HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017

của Phái Đoàn Đại Diện Hội Thân Hữu Đồng Công Hoa Kỳ

 

Biên soạn: Đaminh Maria Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

Phần III

 

 

VIỆT NAM 2017 

 

 

 Một Ngày Thành Đô: Sài Gòn và Hà Nội 

 

Thành Phố Sài Gòn

Thủ Đô Hà Nội

 

 

 

Giữa Thành Đô Sài Gòn và Hà Nội. Phải, phái đoàn THĐC HK chúng tôi đã ở giữa Thành Phố Sài Gòn vào buổi tối đầu tiên khi chúng tôi vừa trở về Việt Nam, Thứ Sáu mùng 6/10/2017, và chúng tôi cũng ở giữa Thủ Đô Hà Nội vào buổi chiều ngày cuối cùng 16/10/2017, trước khi trở về Mỹ vào trưa ngày hôm sau 17/10/2017. Hai nơi được gọi chung thành một danh từ kép "Thành Đô" này: Thành Phố Sài Gòn và Thủ Đô Hà Nội, có thể nói là bộ mặt chính yếu của đất nước Việt Nam, cả về kinh tế và chính trị, sau 42 năm bị "giải phóng" và bắt "thống nhất".

 

Riêng cá nhân tôi, nếu vẫn còn chia đôi đất nước như trước năm 1975, Sài Gòn giờ đây còn văn minh hơn hiện nay, vẫn còn xứng đáng với danh xưng là "hòn ngọc viễn đông". Có thể so sánh Sài Gòn tân tiến như hay gần như Soul ở Nam Hàn hiện nay với Hà Nội chẳng khác gì như Bình Nhưỡng Bắc Hàn vậy. Thế nhưng, chính hiện trạng được tân tiến hóa của Thành Phố Sài Gòn và Thủ Đô Hà Nội hiện nay trước mắt tôi cũng cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã bị thế giới tư bản giải thể bởi nền kinh tế thị trường như ở thế giới văn minh Tây phương.

 

Sở dĩ, về tính chất tân tiến hóa theo thế giới Tây Phương tư bản cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã thật sự bị biến thể, (hơn là tự giải thể như ở Đông Âu năm 1989 và Liên Bang Sô Viết Nga năm 1991), nhưng về chế độ thì vẫn còn tiếp tục chính sách độc đảng, vẫn còn chủ trương tuyên truyền cùng xuyên tạc, vẫn còn đường lối đàn áp ác độc, là vì cái danh xưng cộng sản đã trở nên vô nghĩa vẫn còn đó, vẫn cần phải bám lấy nó cho thật chật để nhờ đó mới có thể mưu mô hưởng thụ theo cá nhân chủ nghĩa chẳng khác gì như thế giới Tây phương hiện nay.

 

 

 

Thành Phố Sài Gòn

 

Tối Thứ Sáu mùng 6/10/2017, phái đoàn THĐC HK chúng tôi được dẫn lên Thành Phố Sài Gòn để ngắm cảnh "hòn ngọc viễn đông" ngày xưa về đêm, được cho là Sài Gòn by night đẹp hơn ban ngày nhiều. Thế nhưng, trước khi lên tới Sài Gòn vào buổi tối, chúng tôi cần phải ghé ăn tối ở một tiệm thịt chó được cho là nổi tiếng, đó là quán thịt cầy Tư Thân 2 ở Trung Chánh, Quận 12 Sài Gòn.

 

 

 

 

 

 

 

