GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 27/7/2006

 TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Cuộc Bàn Luận về vấn đề tình hình Trung Đông không đạt được một thỏa ước đình chiến ngay

?   Diễn Tiến Từng Ngày Cuộc Xung Đột Do Thái và Dân Quân Hezbollah ở Lebanon

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.4- Người Được Công Chính Hóa là Một Tội Nhân

 

 

? Cuộc Bàn Luận về vấn đề tình hình Trung Đông không đạt được một thỏa ước đình chiến ngay

 

Theo CNN qua bài Mideast talks fail to reach cease-fire agreement ngày Thứ Tư 26/7/2006, thì cuộc bàn luận ở Rôma hôm Thứ Tư cùng ngày giữa những nhân vật trọng yếu về Trung Đông liên quan tới dự án chấm dứt cuộc chiến tranh 15 ngày ở Lebanon đã không đạt được thỏa ước đình chiến lập tức.

 

Cuộc họp này chỉ kêu gọi một thỏa hiệp mà ít có hành động cụ thể để chấm dứt cuộc chiến, nhưng đã kêu gọi việc hình thành một lực lượng Liên Hiệp Quốc có thực quyền để giúp chính quyền Lebanon áp đặt vấn đề kiểm soát của mình ở miền nam Lebanon, và cũng đồng ý về việc trợ giúp nhân đạo cùng việc tái thiết. Thế nhưng, nếu không đình chiến ngay thì làm sao có thể viện trợ nhân đạo được, và dù có viện trợ được mà cứ đánh nhau thì việc viện trợ này sẽ kéo dài tới bao giờ và tốn kém biết bao, nhất là tính mạng của cả thành phần cứu trợ nữa. Thế mà Hoa Kỳ vẫn cứ khăng khăng một mình không chịu cùng với mọi thành phần tham dự ở Âu Châu và khối Ả Rập tiến đến vấn đề ngưng chiến ngay.

 

Vấn đề bất đồng ở đây giữa các vị lãnh đạo Âu Châu và Trung Đông với Hoa Kỳ là, trong khi các vị lãnh đạo không phải Hoa Kỳ, như Bộ Trưởng Ngoại Giao Ý Massimo D’Alema, và Thủ Tướng Lebanon Fouad Siniora, người diễn tả đất nước của ông đã ‘bị cắt thành từng mảnh’, chủ trương đình chiến ngay, thì Hoa Kỳ, qua bà ngoại trưởng Rica, lại chủ trương một dự án dài hạn, ở chỗ cần phải giải giới nhóm dân quân Hezbollah ở Lebanon là căn nguyên gây ra cuộc xung đột này, bằng không, cho dù có đình chiến thì nhóm dân quân được Mỹ xếp vào loại khủng bố này vẫn còn vũ khí trong tay, tức chưa diệt được tận gốc.

 

Cuộc bàn luận càng trở thành căng thẳng hơn nữa, một cuộc bàn luận với sự hiện diện của các quốc gia như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, Khối Hiệp Nhất Âu Châu, các quốc gia Ả Rập như Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia, cũng như Gia Nã Đại, Nga, Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ, trước cái chết của 4 quan sát viên quân đội Liên Hiệp Quốc trong một cuộc tấn công của Do Thái vào một đồn trú của Liên Hiệp Quốc, một biến cố được Do Thái cho là vô ý nhưng bị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cho rằng ‘rõ ràng là cố tình’.

 

Đối với các nhà lãnh đạo Âu Châu và Ả Rập thì thái độ của Hoa Kỳ có vẻ như muốn kéo dài thời gian, muốn câu giờ để Do Thái được dịp trả thù nhóm dân quân vẫn bị Hoa Kỳ xếp vào loại khủng bố như nhóm Hamas ở Palestine vậy, cũng là nhóm đã từng khủng bố tấn công Hoa Kỳ. Chẳng hạn như hai lần điển hình sau đây: Nhóm Hezbollah bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công tự sát, đầu tiên vào ngày 18/4/1983 ở Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Tây Beirut sát hại 63 người, một dấu báo cho thấy trước các cuộc tấn công sau này chống lại Hoa Kỳ và những kẻ thân Tây Phương. Lần thứ hai vào ngày 23/10/1983, cuộc nổ bom tự sát của Hezbollah đã làm nổ tung các tổng hành dinh của những lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ và Pháp ở Beirut, sát hại 298 người, trong đó có 241 Hải Quân Hoa Kỳ cùng với các nhân viên quân sự khác. Quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Lebanon sau đó ít tháng.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo CNN 

