HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

CHA ĐAMINH MARIA TRẦN ĐÌNH THỦ, CMC

 

Hạt Lúa Miến Mục Nát cho Mùa Thánh Đức Việt Nam

 

 

 

Cha Thủ – Linh Hướng Thánh

  

 

 

Đ

ầu năm 1972, khi tôi đang ở Di Linh Lâm Đồng Bảo Lộc, đầu tiên có phận sự vừa làm vườn ở đồn điền Thiên Mẫu của nhà dòng, sau đó được tạm nghỉ để lấy giờ tự học thi tú tài hai. Sáng hôm đó, bất ngờ tôi được tin Anh Cả muốn gặp tôi. Tôi đã lập tức đến gặp ngài ngay. Không ngờ, đây là lần gặp gỡ quyết liệt nhất và quan trọng nhất cho cuộc đời tu trì của tôi, cho cuộc đời nên thánh của tôi, tác dụng của nó thậm chí còn ảnh hưởng sâu đậm cho đến tận bây giờ và mãi mãi.

 

 Tôi còn nhớ, cuộc gặp gỡ hôm ấy diễn ra, khi mọi người đã đi làm công tác (ngoài vườn), hai cha con chúng tôi, đúng hơn, nói theo tinh thần bình dân của Dòng Đồng Công, hai Anh em chúng tôi, đi dọc theo hành lang hội trường, nối liên giữa nhà cơm và phòng ngủ, một tác động đi lại để nói chuyện với một “Đấng Thánh” như Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ bấy giờ, được tôi coi như là một cuộc hành trình Huấn Thánh, như cuộc hành trình của thành phần môn đệ về làng Emmau đang ở trong tâm trạng bối rối, cần phải được Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành soi đường chỉ bước, trước khi có thể trở thành chứng nhân cho Người giữa các vị tông đồ (x Lk 24:13-35). Chúa Kitô Phục Sinh đã tự động hiện ra với hai môn đệ này thế nào, Cha Thủ cũng tự động đến với tôi như thế, chứ không phải tôi xin gặp ngài như những lần trước. Chúa Kitô Phục Sinh đã đến để làm cho các môn đệ của Người cảm thấy lòng họ nóng lên và cuối cùng nhận ra Người thế nào, Cha Thủ cũng làm cho lòng tôi trở nên khác thường, và cuối cùng tôi đã thực sự gặp được Chúa Kitô, với một cuộc đời hoàn toàn biến đổi như thế.

 

Đúng vậy, vì hoàn toàn hết sức thương yêu tôi, lo Huấn Thánh cho tôi, một cách tận tình, một cách kỹ lưỡng, một người em ngài vốn thấy thật sự là ngay từ khi nhập Thử Viện ở Nhà Đá Bình Định Qui Nhơn vào mùa hè năm 1966 đã tỏ ra hết sức hăng say nên thánh, chẳng thiết gì cả, sẵn sàng xung phong làm tất cả những gì và bất cứ những gì không ai chịu làm hay không ai dám làm, một thái độ Cha Thủ cảm thấy như điều kiện tối cần nơi thành phần muốn theo Chúa với ngài, muốn theo Lý Tưởng Thánh Đồng Công như ngài, mà Cha Thủ đã gọi tôi tới và hết sức nghiêm thẳng chưa từng thấy, trong việc vạch ra cho tôi biết là tôi có 3 “tội”: tội thứ nhất là tội ham học (tức phạm tới tinh thần Tận Hiến của dòng), tội thứ hai là tội chống đối (tức phạm tới tinh thần Bỏ Mình của dòng), và tội thứ ba là tội nghĩa riêng (tức phạm tới tinh thần Yêu Nhau của dòng). 

 

Thú thật, bấy giờ, tâm thần tôi hoàn toàn như bị tẩu hỏa nhập ma, choáng váng, quay cuồng, như trời rung đất sập. Bởi vì, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bị oan. Chẳng có một tội nào trong ba tội này hết… Thế là tôi nghẹn ngào không nói lên lời. Chỉ biết bật khóc. Khóc nức nở. Khóc chưa từng thấy trong cuộc đời tu của mình. Tôi cảm thấy nhức nhối quá sức. Tôi cảm thấy tủi nhục quá đi. Cả cuộc đời tu của mình, cho tới bấy giờ, tôi chỉ một lòng theo Chúa, hết sức ham ước nên thánh, lúc nào cũng sẵn sàng làm tất cả những gì Chúa muốn qua bề trên, dù những điều ấy vượt khả năng của mình, chấp nhận tất cả những gì là thiệt thòi nhất cho mình, để đổi lấy Lý Tưởng Thánh Đồng Công v.v. Thế mà giờ đây, vị được tôi tin tưởng nhất, kính yêu nhất, cảm phục nhất, cần nương tựa nhất, lại đẩy tôi ra, lại gán ghép cho tôi những điều chẳng những tôi thật sự không có mà còn phạm đến tôi nữa. Cách riêng vấn đề ham học, một việc chính ngài bảo tôi học chứ tôi đâu có coi trọng và van xin ngài cho đâu!

