GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 22/4/2006

 BÁT NHẬT PHỤC SINH

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Thứ 40, 27/5/2006: “Phương Tiện Truyền Thông: Một Cơ Cấu Truyền Đạt, Hiệp Thông và Hợp Tác” 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Cảm Nhận Thánh Mẫu: Chiều Kích Thánh Mẫu (ân sủng, tu đức) bao gồm Chiều Kích Phêrô (quyền bính, mục vụ)

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II (tiếp)

 

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI - Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Thứ 40, 27/5/2006: “Phương Tiện Truyền Thông: Một Cơ Cấu Truyền Đạt, Hiệp Thông và Hợp Tác”

 

Anh Chị Em thân mến,

 

1.         Sau cuộc mừng kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, tôi hân hoan nhắc lại Sắc Lệnh của Công Đồng này về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội, Inter Mirifica, một sắc lệnh đặc biệt công nhận quyền lực của các phương tiện này trong việc chúng ảnh hưởng đến toàn thể xã hội loài người. Chính nhu cầu cần phải sử dụng quyền lực này cho lợi ích của tất cả nhân loại đã thúc đẩy tôi, trong sứ điệp đầu tiên của mình cho Ngày Thế Giới Truyền Thông này, chia sẻ vắn gọn về ý nghĩ phương tiện truyền thông là cơ cấu dễ dàng hóa việc truyền đạt, hiệp thông và hợp tác.

 

Thánh Phaolô, trong Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, đã sống động diễn tả ơn gọi của con người là “những người thông phần vào bản tính thần linh” (Dei Verbum, 2): nhờ Chúa Kitô, chúng ta đến được với Cha trong một Thần Linh duy nhất; bởi thế chúng ta không còn là những kẻ xa lạ và ngoại lai mà là thành phần công dân cùng với các thánh và các phần tử thuộc gia đình Thiên Chúa, trở thành một đền thánh, một nơi Thiên Chúa cư ngụ (x Eph 2:18-22). Bức tranh cao quí này về một đời sống hiệp thông bao gồm tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống là Kitô hữu của chúng ta. Lời kêu gọi hãy trung thực với việc tự thông mình của Thiên Chúa nơi Chúc Kitô thực sự là một lời kêu gọi hãy nhìn nhận mãnh lực năng động của Ngài trong chúng ta, một mãnh lực bởi vậy tìm cách vươn tới những người khác, để tình yêu của Ngài thực sự trở thành một tầm vóc chính yếu của thế giới này (cf. Homily for World Youth Day, Cologne, 21 August 2005).

 

2.         Những tiến bộ về kỹ thuật nơi ngành truyền thông ở một ý nghĩa nào đó đã chế ngự thời gian và không gian, làm cho việc truyền thông giữa dân chúng, ngay cả khi họ ở cách nhau rất xa, vừa cấp thời vừa trực tiếp. Việc phát triển này cho thấy một khả năng khổng lồ trong việc phục vụ công ích và là những gì “làm nên một gia sản cần được bảo toàn và cổ động” (Rapid Development, 10). Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều biết, thế giới của chúng ta còn xa vời mới trở thành tuyệt hảo. Hằng ngày chúng ta vẫn được nhắc nhở rằng tính cách tức khắc của việc truyền thông không phải lúc nào cũng được chuyển thành việc xây dựng vấn đề hợp tác và hiệp thông trong xã hội.

 

Việc mở mang kiến thức cho lương tâm con người và việc giúp vào vấn đề hình thành ý nghĩ của họ không bao giờ lại là một công việc trung dung cả. Việc truyền thông đích thực đòi phải có một lòng can đảm và cương quyết về nguyên tắc. Nó đòi phải có một quyết tâm nơi thành phần hoạt động nơi ngành truyền thông, không được gục xuống dưới gánh nặng của quá nhiều tín liệu hoặc thậm chí chiều theo những sự thật bán phần hoặc nhất thời. Thay vào đó, cần phải vừa tìm kiếm vừa truyền đạt những gì là nền tảng sâu xa và ý nghĩa đối với cuộc hiện hữu của con người, dù riêng tư hay xã hội (cf. Fides et Ratio, 5). Nhờ đó, ngành truyền thông mới có thể góp phần một cách xây dựng vào việc phổ biến tất cả những gì là tốt lành và chân thật.