  

 

TOP

 

 

 ? Diễn Tiến Từng Ngày Cuộc Xung Đột Do Thái và Dân Quân Hezbollah ở Lebanon

 

Theo tài liệu của CNN qua mục ‘day-by-day attacks”, sau đây là diễn tiến cuộc xung đột giữa Do Thái và Nhóm dân quân Hezbollah ở Lebanon.

 

Thứ Tư 12: Nhóm dân quân Hezbollah bắn một cặp phi đạn vào miền bắc Do Thái từ miền nam Lebanon, và thành phần hiếu chiến của nhóm này đã bắt cọc 2 quân nhân Do Thái trong cuộc tấn công dọc biên giới Lebanon giữa các tỉnh của Do Thái là Zar’it và Shtula. Tám quân nhân Do Thái bị tử trận trong cuộc đánh nhau hôm đó. Đáp lại, các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân Do Thái tấn công ít là 8 cơ sở của nhóm này và 5 cây cầu ở miền nam Lebanon.

 

Thứ Năm 13: Các máy bay chiến đấu và pháo bính của Do Thái dội bom hằng trăm mục tiêu ở Lebanon, bao gồm cả phi trường quốc tế ở thủ đô Beruit và các phi trường quân sự ở Rijaq và Qulayaat. Nhóm Hezbollah bắn hằng tá phi đạn vào miền bắc Do Thái, trúng các thành phố Nahariya, Safed và Haifa. Do Thái thiết lập một cuộc phong tỏa hải quân ở Beirut và vào buổi tối lại tấn công  phi trường của thành phố này.

 

Thứ Sáu 14: Sau khi để cho một nửa tá máy bay cất cánh, Do Thái lại dội bom các phi đạo của phi trường Beruit lần thứ ba, cũng như một đường ham, hai cây cầu và một kho nhiên liệu gần đó. Các đơn vị hải quân tiếp tục pháo vào phi trường này và nới rộng việc phong tỏa của mình cả những thành phố cảng là Tripoli, Sidon và Tyre. Máy bay Do Thái tấn công một lò năng lượng ở miền nam thủ đô. Dọc theo biên giới của Do Thái và Lebanon, các Lực Lượng Phòng Vệ Do Thái (IDF: Israel Defense Forces) tấn công các vị trí của Hezbollah và các trạm nhiên liệu ở miền nam Sidon. Trở lại Beirut, IDF tấn công nhà của vị lãnh đạo nhóm Hezbollah là Hassan Nasrallah ở một trong nơi lân cận ở miền nam thành phố này. Nhóm Hezbollah tung ra các phi đạn vào một số tỉnh miền bắc Do Thái, trúng Carmiel, Nahriya, Safed, Hatzor, Meron, Pqui’in và Kiryat Shmona. Chiều Thứ Sáu, một cuộc tấn công phi đạn đã trúng một chiếc tầu chiến của Do Thái đậu ở ngoài duyên hải Lebanon.

 

Thứ Bảy 15: Do Thái dội bom các con đường và cây cầu chính khắp Lebanon, kể cả Nahrel Bared, Hermel, Debiyeh và Sarasand. Có ít là 15 người bị thiệt mạng trong cuộc dội bom của Do Thái trúng chiếc xe buýt cỡ nhỏ giữa Shamaa và Bayada. Những chiếc trực thăng nhắm vào các vị trí quân đội của Lebanon ở Sidon, Beirut, Jounieh, Jbeil và Batroun. Lực lượng không quân Do Thái tấn công một vùng được sử dụng để bắn các phi đạn gần Tyre và tiếp tục tấn công các tổng hành dinh của nhóm Hezbollah ở Beruit. Trái lại, nhóm này bắn 75 phi đạn suốt ngày khiến Nahariya và Tiberias gánh chịu sức nặng của cuộc tấn công này.