 

Cuối cùng, tôi đã lấy lại được bình tĩnh và đã thưa với ngài trong nước mắt rằng: "Nếu Anh không tin em, thì em chỉ biết chứng minh bằng việc sẵn sàng bỏ học ngay bây giờ". Theo chiều hướng Thánh trước hết và Thánh trên hết, ngài đồng ý liền. Còn về 2 tội kia, tôi cũng thành thật trình bày với ngài là tôi cảm thấy không có, và xin ngài cho tôi biết rõ vấn đề để tôi có thể sửa mình một cách cụ thể và đúng như ý của ngài hơn. Về tội chống đối, ngài cho tôi biết rằng tôi lập bè kéo cánh chống lại đội trưởng của tôi. Về tội nghĩa riêng, ngài cho tôi biết là tôi yêu riêng một người anh em trong đội, được ngài nêu tên đàng hoàng, (lớn hơn tôi 2 tuổi). Sau khi nghe thêm những chi tiết này của ngài, theo linh tính tự nhiên, tôi biết ngay được ai là người đã “tâu” với ngài về tôi với 3 “tội” đồ như thế. Thế nhưng, vì Lý Tưởng Thánh Đồng Công, tôi chấp nhận tất cả, chỉ chân thành minh oan cho mình về tội nghĩa riêng mà thôi, nên ngài đã tỏ ra thông cảm. Còn tội chống đối, với con người nhiệt thành đóng góp để xây dựng đoàn thể của mình, (nhóm anh em cùng khấn một lần với nhau), tôi xin chấp nhận những nhận định bề ngoài ấy của anh đội trưởng “nạn nhân”. Kết quả ngài đã ra việc “đền tội” cho tôi như thế này: hằng ngày, sáng đi làm vườn (tức không còn học thi tú tài II nữa), chiều về tĩnh tâm một mình (ở đâu đó tùy tôi), tối họp hành trong đội không được phát biểu gì nữa (được nghe mà không được nói).

 

Thế là thằng bé Gióp tôi bắt đầu đi vào xóm nhỏ điêu tàn. Âm thầm sống những ngày đền tội. Không ngờ, theo ý Chúa Quan Phòng vô cùng mầu nhiệm, những ngày đền tội ấy lại là những ngày thần tiên nhất cho cuộc đời tu trì và sống đức tin của tôi. Chỉ một tháng sau, tôi đột nhiên hiểu được một câu Phúc Âm rất quen thuộc mà lại tưởng là tầm thường nhưng bấy giờ đã hiện lên trong tâm trí tôi cả một linh đạo, cả một con đường Nên Thánh, đó là câu: “Hãy chọn chỗ rốt bét” (Lk 14:10). Đây là câu Phúc Âm thứ hai đã thực sự làm biến đổi hẳn cuộc đời của tôi. Câu thứ nhất là “được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi” (Mt 16:26). Câu Phúc Âm thứ nhất này đang vang vào tai tôi, khi tôi còn là một thiếu niên trung học, đã biết yêu thương và đang ôm đủ thứ mộng của một con người trẻ của thời bấy giờ, thậm chí còn là một thiếu niên tội lỗi dâm ô, và chỉ sau khi nghe thấy câu ấy, từ lời giảng của một vị linh mục trong Lễ Đêm Giáng Sinh ở sân trường Đức Minh Tân Định Sài Gòn năm 1963, tôi đã cảm thấy mọi sự thế gian là giả trá, là hư vô, kể cả tình yêu phái tính đang lôi cuốn tôi bấy giờ, đến độ, tôi không thể cầm lòng được nữa, đã tâm sự thốt lên với hai người bạn thân nhất của tôi đang tham dự Thánh Lễ bấy giờ rằng: “Tao muốn đi tu ngay bây giờ!”.