Sau bữa thịt cầy mở màn và duy nhất trong cả chuyến đi, phái đoàn THĐC HK chúng tôi được dẫn đến tòa nhà cao nhất Thành Phố Sài Gòn là Bitexco Financial Tower. Lúc bấy giờ tôi đã ngủ được một giấc trên xe suốt đoạn đường từ quán thiạt chó tới cao ốc ngất ngưởng Sài Gòn này, vì cố gắng ăn thịt cầy, và để đề phòng bụng dạ lạ món, tôi đã phải uống bia, mà bia vốn là thuốc ngủ của tôi. Về bia thì anh em chúng tôi bảo nhau là uống bia lạnh chứ không uống bia đá, đề phòng nước không trong lành ở Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi, toàn đực rựa, tuổi từ nửa chừng xuân, từ 4 mấy tới 5 mươi (3 vị), đến quá lục tuần (6 vị), thậm chí vừa sát thất tuần (2 vị), được dẫn lên thượng tầng thứ 50 bằng thang máy, có người bảo tầng thứ 55, chưa tới tháp, (nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhà trọc trời 100 tầng, như ở Chicago Hoa Kỳ, nơi tôi đã cùng với gia đình lên tới vào mùa hè năm 1998, cách đây gần 20 năm). Tuy chúng tôi được dẫn lên tầng 50 hay 55 gì đó tối hôm ấy, không phải mất lệ phí tí nào như ở bên Mỹ, để nhờ đó ngắm cảnh trên cao tất cả Thành Phố Sài Gòn, nhưng với điều kiện là phái đoàn chúng tôi cần phải ngồi xuống ăn kem đàng hoàng, mỗi ly kem nho nhỏ chỉ mấy xúc là hết kèm theo chút bánh ngọt, được tính hơn kém 10 MK mỗi phần, còn đắt hơn cả lệ phí admission ở Mỹ nữa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Anh Thiên Khải đã cám ơn phái đoàn THĐC HK, vì nhờ phái đoàn mà lần đầu tiên trong đời tu và đời thường của mình, anh mới được lên tận Đỉnh Tabor Việt Nam cao tầng về đêm ở Sài Gòn như vậy! Trong phái đoàn đi ngắm cảnh Sài Gòn By Night tối hôm ấy còn có hai bậc vị vọng của Nhà Dòng và Nhà Mẹ, đó là Anh Tổng Vụ III (Đội VIII) đặc trách truyền giáo của dòng và Anh Thủ Quĩ (Đội XII) của Nhà Mẹ; Anh Nhất Tiến là tour guide củaphái đoàn chỉ bắt đầu nhập cuộc khi chuyến hành trình lên đường vào sáng Chúa Nhật mùng 8/10/2017.

Số tiền chi tiêu của mỗi anh em THĐC HK chúng tôi là 500 MK nộp chung cho Anh Thiên Khải tour host ngay sau bữa trưa Thứ Sáu 6/10/2017 tại Nhà Mẹ, là để chi xài cho vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ và di chuyển suốt cuộc hành trình, kể cả tiền thuê xe đưa đón chúng tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất về, và bữa thịt chó buổi chiều cùng bữa kem thượng đỉnh tối hôm ấy. Tôi đã luôn nhắc với chàng tour host Thiên Khải rằng "xin anh cứ chi ra, bao gồm cả vé máy bay của anh từ Hà Nội về Sài Gòn, thiếu bao nhiêu chúng em tiếp tục đóng góp tiếp cho đầy đủ". 

Thế mà cuối cùng vẫn còn dư 300 MK để giành làm tập kỷ yếu về chuyến hành trình lịch sử đầu tiên này của THĐC HK. Sở dĩ còn dư một chút trong tổng số 4,500 MK như vậy là nhờ một số bữa (trưa hay tối) được chính các giáo điểm của dòng khoản đãi (trưa Kontum, trưa Đà Nẵng, tối Thái Bình, tối Hưng Hóa, trưa Bắc Ninh v.v), hay được khoản đãi bởi anh chị em trong gia đình tận hiến Đồng Công Việt Nam mà tour guide Nhất Tiến quen biết ở một số nơi (như bữa điểm tâm ở Nha Trang, hay bữa tối và bữa sáng ở Cửa Lò Nghệ An v.v.), hoặc được một anh em trong phái đoàn bao thầu như Anh Phạm Cao Khiết vào bữa tiệc ly tối cuối cùng ở Hà Nội.

Nếu tính cả tiền máy bay khứ hồi hơn kém 7 trăm MK, tiền chi tiêu riêng ở Việt Nam 5 trăm MK, và tiền đóng góp truyền giáo chung, trung bình là 1 ngàn MK, thì tất cả hơn 2 ngàn MK một chút mỗi tham dự viên, còn rẻ hơn cả một chuyến du lịch hay hành hương Âu Châu hoặc Thánh Địa, cũng khoảng thời gian trên 10 ngày như nhau, nhưng giá gần như gấp đôi. Thật sự chuyến hành trình của phái đoàn THĐC HK năm 2017 bao gồm cả tính cách hành hương và du lịch: Hành hương ở chỗ đến kính viếng các giáo xứ và thánh đường tại chính các giáo điểm của dòng, bao gồm cả việc được tham dự vào sinh hoạt của giáo xứ, và du lịch ở chỗ tham quan quê hương đất nước thân yêu, bao gồm cả vùng trời thảm họa, từ nam ra bắc nói chung và Thủ Đô Hà Nội nói riêng.