 

Chúa Nhật 16: Không quân Do Thái tấn công Tyre và Aytaroun. IDF tiếp tục tấn công Beirut vào một đài truyền thanh của nhóm Hezbollah và phi trường của thành phố này. Phi đạn của nhóm Hezbollah bắn trúng một trạm xe lửa ở Haifa, và các phi đạn khác bắn tới những tỉnh trên 25 dặm nam biên giới Do Thái với Lebanon. Những chiếc trực thăng hàng hải Hoa Kỳ đưa 21 người Mỹ từ Lebanon tới Cyprus.

 

Thứ Hai 17: Nhóm Hezbollah tấn công hàng loạt phi đạn vào ít là 9 tỉnh giữa Rosh Hanikra và Kiryat Shmona, kể cả Safed và Haifa. Trái lại Do Thái dội bom một doanh trại ở Abde và tấn công miền nam Lebanon. IDF cũng tấn công một xe vận tải chở các phi đạn ở Beruit, cùng các địa điểm khác ở thành phố này. Cầu hành không hải quân Hoa Kỳ mang 43 người Mỹ rời khỏi Lebanon.

 

Thứ Ba 18: Do Thái tấn công những khu quân sự của Lebanon, bao gồm cả doanh trại ở Jamhour, và các địa điểm khác ở nam Beruit. Nhóm Hezbollah bắn phi đạn vào Haifa, Akko và Nahariya dọc duyên hải bắc Do Thái. Các phi đạn cũng tấn công tới cả miền đật xa hơn là Safed, Hatzor và Carmiel. Buổi chiều phi đạn của Hazbollah tấn công Haifa một lần nữa.

 

Thứ Tư 19: Không quân Do Thái dội bom một lò than ở miền nam Beruit mà họ tin rằng được các lãnh đạo nhóm Hezbollah sử dụng. Các cuộc dội bom tiếp tục vào phi trường và IDF bắn phi đạn và nã pháo vào Tyre. Lực lượng bộ binh của Do Thái đụng độ với các tay chiến đấu quân của Hezbollah ở nam Lebanon, vượt biên giới từ Avivim. Các phi đạn của Hezbollah tấn công ít là 6 tỉnh miền bắc Do Thái, kể cả Haifa và Nazareth. Trên 1 ngàn người rời Beirut xuất ngoại bằng một chiếc tầu của chính phủ Hoa Kỳ. 

 

Thứ Năm 20: Do Thái tấn công các trại huấn luyện của Hazbollah khắp Lebanon và một đài truyền hình ở Beirut. Sang ngày thứ hai, các lực lượng đặc biệt đang tấn công trên đất liền các tay hiếu chiến Hezbollah ở miền nam Lebanon gần tỉnh Avivim biên giới Do Thái. Hezbollah bắn các phi đạn Katyusha vào các thành phố miền bắc Do Thái, trong đó có Tiberias và Carmiel. Khoảng 2.250 người Mỹ rời Lebanon trên những chiếc tầu và trực thăng của quân đội Hoa Kỳ.

 

Thứ Sáu 21: Hezbollah tấn công phi đạn vào các thành phố của Do Thái là Haifa, Meron, Safed, Yiron và Avivim. Do Thái tiếp tục nã pháo và dội bom ở miền nam Lebanon. Cuộc giao tranh giữa các lực lượng bộ binh Do Thái và Hezbollah tiếp tục xẩy ra ở Lebanon gần Maroun al-Ras và Marwahin. Theo quân đội Do Thái thì đã có 34 người Do Thái đã bị tử vong từ khi xẩy ra trận chiến.

 

Thứ Bảy 22: Các lực lượng bộ binh Do Thái tiến vào miền nam Lebanon và kiểm soát Maroun al-Ras. Do Thái dội bom vào các tháp truyền sóng ở Fatqa, Sanine, Torbol, Ehden, Fii và Niha, làm lũng đoạn truyền hình và điện thoại ở miền bắc Lebanon. Hazbollah bắn phi đạn vào Haifa, Safed, Nahariya, Carmiel và vùng quanh Avivim. Gần 4 ngàn người Hoa Kỳ từ Lebanon đến Cyprus.