 

Nếu câu Phúc Âm thứ nhất ấy đã hoàn toàn biến đổi cuộc đời yêu cuồng sống vội của tôi, cuộc đời hoàn toàn chẳng biết Chúa là ai, chẳng biết mình là gì, ngoài thiên đường trần thế, cuộc đời bỏ lễ Chúa Nhật nhiều lần của tôi, lười lĩnh kinh hạt, bê tha tội lỗi v.v. từ đó đã trở thành một thiếu niên tự động dậy sớm đi lễ hằng ngày, âm thầm cầu nguyện trong ngày, cho đến khi nhập Dòng Đồng Công ngày 21/6/1964 thế nào, thì câu Phúc Âm thứ hai sau đó 9 năm, cũng biến đổi một con người tu sĩ (sắp vĩnh thệ vào ngày 22/8/1973) của tôi như vậy. Phải thú thật là khi mới vào tu Dòng Đồng Công, tôi rất ư là sốt sắng, đến độ không muốn nói chuyện với ai, chỉ sợ chia trí không thể kết hợp với Chúa, kiểu kết hợp khi còn là đệ tử bấy giờ tôi cứ nghĩ phải bằng trí khôn hơn bằng ý muốn, cần phải giữ lặng mới làm được, và đến độ ăn uống kham khổ hơn mọi người, cho tới khi biết được là phải có phép giám đốc đệ tử mới được làm như thế. Tôi luôn được vị giám đốc đệ tử này thường khuyên bảo tôi cần phải sửa đổi một trong những điều chính yếu là “hãy cố gắng sống hòa mình với mọi người, đừng lập dị”.

 

Ngoài ra, vì sốt sắng “quá” như vậy, dù chưa được thực sự lên tới bậc tu đức tột đỉnh là “tầng trời thứ ba” (2Cor 12:2) như Thánh Phaolô, tôi quả thực cũng có “những ý nghĩ kiêu căng” (Lk 1:51), không biết có giống như trường hợp của Vị Đại Tông Đồ Dân Ngoại này hay chăng (x2Cor 12:5-10), chỉ biết rằng tôi rất hay phán đoán xấu cho anh em tôi, khinh thường những người không được sốt sắng như mình. Cho đến khi, phải, cho đến khi Chúa mở mắt tôi ra, trong thời gian tôi ở Tập Viên năm 1966, bằng cách, Chúa để cho tôi cũng bị anh em mình xét đoán xấu lại đúng y như những gì tôi đã đoán xét xấu cho họ. Từ đấy, tôi cảm thấy hết sức thấm thía câu Phúc Âm “các con lấy đấu nào đong cho ai thì cũng bị đong lại cho đấu ấy” (Mt 7:2), để rồi tôi không còn dám khinh khi một ai nữa, trái lại, rất thông cảm với mỗi người và mọi người.

 

Tới giai đoạn tu đức này, giai đoạn từ mình vươn ra với tha nhân như thế, Chúa còn kéo tôi gần đến ngài nữa, khi tôi cảm thấy rằng chính lúc tôi làm bậy, ở những tác động phán đoán xấu xa và khinh thường anh em mình như thế, Chúa vô cùng nhân từ chẳng những không phạt tôi, lại còn thương tôi, làm lành thánh hóa tôi nữa, đúng hơn, phải nói rằng Ngài đã phạt tôi (khi để tôi bị xét đoán xấu lại và bị anh em xa cách), nhưng chính cái phạt ấy lại là tác động yêu thương nhân ái của Ngài, nhờ đó, chính từ cái xấu của mình, tôi biết mình hơn, biết người hơn và biết Chúa hơn. Đó là cảm nghiệm thần linh thứ hai tôi có được trong cuộc đời nên thánh của mình, cảm nghiệm chẳng những về mối liên hệ hiệp thông giữa tôi với Chúa cùng tha nhân, mà còn về Tình Yêu Thiên Chúa có thể biến đổi mọi sự dữ do con người làm ra để biến thành sự lành cho họ.