 

3.         Tiếng gọi này đối với ngành truyền thông ngày nay để đảm nhận – để trở thành người bênh vực cho chân lý và từ đó cổ võ hòa bình – cần phải đối đầu với nhiều thách đố. Trong khi các phương tiện khác của việc truyền thông xã hội làm dẽ dàng hóa vấn đề trao đổi tín liệu, ý nghĩ, và tương kiến giữa các nhóm, thì chúng cũng bị lọ lem bởi tính cách mập mờ. Bên cạnh vấn đề đối thoại theo kiểu “đại bàn tròn”, cũng có một số khuynh hướng trong ngành truyền thông làm phát sinh ra một thứ độc tôn văn hóa làm lu mờ đi cái tài năng sáng tạo, làm giảm giá đi cái phẩm chất tinh tế của ý nghĩ phức tạp và làm hạ giá đi cái chuyên biệt của những việc thực hành văn hóa và tính cách đặc thù của niềm tin tôn giáo. Những cái méo mó này xẩy ra khi kỷ nghệ truyền thông trở thành một thứ kỹ nghệ phục vụ mình hay chỉ được thúc đẩy tìm lợi lộc mà thôi, mất đi cái cảm quan về tính cách trách nhiệm đối với công ích.

 

Bởi thế luôn phải duy trì việc tường trình xác đáng về các biến cố, giải thích đầy đủ về các vấn đề quần chúng quan tâm, và trình bày công bằng các quan điểm khác biệt. Đặc biệt cần phải đề cao và nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình, chính là vì nó liên quan tới nền tảng của hết mọi nền văn hóa và xã hội (cf. Apostolicam Actuositatem, 11). Cộng tác với thành phần phụ huynh, các phương tiện truyền thông xã hội và các kỹ nghệ tiêu khiển giúp vui có thể là những gì hỗ trợ cho một ơn gọi khó khăn song cũng hết sức an ủi trong việc nuôi dưỡng con cái, bằng việc trình bày những mẫu mực về sự sống và yêu thương con người vững chắc (cf. Inter Mirifica, 11). Tất cả chúng ta cảm thấy chán nản và thiệt hại biết bao khi thấy hầu như xẩy ra trái ngược hẳn. Tâm can của chúng ta không quằn quại hay sao, nhất là khi thấy giới trẻ của chúng ta nhào đầu vô những thứ bày tỏ hạ cấp và sai lầm về yêu thương là những gì bôi bẩn phẩm vị thiên phú của mọi con người cũng như làm suy yếu đi những phúc lợi của gia đình?

 

4.         Để khích lệ cả sự hiện diện xây dựng lẫn nhận thức tích cực về ngành truyền thông trong xã hội, tôi muốn lập lại tầm quan trọng của ba bước tiến được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ra, cần thiết cho việc chúng phục vụ công ích, đó là đào luyện, tham dự và đối thoại (cf. Rapid Development, 11).

 

Vấn đề huấn luyện trong việc sử dụng một cách hữu trách và cẩn trọng phương tiện truyền thông là những gì giúp cho dân chúng biết sử dụng chúng một cách sáng suốt và thích hợp. Không thể nào quá coi thường tầm ảnh hưởng sâu xa của các từ ngữ và hình ảnh mới đối với tâm trí, những gì được các phương tiện điện tử đặc biệt đưa vào xã hội một cách hết sức dễ dàng. Chính vì các phương tiện truyền thông hiện đại hình thành nền văn hóa phổ thông mà chính chúng cần phải thắng vượt bất cứ khuynh hướng mạo dụng nào, nhất là mạo dụng thành phần giới trẻ, và thay vào đó, theo đuổi ước muốn xây dựng và phục vụ. Nhờ đó, chúng bảo vệ thay vì làm suy yếu cơ cấu của một xã hội dân sự xứng đáng với con người.

 

Vấn đề tham dự vào các phương tiện truyền thông đại chúng xuất phát từ bản chất của chúng như là một sự thiện giành cho tất cả mọi người. Là một việc phục vụ quần chúng, vấn đề truyền thông xã hội đòi phải có tinh thần hợp tác và đồng trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện công cộng một cách hết sức ý thức, cũng như trong việc thi hành các vai trò được quần chúng trao phó (cf. Ethics in Communications, 20), bao gồm cả việc sử dụng những tiêu chuẩn thông thường và những biện pháp khác hay những cơ cấu khác được đề ra để đạt tới đích điểm này.