 

 

Thủ Đô Hà Nội

 

 

Ở Thành Phố Sài Gòn, trung tâm kinh tế và thương mại của chúng Việt Nam hiện đại chỉ có thế, mờ ảo về đêm trước con mắt của chúng tôi từ đỉnh cao Việt Nam nhìn xuống, trong bóng tối lập lòe ánh đèn điện, không hoàn toàn hiện rõ cảnh vật như ban ngày. Thế nhưng, ở chính Thủ Đô Hà Nội, trung tâm về lịch sử, văn hóa và chính trị của Việt Nam, tất cả hình hài Việt Nam đã hiện lộ ngay giữa ban ngày, đáng gọi là "Một Ngày Thành Đô" (bao gồm cả Thành Phố Sài Gòn về đêm, và chắc có lẽ Thành Phố Sài Gòn đã được đổi tên thành Hồ Chí Minh từ ngày miền nam bị "giải phóng" và buộc phải "thống nhất" mà nó đã trở thành mờ tối chẳng rõ ràng gì nữa trước mắt quan sát của chúng tôi từ Mỹ về). Và "Một Ngày Thánh Đô" này đã trở thành Một Ngày Thủ Đô, khi chúng tôi tiến vào lòng của một Thăng Long thành hoài cổ với 36 phố phường ngày xưa chiều ngày Thứ Hai 16/10/2017. 

Vào năm 2006, cùng với gia đình, tôi có ghé qua Hà Nội, đã đến Nhà Thờ Hàm Long là nơi tôi được rửa tội 59 năm trước, được thấy tận mắt bể rửa tội, (vẫn còn ở cuối nhà thờ, bên phải từ cuối nhà thờ lên), nơi mà bấy giờ tôi được mẹ tôi bế ngửa, chẳng biết một sự gì, để vị linh mục Chánh Xứ hồi ấy là Cha Trịnh Như Khuê (sau này là vị hồng ý đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam năm 1976-1978) rửa tội cho. Sau khi viếng nhà thờ, tôi đã vào nhà xứ xin giấy rửa tội của tôi từ hồi ấy, vẫn còn. Ngoài ra, cũng vào lần về Việt Nam lần đầu tiên năm 2006 ấy, tôi còn ghé qua (trên xe chứ không xuống vào) Nhà Thương Phù Doãn, nơi tôi được mẹ tôi hạ sinh vào đời. Gia đình tôi cũng ghé Hồ Hoàn Kiếm và đến một quán (mà tôi quên mất tên quán này) nổi tiếng ở Hà Nội về tôm hay bánh tôm để ăn lại món danh bất hư truyền của họ, món tôi đã được bố của tôi dẫn đi thưởng thức trước năm 1954.

Vào năm 2016, đáng lẽ chiếc xe 45 chỗ ngồi của [hái đoàn 20 người trong Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương chúng tôi cũng dạo qua một vòng gọi là Hà Nội Tour, sau khi đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài vào trưa hôm 20/9/2016 và trước khi đưa chúng tôi lên Tam Đảo nghỉ đêm. Nhưng sợ trễ giờ và bị phạt, bởi quá giờ được phép, căn cứ vào vé mua trước ở Hà Nội, cho chiếc xe chở khách du lịch chúng tôi chạy vòng quanh tham quan, nhất là vào giờ cao điểm buổi chiều đông xe và kẹt xe. Bởi thế, tôi đã missed chuyến tham quan Thủ Đô Hà Nội năm 2016, cho đến năm 2017 này, khi đi với THĐC HK, một chuyến đi đưa tôi vào sâu trong lòng Hà Nội là sinh quán của tôi 69 năm trước.