 

Chúa Nhật 23: Ít là có 6 vụ dội bom của Do Thái ở Tyre, cách 20 phút một lần trong cuộc hành quân ban sáng. Máy bay tấn công một dinh thự ở Sidon được Do Thái cho là được nhóm Hezbollah sử dụng, và IDF tiếp tục tấn công các địa điểm ở miền nam Beruit. Hezbollah bắn ít là 60 phi đạn, trúng Haifa và các miền khác thuộc miền bắc Do Thái. Tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Beruit cho biết từ ngày 16/7 đã có 11.260 người Hoa Kỳ rời Lebanon. IDF nói rằng có 31 người Do Thái bị giết từ khi bùng nổ cuộc chiến. Và theo các nguồn an ninh Lebanon, có ít là 271 người Lebanon đã tử vong.

 

Thứ Hai 24: Những phi đạn Katyusha của Hezbollah tấn công các tỉnh miền bắc Do Thái là Haifa, Tiberias, Kiryat Shmona, Maalot và Nahariya. Không quân Do Thái tấn công một địa điểm miền đông Sidon, Lebanon, nơi Do Thái cho rằng đã được Hezbollah sử dụng để làm nơi bắn phi đạn; Do Thái củng phá hủy các nhà cửa và xe cộ gần Tyre và 1 chiếc xe vận tải gần phi trường chính ở Beirut. Các lực lượng Do Thái và Hezbollah đụng độ dữ dội ở các tỉnh miền nam Lebanon là Maroun Al-Ras và Bint Jbeil. Ít là có 375 người, hầu hết là thường dân, đã bi chết ở Lebanon từ khi bắt đầu trận chiến, trong khi bên Do Thái có 39 trong đó có 22 quân nhân.

 

Thứ Ba 25: IDF nói rằng họ sẽ kiểm soát Bint Jbeil ở miền nam Lebanon. Do Thái bắt đầu dội bom vào những mục tiêu ở Tyre, Beirut và Nabatiye. Một cuộc dội bom của Do Thái trúng một đồn Liên Hiệp Quốc gần Khiyam trong các cuộc dội bom và nã pháo ở vùng này, khiến cho 4 quan sát viên của Liên Hiệp Quốc bị thiệt mạng. Hezbollah bắn gần 100 phi đạn vào miền bắc Do Thái, trúng Haifa, Carmiel, Kiryat Shmona, Nahariya và Meghar. Từ khi bắt đầu xẩy ra chiến trận, bên Lebanon đã có 392 người đã bị sát hại ở Lebanon, bên Do Thái có 41 người bị chết. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Lebanon nói rằng có 12.600 người kiều dân Hoa Kỳ ra khỏi Lebanon từ lúc bắt đầu xẩy ra các cuộc di tản.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 4.4- Người Được Công Chính Hóa là Một Tội Nhân

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm, bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 22 Thứ Bảy, bài 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT;  23 Chúa Nhật, bài 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA; 24 Thứ Hai, bài 4.1- Tình Trạng Bất Lực và Tội Lỗi của Con Người đối với Việc Công Chính Hóa; 25 Thứ Ba, bài 4.2- Công Chính Hóa là Việc Tha Thứ Tội Lỗi và Làm Cho Nên Chính Trực; 26 Thứ Tư, bài 4.3- Công Chính Hóa bởi Đức Tin và nhờ Ân Sủng)

 

4- GIẢI NGHĨA KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

4.4- Người Được Công Chính Hóa là Một Tội Nhân

 

28.    Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, trong phép rửa, Chúa Thánh Thần đã liên kết con người với Chúa Kitô, đã công chính hóa và thực sự đã canh tân con người. Thế nhưng, con người được công chính hóa, trong cả đời sống, phải liên lỉ cần đến ơn công chính nhưng không của Thiên Chúa. Họ cũng luôn luôn chịu ảnh hưởng đàn áp tấn công của quyền lực tội lỗi (cf Rm 6:12-14), và không tránh khỏi cuộc đối chọi kéo dài cả đời với những gì phản lại Thiên Chúa nơi các ước muốn vị kỷ của Adong xưa (cf Gal 5:16; Rm 7:7-10). Người được công chính hóa cũng phải xin Chúa hằng ngày thứ tha cho mình như trong Kinh Chúa Dạy (Mt 6:12; 1Jn 1:9), hằng được kêu gọi ăn năn cải thiện cùng thống hối, và hằng được nhận lại ơn Chúa thứ tha.