 

Sau hết là vấn đề cổ võ đối thoại, qua việc trao đổi kiến thức, bày tỏ tình đoàn kết và việc nối kết hòa bình, là những gì cống hiến một cơ hội tốt đẹp cần phải được công nhận và thực hiện đối với các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ thế chúng mới trở thành những phương tiện gây ảnh hưởng và được cảm nhận trong việc xây dựng nền văn minh yêu thương được mọi người trông mong.

 

Tôi tin rằng những nỗ lực thận trọng trong việc cổ võ ba bước tiến này sẽ giúp cho ngành truyền thông phát triển cách lành mạnh như là một cơ cấu của việc truyền đạt, hiệp thông và hợp tác, giúp cho con người nam nữ và trẻ em, càng nhận thức hơn nữa phẩm vị của con người, càng tỏ ra có trách nhiệm hơn nữa, và càng cởi mở với các người khác, nhất là các phần thiếu thốn nhất và yếu kém nhất trong xã hội (cf. Redemptor Hominis, 15; Ethics in Communications, 4).

 

Để đúc kết, tôi trở lại với những lới khích lệ của Thánh Phaolô: Chúa Kitô là bình an của chúng ta. Trong Người chúng ta là một (x Eph 2:14). Chúng ta hãy cùng nhau phá đổ những bức tường chia rẽ của hận thù và xây dựng mối hiệp thông yêu thương theo dự định của Đấng Hóa Công được tỏ ra qua Người Con của Ngài!

 

Tại Vatican ngày 24/1/2006, lễ Thánh Phanxicô Salêsiô

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20060124_40th-world-communications-day_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI - Cảm Nhận Thánh Mẫu: Chiều Kích Thánh Mẫu (ân sủng, tu đức) bao gồm Chiều Kích Phêrô (quyền bính, mục vụ)

 

(Tiếp 18 Thứ Bảy, 11 Thứ Bảy, 4 Thứ Bảy)

 

(Bài Giảng Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy ngày 25/3/2006)

 

Chúng phải được hình thành bởi Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng chúng ta liên lỉ chúc tụng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mà nhờ Người ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha được hoàn tất. Tuy nhiên, ngày của mọi ngày hôm nay đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh này của mầu nhiệm ấy – khía cạnh suối nguồn thần linh tuôn chảy qua một mạch nước đặc biệt đó là Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã nói về điều này bằng hình ảnh ‘aquaeductus’ sống động (cf. "Sermo in Nativitate B.V. Mariae": PL 183, 437-448). Thế nên, khi cử hành việc nhập thể của Người Con, chúng ta không thể không tôn vinh Mẹ của Người.

 

Lời thiên thần loan báo cho Mẹ, Mẹ đã chấp nhận, và khi Mẹ đáp lại bằng tất cả tâm hồn của mình là ‘Này tôi… xin vâng như lời ngài truyền’ (Lk 1:38), thì Lời hằng hữu bắt đầu hiện hữu như là một con người trong thời gian.

 

Mầu nhiệm khôn lường này không ngừng trở thành những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng từ đời nọ đến đời kia. Thánh Âu Quốc Tinh tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa ngài và vị thiên thần Truyền Tin, khi đặt vấn đề là: ‘Ôi Thiên Thần, xin hãy nói cho tôi hay là tại sao điều này đã xẩy ra nơi Mẹ Maria?’ Câu trả lời được vị thiên sứ đáp lại chất chứa chính những lời chào kính: ‘Kính mừng đầy ơn phúc’ (x Sermo 291.6). Thật vậy, vị thiên thần, ‘khi hiện ra với Mẹ’, đã không gọi Mẹ theo tên trần gian của Mẹ là Maria, mà bằng tên thần linh của Mẹ, ‘Đầy ơn phúc – gratia plena’, một tên theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘yêu dấu’ (x Lk 1:28) vì Mẹ luôn được Thiên Chúa biết đến và mang dấu vết Thiên Chúa. Giáo phụ Origen đã nhận định rằng không có danh xưng nào như thế được ban cho bất cứ một con người nào, và là một danh xưng duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh (cf ‘In Lucam’ 6:7). 