Thật vậy, chuyến đi với THĐC HK năm 2017 này, chúng tôi đã thấy và ngắm Hà Nội một chút ở ngoại biên thủ đô này hai lần, trước khi tiến thẳng vào trung tâm thành phố: Lần đầu vào ngày Thứ Bảy 13/10 khi chúng tôi từ Giáo Xứ Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình tới giáo điểm Đồng Công Giáo Phận Hưng Hóa, và lần hai vào ngày Chúa Nhật 15/10 khi chúng tôi từ Nhà Khách Nữ Vương Hòa Bình trên đỉnh Tam Đảo về thăm anh em Đồng Công đang phục vụ ở Giáo Phận Bùi Chu.

 

Từ Thái Bình qua Hà Nội

 

(Tính về số cao ốc đã có và sắp có ở Thủ Đô Hà Nội thì, có thể nói, còn hơn cả ở downtown Los Angeles, nơi tôi vẫn hay tới, thành phố thứ hai của Hoa Kỳ, và ngang với Houston Texas, thành phố thứ tư của Nước Mỹ, chắc chắn không thể nào so với New York, thành phố đệ nhất Mỹ quốc, và Chicago, thành phố thứ ba của Hoa Kỳ)

(Hình như ở đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ cũng chẳng có một bưu điện nào như ở Thủ Đô Hà Nội Việt Nam ta)

 

Từ Tam Đảo qua Hà Nội

(Phái đoàn ghé ăn trưa và dồng thời mua vé để xe khách được phép vào Hà Nội trong thời gian từ 15-17/10/2017)

 

Khách Sạn Kim Liên Hà Nội

 

Chiều Thứ Hai 16/10, vào đến Hà Nội, trước hết chúng tôi đến ngay khách sạn Kim Liên để nhận phòng và cất hành lý, sau đó mới bắt đầu Hà Nội Tour vừa bằng xe ngắm phố vừa cuốc bộ xem đường, bao gồm Nhà Thờ Hát Lớn (Chính Tòa) của TGP Hà Nội, Hồ Tây, Thủ Phủ Hà Nội, Bữa Tối, Dạo Phố, Hồ Hoàn Kiếm v.v.

(Chung quanh khu vực của khách sạn Kim Liên)

 

Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội

Hà Nội Tour của phái đoàn THĐC HK chúng tôi bắt đầu thì trời cũng trở nên âm u ướt át. Chúng em đã thuê hai chiếc taxi, một xe 5 người và một xe 7 người, để tới kính viếng Nhà Thờ Chính Tòa TGP Hà Nội. Sau đó tham quan Hồ Tây, rồi từ Hồ Tây nhìn từ trên xe khu trung tâm quyền lực của Việt Nam (Quốc Hội, lăng bác Hồ v.v.). Ghé ăn tối, rồi đi dạo phố và cuối cùng ghé Hồ Hoàn Kiếm.

(Tượng Chị Thánh Têrêsa Nhỏ qua đời ở trong cuối nhà thờ, vì chị ước ao sang Nhà Kín Hà Nội mà không thành)

(Trong nhà thờ bấy giờ không có điện, ở bên ngoài trời lại âm u, nên nội cung nhà thờ nhuốm mầu sắc mờ tối)

(mấy anh em chúng tôi trong phái đoàn đã rủ nhau trở lại - ngược chiều xe taxi chở tới - địa điểm Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ đã trở thành vườn hoa của thủ đô Hà Nội, một vụ liên quan đến ĐTGM Ngô Quang Kiệt)

  

  

(Khu vườn này là chính vị trí Tòa Khâm Sứ ngày xưa bị chính quyền cưỡng bức chiếm lấy và sau đó biến cải)

(Dòng Mến Thánh Giá Địa Phận ở bên kia đường đối diện với Tòa Khâm Sứ xưa nay đã biến thành vườn hoa)

 

Hồ Tây ở Hà Nội

(Từ Nhà Thờ Chính Tòa lên Hồ Tây, chúng tôi phải qua một khu phố, nhờ đó, riêng tôi nhìn thấy lại được Cầu Gia Lâm, chiếc cầu mà vào Tháng 7/1954, 63 năm trước, gia đình tôi đã từ Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà Ấp lên phi trường Gia Lâm theo giòng người di cư vào nam bằng đường máy bay. Qua một thời gian dài như vậy mà chiếc cầu này vẫn không được sửa sang, và thực sự đã trở thành một cổ vật hiếm quí ghi vết lịch sử của một đất nước từ khi chia đôi đất nước 1954 cho tới cả sau khi "thống nhất" đất nước sau 1975)

 

Thủ Đô Hà Nội

(Khu vực này là trung tâm quyền lực chính trị của đảng cộng sản Việt Nam,

bao gồm tòa nhà quốc hội, thậm chí cả lăng bác hồ)

(Chiều hôm ấy, từ trên xe, chúng tôi thấy xuất hiện một đoàn dân chúng đang kéo nhau đi biểu tình...)

