những thương các anh mà còn phục các anh nữa.

 

Trụ Sở Truyền Giáo

Theo chương trình thì 8 giờ tối mới có nghi thức dâng hoa kính Thánh Mẫu Fatima mừng bách niên Fatima 2017 và Thánh Lễ, vì giờ ấy dân chúng mới thảnh thơi dự lễ, như thói quen ở giáo xứ này. Bởi thế, lợi dụng thời khoảng còn gần cả 3 tiếng đồng hồ, phái đoàn đã được Anh Huy, linh mục chánh xứ Trại Sơn, dẫn về thăm trụ sở truyền giáo của dòng, cách giáo xứ Trại Sơn hơn 20 cây số, tức phải mất khoảng 45 phút lái xe, vì đường đi không như bên Hoa Kỳ.

Theo Anh Nguyễn Đức Huy, CRM, phụ trách trụ sở truyền giáo Đồng Công Giáo Phận Hưng Hóa, cho biết thì Tu viện Đồng Công Hưng Hóa (ĐCHH) với diện tích 2.270 mét vuông, nằm trên bờ đê tả sông Đà, cách thành phố Hòa Bình và thủy điện sông Đà 25 km về phía bắc. Tu viện ĐCHH có địa chỉ tại thôn Láng Mái, Tinh Nhuệ, Thanh Sơn, Phú Thọ.

Từ bờ bên này của tu viện nhìn sang bên kia sông chính là ngọn núi Ba Vì, Hà Nội, hùng vĩ, cao sừng sững như muốn chạm tới trời xanh. Trước đây, sông Đà được gọi là hung thần với sức nước chảy đến kinh hồn bạt vía. Có lẽ vì thế mà dân gian vẫn cầu chúc cho nhau ‘tiền vô như nước sông Đà’. Từ khi có thủy điện sông Đà, dòng sông này đã trở nên hiền hòa, trong xanh, mát, sạch, được hân hạnh cung cấp nước sạch cho toàn Hà Nội.

Về mặt Giáo Hội, tu viện ĐCHH thuộc giáo xứ Lương Sơn, giáo hạt Tây Nam Phú Thọ, giáo phận Hưng Hóa. Số giáo dân là 1056 người. Số lương dân gấp đôi số giáo dân, phần nhiều là dân tộc Mường. Ngày 5/8/2016, theo nguyện thư của anh Tổng Phục Vụ Piô Maria Nguyễn Quang Đán, đức cha giáo phận Gioan Maria Vũ Tất đã chấp nhận thành Tu viện ĐCHH với tước hiệu Tu Viện Truyền Tin, lễ ngày 25/3. Tu viện ĐCHH là một điểm truyền giáo mới, còn quá non trẻ, rất cần lời cầu nguyện, nâng đỡ, chia sẻ của nhiều người để có thể chu toàn được sứ mạng truyền giáo của dòng giữa một thế giới lương dân.

Vì đây là trụ sở truyền giáo mới của dòng nên phòng ngủ kiêm làm việc của anh em không được khang trang, rộng rãi và tiện nghi như ở trụ sở truyền giáo của dòng ở Giáo Phận Bắc Ninh. Ở đằng sau nhà là một chuồng lợn của chủ nhà trước, nay vẫn chưa được biến cải thành những nơi chốn sinh hoạt cho anh em dòng ở trụ sở truyền giáo này...

 

 

 

 

Cả ngôi nhà mua với giá trên 1 tỉ đồng VN, mà giải nước bên phải ngôi nhà (kéo dài ra đằng sau) trị giá 800 triệu đồng Việt Nam, nhưng nhà dòng cũng dự tính tậu luôn cho vuông vức khu đất trụ sở truyền giáo của dòng ở đây. Khi nhà dòng mới bắt đầu thủ tục mua ngôi nhà này đã được chính quyền dòm ngó hạch hỏi xem có phải để làm nhà thờ hay chăng? Nếu phải thì đã không thành! Hiện nay anh em CMC Đồng Công Hưng Hóa đang giúp 3 giáo xứ Hoàng Xá, Trại Sơn và Lương Sơn: Hoàng Xá, các anh Mỹ, Tri; Trại Sơn, các anh Huy, Đại Lương Sơn, anh Tài, còn ở ngay tại Tu viện ĐCHH có các anh Thảo, Hiển. 

 