 

Thế là, trong tiến trình nên thánh của mình, theo sự dẫn dắt của Thần Linh, tôi đã đi từ cảm nghiệm thần linh thứ nhất “được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi”, liên quan đến việc từ bỏ thế gian mà theo Chúa, sang đến cảm nghiệm thần linh thứ hai, liên quan tới việc sống với Chúa và tha nhân, đến cảm nghiệm thần linh thứ ba “hãy chọn chỗ rốt bét mà ngồi”, liên quan đến việc phó thác cậy trông, tức là đừng bao giờ tự động tìm cách đưa mình lên, dù là những gì thực sự rất hợp với Ý Chúa, như trường hợp của hai nguyên tổ muốn tự động lên bằng Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa (x Gen 3:1-7), Đấng quả thực muốn họ nên trọn lành như Ngài (x Mt 5:48), một việc mà chỉ có Ngài mới có thể làm được cho con người và nơi từng người vào thời điểm của Ngài, trái lại, cứ sống trọn “thân phận thấp hèn tôi tớ” (Lk 1:48) của mình, như Mẹ Maria, còn việc được “mời lên chỗ trọng vọng hơn” (Lk 14:10) là việc của Chúa chứ không phải của mình. Tôi đâu ngờ cảm nghiệm thần linh thứ ba này là cảm nghiệm Chúa sửa soạn cho tôi trước khi Ngài muốn sử dụng tôi, muốn sai tôi đi làm việc cho Ngài, trước khi Ngài mời tôi lên chỗ cao hơn, để sau đó, cho dù có ở chỗ được mời lên cao hơn như vậy, tôi cũng không thể vênh vang tự đắc với ai, mà vẫn cứ sống ở “chỗ rốt bét của mình” là lòng khiêm nhượng và “đức tin tuân phục” (Rm 1:5). 

 

Đúng thế, chỉ sau hai tháng sống đời tu trì đền tội hết sức là thần tiên như vậy, đột nhiên, tôi được “con người tội lỗi nhất” là Anh QP gọi tôi là người em đang trong thời gian “đền tội” vô hạn định, tới phòng riêng của ngài vào buổi chiều hôm ấy. Không phải là để thẳng thắn nói lời tha án cho tôi, nhưng qua những gì ngài quyết định, gián tiếp ngài đã công nhận là thời kỳ đền tội của tôi đã xong, tôi thực sự không phải là kẻ ham học như ngài ra phán quyết. Bấy giờ, sau giây phút trầm ngâm, ngài nhìn tôi mà nói: “Anh muốn sai em đi giúp tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt!

 

Lại một cơn bàng hoàng sửng sốt đến tột độ khác đến với tôi. Lần này không phải là một cơn chấn động lở đất như lần trước, liên quan tới buổi gặp gỡ “kết tội” và xử án tôi, mà là một cơn sấm sét long trời, liên quan tới một sứ vụ từ trời, hoàn toàn vượt khả năng và ước tưởng của tôi. Ở chỗ, tôi đang mắc đủ thứ tội phản với các tinh thần chính yếu của nhà dòng, mà nay lại là người được sai đi mang chuông  đánh nước người. Vả lại, tôi cũng chẳng có đủ bằng cấp và khả năng kiến thức để vào giúp một tiểu chủng viện là nơi đào tạo mầm non linh mục cho Giáo Hội, trong khi đó nhiều anh em trong dòng đang dạy ở các trường trung tiểu học Đồng Công các nơi, đang dạy ở chính Đệ Tử Viện Đồng Công, nhất là đang theo học ở ngay Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt, hoặc đang coi sinh viên ở Cư Xá Rạng Đông Đà Lạt gần tiểu chủng viện này.

 

Đó là lý do, lần đầu tiên trong đời tu, tôi đã, không phải là chối từ lệnh của bề trên, mà là theo chiều hướng “việc ấy thành sự sao được” (Lk 1:34), như Mẹ Maria đã thân thưa với Tổng Thần Gabiên trong ngày Truyền Tin Lời Nhập Thể, lên tiếng với ngài rằng:

 

Thưa Anh, làm sao em có thể làm được việc này. Như Anh biết, chính bản thân em còn lo chưa xong, mà nay lại đi giúp người khác, thì làm sao em có thể chu toàn trách vụ nghiêm trọng này nổi? Vả lại, ngoài vấn đề tư cách, cả đến khả năng tự nhiên em cũng không đủ bằng cấp. Còn nhiều anh em khác xứng đáng hơn em…” – “Em cứ đi, đã có Chúa giúp. Thực sự đã có nhiều anh em cản anh làm điều này. Nhưng em yên tâm. Cứ tin tưởng. Chúa sẽ làm việc nơi em!”