 

Nó là một danh hiệu ở thể thụ động, thế nhưng ‘cái thụ động’ này của Mẹ Maria, Vị luôn được và đang được Chúa mãi mãi ‘yêu thương’, bao gồm việc tự do ưng thuận của Mẹ, việc đáp ứng cá nhân và nguyên vẹn của Mẹ: Khi được yêu thương, Mẹ Maria hoàn toàn chủ động, vì Mẹ chấp nhận một cách quảng đại làn sóng yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Mẹ. Cả ở việc này nữa, Mẹ cũng là người môn đệ trọn hảo của Con Mẹ, Đấng hiện thực tất cả tự do của mình qua việc tuân phục Chúa Cha.

 

Trong bài đọc thứ hai, chúng ta nghe một đoạn tuyệt vời được tác giả của bức Thư gửi Do Thái viết khi dẫn giải Thánh Vịnh 39 theo ý nghĩa nhập thể của Chúa Kitô: “Khi Chúa Kitô vào trần gian, Người đã thưa… ‘Này Con đây, Con xin đến để làm theo ý Cha, Ôi Thiên Chúa’” (10:5-7). Trước mầu nhiệm của hai lời ‘Này con đây’ của Chúa Kitô và Vị Trinh Nữ, lời này phản ảnh trong lời kia, làm nên câu Amen duy nhất dâng lên ý muốn yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy đầy những ngỡ ngàng và tri ân cảm tạ, và chúng ta cúi mình xuống tôn thờ.

 

Chư huynh thân mến, thật là một ân huệ cao cả biết bao khi thực hiện việc cử hành ý nghĩa này vào Lễ Trọng Truyền Tin đây! Chúng ta có thể nhận được dồi dào ánh sáng biết bao từ mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta làm thừa tác viên của Giáo Hội đây! Nhất là các vị tân hồng y thân mến, chư huynh có thể lãnh nhận nhiều bổ dưỡng là chừng nào cho sứ vụ làm ‘Nghị Viên’ cao cả của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô! Cơ hội thích đáng này giúp chúng ta coi biến cố hôm nay đây, một biến cố nhấn mạnh đến nguyên tố Phêrô của Giáo Hội, theo chiều hướng của một nguyên tố khác, đó là nguyên tố Thánh Mẫu, một nguyên tố thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’.

 

Trong linh đạo của ngài, cũng như trong thừa tác vụ liên lỉ của ngài, sự hiện diện của Mẹ Maria như là Người Mẹ và là Nữ Vương của Giáo Hội đã trở thành hiển nhiên trước mắt mọi người. Nhất là ngài đã quảng bá sự hiện diện từ mẫu của Mẹ nơi vụ ám sát ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Để tưởng nhớ biến cố bi thương này, ngài đã đặt một bức ảnh Đức Trinh Nữ bằng vi thạch ghép trên cao Tông Dinh Giáo Hoàng, nhìn xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, để hỗ trợ những giây phút chính yếu và diễn tiến hằng ngày cho giáo triều dài lâu của ngài. Đúng một năm từ khi giáo triều của ngài đi vào giai đoạn cuối cùng, giai đoạn vượt qua đầy khổ đau nhưng thực sự là vinh thắng. Tấm hình Truyền Tin, hơn bất cứ tấm hình nào khác, giúp chúng ta thấy rõ lý do tại sao hết mọi sự trong Giáo Hội trở về với mầu nhiệm Mẹ Maria chấp nhận Lời thần linh, nhờ đó, qua tác động của Thánh Linh, giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại mới được hoàn toàn niêm ấn.

 

Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này, trong chân trời đầy ân phúc của lời Mẹ ‘xin vâng’ theo ý muốn của Thiên Chúa. Mối liên hệ này với Mẹ Maria tự nhiên khơi lên trong tất cả chúng ta một âm hưởng rất mến thương, thế nhưng, trước hết nó có một giá trị khách quan. Giữa Mẹ Maria và Giáo Hội thực sự có một mối liên hệ tự nhiên, được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh qua quyết định khéo léo của mình, trong việc đưa phần về Đức Trinh Nữ vào đoạn kết của hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ về Giáo Hội.