(liền ngay sau đó, chúng tôi thấy một chiếc xe búyt đi cùng chiều với chúng tôi quay đầu lại, tiến về phía họ...)

(chúng tôi suy đoán là chiếc xe này được lệnh đến hốt tất cả thành phần biểu tình 6on hòa này lên xe...)

(lăng bác hồ chủ tịch muôn năm của đảng cộng sản Việt Nam,

với thân xác được ưóp được bảo là giả, không phải là của bác)

 

Bữa Tối Hà Nội

 

 

Phố Đêm Hà Nội

 

Hồ Hoàn Kiếm by night

Thì ra Ngày Thành Đô của chúng tôi ở Thành Phố Sài Gòn Thứ Sáu 6/10 và ở Thủ Đô Hà Nội 16/10, đều mở màn (ở Sài Gòn) và kết thúc (ở Hà Nội) đều vào đêm. Một đêm từ đỉnh cao nhìn xuống (Sài Gòn) và một đêm từ bờ hồ (Hà Nội) lấp lánh bóng đêm nhân tạo. Phải chăng đó là dấu chỉ cho thấy quê hương đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi, cho dù có tân tiến và mỹ lệ mấy chăng nữa, nhưng vẫn mập mờ trong bóng tối tăm, nên vẫn đang đợi chờ một bình minh rạng ngời, để nhờ đó có thể tỏ hiện nguyên hình dạng tuyệt vời của mình trong ánh sáng văn minh yêu thương và văn hóa sự sống....

Đó là lý do trong chuyến Hành Hương Thời Điểm Maria 2017 để mừng kỷ niệm bách chu niên 100 năm Thánh Mẫu Fatima, Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương đã cùng nhau hiến dâng Nước Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngay vào chiều mưa ngày 13/5/2017, đúng thời điểm 100 năm sau Mẹ Maria hiện ra ở Fatima, và ở ngay tại quê hương đất nước Việt Nam tang thương yêu dấu, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, cùng một ngày 13/5/2017 này, cũng đã thực hiện việc hiến dâng như thế tại Đan Viện Xitô Nho Quan Ninh Bình.

Trong cả chuyến hành trình Hành Hương Thời Điểm Maria 2017 với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương 13 ngày (10-22/5/2017), cũng như cuộc Hành Trình Truyền Giáo Về Nguồn Đồng Công Việt Nam 2017 với phái đoàn THĐC HK 2 tuần (4-17/10/2017), ngày nào cũng thế, vào ban sáng, đang khi xe chạy, chúng tôi cũng cầu kinh Mân Côi 50, kết thúc bằng bài "Mẹ ơi đoán thương xem Nước Việt Nam... Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, Nước Việt Nam qua phút nguy nan", và vào ban chiều, kết thúc Chuỗi Kinh Thương Xót lúc 3 giờ, chúng tôi không quên hướng về Chúa bằng bài "Giêsu, chúng con tới đây sấp mình, chân thành dâng Chúa tấm lòng thờ kính. Toàn dân chung tiếng hoan ca dâng lời tôn vinh. Chúa ơi hãy ban xuống cho Việt Nam thanh bình... Thánh Tâm Giêsu là Vua đất Việt muôn đời".