 

Trước lời khẳng định cương quyết đầy tin tưởng của ngài, tôi cảm thấy được hoàn toàn hồi sinh, như trường hợp các tông đồ được Chúa Kitô Phục Sinh thổi hơi mà nói: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như vậy. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Jn 20:21-22).

 

Thế nhưng, dù có được mời lên chỗ trọng vọng hơn, ngon lành hơn, thực sự là ngoài ý muốn và khả năng của mình như thế, tôi vẫn có thể “chọn chỗ rốt bét mà ngồi”, thậm chí vẫn phải tiếp tục “chọn chỗ rốt bét mà ngồi”, khi hoàn toàn khiêm nhượng và tin tưởng thưa tiếng “xin vâng” (Lk 1:38) như Mẹ Maria. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi vẫn tiếp tục những tháng ngày thần tiên cầu nguyện như 2 tháng qua, để dọn mình cho một cuộc lên đường phục vụ đầu tiên trong cuộc đời tu suốt đời đã từng làm đủ mọi thứ chuyện được cho là thường hèn trong nhà dòng.

 

Một hôm, tôi đã xin gặp ngài, để xin ngài một đặc ân, gọi là làm hành trang lên đường, chẳng những cho công cuộc tông đồ đại diện nhà dòng, đáp ứng lời yêu cầu của Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã xin Cha Bề Trên Thủ cho các thày đến giúp, (như năm 1968 dòng đã sai thày Giáo làm việc này), mà còn cho cả cuộc đời theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của tôi nữa. Ngài đã nhận lời soạn một bản Luật Sống Bé Nhỏ như tôi xin, được ngài ký ngày 8/7/1972, một bản văn rất quí, với chữ viết tay của ngài, (song trước khi hoàn tục “vào đời” năm 1982, tôi đã để lại bản chính cho Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ cất giữ một cách xứng đáng), một bản văn tôi đã phổ biến trong tác phẩm “Trở Nên Như Trẻ Nhỏ” của tôi (Cao-Bùi, 1994, trang 219-224).

 

Ngày 7/7/2006, khi về gặp ngài lần cuối tôi đã mang về tặng ngài 2 cuốn sách đặc biệt có in những câu đề tặng ngài ở ngay trang nhất, đó là cuốn “Trở Nên Như Trẻ Nhỏ” và “Sống Thánh Chứng Nhân” (Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới, 2006), những tác phẩm có nội dung phản ảnh đường lối nên thánh ngài đã truyền thụ cho tôi.

 

Trong thời gian tiền biến cố sai đi này, câu Phúc Âm đã làm tôi thấm thía cảm nghiệm thần linh về thân phận của tôi bấy giờ, mới chỉ làm cho tâm trí tôi luẩn quẩn với tác động “chọn” lựa của tôi mà thôi, tức là việc tự tôi, ở mọi nơi và trong mọi lúc, cũng như trong mọi sự, phải làm sao để “chọn chỗ rốt bét mà ngồi”, tìm chỗ thấp nhất mà ở. Thế nhưng, sau biến cố sai đi, trong giây phút tiếp tục âm thầm nguyện cầu trước nhan Chúa, cả tháng trời nữa, (tổng cộng trước sau thời gian tương đương với 3 tháng Hè Nội Tâm, 3 tháng như bế quan để khổ luyện Bí Quyết Phúc Âm), tôi mới thấm thía hơn nữa ý nghĩa sâu xa của lời khuyên có vẻ rất đơn sơ giản dị ấy của Chúa Giêsu.

 

Thật thế, chính sau khi được thấm thía rồi, đọc lại Phúc Âm, tôi mới vỡ lẽ ra rằng Chúa Giêsu không bảo “hãy chọn chỗ cuối rốt mà ngồi”, mà là “hãy đến mà ngồi vào chỗ cuối rốt”. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định nguyên tắc tu đức này, khi phán: “Không phải các con chọn Thày mà là Thày đã kén chọn các con và sai các con đi sinh hoa kết trái” (Jn 15:16). Tức là tôi phải ngồi vào chỗ không phải do tôi chọn, cho bằng đã được giành sẵn cho tôi theo Ý Chúa, một chỗ “cuối rốt” đến nỗi theo tự nhiên tôi không thể nào thấy được nó, mà phải có đức tin mới thấy được, thậm chí mới chấp nhận được sau khi đã thấy nó, vì chỗ ấy đầy khổ đau hơn là vinh quang, hay đúng hơn là một chỗ vinh quang đầy đau khổ (x Jn 12:23-24,27), chỗ được Chúa Giêsu nói với các tông đồ là Ngài phải đi dọn cho các vị (x Jn 14:3), bằng không muôn đời các vị không thể nào tới được (x Jn 13:33), nhờ đó, Người ở đâu các vị cũng mới có thể ở đó với Người (x Jn 14:3 đối chiếu với Rev 14:4), chứ không phải như đã phũ phàng xẩy ra khi Người bị bắt giải đi từ Vườn Cây Dầu thì bấy giờ “tất cả đã bỏ Người mà tẩu thoát” (Mk 14:50).