 

Đề tài về mối liên hệ giữa nguyên tố Phêrô và nguyên tố Thánh Mẫu cũng được thể hiện nơi biểu hiệu chiếc nhẫn mà tôi sắp sửa trao cho chư huynh. Chiếc nhẫn này luôn là dấu hiệu của hôn ước. Hầu hết tất cả chư huynh đã được một chiếc nhẫn vào ngày được tấn phong lên hàng giáo phẩm, như biểu lộ lòng trung thành và việc dấn thân của chư huynh trong vấn đề trông coi Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô (x. Nghi Thức Tấn Phong Giám Mục). Chiếc nhẫn tôi trao cho chư huynh hôm nay đây, chiếc nhẫn hợp với phẩm tước hồng y, là để xác nhận và củng cố việc dấn thân ấy, việc dấn thân cũng xuất phát từ tặng ân hôn ước, từ việc nhắc nhở cho chư huynh nhớ rằng trước hết và trên hết chư huynh cần phải mật thiết kết hợp với Chúa Kitô để hoàn thành sứ vụ của chư huynh là thành phần phù rể của Giáo Hội.

 

Chớ gì việc chư huynh chấp nhận chiếc nhẫn này, đối với chư huynh, là việc chư huynh lập lại tiếng ‘xin vâng’ của mình, tiếng ‘này con đây’ của chư huynh, ngỏ cả cùng Chúa Giêsu là Đấng đã chọn chư huynh và ủy nhiệm chư huynh, lẫn Giáo Hội, một Giáo Hội chư huynh được kêu gọi để phục vụ bằng tình mến yêu của một người bạn đời. Bởi vậy mà hai chiều kích của Giáo Hội là Thánh Mẫu và Phêrô, gặp nhau ở giá trị cao cả của ‘đức ái’ là đức làm trọn mỗi nguyên tố. Thánh Phaolô nói rằng đức ái là đặc sủng ‘cao trọng nhất’, là ‘đường lối tuyệt hảo nhất’ (1Cor 12:31,13:13).

 

Hết mọi sự trên thế giới này sẽ qua đi. Trong cõi vĩnh hằng chỉ có tình yêu mới tồn tại mà thôi. Vì lý do này, Chư Huynh thân mến, lợi dụng dịp thuận lợi của mùa Chay này, chúng ta hãy quyết tâm bảo đảm là hết mọi sự trong đời sống riêng tư của mình, cũng như trong hoạt động của Giáo Hội chúng ta tham phần, đều được tác động bởi đức ái và dẫn tới đức ái. Cả về khía cạnh này nữa, chúng ta được chiếu soi bởi mầu nhiệm chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Thật vậy, việc đầu tiên Mẹ Maria làm sau khi lãnh nhận sứ điệp của Thiên Thần là ‘vội vã’ lên đường tới nhà của người chị họ Isave để phục vụ người chị này (x Lk 1:39).

 

Động tác của Vị Trinh Nữ này là một động tác của đức ái chân thực, một động tác khiêm tốn và can đảm, được tác động bởi niềm tin tưởng vào lời Chúa và được Thánh Linh động viên trong lòng. Những ai yêu thương thì quên mình và dấn thân phục vụ tha nhân.

 

Ở đây chúng ta có được hình ảnh và mô phạm của Giáo Hội! Hết mọi cộng đồng giáo hội, như Người Mẹ của Chúa Kitô, đều được kêu gọi hoàn toàn quảng đại chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng đến ngự trong Mẹ và dẫn Mẹ bước đi trên con đường yêu thương. Đó là con đường tôi đã chọn để khai triều của mình, khi mời gọi mọi người, bằng bức thông điệp đầu tiên của mình, trong việc xây dựng Giáo Hội trong đức ái như một ‘cộng đồng yêu thương’ (x Thiên Chúa Là Tình Yêu, phần 2).