Danh sách anh em đồng công hiện đang hoạt động tại giáo phận Hưng Hóa

1. Linh mục Giuse Maria Nguyễn Đức Huy (Giuse M. Nguyễn Hoàng Cầm)

2. Linh mục Giuse Maria Hoàng Thế Mỹ (Hilariô M. Hoàng Thế Thịnh)

3. Tu sĩ Giuse Maria Phạm Xuân Thảo (Đaminh. M Phạm Xuân Hồng)

4. Tu sĩ Phanxicô Xaviê Maria Nguyễn Văn Hiển (Đaminh M. Nguyễn Ngọc Đoàn)

5. Tu sĩ Bênađô Maria Nguyễn Văn Tri (Nguyễn Quang Liêm)

6. Tu sĩ Lui Gonzaga Maria Nguyễn Văn Đại (Nguyễn Minh Huấn)

7. Tu sĩ Gioan Maira Nguyễn Hữu Tài (Gioan M. Nguyễn Hữu Tập)

8. Phan Văn Luận (Đốc), hiện đang giúp ở Hàu Thào (Sapa)

9. Vũ Xuân Viện (Siêu), đang ở tu viện

10. Phong (Sương),

11. Phan Văn Trịnh (Trường), mục vụ giáo xứ Lương Sơn 

Sau khi thăm viếng trụ sở truyền giáo của dòng, phái đoàn THĐC HK trở về Giáo Xứ Trại Sơn để ăn tối, trước khi cử hành Tối Thánh Mẫu Fatima theo chương trình từ 8 giờ.

Trong khi đó, một số giáo dân đã đến từ chiều để sửa soạn mọi sự cho Tối Thánh Mẫu Fatima 13/10/2017 này, ở bên cánh trái của nhà thờ từ cổng vào, nơi mới có một cái vòm để sinh hoạt hơn, khỏi bị mưa gió như hôm Lễ Phục Sinh vừa rồi.

Từ bên nhà xứ và dẫy nhà hai tầng, cũng có mái vòng cung, nhìn sang chỗ cử hành

Tối hôm đó, sau bữa tối, chúng tôi chia làm hai nơi. Phái đoàn THĐC HK hầu hết ở lại Giáo Xứ Trại Sơn. Chỉ có anh linh mục Nhất Tiến và người viết giáo dân này trong phái đoàn được một chiếc xe 7 chỗ chở sang bên Giáo Họ Đá Mài, cách Giáo Xứ Trại Sơn khoảng nửa tiếng lái xe. Gần Giáo Xứ Trại Sơn như Giáo Họ Đá Mài còn có những giáo họ khác như Giáo họ Bến Sơn, Giáo họ Đá Đen, Giáo họ Đổng Trác, Giáo họ Láng Xẻo, Giáo họ Liên Sơn, Giáo họ Thắng Sơn, Giáo họ Trại Chùa và Giáo họ Vạn Chài.

 

Giáo Họ Đá Mài

 

Giáo Họ này sở dĩ mang tên Đá Mài, theo ông trùm ở đây kể ở trên xe, là vì ở khu vực này có một nơi dân chúng hay ra chỗ đá đó để mài dao. Ông trùm cũng cho biết rằng giáo họ đã có đất nhưng chưa có tiền xây nhà thờ. Còn Anh Huy thì cho biết: "đất thì ông trùm hy sinh cho, nhưng cái khó là đường vào lại không có, muốn có con đường vào thì lại phải mua 1 mảnh đất của người khác giá cả khoảng 200 đến 250 triệu VNĐ, sau đó mới có thể nói đến chuyện dựng nhà nguyện". Bởi thế, trong khi chưa có nhà nguyện chính thức thì tư gia được biến thành nhà nguyện như thời Giáo Hội sơ khai.

Tối hôm ấy, trước lễ, người viết được linh mục chủ tế là Anh Nhất Tiến, giới thiệu với cộng đồng dân Chúa qui tụ bấy giờ (khoảng 40 người hiện diện trong số cả trăm người ở giáo họ này) nói về Thánh Mẫu Fatima trong vòng 5 phút.

Với thời lượng 5 phút ngắn ngủi ấy, người viết đã chọn đề tài vắn gọn nhưng rất thích hợp với Tháng 10 là Tháng Mân Côi, đầy ý nghĩa vì tước hiệu chính yếu của Mẹ Maria khi hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm, vào lần Mẹ hiện ra cuối cùng ngày 13/10/1917: "Mẹ là Đức Bà Mân Côi", và khẩn trương, vì lần nào hiện ra ở Fatima và cả 6 lần Đức Mẹ đều kêu gọi: "Cầu kinh Mân Côi hằng ngày". Người viết đã nhấn mạnh đến 3 điểm chính trong lời kêu gọi này:

1- Trước hết, Đức Mẹ kêu gọi "cầu kinh mân côi - pray rosary" bằng tất cả tâm hồn, chứ không phải chỉ "đọc kinh mân côi - say rosary" bằng miệng mà thôi.

 2- Sau nữa, Đức Mẹ kêu gọi "hằng ngày" cần phải "cầu kinh mân côi" chứ không phải cách ngày hay hằng tuần hoặc hằng tháng v.v.

3- Sau hết, Đức Mẹ kêu gọi cầu "kinh mân côi" chứ không phải chỉ có "kinh kính mừng" là kinh chính trong chuỗi kinh mân côi. Nghĩa là Đức Mẹ muốn chúng ta vừa đọc kinh kính mừng vừa suy gẫm mầu nhiệm Chúa Kitô, khi cùng với Mẹ Đồng Công đầy ơn phúc nhớ đến công ơn cứu chuộc vô giá của Người, vì Kinh Mân Côi bao gồm cả khẩu nguyện là 10 chục kinh kính mừng (chính yếu) và tâm nguyện là các mầu nhiệm về Chúa Kitô.