Việc cầu nguyện cũng như việc hiến dâng Nước Việt Nam cho Trái Tim Mẹ Maria đã được Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, vị linh mục sáng lập dòng Đồng Công, thực hiện ngay trong dòng của ngài, và các tu sĩ môn sinh của ngài vẫn tiếp tục truyền thống này vào mỗi Ngày Thánh Mẫu hằng năm, do chi dòng của ngài tổ chức vào cuối tuần đầu Tháng 8 hằng năm, đặc biệt là năm 2017, kỷ niệm 40 năm Ngày Thánh Mẫu (từ 1978) và 100 Năm Fatima, có tới 3 vị giám mục Mỹ (chưa từng thấy) tham dự cùng hiệp dâng với chi dòng và toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam hải ngoại, (như hình ảnh được người viết chụp tại chỗ sau đây):

Kinh hiến dâng Nước Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria hằng năm được đọc vào lúc kết thúc cuộc Cung Nghinh Thánh Tượng Mẹ Fatima Thánh Du Quốc Tế, một thánh tượng đã đến viếng thăm Việt Nam từ năm 1965 đến 1967, và đã ở một chỗ tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima cho đến khi được Chi Dòng Đồng Công, qua vị giám tỉnh tiên khởi Barnabê Nguyễn Đức Kiên, thỉnh xin và tháp tùng từ Fatima về cho Ngày Thánh Mẫu 1984, nguyên văn bản kinh được cộng đồng dân Chúa Việt Nam đọc vang trời bấy giờ trước khi lá cờ Thánh Mẫu và cờ Việt Nam được bóng bóng kéo bay lên bầu trời của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ này như sau:

 

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,

chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng trông cậy chạy đến cùng Mẹ

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ chúng con.

Mẹ là Nữ vương toàn năng, là Đấng Bầu Cử cho chúng con trước tòa Chúạ

Biết bao lần Mẹ cứu vãn Giáo hội và các dân tộc trong cơn nguy biến.

Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Me, để thực hành mệnh lệnh của Mẹ và đê nhờ Mẹ che chở phù trì ngày nay và mãi mãi!

Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam.

Xin Mẹ soi sáng hàng giáo phẩm, dìu dắt và thánh hóa các linh mục.

Xin Me giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ.

Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh em của chúng con đang phải khốn khó vì Đạo Chúạ

Xin Mẹ chúc lành cho Tổ Quốc Việt Nam.

Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc.

Xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc gia.

Xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết để cùng nhau xây dựng lại giang sơn.

Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn cộng sản vô thần,

để mọi người được sống trong tự do hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ

và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành khẩn kêu đến Mẹ,

vì chúng con biết Mẹ sẽ nhận lời chúng con,

và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng.

Amen.

 

 

Hẹn ngày tái ngộ quê hương Việt Nam thân yêu của tôi vào tháng 10/2018 với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương và 10/2019 với Gia Đình Tận Hiến Đồng Công!

 

 

 

Phần Một

 

Hành Trình Truyền Giáo 

 

Nhập Cuộc Hành Trình

1- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Kontum: Trụ Sở Truyền Giáo Đồng Công và Giáo Điểm Đắc Pơ Gia Lai

2- Giáo Điểm Đồng Công Giáo Phận Đà Nẵng: Giáo Xứ Thuận Yên và Giáo Họ Phú Quí Quảng Nam

3- Giáo Điểm Đồng Công GP Thái Bình: Trụ Sở Truyền Giáo ĐC, Giáo Họ Đức Long và Giáo Họ Văn Yên

4- Giáo Điểm Đồng Công GP Hưng Hóa: Giáo Xứ Trại Sơn, Trụ Sở Truyền Giáo và Giáo Họ Đá Mài

5- Giáo Điểm Đồng Công GP Bắc Ninh: Giáo Xứ Đại Điền, Trụ Sở Truyền Giáo và Giáo Xứ Văn Thạch 

 

 

Phần Hai

 

Về Nguồn Đồng Công 

 

6- Nhà Mẹ Dòng Đồng Công Thủ Đức Tổng Giáo Phận Gài Gòn 

7- Nhà Đá Giáo Phận Qui Nhơn và 50 Năm Khấn Dòng Đội IX

8- Đồng Quan Giáo Phận Thái Bình

9- Giáo Phận Bùi Chu

 10- Liên Thủy và Trung Lễ Giáo Phận Bùi Chu  

 

Phần Ba

Việt Nam 2017

 11- Vùng Trời Thảm Họa: Formosa Hà Tĩnh, Khuyết Tật Nghệ An, Lũ Lụt Thanh Hóa

12- Một Ngày Thành Đô: Sài Gòn và Hà Nội

Về Một Chuyến Đi