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 13 Thứ Năm, 14 Thứ Sáu, 15 Thứ Bảy, 16 Chúa Nhật, 17 Thứ Hai, 18 Thứ Ba, 19 Thứ Tư, 20 Thứ Năm, 21 Thứ Sáu)

 

Nhận Định về Vị Tiền Nhiệm

Về "Văn Hóa Sự Sống" Của Vị Tiền Nhiệm

Trao Đổi với Hàng Giáo Sĩ ở Rôma 2/3/2006

 

Hôm 2/3/2006, tại Hall of Blessings, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ cho hàng giáo sĩ ở Rôma. Sau khi ĐHY Camillo Ruini, đại diện Giáo Phần Rôma, Đức Giáo Hoàng đã trả lời những câu hỏi và những phát biểu của 10 vị linh mục, rồi sau đó ngài cũng giải đáp cả những chia sẻ nhận định của 5 vị linh mục khác nữa. Sau đây là 15 câu vấn đáp giữa Đức Thánh Cha và hàng giáo sĩ ở Rôma.

 

“Tôi sẽ vào đề ngay, kẻo chờ cho đến khi kết thúc tất cả mọi chia sẻ nhận định thì phần độc tấu của tôi sẽ quá dài đi.

 

“Trước hết, quí linh mục giáo phận Rôma thân mến, tôi muốn bày tỏ niềm hân hoan được ở cùng anh em nơi đây. Đây là niềm vui thực sự khi thấy được rất nhiều vị mục tử phục vụ ‘Vị Mục Tử Nhân Lành’ ở nơi đây, ở Giáo Phận đầu tiên của Kitô Giáo, ở một Giáo Hội ‘chủ sự trong đức ái’ và phải trở thành một mô phạm cho các Giáo Hội địa phương khác. Cám ơn việc phục vụ của anh em!

 

“Chúng ta có được một gương sáng của Cha Andrea, vị đã cho chúng ta thấy ý nghĩa ‘là’ linh mục như thế nào cho đến cùng, đó là chết đi cho Chúa Kitô trong giây phút nguyện cầu, nhờ đó, một đàng cho thấy cái nội tâm của đời sống ngài với Chúa Kitô, đàng khác, cho dân chúng thấy chứng từ của ngài ở vào thời điểm thực sự là ‘panpherical’ trên thế giới này, một thế giới đầy những hận thù và cuồng tín của kẻ khác. Đó là một chứng từ tác động mọi người theo Chúa Kitô, trong việc hiến mạng sống mình cho người khác, nhờ đó được Sự Sống”.

 

Nhân dịp kỷ niệm đầy năm băng hà của Đức Gioan Phaolô II, và nhân Mùa Chay, ở đây chỉ chuyển dịch trao đổi đầu tiên giữa vị linh mục thứ nhất với Đức Thánh Cha có liên quan tới hai khía cạnh này mà thôi.

 

Lm 1Tâu Đức Thánh Cha, chúng con lần đầu tiên được triều kiến Đức Thánh Cha vào dịp gặp gỡ Mùa Chay này. Con xin tưởng nhớ tới Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II thân yêu. Qua những lời Đức Thánh Cha nói ở lễ an táng của ngài, con thấy được một dấu hiệu liên tục giữa Đức Thánh Cha và Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của Đức Thánh Cha: ‘Chúng ta có thể tin rằng Vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay đây đang đứng ở cửa sổ Nhà Cha, ngài trông thấy chúng ta và ban phép lành cho chúng ta’. Ý nghĩ ấy đã gợi hứng cho con viết thành bài thơ thập tứ cú theo thổ âm Rôma để kính dâng Đức Thánh Cha, đó là bài: ‘Một cửa sổ trên Trời cao’.

 

ĐTC:  Về chia sẻ nhận định đầu tiên này, trước hết tôi xin hết lòng ‘cám ơn’ về bài thơ tuyệt vời này! Giáo Hội ở Rôma cũng có những nhà thơ và nghệ sĩ nơi hàng giáo sĩ  Rôma, và tôi sẽ có cơ hội để suy tư và ngẫm nghĩ những lời lẽ mỹ lệ ấy,  ý thức rằng ‘cửa sổ’ này bao giờ cũng ‘mở’. Có lẽ đây là cơ hội để nhớ lại di sản quan trọng của vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để càng ngày càng tiếp tục thấm nhuần di sản ấy.

 

Hôm qua chúng ta bắt đầu Mùa Chay. Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta một tư tưởng sâu xa về ý nghĩa chính yếu của Mùa Chay: Đó là bản chỉ nam cho đời sống của chúng ta.