Bởi thế, Mẹ Maria kêu gọi Kitô hữu "cầu kinh mân côi hằng ngày" có nghĩa là Mẹ muốn thành phần con cái Mẹ đã được cứu chuộc nơi Phép Rửa "hằng ngày", tức liên lỉ, nhớ đến ơn cứu độ vô giá của Chúa Kitô, đến Lòng Thương Xót Chúa, và phần rỗi vô cùng cao quí của các linh hồn: "Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là các linh hồn cần đến LTXC hơn" (13/7/1917).

Vị linh mục thừa sai Đồng Công Nguyễn Đức Huy, CRM, phục vụ truyền giáo ở Giáo Phận Hưng Hóa này đáp lại mối quan tâm về nhu cầu truyền giáo ở các giáo điểm truyền giáo của dòng nói chung và ở giáo phận Hưng Hóa nói riêng bằng cảm nhận như sau:

"Nhu cầu truyền giáo thì bao la bát ngát. Cụ thể thì mỗi giáo họ truyền giáo đều phải xây dựng lại các cơ sở, hoặc là phải mua đất làm nơi thờ phượng, trước mắt là có nơi để 1 số ít ỏi giáo dân tập trung thờ phượng Chúa, sau đó mới có thể giao lưu, qua lại tiếp cận với anh chị em lương dân. Kinh phí có thể vài trăm triệu, và nhiều thì có thể vài tỉ Việt Nam đồng. 

"Giáo họ Liên Sơn mua đất đã thỏa thuận 500 triệu. Chúng em đã loay hoay mãi mới kiếm được 200, còn thiếu 300, rồi mới nói đến chuyện xây cất. Hiện họ đang đọc kinh cầu nguyện dâng lễ tạm tại ngôi nhà cũ ọp ẹp. Giáo họ Trại Chùa, vừa kiếm đủ tiền mua mảnh đất 200 triệu, và hiện giờ đang dựng tạm 1 căn nhà thô sơ cho họ làm nơi thờ phương. Giáo họ Yến Mao, hoàn toàn dâng lễ ở 1 nhà giáo dân, hoàn toàn vô sản, họ chưa có gì. Giáo họ Trại Chùa, chưa có nhà thờ, vẫn đang dâng lễ đọc kinh tạm ở ngôi nhà giáo lý. Và còn nhiều nhu cầu khác". 

Phái đoàn THĐC HK chúng tôi tối hôm ấy, thay vì ngủ lại dẫy nhà 2 lầu mới xây của Giáo Xứ Trại Sơn, có phòng đàng hoàng, như một chị giáo dân thành thật khai báo ngay trong bữa tối, đã được dẫn ra Đảo Ngọc, đến Kim Cương Hotel trọ đêm, cho dù tốn kém và mắc mỏ, chưa kể vì muộn màng đến gần như không còn chỗ, điều đình mãi mới có chỗ và mới có giá phải chăng, nhờ tài ngoại giao khéo léo của tour guide Nhất Tiến. Phái đoàn THĐC HK biết rằng hai linh mục tour host Thiên Khải và tour guide Nhất Tiến đều quan tâm đến sức khỏe của anh em từ Mỹ là nơi vốn đầy đủ tiện nghi về Việt Nam, cần những nơi nghỉ ngơi ăn uống đàng hoàng mới có sức hoàn thành chuyến hành trình xuyên Việt từ nam ra bắc cả hơn 10 ngày dòng dã, vừa vất vả vừa mệt mỏi như vậy.  


Phần Một

 

Hành Trình Truyền Giáo 

 

Nhập Cuộc Hành Trình

1- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Kontum: Trụ Sở Truyền Giáo Đồng Công và Giáo Điểm Đắc Pơ Gia Lai

2- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Đà Nẵng: Giáo Xứ Thuận Yên và Giáo Họ Phú Quí Quảng Nam

3- Giáo Điểm Đồng Công GP Thái Bình: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Họ Đức Long và Giáo Họ Văn Yên

4- Giáo Điểm Đồng Công GP Hưng Hóa: Giáo Xứ Trại Sơn, Trụ Sở Truyền Giáo và Giáo Họ Đá Mài

5- Giáo Điểm Đồng Công GP Bắc Ninh: Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo và Giáo Xứ Văn Thạch 

 

Phần Hai

 

Về Nguồn Đồng Công 

 

6- Nhà Mẹ Dòng Đồng Công Thủ Đức Tổng Giáo Phận Gài Gòn 

7- Nhà Đá Giáo Phận Qui Nhơn và 50 Năm Khấn Dòng Đội IX

8- Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình

 

9- Giáo Phận Bùi Chu

 

10- Liên Thủy và Trung Lễ Giáo Phận Bùi Chu

 

Phần Ba

 

Việt Nam 2017

 

 11- Vùng Trời Thảm Họa: Formosa Hà Tĩnh, Khuyết Tật Nghệ An, Lũ Lụt Thanh Hóa

12- Một Ngày Thành Đô: Sài Gòn và Hà Nội  

 Về Một Chuyến Đi