 

29.    Người Luthêrô cho thân phận của Kitô hữu này là một thân phận ‘vừa là chính nhân vừa là tội nhân’. Tín hữu hoàn toàn là con người chính trực, bởi Thiên Chúa thứ tha tội lỗi cho họ bằng Lời Chúa cũng như bằng Bí Tích, và ban cho họ đức chính trực của Chúa Kitô mà họ đáng được trong đức tin. Nơi Chúa Kitô, họ được nên người công chính trước nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhìn vào mình theo lề luật, họ nhận thấy rằng họ vẫn hoàn toàn là tội nhân. Tội lỗi vẫn sống trong họ (1Jn 1:8; Rm 7:17, 20), vì họ không thôi quay về với các ngụy thần và không kính mến Thiên Chúa bằng một tình yêu nguyên vẹn như Thiên Chúa là Đấng Dựng Nên họ đòi hỏi (Deut 6:5; Mt 22:36-40 pr.). Tình trạng phản nghịch với Thiên Chúa ấy thực là tội lỗi vậy. Tuy nhiên, quyền lực làm chủ của tội lỗi đã bị chế ngự bởi công nghiệp của Chúa Kitô. Tội lỗi không còn ‘làm chủ’ Kitô hữu nữa, vì chính nó đã bị Chúa Kitô là Đấng kẻ được công chính hóa gắn bó trong đức tin ‘làm chủ’ rồi. Bởi thế, trong cuộc sống này, Kitô hữu có thể sống công chính một phần nào. Cho dù tội lỗi, Kitô hữu vẫn không lìa xa Thiên Chúa, vì hằng ngày, trong việc trở về với phép rửa, con người đã được tái sinh bởi phép rửa và bởi Thánh Thần lại được thứ tha tội lỗi. Như thế, tội lỗi ấy không còn làm cho con người bị trầm luân hay bị chết đời đời nữa. Vậy, khi người Luthêrô nói rằng, những người được công chính hóa cũng là những tội nhân, và nói rằng tình trạng họ phản chống Thiên Chúa thực sự là tội lỗi, thì họ không phủ nhận là, dù có tội như thế, thành phần này vẫn không lìa xa Thiên Chúa và tội lỗi ấy là tội lỗi đã được ’làm chủ’. Theo những xác nhận này, cho dù có hiểu khác với người Công Giáo về tội lỗi nơi con người được công chính hóa, người Luthêrô cũng đồng ý với người Công Giáo Rôma.

 

30.    Người Công Giáo chủ trương rằng, ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ban cho khi lãnh nhận phép rửa tẩy sạch tất cả những gì là tội lỗi ‘theo đúng nghĩa của nó’ và là tội lỗi ‘đáng bị trầm luân’ (Rm 8:1). Tuy nhiên, con người vẫn còn một khuynh hướng hạ (đam mê) bởi tội mà ra và đẩy con người đến việc phạm tội. Vì, theo niềm tin Công Giáo, tội lỗi của con người bao giờ cũng dính dáng đến yếu tố cá nhân, và bởi yếu tố cá nhân này không có ở nơi khuynh hướng hạ ấy, nên người Công Giáo không cho rằng khuynh hướng hạ này là tội lỗi theo đúng nghĩa của nó. Họ không phủ nhận là khuynh hướng hạ này không xứng hợp với dự án nguyên thủy của Thiên Chúa về con người, và theo khách quan, nó nghịch lại với Thiên Chúa và vẫn là kẻ thù mà con người cả đời phải chống chọi. Người Công Giáo nhấn mạnh là, được ơn Chúa Kitô giải cứu, khuynh hướng hạ phản nghịch với Thiên Chúa này không đáng bị phạt chết đời đời, cũng như không tách lìa con người được công chính hóa khỏi Thiên Chúa. Thế nhưng, khi cá nhân con người tự ý tách mình lìa khỏi Thiên Chúa, thì việc họ tuân giữ lại các giới răn cũng chưa đủ, vì họ phải lãnh nhận ơn tha thứ và bình an nơi Bí Tích Hòa Giải qua lời xá tội lỗi của họ, căn cứ vào việc Thiên Chúa giải hòa trong Chúa Kitô.

 

(xin xem tiếp: 4.5- Lề Luật và Phúc Âm)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