 

Bởi thế, đối với tôi - tôi nói liên quan tới Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - đó là chúng ta cần phải nhấn mạnh một chút xíu tới Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay. Bài giảng trọng đại của Moisen, trước ngưỡng của Thánh Địa sau cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, là những gì tóm gọn toàn bộ Ngũ Kinh, toàn bộ Lề Luật. Ở đây chúng ta thấy được cái thiết yếu chẳng những đối với dân Do Thái mà còn đối với cả chúng ta nữa. Cái thiết yếu ấy chính là Lời Chúa: ‘Ta đặt trước các người sự sống và sự chết, phúc lành và nguyền rủa; bởi thế hãy chọn sự sống’ (Deut 30:19).

 

Những lời sâu xa của Mùa Chay này cũng là những lời sâu xa nơi di sản của vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta, đó là ‘hãy chọn sự sống’. Ơn gọi linh mục của chúng ta đó là chính mình chọn sự sống và giúp người khác chọn sự sống. Nó là vấn đề có thể nói là canh tân trong Mùa Chay ‘việc chọn lựa trọng yếu’ của riêng chúng ta, việc chọn lựa sự sống. 

 

Thế nhưng, vấn đề ở đây là: làm sao chúng ta có thể chọn sự sống, tại sao chúng ta lại phải làm như thế? Suy nghĩ về điều này, tôi đã nhớ lại rằng tình trạng bội giáo trầm trọng ở Kitô Giáo xẩy ra ở Tây Phương trong 100 năm qua chính là vấn đề nhân danh việc chọn sự sống ấy. Người ta nói rằng – tôi đang nghĩ tới Nietzche cũng như rất nhiều người khác – Kitô giáo là một thứ chọn lựa chống lại sự sống. Với Cây Thập Giá, với tất cả những giới luật, với tất cả những ‘cấm đoán’ ấn định cho chúng ta, một số người nói rằng Kitô Giáo đã đóng cửa sự sống lại.

 

Thế nhưng, chúng ta, chúng ta muốn có sự sống và chúng ta chọn, chúng ta lựa sự sống trên hết, khi chúng ta giải thoát mình bằng Thập Giá, giải thoát mình bằng tất cả những Giới Luật ấy, bằng tất cả những ‘thứ ngăn cấm’ này. Chúng ta muốn có sự sống viên mãn, không gì khác ngoài sự sống.

 

Đến đây chúng ta nghĩ ngay đến những lời của bài Phúc Âm, đó là lời ‘Ai muốn cứu sự sống mình sẽ mất sự sống; và ai mất sự sống mình vì Thày thì sẽ giữ được nó’ (Lk 9:24). Đó là những gì mâu thuẫn ngược đời chúng ta trước hết cần phải nhận thức trong việc chọn lựa sự sống. Nó không phải là vấn đề yêu sách sự sống cho mình mà là hiến ban sự sống, không phải có sự sống và giữ lấy sự sống mà là ban tặng sự sống mà chúng ta mới được sự sống. Đó là ý nghĩa tối hậu của Thập Giá, ở chỗ không tìm kiếm sự sống cho bản thân mình, song hiến mạng sống mình.

 

Như thế, Tân Ước và Cựu Ước đi với nhau. Trong Bài Đọc Thứ Nhất theo Sách Nhị Luật, đáp ứng của Thiên Chúa là: ‘Tôi truyền cho các ngươi ngày hôm nay đây là hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của các người, hãy bước đi theo đường lối của Ngài, và hãy tuân giữ các giới huấn của Ngài cũng như những chỉ thị của Ngài, để các người được sống’ (Deut 30:16). Thoạt tiên chúng ta có thể không thích điều này, thế nhưng đó là đường lối ở chỗ việc chọn lựa sự sống và chọn lựa Thiên Chúa là những gì đồng nhất. Chúa Kitô đã nói như thế trong Phúc Âm Thánh Gioan: ‘Đây là sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha’ (Jn 17:3).

 

Sự sống con người là một mối liên hệ. Chỉ trong mối liên hệ, chứ không thu mình lại, chúng ta mới có sự sống. Và mối liên hệ sâu xa này là mối liên hệ với Đấng Hóa Công, ngoài ra, các mối liên hệ khác đều là những gì mong manh mỏng dòn. Bởi thế, cần phải chọn Thiên Chúa. Một thế giới không có Thiên Chúa, một thế giới lãng quên Thiên Chúa, là một thế giới mất sự sống và rơi vào tình trạng của một nền văn hóa sự chết.