 

Đó là lý do tôi đã luôn tâm niệm “đến mà ngồi ở chỗ rốt bét” theo chiều hướng này chính là luôn sống tinh tuyền khiêm nhượng bằng một đức tin tuân phục như đệ nhất tạo vật Đầy Ơn Phúc Maria! Từ đó, khẩu hiệu Sống Thánh của tôi là câu Phúc Âm “hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3). Và để cho dễ nhớ và luôn nhắc nhở mình, chẳng những về cảm nghiệm thần linh tôi có được trong thời gian “đền tội” đầy thần  tiên ấy, mà còn về linh đạo duy nhất có thể đến với Chúa và theo Chúa này, tôi đã bắt đầu lấy biệt hiệu được kèm theo tên thật của tôi, đó là 3 chữ tắt BVL (tức Bá Vũ Ly, phiên âm từ chữ Latinh - Parvuli là Trẻ Nhỏ).

 

Về ba chữ tắt “BVL” này của tôi ở sau tên gọi, cộng với tên thánh quan thày rửa tội Đaminh được kèm theo thánh danh Maria, nhiều người, kể cả các vị linh mục, căn cứ vào cả nội dung các bài tôi viết và các sách vở tôi xuất bản, cứ tưởng tôi là linh mục. Có vị, trong Đại Hội Mục Vụ ở Houston Texas năm 1997, đươc Văn Phòng Mục Vụ của Đức Ông Mai Thanh Lương tổ chức, đã tán 3 chữ tắt BVL này thành “Bị Vợ La”, “Bỏ Vợ Lẽ” v.v.

Chính vì vẫn tiếp tục “đến mà ngồi vào chỗ cuối rốt” của mình, chỗ Thiên Chúa chọn cho tôi, chứ không phải chỗ tôi tự chọn, mà cả đang khi, nhất là sau khi hoàn tất một thứ “mission impossible” này, tôi đã được một cảm nghiệm thần linh thứ năm, đó là cảm nghiệm thấy rằng nếu thực sự là việc của Chúa thì Chúa sẽ làm công việc của Ngài trong tôi, và Chúa thánh hóa tôi ngay khi tôi làm việc của Ngài và cho Ngài. Bởi vậy, làm việc của Chúa, cho dù phải có máu tử đạo mới làm nổi, nhưng cũng chính vì nhờ máu tử đạo ấy mà tôi không bao giờ sợ lỗ và bị lỗ, nếu tôi luôn biết “đến mà ngồi vào chỗ cuối rốt”, chỗ của hạt lúa miến bị mục nát đi trong lòng đất (x Jn 12:24-25), do đó, thành công hay thất bại, đối với tôi, trước hết và trên hết, là ở chỗ tôi có hết sức nỗ lực hoàn thành Ý Chúa hay chăng, hơn là vì tôi được thế gian khen tặng hay chê trách! 

 

 

 

NỘI DUNG

 

 

Một Vị Sáng Lập với Ba Di Sản

 

7- Một Vị Sáng Lập

27- Di Sản Một Hội Dòng

40- Di Sản Một Chi Dòng

52- Di Sản Một Gia Đình Đồng Công

 

Sứ Mệnh Vượt Thoát Truyền Giáo

 

61- Lệnh Lên Đường

71- Lênh Đênh Hải Ngoại

81- Đức Tin Vượt Đại Dương

 

Lý Tưởng Thánh Đồng Công

 

97- Cha Th - Tần Số Thánh

103- Cha Thủ - Yêu Sống Thánh

122- Cha Thủ - Huấn Luyện Thánh

136- Cha Thủ - Linh Hướng Thánh

149- Cha Thủ - Ảnh Hưởng Thánh

165- Cha Thủ - Một Vị Thánh

171- Cha Th - Linh Đạo Thánh