 

Bởi thế, việc chọn sự sống, việc lựa sự sống, trước hết và trên hết, nghĩa là chọn giải pháp liên hệ với Thiên Chúa. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là: với Thiên Chúa nào? Ở đây, một lần nữa, Phúc Âm giúp cho chúng ta tìm ra câu giải đáp, đó là với Vị Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy dung nhan của Ngài nơi Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa khống chế hận thù trên Cây Thập Giá, tức là bằng yêu thương cho đến cùng. Do đó, khi chọn Vị Thiên Chúa này là chúng ta chọn sự sống vậy.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban cho chúng ta bức thông điệp trọng đại là ‘Phúc Âm Sự Sống’. Nơi bức thông điệp thực sự là một bức họa về các vấn đề của văn hóa, hy vọng và nguy hiểm ngày nay này, chúng ta rõ ràng thấy rằng một xã hội lãng quên Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, chính là để có sự sống, thì lại rơi vào một thứ văn hóa sự chết.

 

Chính là để có sự sống mà người ta đã nói ‘không’ với đứa nhỏ, vì nó lấy đi mất một phần đời của tôi; ‘không’ với tương lai để có được tất cả cái hiện tại; ‘không’ với sự sống trong bụng cũng như với sự sống khổ đau sắp chết. Những gì là nền văn hóa sự sống trở thành một thứ phản văn hóa sự chết, nơi vắng bóng Thiên Chúa, nơi Vị Thiên Chúa không muốn hận thù mà là chế ngự hận thù vắng bóng. Ở đây chúng ta thực sự chọn sự sống.

 

Như thế, hết mọi sự đều có liên hệ với nhau, ở chỗ, việc chọn lựa sâu xa nhất đối với Chúa Kitô Tử Giá có liên hệ với việc chọn lựa trọn vẹn nhất đối với sự sống, từ giây phút đầu tiên cho tới giây phút cuối cùng.

 

Đối với tôi thì điều này, một cách nào đó, là trọng tâm của việc chúng ta chăm sóc về mục vụ, đó là giúp cho dân chúng biết thực sự chọn sự sống, biết canh tân mối liên hệ với Thiên Chúa như là một mối liên hệ ban cho chúng ta sự sống và tỏ cho chúng ta thấy sự sống. Nhờ đó, biết yêu mến Chúa Kitô một cách mới mẻ, Đấng không phải là một Hữu Thể mờ mịt nhất, Đấng chúng ta không tới gần được và là Đấng bí ẩn, trở thành một Vị Thiên Chúa rạng ngời, một Vị Thiên Chúa với dung nhan con người, một Vị Thiên Chúa là tình yêu.

 

Chúng ta hãy quan tâm giữ lấy vấn đề cốt yếu này cả cuộc đời của mình, và hãy làm sao để chương trình ấy chất chứa tất cả Phúc Âm, Cựu Ước và Tân Ước, tập trung vào Chúa Kitô. Đối với chúng ta, Mùa Chay phải là thời gian canh tân việc nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa, mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu, để có thể hướng dẫn người khác bằng đường lối thuyết phục trong việc chọn sự sống, mà thực sự là chọn Thiên Chúa. Chúng ta cần phải ý thức rằng trong việc chọn Chúa Kitô, chúng ta không muốn chối bỏ sự sống, mà thực sự là chọn sự sống ở tầm mức viên mãn.

 

Việc chọn lựa của Kitô hữu là một chọn lựa thật ra rất ư là giản dị: Nó là chọn lựa việc tỏ ra ‘ưng thuận’ với sự sống. Thế nhưng, việc ‘ưng thuận’ này chỉ xẩy ra với Vị Thiên Chúa tỏ mình ra, Vị Thiên Chúa mang khuôn mặt con người. Nó xẩy ra bằng việc theo Vị Thiên Chúa này vào mối hiệp thông yêu thương. Những gì tôi nói nẫy giờ là có ý muốn gợi lại việc chúng ta tưởng nhớ tới vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta.

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